Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn trước năm 1975 đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của cộng đồng người Hoa. Với sự phát triển mạnh của cộng đồng người Hoa tại Nam bộ, đặc biệt là ở Sài Gòn, nhu cầu về thông tin, giao tiếp và kết nối giữa các tầng lớp người Hoa ngày càng gia tăng. Báo chí Hoa ngữ không chỉ là công cụ truyền thông phục vụ cộng đồng người Hoa mà còn là một phần không thể thiếu trong quá trình hòa nhập của họ vào xã hội Việt Nam.
Lịch sử hình thành và phát triển báo chí Hoa ngữ
Giai đoạn trước năm 1955
Người Hoa di cư sang Việt Nam theo nhiều giai đoạn khác nhau và sống ở nhiều khu vực trên khắp đất nước Việt Nam, nhưng tập trung đông nhất là ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong khoảng thời gian 10 năm trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người Hoa di cư đến Việt Nam khoảng 12 vạn người, “năm 1921 tăng lên 19,5 vạn người, năm 1931 tăng lên 26,7 vạn người”⁽¹⁾. Đến năm 1951, dân số người Hoa tăng đến 150 vạn người, trong đó ở miền Nam Việt Nam là 135,7 vạn người”⁽²⁾. Khi dân số người Hoa tăng lên, nhu cầu tìm hiểu thông tin về các lĩnh vực xã hội như kinh tế, giáo dục, nghệ thuật,… đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều dịch vụ, trong đó có báo chí.

Năm 1918, tờ Nam kỳ nhật báo 南圻日报 ra đời tại Sài Gòn, đến năm 1920, tờ Hoa kiều nhật báo 华侨日报 được sáng lập, cả hai tờ ban đầu do một luật sư người Pháp làm chủ bút và phục vụ độc giả là Hoa kiều, với mục đích tuyên truyền đạo Thiên Chúa và các chính sách của Pháp. Đến năm 1925, tờ báo được chuyển giao cho người Hoa, cùng năm đó, tờ Quần báo 群报 được sáng lập bởi Dư Quần Siêu tại Chợ Lớn. Năm 1929, tờ Nhật báo dân quốc 日报民国 ra đời do người của đảng Dân quốc sáng lập. Các tờ báo Hoa ngữ chủ yếu xuất bản tại Chợ Lớn, nơi tập trung đông người Hoa.
Sau năm 1930, một loạt tờ báo của người Hoa xuất hiện, tiêu biểu có thể kể đến như: Dân quốc nhật báo 民国日报 (sau đổi tên là Dân báo), Quần báo 群报 (báo Quần chúng), Trung Hoa nhật báo 中华日报, Công luận báo 公论报, Chân báo 真报 (báo Sự thật), Thời báo 时报, Hoa Nam báo 华南报, Hoàn Cầu báo 环球报, Tảo đãng báo
扫荡报 (báo Truy lùng), Quần tinh báo 群星报(báo Người nổi tiếng), Phấn đấu báo 奋斗报, Ngu lạc báo 娱乐报 (báo Giải trí), Bách lạc môn nhật báo 百乐门日报 (nhật báo
Paramount), Chính khí báo 正气报 (báo Chính
nghĩa), Kiều bào báo 侨众报, Trung Quốc nhật báo 中国日报,… Trong đó có Trung Quốc nhật báo – một tờ báo lớn do Lương Khang Vinh, một thương nhân Hoa kiều là bang trưởng bang Quảng Triệu lúc đó sáng lập vào năm 1930.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ năm 1937, báo chí Hoa ngữ ở Sài Gòn phát triển mạnh. Nhiều Hoa kiều chịu ảnh hưởng thực dân và bị quân Nhật tàn phá đã ủng hộ kháng chiến. Sắc lệnh ngày 30-8-1938 hủy bỏ các văn bản buộc báo chí Việt ngữ và Hoa ngữ phải xin phép trước khi xuất bản đã thúc đẩy báo chí Hoa ngữ phát triển. Từ năm 1938-1940, 10 tờ báo mới được thành lập, nâng tổng số báo Hoa ngữ tại Nam bộ lên 15 tờ, riêng Sài Gòn có 13 tờ. Báo chí Hoa ngữ đã tham gia tích cực vào phong trào kháng Nhật tại Việt Nam. Nhiều tờ báo có hoạt động kinh doanh tốt. Trong đó, có tờ Toàn dân báo, có lúc “đạt đến 5.000 bản, nên đã trở thành tờ báo Hoa ngữ có số lượng bản giấy phát hành cao nhất trong lịch sử báo chí Hoa ngữ”⁽³⁾.
Tờ báo Hoa ngữ có hoạt động lâu nhất tại Sài Gòn là tờ Viễn Đông nhật báo 远东日报 ra đời vào ngày 29-3-1940, đến năm 1975 mới đình bản. Đây là tờ báo có đội ngũ làm báo hùng hậu. Theo thống kê trong Tây Đê niên giám, “các bộ phận phòng ban từ biên tập, kinh doanh, quảng cáo,
nghiệp vụ, điện tín, sắp chữ, ấn loát,… tổng cộng có đến hơn 70 nhân viên”⁽⁴⁾. Từ khi sáng lập năm 1940 đến cuối những năm 50, tờ Viễn Đông nhật báo luôn giữ vị trí dẫn đầu trong báo giới Hoa ngữ ở Việt Nam.
Giai đoạn 1945-1954 có thể coi là giai đoạn phát triển của báo Hoa ngữ. Nhiều tờ báo mới ra đời như: Thời đại báo 时代报 (xuất bản hai ngày một tờ). Tháng 01-1949, tái xuất bản tờ Nam Á nhật báo 南亚日报. Cũng trong thời kỳ này, xuất bản tờ Tân Đông Á báo 新东亚报, Trào báo 潮报 (báo Trào lưu), Chính đạo báo 正道报 (báo Chính
nghĩa), Kiều liên báo 侨联报 (báo Cầu nối Hoa kiều), Nguyên tử báo 原子报, Lâm lang báo 琳琅报, Trung Chính nhật báo 中证日报, Hoa Nam nhật báo 华南日报, Dân tinh nhật báo 民星日报, Tây Đê nhật báo 西堤日报 (nhật báo Sài Gòn – Chợ Lớn), Ngu lạc vãn báo 娱乐晚报 (báo Giải trí buổi chiều), Phụ nữ nhật báo 妇女日报, Vạn Quốc báo 万国报 (tờ báo này cũng đã có lúc đổi tên là Vạn quốc vãn báo万国晚报 – Báo Vạn Quốc buổi chiều). Về tạp chí, có tạp chí Tân Sinh, tạp chí Tiền Tiến. Theo thống kê, “từ năm 1945 đến tháng 7 năm 1949, Sài Gòn có 15 tờ báo, bao gồm cả nhật báo, nhị nhật báo và tam nhật báo với tổng số phát hành 20.000 bản”⁽⁵⁾. Theo Công văn phúc trình hàng tháng về báo chí, số 11-M/PT tháng 11-1953: “Tổng số báo Hoa ngữ đến ngày 30-11-1953, có 8 nhật báo, 6 tuần báo hoặc có định kỳ”⁽⁶⁾. từ năm 1945 đến năm 1954, “có 28 tờ nhật báo, tạp chí định kỳ, hơn 10 tờ báo lá cải và tạp chí Hoa ngữ đã được xuất bản ở miền Nam, có khoảng 32.000 bản đã được phát hành trong năm 1954”⁽⁷⁾. Mỗi tờ báo, tùy theo tôn chỉ mục đích riêng mà đăng tải các thông tin phù hợp. Nhiều tờ báo đồng cảm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam.
Giai đoạn 1955-1963
Giai đoạn này, đại đa số Hoa kiều đã nhập quốc tịch Việt Nam. Tiếp tục sự nghiệp báo chí ở giai đoạn trước, báo chí Hoa ngữ vẫn hoạt động, phát triển mạnh. Nhiều tờ báo mới tiếp tục ra đời. Tháng 01-1955 ra đời thêm tờ Quần tinh buổi chiều 群精晚報 và Quần tinh tiểu báo 群精小報 (Quần tinh tin nhanh); tháng 02-1955 sáng lập tờ Á Châu nhật báo 亞洲日報. Tờ báo này vừa ra đời mỗi ngày đã in một tờ rưỡi tức 6 mặt báo. Báo chí Hoa ngữ lúc này, đại đa số là xuất bản một tờ 4 mặt báo, một số tờ báo có thực lực mạnh một chút thì không định kỳ xuất bản một tờ rưỡi 6 mặt. Riêng tờ Á Châu nhật báo vừa ra đời đã có sự đột phá trong in ấn tức hàng ngày đều in một tờ rưỡi (6 mặt báo), chiếm số lượng tiêu thụ lớn trong thị trường báo chí lúc bấy giờ. Bắt đầu từ tờ báo này mà nhiều tờ báo đã theo đó in tăng số mặt báo xuất bản hàng ngày lên tờ rưỡi (6 mặt báo). Từ tháng 10-1955 đến năm 1964, Sài Gòn xuất bản liên tiếp 11 nhật báo Hoa ngữ, cộng với 23 tờ gốc, mỗi tờ có một hoặc hai tờ báo 4 mặt hoặc 6 mặt báo. Có thể thấy, mặc dù vừa bước sang thời kỳ mới, chế độ mới còn non trẻ nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo chí Hoa ngữ. Báo chí có sự thay đổi từ mở rộng hoạt động, nội dung đến hình thức xuất bản.
Tháng 9 năm 1961, tờ Thành công nhật báo ra đời, trở thành ngôi sao sáng trên văn đàn báo chí của người Hoa, vượt qua kỷ lục tờ Á Châu nhật báo (vốn dẫn đầu mỗi ngày ra một tờ rưỡi 6 mặt báo lớn), mỗi ngày báo ra hai tờ 8 mặt báo lớn⁽⁸⁾ , làm cho báo Hoa ngữ tiến thêm một bước phát triển lớn cả về lượng và chất, lượng tiêu thụ và quảng cáo của tờ báo cũng vì thế mà tăng mạnh. Đây là một bước tiến bộ vượt bậc trong thể loại báo giấy Hoa ngữ ở Sài Gòn.
Theo tờ trình về Tình hình báo chí trong tháng Giêng năm 1961 của Nha Tổng Giám đốc Thông tin về nhật báo Hoa, “có 10 tờ, trong đó hai tờ phát hành nhiều nhất là Á Đông 9.000 bản và Viễn Đông 8.500 bản”⁽⁹⁾. Theo Hồ sơ về tình hình báo chí và vấn đề tái lập chế độ kiểm duyệt báo chí năm 1961, tính đến ngày 09-9-1961, tất cả các tờ báo xuất bản tại Sài Gòn có: “16 nhật báo Việt ngữ; 1 nhật báo Anh ngữ do người Việt chủ trương; 10 nhật báo Hoa ngữ; 1 báo Pháp ngữ của ngoại kiều; 1 tờ báo Pháp ngữ được phép xuất bản nhưng chưa ra; 11 tờ tuần báo; 29 đặc san hàng tuần; 29 bán nguyệt san và nguyệt san (chưa kể các nội san của các cơ quan, đoàn thể và các giai phẩm ra không định kỳ. Con số đặc san, nguyệt san, nội san có thể thay đổi chút ít trong mỗi tháng vì có tờ đình bản, có tờ tục bản)”⁽¹⁰⁾.
Theo tài liệu của Nha Trung Hoa Sự vụ phúc trình về việc các nhật báo Hoa ngữ xuất bản tại Việt Nam Cộng hòa ngày 27-02-1963: “1) Hiện có cả thảy 11 nhật báo Hoa ngữ được phép xuất bản hàng ngày tại Chợ Lớn và lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Tổng số báo phát hành hằng ngày lên đến trên 70.000 tờ cho một số lối 250.000 người lớn gốc Huê kiều. Vừa rồi, tờ báo Á Châu phát hành mỗi ngày 9.000 tờ, bị đình bản do Nghị định của Bộ Công dân vụ số 213-CDV/TT/NĐ ngày 27-02-1963. 2) Về phương diện tổng quát, các báo Hoa ngữ kể trên có những đặc điểm sau đây: a) Ngoài tờ Việt Hoa Soir dường như có cổ phần của cơ quan đại diện Chánh phủ Trung Hoa Dân quốc tại Việt Nam, hầu hết đều do tư nhân hoặc do những xí nghiệp Huê kiều đóng góp cổ phần sáng lập ra. b) Chiếu theo nguyên quán của các chủ nhiệm, trong số 11 tờ báo Hoa ngữ có: 3 tờ do người gốc bang Hẹ (Hakka) điều
khiển (Á Châu, Việt Hoa Soir, Thành công); 1 tờ do người gốc bang Triều Châu điều khiển (Viễn Đông); 1 tờ do người gốc bang Phước Kiến điều khiển (Đại Hạ); 6 tờ do người gốc bang Quảng Đông điều khiển (Luận đàn, Tân văn, Tân Việt vãn báo, Trung Quốc, Tân thanh, Vạn quốc)”⁽¹¹⁾. Có thể thấy, mỗi nhóm báo là cơ quan ngôn luận phản chiếu đời sống của một bang người Hoa.
Giai đoạn 1964-1975
Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn hoàng kim trong lịch sử phát triển báo Hoa ngữ ở Sài Gòn. Từ tháng 10-1955 đến tháng 12-1964, Sài Gòn liên tiếp thành lập 11 nhật báo Hoa ngữ, cộng với 23 tờ vốn có, mỗi nhà mỗi ngày phát hành một tờ hoặc hai tờ báo lớn/số báo. “Tháng 12-1964, tổng số phát hành được 70.000 bản, so với tháng 9-1955 tăng gấp đôi”⁽¹²⁾. Tháng 12-1964, tờ Việt Nam khoái báo (Báo tin nhanh Việt Nam) ra đời, sau đổi tên là Khoái báo (Báo tin nhanh); Năm 1965, tờ Trung Quốc nhật báo đổi chủ, đổi tên là Kiến quốc nhật báo (Nhật báo Kiến quốc); 6-1965, tờ Tân luận đàn báo (Báo Diễn đàn mới) xuất bản thêm báo buổi chiều là Tiền phong báo (Báo Tiền phong buổi chiều), sau đổi tên là Luận đàn vãn báo (báo Diễn đàn buổi chiều). Lúc này, toàn khu vực miền Nam, mỗi ngày xuất bản tổng cộng khoảng 14 tờ báo lớn nhỏ khác nhau. Loại báo Hoa ngữ có quy mô lớn, là chỉ loại xuất bản một tờ rưỡi lớn (6 mặt báo) và loại 2 tờ lớn (8 mặt báo); Loại có quy mô nhỏ, tức là chỉ loại mỗi ngày xuất bản 1 tờ lớn gồm 4 mặt báo.
Trong số 14 tờ báo Hoa ngữ, nhật báo có 7 tờ, trong đó loại quy mô lớn có 4 tờ là Á Châu nhật báo, Viễn Đông nhật báo, Thành Công nhật báo và Quốc tế nhật báo. Loại quy mô nhỏ có 3 tờ, là Đại Hạ nhật báo, Tân luận đàn báo và Kiến quốc nhật báo. Báo Hoa ngữ buổi chiều có 7 tờ, đều thuộc loại có quy mô nhỏ là: Việt Hoa báo, Tân văn báo (báo Tin tức), Tân Việt báo, Tân thanh báo (Báo Tiếng nói mới), Tiền phong báo, Vạn quốc báo và Khoái báo. Điều đáng nói là, 7 tờ báo buổi chiều này không hẹn mà cùng không ghi thêm chữ Vãn báo trên tên tờ báo.
Nhận xét về tình hình báo Hoa ngữ tại Sài Gòn, một phóng viên báo Trung nguyên (Băng Cốc – Thái Lan) khi đến thăm Sài Gòn đã phát biểu: “Số lượng báo Hoa ngữ nhiều, trình độ cao, báo Hoa ngữ xuất bản những năm 60 của Việt Nam có thể nói là đứng đầu Đông Nam Á”⁽¹³⁾.
Theo Thống kê niên giám báo Đài Loan – Hồng Kông vào thập niên 60-70 thế kỷ XX, báo Hoa ngữ của Việt Nam xuất bản số lượng nhiều và trình độ đạt chuẩn cả về nội dung và hình thức chỉ đứng sau báo Hoa ngữ của Đài Loan và Hồng Kông.
