Ðánh giá đúng quá khứ, mới có định hướng chuẩn cho tương lai

NNC. Phan Thành Nhơn

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Năm mươi năm là khoảng thời gian gần trọn một đời người. Đối với tiến trình xã hội, nó tương đương với hơn hai thế hệ. Đối với lịch sử, nó đủ dài để chứng kiến nhiều sự biến chuyển lớn.

Đất nước chúng ta đã đạt được cảnh huống thống nhất lãnh thổ được tròn năm mươi năm. Trong khoảng thời gian ấy không phải tiếng súng đã im trọn vẹn ở hai đầu biên cương Tổ quốc, ở lãnh hải quốc gia, tuy nhiên, có thể xem đó là những năm tháng dân tộc ta được sống trong hòa bình.

Thống nhất. Hòa bình. Chúng ta may mắn hơn nhiều quốc gia khác đến hôm nay vẫn còn đang ước mơ về hai giá trị đó. Đó là tài sản quý báu mà cả dân tộc đã phải đổ mồ hôi và máu để có được. Nhưng tại sao có những vết đau dường như vẫn chưa lành hẳn dù đã qua nửa thế kỷ? Tại sao nhiều người vẫn còn trăn trở về cái quá khứ tưởng chừng phải được xếp lại rồi, phải đạt được sự đồng thuận cao trong nhìn nhận? Phần nào đó là do cách thức chúng ta nhìn vào lịch sử hay chăng?

Lịch sử viết xuống cần một độ lắng về thời gian. Lịch sử được viết nên bởi người chiến thắng, cho người chiến thắng. Từ khi có văn tự, người ta đã đưa ra định đề như thế. Thế thì, chúng ta có thể hay không, đưa ra định nghĩa riêng của chúng ta về “người chiến thắng”: Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng số phận, để được hòa bình và thống nhất vào năm 1975 ấy. Hãy từ bỏ việc mải miết đi phân định kẻ thắng người thua, để rồi tương lai vẫn cứ phải là của những cấu thành chưa thể khớp lại với nhau trong cỗ máy chung.

Cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Fansipan. Ảnh: Tư liệu

Nếu đi đến được cách nhìn nhận như thế, chúng ta có thể giải tỏa được nhiều nút thắt. Bộ môn lịch sử có cơ hội tiếp cận được gần với sự thật nhất, một cách khách quan và nhân văn nhất, các sự kiện, nhân vật sẽ được nhìn nhận một cách đa chiều và công tâm nhất. Chúng ta cần như vậy, vì đó là quá khứ, là dấu ấn của dân tộc, nó cần được phản ánh chân thực, đúng vị trí, đúng vai trò. Mỗi một phong trào, mỗi một ngọn cờ, mỗi một tư tưởng, đều là tâm trí của những người dân đóng góp nên hình hài dân tộc của ngày hôm nay.

Năm mươi năm là một cột mốc đẹp. Nhiều quốc gia đưa số đo thời gian này làm chuẩn bạch hóa tư liệu. Năm mươi năm cũng là một khoảng thời gian đủ dài để bình tâm đánh giá lại nhiều thứ. Và, có đánh giá đúng quá khứ, chúng ta mới có được định hướng chuẩn cho tương lai. Đó cũng là yêu cầu của thời đại.

Bài liên quan

Bài đăng mới