50 năm nhìn lại con đường hòa bình của Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

50 năm thống nhất trong hòa bình có thể được xem là một trong những thành tựu quan trọng nhất của dân tộc ta. Bên cạnh những con số thống kê ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, những công trình hiện đại mọc lên khắp mọi miền đất nước, hay những bước tiến vượt bậc trong phát triển xã hội, chính sự thống nhất và hòa bình mới là nền tảng cho mọi thành công. Có thể nói, tất cả những thành tựu hữu hình mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đều là kết quả tất yếu của hành trình kiên trì tìm kiếm và vun đắp những giá trị cốt lõi: Hòa bình, độc lập, tự chủ và tự cường.

Nửa thế kỷ – một quãng thời gian đủ dài để một thế hệ trưởng thành, để chứng kiến và trải nghiệm những biến chuyển sâu sắc của lịch sử, của xã hội và của chính con người. Đó là hành trình từ những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh đến những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, bị cô lập, trở thành một quốc gia năng động, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam hiện đại, chúng ta thấy cuộc chiến tranh Việt Nam, với tất cả sự phức tạp và đặc thù của nó, đã trở thành một điểm tham chiếu quan trọng trong lịch sử thế giới đương đại. Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến tranh giành độc lập, mà còn là biểu tượng của khát vọng tự do và công lý. Khi nhân loại chứng kiến những cuộc xung đột mới – từ Iraq, Afghanistan đến cuộc chiến Nga – Ukraine – những bài học từ Việt Nam vẫn thường xuyên được nhắc đến như một minh chứng về sức mạnh của ý chí độc lập và khát vọng hòa bình của các dân tộc.

Trong suốt 50 năm qua, kể từ những ngày đầu tái thiết đất nước vừa mới trải qua cuộc chiến đau thương, Việt Nam đã ngày càng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược phi thường khi từng bước hàn gắn các mối quan hệ quốc tế. Từ một đất nước bị cô lập sau chiến tranh, chúng ta đã vượt qua được những rào cản của quá khứ để thiết lập quan hệ hữu nghị với hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước từng đứng ở phía đối diện chiến tuyến. Đặc biệt, việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995 và phát triển quan hệ đối tác toàn diện sau đó là minh chứng rõ nét nhất cho khả năng vượt lên trên những tổn thương để hướng tới tương lai. Thành tựu này không chỉ nằm ở mặt ngoại giao đơn thuần, mà còn thể hiện sự trưởng thành trong tư duy chiến lược của Việt Nam: Khả năng gác lại quá khứ để nắm bắt cơ hội phát triển, biến đối thủ cũ thành đối tác mới và chuyển hóa những thách thức thành động lực phát triển. Đây chính là bài học quý giá mà thế giới có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng hòa bình và phát triển đất nước sau xung đột.

Sau 50 năm thống nhất đất nước, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại một cách chân thành và cởi mở về những vấn đề còn tồn đọng trong lòng xã hội. Bởi dù đất nước đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vẫn còn đó những vết thương tinh thần cần được chữa lành một cách thấu đáo và kiên nhẫn. Điều này đặc biệt thể hiện qua cách người dân nhìn nhận và gọi tên ngày lịch sử 30-4 theo những cách khác nhau, phản ánh những trải nghiệm và góc nhìn đa chiều về một thời kỳ phức tạp của lịch sử dân tộc.

Sự đa dạng trong cách nhìn nhận lịch sử này không nên bị xem là một trở ngại hay điều cần phải xóa bỏ. Ngược lại, đây chính là thực tế cần được thấu hiểu và tôn trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc. Bởi chỉ khi chúng ta dám đối diện và chấp nhận những khác biệt này, chúng ta mới có thể tiến tới sự hòa giải thực sự và sâu sắc.

Những câu chuyện về chiến tranh không chỉ là những trang sách lịch sử khô khan hay những hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Chúng vẫn đang hiện diện sinh động trong từng gia đình, từng xóm làng, nơi những vết thương vô hình vẫn âm thầm tồn tại. Có những gia đình mà anh em ruột thịt từng đứng ở hai chiến tuyến, những dòng họ chưa thể đoàn tụ đầy đủ trong những ngày giỗ chạp vì những khác biệt trong quá khứ. Đây chính là những “cuộc chiến nhỏ” vẫn âm ỉ trong lòng xã hội, đòi hỏi không chỉ thời gian mà còn cần sự nỗ lực chữa lành từ nhiều phía, từ chính sách của nhà nước đến sự cảm thông của mỗi người dân.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc. Trong thế giới đang biến đổi nhanh chóng với những xung đột mới về địa chính trị, kinh tế và ý thức hệ, việc gìn giữ và phát huy thành quả hòa bình càng trở nên quan trọng. Mỗi người Việt Nam, dù sinh ra trong thời chiến hay thời bình, đều mang trong mình trách nhiệm thiêng liêng là tiếp tục vun đắp và bảo vệ nền hòa bình mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, để từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong không khí đầu xuân, nhìn lại chặng đường 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được, nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan những việc còn phải làm. Công cuộc xây dựng hòa bình thực sự là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự đóng góp của mọi thế hệ. Với những nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong 50 năm qua, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc. Những thành tựu về kinh tế, văn hóa, giáo dục mà đất nước đã đạt được trong thời gian qua chính là minh chứng cho sức mạnh của hòa bình và đoàn kết. Khi những vết thương của quá khứ dần được chữa lành, khi những rào cản được phá bỏ, khi niềm tin được vun đắp, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực và động lực để vươn tới những tầm cao mới. Mỗi ngày qua đi không chỉ là một cơ hội để chúng ta cùng nhau xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, mà còn là một bước tiến vững chắc trên con đường hiện thực hóa khát vọng về một đất nước hùng cường, một dân tộc văn minh và một xã hội nhân văn, nơi mỗi người dân đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Bài liên quan

Bài đăng mới