Ông Ích Khiêm (1829-1884), biệt hiệu là Mục Chi, quê ở làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), là nhà thơ và võ tướng tài ba. Ông Ích Khiêm một danh tướng kiệt hiệt dưới thời Tự Đức, một con người trung nghĩa vì dân, vì nước song cũng là người được người đời thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ nhất trong số những nhân vật lịch sử gốc Quảng Nam thời cận đại.
Trước hết, về năm sinh của Ông Ích Khiêm, đến nay vẫn tồn tại nhiều tài liệu ghi không thống nhất nhau. Trong sách Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam, hai tác giả Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên thì ghi ông sinh năm 1831[1], nhiều tài liệu khác ghi ông sinh năm 1828. Cá biệt, có một số bài viết đang hiện hành trên Internet thì ghi ông sinh năm 1840?[2]. Trong chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đều thấy ghi ông sinh năm Nhâm Thìn (1832). Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục cũng ghi ông đỗ cử nhân lúc 15 tuổi, căn cứ vào kỷ lục “Thiếu niên đăng cao khoa” do vua Thiệu Trị ban cho Ông Ích Khiêm khi ông đỗ cử nhân khoa thi năm Đình Mùi thì ông sinh năm 1832[3]. Tuy nhiên, theo gia phả của họ ông hiện lưu tại nhà Ông Ích Trưng – hậu duệ của Ông Ích Khiêm thì thấy ghi ông sinh ngày 21-12 năm Mậu Tý (1829). Điều đáng nói là, Ông Văn Yển viết lại gia phả của tộc ông chỉ sau khi Ông Ích Khiêm đỗ cử nhân đúng 1 năm, lẽ nào ông lại chép sai năm sinh của cháu mình? Lẽ nào ông Yển không biết lời khen “Thiếu niên đăng cao khoa” mà vua Thiệu Trị dành cho Ông Ích Khiêm? Vậy ông Yển ghi thêm cho ông Khiêm mấy tuổi để làm gì? Các hậu duệ họ Ông là Ông Ích Liễn, Ông Ích Trưng hiện vẫn chưa lý giải được điều này.
Theo chúng tôi, ông Yển đã ghi chính xác tuổi của Ông Ích Khiêm, bởi quyển gia phả trên cho biết trong số những người tham gia biên soạn, góp ý, hiệu đính cuốn gia phả thấy có cả Ông Ích Khiêm. Lập luận trên của chúng tôi hoàn toàn đúng với ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, khi viết “truyện về Ông Ích Khiêm” trong Đại Nam liệt truyện. Nếu người đọc tinh ý, sẽ thấy các quan ngự sử của Quốc sử quán triều Nguyễn đã sửa cái sai trước đó khi chép về ông, khi viết rằng: “Khiêm lại bị cách chức phát đi an trí ở Bình Thuận rồi mất ở trong ngục, bấy giờ 55 tuổi”[4]. Như vậy, lấy năm mất của Ông Ích Khiêm trừ đi tuổi thọ là 55 thì năm sinh sẽ là: 1829! Đó chính là năm sinh đúng của ông, cũng phù hợp với gia phả của tộc Ông ở làng Phong Lệ hiện nay. Sở dĩ chúng tôi quan tâm đến năm sinh của Ông Ích Khiêm, bởi lẽ ông là người giữ “kỷ lục” độc nhất vô nhị của khoa cử Quảng Nam thời các vua Nguyễn – người “Thiếu niên đăng cao khoa”. Và cũng từ đó, cùng với tính cách “rặt Quảng Nam”, Ông Ích Khiêm đã tạo ra cho mình một khoảng không gian huyền thoại ít ai có được.
Về tướng mạo, theo ký ức gia tộc, thì Ông Ích Khiêm có dáng người nhỏ thó, gầy song bụng lại phệ, gương mặt khôi ngô, giọng nói khá to và vang. Điều này phù hợp với ghi chép của Giá Sơn Kiều Óanh Mậu – một người từng biết ông: “Khiêm tuy bé nhỏ nhưng tiếng nói như chuông to”. Trong cuốn Quảng Nam xưa và nay, cử nhân Hán học Hồ Ngận cũng viết:“Ông Ích Khiêm người lùn thấp, bụng phệ, tính nóng và tự phụ”[5].
