Áo dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, chiếc áo dài vẫn là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, không những là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp duyên dáng mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Không chỉ là trang phục truyền thống của dân tộc, áo dài còn là niềm tự hào, một hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, kết nối Việt Nam và thế giới.

Chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kỳ phát triển, ở mỗi thời kỳ đều có một nét đặc trưng riêng biệt. Theo PGS. TS Phạm Văn Dương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, áo dài không phải là sự sáng tạo của một người ở một thời điểm mà là sự kế thừa của văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Nói một cách khác, áo dài chính là sự sáng tạo trên nền tảng đã có và chiếc áo dài phổ biến ngày nay chính là kết quả của nhiều lần cách tân.
Dù áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tôn được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo truyền thống cổ xưa của người Việt được ghi chép nhiều nhất từ trước đến nay là hình ảnh chiếc áo ngũ thân và áo tứ thân.
Sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lĩnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân. Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ.
Có thể nói rằng bộ áo ngũ thân đã được xuất hiện vào thời vua Gia Long, sở dĩ có sự suy đoán này vì mặc áo ngũ thân thì phải mặc quần chứ không mặc váy. Áo dài ngũ thân biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải được thu bé lại trở thành vạt con, thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước, áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót mỗi vạt có hai thân nối sống (vị chi thành bốn) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bầu đệm và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho quan điểm về ngũ thường theo triết học phương Đông. Áo dài ngũ thân được những người phụ nữ quyền quý ở thành thị miền Bắc và Nam mặc. Áo dài ngũ thân được sử dụng để thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ. So với áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân đã có nhiều khác biệt về chất liệu vải, màu sắc cũng như các họa tiết trên áo. Tuy nhiên, về kiểu dáng, áo dài ngũ thân vẫn giữ nguyên kiểu áo rộng, che phủ hình thể của người mặc.

Cuối thế kỷ XIX, quốc phục của nước ta là áo dài may rất rộng, không nhấn “pince”. Người giàu có thể may nhiều áo, mỗi áo một màu, khi cần chưng diện thì có thể mặc 5 hoặc 7 cái. Theo những ghi chép của người Pháp thời đó: “Cái áo xẻ ra ở phía trước từ hông trở xuống. Nó bắt chéo trên xương đòn gánh bên phải và thẳng xuống che phủ đầu gối. Áo khép lại do những khuy bằng đồng nhỏ tròn từ cổ xuống tới ngang hông…”.
Vào những năm 1930, chiếc áo dài được cải tiến theo xu hướng Âu hóa của thị dân ở các thành phố lớn với hình ảnh của “cô gái mới” và “áo tân thời”. Chiếc áo dài được nhấn eo, ôm sát người mà thời đó người ta quen bằng tiếng Pháp “cintré” (áo eo lai). Người mạnh dạn cải tiến một số chi tiết trên áo dài thời kỳ này là họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường (Le Mur). Áo dài Lê Phổ không phá bỏ hẳn những chi tiết của áo dài cổ truyền mà chỉ cải tiến chúng vừa đủ, vẫn giữ vẻ kín đáo, nền nã của phụ nữ Việt Nam như: Cổ áo chỉ dám hạ thấp hơn phân nữa, gấu áo rút ngắn lên một đoạn, nẹp tà và thân áo hơi ôm sát hơn vào người, không còn quá rộng thùng thình như trước. Trong khi đó, áo dài Le Mur cải tiến táo bạo hơn, gán ghép cho áo dài Việt Nam những nét vay mượn từ thời trang của phụ nữ Âu – Tây thời đó như vai áo bồng, cổ áo may theo kiểu sơ mi, kiểu lá sen, cổ tay áo cài khuy “măng sét”, hoặc loe rộng ra, gấu áo may lượn sóng hay viền đăng ten,… Tuy nhiên, áo dài Le Mur chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, không được đông đảo người hưởng ứng, vì nó lai Tây quá nhiều.

Năm 1939-1940, áo dài Le Mur ban đầu có những thay đổi trở về dạng áo dài cổ truyền. Cổ áo đứng cao từ 1-2 phân. Tay thẳng, may liền vai. Cổ tay hẹp, viền nhỏ. Cửa tay áo, gấu áo, nẹp cài nút áo đều viền vải khác màu thành đường nẹp rộng khoảng 0,5cm gọi là áo lai nẹp. Có loại gấu áo vê tròn, không gập. Phụ nữ thành thị và người nhiều tuổi mặc áo dài cổ cao từ 1 đến 2 phân, góc thẳng. Các cô gái trẻ thường mặc áo cổ cao từ 4 đến 7cm, góc tròn, bên trong cổ áo hồ vải cứng. vạt áo lượn hơi cong, tà khép. Các bà mặc quần đen, các cô mặc quần trắng.
Năm 1945, lịch sử Việt Nam có những thay đổi lớn, Cách mạng tháng Tám thành công. Miền Bắc có nhiều thay đổi về lối sống cho phù hợp với tình hình mới. Riêng miền Nam, đặc biệt sau năm 1954 bước vào giai đoạn chia đôi đất nước và cũng có những biến chuyển về văn hóa.
Năm 1954, chiếc áo dài được cải tiến với tà rộng, eo thắt, nhấn “pince” trước và sau, dài chấm gót, cổ áo cao có lót hồ cứng, ống tay hẹp, mặc phổ biến với đôi guốc cao gót.
Năm 1958 đến năm 1963, miền Nam xuất hiện chiếc áo dài cổ hở (cổ thuyền) của bà Trần Lệ Xuân được xem là thay đổi nổi bật của chiếc áo dài giai đoạn này. Cổ áo được khoét rộng nên thân áo không có đường hò ngang, thêm vào đó, người ta cài nữ trang trên đường hò dọc để giữ áo ngay ngắn khi người mặc cử động mạnh. Dần dần lối cổ hở được biến hóa đôi chút thành cổ tròn, cổ vuông hoặc khoét rộng xuống lưng cho hở theo hình trái tim… và cổ áo không cài nút mà kéo dây kéo (fermeture) phía sau, đôi khi áo được thiết kế không tay, hở trần cả vai, vạt áo ngắn.

Năm 1968, phong trào chiếc áo dài mi-ni với những chi tiết thay đổi như tà áo rất hẹp, vạt ngắn đến đầu gối, hoặc phủ đầu gối. Tay raglan chứ không nối ở giữa khuỷu tay như trước. Tà áo được xẻ cao, bên trong không mặc áo lá, để hở một chút ở khoảng eo từ 3-5cm. Áo rộng, không chít eo, nhưng vẫn lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống từ 1 đến 3 phân, lai áo từ 3 đến 5cm, tay áo loe. Quần dài, ống rộng có khi đến 60cm.
Năm 1971-1972, xuất hiện quần patte mặc với áo dài, nhưng mọi người nhận thấy mất đi vẻ thướt tha mềm mại vốn có của dáng vẻ áo dài truyền thống nên kiểu dáng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Thập niên 1975, áo dài không thay đổi nhiều, chủ yếu chỉ thay đổi về chất liệu vải, hoa văn được trang trí trên vạt áo dài với những nét vẽ hiện đại đầy màu sắc. Bên cạnh đó, cũng có sự cải tiến về hình dáng chiếc áo dài theo lối Đông – Tây. Tuy nhiên, sự cải tiến này chỉ nhằm để trình diễn thời trang mà thôi. Chiếc áo dài có nhiều cách tân theo khuynh hướng thời trang mới, song kiểu dáng truyền thống cổ cao khoảng 2-5 phân, xẻ tà, tà áo rộng, tay raglan trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam và được nhiều người nước ngoài ưa chuộng, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Những năm 1980 là thời kỳ của chiếc áo dài thêu, với nhiều mẫu hoa, chim, cây lá, từ ngực xuống tới vạt bằng vải soie, suisse đủ màu tùy theo lứa tuổi.

Đến những năm 1990, chiếc áo dài tà rộng, vạt dài tới gót, nhấn “pince”, cổ áo cao hoặc với nhiều dạng cổ khác nhau như trẹt, tròn. Áo dài hiện nay được may bằng nhiều chất liệu: Gấm, thổ cẩm, tơ lụa với nhiều biến tấu của những nhà tạo mẫu cùng với thị hiếu của phụ nữ, song về cơ bản vẫn giữ được nét đặc trưng riêng.
Từ thập niên 1990 đến nay, chiếc áo dài Việt Nam có vẻ đã “định hình” và được xem là khá “hoàn chỉnh”, dường như phát triển tối đa ưu điểm có thể có của nó. Đó là kiểu “áo dài tay raglan”, tay áo ráp xuống thẳng từ chân cổ xuống nách khiến áo không còn bị nhăn từ vai và nách. Cổ áo cao vừa phải và thân áo vừa vặn khít lấy người, tà hẹp vừa phải và thân áo dài chỉ dưới từ 15-20cm. Đi đôi với chiếc áo dài cụ thể là chiếc quần ống rộng để tôn vẻ dịu dàng, thướt tha cho người mặc. Hoa văn trên áo dài được thể hiện với nhiều chất liệu và cách thể hiện, có thể vẽ trên thân áo dài, hoặc thêu hoa sặc sỡ, hoặc đính kim sa, hột thủy tinh lấp lánh,…

Điều đáng nói ở chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam là cái “hồn”của nó. Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam hiện nay vừa kết hợp yếu tố truyền thống lẫn yếu tố hiện đại, vừa phản ánh được bản sắc độc đáo của dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thời đại. Mọi phụ nữ Việt Nam đều có thể trình diễn chiếc áo dài ở mọi nơi: Đến công sở làm việc hàng ngày, hoặc mặc trong dịp thưởng ngoạn ngày Tết, trong những ngày long trọng của đời người như đám cưới, ngày tốt nghiệp ra trường, ngày vinh dự đón nhận danh hiệu, tiếp bè bạn quốc tế,….
Bộ sưu tập áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ không chỉ là một kho tàng văn hóa quý giá mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về trang phục truyền thống của Việt Nam.