Bảo tồn tranh gương cung đình Huế

Vũ Hào

Tạp chí Xưa&Nay, số 351, tháng 3 năm 2010

Mỗi lần đến với quần thể di tích Huế, được chứng kiến những cảm nhận của bạn bè quốc tế và ngay cả cảm xúc của bản thân khi chiêm ngưỡng những bức tranh gương cổ, tôi đã luôn tin rằng có một ngày nào đó những bức họa này sẽ có một vị trí xứng đáng. Giờ đây, sau rất nhiều cố gắng bảo tồn, tranh gương thời Nguyễn đã dần dần đến được với công chúng.

Tranh gương cung đình Huế

Có thể xem tranh gương cung đình Huế là một loại tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng, là những sáng tác độc bản xuất sắc nhất của hội họa thời Nguyễn. Hầu hết những bức tranh đều được đóng khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ. Về chất liệu thì loại tranh này dùng bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương, tức vẽ ở mặt sau để nhìn mặt trước.

Theo các nhà nghiên cứu, tranh gương Huế có 3 nguồn xuất xứ khác nhau: Loại tranh gương với các bài thơ ngự chế, là loại tranh do triều đình Huế đặt hàng tại Trung Quốc. Loại tranh thứ hai là tranh có chủ đề, thể hiện các tích truyện lịch sử của Trung Hoa như Nhậm dụng tam kiệt, Chiêu nho giảng kinh, Dạ phân giảng kinh… cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau hết là loại tranh tĩnh vật, treo tại lăng Minh Mạng và Đồng Khánh, là loại tranh do người Việt vẽ ở cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.

Tuy chủ đề có khác nhau nhưng về kỹ thuật vẽ tranh và cách phối màu của loại tranh này đều cơ bản giống nhau: Loại tranh minh họa các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa như Nhậm dụng tam kiệt, nói về Hán Cao Tổ dùng ba người tài; Chiêu nho giảng kinh, nói về tích Hán Tuyên đế mời thầy giáo đến giảng kinh sách; Dạ phân giảng kinh là tích Hán Quang Vũ tổ chức giảng kinh vào lúc nửa đêm. Riêng các họa sĩ người Việt chỉ vẽ tranh tĩnh vật, xoay quanh 2 chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Hầu hết những tranh này thiên về bảng màu lạnh, cảnh sắc và cả mái nhà đều là màu xanh, mây trời cũng trắng xanh, chỉ có cột nhà đỏ và viền nét vàng. Tất cả được vẽ rất chi tiết, mảng màu tinh tế.

Tranh gương cung đình Huế

       Công tâm mà đánh giá thì chất lượng nghệ thuật của các bức tranh gương thuộc loại tĩnh vật thời Nguyễn hết sức đặc sắc. Xem qua 10 bức tranh gương tĩnh vật cỡ 50x60cm, treo trên tường và các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh sẽ thấy họa tiết biến đổi kỳ ảo, trang trí công phu bằng những đường hồi văn, màu sắc phong phú. Có lẽ vì mục đích thờ phụng trong lăng tẩm nên tranh vẽ thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền.

Hiện nay, tranh gương cung đình Huế được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế có 19 bức, trong đó 6 bức treo tại điện Long An. Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng đã bị hư hỏng. Sau đó 8 bức tranh ít bị hư hỏng hơn đã được đưa ra treo tại chính điện cung Diên Thọ sau khi được tu sửa. Tại lăng Tự Đức hiện có 24 bức, treo tại 2 điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm. Các bức tranh này đa số đều là tranh có thơ ngự chế. Khác với lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị có 23 bức, nhưng lại có đến 17 bức tranh tĩnh vật, chủ đề bát bửu cổ đồ, đáng chú ý có 4 bức tranh lớn rất đặc biệt chia ô trang trí, gồm 6 ô vẽ hoa trái, 6 bức viết thơ. Còn lại, các lăng Minh Mạng, Đồng Khánh cũng có tranh gương nhưng đều là tranh tĩnh vật. Lăng Minh Mạng có 4 bức, lăng Đồng Khánh có 10 bức. Loại tranh tĩnh vật này còn tìm thấy ở chùa Báo Quốc.

Tranh gương cung đình Huế là một loại tranh độc đáo, quý hiếm vì chỉ có độc bản, lại mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn. Đến nay chúng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm bảo tồn đúng mức.

Bài liên quan

Bài đăng mới