Bao nung gốm thời Trần phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Phạm Thị Oanh

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

Mở đầu

Phát hiện khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long tạo bước ngoặt quan trọng minh chứng lịch sử tồn tại hơn ngàn năm của kinh đô Thăng Long tại khu trung tâm Ba Đình – Thủ đô Hà Nội ngày nay. Tại khu di tích phát hiện được một số lượng lớn đồ gốm sứ phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hóa, xã hội của hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. Trong sưu tập gốm sứ này, chiếm số lượng lớn là đồ gốm sứ Việt Nam có nguồn gốc sản xuất tại các lò: Thăng Long, Nam Định, Bát Tràng (Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên, Phù Lãng (Bắc Ninh), Bình Định. Nghiên cứu xác định nguồn gốc sản xuất của những đồ gốm này mang lại nhiều giá trị khoa học.

Những nghiên cứu gốm sứ phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong nhiều năm qua cho thấy nhiều đồ gốm có chất lượng cao với những đặc trưng riêng biệt về kỹ thuật sản xuất, hoa văn trang trí cho đến chất liệu về men và xương gốm là những đồ gốm được sản xuất tại Thăng Long. Đóng góp nhiều nhất là những nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Minh Trí đã chứng minh thuyết phục về sự tồn tại của lò quan Thăng Long chuyên sản xuất phục vụ cho triều đình. Bằng chứng tin cậy bên cạnh các sản phẩm đồ gốm dùng trong sinh hoạt là nhiều bằng chứng sản xuất gốm như: Bao nung, con kê, song, ắc bàn xoay, gốm phế thải đã được phát hiện tại khu di tích. Với số lượng lớn bao nung và dụng cụ sản xuất có niên đại kéo dài từ thời Lý, Trần, Lê sơ cho thấy sự phát triển mạnh của lò quan Thăng Long từ thời Lý đến thời Lê.

Trong số những dụng cụ sản xuất gốm phát hiện tại khu di tích thì bao nung có số lượng lớn nhất. Tuy nhiên, bao nung gốm là loại hình chưa được nghiên cứu nhiều, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu, các di vật còn lưu lại sau các đợt khai quật tại các di chỉ gốm còn rất ít nên khó khăn trong tiếp cận nghiên cứu. Chính vì vậy để phân định chính xác niên đại cũng như hệ thống hóa về loại hình học bao nung gốm phát hiện tại khu di tích ngoài áp dụng phương pháp, quy trình nghiên cứu, chỉnh lý và lập hồ sơ khoa học về di vật trong khảo cổ học đô thị, còn phải áp dụng nhiều phương pháp liên ngành như toán học thống kê, phương pháp logic, đặc biệt vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh với các di tích khác như Cồn Chè, Cồn Thịnh (Nam Định), Kim Lan (Hà Nội) và các di chỉ gốm ở Hải Dương. Bài viết công bố một phần kết quả nghiên cứu về bao nung tại khu di tích trong giới hạn niên đại thời Trần với các nội dung về loại hình, đặc trưng và vai trò của nó trong nghiên cứu gốm cổ Việt Nam.

1. Một vài nét về bao nung gốm phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Bao nung gốm là một công cụ dùng để chứa đựng các sản phẩm gốm sứ trong quá trình nung đốt, được làm từ vật liệu chịu lửa có kích thước, hình dạng thích hợp với đồ gốm sứ cũng như lò nung, có công năng che chắn, ngăn cách, bảo vệ sản phẩm gốm sứ không tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa tránh bụi lò hoặc các tác nhân khác làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ gốm. Yêu cầu cơ bản của bao nung gốm là có độ bền, độ chịu nhiệt cao.

