200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai

Nguyễn Quang Ngọc

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2025

Ngày 17 tháng 02 năm Giáp Tý (28-3-1804), tên nước Việt Nam chính thức ra đời, khẳng định tâm thế của một nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tương tự như ngày nay và mở ra một tương lai phát triển mới của quốc gia dân tộc Việt Nam. Ngày 15-6-2024, tại Hà Nội, kỷ niệm 220 năm sự kiện trọng đại này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự hỗ trợ của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất: “Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam”. Hôm nay, tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại có cơ hội được hợp tác với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia 200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai. Cho phép chúng tôi được thay mặt cho những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của cả nước trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh An Giang, các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang đã dành nhiều thời gian, công sức cho công việc có ý nghĩa đặc biệt này.

Bản đồ Nam kỳ Lục tỉnh (Basse Cochin Chine) nhà Nguyễn thời độc lập trước năm 1861. Đường biên giới giữa Vương quốc Campuchia của người Khmer với Nam kỳ Lục tỉnh, chạy song song cách xa kênh Vĩnh Tế với một vùng đất nằm kẹp ở giữa trong phần lãnh thổ Nam kỳ lục tỉnh. Nguồn: Victor Duvernoy – http://gallica.bnf.fr/ ark:/12148/bpt6k58483061/f51.zoom

Kênh Vĩnh Tế nắm giữ vị thế trọng yếu trong lịch sử mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam. Đây là vùng đặc trưng của văn hóa Óc Eo, vùng đất gốc, minh chứng rõ nhất quá trình ra đời và biến đổi của vương quốc Phù Nam. Theo quan điểm tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam thì bước vào thời đại đồ sắt, trên phạm vi đất nước ta hiện nay, đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn dẫn đến sự ra đời của ba loại hình nhà nước đầu tiên là Văn Lang – Âu Lạc ở phía Bắc, Sa Huỳnh – Chămpa ở miền Trung và Phù Nam ở miền Nam. Tuy thời điểm ra đời có sớm muộn cách nhau vài ba thế kỷ, nhưng cả ba loại hình nhà nước này đều được xếp chung vào thời đại dựng nước, đều góp phần tạo lập hình hài đầu tiên của nước Việt Nam ta và miền Tây Nam bộ, trong đó có khu vực kênh Vĩnh Tế hoàn toàn nằm trong phạm vi của đất nước thuở mới sinh thành, mà Đề án xây dựng Hồ sơ Khu di tích Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới mới được Chủ tịch tỉnh An Giang phê duyệt là một minh chứng rất xác đáng. Đến thế kỷ VII, đế chế Phù Nam suy yếu và bị Chân Lạp thôn tính trở lại, vùng đất gốc của Phù Nam trên danh nghĩa thuộc về Chân Lạp, nhưng trong thực tế lại không được tổ chức, quản lý một cách thật sự và gần như trở thành vô chủ. Đến thế kỷ XVII, trong xu thế phát triển chung của quốc gia, dân tộc, vùng đất Nam bộ đã trở thành miền đất hứa vô cùng hấp dẫn cho cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đang phát triển, đặc biệt ở vùng Thuận Quảng. Chúa Nguyễn đã khéo kết hợp chính sách khuyến khích khai hoang với xác lập và thực thi chủ quyền, nhanh chóng biến vùng đất hoang hóa đến tột cùng này thành một vùng kinh tế – xã hội năng động. Chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam bộ, trong đó có vùng kênh đào Vĩnh Tế, ngay từ thế kỷ XVII, XVIII đã thực sự, trọn vẹn, không có tranh chấp và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

Mảnh còn lại của bia Tân Lộ Kiều Lương. (Nguồn:https://phongtauhu.wordpress. com/2016/04/09/ chau-doc-tan-lo-kieuluong-ky-1828/)

Kế tục truyền thống của các đời chúa Nguyễn trước đây, Hoàng đế Gia Long là người hiểu hơn ai hết vị thế trọng yếu của Châu Đốc – Hà Tiên trong chiến lược xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam. Ông cho rằng: “Châu Đốc, Hà Tiên bờ cõi không kém Bắc Thành”[i], có nghĩa là vùng biên giới Châu Đốc – Hà Tiên quan trọng không kém cố đô, kinh đô, trung tâm đầu não hàng nghìn năm của đất nước. Đấy là lý do mà từ năm 1816, đồng thời với việc tuyên bố chủ quyền tuyệt đối ở Hoàng Sa – Trường Sa là việc ông cho xây dựng kế hoạch đào kênh Vĩnh Tế, vì “đất này [đất Châu Đốc] mở đường sông để đi thẳng đến Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này, dân đông đúc, đất mở rộng rãi có thể thành một trấn to lớn”[ii]. Ông đã bỏ ra ba năm nghiên cứu, khảo sát, xây dựng kế hoạch, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của triều đình và dân chúng ở cả Việt Nam và Chân Lạp, huy động nhân lực, vật lực, tinh thần, vật chất, kỹ thuật, hậu cần,… hết sức tỷ mỉ, chu đáo. Ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (30-01-1820), chương trình đào kênh Vĩnh Tế chính thức được khởi công[iii].

Trên danh nghĩa kênh Vĩnh Tế được đào trong 5 năm (1820-1824), nhưng trong thực tế chỉ triển khai trong 3 năm (1820, 1823, 1824), mỗi năm một đợt, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng, tổng số khoảng 10 tháng. Cụ thể, đợt thứ nhất: 3 tháng, bắt đầu từ 30-01-1820; đợt thứ hai: 3 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 3-1823 và đợt thứ ba: 4 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 3-1824. Tổng số cả 3 đợt đã huy động gần 80.000 nhân công. Toàn bộ chủ trương, kế hoạch, cơ sở vật chất, hậu cần, tiền công và lương thực thực phẩm,… đều được cung cấp từ quốc khố của triều đình nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh). Các báo cáo trong hội thảo đều thống nhất khẳng định: Kênh đào Vĩnh Tế hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Việt Nam, do triều đình nhà Nguyễn chủ trương, tổ chức lập kế hoạch, thiết kế, thi công và đặt tên. Kênh đào đã hoàn thành từ nửa thế kỷ trước khi người Pháp tới xâm chiếm Việt Nam. Điều này được chính quyền Chân Lạp thời kỳ đó và chính quyền Pháp công nhận. Trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế, có một số lượng khá đông dân phu Cao Miên tham gia dưới sự giám sát của người An Nam, song họ không phải là lực lượng chủ thể, không giữ vai trò quyết định. Kênh Vĩnh Tế là sản phẩm sáng tạo, kết tinh ý chí và nghị lực phi thường chinh phục thiên nhiên, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, mở rộng giao thông, giao thương, tăng cường nguồn lực quốc phòng, giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ của triều Nguyễn và nhân dân Nam bộ Việt Nam. Kênh Vĩnh Tế nằm trong vùng biên giới, nhưng không phải là kênh biên giới, cũng không có đoạn nào trùng khít với đường biên giới đã được xác định, thể hiện một cách đầy đủ, rõ ràng, chuẩn xác tư duy chiến lược, tầm nhìn vượt thời gian và trách nhiệm cao cả của các vị vua đầu triều Nguyễn nâng tầm vai trò, vị thế của vùng biên giới cực Tây Nam trong lịch sử vương triều Nguyễn và trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài, các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các công trình, tác phẩm đã được xuất bản từ hàng chục năm nay, đặc biệt là cuộc hội thảo Lịch sử phát triển kinh Vĩnh Tế ngày 11-10-1999 dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Kiệt, có thể xem câu chuyện lịch sử kênh Vĩnh Tế trên cơ bản đã sáng rõ. Hội thảo lần này vì thế không tập trung cao vào khảo tả lịch sử đào kênh Vĩnh Tế, nhưng nhiều tác giả vẫn đi sâu khai thác, hệ thống các nguồn tư liệu thư tịch cổ đương đại như các sách Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Châu bản triều Nguyễn, các sách địa chí, địa bạ, các gia phả, văn bia, bản đồ, các di tích, truyền thuyết, các dấu tích còn lại trên mặt đất và trong lòng đất thuộc địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Một số tác giả còn mở rộng khai thác các nguồn tư liệu liên quan ở Campuchia và nguồn tư liệu lưu trữ ở Pháp… nên nhiều những nhận xét và đánh giá của các bài viết tham gia hội thảo khoa học lần này khách quan, toàn diện và có sức thuyết phục hơn.

Sau 200 năm nhìn lại, mục tiêu chủ yếu của cuộc hội thảo khoa học lần này là phải nhận diện chuẩn xác các giá trị lịch sử – văn hóa của kênh Vĩnh Tế để làm cơ sở định hướng tương lai phát triển của dòng kênh lịch sử này. Tiến sĩ Ngô Quang Láng trong Báo cáo đề dẫn đã phân ra thành 2 chủ đề chính của cuộc hội thảo là “Phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế trong giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới và phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực tứ giác Long Xuyên”và “Kênh Vĩnh Tế hướng tới tương lai”. Chúng tôi đồng ý với cách sắp xếp trên, nhưng cũng xin được giải thích là sự phân chia thành hai chủ đề cũng chỉ là tương đối, vì trong thực tế hầu hết các bài viết đều có đề cập đến cả hai chủ đề này. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bên cạnh phương pháp sử học thực chứng thông qua khai thác triệt để các nguồn tư liệu, mô tả và nhận xét 3 đợt đào kênh Vĩnh Tế trên cơ sở tư liệu phong phú và xác thực, trong cuộc hội thảo lần này, các tác giả đã chủ động mở rộng cả không gian và thời gian nghiên cứu, không bó gọn trong phạm vi hẹp của dòng kênh, mà đặt kênh Vĩnh Tế trong không gian rộng lớn của tứ giác Long Xuyên, trong cả dòng chảy lịch sử – văn hóa từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến tận ngày nay của vùng biên giới Tây Nam. Để làm được điều này, các tác giả đã vận dụng đồng thời, hiệu quả phương pháp sử học thực chứng với các phương pháp tiếp cận tổng hợp, liên ngành, đa ngành, phương pháp điều tra khảo sát thực địa, cùng các phương pháp nghiên cứu đặc thù về địa lý, môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa và gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển. Chúng tôi vui mừng nhận thấy trong cuộc hội thảo hôm nay bên cạnh các nhà sử học là các chuyên gia của nhiều lĩnh vực chuyên môn khác như kinh tế, văn hóa, địa lý, môi trường; các nhà lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn dạn dầy kinh nghiệm,… Hội thảo khoa học quốc gia 200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai là hội thảo của các chuyên gia thuộc nhiều ngành khoa học, một hội thảo khoa học liên ngành, cùng tập trung thảo luận tìm ra các giá trị vĩnh viễn, những biến đổi nâng tầm giá trị, định hướng tương lai và con đường phát triển của dòng kênh Vĩnh Tế.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát trên sông Châu Đốc năm 1997. Ảnh:Tư liệu

Kênh Vĩnh Tế ngay từ khi mới ra đời đã nâng cao vị thế của Châu Đốc – Hà Tiên, kéo toàn bộ vùng biên cương Tây Nam xa vào guồng phát triển chung của đất nước, đúng như Lời dụ bộ Hộ của Hoàng đế Minh Mệnh: “Châu Đốc là đất trọng yếu ở biên thùy, trước đã sai Nguyễn Văn Thụy chiêu dân khẩn hoang lập thành thôn ấp, lại chi ra tiền gạo cho vay để làm tư bản, nhiều lần rộng nới niên hạn, không đủ sức nộp trả thì lại gia ơn miễn cho không đòi. Thật là muốn đất không bỏ hoang, dân có nghề nghiệp để lấy người giữ bờ cõi, đó cũng là một điều quan trọng về việc biên phòng”[iv]. Lời dụ và những chính sách ưu đãi của Hoàng đế Minh Mệnh thể hiện sự quan tâm và chăm lo gây dựng vùng đất Châu Đốc – Hà Tiên đến từng chi tiết của triều đình nhà Nguyễn. Đây chính là bài học lớn để con cháu đời sau noi theo. Từ đó đến nay đã tròn 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế đã trở thành dòng sông Thiêng, dòng sông Mẹ, dòng chảy chủ đạo, trục trung tâm của mọi hoạt động giao thông, giao thương, kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng biên giới cực Tây Nam Việt Nam, dòng sông của những chiến công, của những kỳ tích anh hùng giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Kênh Vĩnh Tế, vì thế, đã trở thành dòng kênh di sản vô cùng phong phú, độc đáo như các cụm di tích Núi Sam, núi Két – Nhơn Hưng, Ba Chúc – Lạc Quới, Giang Thành – Đông Hồ,… với những phong tục tập quán, tâm linh, tín ngưỡng, đời sống văn hóa vật chất, đời sống văn hóa tinh thần riêng có và chỉ có ở vùng biên giới Tây Nam của tổ quốc Việt Nam.  

