NHỮNG TRẬN ĐẤU BÓNG ĐÁ QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG VỚI THÁI LAN NĂM 1930
Thái Lan và Việt Nam có một lịch sử bóng đá lâu đời với nhiều trận đấu đáng nhớ, các cuộc đối đầu giữa hai kỳ phùng địch thủ luôn được xếp vào trong số những trận tranh tài thể thao lớn nhất ở Đông Nam Á. Ai có thể quên sự cuồng nhiệt chưa từng có của người dân trên khắp các con phố Hà Nội dù Việt Nam thua kịch tính trước Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 2003 hay bữa tiệc cảm xúc tưng bừng của hàng triệu người Việt trên mọi miền đất nước ăn mừng chiến thắng của Việt Nam trước Thái Lan, giành chức vô địch AFF Cup năm 2008? Và lần gần đây nhất, thắng gay cấn Thái Lan ngay tại sân nhà của họ, đội tuyển quốc gia Việt Nam đã thành công lên ngôi vô địch ASEAN Cúp 2024. Nhưng lần đầu chạm trán của hai đội tuyển đã xảy ra cách đây hơn 90 năm, vào năm 1930. Đây cũng là lần đầu đội tuyển quốc gia Thái Lan thi đấu quốc tế, đối đầu với đội tuyển gồm các cầu thủ người Pháp và Việt tại Sài Gòn thuộc địa.
Mở đầu
Bài viết này kể về những trận đấu bóng đá diễn ra vào tháng 4 năm 1930 tại Sài Gòn giữa các đội bóng Pháp và Việt với đội tuyển quốc gia Thái Lan, đồng thời xem xét các trận đấu này trong bối cảnh lịch sử bóng đá rộng hơn trên toàn Đông Dương và vương quốc Thái Lan. Bài viết cũng phân tích các trận đấu như một hình thức ngoại giao thể thao trong quan hệ phức tạp giữa Pháp và Thái, cùng lúc đặt chúng trong toàn cảnh thể thao của Sài Gòn thuộc địa năm 1930. Chúng ta sẽ thấy rằng những trận đấu bóng đá này đã phá bỏ được sự phân cấp thuộc địa theo nhiều chiều, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử bóng đá quốc tế của Việt Nam.

Các trận đấu bóng đá này là một phần trong nỗ lực ngoại giao thể thao, diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của nhà vua Thái Lan. Chuyến thăm chính thức Đông Dương của Vua Prajadhipok vào năm 1930 là toan tính nhằm cải thiện mối quan hệ lịch sử vốn đầy căng thẳng giữa Thái Lan (khi đó vẫn được gọi là Xiêm La) và Pháp. Cả hai bên đều mong muốn thắt chặt quan hệ thương mại, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng cùng với giao thông đường bộ, đường biển và đường không⁽¹⁾. Đối với phía Pháp, một mục tiêu quan trọng khác trong chương trình nghị sự là hợp tác đàn áp các cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản.
Ngày 14 tháng 4 năm 1930, Vua Prajadhipok, Hoàng hậu Rambai Barni và đoàn tùy tùng của họ đã đến Sài Gòn trên du thuyền hoàng gia giữa không khí chào đón trọng thể. Họ được nghênh tiếp bởi đoàn quan chức người Pháp và người Việt, do Pierre Pasquier trên cương vị Toàn quyền Đông Dương dẫn đầu. Bờ sông chật kín khán giả, trong khi máy bay Pháp lượn vòng trên bầu trời lúc du thuyền hoàng gia cập bến⁽²⁾.
Tầm quan trọng của chuyến thăm này đối với chính quyền thuộc địa Đông Dương là không thể phủ nhận, vì cho tới bấy giờ, Vua Thái Lan là nhân vật cấp cao nhất tại Đông Nam Á đến thăm và công nhận sự cai trị của Pháp. Việc mang đội tuyển bóng đá Thái Lan theo đoàn hoàng gia là một lựa chọn đầy cảm hứng, vì các trận đấu bóng là cơ hội duy nhất để người Thái giao lưu với người Việt bên ngoài các vòng tròn tinh hoa hạn hẹp của xã hội thuộc địa.
Sự Phát Triển Ban Đầu của Bóng Đá
Vào đầu thế kỷ XX, bóng đá đã vượt ra khỏi quê hương Anh quốc và trở thành một hiện tượng toàn cầu⁽³⁾. Được chuẩn hóa từ những năm 1890, sức hấp dẫn của bóng đá nằm ở sự nhịp nhàng trong lối chơi, tính bất ngờ, sự đơn giản và khả năng thích nghi của nó.

Bóng đá quốc tế với sự tham gia của các đội tuyển quốc gia chính thức bắt đầu phát triển vào khoảng năm 1900, chủ yếu giữa các đội châu Âu và Mỹ Latinh. Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) được thành lập vào năm 1904 bởi bảy hiệp hội bóng đá châu Âu, và số thành viên đã nhanh chóng tăng thành 56 vào năm 1939. Bóng đá trở thành môn thể thao Olympic tại Thế vận hội London năm 1908, và đến khi Argentina và Uruguay đối đầu trong trận chung kết
Olympic tại Amsterdam năm 1928, bóng đá đã trở thành một hiện tượng đại chúng và là sự kiện truyền thông quốc tế. Chính tại thủ đô Montevideo của Uruguay, kỳ World Cup bóng đá đầu tiên của FIFA được tổ chức vào tháng 7 năm 1930 với sự góp mặt của các đội tuyển từ 13 quốc gia, đã tạo nên cơn “sốt bóng đá” lan rộng khắp thế giới, bao trùm cả Sài Gòn và Bangkok.
Bóng Đá ở Đông Dương
Người Pháp ở Sài Gòn đã bắt đầu chơi bóng đá và bóng bầu dục như một hoạt động giải trí vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong những thập kỷ tiếp theo, đào tạo thể chất và huấn luyện quân sự trở thành một phần của việc thực dân hóa đối tượng nam giới người Việt, lực lượng mà chính quyền thực dân dùng để kiểm soát xã hội bị trị. Vì vậy, bóng đá ở Đông Dương thuộc địa khá đa chiều: đây là một cách để chính phủ thực dân duy trì cũng như thúc đẩy sức khỏe thể chất cho binh lính và tầng lớp tinh hoa bản xứ đang phục vụ họ, cùng lúc nó mang tới một trò giải trí mà cả hai bên thực dân và bị thực dân có thể tham gia chơi như những đồng đội hoặc đối thủ trong “sự kết hợp hoàn hảo giữa hòa đồng và khác biệt, hữu nghị và thù địch.”⁽⁴⁾ Bóng đá cũng là một cách để những người bị thực dân – đặc biệt là ở Sài Gòn và Nam kỳ – duy trì sức mạnh thể chất như một cách khẳng định của quyền tự chủ trong những năm 1920 và 1930. Theo nghiên cứu của Brice
Fossard, chúng ta có thể mô tả bóng đá vừa là công cụ để thực dân Pháp đô hộ, vừa là công cụ để giải phóng của các thuộc địa⁽⁵⁾.

Hai vị vua cùng thời, Bảo Đại của An Nam, và Norodom Sihanouk của Campuchia, đều do người Pháp giáo dục và dẫn dắt, và cũng đều là những người say mê thể thao. Họ công khai phô diễn kỹ năng thể thao mà họ học được khi thụ hưởng nền giáo dục đặc quyền của phương Tây, một cách để thể hiện bản thân là người văn minh và hiện đại.
Một ví dụ tiêu biểu của cách bóng đá lan rộng từ Anh đến Đông Nam Á và khắp thế giới cùng với chủ nghĩa đế quốc Anh, là trận bóng đá đầu tiên được ghi nhận ở Đông Dương diễn ra vào năm 1905 giữa một đội lính bộ binh Pháp và đội các thủy thủ của một tàu tuần dương Anh khi ghé thăm Sài Gòn. Vào năm sau đội bóng Pháp đầu tiên được thành lập tại Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif
Saigonnais). Tiếp theo đó là Gia Định Sport, đội bóng đá đầu tiên của người Việt, được thành lập vào năm 1910 và được đổi tên thành Ngôi Sao Gia Định (L’Etoile de Gia Dinh) từ năm 1922, sau khi hợp nhất với một đội bóng Việt khác có tên Ngôi Sao Xanh (Étoile Bleue Association). Ngôi Sao Gia Định tiếp tục phát triển và thống trị các câu lạc bộ bóng đá ở Nam Kỳ cho đến lúc bị giải thể khi chế độ thực dân Pháp đến hồi kết vào năm 1954.

Bóng đá nhanh chóng trở thành môn thể thao được chơi nhiều nhất ở Việt Nam thuộc địa, vô số đội bóng mới xuất hiện trên toàn thuộc địa trong khoảng thời gian giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới. Môn bóng bầu dục xếp thứ hai nhưng thua xa bóng đá, còn các môn thể thao như quần vợt, đấu kiếm hoặc đạp xe chỉ giới hạn trong vòng tròn tinh hoa Pháp và Việt thân Pháp. Bóng đá cũng vượt hơn hẳn hai môn quần vợt và đua ngựa về lượng khán giả theo dõi. Những ngày Chủ nhật có đấu bóng luôn thu hút một đám đông dân chúng lớn rộng khắp Sài Gòn. Sự yêu thích của đông đảo quần chúng với thể thao đặc biệt là bóng đá trùng hợp với sự bùng nổ trong việc xuất bản các tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt ở Sài Gòn nhằm vào độc giả người Việt, vì vậy việc đưa tin thể thao trở thành một phần quan trọng của các phương tiện truyền thông này. Có ít nhất một trăm câu lạc bộ bóng đá tồn tại trên toàn Đông Dương trong những năm 1920, hầu hết trong số đó là của người Việt và chủ yếu tập trung tại Sài Gòn và các vùng lân cận, nơi ảnh hưởng văn hóa Pháp đặc biệt mạnh mẽ, và nơi người Việt có một mức độ tự do nhất định để thành lập các hiệp hội thể thao và các hiệp hội khác. Và, như một sự bứt phá mạnh mẽ khỏi những chuẩn mực giới tính cổ hủ, các đội bóng đá nữ cũng được thành lập, chứng minh sức mạnh thúc đẩy tiến bộ xã hội mà thể thao có thể mang lại. Cộng đồng thực dân Pháp coi giải trí và thể thao là những hoạt động văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống ở xứ nhiệt đới, xung đột với quan niệm của người Việt với các chuẩn mực truyền thống do Nho giáo chi phối, coi thể thao là những hoạt động tầm thường, thô tục. Dân thành thị Việt trẻ, Tây hóa coi thể thao là tiến bộ và tinh tế, thậm chí là một công cụ để phục hồi sức mạnh thể chất và tinh thần của một dân tộc bị mất chủ quyền. Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier, người tiếp đón Vua Prajadhipok, đặc biệt nhạy bén với việc sử dụng thể thao như một phương tiện để lấy lòng giới tinh hoa Tây hóa của Đông Dương ⁽⁶⁾.
Sự thịnh hành của bóng đá dẫn đến những cải thiện kỹ năng kỹ thuật nhanh chóng của các cầu thủ Việt, thêm nữa, cuốn cẩm nang bóng đá đầu tiên bằng chữ quốc ngữ cũng được xuất bản vào năm 1925 bởi bác sĩ y khoa kiêm danh thủ bóng đá Phạm Văn Tiếc. Cuốn sách được xuất bản tại Sài Gòn, trung tâm bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó, và có tựa đề đơn giản là Đá Banh, cuốn cẩm nang này được bán với giá là 40 xu, một cái giá rất phải chăng, góp phần làm tăng thêm sự phổ biến của bóng đá⁽⁷⁾.
Điều quan trọng là, thời này tất cả các môn thể thao đều diễn ra trong khuôn khổ ngột ngạt của hệ thống thuộc địa và được thực dân Pháp phổ biến trong dân chúng như một công cụ để ổn định thuộc địa. Một vài tuần trước khi Vua Prajadhipok đến thuộc địa, tờ báo Pháp La Dépêche Coloniale đã đăng một bức ảnh về một đội bóng đá Việt được chăm sóc kỹ lưỡng, mặc áo sọc đẹp mắt với tất và giày đá bóng đồng bộ, chụp tại một đồn điền lớn của chủ người Pháp ở Nam kỳ. Bức ảnh đã biểu thị, như tờ báo giải thích cho độc giả, “vẻ hân hoan, hăng hái của những công nhân đồn điền của một công ty lớn, ánh mắt thân thiện của họ dành cho các ông chủ Tây, những người hòa mình vào với họ.” Điều này, tờ báo hy vọng, “sẽ thành công đập tan những câu chuyện huyễn hoặc của cộng sản rằng tình trạng công nhân bản xứ trong các công ty của Tây thảm thương gần như nô lệ.”⁽⁸⁾ Khác xa với sự thật, hình ảnh về bầu không khí ân cần trên các đồn điền là giả tạo, và nó cũng chẳng ngăn cản được các cuộc đình công và nổi dậy của những công nhân đồn điền bị bóc lột chống lại những kẻ áp bức trong thời kỳ này.
Bóng đá ở Thái Lan
Đồng thời với Đông Dương thuộc Pháp, bóng đá được phát triển ở Thái Lan (Xiêm La) độc lập vào đầu thế kỷ XX. Thể thao nơi đây bắt nguồn từ phương Tây qua các hoàng tử du học Anh quốc về, và bởi một loạt các trường học do giáo viên người Anh giảng dạy được mở ở Bangkok cho giới tinh hoa Thái. Vua Vajiravudh, trị vì từ năm 1910 đến 1925, sử dụng thể thao như một công cụ để xây dựng tinh thần cộng đồng, nâng cao thể lực và sức bền cho nam giới Thái Lan. Hoạt động thể chất còn là một công cụ quan trọng mà nhà vua sử dụng ở tầm rộng hơn cho kế hoạch hiện đại hóa dân tộc. Ông là người khởi xướng cho việc thành lập đội bóng đầu tiên, lập ra Hiệp hội Bóng đá Thái Lan năm 1916, và dẫn đường cho sự gia nhập FIFA Thái Lan vào năm 1925⁽⁹⁾.
Vua Prajadhipok, vị Vua tiếp theo của Thái Lan, khách mời của Sài Gòn lần này, là một người mê thể thao, giống như Hoàng đế Bảo Đại. Ông chơi golf, quần vợt và squash thường xuyên, thường là với Hoàng hậu Rambai Barni. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhà vua rất muốn sử dụng thể thao như một công cụ ngoại giao khi chuyến thăm chính thức của ông đến Đông Dương được lên kế hoạch. Với sức hấp dẫn đại chúng của bóng đá, đây là công cụ lý tưởng cho ngoại giao thể thao quốc tế, giúp Thái Lan thể hiện được sức mạnh và đẳng cấp văn minh của mình một cách ôn hòa tới một số lượng lớn khán giả⁽¹⁰⁾.
Các trận đấu ở Sài Gòn vào tháng 4 năm 1930
Sài Gòn bị cuốn vào cơn sốt bóng đá sôi sục khi các vị khách người Thái đến vào tháng 4 năm 1930. Chỉ vài ngày trước đó, đội bóng nổi tiếng Saigon Sports đã khai trương sân vận động mới của họ bằng trận đấu với Ngôi Sao Gia Định – tiếc là với thất bại bằng tỷ số 0:1 trước kỹ thuật vượt trội của đối thủ⁽¹¹⁾.
Chuyến viếng thăm Sài Gòn của đội tuyển quốc gia Thái Lan là trường hợp đầu tiên mà chúng tôi biết đến về ngoại giao thể thao ở Đông Nam Á. So sánh với việc một số câu lạc bộ bóng đá đã và đang du hành giao đấu quốc tế và việc các thủy thủ viễn dương quấy động thời gian lưu trú tại các cảng dừng chân bằng các trận đấu bóng đá tại chỗ, chuyến lưu đấu này có một tầm cao mới: Đội bóng Thái Lan đại diện cho một hiệp hội bóng đá quốc gia được FIFA công nhận và chuyến thăm Sài Gòn được hai chính phủ chính thức phê duyệt. Các cầu thủ Thái Lan đi cùng với đoàn khách Hoàng gia tới Sài Gòn từ Bangkok và dành hai ngày đầu tiên ở thành phố để tập luyện cho trận đấu lớn. Một trận đấu cọ xát đã được tổ chức giữa đội “B” của Thái Lan và một nhóm các cầu thủ người Việt được tuyển chọn vào ngày 14 tháng 4, thu hút “một đám đông khổng lồ cho một ngày thường trong tuần” tới sân vận động Ngôi Sao Gia Định trên đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Trận này đội Thái Lan giành chiến thắng 3:2 sau hai hiệp mỗi hiệp ba mươi phút. Trận đấu cọ xát đã thu hút sự chú ý của các tờ báo ở Sài Gòn cũng như ở Bangkok – những trận đấu quốc tế này rõ ràng là một sự kiện lớn ở cả hai thủ đô. Sự khéo léo và kỹ năng cá nhân cũng như tính đồng đội của các cầu thủ Thái Lan được ghi nhận. “Đội tuyển Xiêm đã để lại ấn tượng lớn với tốc độ chơi bóng, thường khiến hàng phòng ngự An Nam bối rối.” Một nhà bình luận Sài Gòn còn chỉ ra rằng “trong hiệp hai, bốn cầu thủ [Thái Lan] đã tháo giày, điều này không được phép theo quy định của Ban Quốc tế. Nhưng trong lúc cái mà họ đạt được do đó là tốc độ, họ lại mất đi sự chắc chắn.”⁽¹²⁾ Chơi không giày khá phổ biến trong bóng đá ở châu Á vào thời điểm này, trước khi các quy định về tiêu chuẩn thi đấu yêu cầu bắt buộc mang giày được ban hành.
Ngày 16 tháng 4 là ngày của sự kiện nổi bật đầu tiên trong hai sự kiện bóng đá nổi bật: chiều muộn hôm đó, trận đấu quốc tế đầu tiên giữa đội tuyển quốc gia Thái Lan và đội tuyển Nam kỳ diễn ra tại Câu lạc bộ Thể thao Pháp (Cercle sportif Saigonnais, nay là Cung Văn hoá Lao động TP Hồ Chí Minh). Nằm ở vị trí đắc địa ngay bên ngoài cổng tây của Dinh Thống đốc từ năm 1905, Câu lạc bộ Thể thao Pháp lúc đó sở hữu một bể bơi và một vài sân quần vợt, một sân bóng đá và bóng bầu dục với khán đài, cùng với một câu lạc bộ sang trọng⁽¹³⁾.
Mỗi đội gồm mười một cầu thủ, như thường lệ ngày nay. Đội Thái Lan có ba cầu thủ nổi bật: hậu vệ Heng Yuan làm đội trưởng và hậu vệ Prasit Witthayakorn, có thể nói là cầu thủ nổi tiếng nhất trong thời kỳ đó. Chai Bunnag là tiền đạo trung tâm của đội; anh đã sống ở London trong tám năm và chơi cho một câu lạc bộ nghiệp dư ở đó. Một tờ báo ở Sài Gòn đã gọi anh là “một trong những cầu thủ tấn công đẹp trai nhất mà Sài Gòn từng thấy.”⁽¹⁴⁾
Phía đội Nam kỳ tập hợp những cầu thủ Pháp và Việt Nam xuất sắc nhất mà xứ thuộc địa có thể cung cấp. Đội có tám cầu thủ Việt Nam, gia nhập thêm ba cầu thủ Pháp. Đội trưởng và cầu thủ ngôi sao là Yvon Ségalen, người mới đến Sài Gòn để làm việc tại Ngân hàng Đông Dương. Không chỉ đã chơi hai mùa giải cho câu lạc bộ Racing Club de France thành công, mà Ségalen còn đã khoác áo đội tuyển quốc gia Pháp ba lần vào năm 1929. Hai cầu thủ người Pháp khác trong đội là Fernandez và Lebarbier; các cầu thủ người Việt, chủ yếu từ Ngôi Sao Gia Định, là Thạnh, Thân, Danh, Ngươn, Thơ, Sự, Xường, và thủ môn Tịnh⁽¹⁵⁾.
Đội tuyển Nam kỳ gồm người Pháp và người Việt thuộc địa mặc trang phục mang màu sắc của nước Pháp: áo đỏ, quần trắng và tất xanh, trên áo có biểu tượng một con dơi màu vàng⁽¹⁶⁾. Đội Thái Lan thi đấu trong trang phục toàn trắng, áo thi đấu của họ có biểu tượng hình vương miện chiến thắng của Thái Lan. Khoảng 10.000 khán giả chen chúc trên sân, nhiều người trong số đó đã phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để được vào, nhiều người khác không vào được, trèo lên cây ngồi xem. Sài Gòn và Chợ Lớn có tổng dân số khoảng 250.000 người vào năm 1930, vì vậy có tới 4% dân số thành phố đã tham dự trận đấu! Lúc 5 giờ chiều, Vua và Hoàng Hậu Xiêm cùng các quan chức Pháp – cả hai quan lớn Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ đều có mặt – đã ngồi ở giữa khán đài chính. Quốc ca Thái Lan và Pháp được một ban nhạc đồng diễn tấu, sau đó các đội trưởng Yuan và Ségalen cúi chào Vua và Hoàng hậu, và trận đấu bắt đầu.
Các cầu thủ khách chiếm ưu thế trong hiệp một, ghi được hai bàn thắng trong khi liên tục ngăn chặn những nỗ lực của Ségalen trong việc chuyền dài cho Fernandez hướng tới khung thành của Thái Lan. Họ chơi tốt hơn nhiều so với các đối thủ Pháp và Việt nhờ vào tốc độ và kỹ thuật vượt trội, có lẽ cũng vì họ đã có nhiều thời gian hơn để tập luyện cùng nhau, trong khi đội tuyển Nam kỳ chỉ được tập hợp cho dịp này. Đám đông khán giả theo dõi trận đấu một cách nhiệt tình và, làm cho khách mời Thái Lan hài lòng, không hề thiên vị cho đội nhà: “mỗi khi ai đó chơi tốt, đám đông đều vỗ tay tán thưởng.”⁽¹⁷⁾
Mặc dù đội nhà chơi tiến bộ hơn trong hiệp một, hiệp hai đội Thái tiếp tục làm chủ thế trận và kết thúc trận đấu quan trọng với chiến thắng 4:0 (2:0), một chiến thắng mà tờ báo thể thao địa phương Saïgon Sportif gọi là rất xứng đáng⁽¹⁸⁾.
Sau trận đấu, Vua Prajadhipok chúc mừng cả hai đội và tiến đến bắt tay với hai đội trưởng, Toàn quyền Đông Dương Pasquier trao một chiếc cúp bạc cho Heng Yuan, đội trưởng đội thắng cuộc⁽¹⁹⁾.
Sự kiện bóng đá nổi bật thứ hai diễn ra vào ngày 18 tháng 4, khi đội Thái Lan thi đấu với Ngôi Sao Gia Định, đội bóng hàng đầu của Việt Nam, và đội chủ nhà đã xuất sắc giành chiến thắng 5:2. (2:1). Một lần nữa, khoảng mười nghìn khán giả đã đổ về, lần này là sân nhà của Ngôi Sao Gia Định trên đường Mayer, để ủng hộ đội nhà: “Mỗi lần tăng tốc và mỗi lần tấn công, họ đều nhận được sự hò hét cổ vũ từ 10.000 cái miệng. (…) những pha kết hợp tuyệt đẹp của đội đảm bảo cho sự thành công, và sự mến mộ của công chúng với họ đã làm phần còn lại.”⁽²⁰⁾ Đối với khán giả người Việt, trận đấu này mang tầm quan trọng của một cuộc thi quốc gia vì không có người Pháp nào trong đội của họ như trong trận thứ Tư tuần trước, vì vậy họ đã cổ vũ cho Ngôi Sao Gia Định không thể cuồng nhiệt hơn. Nhưng, báo chí Sài Gòn thừa nhận, các cầu thủ khách cũng gặp bất lợi lớn trong trận đấu này do tình trạng xấu của sân, đội trưởng của đội khách Thái Lan so sánh nó giống với một sân golf hơn là một sân bóng đá⁽²¹⁾.
Trận đấu cuối cùng, được một tờ báo địa phương gọi là “Rồng đấu Voi,” diễn ra vào Chủ nhật ngày 20 tháng 4, đội Thái đá với một đội tuyển gồm các cầu thủ Việt được chọn lựa từ các đội bóng Sài Gòn, các khách mời từ Thái Lan cũng thua 1:2. (1:1). Mặc dù đội Thái ghi bàn trước, đội Việt Nam đã thành công gỡ hòa trước giờ nghỉ giữa hiệp trong một trận đấu “thô bạo, gần như tàn bạo” và tiếp tục ghi bàn thắng quyết định trong hiệp hai⁽²²⁾.
Đội Thái Lan rời Sài Gòn để đến Phnom Penh vào ngày hôm sau với một chiếc cúp bạc từ trận đấu chính và thành tích hai thắng hai thua trong bốn trận. Mặc dù từng có những cảm xúc quá khích lúc xem các trận đấu, một nhóm lớn người hâm mộ bóng đá địa phương đã tiễn đưa họ với một tinh thần rất thể thao⁽²³⁾.
Triển vọng
Những trận đấu bóng đá đầu tiên của một đội tuyển Việt Nam đối đầu với một đội tuyển quốc gia khách mời là một bước tiến quan trọng trong lịch sử thể thao của Việt Nam và Thái Lan.

Trong buổi chiều nóng bức ngày 16 tháng 4 năm 1930 tại Câu lạc bộ Bóng đá Sài Gòn, hệ thống phân cấp của chủ
nghĩa thực dân đã bị thách thức hai lần: không chỉ đội bóng Đông Dương là đội của cả cầu thủ Pháp và Việt, mà họ còn thi đấu – và thua – trước một đội bóng châu Á khác. Trên sân cỏ, điều quan trọng là kỹ năng và thể lực, chứ không phải màu da hay dân tộc. Hơn nữa, hai trận đấu sau đó vào ngày 18 và 20 tháng 4, hoàn toàn là các cuộc chiến của người châu Á, ngoại trừ trọng tài là người Âu, các đội bóng hoàn toàn là người Việt đấu với người Thái trên sân.
Tất nhiên, không gian cho sự tương tác bình đẳng hơn giữa những kẻ thực dân phương Tây và người châu Á kết thúc ở bên lề sân bóng đá, hoặc tối đa là trên khán đài nơi mọi người cổ vũ cho đội của mình, không bao giờ vượt ra ngoài không gian được xác định rõ này trong xã hội thuộc địa. Trái lại, năm 1930 là năm của các cuộc nổi dậy lớn cùng với các cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền Pháp ở Nam kỳ, và không kém phần quan trọng, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, tiếp tục thách thức toàn bộ hệ thống thực dân.
Trong khi đông đảo người Sài Gòn đổ ra để chứng kiến cảnh tượng chuyến thăm cấp nhà nước của Hoàng gia Thái Lan, và các trận bóng đá được theo dõi bởi lượng lớn người dân với sự cuồng nhiệt, chuyến thăm của Hoàng gia cũng gặp phải sự chỉ trích trong cộng đồng người Việt. “Chúng ta phải trả thuế cao hơn để người Pháp có thể chi trả cho chuyến thăm của vua Xiêm” là một trong đó, một số người lại bối rối trước việc người Pháp “nịnh bợ” đoàn khách mời hoàng gia. Thật vậy, chuyến thăm đã làm tất cả mọi người thấy rõ rằng thực dân Pháp đã phân biệt đối xử giữa những người châu Á⁽²⁴⁾.
Nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng các trận bóng đá quốc tế và chuyến thăm chính thức của Vua Prajadhipok đến Đông Dương vào năm 1930 đã đánh dấu một thời kỳ đỉnh cao trong quan hệ Pháp-Thái, vốn căng thẳng bởi các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và xung đột vũ trang dọc theo biên giới Thái Lan, Campuchia và Lào⁽²⁵⁾. Tuy thế, một thập kỷ sau khi Vua Prajadhipok và Toàn quyền Pasquier ngồi cùng và cổ vũ cho các đội bóng của họ tại Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn, quan hệ giữa hai nước láng giềng hoàn toàn xấu đi và chiến tranh bùng nổ giữa hai bên.

Chưa đầy một năm sau các trận đấu lớn kể trên ở Sài Gòn, lịch sử bóng đá quốc tế của Việt Nam lại được tiếp tục, Việt Nam chấp nhận lời mời từ liên đoàn bóng đá Thái Lan đến thi đấu một loạt trận ở Bangkok vào tháng Hai và tháng Ba năm 1931. Đội tuyển Việt Nam được cử đến
Bangkok là những cầu thủ xuất sắc nhất do Tổng cuộc Bóng đá An Nam, thường được gọi là C.I.A., hiệp hội bóng đá của người Việt ở Nam kỳ, lựa chọn. Các tờ báo lúc đó cho thấy rằng các cầu thủ đã được chọn với một ý thức rõ ràng về việc đại diện cho toàn bộ bóng đá Việt Nam tại Bangkok, vì vậy chúng ta có thể nói rằng đây có lẽ là “đội tuyển quốc gia” đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Các vị khách từ Sài Gòn đã thi đấu với ba câu lạc bộ Thái Lan, ghi được một chiến thắng và hai thất bại, trước khi thi đấu với đội tuyển quốc gia Thái Lan. Mặc dù trận đấu đặc biệt này đội tuyển Việt Nam lại thua, chuyến đi vẫn được coi là thành công. Giờ đây, nền bóng đá Việt Nam đã trở thành nền bóng đá quốc tế thực sự⁽²⁶⁾.
Chú Thích
* Stefan Hell là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Khoa Lịch sử của Đại học Chulalongkorn. Ông có bằng Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Leiden ở Hà Lan và là tác giả cuốn The Manchurian conflict: Japan, China, and the League of Nations 1931-1933 (bằng tiếng Đức), Siam and the League of Nations: Modernisation, sovereignty and multilateral diplomacy, 1920-1940, và Siam and World War I: An International history (tiếng Thái và tiếng Anh). Bài viết này được Nguyễn Thị Lương dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
1. Về thương mại xem Bangkok Times, ngày 16, 17 và 19/4/1930, về hàng không xem: Bangkok Times, ngày 21/5/1930 và La Dépêche d’Indochine, ngày 14/4/1930.
2. Chi tiết chuyến viếng thăm có thể tra cứu tại National Archives of Thailand, KT 7.3.2, Files 1-9, và trong: Daily diary of his Majesty the King’s visit to Indochina in 1930, from 5 April 1930 to 8 May 1930, ed by Prince Vipulya Svastiwongse Svastikul, Bangkok: Sophon Phiphanthanakorn Printing House, 1930 (bằng tiếng Thái, sau đây được nhắc lại với tên Daily Diary). Chuyến viếng thăm này là tin tức quan trọng trên các tờ báo Đông Dương thuộc pháp thời điểm đó; xem La Dépêche d’Indochine, ngày 14 và 15/4/1930, ngày 3, 5 và 9/5/1930; L’Echo Annamite, ngày 25/3/1930; France-Indochine, ngày 25/3/1930, ngày 12, 20 và 26/4/1930; Les Annales Coloniales, ngày 17/4/1930; L’Illustration, ngày 31/5/1930; L’Avenir du Tonkin, ngày 17 và 22/4/1930; La volonté Indochinoise, ngày 18, 21 và 25/4/1930. Các bài báo bằng tiếng Việt đưa tin này xem Hà Thành Ngọ báo, ngày 15-19 và 22/4/1930. Để biết thêm tin đưa về chuyến thăm xem trên báo Thái lan xem Bangkok Times, ngày 29 và 31/3/1930; ngày 7/4/1930; ngày 11, 14-17, 19-25, và 28-30/4/1930; ngày 1, 6, 7, 9, 10 và 13/5/1930.
3. Về sự phát triển ban đầu của bóng đá quốc tế xem David Goldblatt, The ball is Round: A global history of football, New York: Riverhead Books, 2016; Paul Dietchy, ‘Making Football Global? FIFA, Europe, and the non-European Football World, 1912–74’, Journal of Global History, 8 (2013), tr. 279-298, DOI: 10.1017/S1740022813000223 (truy cập ngày 12/11/2024). Về sự phát triển của thể thao ở châu Á xem Stefan Huebner, Pan-Asian Sports and the Emergence of Modern Asia, 1913-1974, Singapore: NUS Press, 2016, về giao đoạn những năm 1920 và những năm 1930 chú trọng chương 1 và 2; Paul Dimeo and James Mills (eds.), Soccer in South Asia: Empire, nation, diaspora, London and Portland (OR): Frank Cass, 2001.
4. Goldblatt, tr. 88.
5. Về sự phát triển bóng đá ở Đông dương thuộc Pháp xem: Agathe Larcher-Goscha, “Du Football au Vietnam (1905-1949): colonialisme, culture sportive et sociabilités en jeux”, Outre-Mers, Revue d’histoire, Tập 97, No.2 (2009), tr. 61-89, URL: www.persee.fr/doc/outre_1631-0438_2009_num_96_364_4414 (truy cập ngày 3/11/2024); Nguyễn Đức Hiệp, Sài Gòn – Chợ Lớn thể thao và báo chí trước 1945, Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2016, chú trọng tr.14-56. Brice Fossard viết nhiều về lịch sử bóng đá và thể thao ở Đông Dương và về vai trò đa chiều của bóng đá và thể thao trong xã hội thuộc địa. Lấy ví dụ, xem Brice Fossard và Nguyễn Thị Hải “La presse et l’acculturation sportive des nouvelles élites vietnamiennes (1888-années 1930)”, Moussons, No. 39 (2022), URL: http://journals.openedition.org/moussons/9485 (truy cập ngày 10/11/2024); Brice Fossard, “Sports and Youth Movements in Indochina during the First World War’” International Journal of the History of Sport, Tập 38, No. 7 (2021), tr. 691-711, DOI: 10.1080/09523367.2021.1879055 (truy cập ngày 13/11/2024); Brice Fossard, “playing Football in Vietnam before 1940: An act of Resistance?”, Soccer & Society, Tập 21, No. 6 (2020), tr. 629–638. URL: https://doi.org/10.1080/14660970.2020.1775040 (truy cập 12/12/2024); Brice Fossard, Les sports, le scoutisme et les élites indochinoises : de l’entre-soi colonial à la libération nationale (1858-1945), Luận án Tiến sỹ, Đại học Paris, 2017. Nguyễn Tuấn Linh viết về những năm đầu của lịch sử bóng đá tại Sài Gòn dựa trên các nghiên cứu của Fossard và Larcher-Goscha: Nguyễn Tuấn Linh, ‘”Bóng đá: Môn thể thao quốc dân”, Tia Sáng, ngày 16/2/2023, URL: https://tiasang.com.vn/van-hoa/bong-da-mon-the-thao-quoc-dan/ (truy cập ngày 12/12/2024). Về bóng đá và các môn thể thao khác tại Lào thuộc địa xem Simon Creak, Embodied nation: Sport, masculinity and the making of modern Laos, Honolulu: University of Hawai’i Press, 2015.
6. Xem Brice Fossard, “Pierre Pasquier, l’inventeur d’une « politique des sports » en Indochine”, Sport History Review, Tập 50, No. 1 (2019), tr. 38-53.
7. Phạm Văn Tiếc, Đá banh (Le Football Association), Saigon: Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, 1925 (gallica.bnf.fr / Bibliothèque nationale de France). Một cuốn cẩm nang bóng đá nữa được xuất bản 5 năm sau, tác giả là biên tập viên thể thao của tờ Công luận báo: Nguyễn Văn Chiêu, Thể thao, Saigon: Imprimerie Nguyễn Khắc, 1930; xem Fossard và Nguyễn, chú thích No. 44.
8. La Dépêche coloniale, ngày 12/1/1930.
9. Xem Walter F. Vella, Chaiyo! King Vajiravudh and the development of Thai nationalism, Honolulu: University Press of Hawaii, 1978, chú trọng tr. 144-151; Stephen Greene, Absolute Dreams: Thai government under Rama VI, 1910-1925, Bangkok: White Lotus, 1999.
10. Xem nghiên cứu của Barbara J. Keys, Globalizing sport: National rivalry and international community in the 1930s, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2006. Bức tượng voi bằng đồng do Vua Prajadhipok tặng làm kỷ niệm chuyến viếng thăm của ngài là một ví dụ nữa của ngoại giao văn hoá. Bức tượng vẫn còn đến ngày nay bên lối vào của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, chi tiết xem Stefan Hell, ‘Những chuyện chưa biết về bức Tượng Voi Thái Lan tại Thảo Cầm Viên’, Xưa và Nay, 556 (Tháng 10/2023): tr. 61-66.
11. La Dépêche d’Indochine, ngày 7/4/1930.
12. Xem La Dépêche d’Indochine, ngày 15/4/1930; Bangkok Times, ngày 22/4/1930. Đội Việt nam bao gồm các cầu thủ từ các Câu lạc bộ nằm trong Ủy ban liên câu lạc bộ Annamite (C.I.A.), Liên đoàn bóng đá của người Việt tại Nam kỳ.
13. Về Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn xem https://www.entreprises-coloniales.fr/inde-indochine/Cercle_sportif_saigonnais.pdf (truy cập ngày 12/12/2024) và https://www.historicvietnam.com/cercle-sportif-saigonnais/ (truy cập ngày 12/12/2024).
14. L’Opinion, trích dẫn trên tờ Bangkok Times, ngày 28/4/1930.
15. La Dépêche d’Indochine, ngày 15/4/1930. Người viết thêm dấu vào các tên riêng của cầu thủ người Việt.
16. Chi tiết tường thuật trận đấu xem Saïgon Sportif, ngày 18/4/1930; La Dépêche d’Indochine, ngày 17/4/1930; L’Echo Annamite, ngày 18/4/1930; Hà Thành Ngọ báo, ngày 17/4/1930.
17. Daily Diary, tr. 53.
18. Saïgon Sportif, ngày 18/4/1930.
19. Trận đấu này thu hút sự chú ý khá lớn của các tờ báo cả tiếng Pháp và tiếng Việt ở Đông Dương và các tờ báo ở Bangkok và Paris. Larcher-Goscha đưa ra nhiều phân tích chi tiết về mối tương quan giữa sự bùng nổ của bóng đá và báo chí giai đoạn này, xem Larcher-Goscha, từ tr. 70 và từ tr. 81. Ví dụ cho báo chí Pháp viết về trận đấu xem Le Miroir des Sports, ngày 18/11/1930.
20. Bangkok Times, ngày 28/4/1930. Bản tin tường thuật trận đấu xem tại Saïgon Sportif, ngày 25/4/1930 và La Dépêche d’Indochine, ngày 22/4/1930. Xem thêm Hà Thành Ngọ báo, ngày 22/4/1930.
21. Saïgon Sportif, ngày 25/4/1930.
22. L’Echo Annamite, ngày 22/4/1930; Bangkok Times, ngày 28/4/1930; Saïgon Sportif, ngày 25/4/1930; La Dépêche d’Indochine, ngày 22/4/1930.
23. Hành động đẹp này của người hâm mộ Việt Nam được ghi nhận trong bối cảnh tờ Saïgon Sportif ngày 25/4/1930 đang chỉ trích mạnh hành vi của khán giả Việt nam với đội khách. Tờ báo này quy chụp lý do là bởi sự thiếu hụt rõ rệt của hành vi văn minh và sự tinh tế. “Bởi vậy, rõ ràng là còn nhiều việc cần phải làm để giáo dục dân bản xứ về thể thao.”
24. Daily Diary, từ tr. 145.
25. Một năm sau chuyến viếng thăm của vua Prajadhipok, Đông Dương tiếp đón một vị khách nước ngoài cấp cao khác – Tướng Dwight Davis người Mỹ, một tay vợt tennis nổi tiếng và là nhà tài trợ của giải quần vợt mang tên ông. Thời điểm đó, ông Davis là thống đốc của Philippines thuộc địa của Mỹ. Các quan chức Nam kỳ đã chuẩn bị một chương trình đón tiếp Davis và gia đình ông tương tự như chương trình dành cho hoàng gia Thái Lan, bao gồm cả một sự kiện tại Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn, nhưng lần này là một trận quần vợt thay vì bóng đá vì lý do dễ hiểu. Tạp chí Time của Hoa Kỳ đã đăng một bài viết châm biếm về chuyến du hành của Davis đến Sài Gòn và vài nơi khác cùng khu vực Đông Nam Á, bài viết đầy rẫy những lời bình luận mang tính phân biệt chủng tộc và thái độ trịch thượng đối với tất cả những kẻ thực dân Âu mà Davis gặp trong chuyến đi. Xem: Time, ngày 6/4/1931.
26. Về những trận đấu tại Bangkok năm 1931 xem Saïgon Sportif, ngày 6/3/1931; La Dépêche d’Indochine, ngày 6/3/1931; Báo Đông-Pháp, ngày 20/1/1931, ngày 10 và 21/2/1931, ngày 3, 6, 10 và 12/3/1931; Hà Thành Ngọ-báo, ngày 10/3/1931.