Trong cuốn hồi ký “Sống với tình thương”, bà Trần Thị Như Mân (1907-1992), phu nhân học giả Đào Duy Anh (1904-1988), cho biết bà sinh năm 1907 tại Thanh Hà, Bao Vinh, Huế. Ông nội là cụ Trần Tiễn Thành, phụ chánh đại thần thời Tự Đức, một trong các vị phụ chánh nhận di mệnh của vua Tự Đức để tuyên đọc chiếu chỉ truyền ngôi cho Thái tử Ưng Chân và bị thảm sát bởi quan điểm bất đồng với các bạn đồng liêu trong mưu đồ phế lập. Thân phụ của bà là con thứ ba trong tám người con trai của cụ Thành.
Bà thường theo cha mẹ ở nhiều tỉnh mà thân sinh được bổ dụng trấn nhậm, mãi đến năm 7 tuổi mới lại về Huế để học hành. Trong hồi ký, bà viết: “Tôi không nhớ nhiều về cha, chỉ biết người rất thương chúng tôi. Ban ngày, công việc bận rộn, nhưng tối đến, người thường dành thời giờ đọc truyện Liêu trai hay kể chuyện cho mấy chị em chúng tôi. Khi ông nội tôi bị sát hại thì cha tôi còn đi học. Cha là con trai thứ ba của cụ Văn (Tức cụ Trần Tiễn Thành, làm quan đến chức Văn Minh điện Đại học sĩ). Hai ông bác tôi, ông cả mất sớm, ông thứ hai thì làm ruộng…”.

Thời còn trẻ, bà là người hoạt bát nhanh nhẹn, được thừa hưởng sự uyên bác thông tuệ của dòng họ nên rất giỏi về văn chương thơ phú, thông thạo Hán văn và Pháp văn.
Năm 1925, bà đỗ đầu cao đẳng tiểu học, rồi tiếp đến là bằng Diplôme (tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp), được bổ dụng làm trợ giáo kiêm giám thị ngay tại ngôi trường bà đã học, đó là trường Nữ sinh Đồng Khánh Huế. Cũng trong thời gian này, nhà hoạt động chính trị, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải rồi đưa về Việt Nam. Tòa án tối cao Pháp kết án tử hình, nhân dân Việt Nam bàng hoàng, đau đớn trước sự dã man của thực dân Pháp. Trong hồi ký, bà viết:
“Năm 1925, tôi vừa 18 tuổi, đậu cao đẳng tiểu học và được bổ làm giáo viên kiêm giám thị ở trường Đồng Khánh. Vừa đúng năm đó thì xảy ra sự việc làm chấn động dư luận khắp cả nước. Cụ Phan Bội Châu, nhà ái quốc lớn, niềm ngưỡng mộ của tất cả quốc dân có tâm huyết đã bị Pháp bắt ở Thượng Hải và dẫn về nước. Tòa đại hình của thực dân kết án tử hình cụ. Một phong trào đòi “ân xá” cho cụ dấy lên khắp nơi, nhất là trong giới thanh niên và trí thức ở Hà Nội…”
“Với lòng ngưỡng mộ đối với người anh hùng mà bấy lâu tôi vẫn ghi dạ, tôi thấy mình không thể đứng ngoài chuyện này được, phải làm một cái chi để góp tiếng nói với đồng bào ngoài Bắc. Tôi tìm gặp các bạn trong trường mà lâu nay tôi cho là có chung một chí hướng, đề nghị đánh một bức điện gởi lên Toàn quyền Đông Dương xin ân xá cho cụ Phan Bội Châu.
Tôi thảo bức điện bằng chữ Pháp, rồi đưa tiền cho người tùy phái của trường ra Sở Dây thép đánh điện tín ra Hà Nội. Nội dung bức điện đó dịch ra như sau: ‘Kính gởi quan Toàn quyền A.Varene ở Hà Nội. Chúng tôi, tất cả nữ giáo sư và học sinh trường Nữ học Đồng Khánh mong muốn ngài suy xét và rút án tử hình cho nhà yêu nước Phan Bội Châu’.
Bức điện đó không được chuyển đi và được gởi đến đâu tôi không rõ, nhưng ngay trưa hôm đó, viên giám đốc Nha Học chánh Trung kỳ đến trường cho kêu hết giáo viên lên phòng bà hiệu trưởng để xét hỏi…”.
Bà cho biết thêm: “Có người ở nhà dây thép đã vì chút lợi lộc cá nhân, đánh mất tình đồng bào nên báo cáo sự việc với chính quyền địa phương và ngay sau đó giám đốc Nha Học chánh Trung phần đã đích thân đến làm việc với hiệu trưởng bằng những lời lẽ khiếm nhã. Hôm đó, không một chút lo lắng sợ sệt, bà đã nhận trách nhiệm về việc làm xuất phát tự lòng yêu nước và quý trọng một chí sĩ đã tranh đấu cho độc lập của tổ quốc, của nhân dân mà không quản ngại đến sự sống chết của bản thân. Bà dõng dạc bảo với ông giám đốc Nha Học chánh:
‘Tôi và cô Vệ là bạn chí thân của tôi, hoàn toàn nhận mọi hậu quả của việc làm ấy, việc làm do cá nhân hai chúng tôi, không liên quan chi đến bà hiệu trưởng trường tôi, cũng như các đồng nghiệp và các bạn học sinh trong trường.
Chúng tôi phản đối người viên chức nhà dây thép sau khi nhận tiền, đã không chịu gởi bức điện đi.
Chúng tôi không bị ai bên ngoài xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách phụ nữ Việt Nam, chứ không phải với tư cách giáo viên hay học sinh của trường. Tôi phản đối những điều thẩm vấn công khai đối với chúng tôi..’” (sđd, tr. 16).
Trước lời lẽ đanh thép của cô giáo trẻ, giám đốc Nha Học chánh đành hậm hực ra về và nhà chức trách địa phương cũng không tra cứu nữa, nhưng từ đó, tên tuổi cô giáo Mân và các đồng sự liên quan đều được Sở Mật thám Huế lưu ý và danh tánh được ghi vào sổ theo dõi “đặc biệt”.
Do tác động từ nhiều phía nên bản án tử hình dành cho cụ Phan được hủy bỏ và người công dân yêu nước, nhưng lại là tội nhân của “nhà nước đại Pháp” bị đưa về Huế giam lỏng dưới sự giám sát của mạng lưới mật thám Pháp. Bà vô cùng xúc động, mừng rỡ khi nhận được tin ấy. Đưa cụ Phan về Huế, người Pháp tưởng rằng sẽ dễ kiểm soát và trong cái không khí quan trường bảo thủ ở kinh đô Huế, người ta sẽ mau chóng quên lãng. Nhưng không ngờ sự có mặt của cụ ở đây lại khuấy động bầu không khí chính trị sôi nổi mà Huế đã trải qua trong phong trào chống thuế, chống đi xâu đã xảy ra vào những thập niên đầu của thế kỷ.
Hàng tuần, đến ngày chủ nhật, bà cùng với nhiều bạn bè rủ nhau lên Bến Ngự nghe cụ Phan nói chuyện và cũng từ những ngày đó, bà quan tâm hơn đến những hoạt động của phụ nữ ngoài xã hội. Bà có duyên may được nhiều người dìu dắt, trong đó có bà Đạm Phương, một người đã có nhiều tác động đến thế hệ phụ nữ bấy giờ. Bà Đạm Phương có tên là Công Nữ Đồng Canh, là người rất giỏi Hán ngữ và cả Pháp ngữ, rất có khiếu về văn học. Bà có người con trai thứ hai là Nguyễn Khoa Văn, tức nhà thơ Hải Triều. Chính Hải Triều là người đã hướng dẫn bà Như Mân trong các công việc xã hội và hoạt động văn hóa khác.
Cũng trong thời gian đó, bà Đạm Phương cũng nhiều lần đến thăm cụ Phan, do đó, bà đã gặp gỡ và trao đổi với bà Như Mân cùng nhiều chị em khác để thành lập nên Nữ công học hội. Mục đích của hội là dạy nữ công gia chánh, đồng thời lấy đó làm nơi gặp gỡ của chị em phụ nữ. Với việc thành lập Nữ công học hội, khái niệm về nữ công cũng được mở rộng, không chỉ việc trong gia đình mà còn nhằm mục đích nuôi sống bản thân mình, thoát ly cuộc sống chật hẹp của gia đình. Hoạt động của hội có thể nói là có tính chất “cách mạng”, dám vượt ra khỏi những trói buộc của những thành kiến xã hội cũ. Trong bài diễn văn của bà Đạm Phương đọc trong buổi lễ khánh thành trụ sở hội ngày 13-9-1926 có đoạn:
“Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng ta đã gần như một cái bệnh căn thâm niên rồi. Ỷ lại tức là cái nguồn gốc nô lệ đó vậy. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, muốn tìm nhân cách cho nữ giới thì trước phải tảo trừ cái bệnh ỷ lại đó.
Thuốc chi bây giờ?
Cái bài thuốc ấy chính là cái mục đích quan trọng thứ nhất của bản hội. Cái bài thuốc ấy là gây cho quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương với Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau hết là kết một cái dây đoàn kết để bênh vực quyền lợi cho nhau…” (sđd, tr. 20).
Hoạt động của hội nữ công Huế đã gây được tiếng vang khắp nước, năm 1929, số hội viên đã lên tới 87 người.
Cuối năm 1926, tin cụ Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn, giới trí thức cả nước bàn tán sôi nổi, tiếc thương vô cùng, các tỉnh thành cùng đồng loạt tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh. Đám tang cụ Phan Châu Trinh một lần nữa lại trở thành lời kêu gọi tinh thần yêu nước đối với thanh niên và học sinh khắp nơi.
Ở Huế, thực dân Pháp đã đuổi những học sinh tham gia dự lễ truy điệu cụ. Sau đó, học sinh các trường Bách nghệ, Quốc học và Đồng Khánh đồng loạt bãi khóa để phản đối hành động đó của người Pháp. Sau sự việc trên, bà Như Mân bị cho thôi học vì chính quyền bảo hộ ghép tội bà cầm đầu nữ sinh Đồng Khánh đi dự lễ truy điệu.
Năm 1930, bà kết hôn với học giả Đào Duy Anh và thời gian sau đó, chính bà là người giúp đỡ nhiệt tình cho chồng trong việc biên soạn bộ sách rất có giá trị là Hán Việt từ điển. Trong việc biên soạn, bà được ông Đào Duy Anh giao cho công việc sắp xếp lại những tài liệu đã có, trong đó có bộ phích ghi chú các danh từ khó mà ông đã làm từ trước. Bà còn có nhiệm vụ đọc Nam Phong tạp chí, các sách và tạp chí bằng quốc văn quan trọng để lọc ra những từ Hán Việt thường dùng, trong đó bao gồm cả các tác phẩm văn học cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc,… Các từ Hán Việt được bà trích ra, ghi ra phích, sau đó xếp theo thứ tự ABC, rồi đưa cho ông xem. Sau khi ông bổ sung, bà mới chép ra giấy, mỗi từ cách nhau vài dòng để ông ghi giải nghĩa. Theo bà Như Mân, chữ của ông viết rất khó đọc, chỉ có mình bà đọc được. Khi bà sinh con, bận việc nhà, phải thuê người chép giúp, người này phải chừa nhiều chỗ trống vì không đọc ra, phải chờ bà điền sau. Ban ngày, bà bận rộn việc buôn bán, đến tối mới bắt tay vào công việc ghi chép. Bộ Hán Việt từ điển ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của hai ông bà.
Khi bắt đầu biên soạn bộ từ điển, soạn giả Đào Duy Anh mới 26 tuổi và bà Như Mân chỉ mới 23 tuổi, tuy nhiên có thể nói đây là bộ từ điển Hán Việt rất hữu ích và giá trị trong giai đoạn chữ quốc ngữ đang dần thay thế chữ Hán. Giá trị của nó cho đến nay vẫn được giới
nghiên cứu đánh giá cao vì nó vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có công sức không nhỏ của bà Trần Thị Như Mân.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Như Mân (1992), Sống với tình thương, Nxb. Trẻ.