Cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng vào năm 1999 đến năm 2024 vừa tròn 25 năm.
Mục tiêu của cuộc vận động là kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để đúc tượng các danh nhân nhằm vinh danh và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Qua 25 năm, số tượng được đúc theo tổng kết sơ bộ đã đạt được hơn 100 bức. Các tượng này chủ yếu là tượng đồng, được đặt tại các di tích, nhà thờ họ, đền tưởng niệm và trường học trên khắp cả nước.

1- Nguyên nhân ra đời cuộc vận động
Về sự ra đời cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, ông Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, người có ý tưởng khởi xướng cuộc vận động này cho biết: Theo tập quán truyền thống, người xưa thường cho đúc tượng đồng và khắc bia đá ghi công trạng của những người có công lao to lớn với đất nước. Thời nay, ngoài tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như là biểu tượng chung đã được nhà nước quan tâm xây dựng nhiều, ông Quốc thấy rằng không thể để “lịch sử vô nhân xưng” mà quên đi rất nhiều khuôn mặt lẫy lừng khác… Nhưng ban đầu, ông Quốc cũng chưa hình dung ra được là làm cách nào và lấy kinh phí từ đâu để thực hiện ý tưởng này. Vì vậy, ông Quốc đã bày tỏ với những vị lão thành mà do nghề nghiệp ông thường tiếp xúc thì nhận được một lời khuyên rất tâm đắc của các cụ cựu hội viên Hội Truyền bá Quốc ngữ, rằng: Hồi xưa, khi phát động việc truyền bá Quốc ngữ, các cụ cũng đặt ra câu hỏi tương tự, vì làm gì có trường sở, thầy giáo, sách vở,… thậm chí cục phấn cũng phải mua. Thế là cụ Nguyễn Văn Tố và các cụ khởi xướng đã kêu gọi: Ai có gì góp nấy, người có chữ hay có nghề lại có thời gian rảnh rỗi thì đứng lớp dạy học, người có phòng trống thì cho mượn làm lớp học, người hằng tâm hằng sản thì góp tiền… Từ đó mà làm nên cả một cơ đồ.
Từ lời khuyên đó, ông Dương Trung Quốc và các cộng sự ở Tạp chí Xưa và Nay đã vận dụng vào ý tưởng của mình, đưa ra cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”.

2- Bức tượng đồng đầu tiên
Cụ Nguyễn Văn Tố từng là Hội trưởng Hội Trí Tri và Hội Truyền bá Quốc ngữ rồi được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội đầu tiên) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là một trí thức yêu nước thương dân, một học giả uyên bác, đồng thời cũng là một nhà sử học tiền bối. Cụ là một liệt sĩ có chức vụ cao nhất trong lịch sử nhà nước ta đã hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì thế, năm 1999, trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cụ, Tạp chí Xưa và Nay đã quyết định thực hiện bức tượng đồng đầu tiên của chương trình là chân dung cụ Nguyễn Văn Tố để hiến tặng cho ngôi trường mang tên cụ ở 47 phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi vốn là trụ sở Hội Trí Tri khi xưa.
Tiếp theo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của chí sĩ, nhà yêu nước Phan Bội Châu (1940-2000), được sự đóng góp hào hiệp của báo An ninh thế giới và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ nhuận bút bài viết trên Tạp chí Xưa và Nay) cùng nhiều cá nhân khác, tượng cụ Phan đã được tặng cho Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở xã Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.



3- Những câu chuyện thú vị phía sau những bức tượng
Biết chúng tôi tìm hiểu về cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, ông Nguyễn Hạnh – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay phụ trách phía Nam – cho biết, với ông, cuộc vận động này đã để lại cho ông nhiều câu chuyện mang tính tâm linh rất thú vị cùng với những kỷ niệm sâu sắc khó quên.
* Câu chuyện thứ nhất: Đúc tượng Tả quân Lê Văn Duyệt tặng Lăng Ông.