Sau năm 1965, khi chính quyền đưa ra lệnh thu hẹp báo chí Hoa ngữ và báo đăng tải nội dung phải có cả tiếng Việt, các báo sáp nhập, rút bớt còn lại 7 tờ báo Hoa ngữ. Bao gồm: “Thành Công nhật báo mua lại Đại Hạ nhật báo, vẫn giữ nguyên tên là Thành Công nhật báo; Viễn Đông nhật báo liên danh với Tân Việt báo, vẫn giữ tên là Viễn Đông nhật báo; Tân luận đàn báo kết hợp với Tiền phong báo, vẫn lấy tên là Tân luận đàn báo; Tân văn báo liên danh với Khoái báo, đổi tên là Tân văn khoái báo; Việt Hoa báo mua lại Tân thanh báo, vẫn giữ tên là Việt Hoa báo; Á Châu nhật báo liên danh với Vạn quốc báo đổi tên mới là Á Châu Vạn quốc liên hợp báo; Kiến quốc nhật báo liên danh với Quốc tế nhật báo, lấy tên mới là Kiến quốc Quốc tế liên hợp báo”⁽¹⁴⁾. Báo Hoa ngữ sau khi giảm bớt đi một nửa, các tờ báo đã trải qua giai đoạn làm báo vô cùng khó khăn. Tuy vậy, với sự nỗ lực của người làm báo, các tờ báo cũng có được những thành tựu đáng ghi nhận: “7 tờ báo đã phát hành tổng cộng 72.000 bản mỗi ngày. Theo sự phát triển kinh tế của người Hoa, các trang quảng cáo của các tờ báo năm 1967 thường chiếm một nửa toàn mặt báo, thu nhập rất đáng kể. Cùng năm đó, Thành công nhật báo đã tạo ra một kỷ nguyên mới với việc xuất bản báo in hai màu trong làng báo Hoa ngữ”⁽¹⁵⁾.
Sau năm 1967, chính quyền tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm báo, các tờ báo Hoa ngữ lại tách ra thành 11 tờ, trong đó có 7 nhật báo (6 tờ có quy mô lớn và 1 tờ có quy mô nhỏ) và 4 tờ báo buổi chiều đều có quy mô nhỏ, có 3 tờ không tái xuất bản là Quốc tế nhật báo, Đại Hạ nhật báo và Tân văn báo.
Tính đến năm 1972, có tổng cộng 13 nhật báo. Thành công nhật báo mỗi ngày phát hành được 15.000 bản và trở thành tờ báo Hoa ngữ lớn nhất; tờ Viễn Đông nhật báo có lịch sử lâu đời và có tiếng, uy tín phát hành được 13.000 bản, trở thành tờ báo Hoa ngữ lớn thứ hai; tờ Á Châu nhật báo là tờ có nhiều cổ đông, tiền vốn hùng hậu, phát hành được 12.000 bản, trở thành tờ báo Hoa ngữ lớn thứ ba. Ba tờ báo lớn này hình thành nên thế đứng chân vạc vững chắc trong làng báo Hoa ngữ ở Sài Gòn. Từ năm 1971-1975, Á Châu nhật báo, Kiến quốc nhật báo, Viễn Đông nhật báo mỗi ngày đều xuất bản 3 tờ/số. Xuất bản 1 tờ/số có tờ Tân luận đàn báo, lấy tin và biên tập tương đối nghiêm túc, văn chương ngắn gọn súc tích, giá thành rẻ, phát hành 15.000 bản, siêu quần xuất chúng, không tờ báo nào có thể so sánh được, tổng cộng phát hành được khoảng 90.000 bản⁽¹⁶⁾.
Đến tháng 4 năm 1975, tại Sài Gòn còn lại 10 nhật báo, đó là: Thành công nhật báo 成功日報, Viễn Đông nhật báo 遠東日報, Á Châu nhật báo 亞洲日報, Tân luận đàn báo 新論壇報, Việt Hoa báo 越華報, Tân văn khoái báo 新聞快報, Kiến quốc nhật báo 建國日報, Luận đàn vãn báo 論壇晚報, Quang Hoa nhật báo 光華日報, Nhân Nhân nhật báo人人日報. Theo 周南京: So sánh tỷ lệ số đầu báo/người vào các năm 1940, 1949, 1955, trung bình có 27 người/1 tờ báo Hoa ngữ/ngày. Đến năm 1968, con số đó đã tăng lên 18 người/1 tờ báo Hoa ngữ/ngày và đến năm 1975, 10 tờ báo Hoa ngữ đã phát hành tổng cộng khoảng 95.000 bản. Căn cứ vào con số khoảng 1,73 triệu người Hoa trên toàn Nam bộ Việt Nam lúc đó, trung bình 17 người/1 tờ báo Hoa ngữ/ngày⁽¹⁷⁾. Con số này đạt đến đỉnh điểm từ lúc bắt đầu sự nghiệp đến ngày báo Hoa ngữ đồng loạt dừng xuất bản.
Kết luận
Báo chí Hoa ngữ tại Sài Gòn trước năm 1975 không chỉ là một phương tiện thông tin quan trọng cho cộng đồng người Hoa mà còn đóng vai trò trong việc bảo tồn văn hóa, giáo dục và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu giữa các cộng đồng dân tộc tại miền Nam. Các tờ báo này không chỉ phản ánh các sự kiện trong nước mà còn cung cấp một cái nhìn toàn cầu về các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng người Hoa. Báo chí Hoa ngữ đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn trên nhiều phương diện. Không chỉ giúp người Hoa cập nhật tin tức thời sự, báo chí Hoa ngữ còn cung cấp kiến thức về các lĩnh vực khác nhau, từ đó hỗ trợ họ định hướng cuộc sống và dễ hòa nhập vào nhịp sống của người Sài Gòn. Điều này đã góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng, vừa hòa chung với cộng đồng, vừa giữ được bản sắc riêng biệt của người Hoa giữa lòng thành phố.
Chú thích:
1. 王士录 (1992), 当代越南 Việt Nam đương đại. Trung Quốc: Tứ Xuyên Nhân dân xuất bản xã, tr. 265.
2. 郭明 (1996), Hoa kiều Hoa nhân tại Việt Nam đích trầm phù dữ tiền đồ 华侨华人在越南的沉浮与前途. Trung Quốc: Thông tin nghiên cứu Đông Nam Á 中国东南亚研究通讯,kỳ 4 第4期, tr. 4-6.
3. 漫漫 (2012), Tây Cống Kiều báo đích thương tang kiếp nạn 西貢僑報的滄桑劫難. Đài Loan: Công ty hữu hạn cổ phần Khoa kỹ tư tấn Tú Uy xuất bản, tr. 36.
4. 李文雄 (1949), Tây Đê niên giám 西堤年鉴, Sài Gòn: Việt Nam các đại thư cục, tr. 69.
5. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 490.
6. Tòa đại biểu, Hồ sơ số F7/141, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr. 1-3.
7. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 490.
8. 漫漫 (2012), Tây Cống Kiều báo đích thương tang kiếp nạn 西貢僑報的滄桑劫難. Đài Loan: Công ty hữu hạn cổ phần Khoa kỹ tư tấn Tú Uy xuất bản, tr. 45.
9. Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Về tình hình báo chí và vấn đề tái lập chế độ kiểm duyệt báo chí năm 1961, Hồ sơ số 17475, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr. 11.
10. Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Hồ sơ số 17475, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr. 51.
11. Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa: Tài liệu của Văn phòng Tổng thống, Nha Trung Hoa Sự vụ về việc phỏng vấn Tổng thống của hãng ABC và các nhật báo Hoa ngữ xuất bản tại Việt Nam năm 1963 (từ ngày 27-02-1963 – 05-10-1963), Hồ sơ số 17946, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tr. 10.
12. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 491.
13. 漫漫 (2012), Tây Cống Kiều báo đích thương tang kiếp nạn 西貢僑報的滄桑劫難. Đài Loan: Công ty hữu hạn cổ phần Khoa kỹ tư tấn Tú Uy xuất bản, tr. 39.
14. 漫漫 (2012), Tây Cống Kiều báo đích thương tang kiếp nạn 西貢僑報的滄桑劫難. Đài Loan: Công ty hữu hạn cổ phần Khoa kỹ tư tấn Tú Uy xuất bản, tr. 48-49.
15. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 491.
16. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 492.
17. 周南京 (chủ biên) (1999), 華僑華人百科全書 (新聞,出版卷) (Hoa kiều Hoa nhân bách khoa toàn thư). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, tr. 492.