Đào Cam Mộc người có công đầu đưa Lý Công Uẩn lên ngôi sáng lập Vương triều Lý

PGS.TS Nguyễn Minh Tường

Tạp chí Xưa&Nay, số 355, tháng 5 năm 2010

Đào Cam Mộc ( ? – 1015), người thôn Tràng Lang, nay là xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một danh nhân của nước ta sống và hoạt động vào thời kỳ cuối nhà Tiền Lê, đầu nhà Lý, tức cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Nếu đọc kỹ các bộ sử cũ như Việt sử lược (thế kỷ XIV), Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Đại Việt sử ký tiền biên (thế kỷ XVIII), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX), chúng ta đều nhận thấy vai trò của Đào Cam Mộc là hết sức quan trọng đối với việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, sáng lập vương triều Lý. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, các nhà nghiên cứu khi bàn tới việc Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đều thừa nhận công lao tôn phò to lớn của Đào Cam Mộc.

Nhà sử học Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược viết: “Khi Lê Long Đĩnh mất (tức năm 1009 – TG), thì Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào Cam Mộc, cùng với sư Vạn Hạnh, mưu tôn Lý Công Uẩn lên làm vua”[1].

Học giả Đào Duy Anh cũng ghi nhận: “Lý Công Uẩn đã khéo thu được cảm tình của tất cả quân lính ở dưới tay mình và được bọn quan liêu văn võ trong triều kính phục. Sau khi Long Đĩnh chết năm 1009… Công Uẩn âm mưu với một người bộ hạ là Đào Cam Mộc để giảng dụ bọn triều quan tôn Công Uẩn làm vua. Mọi người đều theo, Cam Mộc bèn tổ chức lễ đăng cực”[2].

Tượng Lý Công Uẩn ở thủ đô Hà Nội

Sách Từ điển Bách khoa thư Việt Nam dành một mục riêng chép về ông “Đào Cam Mộc (? – 1015), triều thần nhà Tiền Lê, công thần đầu đời Lý. Khi Lê Ngọa Triều mất, ông cùng nhà sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Nhà Lý phong là Nghĩa Tín hầu, gả công chúa An Quốc. Khi chết, được truy tặng chức Thái sư, tước Á vương”[3].

Có điều đáng tiếc là sử sách cũ chép về Đào Cam Mộc quá sơ lược, cho nên ngày nay chúng ta biết không nhiều, không đầy đủ về tiểu sử hành trạng, cũng như đức độ của ông. Để khỏa lấp phần nào sự thiếu hụt của sử sách ấy, vào cuối tháng 4 năm 2010, chúng tôi tổ chức đi điền dã về huyện Yên Định, Thanh Hóa. Chúng tôi đã về thôn Tràng Lang (Định Tiến), quê nội và thôn Nam Thạch (Nam Trịnh), quê ngoại của Đào Cam Mộc, mong sao thu thập thêm những dấu tích về ông. Nhưng đã hơn 10 thế kỷ trôi qua, với biết bao trận thiên tai và binh hỏa, nhà thờ Đào Cam Mộc không còn nữa, chỉ còn lại một số câu chuyện truyền thuyết được lưu giữ trong ký ức của các cụ cao niên tại quê hương ông. Mọi câu chuyện đều khẳng định: Đào Cam Mộc là một người thông minh, có sức khỏe hơn người và đặc biệt có chí lớn, khao khát làm nên sự nghiệp.

Đọc lại những dòng chép trong sử cũ, nhất là bộ sử đầu tiên của nước ta là Việt sử lược, chúng tôi nhận thấy rất rõ trí tuệ và tính quả cảm của Đào Cam Mộc trong những giờ phút khó khăn, cần có những quyết đoán sáng suốt. Dưới đây, chúng tôi xin phân tích về những phẩm chất ấy ở vị danh nhân họ Đào này:

1. Nắm vững thiên thời, bằng mọi giá đưa Lý Công Uẩn lên ngôi

Để hoàn thành tốt đẹp một công việc lớn lao, người xưa cho rằng cần hội đủ ba điều kiện, đó là”Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Cả ba điều kiện trên có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, nhưng “Thiên thời” được đặt lên hàng đầu. Người xưa hiểu chữ “Thiên thời”, có phần giống, nhưng cũng có phần khác so với chúng ta ngày nay. Đối với người xưa “Thiên thời”, vừa có nghĩa là thời cơ, lại vừa có nghĩa là”Ý Trời”. Có nhận thức như vậy, ta mới hiểu được nội dung câu trả lời của Đào Cam Mộc, khi bị Lý Công Uẩn “giả vờ mắng rằng: Ông sao lại dám nói lời như thế, ta phải bắt ông nộp quan làm tội”[4]. Việt sử lược chép: “Cam Mộc thong thả nói rằng: “Thần thấy Thiên thời (TG – nhấn mạnh) nhân sự như vậy, nên mới dám tâu lên, nay toan bắt nộp quan làm tội thì thần đành chịu chết”[5]. Chúng tôi cho rằng phải là người có trí tuệ sáng suốt, và hiểu biết sâu sắc mới tự tin khẳng định rằng đã thấy rõ Thiên thời, nhân sự như câu nói trên đây ở Đào Cam Mộc. Thiết tưởng nếu không thiệp liệp sử sách cổ của Trung Quốc, Đào Cam Mộc không thể có khả năng phân tích và phán đoán để giúp Lý Công Uẩn có những quyết định dứt khoát như thế.

Sách Việt sử lược là bộ sử đầu tiên của nước ta, chép nguyên văn lời “nói khích” của Đào Cam Mộc với Lý Công Uẩn như sau: “Năm thứ 2 hiệu Cảnh Thụy (1009), Ngọa Triều mất, tự chúa (tức ông vua nối ngôi – TG) còn nhỏ tuổi. Vua (chỉ Lý Công Uẩn – TG) lúc ấy 36 tuổi, đem 500 quân Tùy Long vào làm túc vệ. Lúc bấy giờ ở trong nội có chức Chi hậu Đào Cam Mộc đoán biết vua có ý lên ngôi, bèn dùng lời lẽ xa xôi nói khích vua rằng: “Chúa thượng (chỉ Lê Ngọa Triều – TG) tối tăm ngoan ngạnh, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán đức ấy, nên không được sống lâu… Thân vệ (chỉ Lý Công Uẩn – TG) sao chẳng nhân lúc này, theo dấu Thang, Võ ngày xưa, noi gương Dương, Lê mới rồi, trên thuận lòng trời (TG nhấn mạnh), dưới thỏa dân mong, mà còn cứ khư khư giữ cái tiểu tiết hay sao?”[6]. Tôi cho rằng cái điều cốt lõi của Thiên thời và Nhân sự mà Đào Cam Mộc dẫn ra để Lý Công Uẩn tham khảo và thực hiện, ấy là việc:”Thang, Võ xưa kia và Dương, Lê mới qua”. Nguyên văn bản chữ Hán sách Việt sử lược lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHV 1521 chép:

“辰 在 内 祗 侯 陶 甘 沐 揣 知

王 有 欲 受 禅 之 意 遂 以 間

傲 激 之 曰 主 冥 上 頑 多 行

不 義 天 厭 其 德 弗 克 壽 終…

親 衞 盍 因 此 辰 遠 追 湯 武

之 迹 近 鉴 楊 黎 所 行 上 順

天 心 下 從 人 望 而 猶 守 區

區 之 小 節 耶?”

(Phiên âm: “Thời, tại nội, Chi hậu Đào Cam Mộc sủy tri vương hữu dục thụ thiện chi ý, toại dĩ gián ngạo khích chi, viết: “Chúa minh thượng ngoan, đa hành bất nghĩa, thiên yếm kỳ đức, phất khắc thọ chung… Thân vệ hạp nhân thử thời, viễn truy Thang, Võ chi tích, cận giám Dương, Lê sở hành, thượng thuận thiên tâm, hạ tòng nhân vọng, nhi do thủ khu khu chi tiểu tiết da?”.

Xưa kia, đã là người theo đòi nghề bút nghiên, không ai là không hiểu rõ “Thang, Võ chi tích” (dấu cũ Thang, Võ): Thang là vua Thành Thang, người diệt vua Kiệt nhà Hạ, dựng nên nhà Thương (1766-1122 tr. Cn); Võ là vua Chu Võ Vương, người diệt vua Trụ nhà Thương, dựng nên nhà Chu (1122- 255 tr. Cn). Đấy là điều mà Đào Cam Mộc cho rằng cần phải “viễn truy” (kể về xa xưa mà xem xét), còn cái điều “cận giám”, thì là “Dương, Lê sở hành” (Noi gương Dương, Lê mới rồi). Có lẽ, sử gia Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV khi biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư chép đến câu nói trên của Đào Cam Mộc, cho rằng người xưa nhầm từ Đinh, Lê (nhà Đinh, nhà Tiền Lê) ra thành Dương, Lê, nên tự sửa thành: 遠 觀 湯 武 之 迹 近 覧 丁 黎 所 行”

(Phiên âm: viễn quan Thang, Võ chi tích, cận lãm Đinh, Lê sở hành) (Bản kỷ toàn thư – Q.1, tờ 32b). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của sử thần triều Tự Đức, thế kỷ XIX cũng chép như Toàn thư: “Trông gương Thang, Vũ ngày xưa, theo lối Đinh, Lê gần đó…”[7].

Thực ra, việc sửa câu nói của Đào Cam Mộc: “Dương, Lê sở hành”, thành “Đinh, Lê sở hành”, là điều lẽ ra không đáng có đối với các sử gia dưới thời quân chủ! Tôi nói thế bởi các lẽ dưới đây:

Theo phép đăng đối của câu văn biện luận trong Hán học, đoạn trên: “Thang, Võ chi tích”, thì để đối lại, dùng “Dương, Lê sở hành”, hoặc “Đinh, Lê sở hành” đều được cả. Nhưng ở đây cần chú ý cả 3 vị Thành Thang, Chu Võ Vương của Trung Quốc, và Lê Đại Hành của Việt Nam đều là những nhân vật nhân vị vua cuối cùng của triều đại trước “ngu tối bạo ngược”, “làm nhiều điều bất nghĩa”, “trời chán ghét”, mà làm cuộc “cách mạng”, giành lấy ngôi báu giống với tình thế của Lý Công Uẩn lúc bấy giờ. Còn Đinh Bộ Lĩnh (tức Đinh Tiên Hoàng) không thuộc hàng những vị vua kể trên. Đinh Tiên Hoàng thuộc hàng những vị vua nổi lên dẹp yên đám quần hùng, thu giang sơn về một mối như Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) của Trung Quốc chẳng hạn… Như vậy, thì đâu có thể trở thành “bài học kinh nghiệm” để cho Thân vệ Lý Công Uẩn xem xét mà bắt chước?

Qua đó, cho chúng ta thấy câu “Dương, Lê sở hành” của Việt sử lược mới thực là lời được Đào Cam Mộc nói ra. Vậy họ Dương để chỉ ai? Chúng tôi thiết nghĩ, đó chính là Dương Đình Nghệ, một anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi Thử sử Giao Châu Lý Tiến của triều đình Nam Hán. Năm 930, quân Nam Hán tiến vào nước ta, Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi, bị bắt sống đem về Quảng Châu. Vua Nam Hán là Lưu Yểm bèn cử Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu. Bấy giờ, Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc, người Ái Châu, đã nuôi 3000 “con nuôi” trong nhà chuẩn bị lấy lại Giao Châu. Lý Tiến cũng biết Dương Đình Nghệ đã nuôi 3000 “con nuôi”, mưu lấy lại Giao Châu, nhưng vì bất lực, và do bản chất tham lam, Lý Tiền nhiều lần nhận của cải do Dương Đình Nghệ hối lộ. Cuối cùng, Dương Đình Nghệ tiến đánh Giao Châu, giặc Nam Hán bị tan vỡ, Lý Tiến phải trốn chạy về nước. Bài học của Dương Đình Nghệ để lại cho hậu thế là cần khôn khéo, mau chóng giành chính quyền khi thời cơ đã chín muồi. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng “thiên mệnh” (mệnh trời), “thiên chi” (ý chí của trời), người xưa luôn tin tưởng rằng: Hành vi của con người nếu đúng với ý trời là phải, không đúng với ý trời là trái, làm thuận ý trời thì được thưởng, làm trái ý trời thì bị phạt. Mặc Tử trong thiên Thiên chí từng viết: “Xưa các đấng thánh vương đời Tam đại: Vua Vũ [nhà Hạ], vua Thang [nhà Thương], vua Võ [nhà Chu] là những người làm thuận ý trời mà được thưởng; xưa các bạo vương đời Tam đại: vua Kiệt, vua Trụ, vua U, vua Lệ là những kẻ trái ý trời mà bị phạt”.

2. Đào Cam Mộc bằng sự quả cảm của mình, có khả năng quyết đoán trong tình thế khó khăn

Ở vào trường hợp cuối Lê, đầu Lý nếu chỉ có trí tuệ sáng suốt không thôi là chưa đủ, Đào Cam Mộc còn phải có thêm lòng dũng cảm, dám đương đầu với hiểm nguy, mà người xưa gọi là cái “Dũng” của kẻ trượng phu.Tình thế triều Tiền Lê vào giai đoạn cuối thời Lê Ngọa Triều cầm quyền là hết sức nguy kịch: “Mọi việc phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nhao nhau, mong tìm chân chúa” (Toàn thư). Ngày nay, đọc lại những dòng sử cũ ghi chép về các cuộc đối thoại, cuộc trao đổi giữa Thiền sư Vạn Hạnh với Lý Công Uẩn, giữa Lý Công Uẩn với Đào Cam Mộc, ta thấy rõ sự hiểm nguy trong việc chọn vị “chân chúa” ấy.

Là một nhà chính trị có đủ kinh nghiệm, lại được giới tăng lữ đứng đầu là sư Vạn Hạnh ủng hộ, Lý Công Uẩn mặc dù rất muốn giành ngôi báu từ tay họ Lê, song vẫn phải hết sức cẩn trọng và giấu kín ước vọng của mình, bởi vì nếu “tiết lộ ra thì chết ráo!” (Toàn thư).

Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều danh nhân gặp các trường hợp tương tự như hoàn cảnh của Lý Công Uẩn. Họ rất muốn bước lên ngôi báu, nhưng cần có một nhân vật đủ dũng cảm, nhất là đủ uy tín để hô hào bá quan phò tá mình hoàn thành công việc đại sự ấy. Vào cuối đời Hậu Chu (951-959) ở Trung Quốc, vua Cung đế trẻ tuổi lên ngôi, tất cả binh quyền được giao cho Điện tiền Đô kiểm điểm Triệu Khuông Dận. Năm 960, Triệu Khuông Dận được lệnh chỉ huy đại quân tiến lên phía Bắc chống lại liên quân Bắc Hán và nước Liêu xâm lược Hậu Chu; tới trạm dịch Trần Kiều, các tướng lĩnh làm binh biến quyết định đưa Khuông Dận lên làm thiên tử. Triệu Khuông Dận dám bước lên ngôi báu, bởi bên mình có vị mưu sĩ nổi tiếng Triệu Phổ. Sau khi lên ngôi, sáng lập vương triều Tống, Triệu Khuông Dận (tức Tống Thái Tổ) rất biết ơn Triệu Phổ. Ở Việt Nam, vào mùa thu năm Canh Thìn (980), khi nghe tin quân Tống sắp sang xâm lược, vua nhà Đinh còn bé (Đinh Toàn 6 tuổi), người có công phò tá Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi báu, chính là Đại tướng quân Phạm Cự Lạng.

Nhưng xét một cách kỹ lưỡng thì vị Thân vệ Lý Công Uẩn chuẩn bị thay thế ngôi vua của nhà Tiền Lê ở vào tình thế nguy hiểm hơn nhiều so với 2 trường hợp nói trên. Qua đó, ta càng thấy rõ bản lĩnh chính trị, lòng can đảm và độ quyết đoán hết sức sáng suốt của Chi hậu Đào Cam Mộc.

Đào Cam Mộc là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi báu, thay thế vương triều Tiền Lê đã quá suy thoái, hủ bại. Công lao và sự nghiệp của ông đã được chính Lý Thái Tổ khẳng định, ngay khi bước lên ngôi báu. Cuối năm 1009, Lý Thái Tổ nhớ ơn Đào Cam Mộc, đã gả con gái trưởng là Công chúa An Quốc cho ông, và phong ông là Nghĩa Tín hầu. Khi Đào Cam Mộc qua đời, nhà vua lại truy tặng ông chức Thái sư, tước Á vương, đấy là sự ưu ái vượt bậc. Thiết nghĩ, tại Cổ Loa, đất phong của Đào Cam Mộc, nên xây dựng một ngôi đền thờ để cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau có nơi hương khói, thể hiện sự biết ơn đối với bậc tiền nhân đáng kính.


[1] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa – Thông tin, H. 1999, tr.101.

[2] Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa – Thông tin, H. 2002, tr.181.

[3] Từ điển Bách khoa thư Việt Nam, tập 1, H. 1995, tr.734.

[4] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb Văn Sử Địa, H.1960, tr. 67.

[5] Việt sử lược, Sđd, tr. 67.

[6] Việt sử lược, Sđd, tr. 67.

[7] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H. 1998, tập 1, tr. 281.

Bài liên quan

Bài đăng mới