Có phải cụ Phan Đình Phùng đỗ đầu khoa thi đình năm 1877?

Tôn Thất Thọ

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Hình cụ Phan Đình Phùng (1844-1895) trên bìa một tập sách biên khảo xưa.

Trên tạp chí Xưa & Nay số 468 ra tháng 2-2016, chúng tôi có bài viết“Phan Đình Phùng và giai thoại lịch sử”, trong đó người viết có trích dẫn một đoạn tư liệu do ông Nguyễn Quang Tô dịch và phổ biến trên tập san Sử Địa số 27-28 xuất bản tháng 12-1974, nội dung đề cập đến biên bản khám nghiệm tử thi của cụ Phan. Trong biên bản trích dẫn có ghi chi tiết cụ Phan đã đỗ Đình nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1877). Đoạn trích như sau:

“Quyền hộ Hà Tĩnh tỉnh Tuần vũ quan phòng, hạ chức là Phan Huy Quán, kính cẩn phúc trình:

Thái tử Thiếu bảo Võ Hiển điện Đại học sĩ Khâm sai Bắc kỳ Kinh lược Đại sứ Diên Mậu Tử, tôn tiến công dài tiền hy chúc.

Xin kính trình ngài về hiện tình về tỉnh hạt tôi:

Gần đây bọn Phan Đình Phùng sai đồ đảng lén về vùng thượng du. Sau khi thương thảo với quý vị khâm sai, đã cho binh lính đuổi theo. Ngày mùng tám tháng này, tỉnh tôi có nhận được thư báo của quan đại úy. Theo đó một tên dân tỉnh Quảng Bình, Lãnh binh của ngụy tên là Khuê, về đầu thú đã tiêu xưng rằng: Ngày 13 tháng trước, Phan Đình Phùng đã bị đạn mà chết. Y cũng đã dẫn tới xem xét tình hình tại nơi chôn. Ngày hôm nay, lại tiếp quyền lĩnh Niết sứ tỉnh tôi là Nguyễn… trình báo rằng: Hôm vừa rồi, quý quan binh đã đem áo quan Phan Đình Phùng về để tại đồn Linh Cảm, đồng thời sức cho y viên cùng với Tán lý là Lê hội đồng với quý quan tới kiểm nghiệm.

Áo quan này là một thân cây đục rỗng bên trong, trên có phủ một lá cờ bằng lụa đỏ chừng bảy vuông, với hàng chữ đỏ như sau: Hoàng triều Bính Tý khoa Cử nhân, Đinh Sửu khoa Đình nguyên Tiến sĩ, cáo phụ Tư thiện đại phu, An – Tĩnh Tổng đốc sung kiêm đốc chư tỉnh quân vụ đại thần, gia tứ Bỉnh trung tướng, tự Tôn Cát, thụy Trang Lạng, hiệu Châu Phong, Phan công chi cữu…” (X&N, tlđd, tr. 60-61).

Biên bản khám nghiệm thi hài Phan Đình Phùng (Nguồn: Tập san Sử Địa số 27-28, tr. 237)

Gần đây, người viết (tác giả Tôn Thất Thọ) có nhận được câu hỏi của một bạn đọc: “Có phải cụ Phan đã đỗ Đình nguyên hay không?”.

Theo Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì Đình nguyên làngười đậu đầu trong khoa Đình thí (như chữ Đình khôi). Như thế phải chăng cụ Phan là thí sinh đã đỗ đầu trong kỳ thi Đình năm đó?

Như chúng ta đã biết, dưới triều Nguyễn, thi Đình là cấp thi cuối cùng, cao nhất trong khoa thi Tiến sĩ, được tổ chức tại cung điện nhà vua, hoặc trên danh nghĩa vua ra đề và làm chủ khảo. Thi Đình nhằm mục đích ban học vị, sắp xếp thứ bậc các tiến sĩ. Mục tiêu của thi Đình là chống tệ thiên vị và xác định quyền tối thượng của nhà vua trong việc lấy đỗ đại khoa. Ba học vị cao nhất trong thi Đình là: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Người được dự thi Đình là những người đã trúng cách thi Hội, đã được công nhận đỗ tiến sĩ nhưng để xác định thứ bậc thì phải qua kỳ thi Đình. Trong lịch sử thi Đình, dưới  triều Nguyễn không có người nào được lấy đỗĐệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh(tức Trạng nguyên), mặc dù trong lệ có quy định nếu văn sách Đình đối được mười phân thì cho đỗ hạng ấy, nhưng không có ai đạt được, nên học vị cao nhất đạt được của triều Nguyễn chỉ làĐệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (tức bảng nhãn) mà thôi.

Trở lại trường hợp của cụ Phan Đình Phùng, tra cứu bản sách Quốc triều đăng khoa lục, quyển 3, mặt khắc 6 có khắc về khoa thi Hội năm Đinh Sửu; niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877):

Trang mộc bản Quốc triều đăng khoa lục

 “Sắc ban Đệ tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân):   Phan Đình Phùng

(Cha con, anh em, chú cháu cùng đăng khoa)

Sinh năm Giáp Thìn (1844)

Quê quán: Yên Đồng, La Sơn, Hà Tĩnh

Đỗ Cử nhân khoa thi năm Bính Tý (1876)

Đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân năm 34 tuổi”.

Trên văn bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu Huế khoa Đinh Sửu (1877) khắc là:

Bia Tiến sĩ năm 1877 tại Văn Miếu Huế

“Ban đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân 4 người:

Phan Đình Phùng 潘 廷 逢, Cử nhân, sinh năm Giáp Thìn, thi đỗ năm 34 tuổi, người xã An Động, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Hữu Khác 陳有恪, Cử nhân, làm Tư vụ ở bộ Lễ, sinh năm Tân Hợi, thi đỗ năm 27 tuổi, người xã Thạch Bình, tổng Khuông Phò huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên.

Trần Phát 陳發, Cử nhân, sinh năm Nhâm Tý, thi đỗ năm 26 tuổi, người xã Xuân Mị, tổng Xuân Hòa, huyện Chiêu Linh, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Nguyễn Tài Tuyển 阮才選, Cử nhân, sinh năm Đinh Dậu, thi đỗ năm 41 tuổi, người xã Đại Đồng, tổng Đại Đồng, huyện Nam Đàn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An” (chú thích của Viện Hán Nôm)

Căn cứ vào những quy định và các văn bản ghi chép đó, ta có thể khẳng định cụ Phan không phải là người đỗ đầu trong kỳ thi Đình (Điện thí), vì nếu đỗ đầu phải là đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên), điều này dứt khoát là không có; thứ hai là phải đỗĐệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh(Bảng nhãn), điều này cụ cũng không đạt được, vì trên văn bia, cụ Phan đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Vậy Đình nguyên có vị trí như thế nào trong các kỳ thi Đình?

Trong sách Quốc triều khoa bảng lục (Nxb. Văn học, 2001), cụ Cao Xuân Dục là người được đề cử việc biên soạn cho biết về kỳ thi Đình khoa Đinh Sửu (1877) như sau:

“Lệ thi năm này bàn thêm:

Người nào trong 2 kỳ đệ nhất, đệ nhị, gián hoặc 1 kỳ có điểm thì được dự vào dự kỳ đệ tam.

Người nào trong 3 kỳ, phải 2 kỳ có điểm mới được vào dự kỳ đệ tứ.

Trong 4 kỳ cộng lại được 8 điểm trở lên là chánh trúng cách; 7 điểm trở xuống và 3 kỳ được 10 điểm trở lên là thứ trúng cách. Thứ trúng cách không được phúc thí.

Duy khoa thi này thi Hội số trúng ít quá nên đặc cách gia ân cho 6 điểm trở lên là chánh trúng cách, 5 điểm trở xuống là thứ trúng cách và đều cho vào dự thi Đình cả. Trong kỳ thi Đình, quyển nào 3 điểm trở lên cho đỗ chính bảng; quyển nào 2 điểm trở xuống cho đỗ phó bảng” (sđd, tr. 197).

Do đó có thể nhận định rằng, khoa thi này rất ít (hay không có?) thí sinh đủ điểm để đỗ nên triều định mới phải hạ “điểm chuẩn” và cụ Phan đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, tức là thứ hạng bình thường, nhưng có lẽ điểm thi các bài làm của cụ cao hơn các bài làm của các thí sinh khác, do đó mới được gọi là Đình nguyên?

Có thể khẳng định Đình nguyên không phải là học vị như trạng nguyên hay bảng nhãn, thám hoa, vì nếu được mang học vị đó phải đạt đến mức điểm chuẩn theo quy định. Đình nguyên chỉ là cách gọi người có số điểm cao nhất trong số các thí sinh tham gia ứng thí mà thôi.

Trong lịch sử thi Đình triều Nguyễn, ngoài cụ Phan Đình Phùng ra còn có thêm 39 vị khác cũng có số điểm cao nhất trong các kỳ thi Đình và cũng được gọi là Đình nguyên. Theo sách Quốc triều khoa bảng lục thì từ năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822) đến năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), triều đình tổ chức được 30 khoa thi Đình, có 506 người trúng cách, trong đó có 11 người trúng nhất giáp, 43 người trúng nhị giáp, 175 người trúng tam giáp (cụ Phan trong số này) và 277 phó bảng. Qua đó ta thấy số người đỗ đại khoa không phải ít, tuy nhiên chỉ có 3 vị được mang học vị: Đó là  Vũ Phạm Hàm, đỗ nhất giáp, học vị Thám hoa, Nguyễn Khuyến và Trần Bích San đều đỗ nhị giáp. Đỗ tam giáp thì không thể có được học vị.

 Tài liệu tham khảo:

“Quốc triều khoa bảng lục”(Tuyển tập Cao Xuân Dục,t. 2), Nxb. Văn học, 2001.  

– Trang thông tin điện tử hannom.org.vn (Văn bia Văn Miếu Huế).

Bài liên quan

Bài đăng mới