Nói đến làng Phong Lệ là nhắc đến lễ hội “Phong Lệ mục đồng” – một trong những lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc, lễ hội vinh danh những “đứa trẻ chăn trâu”, có lẽ là duy nhất ở nước ta. Trước hết, tục thờ “Thần Nông” và coi trọng sức kéo nông nghiệp từ trâu, bò thì không xa lạ với các dân tộc Á Đông, song từ đó đi đến có hẳn một lễ hội với tất cả những qui trình, thể thức bài bản thì hiếm đâu có được như “Phong Lệ mục đồng”. Vậy thực chất của “Phong Lệ mục đồng” là gì, đó có phải là một lễ hội thuần túy như bao lễ hội khác ở nước ta?.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “Phong Lệ mục đồng” gắn với làng Phong Lệ và gắn với sự tỏa sáng của Ông Ích Khiêm trên bước đường khoa cử và quan lộ. Người ta đồn rằng, tại Cồn Thần của làng Phong Lệ xưa có một tảng đá lạ, mùa lụt hay những trưa đứng bóng, người hay chim, ngồi lên hay đậu phải thì bị dính chặt vào tảng đá, không thể nào gỡ ra được! Thế rồi, “gã mục đồng” họ Ông cùng đám bạn chăn trâu đã dám thả trâu, bò ăn tại Cồn Thần, lại thường chơi trò “cờ lau tập trận”, đến nỗi miếu thần cũng hết linh, để rồi sau đó ít lâu, trở thành vị cử nhân “Thiếu niên đăng cao khoa”, một võ tướng lừng danh khắp nước. Và, đến cuối triều Tự Đức, uy danh của ông chỉ đặt sau 2 đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết mà thôi. Một trẻ chăn trâu, với trò “cờ lau tập trận” mà nên công nghiệp rỡ ràng như vậy, theo quan niệm dân gian thì không linh thiêng và không đáng để “thần thánh hóa” làm cái biểu trưng, đề cao việc học thì mới lạ! Cho nên, “Phong Lệ mục đồng” chỉ ra đời tại Phong Lệ và cùng với Ông Ích Khiêm, mà không hề thấy có bất kỳ đâu ở nước ta là vậy (Bởi, chăn trâu và trò cờ lau tập trận thì không nơi nào mà không có ở khắp đồng quê Việt Nam xưa). Cho đến nay, chưa có ai lý giải được vì sao Ông Ích Khiêm – một quan văn lại có thể nắm vững kiến thức về binh pháp, lại có khả năng “quá võ” (“thừa văn quá võ”[6] – giỏi văn và qua được các kỳ sát hạch dành cho quan võ) và “dùng binh như thần”. Sự truyền kỳ về Ông Ích Khiêm lan truyền đến nỗi, các quan ở kinh đô Huế đều biết, ví như ghi chép dưới đây của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu – một vị quan đồng triều với ông: “Tục truyền, nơi xứ Khiêm có một ngôi miếu, trong có pho tượng sắt từ lâu đã linh ứng, nhưng từ khi Khiêm được sinh ra thì miếu ấy hết linh. Cho nên người Khiêm tuy bé nhỏ nhưng tiếng nói như chuông to. Đó là thuyết nhảm thật đáng buồn cười!”[7].
Chuyện kể rằng, khi Tự Đức cho triệu hồi Ông Ích Khiêm ra Huế để bổ làm quan, người của triều đình đến thì Ích Khiêm không có ở nhà. Ra đồng tìm, thì thấy Khiêm đang cởi trần, ngồi trên cáng, hò hét bọn trẻ chơi trò “cờ lau tập trận”. Lúc vào hầu, Khiêm ôm cột đứng nhìn, vua Tự Đức thấy Khiêm còn quá trẻ con, bèn ra một vế đối: “Tự chữ cất vần đầu còn tử con, con nhà ai đứng đó?”.Khiêm liền khấu đầu quỳ lạy và thưa: “Xin tâu, nếu bệ hạ cho phép thần đối, thần đối lại, lỡ có quá lời, bệ hạ có bắt tội không?”. Tự Đức cười và đề nghị Khiêm cứ đối. Khiêm bèn đối rằng: “Chi chưn cắt ngang lưng còn đinh đứa, đứa nào hỏi tao chi?”. Đây là một sản phẩm đích thực của văn học dân gian! Bởi, dưới thời nhà Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến phương Đông nói riêng, mỗi khi vào chầu vua, kẻ bề tôi lúc nào cũng phải cúi gằm, nhìn chằm chằm vào mảnh kính nhỏ khảm trên chiếc hốt cầm khư khư bằng hai tay, ngắm sao cho hai cánh chuồn của chiếc mũ mình đang đội phải cân đối, khi muốn tâu điều gì phải phủ phục, cúi đầu nhìn xuống đất chứ không hề có chuyện ôm cột đứng, nhìn thẳng “long nhan thiên tử”, nếu không sẽ trở thành miếng mồi ngon cho các quan ngự sử tâng công! Chỉ có trong văn học dân gian, vua – tôi mới có cái cách trò chuyện “tay ba” như vậy mà thôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, câu đối trên có lẽ xảy ra giữa Ông Ích Khiêm và Cao Bá Quát thì đúng hơn, còn tại sao lại là Cao Bá Quát xin được bàn ở dịp khác.
Nói đến Ông Ích Khiêm là nhắc đến “trận mù u” huyền thoại[8]. Có tác giả cho rằng, “trận mù u” cũng có ở Nam kỳ Lục tỉnh hồi đầu đánh Pháp, do ông Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng) sử dụng khi ông nhận trọng trách trấn thủ đồn Cây Mai ở đất Gia Định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Ông Ích Khiêm đánh Pháp ở Đà Nẵng bằng trận mù u từ năm 1858, mãi gần 2 năm sau, cách đánh đó mới được vận dụng tại Nam kỳ. Lại thêm, hễ ở đâu có Ông Ích Khiêm thì y như rằng ở đó có “trận mù u” được nhắc đến như: cách ông bố phòng tại cửa Thuận An, tại đồn Mang Cá hoặc con trai ông là Ông Ích Thiện sử dụng “trận mù u” đánh Pháp trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) sau đó.
Cuối triều Tự Đức, Ông Ích Khiêm được giao nhiệm vụ củng cố đồn lũy, tăng cường quân sự tại Thuận An và Mang Cá. Chính Ông Ích Khiêm đã đề xướng việc lấp cửa Thuận An, giăng lưới sắt ở sông Hương (sao giống với cách đánh ở Cửa Hàn trong cuộc chiến Mậu Ngọ (1858-1860) quá vậy?), để cản trở tàu thuyền của giặc. Ông cho xây dựng đồn Mang Cá: bên ngoài cắm đầy tre và chuối cây, bên trong lát tre đổ cát để hạn chế sự công phá của đại bác địch, các lối đi chính có thể là đường tiến quân của địch, ông cho dân dõng hái, nhặt thật nhiều trái mù u để rải đầy các lối đi. Cho nên “Khi quân Pháp đổ bộ lên cửa Thuận An, kéo binh vào thành Huế, quân ta mai phục hai bên đường vào đàn Xã Tắc, bèn lấy trái mù u đổ ra đầy đường. Quân Pháp đi giày da, đạp lên mù u, nhào té đảo điên. Quân ta thừa thế nhảy ra đánh giáp lá cà làm cho quân Pháp phải chạy tán loạn. Vì vậy mới gọi là trận giặc mù u. Ngày nay, hai bên đường Xã Tắc (tại Huế), còn hai hàng mù u (callophylum) cao ngất thỉnh thoảng rụng trái trên vai người đi đường, như để nhắc nhở một trang sử oanh liệt”[9]. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói trong tập sách Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), “trận mu u”, “đặc sản” gắn liền với Ông Ích Khiêm không thật hữu dụng khi dùng binh. Hãy nghe Lô giang Nguyễn Văn Mại – người trực tiếp chứng kiến “trận mù u” khi Pháp đánh kinh thành Huế (lúc Ông Ích Khiêm đã chết từ lâu): “Lúc đó, ta vào thi Đình xong, cùng với anh Trần Đào Tiềm đến Bộ Lễ để chờ kết quả kỳ thi, thì thấy trong thành (kinh thành), từ Trấn Bình Đài (Mang Cá) cho đến Lục Bộ, hai bên đường đều đào hào, lính các trại đều mang gươm súng sẵn sàng, trước các trại lính đều chất đầy những thùng chứa cột chuối để phòng bị. Hai bên đường từ Trấn Bình Đài mà ra chất đầy những đống trái bàng và mù u”[10]. Có điều, nếu Ông Ích Khiêm đã từng sử dụng mù u đánh Pháp tại Đà Nẵng vào cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-186)) làm cho chúng thiệt hại ít nhiều, thì tại Thành nội, trong cuộc thất thủ kinh thành (1885), “trận chiến mù u” lại quay sang làm hại quân ta. Hãy nghe Nguyễn Văn Mại kể tiếp: “Trong thành, quân ta bắn tiếp vào Trấn Bình Đài từ 8 giờ đêm cho tới 1 giờ sáng, nghe trong đài ít bắn ra, quân ta áp vào và la to: đã áp vào Trấn Bình Đài rồi. Tiếng la như sấm. Không ngờ khi quân ta bắn thì quân Pháp đều núp xuống hầm để đợi, chỉ thỉnh thoảng bắn trả ít thôi. Đến 3 giờ sáng quân Pháp nghe chừng quân ta bắn thưa ra và sắp áp vào Trấn Bình Đài thì họ vùng dậy bắn cả một loạt, quân ta thuốc đạn ít, không địch nổi, đua nhau mà chạy, quân Pháp đuổi theo và bắn chỉ thiên… Quân ta nghe tiếng súng không biết ngả nào, đạp nhau mà chết trong hào hoặc giữa đường, người trước bước trên mù u té ngã, người sau đạp lên mà chết hàng ngàn. Trước kia đào hào, rải mù u lên đường, chủ ý là để hại quân Pháp, mà hóa ra làm hại quân ta”[11].
Khi vua Tự Đức băng hà – chỗ dựa cuối cùng và quan trọng nhất của Ông Ích Khiêm đã mất, ông trở nên cô đơn giữa chốn triều trung và bất lực trước các quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Ích Khiêm đứng về phía chủ chiến để đánh Pháp đến cùng song ông lại không được lòng cả Tường lẫn Thuyết, nhất là Tôn Thất Thuyết – người từng tìm cách giết ông trước đó.
Tình cảnh lịch sử của nước ta lúc đó, không dung nạp được một con người với cá tính “Quảng Nam chay” như Ông Ích Khiêm nên ông bị loại khỏi cuộc chơi và sau đó bị bức hại đến chết là điều dễ hiểu. Chính sử triều Nguyễn giai đoạn này đã bắt đầu không còn đủ “cương cường” thường thấy, nên chép rất đơn lược, mù mờ, làm cho người đời sau khó hiểu tận tường những con người từng can dự sâu vào giai đoạn lịch sử đó.
Các sử gia không viết rõ về Ông Ích Khiêm (ngay cả cái chết oan, rất mờ ám của ông) song văn học dân gian đã vẽ ra ông là một viên tướng tài giỏi “hà đồ tinh thông”, là một “anh hùng của nước Nam” với những cốt cách, hình ảnh vô cùng sống động. Tài dùng binh của Ông Ích Khiêm được dịp trổ bày khi ông được giao nhiệm vụ thiết lập hệ thống đồn trú, bảo vệ kinh thành Huế: “Quan Tiễu ở tại kinh đô – Tài hay nhâm độn, hà đồ tinh thông”. Ông đã chiêu mộ dân binh, kết hợp cùng quân lính triều đình do ông trực tiếp chỉ huy để xây dựng hệ thống phòng thủ tại Huế, nhất là đồn Mang Cá và cửa Thuận An. Ngoài ra ông còn tuyển nhiều người thuộc “võ cử” để luyện tập quân sự đêm ngày:
Quan Tiễu vâng lệnh cửu trùng
Chiêu người về tập để dùng hậu thương
Ngày thời gánh đất đổ đường
Đêm thời tập súng hậu thương cho thành
Khai hồ đắp lũy xây thành
Bắn đồ chữ thập kinh thành rất hung
Bách quan văn võ triều trung
Đều khen ông Tiểu vậy cùng đa mưu[12]
Cần nói thêm rằng, Ông Ích Khiêm là một trong những chiến tướng hiếm hoi dưới triều Tự Đức đã không lầm lẫn giữa đức tin và lòng yêu nước của người dân theo đạo Gia tô. Ông phản đối chính sách “tả đạo”, nhất là kế hoạch tiêu diệt bất ngờ, đồng loạt dân theo đạo tại phủ Thừa Thiên, khi quân Pháp đang ngấp nghé kinh thành của hai ông Tường, Thuyết. Trong chính sử triều Nguyễn không cho thấy tư tưởng đáng quý này của ông song qua hành trạng cuộc đời làm quan của ông, qua các phát biểu của ông về dân theo đạo, cũng như những mẩu chuyện về ông của người đương thời, cho ta thấy rõ điều đó. Trong Vè thất thủ kinh đô có ghi lại ý kiến phản đối của Ông Ích Khiêm về chủ trương giết đạo của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết như sau:
Quan Tiễu cãi lệnh đình thần
Cứ đánh giết đạo, đạo cũng dân Nam triều
Đánh Tây, giết đạo làm chi?
Dân đạo Nam triều cũng sinh hạ ở đây
Mặc lòng thiên hạ với Tây
Có tài thì đánh, đạo rày không biết chi[13].
Như vậy là đã rõ, Ông Ích Khiêm cho rằng, trách nhiệm của triều đình, của người làm tướng là tìm cách để đánh Tây, hạn chế dân Giatô bị giặc mua chuộc làm tay sai cho chúng, chứ dân theo đạo nói chung không phải là kẻ thù của mình, bởi họ cũng là con dân của triều đình, cũng sinh hạ tại đất Đại Nam này. Quan điểm tiến bộ đó của Ông Ích Khiêm là đáng quý, song đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà trong cung ngoài nội phong trào “bình Tây, sát tả” dấy lên một cách mạnh mẽ; khi mà bộ tổng tham mưu của triều đình Huế đều nằm trong tay hai quyền thần Tường, Thuyết thì ý kiến đó chỉ làm lụy thân người phát biểu ra nó mà thôi.
Nói đến các giai thoại về Ông Ích Khiêm không thể không nhắc chuyện “trên chó dưới chó”. Chuyện rằng, có lần, Ông Ích Khiêm mời một số quan đến nhà riêng dự tiệc. Trong bữa tiệc ấy, những món ăn đều có vị lạ nhưng rất ngon miệng. Có người hỏi: “Các món ăn nấu bằng thịt gì ngon quá?”. Ông Ích Khiêm đưa tay chỉ bàn trên, bàn dưới và đáp tỉnh bơ: “Trên chó, dưới chó. Toàn là chó cả!”. Ăn xong, Ông Ích Khiêm dặn người nhà không được bưng nước lên, phải chờ ông “gọi năm lần, bảy lượt” mới được đem lên. Chờ mãi không thấy nước uống, các quan sốt ruột hối thúc. Ông Ích Khiêm liền chửi: “Bọn bây thực vô tích sự! Cứ vục đầu mà ăn, không thèm lo nghĩ đến chuyện nước non chi cả!”. Nghe vậy, các quan lục tục lủi thủi ra về… Từ giai thoại Ông Ích Khiêm mời một số quan ăn thịt chó như ta biết lâu nay, tác giả Trần Xuân An trong cuốn “Truyện sử ký” của mình về Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã không xin ý kiến Ông Ích Khiêm mà “tự ý mời thêm” hai quan đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đến dự món “ngu trung” (theo cách diễn giải của tác giả để chỉ thịt chó) và đi đến kết luận: “Sự thật về án phạm, về cái chết ở ngục Bình Thuận của Ông Ích Khiêm là đúng như bản án Bộ Hình đã nghị xử, đã tuyên bố, cho thi hành án và do chính bản thân Ông Ích Khiêm”[14]. Về bản án và cái chết của Ông Ích Khiêm chúng tôi xin bàn một dịp khác, ở đây chúng tôi muốn làm rõ những ngộ nhận về ông qua câu chuyện này.
Trước hết, cần xét xem giai thoại ấy từ đâu mà có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dật sử, chuyện kể về Ông Ích Khiêm trong các sách, báo, tạp chí trong nước từ năm 1945 về trước không thấy ai đề cập đến giai thoại này. Giai thoại “trên chó, dưới chó” lần đầu tiên được “văn bản hóa” trong tập bản thảo Quảng Nam xưa và nay (chép tay chưa phổ biến) của cử nhân Hán học Hồ Ngận, viết từ năm 1947 đến 1962 như tác giả đã tự bạch. Kế đó, Thái Bạch với cuốn Giai thoại văn chương Việt Nam, do Sống Mới xuất bản năm 1961 và Lãng Nhân với Giai thoại làng Nho, do Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1966, đã “chính thức hóa” giai giai thoại này. Hầu hết các tác giả trên, đều chép là “tương truyền” và chỉ rõ là “mời các quan” hoặc “một số quan” chứ không nêu đích danh ông quan nào, cũng không thấy ghi mời “quan đại thần” nào. Trong các sách, báo xuất bản từ sau năm 1975 đến nay, giai thoại “trên chó, dưới chó” được tác giả Nguyễn Đắc Xuân diễn giải khá sinh động trong cuốn Hương Giang cố sự và gần đây nhất là tác giả Trần Xuân An trong sách vừa dẫn. Như vậy, những tác giả tương đối gần với cái chết của Ông Ích Khiêm và viết nhiều bài về ông như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Bá Trác, Phan Thứ Khanh, Phan Khôi… không ai nghe và chép giai thoại này.
Cần nhớ rằng, sau khi lành bệnh “tâm hỏa”, khi Pháp sắp đánh kinh đô Huế, đang ở quê nhà tại Hòa Vang, Ông Ích Khiêm được Tự Đức triệu hồi về kinh, vào thời điểm ấy, ông gần như làm lại từ đầu, thì lấy tư cách gì để mời các quan đến dự tiệc, nhất là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết – những người rất căm ghét ông, nói gì đến dự bữa tiệc thịt chó do ông đãi. Lại nói, một viên tướng một đời trận mạc, luôn bị ghen ghét, đố kỵ, nay thăng mai giáng như Ông Ích Khiêm thì lấy đâu ra tiền để đãi các quan. Mà nếu các quan có đến dự, lẽ nào không đem theo kẻ hầu người hạ (lưu ý rằng cho đến chết, Ông Ích Khiêm chỉ có đúng 50 lạng bạc!); đó là chưa nói, lẽ nào các quan quý Ông Ích Khiêm đến nỗi bất chấp luật lệ triều đình “quần tam, tụ ngũ”, coi thường sự soi xét của các quan ngự sử, ngay giữa chốn kinh kỳ? Hà cớ gì các quan (dù chỉ là chức quan nhỏ chứ chưa nói đến các đại thần) lại đem quan tước, một đời phấn đấu của mình để dự một bữa tiệc do một viên quan bị thất sủng như Ông Ích Khiêm khoản đãi? Cho nên, “trên chó, dưới chó” là một giai thoại độc đáo, phản ánh đúng nghĩa khí cương trực của Ông Ích Khiêm mà người đời sau gán cho ông sau khi ông chết, để thể hiện sự phẫn uất vì vua quan nhà Nguyễn làm mất nước Nam vào tay Pháp lúc bấy giờ mà thôi.
Ông Ích Khiêm đã chết oan, con người trung nghĩa đó ngàn lần chịu oan ức, người đời sau, xin đừng làm thương tổn hương hồn ông thêm một lần nữa!
[1] Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên, Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam.
[2] Nguyễn Quý Đại, Ông Ích Khiêm (1840-1890), tại trang mạng e-cadao.com.
[3] Trong Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục cũng ghi ông đỗ cử nhân lúc 15 tuổi vào năm Đinh Mùi (1847).
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tr.281.
[5] Hồ Ngận, Quảng Nam xưa và nay, Nxb Thanh Niên, Đà Nẵng, 2003, tr.178.
[6] Nhờ vào văn mà võ nghiệp được biến hóa.
[7] Giá sơn Kiều Oánh Mậu, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Tủ sách Viện khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1963, tr.215.
[8] Lưu Anh Rô, Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.194-195.
[9] Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha Văn hóa Bộ QGGD, Saigon, 1960, tr.3.
[10] Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, bản dịch của Nguyễn Hy Xước, bản in ronéo, lưu hành gia đình, tr.35.
[11] Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, Sđd, tr.35.
[12] Đinh Xuân Lâm, Triệu Dương, Vè thất thủ kinh đô, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr.63.
[13] Đinh Xuân Lâm, Triệu Dương, Sđd, tr.43.
[14] Trần Xuân An, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường(1824-1886) (truyện sử ký), Nxb Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.787 – 791.