Danh tướng Phạm Tu

Mai Thị Huyền

Tạp chí Xưa&Nay, số 573, tháng 3 năm 2025

Danh tướng Phạm Tu (476-545) hay còn gọi là Long Biên Hầu – Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, là một nhân vật có những đóng góp quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa Lý Bí, thành lập nhà nước Vạn Xuân. Bên cạnh đó, Phạm Tu còn giữ vai trò không nhỏ trong việc ổn định biên giới phía Nam của đất nước. Bài viết này làm rõ quê hương, thân thế, sự nghiệp của Phạm Tu ở thời Tiền Lý và dấu ấn của ông thời kỳ đó cũng như hiện nay trong lòng nhân dân.

1. Vài nét về quê hương, thân thế và sự nghiệp của Phạm Tu (476-545)

Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì là một vùng đất cổ của Hà Nội, có nhiều nét văn hóa truyền thống. Nơi đây vốn được gọi là Quang Liệt, hay Kẻ Quang, đã sớm có nền văn minh lúa nước khá phát triển. Về diên cách của xã Thanh Liệt, có ghi chép cụ thể như sau: “Thời Bắc thuộc, khu vực xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội hiện nay thuộc quận Giao Chỉ (hoặc An Nam Đô hộ phủ). Thời Lý, vùng đất này thuộc châu Thượng Phúc. Thời Trần, vùng này thuộc huyện Long Đàm”⁽¹⁾. Đến thời Lê thuộc huyện Long Đàm, phủ Thường Tín. Sau cải cách hành chính của Minh Mệnh, năm 1832, vùng đất thuộc tỉnh Hà Nội và đến năm 1844, tên gọi Quang Liệt được đổi thành Thanh Liệt (ý nghĩa là trong sáng và oanh liệt). Thời Pháp thuộc, Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Năm 1961, xã Thanh Liệt và huyện Thanh Trì được nhập vào thành phố Hà Nội.

Phạm Tu sinh năm 476, mất năm 545, người ở trang Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), là con của Phạm Thiều và Lý Thị Trạch. Tương truyền do bố mẹ của ông sống nhân đức, hiền lành nên một ngày trời đã cho điềm lạ. Vào đêm đầu xuân tháng Giêng năm Ất Mão (475), bà Lý Thị Trạch nằm mơ thấy thần Tây Hồ thay trời xuống ban cho quý tử. Đến ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (476), bà sinh con trai, lúc đó hương thơm ngào ngạt tỏa khắp nhà, ông bà đã đặt tên con là Phạm Tu.

Từ nhỏ, Phạm Tu là thiếu niên tuấn tú, phương phi, ham mê đọc sách, học giỏi và có tài đàn hát hay. Khi lớn lên, do luyện tập võ nghệ nên Phạm Tu trở thành một đô vật nổi tiếng, dân thường gọi là Đô Tu. Cũng vì cảnh đất nước trong thời Bắc thuộc nên ông chủ yếu ẩn dật để chờ thời cơ thuận lợi cứu nước.

Năm Kỷ Mùi (479), nhà Tống mất ngôi, nhà Tề nối nghiệp trị vì phương Bắc được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề và sai Tiêu Tư sang làm Thứ sử Giao Châu. Dưới sự cai trị của Tiêu Tư, nhân dân ta hết sức khổ cực, lòng người oán giận. Do đó, vào năm 541, Lý Bí đã lãnh đạo người dân Giao Châu nổi dậy đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên, lập nên nhà nước độc lập. Quá trình đấu tranh chống giặc đều gắn với những đóng góp không nhỏ của danh tướng Phạm Tu.

Trong khoảng thời gian từ năm 541 đến năm 543, quân Lâm Ấp ở phía Nam của Giao Châu đã huy động lính cướp phá vùng Nhật Nam (nay là Quảng Bình). Trước tình thế như vậy, Phạm Tu đã đảm nhận nhiệm vụ vào Nam diệt giặc. Năm 543, Phạm Tu đã đánh tan quân Lâm Ấp ở quận Cửu Đức (nay là Hà Tĩnh), vua quan phải chạy về bên kia dãy Hoành Sơn, vì vậy ông đã được vua Lý Nam Đế ban tặng bốn chữ “Cự Bắc, Bình Nam”. Sách Cương mục chép về sự kiện này như sau: “Quân nước Lâm Ấp xâm lấn quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng Phạm Tu đi đánh và phá được ở quận Cửu Đức”⁽²⁾.

Năm Giáp Tý (544), Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, lập nước Vạn Xuân, ban cho Phạm Tu đứng đầu hàng võ quan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ”⁽³⁾. Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Trần Bá Tiên đem quân sang nước ta, Phạm Tu cùng Lý Nam Đế lập phòng tuyến ở sông Tô Lịch để chống lại. Không những thế, Phạm Tu còn củng cố, xây dựng hào lũy ở những nơi hiểm yếu như các cửa sông, cửa lạch, đồng thời huấn luyện binh sĩ. Hệ thống phòng thủ các cửa sông vùng Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình đã giúp ông cùng quân sĩ cầm cự trong 6 tháng.

Sau khi lui quân về giữ thành Long Biên, do chiến đấu không cân sức, Phạm Tu đã hy sinh ở cửa sông Tô Lịch (ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545)). Với những công lao to lớn của ông, vua Lý Nam Đế đã truy sắc phong Phạm Tu làm Long Biên Hầu, đặt thụy là Đô Hồ, phòng làm Bản cảnh Thành hoàng và ban 100 nén bạc lập miếu thờ tại quê hương Thanh Liệt.

Đình Ngoại: Đền thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Địa điểm: Thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2. Dấu ấn của danh tướng Phạm Tu đối với quê hương, đất nước

– Thành hoàng làng Quang

Tại khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung và Thanh Trì nói riêng, tín ngưỡng thờ Thành hoàng là loại hình thờ cúng khá phổ biến. Nó cho thấy sự kính trọng, tôn vinh của người dân đối với các bậc tiền bối có công với làng xã, vừa thể hiện tín ngưỡng sùng bái thần linh, con người, vừa là đạo lý sống của hậu thế. Thờ Thành hoàng là một phần đời sống sinh hoạt vật chất của làng, là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Giữ vai trò là người chỉ huy tối linh của làng về mặt tinh thần, Thành hoàng có công với dân làng như lập làng, truyền nghề, dạy học, đánh giặc,… được phân cấp thành ba loại là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Đô Hồ Đại vương Phạm Tu được vua Lý Nam Đế phong làm Bản cảnh Thành hoàng của làng Quang, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Các đời sau như Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn đều sắc phong Phạm Tu là Thượng đẳng thần. Hiện còn 10 sắc phong từ thời Cảnh Hưng nhà Lê đến thời vua Khải Định nhà Nguyễn được lưu tại đình làng Thanh Liệt. Trong các sắc phong có sắc Thượng đẳng phúc thần, Đô Hồ đại thần, Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Thượng đẳng thần là cấp độ cao nhất trong vị thứ của thần Thành hoàng được phong cho Phạm Tu.

– Địa điểm thờ tự

Hiện có hai nơi thờ tự Phạm Tu là miếu Vực và đình Ngoại, thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đình Ngoại, thờ Phạm Tu, thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Theo tấm bia Trung thôn ký sự thạch bi dựng năm 1872 thì đình có từ lâu đời và đã được tu sửa vào năm 1898. Trên kiến trúc hiện còn ngày nay thì “đình có quy mô kiến trúc vừa phải trên một khu đất cao giữa cánh đồng gồm có nhà Đại bái và Hậu cung. Đại bái 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, 6 bộ vì gỗ làm kiểu vì kèo quá giang. Hậu cung 2 gian nằm phía sau, thông với gian giữa Đại bái, có 3 bộ vì làm kiểu “chồng rường giá chiêng […] Lòng nhà hậu cung xây bệ gạch, trên đặt khám thờ trong có bức tranh cổ vẽ Phạm Tu và tượng các nàng hầu ở hai bên tả hữu”⁽⁴⁾. Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng đình Ngoại là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989, là di tích lịch sử –  văn hóa vào năm 1992 và sau đó đình được trùng tu, tôn tạo vào những năm 2009-2010.

Bức khánh trong đình Ngoại thờ Phạm Tu đã cho biết về việc xây dựng, trùng tu và thờ Ngài. Nội dung viết như sau: “Đình Ngoại xã Thanh Liệt thờ Đức Bản cảnh Thành hoàng Phạm Đô Hồ Đại vương. Canh Ngọ (1690) trên thế đất đầu rồng nhìn xuống đầm Ngọc (hai giếng tròn chính là hai mắt rồng). Năm 1870, xây thêm 3 gian bái đường; năm 1871, xây nhà thọ để thờ các vị tiên thọ. Năm 1923, tiến hành đợt đại trùng tu; năm 1998, tạc tượng gỗ để thờ Ngài. Những năm gần đây, đình luôn được tôn tạo ngày một khang trang”⁽⁵⁾.

Miếu Vực tại thôn Trung, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội là nơi thờ Phạm Tu theo sắc chỉ của vua Lý Nam Đế từ thế kỷ VI. Tuy nhiên, sau khi có đình Ngoại thì nơi này thờ vọng Phạm Tu và cha mẹ của ông, tương truyền cũng rất linh thiêng. Ở trước miếu có đôi câu đối như sau:

Văn tại tư hồ kinh vĩ lưỡng gian thùy bất hủ,
Đức kỳ thịnh hỹ hiểm vi nhất lý hương vu thành.

Dịch nghĩa:

Văn để lâu dài, ngang dọc hai gian truyền bất hủ,
Đức còn thịnh mãi, tỏ mờ một lẽ chân thành⁽⁶⁾.

Ngoài ra, cũng có thuyết cho rằng Phạm Tu là Lý Phục Man, một vị tướng tài trong buổi đầu của khởi nghĩa Lý Bí. Hiện nay, tại thôn Cổ Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, người dân vẫn mở hội kỷ niệm sự kiện Lý Phục Man dẫn dân làng đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư. Tại thôn Hoàng Sơn, xã Thái Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cũng có một nơi thờ Phạm Tu. Đình Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội có thờ Lý Nam Đế và Phạm Tu làm thành hoàng làng.

– Dấu ấn trong tâm thức của người dân Thanh Liệt

Hai lễ hội lớn được tổ chức tại đình Ngoài (đình Ngoại) và đình Thanh Liệt đều có những phần tế và rước kiệu nhằm tưởng nhớ đến danh tướng Phạm Tu. Trong khi lễ hội ở đình Ngoài được tổ chức vào hai ngày 10 tháng 3 Âm lịch (ngày sinh của Phạm Tu) và ngày 20 tháng 7 Âm lịch (ngày hóa) tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Phần lễ, người dân tế, rước kiệu; phần hội là trò chơi dân gian truyền thống.

Một trong những dấu ấn của Phạm Tu đối với dân làng là họ đã lưu truyền khá lâu bài ca (được thể hiện trong lễ hội làng Quang Liệt) khi rước kiệu về đền thờ của ông như sau:

“…Tư văn các chức tay cầm
Tĩnh túc, bát cửu có phần trang nghiêm
Đến chiều trưng tịch quan viên
Gươm vàng, kiếm bạc bút nghiên hai hàng
Bức trướng “Nguyên soái” dát vàng
Uy nghi trước kiệu Thành hoàng Đức Ông…”
⁽⁷⁾.

Khánh trong sân đền thờ

Tấm bia ghi chép về thân thế sự nghiệp Đô Hồ Đại vương Phạm Tu trong đình Ngoại cũng có đề cập đến Phạm Tu và việc ông được phong làm thủy tổ của họ Phạm: “Sau khi tướng Phạm Tu hy sinh, vua Lý Nam Đế sắc phong là Long Biên Hầu, đặt thụy là Đô Hồ Đại vương, phong là Bản cảnh Thành hoàng. Ban cho trang Quang Liệt là thang mộc ấp, tặng 100 lạng bạc lập miếu phụng thờ. Các triều đại sau này đều có sắc phong ca ngợi công đức của Ngài. Đình Ngoại nằm trong quần thể ba danh thắng của xã đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng năm 1992 cùng đình Nội thờ Tiên triết Chu Văn An về chùa Quang Ân. Ngày nay, dòng họ Phạm toàn quốc kính tôn Ngài là Đệ nhất Thượng thủy tổ. Hàng năm, đến ngày Thánh hóa, nhân dân địa phương khắp nơi đều về dâng hương tưởng niệm”⁽⁸⁾.