Loại hình bao nung gốm thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành

Theo PGS.TS. Bùi Minh Trí – chuyên gia gốm cổ – thì ở Việt Nam, sự xuất hiện của bao nung gốm được biết đến sớm nhất là từ thời Lý (thế kỷ XI), đánh dấu mốc quan trọng trong sản xuất gốm men. Trước đó, vào thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ X) đã có sự manh nha của sản xuất gốm men. Bằng chứng là tại di chỉ gốm Đương Xá (Bắc Ninh), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều đồ gốm có màu trắng xám được sản xuất bằng hình thức nung trực tiếp với vỏ sò mà không sử dụng bao nung. Sự xuất hiện của bao nung, dụng cụ sản xuất, gốm phế thải cùng các sản phẩm gốm là những đồ dùng vật dụng cao cấp đạt đến trình độ của sứ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, mở ra một kỷ nguyên mới cho gốm sứ Việt Nam. Đây là những minh chứng quan trọng cho thấy sự ra đời của lò gốm quan Thăng Long từ thời Lý.

Bao nung gốm phát hiện tại khu di tích không phải trong không gian của di chỉ sản xuất gốm mà chúng xuất hiện trong bối cảnh không gian đặc biệt. Đó là từ năm 2002 đến năm 2008, khi khai quật khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bao nung gốm, gốm phế thải, con kê và một số song, ắc bàn xoay được người xưa tận dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, tôn tạo nền móng trong khi xây dựng các công trình kiến trúc ở hoàng cung. Bao nung gốm phát hiện tại đây phần lớn phân bố chủ yếu ở khu E – khu vực xây dựng Nhà Quốc hội ngày nay và khu D khu vực 18 Hoàng Diệu. Bao nung gốm phát hiện tại khu di tích có số lượng lớn với hàng trăm nghìn hiện vật có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê sơ. Mỗi niên đại có số lượng tương đương nhau và có đặc trưng riêng biệt về hình dáng, chất liệu, kỹ thuật sản xuất. Việc phát hiện được một số lượng lớn bao nung gốm có niên đại kéo dài liên tục từ thời Lý, Trần, Lê sơ tại khu di tích bước đầu cho thấy manh mối về sự tồn tại của lò sản xuất gốm ở rất gần kinh thành Thăng Long cho dù chưa phát hiện được lò nung.

Dấu vết kiến trúc, di vật khai quật được tại khu di tích hoàng thành Thăng Long. Nguồn : Viện nghiên cứu kinh thành.

2. Loại hình

Bao nung thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) phát hiện tại khu di tích có số lượng trên 40.000 hiện vật với phần lớn là mảnh vỡ. Nghiên cứu xác định niên đại bao nung thời Trần tại khu di tích chủ yếu dựa trên cơ sở nghiên cứu so sánh với các di chỉ gốm Vạn Yên (Hải Dương) và Cồn Chè, Cồn Thịnh (Nam Định), Kim Lan (Hà Nội), đồng thời nghiên cứu diễn biến phát triển loại hình học bao nung từ thời Lý đến Trần, Lê sơ để phát hiện những đặc trưng của niên đại. 

Bao nung gốm phát hiện tại khu di tích bao gồm nắp đậy bao nung và thân bao nung. Trong đó thân bao nung chiếm số lượng chủ yếu khá thống nhất về hình dáng với đặc trưng là có thân hình trụ thấp và hình trụ cao, có kích thước to nhỏ khác nhau.

Nắp đậy bao nung

Nắp đậy bao nung thời Trần có số lượng ít trên 500 hiện vật, chủ yếu vỡ nhỏ, số hiện vật còn nguyên rất ít. Bao nung có hình tròn, thân dẹt được làm thủ công bằng tay cho nên còn để lại nhiều dấu vết tay trên thân, mép vuốt bo tròn, chất liệu xương có màu xám đen hoặc nâu đen, một số có màu nâu đỏ gạch, có nhiều hạt xỉ lò hay hạt sỏi màu đen, đanh chắc. Nắp đậy bao nung thời này có hai loại kích thước: Loại nhỏ có đường kính từ 24 đến 30cm, dày từ 2,6 đến 4cm và loại to có kích thước đường kính từ 38 đến 50cm, dày từ 3 đến 5cm. Nắp đậy bao nung sở dĩ có số lượng ít hơn phần thân bao nung là bởi nó chỉ được sử dụng để đậy thân bao nung ở trên cùng, các thân bao nung ở dưới được xếp chồng trực tiếp lên nhau.

Thân bao nung

Thân bao nung có số lượng trên 40.000 hiện vật chủ yếu là mảnh vỡ, đều có dáng hình trụ. Dựa vào kích cỡ chia thành 4 loại: (I) Bao nung hình trụ nhỏ, thành thấp; (II) Bao nung hình trụ to, thành thấp; (III) Bao nung hình trụ to, thành cao; (IV) Bao nung hình trụ nhỏ, thành cao. Còn lại số lượng lớn mảnh vỡ nhỏ thuộc phần thân và đáy không thể xác định được loại kiểu.

Loại I: Bao nung hình trụ nhỏ, thành thấp

Loại bao nung này có số lượng lớn nhất với trên 4.000 hiện vật, số lượng hiện vật còn đủ dáng chiếm nhiều nhất trong 4 loại. Bao nung có dáng hình trụ, thành thấp, kích thước nhỏ: Đường kính miệng từ 25,9 đến 30,1cm, đường kính đáy từ 28,3 đến 31cm, cao từ 11,4 đến 13,8cm, miệng vê gờ hình con trạch, thành miệng trong tạo thẳng liền thân, mép vuốt hoặc cắt vát trong, thành miệng ngoài vuốt tròn đều, tròn dẹt hoặc thon nhọn lên trên tạo mặt cắt hình nửa lá đề, thành bao nung đứng, đáy bằng. Thành trong và thành ngoài bao nung có màu nâu đất hoặc nâu đỏ nhạt. Xương bao nung dày, có màu nâu đất, hoặc nâu xám, màu đỏ gạch, có nhiều hạt xỉ lò màu đen nhỏ với mật độ dày. Bao nung loại này có 5 phụ kiểu khác nhau về kỹ thuật tạo miệng.

Loại II: Bao nung hình trụ to, thành thấp

Loại bao nung này có số lượng lớn thứ 3 với trên 1.000 hiện vật. Bao nung có dáng hình trụ, thành thấp, kích thước lớn: Đường kính miệng từ 48 đến 58cm, đường kính đáy từ 49,8 đến 59,8cm, cao từ 16 đến 19,8cm, cấu trúc miệng tương tự loại I với mép ngoài vê tạo gờ hình con trạch với nhiều hình dáng khác nhau như tròn dẹt, tròn đều, thon nhọn hình ½ lá đề. Phần lớn bao nung loại này có thành trong và thành ngoài đều trát hỗn hợp bã nguyên liệu làm gốm, xỉ lò và trấu tạo thành một lớp áo dày màu nâu hoặc xám đen sần sùi. Bao nung có xương dày, màu nâu đỏ gạch hoặc nâu xám, có nhiều hạt xỉ lò màu đen to, đanh chắc. Bao nung lọa II có 6 kiểu nhỏ với kỹ thuật tạo miệng khác nhau.

Loại III: Bao nung hình trụ to, thành cao

Bao nung loại III có số lượng ít nhất. Bao nung có hình trụ, thành cao, kích thước lớn: Đường kính miệng từ 45,4 đến 46cm, đường kính đáy từ 34,8 đến 48,2cm, cao từ 25,2 đến 26,3cm, miệng tạo gờ dày, thành miệng ngoài vuốt dẹt nhọn về mép miệng, hoặc vê tròn dẹt đều, mép miệng cắt vát trong, thành trong liền thân, thân đứng, thân dưới hơi phình rộng, đáy bằng, nhẵn, xương dày đều, màu nâu đất, có hạt xỉ lò màu đen, mật độ thưa. Trong và ngoài bao nung được trát thêm lớp áo dày, mịn làm từ nguyên bùn, đất nguyên liệu làm gốm thải loại, trộn với vỏ trấu. Giữa thân bao nung có dấu vết của dây buộc đã bị cháy. Dựa vào kỹ thuật tạo miệng chia loại bao nung này thành 2 kiểu nhỏ.

Loại IV: Bao nung hình trụ nhỏ, thành cao

Bao nung loại này có số lượng lớn thứ 2 với gần 2.000 hiện vật. Bao nung có dáng hình trụ, thành cao, có kích thước nhỏ: Đường kính miệng từ 24,3 đến 28,4cm, đường kính đáy từ 26,3 đến 30cm, cao từ 20 đến 30cm. Bao nung loại này có một số lượng ít miệng không tạo gờ, hoặc tạo gờ dẹt, phần lớn tạo gờ con trạch, thành miệng trong liền với thân, thân đứng, phần thân giáp đáy hơi phình có dấu vết kết nối giữa thân với đáy còn để lại nhiều vệt lõm do chưa gia cố làm nhẵn, thành trong và ngoài nhẵn, đáy bằng, xương dày, màu nâu xám, có nhiều xỉ lò màu đen, mật độ dày, đanh chắc. Bao nung loại IV có 5 kiểu nhỏ khác nhau về dáng và cấu trúc miệng.

3. Đặc trưng

Về hình dáng: Bao nung thời Trần phát hiện tại khu di tích có đặc trưng riêng. Nếu thời Lý, bao nung có hình dáng phong phú như hình chữ M, hình thang, hình trụ, hình vuông/chữ nhật, thì thời Trần, bao nung có hình dáng khá đồng nhất với đặc điểm chung là hình trụ, thành đứng, miệng thẳng với phần lớn miệng vê gờ hình con trạch, thành miệng trong liền thân, mép vuốt nhọn hoặc cắt vát.

Về chất liệu: Chất liệu bao nung đều có đặc điểm chung là được làm từ phần nguyên liệu thải loại của gốm với hỗn hợp gồm đất, xỉ lò, cát, các hạt sỏi đen, sỏi trắng với tỉ lệ pha trộn khác nhau. Do chưa tiếp cận được phương pháp nghiên cứu phân tích mẫu bằng các phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại nên trong đánh giá về đặc trưng chất liệu chỉ có thể nhận biết qua quan sát bằng mắt thường. Khác với thời Lý có sự đa dạng về xương với nhiều màu, kết cấu mịn ít pha trộn xỉ lò hay sỏi, rất đanh, độ thiêu kết cao thì ở thời Trần, bao nung có xương khá đồng nhất không đa dạng, phần lớn có màu nâu đỏ gạch hoặc nâu ngả vàng, nâu xám có nhiều hạt xỉ lò đen hay hạt sỏi màu trắng to, đanh chắc. Về màu sắc, bao nung thời Trần ít bị chảy men hơn thời Lý, loại bị chảy men có màu nâu cánh gián, còn lại phần lớn có màu nâu xám, nâu ngả vàng hoặc ngả đỏ.

Ảnh trên: Chân tảng đá kê cột đặt trên trụ sỏi ở kiến trúc thời Lý.
Ảnh dưới: Cửa và hệ thống cống thoát nước phía Đông kiến trúc lớn phía Bắc khu A.

Về kỹ thuật: Bao nung gốm có thể được tạo bằng bàn xoay hoặc bằng tay tùy theo loại hình, nhưng phổ biến là dùng bàn xoay. Nếu như thời Lý do mới hình thành kỹ thuật chế tạo bao nung nên thành trong bao nung còn để lại các vết nối, be các dải cuộn chưa được gia cố làm nhẵn, thì đến thời Trần không còn hiện tượng này. Thời Trần phổ biến với kỹ thuật trát một lớp áo dày bằng bã nguyên liệu làm gốm, có thể có bùn, đất trộn cùng trấu, bã thực vật ở bên ngoài và thành trong bao nung. Kỹ thuật này giúp gia cố cho bao nung khi bị nứt vỡ hoặc bít các lỗ thủng hình thành do tỉ lệ xỉ lò trong xương bao nung quá lớn bị xì ra khi nhiệt độ lò nung gia tăng. Kỹ thuật này còn giúp gia tăng nhiệt độ cho bao nung tương tự như kỹ thuật trát lớp áo bằng bùn và bã thực vật trong nung gạch truyền thống.

Kết luận

Bao nung thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long có số lượng lớn có sự ổn định về hình dáng và chất liệu, kích thước hơn so với thời Lý cho thấy rõ sự phát triển về trình độ kỹ thuật chế tạo bao nung cũng như trình độ sản xuất đồ gốm nói chung. Đây không chỉ là những minh chứng cho sự tồn tại của lò gốm Quan Thăng Long mà còn cho thấy sự phát triển kế thừa và tiếp nồi từ thời Lý, khẳng định sự phát triển liên tục của lò gốm quan Thăng Long từ thời Lý sang thời Trần.

Ngoài ra, bao nung thời Trần là tư liệu quan trọng trong nghiên cứu kỹ thuật sản xuất gốm cổ. Kết quả công việc này đem đến những nhận thức lý thú về các quy trình sản xuất gốm thời Trần. Nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật sản xuất bao nung còn cho thấy phong cách người thợ hay chủ lò, từ đó xác định được quy mô của lò gốm có nhiều thợ hay ít thợ, đồng thời phản ánh trình độ sản xuất cao hay thấp. Như vậy, bao nung thời Trần là tư liệu vật chất quý báu từ lòng đất chứa đựng nhiều thông tin giúp giải mã các vấn đề về lịch sử phát triển của lò quan Thăng Long nói riêng, lịch sử gốm cổ nói chung. 

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Minh Trí (2000), Gốm Hợp Lễ trong phức hợp gốm sứ thời Lê, Luận án Tiến sĩ, tư liệu Viện Nghiên cứu Kinh thành.

2. Bùi Minh Trí (2001), “Phát hiện mới khảo cổ học tại Kim Lan và ý kiến mới về làng gốm Bát Tràng thời Trần”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 563.

3. Bùi Minh Trí – Kerry Nguyễn – Long (2001), Gốm hoa lam Việt Nam (Vietnamese Blue & White Ceramics), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Bùi Minh Trí (2004), “Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long”, Hoàng thành Thăng Long phát hiện khảo cổ học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, tr. 91-111.

5. Bùi Minh Trí, Nguyễn Đình Chiến (2004), “Đồ gốm sứ di tích Hoàng thành Thăng Long”, Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, Viện Khảo cổ học.

6. Bùi Minh Trí (2008), “Thử bàn về đồ gốm ngự dụng trong hoàng cung Thăng Long”, Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008), tr. 140-158.

7. Hà Văn Cẩn (1996), “Hiểu biết mới về gốm thời Trần qua cuộc khai quật chỉ Xóm Hống (Hải Hưng)”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1996, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 334.

8. Hà Văn Cẩn, Lê Cảnh Lam (2009), “Dấu hiệu về khu lò sản xuất gốm sứ khu vực phía tây Thăng Long tại địa điểm 62-64 Trần Phú, Hà Nội”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2009, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 297-298.

9. Nguyễn Đình Chiến (1996), Trung tâm gốm Bát Tràng (Bat Trang ceramic centre). Mỹ thuật, Hồ Chí Minh city, Nos. 16-17, tr. 53.

10. Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân (2005), 2000 năm gốm Việt Nam – 2000 years of Vietnamese ceramics, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. 11. Nishino Noriko, Nishimura Masanari (2001), “Niên đại, kỹ thuật và vai trò của gốm sứ của di tích Cồn Chè, Cồn Thịnh”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới