Công cuộc xây dựng của người Pháp trên đất Hà Nội

Lưu Đình Tuân

Tạp chí Xưa&Nay, số 71A, tháng 1 năm 2000

Sự hình thành những “khu phố Tây” đã đem lại cho Hà Nội một bộ mặt mới của một thành phố thuộc địa. Nhưng những tòa nhà do người Pháp xây lên lại nằm trên những di tích cổ của Hà Nội, vì vậy nhiều đền chùa và kiến trúc cũ của Hà Nội đã bị san phẳng để nhường chỗ cho các kiến trúc mới.

Trong khu phố mới, con đường đầu tiên được sửa sang lại là đường Hàng Khay. Sau đó tới lượt Hàng Thêu và Hàng Bài (rue des Cartes, sau là đường Đồng Khánh, nay là đường Bà Triệu. Như vậy Hàng Bài hiện nay không phải là Hàng Bài 1884). Đồng thời, các phố ở khu buôn bán cũng được sửa sang, Chẳng bao lâu, đường Hàng Khay có thể đi bộ và đi ngựa riêng biệt, có thể xem phố Hàng Khay là phố đầu tiên ở Hà Nội có vỉa hè. Các con đường dần dần cho xe cộ đi lại được, Ngay từ đầu năm 1884, Công sứ Bonnal đã cho nhập từ Nhật hai chiếc djinrickhaws, trong đó có một chiếc dành cho Tổng đốc để thợ bản xứ sao chép lại. Những chiếc xe đầu tiên kiểu này làm cho dân chúng ta kinh ngạc. Paul Bourde thuật lại: “Đám đông không biết phải làm gì khi thấy chiếc xe đi tới. Mọi người bỏ chạy trong khi chỉ cần một bước để tránh”.

Năm sau, Hà Nội có xe khách công cộng. Ngày 22-8-1885, tờ Tương lai Bắc Kỳ tường thuật sự kiện này như sau: “Sự mở rộng và lưu thông dễ dàng của các con đường luôn luôn cho thấy sự tiến bộ trong tiến trình đi lên của một xứ sở hoặc của một dân tộc… Thành phố Hà Nội vừa mới được trang bị một dịch vụ đặc biệt là xe khách công cộng từ khu Nhượng địa tới thành Hà Nội (Tức là chạy từ Nhà hát lớn dọc theo đường Tràng Tiền, Tràng Thi, Điên Biên Phủ tới Cột Cờ – LĐT). Đó chỉ là một chiếc xe nhỏ do ngựa kéo chạy qua các phố Hàng Khay và phố Hội Truyền Giáo (rue de la Mission, nay là đường Điện Biên Phủ). Phố Hội Truyền Giáo hẹp đến nỗi quyết định ngày 28-7-1885 của cảnh sát yêu cầu những người đi xe ngựa và xe cộ tránh đi cùng giờ với giờ xe khách chạy. Có thể coi ngày đó là ngày khai sinh cho đường một chiều của Hà Nội. Quyết định trên cũng cấm người lái xe khách cho ngựa phi nước đại và buộc phải bóp còi nhiều lần ở các giao lộ đông người qua lại.

Bản vẽ mặt trước và mặt bên Tòa nhà ga hành khách Hà Nội, tỉ lệ 1/200, do Kỹ sư Boreil lập năm 1898, kích thước gốc 30cm x 80cm, kí hiệu tra tìm IGTP2362, TTLTQG1

Về xe cộ thì năm 1886 ở Hà Nội chỉ có hai chiếc xe bốn bánh: một chiếc kiểu Malabar de Colombo (một kiểu xe Ấn Độ) thuộc Hội Truyền Giáo để giám mục Hà Nội Puginier dùng đi lại;chiếc thứ hai kiểu Victoria (kiểu xe thời nữ hoàng Victoria ở Anh) của viên chỉ huy Henri Rivière. Ông ta đã ra trận Cầu Giấy trên chiếc xe này và bỏ mình ở đấy. Sau này chiếc Victoria được ông Coutel, nhà thầu khoán đầu tiên ở Hà Nội mua lại trong một cuộc bán đấu giá.

Hai sự kiện quan trọng nhất trong sự phát triển khu phố Pháp là sự khai quang khu vực Hồ Gươm và việc xây dựng trên bờ Đông của nó các tòa nhà hành chính chuyển từ khu Nhượng địa ra.

Jules Boisière nhận xét: Giống như cô gái An Nam bỏ dần những bộ quần áo xấu xí nhuộm cunau (củ nâu – LĐT) đẫm mồ hôi lao động, năm này qua năm khác và gần như tháng này qua tháng khác, cảnh Hồ Gươm phong quang dần, thoát khỏi vành đai cai-nha (cái nhà, tức chỉ những ngôi nhà lá của người Việt – LĐT) và bày ra một cách sắc mới trẻ trong khung cảnh  hoa lá của nó”. Năm 1884 hình thành dự án đường quanh hồ và ngày 15-5-1885, tờ Tương lai Bắc Kỳ thông báo bắt đầu san nền để thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án đòi hỏi nhiều năm vì phải tiến hành nhiều vụ san lấp lớn và giải tỏa cư dân. Sau nhiều sửa đổi, sau cùng, sơ đồ chốt lại đường bao ghi ngày 5-5-1888.

Việc giải tỏa đã phá hủy nhiều di tích lịch sử, Chùa Báo Thiên xây dựng từ thời nhà Lý bị san bằng để xây nhà thờ. Đi cùng với Nhà thờ lớn, nhiều công trình dân dụng dành cho giáo dân được xây lên trong khu vực quanh nhà thờ (phố Nhà Chung và phố Nhà Thờ hiên nay). Riêng chùa Bà Đá nằm ở trong khu vực đó nhưng được giữ lại. Đấy là vì trong một cuộc nổi dậy của Văn thân trước đó, các sư chùa Bà Đá đã che chở cho một số linh mục Pháp chạy trốn vào chùa, tránh khỏi sự truy lùng của nghĩa quân. Nhiều công trình tôn giáo có giá trị lịch sử cũng chung số phận với chùa Báo Thiên, Một chùa có từ thế kỷ 18 bị phá năm 1883 để xây tòa thị chính. Chùa Báo Ân bị phá năm 1892 để mở rộng Sở Bưu điện. Chùa Bà Đanh nhường chỗ cho xưởng in của anh em Schneider. Sau này các xưởng in này lại nhường chỗ cho Trường Trung học Bảo hộ (nay là Trường Chu Văn An). Trường Thi bị biến thành trại hiến binh mặc dù nó đã được xây dựng vào năm 1805 theo thiết kế của một người Pháp làm việc cho vua Gia Long.

Trong bài xã luận ngày 21-1-1892, Alfred Le Vasseur, chủ bút tờ Indépendance tonkinoise hăng hái đòi phá hết các công trình cũ. Năm sau, 1893, Hội đồng thành phố ra quyết định và sau 4 năm thực hiện quyết định chỉ có Cột Cờ thoát nạn. Năm 1927, tờ Eveil Esconomique de l’Indochine nhận xét “Hà Nội là một thành phố cổ, Những thứ cổ kính có giá trị nhất chưa lâu lắm nhưng đáng tiếc là người ta không tôn trọng chúng; người ta làm chúng biến mất, chẳng hạn chùa Liên Trì”.

Công cuộc đô thị hóa còn phá hủy một số lớn các nhà lá. Trong hai năm 1891 và 1892, tờ Indépendance tonkinoise cho biết liên tiếp xảy ra hỏa hoạn ở các khu bình dân. Đêm 22-1-1891 cháy hơn 200 ngồi nhà và các phố Hàng Vôi, Hàng Bè, Hàng Tre và đê. Người Pháp đổ cho dận chúng bất cẩn, còn báo chí thực dân lên án sự thiếu thiện chí của dân bản xứ khi chữa cháy.

Bản vẽ mặt trước phòng thu cước phí của Sở Bưu điện, tỉ lệ 1/50, do Adolphe Bussy, kiến trúc sư chính, chánh Sở Nhà cửa dân sự lập năm 1921, kích thước gốc 50cm x 70cm, ký hiệu tra tìm KT169-7, TTLTQG1

Quyết định chuyển các cơ quan hành chịnh từ khu Nhượng địa ra giữa khu phố Tây được ký vào ngày Paul Bert tới Bắc Kỳ. Ngày 27-4-1886, cuộc lạc quyên đầu tiên được tổ chức cho giới thầu khoán. Cuộc lạc quyên chỉ được đáp lại bằng những tiền dự án không đáng kể. Khi đó một tòa nhà mẫu được công chính nghiên cứu và ngay lập tức được Paul Bert chấp nhận cho đấu thầu vào ngày 26-5-1886. Hai nhà thầu Venzin và Huardel trúng thầu xây dựng bốn tòa nhà. Theo dự án ban đầu, các tòa nhà không có lầu mà chỉ có tầng trệt cao 2,5m so với mặt đất. Sau đề nghị của kỹ sư Getten, Giasm đốc Công chính, Paul Bert quyết định thay đổi 2,5m thành 4,1m, có hiên, lò sưởi và cửa kính. Các tòa nhà được hoàn thành vào cuối năm 1887. Trên vùng đầm lầy mọc lên Tòa Công sứ (Résidence Supérieur, nay là Nhà Khách Chính Phủ), Tòa Thị chính (Marie, nay là UBNDTP), Kho bạc (Trésor, nay là Sở tài chính), Sở Bưu điện, Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine, nay là Ngân hàng Nhà nước), Khách sạn Métropol và nhiều biệt thự có vườn bao quanh.

Đồng thời với việc khu phố mới trở thành trung tâm hành chính và thương mại, thành phố cũng phát triển về phía Bắc bằng việc san lấp một số đầm để xây dựng nhà cho công chức thuê. Về phía Nam, người ta lập ra đường Gambetta  (nay là Trần Hưng Đạo). Ngày nay ta thấy đường này to rộng nhưng năm 1888, tờ Tương lai Bắc Kỳ số ngày 1-9-1888 chế nhạo “đại lộ trứ danh chẳng phục vụ ai, chẳng đi tới đâu, ít người qua lại đến nổi biến thành rú và những cai nha dọc hai bên phố từng chỗ dân bỏ đi và rơi vào đổ nát”.

Năm sau thì các bãi lầy giữa các tòa nhà bị san lấp hết để tạo ra Công viên Paul Bert (vườn hoa Gandhi ngày nay). Trong số bốn tòa nhà thì hai tòa nhà Thị chính và Kho bạc thay đổi không đáng kể (đây là nói những tòa nhà này dưới thời Pháp thuộc, gần đây UBND Thành phố Hà Nội đã được xây dựng lại hoàn toàn, xóa bỏ hẳn Thị chính xưa). Hai tòa nhà khác, Bưu điện và Tòa Công sứ, sau này được xây dựng trên một diện tích rộng hơn.

Ảnh Bảo tàng Maurice Long chụp nhân lễ khánh thành ngày 26/2/1902, kích thước gốc 17cm x 23cm, ký hiệu tra tìm RST72609, TTLTQG1

Ngày 26-12-1886 ban hành nghị định quy định trong thời hạn một năm phải phá bỏ hết các nhà lá và thay bằng nhà gạch ở phố Paul Bert, phố Triễn Lãm (rue de l’Exposition) và phố Hàng Thêu. Vài ngày sau, ngày 15-1-1887, một khoản tín dụng 600 quan được trao cho Phó Công sứ Pháp ở Hà Nội để lát vier hè phố Paul Bert với mép bằng gạch. Ngày 9-7 cùng năm người ta tiến hành treo hai tấm biển khảm xà cừ do một viên quan ở Hà Nội tặng. Ngày 14-1-1888, tờ Tương lai Bắc Kỳ viết: “Trong vài ngày nữa, tất cả những ngôi nhà lá ở phố Paul Bert và phố Hàng Thêu sẽ hoàn toàn biến mất. Chúng ta sẽ thấy sự biến đổi của các khu phố này: khắp nơi là nhà gạch sang trọng, các cửa hiệu đẹp sẽ mọc lên trên những mảnh đất ngày xưa nhà cửa luộm thuộm, hang ổ của hỏa hoạn và dịch bệnh”.

Là thủ đô trí tuệ của Đông Dương trong tương lai, Hà Nội mở ra nhiều triển vọng cho các giá trị tinh thần: nếu Viện Hàn lâm Bắc Kỳ (Académie tonkinoise) chưa đáp ứng được những gì Paul Bert mong đợi thì Uỷ ban Nghiên cứu Công nông Thương nghiệp (Comité des Etudes agricoles, industrielles et commerciales) đã có những phiên họp lý thú vào năm 1886 và 1887. Tờ Tương lai Bắc Kỳ do nhà báo Jules Cousin phụ trách, đã cho đăng những bài nghiên cứu đặc sắc của Dumoutier và thiếu úy Lassale (dưới bút danh Yann). Một trong những cở sở dịch vụ có tổ chức đầu tiên ở Hà Nội năm 1883 là nhà In Chính Phủ (Imprimerie du Gouvernement) và một trong những cửa hiệu đầu tiên ở phố Hàng Khay là hiệu sách. Năm 1886, ông Gillet mở một phòng cho thuê sách và năm 1888, tới lượt nhà sách Schneider.

Để có thể phát triển hơn, Hà Nội cần có quy chế tự trị về hành chính và lãnh thổ. Vì thế nghị định ngày 19-7-1888 của Toàn quyền Đông Dương và chỉ dụ ngày 3-10-1888 đã mở rộng dải đất chật hẹp của khu Nhượng địa năm 1874 ra toàn thành phố Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới