Đôi nét về tập thơ “Liên Khê di tập” của Lê Ôn Phủ

Nguyễn Đông Triều - Văn Thành Long

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

Liên Khê di tập 蓮溪遺集 là bộ sách sưu tập những bài thơ, vịnh, ký của Lê Ôn Phủ 黎温甫, người Thanh Hóa, do học trò ông sưu tập. Tập thơ có giá trị về nhiều mặt, từ những giá trị về nội dung, tư tưởng, đến giá trị về nghệ thuật, tất cả đều rất độc đáo. Tác giả mượn những vần thơ để nói lên tư tưởng, suy nghĩ, cũng như những nỗi trầm tư, đau đáu vì thời cuộc. Từ đó, chúng ta hiểu hơn một nhân cách trí thức cao quý, một nhà Nho hay chữ, một người thầy mẫu mực cách đây gần hai thế kỷ của mảnh đất Thanh Hóa xưa.

1. Sơ lược hành trạng Lê Ôn Phủ

Lê Ôn Phủ (1771-1846) còn gọi là Lê Bật Trực 黎弼直⁽¹⁾, hiệu Liên Khê 蓮溪⁽²⁾, người thôn Thụy Liên (thường gọi là làng Sen), xã Đại Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là nhà Nho hay chữ, giỏi thơ văn và có tài xuất khẩu thành thơ khiến nhiều người nể phục, ngoài ra, ông còn nổi tiếng với nghề dạy học và rất có danh vọng ở tỉnh Thanh Hóa. Bài tựa Liên Khê di tập có dòng ca ngợi ông như sau: 先生之文,開口成誦,出於自然,未嘗刻意,其詠詩者最多。但吟了却休,不復編記,弟侄及門,雖有草焉,亦不能尽也。Tiên sinh chi văn, khai khẩu thành tụng, xuất ư tự nhiên, vị thường khắc ý, kì vịnh thi giả tối đa. Đãn ngâm liễu khước hưu, bất phục biên kí, đệ điệt cập môn, tuy hữu thảo yên, diệc bất năng tận dã (Tài văn chương của tiên sinh, xuất khẩu thành thơ, nói ra tự nhiên, chưa từng dụng ý, trong đó thơ ngâm vịnh là nhiều nhất. Nhưng ngâm xong rồi thôi, không ghi chép lại, em cháu đến nhà, tuy có thu thập thành bản thảo, nhưng không thể chép hết được).

Từ nhỏ, Lê Ôn Phủ được biết đến là một người thông minh mẫn tuệ, người dân địa phương thường gọi ông là “thần đồng”. Nhiều lần lều chõng đi thi nhưng có lẽ do tính cách phóng khoáng nên ông chỉ đỗ đến Tú tài. Sau đó, do tình hình xã hội có nhiều biến động nên ông không tiếp tục con đường khoa cử, quan trường, mà tìm hướng đi riêng cho mình: Chuyên tâm dạy học và làm ruộng, lúc rảnh thì kết bạn với các Nho sĩ đương thời để thỏa chí ngao du, làm thơ ngâm vịnh.

Ông là người thầy mẫu mực bởi lối dạy học của ông rất riêng, không gò bó vào sách vở mà khuyến khích khả năng tự sáng tạo của học trò. Ngoài dạy chữ nghĩa thì ông còn dạy cho học trò cách sống, đạo làm người, luận thế sự,… Chính vì ông là người “tâm tàng kinh sử, phúc ẩn kinh luân” (lòng đầy kinh sử, bụng chứa kinh luân), nên học trò khắp trong vùng và các nơi lân cận tìm đến ông để tầm sư học đạo ngày càng đông. Từ sự dạy dỗ của ông, đã có nhiều học trò đỗ đạt và thành danh như Thượng thư Hà Duy Phiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Cử nhân Nguyễn Hữu Thái,…

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, có chiếu chỉ mời danh sĩ các nơi về kinh để bổ dụng, trong đó có Lê Ôn Phủ. Lê Ôn Phủ phụng chỉ vào kinh yết kiến vua nhưng không nhận chức. Tuy không gia nhập chốn quan trường nhưng Lê Ôn Phủ có quan hệ thân thiết với nhiều danh sĩ đương thời, trong tập thơ Liên Khê có rất nhiều bài ông viết tặng bạn, anh, em,… đều là những bậc trí thức quyền cao chức trọng.

2. Đôi nét về
Liên Khê di tập

Văn bản Liên Khê di tập mang số hiệu R.313 của Thư viện Quốc gia Việt Nam, chép tay, bản khuôn cao 24cm, rộng 12cm, gồm 63 tờ với 126 trang. Sách không có mục lục, được viết theo hai cỡ chữ, chữ lớn bao gồm tựa đề và nội dung chi tiết, chữ nhỏ thì viết phần nguyên chú ở phía dưới tựa đề hoặc lên hàng mới trước khi chép nội dung bài thơ. Trung bình mỗi trang từ 7 đến 9 hàng dọc tùy theo phần nguyên chú nhiều hay ít (một số bài thơ không có phần nguyên chú), mỗi hàng nếu viết đủ chữ thì trung bình từ 20 đến 21 chữ. Chữ viết chân phương rõ, có dấu ngắt câu, danh xưng được sổ dọc bên phải làm hiệu, tên người được khuyên dấu mực son tròn phía dưới mỗi chữ, mỗi câu thơ đặc sắc được khuyên dấu son tròn phía bên phải mỗi chữ, chữ nào sai thì được viết lại chữ đúng bằng mực son đè lên chữ sai hoặc viết lại kế bên chữ sai, có dùng dấu ngoéo khi chép lẫn thứ tự. Điều này chứng tỏ văn bản đã được kiểm duyệt kỹ càng.

Tờ đầu tiên của Liên Khê di tập

 Về niên đại, theo bài tựa thì tập thơ được chép xong vào trung tuần mùa xuân năm Nhâm Tý, nhằm năm Tự Đức thứ 5 (1852), tức là sau khi Lê Ôn Phủ mất thì con cháu và học trò mới sưu tập những tác phẩm của ông để ghi chép lại, đến năm 1852 thì hoàn thành. Bài tựa của tập thơ có nhắc đến như sau: 茲者光與堂弟鼎極力徧求,或得之篋中遺草,或得之門內雜編,撰以成集,亦十得其一二。故顏曰遺集,其間年次先後不能稽考,傳寫舛誤,未敢訂正。Tư giả Quang dữ đường đệ Đỉnh cực lực biến cầu, hoặc đắc chi khiếp trung di thảo, hoặc đắc chi môn nội tạp biên, soạn dĩ thành tập, diệc thập đắc kì nhất nhị. Cố nhan viết di tập, kỳ gian niên thứ tiên hậu bất năng kê khảo, truyền tả suyễn ngộ, vị cảm đính chính (Nay Quang và em họ là Đỉnh ra sức sưu tầm biên chép, có khi tìm được di thảo trong tráp, có khi tìm được vài ghi chép lặt vặt trong nhà, soạn lại thành tập, mười phần cũng chỉ được một hai. Nên lấy nhan đề là “di tập”, thứ tự niên đại trước sau trong ấy không thể khảo cứu, biên chép còn lẫn lộn, chưa dám đính chính).

Về bố cục của Liên Khê di tập, phần đầu là bài tựa của Lê Quang 黎光 cháu của Lê Ôn Phủ, từ sau bài tựa đến trang 41a đa phần là các bài thơ tiễn, tặng các danh sĩ và những quan lại quyền cao chức trọng lúc bấy giờ. Một số bài tiêu biểu: “Tặng Đỗ Thiêm hộ”, “Tiễn Binh bộ quan khâm mệnh hồi triều”, “Tiễn Tổng trấn quan”, “Tặng Bắc Thành Tham viện Chấn Thanh Hầu”, “Tặng Sử quán Biên tu Trần công”, “Tặng Đông Sơn Phủ Lý Trần công trúng Tiến sĩ” (nguyên chú: Trần công, tức Trần Lê Hiệu 陳黎校⁽³⁾), “Tặng Kính Giang Bá thăng thụ Nghệ An Tham hiệp”, “Tặng Ninh Bình trấn Tham hiệp”, “Tặng Hương Sơn huyện Doãn”, “Tặng Đức Thọ phủ Tri phủ”, “Tặng tri huyện bản huyện”, “Tặng Hoan Châu danh sĩ Đinh Bạt Nhự”…

Từ tờ 41b đến hết là Liên Khê nam hành tạp vịnh 蓮溪南行雜詠 (tập thơ Lê Ôn Phủ làm trên đường khi cùng các danh sĩ lên kinh theo chiếu chỉ của vua Gia Long). Phần đầu của Liên Khê nam hành tạp vịnh có bài tựa ngắn của tác giả, sau đó là những bài thơ ghi lại các nơi mà tác giả đã đi qua: “Quá Tiên Lý Bùi thị cố trạch”, “Quá Lục Niên sơn cảm tác”, “Quá Tiên Sơn từ”, “Quá Kinh Dương Vương từ”, “Vọng An Toàn ký Hàn Khê Bùi công xướng nghĩa sự”, “Quá Lưỡng Trạng nguyên từ”, “Vọng Thiên Cầm sơn hoài cổ”, “Nhĩ Luân nhàn triếp”, “Quá Tam Đồn hoài cổ”, “Quá Linh Giang tức sự”, “Quá Trấn Ninh lũy hoài cổ”, “Kiến Quang Trung linh quỹ”,… và một số bài ký: “Ô Châu ký kiến”, “Hóa Châu trường sa sơn ký”, “Hóa Châu bạch sa sơn ký” (hai bài ký này viết về cồn cát dài và cồn cát trắng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị),… Tờ 62 hầu như bị rách và mất chỉ thấy được hàng đầu và hàng cuối, nhưng có lẽ đã hết tập Nam hành, tờ 63 là bài nói về vị trí chuyển dịch xưa nay của cửa Hội Triều ở Thanh Hóa.

Về nội dung, Liên Khê di tập mang những chủ đề sau: Tống tiễn, tặng đáp (số lượng nhiều nhất, chiếm 2/3 tập thơ); cảm tác về những cảnh thiên nhiên mà Lê Ôn Phủ đã từng đi qua; những bài ký ông viết để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên sông núi; cuối cùng là thơ Nôm, trong tập thơ Liên Khê thì thơ Nôm chiếm số lượng rất ít, chỉ có 3 bài.

Liên Khê nam hành tạp vịnh tập và bài tựa của Lê Ôn Phủ (trang bên trái)

Về nghệ thuật, thơ Lê Ôn Phủ đều viết theo lối Đường luật, đa số là thất ngôn, một số ít ngũ ngôn, vần, niêm, luật, đối vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, do ông là người am tường kinh sử, nên sử dụng rất nhiều điển cố điển tích, sử dụng phương pháp ẩn dụ vô cùng khéo léo, tạo nên sức hấp dẫn và sắc thái trang trọng phù hợp với các đối tượng mà ông hướng đến.

3. Giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu
của Lê Ôn Phủ

Tuy có thực tài nhưng Lê Ôn Phủ không đỗ đạt cao, chỉ đỗ đến Tú tài, chính vì vậy tính cách ông cũng có chút ngang tàng, thích du ngoạn đó đây, giao du với các danh sĩ, quan lại, những người học thức cao. Do lúc sinh thời ông giao du thân thiết với các danh sĩ có chức phận lúc bấy giờ, nên trong tập thơ Liên Khê số lượng những bài thơ ông tặng hoặc những bài thơ đáp lại tình cảm mà những danh sĩ tặng ông chiếm số lượng rất nhiều. Sau đây xin giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của ông.

Bài 1. 餞兵部官欽命回朝

待召天章下五雲,

遄歸星駕擁千軍。

十年兵事身曾涖,

四國民情望更慇。

元帥卽今朝北斗,

皇風曾此暢南薰。

昇龍城上春將到,

倚劔登程酒半醺。

Phiên âm:

Tiễn Binh Bộ quan khâm mệnh hồi triều

Đãi triệu thiên chương há ngũ vân,

Thuyên qui tinh giá ủng thiên quân.

Thập niên binh sự thân tăng lị,

Tứ quốc dân tình vọng cánh ân.

Nguyên soái tức kim triều Bắc đẩu,

Hoàng phong tằng thử sướng Nam huân.

Thăng Long thành thượng xuân tương đáo,

Ỷ kiếm đăng trình tửu bán huân.

Dịch nghĩa:

Tiễn quan Bộ binh tuân mệnh vào triều

Nhận được chiếu thư từ tầng mây năm màu ban xuống,

Liền ruổi xe nhanh trong đêm thống lĩnh ngàn quân.

Việc binh mười năm ông đã rất dày dạn,

Dân tình bốn phương càng tha thiết trông mong.

Nguyên soái hôm nay chầu về sao Bắc đẩu,

Giáo hóa của vua từ đây vui thỏa khúc Nam huân⁽⁴⁾.

Trên thành Thăng Long mùa xuân sắp đến,

Đeo kiếm lên đường chén rượu chớm say.

Bài 2. 贈河中府知府杜公

兩府綱維屬處分,

都從心上見經綸。

聖朝分聀緣蒼赤,

閫帥掄才重縉紳。

赫赫具䀡今此地,

惺惺常問古何人。

貯嬌焉用多間架,

只恐紛心絆使君。

Phiên âm:

Tặng Hà Trung Tri phủ Đỗ công

Lưỡng phủ cương duy thuộc xử phân,

Đô tùng tâm thượng kiến kinh luân.

Thánh triều phân chức duyên thương xích,

Khổn soái luân tài trọng tấn thân.

Hách hách cụ chiêm kim thử địa,

Tinh tinh thường vấn cổ hà nhân.

Trữ kiều yên dụng đa gian giá,

Chỉ khủng phân tâm bạn sứ quân.

Dịch nghĩa:

Tặng Tri phủ phủ Hà Trung họ Đỗ

Giềng mối hai phủ thuộc về ông xử phân,

Đều phải theo đúng lòng mình sửa trị việc nước.

Thánh triều phân chia chức vụ để sát sao với dân,

Tướng soái nơi biên khổn tuyển chọn nhân tài, coi trọng kẻ sĩ.

Hãy xem cho rõ vùng đất này hiện nay,

Ôn tồn nhắc nhở xưa nay có ai làm như vậy.

Cần gì xây nhiều phòng để lấy vợ lẽ,

Chỉ sợ ngăn trở làm rối lòng sứ quân.

(Bài thơ này có lời chú của người biên soạn: 這詩結句用貯嬌等字,蓋由公到府,再取一妾,故語此以戒之。Giá thi kết cú dụng “trữ kiều” đẳng tự, cái do công đáo phủ, tái thủ nhất thiếp, cố ngứ thử dĩ giới chi = Câu kết bài thơ này dùng hai chữ “trữ kiều”⁽⁵⁾ (Bởi vì ông ấy (ông họ Đỗ) sau khi đến phủ, lấy thêm một người vợ lẽ, nên nói chuyện này để khuyên răn ông ấy).

Bài 3. 贈宁平鎮參協

聖朝萬里輿圖拓,

君子重膺閫寄隆。

琴鶴所隨皆坦步,

帶裘攸往有清風。

北南惟命臣衷白,

朝郡常均宦路通。

翹仰此行旋報政,

五雲樓上簡宸聰。

Phiên âm:

Tặng Ninh Bình trấn Tham hiệp

Thánh triều vạn lý dư đồ thác,

Quân tử trùng ưng khổn ký long.

Cầm hạc sở tùy giai thản bộ,

Đái cừu du vãng hữu thanh phong.

Bắc Nam duy mệnh thần trung bạch,

Triều quận thường quân hoạn lộ thông.

Kiều ngưỡng thử hành toàn báo chính,

Ngũ vân lâu thượng giản thần thông.

Dịch nghĩa:

Tặng Tham hiệp trấn Ninh Bình

Thánh triều mở mang bờ cõi muôn dặm,

Quân tử nhận thêm trọng trách binh quyền rất vẻ vang.

Đàn và hạc mang theo, thản nhiên dạo bước,

Áo cừu, dây đai thỏa chí, thể hiện phẩm cách thanh cao.

Bắc nam đều tuân mệnh, tấm lòng tôi trung tỏ rõ,

Trong triều ngoài quận mọi việc ổn thoả, hoạn lộ thênh thang.

Kính mong chuyến này nhanh chóng hoàn thành chính tích,

Mây năm sắc trên lầu, vua sẽ xem rõ tấu chương.

4. Lời kết

Nhìn chung thơ của Lê Ôn Phủ có giá trị tư tưởng về nhiều mặt như: Đối với quan lại thì ông ca ngợi những bậc quan hiền tài đức độ, có học thức, đồng thời ông luôn khuyên họ phải giữ chữ trung hiếu, luôn yêu thương, quan tâm đến đời sống nhân dân, coi dân là gốc và chú ý đào tạo người hiền tài cho tương lai. Đối với cha mẹ anh em trong gia đình thì ông luôn giữ tinh thần “hiếu đễ”, tức hiếu thảo với cha mẹ và hòa thuận thương yêu anh em. Tập thơ Liên Khê có nhiều bài ông làm thơ tặng anh em, khuyên họ phải cư xử sao cho đúng mực, như trong mười bốn bài thơ tặng em trai ruột đang làm quan ở phủ Kiến Xương thì ông khuyên em mình phải kính nhớ mệnh vua, khéo giữ tiếng nhà, biết cách đối đãi quan trên và thuộc hạ, khoan hòa với chúng dân,… sao cho hợp tình thuận lý đúng với bậc quân tử, trượng phu trong thiên hạ. Đối với bạn bè thân hữu thì ông luôn giữ chữ “tín”, luôn tạo tình cảm tốt đẹp, thường hay làm thơ thăm hỏi và cho những lời
khuyên kịp thời. Ngoài ra, ông còn làm một số bài thơ, vịnh, ký để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất và thể hiện tình yêu quê hương đất nước một cách sâu sắc.

Liên Khê di tập chỉ thu thập được số ít thơ của Lê Ôn Phủ, vì theo bài tựa thì cháu ông là Lê Quang nói rằng “mười phần cũng chỉ được một hai” tức là khi sinh thời tác giả làm thơ rất nhiều nhưng do không ghi chép hoặc thất lạc nên trong Liên Khê di tập chỉ chép lại được một hai phần, qua đó cho thấy số lượng thơ ông rất nhiều. 

Chú thích:

1. Một số sách và bài báo gọi ông là Lê Bật Triệu, dân gian thường gọi là ông cả Triệu nhưng không tìm thấy nguồn chữ Hán. Theo Ngô Đức Thọ thì tên ông chính xác là Lê Bật Trực 黎弼直 tự là Ôn Phủ 温甫. Liên Khê di tập không nhắc tên thật của ông, chỉ nói ngắn gọn là 先 生 姓 黎 名 温 甫 (tiên sinh tính Lê, danh Ôn Phủ), cho nên, chúng tôi gọi theo Liên Khê di tập là Lê Ôn Phủ.

2. Bài tựa Liên Khê di tập nói về nguồn gốc tên hiệu của Lê Ôn Phủ: 先生姓黎,名溫甫,弘化縣大中社瑞蓮村人。所居湖前產蓮,故以為號焉。Tiên sinh tính Lê, danh Ôn Phủ, Hoằng Hóa huyện, Đại Trung xã, Thuỵ Liên thôn nhân. Sở cư hồ tiền sản liên, cố dĩ vi hiệu yên (Tiên sinh họ Lê, tên Ôn Phủ, người thôn Thuỵ Liên, xã Đại Trung, huyện Hoằng Hóa. Hồ nước trước nhà trồng sen, nên lấy hiệu là Liên Khê).

3. Trần Lê Hiệu: Đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Nhâm Ngọ (1822) đời vua Minh Mạng.

4. Nam huân: Gió mát từ phương Nam, cũng là tên khúc hát tương truyền do vua Thuấn đặt ra, có câu: 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮. 南風之時兮, 可以阜吾民之財兮. Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uấn hề. Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề (Gió Nam mát mẻ chừ, có thể giải cơn nóng bức của dân ta. Gió Nam đúng thời chừ, có thể giúp dân ta giàu có). Ở đây mượn tên khúc Nam huân ca ngợi ơn giáo hóa của nhà vua.

5. Trữ kiều: Nói đầy đủ là “Kim ốc trữ kiều” 金屋貯嬌 hoặc “Kim ốc tàng kiều” 金屋藏嬌, nghĩa là “đúc nhà bằng vàng cho người đẹp ở”. Hán Vũ Đế khi còn làm Thái tử, bà trưởng Công chúa muốn gả con là A Kiều cho Đế, bèn chỉ A Kiều mà hỏi Đế rằng có muốn A Kiều làm vợ chăng và hỏi thấy A Kiều đẹp chăng. Đế đáp rằng nếu có được A Kiều sẽ đúc nhà bằng vàng cho nàng ở.

Bài liên quan

Bài đăng mới