Bình rượu men trắng hình rồng tại Hoàng thành Thăng Long

Lê Thị Bính

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

1. Mở đầu

Ở Việt Nam, rồng là con vật linh quen thuộc, gần gũi và gắn bó với dân tộc Việt ngay từ buổi sơ khai dựng nước. Người Việt luôn tự hào về nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ lý giải nguồn gốc dân tộc Việt là kết tinh của hai dòng giống tiên quý: Rồng và Tiên. Rồng đã trở thành biểu tượng cho vương quyền và thần quyền của giai cấp thống trị ngay từ thời kỳ chống Bắc thuộc. Rồng xuất hiện như một vị thần bảo trợ: “Với nhà nước Vạn Xuân (thế kỷ thứ VI), rồng cho Triệu Quang Phục móng để giữ nước, với nhà nước Đại Cồ Việt thì rồng che chở cho cả Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn lúc còn hàn vi, đến nhà nước Đại Việt thì rồng gắn bó với các vua Lý và chùa tháp”⁽¹⁾. Bên cạnh đó, rồng còn hàm tượng cho yếu tố nước đem lại sự sống, thịnh vượng tốt tươi và biểu hiện cho may mắn.

Thời Lê sơ, hệ tư tưởng Nho giáo chiếm ưu thế, thiết chế xã hội cũng như mô hình bộ máy cai trị có sự tham khảo của Trung Hoa. Khác với chế độ thân dân thời Lý – Trần, thời kỳ này, các vua Lê củng cố mạnh quyền lực tối cao, đẩy mạnh phân cấp phân quyền với nhiều chính sách, luật pháp nghiêm minh. Theo đó, hình tượng rồng đại diện cho vua, vì thế cũng biến đổi với tạo hình khác biệt thể hiện sức mạnh, sự uy nghiêm, quyền thế như: Đầu có sừng, trán có u nổi cao, bờm dài, thân uốn khúc mạch lạc, thể hiện khả năng bay mạnh mẽ⁽²⁾. Rồng thời Lê sơ được mô tả có bốn chân, mỗi chân có từ bốn đến năm móng sắc nhọn, trong đó rồng năm móng xuất hiện phổ biến nhất.

Một số bình rượu men trắng trang trí rồng, thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI) phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long
(Nguồn: Bùi Minh Trí, Nguyễn Minh Thành, Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Những nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Minh Trí về những quy định được ghi chép trong sử sách của Trung Quốc về rồng và đồ ngự dụng như: Rồng năm móng là đồ của vua, rồng có từ ba đến bốn móng cũng thuộc sở hữu của vua, dùng làm quà ban cho thái tử, hoàng tử, các quan đại thần hay quà bang giao. Trừ vua ra, không ai được phép tiếm dụng hoa văn rồng phượng.

Liên hệ với Việt Nam, các đồ gốm sứ dùng cho vua còn lưu giữ tại cung đình Huế cũng có quy định đồ gốm có rồng năm móng là đồ của vua. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: “Tháng 9 nhuận, Hồng Đức năm thứ 2 (1471), định chế độ y phục và bổ tử của các quan. Vua dụ rằng: ‘Nhà nước ta vỗ yên dân khắp cõi, theo lễ văn xưa. Triều phục người trên kẻ dưới, quan văn thêu chim, quan võ vẽ thú, từ xưa có chế độ rồi…’. Tháng 6 ngày 8 (Hồng Đức năm thứ 28 (1497), cấm sử dụng tiếm vượt những đồ phi pháp như các vật có nạm khắc vàng bạc, sơn vẽ rồng phượng…”⁽³⁾. Như vậy, thời Lê sơ cũng có những quy định nghiêm ngặt phân hóa rõ đồ dùng của các tầng lớp cầm quyền. Tuy không có ghi chép cụ thể những quy định về số móng rồng như Trung Quốc nhưng có thể thấy thời Lê sơ lấy luật lệ, bộ máy chính quyền nhà Minh làm chuẩn mực để học tập thì rất có thể những quy định về đồ gốm ngự dụng cũng tương tự như Trung Hoa.

2. Các loại bình rượu men trắng trang trí hình rồng

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy số lượng rất lớn các loại hình bình rượu men trắng với 32.793 hiện vật⁽⁴⁾. Các loại hình bình rượu men trắng được tìm thấy có phẩm cấp khác nhau, được chia thành hai nhóm lớn: Nhóm thứ nhất là nhóm bình rượu dành cho vua được gọi là bình rượu ngự dụng; thứ hai là nhóm bình rượu dành cho hoàng cung (tầng lớp quý tộc, quan lại, thị vệ, cung nữ,…). Mỗi nhóm có những đặc điểm nhận biết khác nhau. Trong đó, các loại bình rượu trang trí rồng được xếp vào nhóm bình rượu ngự dụng là bình dành riêng cho nhà vua. Đặc điểm nhận biết rõ nhất của nhóm bình rượu này đó chính là đồ án hoa văn trang trí, chủ yếu là hình rồng, mây, đi kèm theo đó là dải văn băng cánh sen ở vai bình và thân sát chân đế. Cùng với đồ án hoa văn này có thể còn có chữ Hán (chữ Quan) được viết bằng bút lông dưới đáy bình⁽⁵⁾.

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy 374 hiện vật là bình rượu men trắng được trang trí rồng, trong đó có 04 đủ dáng, 41 mảnh miệng, 287 mảnh thân, 42 mảnh đáy. Dựa vào hình dáng, kỹ thuật tạo miệng, kích thước nhóm bình rượu này chia thành 4 loại (xem Bảng 01).

Bảng 01: Bảng kê các loại bình rượu gốm men trắng trang trí hoa văn hình rồng, thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI), khu di tích Hoàng thành Thăng Long

2.1. Bình rượu loại I

Đây là loại bình rượu hình rồng rất cao cấp, có số lượng không nhiều chỉ tìm thấy 88 hiện vật, trong đó có 02 hiện vật được phục nguyên⁽⁶⁾, 17 mảnh miệng, 69 mảnh thân (chủ yếu là vòi, quai và thân nhỏ), mảnh đáy khó phân biệt với các loại bình rượu khác nên không thể nhận biết. Dựa vào hiện vật phục nguyên và các mảnh vỡ tìm được cho thấy đây là bình rượu có kích thước lớn (đường kính miệng 10,6-10,8cm, chiều cao 30,4-30,5cm, đường kính đáy 15,4-16,1cm), dáng thon cao, cổ thẳng, miệng rộng, mép miệng được cắt gần bằng, vai phình rộng thon dần xuống đáy, đáy khoét lõm tạo chân đế trong, đáy phẳng có tô nâu hoặc để mộc.

Hoa văn rồng trên loại bình này chủ yếu sử dụng kỹ thuật đắp nổi tạo hình khối hoa văn trên phần thân trên dưới miệng bình, còn phần thân dưới và đáy không trang trí hoa văn. Từ miệng xuống thân khoảng 4,5-5cm được tạo hoa văn hình khối rồng xung quanh thân. Cụ thể vòi bình rượu được tạo có hình đầu rồng, các tua, mào xung quanh, bên cạnh vòi bình được đắp nổi tay rồng (4-5 móng) đối xứng nhau, đuôi rồng được tạo nổi đối xứng với vòi, trên đuôi được tạo các vẩy rồng tinh xảo, bên cạnh đuôi và chân rồng lộ rõ cơ bắp hoặc vẩy rồng đầy uy quyền. Xương gốm màu trắng ngà, dày trung bình (0,5-0,7cm), mịn, đanh chắc. Men trắng phủ kín cả bên trong và bên ngoài, khá dày đều và bóng, có nhiều rạn kính nhỏ.

2.2. Bình rượu loại II

Đây là loại bình rượu nhỏ không quai có đường kính miệng 5,0cm, chiều cao 13,5cm, đường kính đáy 6,5cm. Cả khu di tích tìm thấy 03 hiện vật, trong đó có 01 đủ dáng, 02 mảnh thân. Đặc điểm của bình này là miệng thẳng, rộng mép miệng tạo gần tròn, cổ ngắn; vai cong thon dần xuống đáy, đáy khoét lõm tạo chân đế trong, mép chân đế cắt vát ngoài, đáy tô nâu kín cả thành trong chân đế. Hoa văn rồng trang trí trên loại bình này được khắc chìm sinh động với miệng há rộng, mắt to, thân uốn lượn.

Bên cạnh hoa văn hình rồng còn kết hợp hài hòa cùng các hoa văn khác trải đều kín từ vai đến chân đế của bình. Cụ thể trên vai khắc tạo băng cánh sen kép nhỏ và ba đường chỉ chìm vòng quanh thân cách miệng khoảng 2cm, giữa thân khắc tạo rồng đang phun đao lửa và vân mây như ý, thân sát đáy từ đáy lên thân khoảng 5cm khắc tạo băng cánh sen lớn có các xoắn bên trong, ngăn cách với hoa văn rồng bằng đường chỉ chìm. Bên ngoài phủ men màu trắng mỏng, nhẵn, bên trong phủ lớp lót men mỏng. Xương gốm mỏng (khoảng 3,5-4,0cm), màu trắng, đanh chắc, mịn.

2.3. Bình rượu loại III

Đây là loại bình nhỏ có 04 quai đối xứng, có đường kính miệng 5,4cm, chiều cao 10,1cm, đường kính đáy 6,0cm. Khu di tích tìm thấy 73 hiện vật, trong đó có 01 đủ dáng, 09 mảnh miệng, 41 mảnh thân, 22 mảnh đáy. Đặc điểm chung của loại này miệng hơi loe, rộng, mép miệng tạo hơi vát ngoài, cổ ngắn; vai cong thon dần xuống đáy; thân sát vai khắc chìm băng cánh sen kép, giữa thân khắc tạo hình rồng năm móng đang há miệng phun lửa, thân sát đáy khắc chìm băng cánh sen lớn có móc xoáy; đáy khoét lõm tạo chân đế trong, mép đế cắt vát trong, thành trong vát ngoài, đáy để mộc (16 hiện vật), tô nâu (3 hiện vật) hoặc phủ men (4 hiện vật). Bên ngoài và bên trong bình đều phủ men màu trắng, có nhiều rạn kính nhỏ. Xương gốm dày, loại bình này dày hơn loại II với độ dày trung bình từ 0,4-0,7cm, xương có màu trắng, đanh chắc, mịn.

2.4. Bình rượu loại IV

Loại bình rượu này được tìm thấy có số lượng nhiều nhất so với các loại bình khác, tìm thấy 210 mảnh hiện vật, trong đó có 15 mảnh miệng, 175 mảnh thân, 20 mảnh đáy. Bình rượu loại này có kích thước lớn, có đường kính miệng 11,0-11,4cm, chiều cao 31,2cm, đường kính đáy 14,5-15,0cm, dáng cao, miệng rộng, loe, mép vê tròn, cổ bình rất thấp, thân thon đứng, chân đế mở rộng, đáy khoét lõm tạo chân đế trong, mép chân đế cắt bằng, diện tiếp xúc rộng (1,0cm), đáy tạo bằng có thể tô nâu (08 hiện vật) hoặc để mộc (12 hiện vật).

Hoa văn trang trí của loại bình này cũng giống như các bình loại II, III, đó chính là trên tổng thể thân bình chia làm ba băng hoa văn khác nhau: Từ miệng xuống khoảng 4,5-5,0cm là khắc chìm băng cánh sen kép nhỏ vòng quanh cổ bình, ngăn cánh với quai bình bởi hai đường chỉ chìm, sau đó là bốn quai được gắn đối xứng đều trên thân bình, sau đó là băng hoa văn hình rồng với mây được khắc chìm uốn lượn vòng quanh thân, tiếp theo đó là băng cánh sen lớn cách tính từ chân đế lên thân khoảng 7,5-8,0cm, bên trong cách sen có các móc xoáy. Xương gốm màu trắng đục, độ dày xương gốm khác nhau, ở gần miệng xương gốm mỏng nhất khoảng 0,4-0,5cm, xương gốm ở giữa thân dày nhất khoảng 1,4-1,5cm, xương gốm sát đáy khoảng 0,8-0,9cm, xương gốm mịn, đanh, chắc. Men màu trắng phủ cả trong và ngoài, dày đều, bóng, có nhiều rạn kính nhỏ.

3. Vai trò của bình rượu men trắng trong Hoàng cung Thăng Long

Theo như sử sách ghi chép, từ xa xưa, rượu là thức uống gắn liền với đời sống con người Việt Nam. Rượu là lễ vật dùng trong các nghi lễ trang trọng như tế lễ trời đất, tổ tiên và các nghi lễ trọng đại khác của đất nước. Ngoài ra, rượu còn là thức uống của tất cả mọi người từ nông dân cho đến quan lại vua chúa. Chính vì thế, tục lệ uống rượu được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đến thời Lê sơ, khi Nho giáo hưng thịnh, rượu còn được coi là thước đo của lễ nghĩa: “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không thành lễ). Đặc biệt, vào thời vua Lê Thánh Tông, sử sách ghi chép rằng, ngay khi vừa mới lên ngôi, nhà vua đã ra sắc chỉ “cho phép trong nước được hội họp uống rượu”, chính vì thế, tục lệ uống rượu của thời kỳ này càng phát triển.

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, từ thời Đại La cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đều phát hiện được rất nhiều bình rượu có hình dáng kích thước khác nhau. Điều này là những minh chứng xác thực cho tục uống rượu tồn tại kéo dài trong hoàng cung Thăng Long. Đặc biệt đến thời Lê sơ, số lượng các loại hình bình rượu tìm thấy nhiều vượt trội hơn so với các thời kỳ khác, trong đó đặc biệt tìm thấy các loại hình bình rượu lớn, có hình dáng giống nhau được trang trí tinh xảo, chất lượng cao.

4. Kết luận

Bình gốm men trắng thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI) tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long tìm thấy với số lượng rất lớn, hình dáng đa dạng, phong phú, hoa văn tinh xảo, chất lượng cao. Trong đó chủ yếu là các loại hình bình rượu có kích thước lớn, men trắng phủ kín cả trong và ngoài (trừ mép chân đế và đáy), không trang trí hoa văn. Một số bình gốm dưới đáy được viết chữ Hán (chữ Quan) bằng bút lông mực màu đen.

Dựa vào một số phế phẩm, sản phẩm sống men và một số lượng rất nhiều các thành phẩm là bình rượu gốm men trắng, đặc biệt là tìm thấy rất nhiều các bình rượu được viết chữ “Quan” dưới đáy bình đã phần nào chứng minh được nguồn gốc sản xuất trực tiếp tại lò quan – Thăng Long để phục vụ cho đời sống hoàng cung Thăng Long xưa.

Bình rượu men trắng thời Lê sơ được phân phẩm cấp rất rõ (bình rượu dành riêng cho vua, bình rượu dành cho tầng lớp quý tộc, thị vệ,…), từ đó, ta thấy được lò quan – Thăng Long thời Lê sơ được chế tác dựa trên các quy định khá chặt chẽ của triều đình. Và cùng phân tích trên phương diện phẩm cấp, chất lượng và đồ án hoa văn trang trí có thể thấy rõ rằng, sự khác nhau về phẩm cấp, chất lượng và đồ án hoa văn trang trí của những đồ gốm đó đồng nghĩa với sự khác nhau về tầng lớp hay địa vị xã hội của những người sử dụng chúng. Điều này phản ánh về tính phân tầng giai cấp trong xã hội xưa được thể hiện qua gốm trong hoàng cung Thăng Long.

Chú thích:

1. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, tr. 176.

2. Bùi Minh Trí (2022), “Đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ”, Kinh thành cổ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 10-39.

3. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1985), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 457 và 528.

4. Viện Nghiên cứu Kinh thành (2022), Báo cáo kết quả nghiên cứu, chỉnh lý đồ gốm sứ Việt Nam thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI).

5. Bùi Minh Trí (2015), Gốm Thăng Long thời Lê sơ và vai trò của nó trong đời sống Hoàng cung Thăng Long, Thông báo Khảo cổ học – Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 95-113.

6. Hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (01 hiện vật) và trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội (01 hiện vật).

Bài liên quan

Bài đăng mới