Điều gì khiến ông Thích Minh Tuệ trở thành đề tài được quan tâm bậc nhất trên mạng xã hội chỉ trong một thời gian ngắn?
Thích Minh Tuệ là ai?
Theo tìm hiểu, ông Thích Minh Tuệ có tên thật là Lê Anh Tú, năm nay đã ngoài 40 tuổi. Ông Tú là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em.
Hơn 30 năm trước, cha ông Tú là ông Lê Xuân (84 tuổi) đã đưa vợ con từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào Ia Grai (Gia lai) để lập nghiệp. Nói về người con trai Lê Anh Tú, người cha đã ngoài 80 tuổi cho biết, Tú từ nhỏ đã là người con lành hiền, hiếu thảo và có học lực khá.
Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, ông Lê Anh Tú theo nghiệp cha, đi bộ đội khoảng 3 năm trước khi theo học tại trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên. Sau khi ra trường, ông Lê Anh Tú làm việc tại một công ty đo đạc ở Đắk Lắk. Trong thời gian này, ông đã tiếp xúc với Phật giáo, bắt đầu ăn chay và tu tập tại gia.

Ông Thích Minh Tuệ.
Trong khi đó, 2 người con trai khác của ông Xuân cũng theo truyền thống của cha, đi bộ đội trước khi học nghề. Anh trai của ông Lê Anh Tú hiện là giám đốc một doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Gia Lai, giúp gia đình ông Xuân thuộc diện khá giả trong vùng.
Ông Lê Anh Tú đọc sách Phật pháp và bắt đầu phát nguyện đi tu từ 10 năm trước. Khi nghe quyết định của con trai, ông Xuân nhiều lần nói với việc đi tu rất khó khăn nhưng lúc này chàng trai đã quyết lòng phải tu trọn vẹn, phải chân cứng đá mềm, không tham lam sân si, không được phá giới. Lúc bắt đầu hành trình của mình, ông Lê Anh Tú đã để lại cho cha một cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh và 8 mét vải màu vàng.
Chia sẻ với báo giới, ông Xuân cho biết, ông Lê Anh Tú luôn có lòng từ bi với mọi người, không bao giờ muốn làm ai buồn lòng. “Ai Tú cũng xem là cha mẹ, phải học hỏi. Tú đi cả chục năm nay chưa về rồi nhưng thời gian này mọi người mới để ý nhiều”, ông Lê Xuân nói.
Trở thành “hiện tượng” đình đám mạng xã hội
Theo như xác minh, ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước đây, ông Thích Minh Tuệ được xác định đã có ba lần đi bộ theo phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” nhưng không thu hút được sự quan tâm.
Đến lần thứ 4 này, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo.

Nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ, cơ quan chức năng phải cử lực lượng giữ trật tự, an toàn giao thông.
Trong đoàn có tín đồ Phật tử, người hiếu kỳ, và cả nhóm TikToker, Youtuber quay clip, livestream vô tình đã tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ” lan truyền khắp các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận về nhiều bình luận trái chiều.
Suốt cuộc hành trình vừa qua, ông Thích Minh Tuệ vẫn nhiều lần có những cuộc nói chuyện với đoàn người đi theo mình. Trong, ông Tuệ cho hay mình không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…).
Dù ông Thích Minh Tuệ cũng đã chia sẻ rất chân thành về hành trình và mục đích của bản thân là muốn bộ hành trọn đời cũng như không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Bản thân ông Thích Minh Tuệ chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Đồng thời, lúc đi bộ “sư thầy” luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình.
Thế nhưng đoàn người bám theo ông vẫn ngày một tăng lên, phần là người tò mò, phần muốn theo ông tu tập nhưng đông nhất vẫn là những người muốn ghi hình, quay video của ông để kiếm view trên các trang mạng xã hội.
Có thể thấy, từ một người vô danh tự nhận đang “tập học” theo lời Phật dạy và đầu trần, chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, ông Thích Minh Tuệ vô tình được các Youtuber, Tiktoker, Facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng” và cũng từ đây bao nhiêu điều thiêu dệt được tạo ra theo trí tưởng tượng của những “idol mạng xã hội” này gây ra những cơn bão tranh luận không dừng trên “cõi mạng”.
Không chỉ dừng ở trên mạng ảo mà những cơn bão thông tin này đang dần gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống và hành trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ.
Đi kèm với đó, cả gia đình ông cũng đang phải gánh chịu những phiền hà vì nhiều cá nhân không thể đi theo ông Thích Minh Tuệ nên tìm tới nhà ông ăn uống, trò chuyện, chụp ảnh, quay clip “check-in”, khiến cha mẹ ông dù đã gần 90 vẫn phải đón tiếp cả ngày, vô cùng mệt mỏi.
Thanh Nam