Ông Nguyễn Hạnh kể, mùng 2 Tết Đinh Hợi (2007), ông đi viếng Lăng Ông ở Bà Chiểu, nhìn thấy trong
lăng chỉ thờ hình vẽ chân dung Đức Tả quân, không có tượng thờ. Ra về, ông gặp các vị trong Ban Quý tế đề đạt chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” sẽ phụng hiến một pho tượng ngài Tả quân để thờ trong lăng.
Ba ngày sau, ngày mùng 5 tháng Giêng, nhân kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, Hội Đồng hương Bình Định tổ chức gặp mặt đầu Xuân, tại đây, ông Nguyễn Hạnh gặp ông Bành Quang Huệ, một người Bình Định là Giám đốc Công ty Trung Sơn. Sau khi nghe ông Hạnh trình bày nguyện vọng, ông Huệ đã phát tâm phụng hiến pho tượng đồng Tả quân Lê Văn Duyệt nặng 3,5 tấn với số tiền 5 tỉ đồng. Bức tượng do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện mô tả Ngài Tả quân trong tư thế ngồi, tay cầm kiếm thế hoành, áo mão phẩm phục oai nghiêm. Khuôn mặt Tả quân dựa theo tranh vẽ chân dung Lê Văn Duyệt trên tờ tiền Việt Nam Cộng hòa 200 đồng phát hành năm 1966. Đó là một người đàn ông có khuôn ái nam ái nữ, đầu đội mũ, mang trang phục một võ tướng triều Nguyễn, một hình ảnh quen thuộc và gần gũi với nguời dân Nam bộ. Bức tượng đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao 2,65m, nặng 3,5 tấn, do các nghệ nhân Huế đúc và được làm lễ khánh thành vào sáng 04-2-2008 (28 Tết Mậu Tý).
Về việc an vị pho tượng cũng gian truân không kém. Ông Trần Văn Sung, Trưởng ban Quý tế Lăng Ông cho biết, tượng được nhập lăng vào khuya 31-01, rạng sáng ngày 01-02-2008. Để xe cẩu có thể đưa bức tượng đồng nặng 3,5 tấn vào an vị ở vị trí như hiện nay, ông đã phải quyết định cho gia cố lại nền móng Thượng Công linh miếu là nơi thờ cúng Đức Ông.
* Câu chuyện thứ hai: Đúc tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Theo nguyện vọng của tỉnh Bến Tre, quê hương Trương Vĩnh Ký, cuộc vận động đưa vào chương trình đúc một bức tượng cụ hiến tặng cho quê hương. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đã lên phác phảo, rồi thực hiện các bước để chuẩn bị mang đi đúc đồng. Nhưng ông Nguyễn Hạnh cảm thấy trong lòng chưa được yên tâm lắm. Nhiều buổi sáng sớm, trước khi đi làm, ông Hạnh chạy từ nhà ở đường Lê Văn Sĩ lên xưởng của ông Hạng ở số nhà 25/8, đường Cây Trâm (nay là 389 Nguyễn Văn Khối), Gò Vấp, đứng ngoài đường ngắm nghía phác thảo bức tượng đang được thực hiện ở trong sân. Ông Hạnh thấy chưa ưng ý và muốn thay đổi nhưng chưa tìm được hướng ra. Một buổi sáng chủ nhật, như có sự “xui khiến”, ông ghé vào nhà thờ Tân Sa Châu, phát hiện phía góc sân nhà thờ giữa một tiểu cảnh có một pho tượng đồng, lại gần thì ông biết đó là tượng của cụ Trương Vĩnh Ký. Bức tượng quá đẹp và tinh xảo. Niềm vui trong ông như vỡ òa. Tuy nhiên, bức tượng đã bị cưa làm 3 khúc, được ráp lại bằng ốc vít khá vụng về. Ông Hạnh lập tức xin gặp Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết là cha xứ của nhà thờ. Linh mục Triết cho biết, ông mua bức tượng này ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều với giá 15 triệu. Do kỹ thuật đúc đồng của người Pháp có bí quyết chi đó mà không thể hàn đồng lại được nên cha phải cho nối tạm lại bằng ốc vít. Ông Hạnh ngỏ ý muốn mượn bức tượng đồng này để điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tham khảo cho việc hoàn thiện đúc tượng Trương Vĩnh Ký thì Linh mục Triết tỏ lòng sẵn sàng và hoan hỉ cho mượn. Pho tượng hoàn thành được đưa về cung tiến cho tỉnh Bến Tre, thấy bức tượng đẹp mọi người đều vui mừng. Khi chúng tôi viết những dòng này thì Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết mất đã hơn 2 năm (Cha mất ngày 14-6-2022). Mới đây chúng tôi quay lại Giáo xứ Tân Sa Châu thì thấy pho tượng đồng cổ Truơng Vĩnh Ký đã không còn ở đó nữa.
* Câu chuyện thứ ba: Đúc tượng chí sĩ Nguyễn Thần Hiến ở Hà Tiên.
Cụ Nguyễn Thần Hiến là một trong những nhân sĩ trí thức yêu nước tiên phong ở đất Hà Tiên, Cần Thơ, đồng thời là một lãnh tụ của phong trào Đông du miền Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1904, tại Sa Đéc, lần đầu tiên, cụ tiếp xúc với Phan Bội Châu, sau đó đứng ra thành lập Khuyến du học hội, tổ chức vận động ủng hộ tài chính cho thanh niên Nam kỳ sang du học tại Nhật. Sau đó, cụ bị bắt tại Hồng Kông và bị chính quyền thực dân đưa về Hà Nội giam ở nhà lao Hỏa Lò. Cụ đã tuyệt thực và mất ngày 26-01-1914, thi hài cụ chôn ở nghĩa trang Nam Việt, Hà Nội.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của cụ, cô Lan My, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng ANZ, là cháu bên ngoại đời thứ 5 của cụ Nguyễn Thần Hiến đã phát tâm đi tìm mộ cụ, nhưng nghĩa trang Nam Việt đã giải tỏa, mộ cụ bị mất dấu tích. Vì vậy, cô Lan My và đại diện dòng họ Nguyễn Như [cụ Hiến tên khai sinh là Nguyễn Như Khuê] đã có nguyện vọng và đề đạt với Tạp chí Xưa và Nay đưa vào chương trình đúc tượng cho cụ Nguyễn Thần Hiến, về kinh phí do cô Lan My và dòng họ Nguyễn Như tài trợ. Hành động và tấm lòng của một cô cháu ngoại 5 đời (chít ngoại) đối với tổ tiên đã làm cho những người biết câu chuyện này không khỏi xúc động.

Ngoài ba câu chuyện trên, chúng tôi còn đuợc nghe nhiều câu chuyện thú vị, hấp dẫn của những người trực tiếp tham gia chương trình như việc đúc 21 bức tượng ở Đền thờ Nam Phương Linh Từ, nhằm tôn vinh những người có công trong quá trình mở cõi phương Nam, trong đó có tượng vua Gia Long, vua Minh Mạng, Trần Thượng Xuyên,… Hay câu chuyện đúc tượng Phan Thanh Giản ở Bến Tre, tượng Võ Duy Dương ở Bình Định,… Đằng sau mỗi bức tượng đều là những câu chuyện ly kỳ, có chút huyền bí, nhưng đó là những câu chuyện dài, chúng tôi xin phép sẽ trở lại vào một dịp khác.
Khi kể lại những câu chuyện này, ông Nguyễn Hạnh không ngờ chỉ với nhân sự ít ỏi, không có ban bệ gì mà Tạp chí Xưa và Nay đã làm được nhiều việc như thế. Ông trầm ngâm và thốt lên rằng, có lẽ việc làm của ông được các Ngài dẫn dắt, phò trợ mới có được những kết quả thuận lợi và mỹ mãn như vậy. Và giờ đây, sau chặng đuờng 25 năm, ông rút ra được rất nhiều bài học và kinh nghiệm. Ông cho rằng bất cứ một vấn đề gì, nếu biết khơi gợi đúng nguồn lực, được “âm phù dương trợ” thì mọi việc sẽ tất thành!
4- Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với cuộc vận động
Đặc biệt, cuộc vận động cũng được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức ủng hộ. Trong cuốn “Sổ Vàng Quỹ Tượng Danh Nhân Việt Nam” lưu tại tòa soạn Tạp chí Xưa và Nay mà chúng tôi được tiếp cận, ngay từ trang đầu, chúng tôi thấy những dòng chữ do chính tay nguyên Thủ tướng viết đề ngày 08-3-2002: “Tôi rất hoan
nghênh sáng kiến của Tạp chí Xưa và Nay chủ trương làm tượng các nhân vật lịch sử ở nước ta để vừa thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, giáo dục đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’, vừa đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của gia đình, thân nhân và đồng bào ở những địa phương bản quán của các danh nhân…”.
Nói về việc đúc tượng liệt sĩ cách mạng Tạ Uyên, nguyên Thủ tướng viết: “Tôi hết sức trân trọng và xin được đóng góp một phần khiêm tốn của gia đình với lòng tri ân đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ nổi tiếng. Người lãnh đạo chủ yếu cuộc Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, người đã trực tiếp kết nạp tôi vào đội ngũ cách mạng tiên phong của Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Và theo ông Nguyễn Hạnh cho biết, ngay trong ngày 08-3-2002, đích thân nguyên Thủ tướng đã trao tận tay ông Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay “một giọt đồng” là 2 triệu đồng… Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn tích cực vận động và đóng góp việc đúc tượng cho cụ Phan Thanh Giản. Và ngày 05-8-2008, nhân dịp ngày giỗ thứ 141 của cụ Phan Thanh Giản, tại Văn Thánh miếu, tỉnh Vĩnh Long đã long trọng đón nhận tượng đồng chân dung cụ Phan do nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến, bắt nguồn từ chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” của Tạp chí Xưa và Nay.
Sau này, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, các địa phương có trường học mang tên Thủ tướng đều mong muốn được chương trình “Mỗi người một giọt đồng.” hiến tặng một bức tượng bán thân của cố Thủ tướng đặt trong sân truờng. Vì thế, sau khi Tạp chí Xưa và Nay đúc tượng chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thực hiện để hiến tặng cho Đền tưởng niệm Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, các phiên bản pho tượng này đã được tặng các trường: PTTH Võ Văn Kiệt, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; THCS huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; PTTH Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; PTTH Võ Văn Kiệt, tỉnh Đắk Lắk và Trường PTTH Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Và mới đây nhất, ngày 20-11-2024, phiên bản thứ bảy đã đuợc an vị tại trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhân dịp kỷ niệm 102 ngày sinh Thủ tướng. Dự kiến trong thời gian tới, chương trình “Mỗi người một giọt đồng…” sẽ thực hiện phiên bản thứ 8 để trao tặng cho trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi mà lúc sinh thời, Thủ tướng từng tới thăm nhà máy thủy điện.

5- Đúc tượng các nhà khoa học và các nhà sử học đáng kính gần gũi
GS Trần Quốc Vượng sinh thời là người có nhiều ý kiến thiết thực cho cuộc vận động. Theo Giáo sư, bên cạnh đúc tượng cho các danh nhân lịch sử, các nhà hoạt động cách mạng cần hướng vào làm tượng để tôn vinh các nhà khoa học đáng kính, gần gũi như GS Đào Duy Anh, GS Nguyễn Văn Huyên và GS Nguyễn Đức Từ Chi… Và ba bức tượng đó đã nhanh chóng được thực hiện bởi nhiều “giọt đồng” do học trò của các giáo sư đóng góp. Sau này một số phiên bản đã được trao tặng cho thân nhân gia đình các giáo sư trong dịp lễ kỷ niệm Tạp chí Xưa và Nay tròn 10 tuổi (2004) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Một phiên bản khác của GS Từ Chi đã được tặng cho Bảo tàng Dân tộc học.
Kể từ đó, một số nhà khoa học trong và ngoài ngành sử cũng đã được cuộc vận động này đưa vào chương trình thực hiện như Viện sĩ Trần Huy Liệu – người sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Ngụy Như Kontum, GS Trần Đại Nghĩa,… Các bức tượng của những vị Chủ tịch Danh dự Hội Sử học như Nguyễn Khánh Toàn Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp cũng được thực hiện… Sau khi Giáo sư Phan Huy Lê từ trần, bức tượng của cố Giáo sư đã được tạo tác đặt tại trụ sở Hội và gia đình.
6 – Để bảo đảm tính chân thực khi tạc các bức tượng danh nhân, các nghệ nhân dựa trên cơ sở nào?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với ThS. Điêu khắc Trần Thị Diệu Phượng, giảng viên Bộ môn Lịch sử Mỹ thuật, đồng thời là tác giả của “Vườn tượng danh nhân ở Làng Đại học”. Bà Diệu Phượng cho biết: Đối với các nhân vật đương đại, có hình ảnh thì việc tạo hình khá đơn giản. Còn khi đúc tượng danh nhân lịch sử trong thời kỳ chưa có nhiếp ảnh và thậm chí không có tranh vẽ, thì họ dựa vào các câu chuyện truyền miệng và ghi chép lịch sử: Như mô tả về ngoại hình, dáng vẻ của nhân vật. Ví dụ, một số danh nhân được mô tả với đặc điểm nhận diện nổi bật như “râu dài”, “mắt sáng”, “dáng vẻ oai phong”. Nếu có những tác phẩm điêu khắc hoặc tạo hình của thời kỳ gần với nhân vật, nghệ sĩ tạo hình sẽ dựa trên đó để tái hiện lại. Các nghệ sĩ đời sau thường phỏng theo các tượng hoặc hình ảnh đã có từ trước. Đôi khi, các bức tượng không nhất thiết phải chính xác về mặt ngoại hình mà tập trung thể hiện thần thái, tính cách hoặc thành tựu của nhân vật qua những biểu tượng như tư thế, trang phục, vũ khí hoặc đồ vật đi kèm.
Nghệ sĩ tạo hình cũng thường dựa trên khuôn mẫu thẩm mỹ của thời đại mình để tạo ra hình tượng lý tưởng, mang tính tôn vinh và trang trọng. Vì thế, tượng các danh nhân thường có nét đẹp “chuẩn mực” như cao lớn, oai nghiêm, trí tuệ.
Cũng có khi nghệ sĩ tạo hình lấy cảm hứng từ người thật như hậu duệ gần gũi theo huyết thống hoặc có thể mượn hình dáng từ một số người thật trong xã hội (có ngoại hình phù hợp) để làm mẫu.
7- Kết luận
Từ ý tưởng ban đầu, đến nay, hàng trăm tượng danh nhân đã được đúc nên từ những “giọt đồng” nhỏ bé của cộng đồng. Mỗi bức tượng là một câu chuyện, một bài học về lịch sử và một công trình nghệ thuật trường tồn với thời gian. Cuộc vận động không chỉ là hành trình lưu giữ hình hài của những bậc tiền nhân mà còn là hành trình kết nối tri thức, tình yêu quê hương và lòng tri ân sâu sắc của bao thế hệ người Việt. Cuộc vận động cũng góp phần lan tỏa tình yêu lịch sử, lòng tự hào dân tộc tới nhiều thế hệ. Mỗi bức tượng là một “cuốn sách” lịch sử sống động, như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước.
25 năm chưa phải là một chặng đường dài nhưng đằng sau mỗi bức tượng là bao nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, từ vận động nguồn lực đến bảo đảm chất lượng nghệ thuật…
Cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và lòng tri ân đối với tiền nhân. 25 năm qua, những bức tượng đồng đã trở thành di sản văn hóa đáng tự hào. Trong tương lai, tinh thần này sẽ tiếp tục được nối dài, như một mạch nguồn không bao giờ cạn của tình yêu lịch sử và con người
Việt Nam.