Duyên lịch sử trong tập truyện ngắn “Mây hồng”

Vũ Nho

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Mây hồng là tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Trường (Nxb. Thanh Niên, 2023) gồm 12 truyện viết về nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có thể chia thành 2 mảng: Viết về cuộc sống hiện tại và viết về lịch sử, kể cả lịch sử chưa xa lắm.

Có thể nói rằng ngòi bút Nguyễn Trường tỏ ra có duyên với đề tài lịch sử. Cả trong tiểu thuyết (như Mộng đế vương) và trong truyện ngắn. Tác giả là người chịu đọc sách sử, vì vậy khi viết, Nguyễn Trường có ý thức trao đổi, tranh luận, góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử. Như Lê Thanh Huệ trong lời bình về truyện ngắn Di cảo của cha in cuối sách đã nhấn mạnh: “Hãy tạm gác lại tình cảm với tiền nhân mà mình yêu thương, kính trọng, để dùng suy nghĩ rành mạch, xét lại, tìm ra sự thật, thấy rõ đúng sai; từ đó mới có cơ sở gạn đục, khơi trong trước lúc vinh danh; khiến cho sự tôn thờ trở nên đúng đắn và được đời sau chấp nhận” (tr. 236). Điều đó không chỉ đúng với truyện Di cảo của cha mà đúng với tất cả mảng truyện lịch sử. Ví dụ trong truyện Minh châu toả sáng, tác giả muốn làm rõ sự thật có phải Lê Văn Duyệt giết oan Huỳnh Công Lý, Phó Tổng trấn thành Gia Định? Người ta nói rằng oan. Vợ thứ của Huỳnh Công Lý cũng nói rằng oan. Mà nguyên nhân là “Lê Văn Duyệt nghi ngờ tướng công ta trêu ghẹo phu nhân của Lê công” (tr. 128). Sự thực là thế nào? Truyện lôi cuốn người đọc đến cuối truyện, người đọc mới ngẫm ra. Cái thời phong kiến ấy vẫn có những ông quan như Trịnh Hoài Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đình Thịnh và đặc biệt là vua Minh Mạng đã quên tình riêng, thù oán riêng,… đặt đất nước, nhân dân lên trên hết. Họ đúng là “Minh châu tỏa sáng”.

Truyện Mây hồng liên quan đến chuyện Nguyễn Du có tác phẩm Kim Vân Kiều truyện khi đi sứ hay trước đó khi Nguyễn Du lang thang ở Trung Quốc? Rồi chuyện mối tình của Nguyễn Du với thi sĩ Hồ Xuân Hương. Nguyễn Du khởi thảo viết Truyện Kiều khi nào? Những vấn đề đó nếu không đọc hàng ngàn trang tài liệu lịch sử sao có thể đề cập? Dù rằng đây chỉ là truyện ngắn, chứ không phải tài liệu khảo cứu! Dưới góc độ văn học, Nguyễn Trường cho là Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi đang ở trong tù có vẻ logic. Những tác phẩm lớn ra đời thường trong giai đoạn đất nước có những khúc quanh đặc biệt. Lúc đó tác giả sống trong tận cùng của cô đơn, của đau khổ. Phải chăng khi nhà văn bị dồn đến tận cùng của bể khổ thì sẽ có sức sáng tạo phi thường, sản sinh ra tư tưởng lớn, tác phẩm lớn? Đặc biệt tư tưởng của Nguyễn Du “trùng khít” tư tưởng của La Sơn Phu Tử, một nhà nho có tư tưởng lớn của thời đại, làm Nguyễn Du nhận ra con đường mình phải đi. Truyện Người viết sử, nhà văn bàn chuyện có thật Nguyễn Ánh đến Côn Đảo và hành động của nhà vua với bà Phi Yến liên quan đến câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Thông qua câu chuyện nhà văn Thành Ngọc hư cấu, rồi người ta tin là thực. Thậm chí còn đề xuất đưa “lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”. Những lời đồn đại ngoài chính sử lại được coi như sự thực lịch sử… Tác giả Thành Ngọc hối hận vì đã “nhân danh lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp để viết bài bóp méo sự thật”. Rằng “văn chương cũng cần sự trung thực”. Nhà văn Thành Ngọc đã nhắn lại hậu thế khi đã ở thế giới bên kia: “Tôi chỉ có ý định viết dã sử, nhưng không ngờ người đời lại dùng nó để toan tính thay đổi lịch sử”. “Người viết sử phải trung thực với lịch sử, đó là một bài học của người cầm bút”. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh là tác giả Nguyễn Trường đã tham bác rất nhiều tài liệu liên quan đến quá khứ, đến các nhân vật lịch sử để dựng nên truyện ngắn của mình. Truyện Chuyện trên biển Cần Giờ, thông qua vở diễn mà con gái thủ vai Huyền Trân, ông Chế Lan nhận xét: “Vở diễn có nhiều đổi mới, đã minh oan cho Công chúa Huyền Trân và Thiếu bảo Trần Khắc Chung… Chuyện Huyền Trân phải lên giàn hoả thiêu cùng chồng theo phong tục Chiêm Thành chỉ là hư cấu. Huyền Trân không phải là vương hậu chính thức, nên không được lên giàn hỏa thiêu cùng chồng. Vả lại, khi vua Chế Mân chết, hỏa táng phải thực hiện trong vòng bảy ngày. Với phương tiện đi lại thời đó, người Chiêm Thành ra Thăng Long báo tang, Trần Khắc Chung từ Thăng Long vào, hai bên vừa đi vừa về không thể chỉ trong vòng bảy ngày” (tr. 167-168). Một lập luận khả tín cùng với thông điệp đúng cho mọi thời đại “không được lấy đất đai đánh đổi bất cứ cái gì”(tr. 169).

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn cho rằng không phải ông Dương Văn Minh ra lệnh nổ súng giết anh em Ngô Đình Diệm, mà thực ra “lệnh đó đã được bàn bạc trong Hội đồng Quân nhân cách mạng” (tr. 198). Thông qua hai nhân vật Võ Văn Kiệt và Dương Văn Minh trong truyện Điểm gặp lịch sử, nhà văn cho bạn đọc hiểu đúng hơn về cụ Phan Thanh Giản, nỗi oan của cụ trong câu ca dân gian “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Điểm lưu ý là đối với nhân vật Dương Văn Minh, nhà văn đã hai lần đề cập đến trong hai truyện Bữa cơm chiều ba mươi tết và Điểm gặp lịch sử… Đây là nhân vật gần chúng ta nhất, nhiều người biết rõ về ông, nên không thể “bịa như thật” được! Ông Dương Văn Minh đã tìm hiểu sâu về cuộc đời và quá trình làm quan của cụ Phan Thanh Giản. Chính cụ Phan đã để lại cho ông bài học quý giá về lòng yêu nước thương dân. Cụ Phan Thanh Giản khi được triều đình giao cho chức Kinh lược sứ, cai quản mấy tỉnh miền Tây Nam bộ: “Biết mình bị mắc mưu địch, để mất thành, mất đất, có tội với triều đình, với nhân dân, cụ đã uống thuốc độc tự tận để phần nào chuộc lại lỗi lầm. Là đại tướng cầm quân nên Dương Văn Minh hiểu, nếu cụ Phan có ra lệnh cho binh sĩ tử thủ thì giữ thành được bao lâu? Rồi bao nhiêu người bỏ mạng?”. Sau này vào ngày 30-4-1975, với vai trò Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh cũng đứng trước sự lựa chọn: Nếu tử thủ Sài Gòn thì sẽ có bao nhiêu người chết, bao nhiêu thành phố làng mạc bị tàn phá? (tr. 209). “Phải theo gương cụ Phan Thanh Giản, đến phút cuối cùng, cụ Phan vẫn không muốn dân phải đổ máu” (tr. 209). Và Dương Văn Minh đã chọn giải pháp: “Lúc quân Cách mạng chưa tràn vào nội đô Sài Gòn, Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa không chống cự, ngừng nổ súng để bàn giao chính quyền cho chính phủ Cách mạng, góp phần giảm đổ máu vô ích cho người Việt Nam” (tr. 210).

Vai trò ông Võ Văn Kiệt, lúc đang làm Thủ tướng, hay lúc làm cố vấn vẫn quan tâm đến ông Dương Văn Minh, quan tâm đến cụ Phan Thanh Giản: “Ông thấy mình còn nợ các tiền nhân, nhất là những vị yêu nước thương dân mà còn bị oan khuất” (tr. 206). Có lần ông đã chỉnh lại sự hiểu chưa đúng của ông Minh khi ông chia tay Dương Văn Minh sang Pháp đoàn tụ với con cái. Phút giây ly biệt, ông Minh xúc động nói với ông Kiệt: “Tôi cố học cụ Phan mà không được, đã có lúc tôi cũng chuẩn bị chén thuốc độc, nhưng rồi lại nhát gan không dám thực hiện”. Ông Kiệt sửng sốt: “Hoàn cảnh của ông khác cụ Phan. Cụ quyên sinh vì thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ, để mất đất, mất thành vào tay ngoại bang. Còn ông đã góp phần cứu Sài Gòn này không bị đổ nát, cứu sinh mạng hàng vạn người. Nhất là không đưa đất nước lại rơi vào vòng xoáy chiến tranh…” (tr. 211). Dù sao thì nhân vật Phan Thanh Giản vẫn còn nhiều tranh cãi đúng sai trong lịch sử, nhưng trong văn học, cũng nên mở rộng biên độ sáng tạo, nhất là sáng tạo hướng nhân vật đến điểm gặp của lòng yêu nước thương dân. Nói tóm lại, xét mặt bằng văn chương truyện ngắn hiện nay, Nguyễn Trường là một trong số ít các tác giả vẫn giữ được phong độ và thương hiệu của mình. Tập Mây hồng đã ghi một dấu mốc mới trên hành trình sáng tạo của tác giả, nhất là mảng đề tài lịch sử.

Bài liên quan

Bài đăng mới