Dù đã có tới 5 người vợ, Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối của Trung Hoa, khi nhắm mắt cũng không có một mụn con. Vậy thì lúc còn trên ngôi báu, ai là người được Phổ Nghi chọn để kế vị. Một nhà báo người Anh đã tìm kiếm câu trả lời trên.
Ai cũng biết rằng Phổ Nghi, ông vua có nguồn gốc Mãn Châu của Trung Hoa qua đời năm 1967 mà không có con nối dõi, mặc dầu ông đã cưới tới 5 người vợ. Nhưng dù không có con, ông vẫn phải có một người kế vị được chỉ định khi ông còn sống. Vậy người đó là ai? Đấy là đề tài mà nhà báo Anh Tony Scotland ở Hồng Kông đã bỏ công tìm kiếm nhằm truy tìm lại số phận của những người trong dòng họ quý tộc đã từng dựng lên triều đại chuyên chế vào loại lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Trước khi đến Trung Hoa thăm dò, nhà báo đã lập một danh sách những ông hoàng bà chúa có khả năng kế vị vua Phổ Nghi:
- Nhân vật số một: Đó là người trưởng tộc, người anh cả còn sống sót của vị hoàng đế cuối cùng, Bắc tề Phổ Kiệt, hoàng tử Thuận, mặc dầu ông này bị thất sủng.
- Nhân vật số hai: Một người cháu là con của Bắc tề Phổ Nhân, em của vị hoàng đế cuối cùng (người em thứ ba đã chết năm 1918 lúc lên ba).
- Nhân vật số 3 đến số 6: Lần lượt tính theo tuổi, là chắt của vua Đạo Quang (1821-1850), đều nằm trong danh sách những người có khả năng kế vị ngai vàng năm 1908, khi vua Quang Tự (1871-1908) băng hà. Có khả năng một trong bốn người đó còn sống là Bắc tề Phổ Luân, Bắc tề Phổ Thanh, Bắc tề Phổ Thuận và Bắc tề Phổ Vệ. Tất cả đều là anh em họ cùng thế hệ với Phổ Nghi, tuy không thể kế vị ngai vàng nhưng con cháu họ có thể được chỉ định.
- Nhân vật thứ bảy: Còn một nhân vật đáng lưu ý nhất là một người thuộc hoàng tộc, nhưng chỉ được biết dưới cái tên Tiểu Huệ.
Trong hồi ký của vua Phổ Nghi thường nhắc đến người này trong số ba người “cháu” thường xuyên có mặt bên cạnh nhà vua, thời ở Mãn Châu Quốc những năm 30 và 40, trong trại tù binh của Liên Xô ở Xibêri những năm 40 và trong nhà tù tội phạm chiến tranh của Trung Quốc những năm 50. Tập hồi ký Từ hoàng đế đến người công dân ghi lại rằng:
“Anh ta thuộc dòng dõi một gia đình hoàng tộc suy tàn mà tôi đã gọi về Trường Xuân khi anh ta 19 tuổi, để theo học cùng với con cái hoàng gia bị sa sút. Anh ta tỏ ra trung thành với tôi suốt 5 năm bị cầm tù ở Liên Xô… Ít lâu sau khi trở về Trung Quốc, tôi chỉ định anh làm người “kế vị” nếu tôi qua đời và anh ta tỏ ra vui sướng không biết nhường nào…”.
Tài liệu rất thú vị, nhưng trong sách không nói rõ Tiểu Huệ là ai. Nếu Tiểu Huệ còn sống thì rõ ràng ông ta là người kế vị hợp pháp duy nhất của triều đình Mãn Thanh.
Nhờ môi giới của nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, Tony Scotland đã được tiếp xúc với Giáo sư Vương Thanh Tường ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tỉnh Cát Lâm ở Trường Xuân. Qua Giáo sư Vương, nhà báo biết được gốc gác của Tiểu Huệ. Đó là Hầu tước Ngọc Nhan, con của Bắc tề Phổ Thanh. Như vậy ông này có hai lý do để trở thành người kế vị: Một mặt đó là người được hoàng đế chỉ định, mặt khác ông là người hậu duệ lớn tuổi nhất của hoàng đế Đạo Quang. Theo Giáo sư Vương thì vào cuối những năm 40, trong thời gian bị lưu đày ở Liên Xô, vua Phổ Nghi đã ký một đạo dụ tuyên bố thừa nhận Hầu tước Ngọc Nhan làm con và là người kế vị. Ngoài ra còn ban cho vị Hầu tước này đặc ân là khi gặp vua không phải xưng hô bằng “hoàng thượng” hay “bệ hạ” mà được gọi thân mật là “bác”.
Trải qua nhiều môi giới, cuối cùng, nhà báo Anh cũng lần tìm được nơi ở của ông Ngọc Nhan. Đó là một ông già 72 tuổi, vóc người nhỏ nhắn nhưng quắc thước, răng còn đủ, tóc còn đen, sống với vợ và người con út trong ngôi nhà tồi tàn ở khu Mãn Châu của thành phố Bắc Kinh. Hiện ông sống bằng nghề thư họa. Trong cuộc gặp gỡ được bố trí ở khách sạn Tiền Môn, hai người đã có cuộc trao đổi như sau:
+ Ông là Tiểu Huệ?
– Vâng.
+Ông đã làm gì sau khi ra khỏi nhà tù năm 1957?
-Lúc đầu tôi dạy tiếng Trung Hoa ở một trường văn hóa dành cho công nhân Bắc Kinh. Nhưng sau cuộc đại nhảy vọt năm 1958, tôi được đưa về làm công việc giặt là ở một xí nghiệp thêu tại Bắc Kinh.
Năm 1959, tôi bị đưa đi lao động cải tạo ở ngoại ô Bắc Kinh. Hồi đó, mỗi tháng, tôi được trở về nhà nhiều lần để thăm gia đình và thăm Phổ Nghi, khi đó vừa được mãn hạn tù.
+Năm 1966, khi nổ ra cuộc cách mạng văn hóa, số phận ông ra sao?
-Tôi lại bị bắt giữ và đưa đi Thiểm Tây để lao động cải tạo.
+Thời đó ông có bị xa gia đình không?
-Hai người con trai lớn của tôi đã thoát ly gia đình. Vợ và con trai thứ ba được ở lại ngoại ô Bắc Kinh để cho cháu có thể đi học.
+Sau cách mạng văn hóa năm 1979 thì như thế nào?
-Tôi được trở về Bắc Kinh làm nghề quét rác.
+Cuộc sống của ông có khó khăn không?
-Có, đời sống rất cực nhọc. Nhưng những cải cách chính trị gần đây đã khiến cho cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi được nhận lương hưu và giờ đây tôi dành nhiều thời gian cho việc thư họa. Từ năm 1987, tôi được cử làm cố vấn cho chính phủ trong việc tu tạo dinh thự hoàng thân Công ở Bắc Kinh.
+Trong hồi ký của mình, ông Phổ Nghi có viết khi hai người bị người Nga giam cầm ở Xibêria, ông ta có nhận ông làm con và là người kế vị. Có đúng vậy không?-Đúng. Việc đó xảy ra mùa hè năm 1950, ngay trước khi chúng tôi được trao trả về Trung Quốc.