Nội dung “Phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế trong giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng khối đoàn kết tộc người – dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới và phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực tứ giác Long Xuyên” đã có 30 báo cáo được giới thiệu trong 277 trang kỷ yếu. “Kênh Vĩnh Tế hướng tới tương lai” là nội dung thứ hai gồm 21 báo cáo, trình bày trong 178 trang kỷ yếu. Hội thảo đã nghe 8 báo cáo toàn văn và 4 ý kiến phát biểu đều tập trung làm rõ các nội dung này. Từ nhiều góc nhìn và nhiều cách tiếp cận khác nhau, tất cả các báo cáo và các ý kiến nhận xét bổ sung trên căn bản đều thống nhất. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của 50 báo cáo được in trong kỷ yếu, 8 báo cáo trình bày toàn văn và 4 ý kiến phát biểu tại hội thảo và xin phép không bàn thêm nữa, mà chỉ xin được nói rõ mấy ý sau:

Thứ nhất: Đặc biệt đề cao giá trị lịch sử – văn hóa của kênh Vĩnh Tế, chúng ta không thể không tìm mọi cách để bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Nhưng muốn bảo tồn đúng và phát huy được đầy đủ giá trị của kênh Vĩnh Tế, chúng ta cần và rất cần phải có một chương trình nghiên cứu thật sự bài bản về kênh Vĩnh Tế, trong toàn bộ không gian và thời gian ảnh hưởng và tác động của nó, trong đó yêu cầu tiên quyết là phải xây dựng cho bằng được bộ cơ sở dữ liệu (đặc biệt là tư liệu gốc và nguyên gốc) một cách đầy đủ và chuẩn xác.

Thứ hai: Kênh Vĩnh Tế với các giá trị lịch sử – văn hóa của nó đã được khẳng định là tài sản quý giá quốc gia (như đề xuất của GS Nguyễn Ngọc Trân), hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, kênh Vĩnh Tế cả trên hai địa bàn An Giang và Kiên Giang đều chưa được công nhận là di tích cấp tỉnh. Chúng tôi rất mừng là các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của An Giang và Kiên Giang đều có mặt trong hội thảo và như thế sẽ rất thuận lợi cho việc xây dựng hồ sơ Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh về Kênh Vĩnh Tế trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang ngay trong năm 2024 này.

Thứ ba: Trên cơ sở Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận, cả An Giang và Kiên Giang cần chung tay góp sức xây dựng Hồ sơ Di tích cấp Quốc gia và/ hay cấp Quốc gia đặc biệt. Kênh Vĩnh Tế với các giá trị nổi bật toàn cầu của nó, cũng có nhiều khả năng sẽ trở thành Di sản Văn hóa thế giới, nhưng đây là câu chuyện rất lớn và rất khó, mà chỉ có thể bàn sâu, bàn kỹ sau khi kênh Vĩnh Tế đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

PGS.TS Trần Đình Thiên, dưới góc nhìn Kinh tế học cho rằng việc đào kênh Vĩnh Tế là sứ mệnh quốc gia cao cả, là ý tưởng khác thường, là ý chí sắt đá và là nỗ lực phi thường của dân và của nước, của triều đình nhà Nguyễn và của nhân dân Nam bộ. Kênh Vinh Tế đã góp phần mở rộng không gian phát triển cả về phạm vi lẫn cơ hội, định hình, củng cố bản sắc văn hóa sông nước và bản lĩnh của người dân miền Tây Nam bộ. Thông qua chương trình phát triển kênh Vĩnh Tế, hai tỉnh An Giang – Kiên Giang phải trở thành hình mẫu sinh thái xanh của cả nước. Dòng kênh Vĩnh Tế phải trở thành mẫu mực hợp tác – hữu nghị, trở thành dòng kênh vĩnh cửu của một vùng biên giới quốc gia hòa bình và thịnh vượng.

“Ôn cố nhi tri tân”, chỉ trong khoảng thời gian 4 tiếng, chúng ta đã “ôn cố” tường minh và “tri tân” sáng rõ. Toàn bộ mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc hội thảo đã được thực hiện đầy đủ, chuẩn xác. Cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia 200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai thực sự là một bước tiến mới về nhận thức, về tầm nhìn và mở ra một tương lai phát triển của dòng kênh Vĩnh Tế. Chúng tôi đề nghị thành phố Châu Đốc, Hội Khoa học Lịch sử An Giang, tỉnh An Giang, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu về kênh Vĩnh Tế và kết quả của cuộc hội thảo hôm nay. Kỷ yếu của cuộc hội thảo sớm được biên tập và xuất bản thành sách phục vụ nhu cầu của đông đảo bạn đọc.


[i] Đại Nam thực lục, t.1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.946.

[ii] Đại Nam thực lục, t.1, Sđd, tr.940.

[iii] Sách Đại Nam thực lục cho biết “đến tháng 12 (từ 16-1-1820 đến 13-2-1820) khởi công đào”, nhưng sách Gia Định thành thông chí cho biết cụ thể hơn ngày khởi công là 15 tháng 12 (30-1-1820).

[iv] Đại Nam thực lục, t.3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.88.

Bài liên quan

Bài đăng mới