Gần đây rất nhiều người sử dụng bức “ảnh” của Nguyễn Trung Trực trong công trình biên khảo và sáng tác của mình mà không chút do dự.

Hàng năm, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang đón tiếp không biết cơ man nào là lượt người đến hành hương lễ bái trước bức “ảnh” của cụ Nguyễn. Nhưng đấy có đúng là chân dung di ảnh của người anh hùng đất Kiên Giang hay không?
Nếu chúng tôi không lầm, trước năm 1949-1950 không có một quyển sách nào có đăng tấm ảnh này của Nguyễn Trung Trực cả.
Tấm ảnh được mọi người biết đến hôm nay thực sự mới xuất hiện khoảng năm 1951-1952. Tấm ảnh do một tờ báo ở Sài Gòn in dưới dạng tờ phụ bản tặng cho bạn đọc. Tờ báo nọ tìm đâu ra tấm hình, để in thành phụ bản? (Cũng xin quý vị tha lỗi vì chúng tôi không thể tìm lại được tờ báo liên hệ). Tôi viết “tờ báo nọ” vì không thể nhớ đúng cái tên tờ báo ấy. Vào giai đoạn 1950-1951, các báo ở Sài Gòn bị chính quyền tay sai của Pháp đóng cửa liên tục. Nhưng những nhà báo yêu nước không chịu bó tay, hễ báo này bị đóng cửa thì xin ra báo khác. Trong một năm, một nhóm biên tập có thể thay đổi tên báo của mình hai, ba lần. Chẳng hạn, nhóm Trần Tấn Quốc, Anna Lê Trung Cang (vợ của Lê Trung Cang), Nam Quốc Cang ra các báo Dân Quyền, Tin Điển, Tiếng Dội, Điện Tín,… chỉ trong vòng có một năm. Chính nhóm này tung ra bức ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nhưng do đâu có bức ảnh đó ra đời, dưới dạng một tờ phụ bản, đó mới là việc cần biết, cần nhắc nhở tới.
Có phải tờ phụ bản in hình Nguyễn Trung Trực được tung ra vì động cơ thương mãi? (Một sự cạnh tranh nghề nghiệp giống như bây giờ các báo in phụ bản ảnh các cầu thủ, các ngôi sao ca nhạc, cải lương).
Xin trả lời ngay, tờ phụ bản có hình các nhân vật lịch sử không phải đơn thuần mang tính cạnh tranh thương mãi. Lai lịch sự xuất hiện các tờ phụ bản trên báo chí Sài Gòn thời 1951-1952, gắn liền với tinh thần đấu tranh chính trị trên báo chí.
Cuối năm 1949, báo Thời Cuộc của nhóm Đinh Xuân Tiến, Nam Quốc Cang tạo sự chấn động, bứt phá trong làng báo bằng cách ra 4 trang khổ lớn, chỉ bán một đồng. Đầu năm 1950 xảy ra cuộc đấu tranh của học sinh và trò Trần Văn Ơn bị Pháp và tay sai bắn chết. Hình ảnh đám tang trò Ơn được hai tờ Thời Cuộc và Ánh Sáng đăng dài suốt 10 cột báo trên trang đầu. Sau đó hình Trần Văn Ơn được in to trên bìa một của tuần san Thế Giới, do Dương Tử Giang chủ trương. Ký giả Lư Khê, chủ báo Ánh Sáng mua bức tranh vẽ một cô thôn nữ miền Nam mặc áo bà ba của hoạ sĩ Lê Trung, gửi in ở Pháp, để làm phụ bản cho tờ Ánh Sáng Xuân Tân Mão (1951). Từ tháng 3 năm 1950 dậy lên phong trào của các báo chống đối “lá bài Bảo Đại”, nên ngày 7-5-1950, ký giả Nam Quốc Cang (báo Thời Cuộc) bị ám sát ở đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi), ký giả Huỳnh Hoài Lạc (của báo Thanh Niên) bị ám sát sau đó ba ngày. Ký giả Lư Khê (Trương Văn Em), chủ báo Ánh Sáng, bị ám sát ngày 3-7-1950 ở tại nhà riêng. Cái chết của ba nhà báo có uy tín trong quần chúng làm cho khí thế đấu tranh hừng hực của các báo đương thời phải chững lại. Chép lại lịch sử thời đó, ông Tâm Nguyên mô tả như sau: “Từ giữa năm 1950 đến giữa 1951 khủng bố của địch thêm ác liệt. Phong trào báo chí cũng như phong trào nhân dân thành phố tạm lắng xuống. Anh chị em ký giả yêu nước, cách mạng. chuyển sang một cách đấu tranh mới, gọi là gián tiếp, nghĩa là phải dùng dã sử, lịch sử ta ngày xưa, dùng văn học nghệ thuật đưa đấu tranh chính trị trở lại sách báo, trở vào học đường…” (Trích Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Nxb. TP. HCM, 1988, tr. 397).
Làm cuộc vận động đấu tranh mới, báo Sài Gòn Mới của Nguyễn Đức Nhuận cho in phụ bản tờ rời, hình “Trưng Nữ Vương”, hình “Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng” của họa sĩ Lê Trung, nhóm Tin Điển, Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc, Anna Lê Trung Cang cho in tranh Tú Duyên vẽ Trần Bình Trọng với câu “Thà làm quỷ nước Nam không thà làm vương đất Bắc”, hình Nguyễn Trãi – Nguyễn Phi Khanh với câu nói “Thương cha con hãy lo cho nước”,… Trong dịp đó, các phụ bản có ảnh Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Trương Định, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) ra đời. Các bức ảnh này in không lâu thì độc giả gửi thư về tòa soạn nêu thắc mắc về gốc tích các bức ảnh. Tôi không thể nào quên được câu trả lời của tòa soạn báo ấy như sau: “Các vị anh hùng đó là những gương sáng, đáng được toàn dân ghi nhớ thành tích chiến đấu dũng cảm hy sinh chống ngoại xâm. Vì thế nhà báo đã nhờ họa sĩ vẽ hình lại. Về nguồn gốc cái hình Nguyễn Trung Trực, thì họa sĩ giải thích rằng ông đã mô phỏng dựa theo những vị anh hùng khác mà vẽ lại; Mũi, tai, miệng của Phan Đình Phùng; Đôi mắt của Thủ khoa Huân; Râu mép của Đề Tham; Cái gương mặt nhìn chung là dáng mặt của nông dân miền Nam…” (ghi lại qua trí nhớ, có thể sai lệch đôi chút).
Chúng tôi rất tiếc bấy giờ tờ báo có tư liệu trên đây đã thất lạc, không sao tìm lại . Nếu độc giả nào còn giữ, xin vui lòng mách bảo cho chúng tôi xin cảm tạ.
Giờ đây ta có thể đọc lại một đoạn trích trong tập san Sử Địa số 12, năm 1968. Đoạn sau đây in phía dưới tấm ảnh ở trang 10: “Ảnh Nguyễn Trung Trực trong đền thờ ở Rạch Giá. Nhưng đây là một sự lầm lộn. Hồi bị xử chém năm 1868, Trực có 30 tuổi đầu, ảnh người trên đây ngoài 45. Chưa biết dư luận sẽ xử trí cách nào cho ổn thỏa với cảnh “râu ông cắm cằm bà?”.
Năm chữ trong ngoặc ngầm cho thấy cái ý: Phù Lang Trương Bá Phát nhắc ta nhớ sự chắp vá trong bức hình, như điều chúng tôi vừa kể trên.
Đọc trang 122, chúng ta lại được Vương Hồng Sển, nguyên là Giám đốc Viện Bảo tàng Sài Gòn, xác nhận rằng: “Vô phúc hơn nữa, là khi nhắc đến sự tích một người chết, chết cho nước, chưa quá một trăm năm, thì sự tích đã lu mờ. Muốn tưởng niệm đến diện mạo cũng không đâu còn ghi vẽ lại. Nhân vật đáng có hình để lưu hậu thế, thì vẫn không: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực,… Quả thật hình kỷ niệm cổ nhân của nước nhà không dễ gì tìm”.
Riêng chúng tôi không thể nào quên buổi thảo luận về phương pháp dạy môn lịch sử cận đại ở trường trung học Hà Tiên năm 1958-1959, khi chúng tôi còn đi dạy. Năm ấy, Hiệu trưởng của trường là Hồ Văn Chiếu, người Rạch Giá. Bài dạy được nêu lên hôm đó liên hệ đến giai đoạn kháng Pháp của Trương Định và Nguyễn Trung Trực và việc bàn thảo là hiệu quả trong phương pháp sử dụng tranh ảnh, hình nhân vật lịch sử. Câu hỏi được đặt ra: “Có nên sử dụng ảnh Nguyễn Trung Trực để treo tường hay thuyết minh cho bài sử ký liên hệ đến trận đánh đồn Kiên Giang?”. Khi đó câu trả lời khẳng định là: “Không nên, vì đó là hình giả, không phải Nguyễn Trung Trực thật”. Có ý kiến nói thêm: “Trong giới phụ huynh có nhiều người lớn tuổi, biết rộng, đọc nhiều, sẽ chê cười trường Trung học Hà Tiên truyền đạt kiến thức sai”.
Bẵng đi một thời gian, sau khi rời trường đó, năm 1968, chúng tôi thấy các quyển sử của Phạm Văn Sơn (Việt sử tân biên và Việt Nam Quân sử) có in tấm hình Nguyễn Trung Trực. Chẳng bao lâu sau đó, thì nhiều người lên tiếng cho rằng Phạm Văn Sơn sử dụng tranh, tư liệu thiếu khảo chứng. Người có tiếng nói nhẹ nhàng nhất là Vương Hồng Sển, như ta vừa biết ở trên…
Vừa qua, quyển Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội, 1991) của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, cũng có tấm ảnh Nguyễn Trung Trực. Lần này các tác giả tỏ ra không có nghi ngờ gì cả! Trong sách này, có rất nhiều hình mới họa, mà vẫn được coi như hình thật.
Chúng tôi có nên kể thêm, quyển Anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực của Nguyễn Văn Khoa (Nxb. TP. HCM, 1988) hay cuốn Nguyễn Trung Trực diễn ca của Vĩnh Xuyên (Lê Quang Khai) do Hội Văn nghệ Kiên Giang xuất bản năm 1990?
Đến đây xin được tách ra hai lĩnh vực:
1. Những người làm công tác khảo cứu, biên tập sử liệu, hoặc sáng tác văn học liên quan đến sử.
2. Những người chiêm ngưỡng, lễ bái, sùng phụng, tôn thờ.
+ Ở nhóm thứ nhất, xin hỏi: Phải chăng một hình ảnh giả đã được thừa nhận một cách công khai? Những người nhân danh khảo cứu lịch sử, bằng tinh thần khoa học, yêu sự thật, yêu chân lý lịch sử khách quan, đã phải chào thua sao? Không lẽ tự nhận thân phận mảnh vỏ sò, mốc thếch màu vôi dưới lớp cát, phủ lấp bởi các đợt sóng hư đối? Trước sự thật, xin đừng làm con hến tiêu cực.
+ Thế nhưng, trong các giới thờ phụng tín ngưỡng, đứng về mặt thuần tuý của tinh thần tôn giáo, “nhất pháp như vạn pháp”, thì lòng tin của con người là bí nhiệm, đáng tôn trọng.Trong việc tôn thờ lễ bái xưa nay, đâu nhất thiết cần một nghi tượng đúng với con người bằng xương bằng thịt, bằng hình ảnh chân thật?
Hãy xem các đình chùa miếu mạo của các tôn giáo và tín ngưỡng lớn như Phật, Thiên Chúa, Khổng, Lão, ở đâu có được hình ảnh đúng người thật? Tất cả hình ảnh đã được trừu tượng hoá, mô phỏng, do các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tác. Nhiều nơi không có hình, chí ít là một dấu hiệu: Hình chữ vạn, hình cây thánh giá, hình khối đá (Linga), hình chữ thần. Chính đó là biểu tượng của sự thành kính và nơi đó lòng tôn thờ vươn tới… Thế thì, đối với tấm ảnh mà mọi người đã bày tỏ sự sùng kính yêu mến ở đền thờ Nguyễn Trung Trực, trong đó có tiềm ẩn khí tiết của Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Huân, Hoàng Hoa Thám hay của tất cả những con người nông dân miền Nam anh hùng! Chỉ duy những dấu ấn đó, đủ để nhân dân Việt Nam thành kính chiêm ngưỡng phụng thờ rồi!
Chỉ tiếc một điều, ta không còn có được một hình ảnh thật của Nguyễn Trung Trực mà thôi.
Trình bày như trên, có thể chúng tôi là con người “ba phải”?
Xin thưa: Mong thấy phía sau của mặt trăng là điều ước muốn của nhà khoa học; nhưng cho đến khi mặt trăng hiện rõ mặt sau, thì trước mắt, nó không giảm mất vẽ quyến rũ đối với thi nhân…
Chúng tôi mong sao, bằng một vài ghi nhận thô thiển này, tạo chất men xúc tác gây sự chú ý của các nhà sử học, để tiếp tục tìm tòi hơn nữa. Biết đâu trong kho tàng tư liệu chưa khai thác hết còn có chút ánh sáng mới nào không? Chân trời sử liệu còn bao la, không lẽ không tìm tới nơi tới chốn.