Trong đền thờ của Đô Hồ Đại vương Phạm Tu cũng có lưu lại những bài thơ ca ngợi công lao của ông. Có bài chữ Hán của Lê Kim Duyệt (Viện Hán Nôm) như sau:

Bản dịch:

Kính dâng Phạm Đô Hồ Đại vương
Chí khí anh hùng nguyện thiết tha
Quyết tâm khởi nghĩa giúp sơn hà
Quên thân hiến mệnh treo trời đất
Lão tướng tình trung dựng nước nhà⁽⁹⁾.

Hiện nay, để ghi nhớ công lao của Phạm Tu, người dân Thanh Liệt còn đặt tên ông cho trường tiểu học của xã. Trường Tiểu học Phạm Tu trên đường Kim Giang, thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì được thành lập theo Quyết định 3025/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2018 của huyện Thanh Trì. Trường có diện tích 2057m2, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã viết tiếp nên truyền thống hiếu học của quê hương, đoàn kết và nỗ lực tiến lên để khẳng định là ngôi trường giáo dục toàn diện.

3. Kết luận

Cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Phạm Tu gắn liền với quá trình đấu tranh thành lập nước Vạn Xuân của Lý Bí. Ngoài ra, Phạm Tu còn có những công lao không nhỏ trong việc bình quân Lâm Ấp, giữ yên bờ cõi phĩa Nam của nước ta. Sở dĩ Lý Bí có thể giành được những thắng lợi to lớn đó là do đã sử dụng những người có tài về văn võ. Một trong những tướng tài năng thời kỳ đó chính là Phạm Tu. Ông đã phò giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược, củng cố thế lực, xây dựng nên nhà nước độc lập.

Những dấu tích còn lại ngày nay như đình thờ, sắc phong, thần phả về danh tướng Phạm Tu cũng như lễ hội dân gian hàng năm tại quê hương đã cho thấy sức sống lâu bền của ông trong tâm thức của người dân Thanh Liệt. Chính vì thế, trải qua bao triều đại, Phạm Tu vẫn được nhân dân kính trọng và tôn vinh là Thượng đẳng thần.

CHÚ THÍCH:

1. Vũ Văn Quân (Chủ biên), Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập 4, Nxb. Hà Nội, 2019, tr. 705.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 168.

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 179.

4. Lưu Minh Trị (Chủ biên), Hà Nội danh thắng và di tích, tập 1, Nxb. Hà Nội, 2011, tr. 836-837.

5. Theo nội dung khắc trên khánh, đình Ngoại, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

6. Đỗ Đức Hùng, Danh tướng Việt Nam, tập I, Nxb. Thanh niên, 2000, tr. 44.

7. Lưu Minh Trị (Chủ biên), Làng cổ Hà Nội, tập 2, Nxb. Hà Nội, 2019, tr. 235.

8. Theo văn bia trong đình Ngoại, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

9. Tư liệu lưu tại đình Ngoại, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

2. Đỗ Đức Hùng, Danh tướng Việt Nam, tập I, Nxb. Thanh niên, 2000.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998.

4. Vũ Văn Quân (Chủ biên), Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập 4, Nxb. Hà Nội, 2019.

5. Tư liệu lưu tại đình Ngoại, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

6. Lưu Minh Trị (Chủ biên), Hà Nội danh thắng và di tích, tập 1, Nxb. Hà Nội, 2011.

7. Lưu Minh Trị (Chủ biên), Làng cổ Hà Nội, tập 2, Nxb. Hà Nội, 2019.

8. Phạm Hồng Vũ, Đô Hồ Đại vương Phạm Tu (476-545): Công thần khai quốc của nhà nước Vạn Xuân (544-602), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2011. 9. Văn bia tại đình Ngoại, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới