Thân Nhân Trung đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận, mùa xuân, tháng hai (1469), đời Lê Thánh Tông. Theo Phan Huy Chú (trong Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí) thì lúc đó, Thân Nhân Trung đã hơn 50 tuổi.
Đến tháng 12 năm đó, Thân Nhân Trung được bổ làm Hàn Lâm viện Thị độc, hàm Chánh ngũ phẩm. Khoảng 4 năm sau, Thân Nhân Trung được thăng kiêm Đông các Đại học sĩ, một chức to trong triều. Đến năm Cảnh Thống thứ nhất đời Lê Hiến Tông (1498), Thân Nhân Trung giữ chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ, Nhập Nội Phụ Chính Thị Nội; nghĩa là ông được ngồi ở vị trí cao sang nhất triều đình, sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà.
Qua Đại Việt sử ký toàn thư (Kỷ nhà Lê), chúng ta biết cuộc đời quan trường cùng những cống hiến của Thân Nhân Trung cho vương triều Lê gắn liền với sự nghiệp hiển hách của vua Lê Thánh Tông, một vị vua được sử sách ca ngợi là“có hùng tài đại lược”.
Khi đánh giá các công lao của Đại học sĩ Thân Nhân Trung với nhà Lê hồi nửa sau thế kỷ XV, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của ông trong đóng góp vào công việc xây dựng bộ máy chính quyền và luật pháp của quốc triều.
Với tư cách là Hàn Lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ, Thân Nhân Trung đã đệ trình lên vua Lê Thánh Tông, đề nghị ban hành một số quy định bắt buộc trong công tác hành chính, như phải lưu giữ các tờ tâu, các công văn giấy tờ nói về việc công, sổ sách của bộ Hình phải có ký tên vào bìa vàng cất làm chỗ dựa pháp lý lâu dài…
Trong giáo dục, trong tổ chức bộ máy chính quyền, Thân Nhân Trung cũng có chủ trương đưa ra được triều đình áp dụng như là luật lệ trong việc đào tạo quan chức cả văn lẫn võ thông qua các bước tuyển chọn từ con cái quan lại của triều đình.
Những tư tưởng về chế độ luật lệ, về tổ chức bộ máy chính quyền… của Thân Nhân Trung được thể hiện đầy đủ, hoàn chỉnh nhất là trong Thiên Nam dư hạ tập, bộ sách quan trọng mà ông cùng với Đỗ Nhuận và một số người khác được vua Lê Thánh Tông giao cho biên soạn vào năm 1483.
Khâm định Việt sử thông giámcương mục viết:
“Vào năm đầu niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông sai nhóm nho thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn định các chế độ về quan chức và điển chương, điều lệ của triều Lê, gồm 100 quyển, đặt tên là Thiên Nam dư hạ lục…”.
Bài tựa sách Thiên Nam dư hạ lục do Đại học sĩ Thân NhânTrung viết, được vua Lê ThánhTông rất khen ngợi. Sách đã bịthất tán từ lâu. Đến cuối thế kỷXVIII, Lê Quý Đôn có nói sách này “mười phần chỉ còn một hai phần”. Sang đầu thế kỷ XIX, Phan HuyChú cho biết: “Tôi được nhìn thấy,chỉ độ 4 – 5 quyển”. Hiện nay, ViệnNghiên cứu Hán Nôm có 10 tập Thiên Nam dư hạ, song theo khảocứu của học giả Trần Văn Giáp thìtrong đó, chỉ có tập I và tập IX, Xghi chép các điều luật có thể làbản sao từ sách cũ, còn lại là nhữngghi chép lộn xộn, không có giá trị.
Đứng về đạo quân thần mà xét thì Thân Nhân Trung là bề tôi của Lê Thánh Tông; nhưng về mặt thơ văn, học thuật thì có thể thấy giữa vua Lê Thánh Tông và Thân Nhân Trung còn có mối duyên nợ văn chương, là tri âm, tri kỷ khi xướng họa, phẩm bình thi phú.
Chúng ta đều biết, nếu như về chính trị, quân sự, luật pháp, kinh tế, Lê Thánh Tông đã để lại một sự nghiệp rực rỡ thì về văn hóa, giáo dục, ông cũng xứng đáng được tôn vinh là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc.
Ở nước ta thời phong kiến, nền giáo dục khoa cử chưa bao giờ thịnh đạt cũng như vai trò của giới trí thức được đề cao như dưới thời Lê Thánh Tông trị vì.
Về văn học, Lê Thánh Tông đã sáng lập Hội Tao đàn, tập họp 28 văn thần thành viên (Nhị thập bát tú), do ông làm Tao đàn nguyên súy và Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận làm Phó súy; họ vừa sáng tác thơ văn, vừa phê bình, nghiên cứu.
Với tư cách là Tao đàn nguyên súy, Lê Thánh Tông dẫn đầu phong trào sáng tác và trước thuật, để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ: Châu cơ thắng thưởng thi tập, Chinh Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú thi tập, Văn minh cổ súy, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh…
Xét về phương diện thơ thì Lê Thánh Tông là một thi sĩ mang tầm vóc thời đại, thơ ông là tiếng nói của một nhân cách lớn, một nhà tư tưởng, một trái tim yêu nước tràn đầy tự hào dân tộc và bát ngát khí thiêng sông núi hùng tráng.
Thơ Lê Thánh Tông làm xong lại đưa cho các văn thần như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Ngô Luân… họa vần và bình luận. Thí dụ, trong đó Đại học sĩ Thân Nhân Trung họa một số bài ở Quỳnh uyển cửu ca, bình luận thơ Cổ kim bách vịnh, Cổ kim cung từ thi… Thông thường thì trong bối cảnh đó, nói chung, thơ vua dù khập khiễng, bề tôi cũng phải tán nịnh, tâng bốc là “thơ hay quán thế”, là toàn “lời vàng ý ngọc”… Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông lại là một trường hợp khác hẳn. Ai đã đọc thơ Lê Thánh Tông rồi đọc những lời bình luận về thơ của vị vua thi sĩ này sẽ thấy không phải lời bình tán nào cũng xứng đáng với cái hay, cái đẹp đích thực trong thơ Lê Thánh Tông, mà ngược lại, có những lời bình trở nên nông cạn, nghèo nàn trước những tứ thơ hào tráng, sâu xa của Chủ soái Tao đàn.
Muốn bình đúng, bình hay một bài thơ, đặc biệt là thơ của một thi gia lớn thì người bình, ngoài khả năng cảm thụ thơ tinh tế, còn phải có một tầm tư tưởng cao ngang tác giả, một sự tri ngộ sâu sắc cùng tác giả…
Ở đây tôi xin giới thiệu một bài thơ của Lê Thánh Tông viết năm 1491, khi nhà vua về Lam Sơn, Thanh Hóa (tức Tây Kinh):
Chu chí Lam Sơn truy hoài Thánh tổ huân nghiệp thi
Hoàn hoàn đế nghiệp sách kỳ huân
Nhất nộ dao an tứ hải dân
Nghĩa liệt tung hoành khu sĩ mã
Thần uy tấn tảo động phong vân
Lương giang tĩnh quyển thiên trùng luyện
Lam sắc quang hồi vạn hộ xuân
Lịch phục cửu trường tôn tử mậu
Trừng trừng hỏi vũ tuyệt yêu phân.
(Cơ nghiệp đế vương hiển hách, công lao kỳ tích ghi vào sử sách.
Một cơn thịnh nộ đã làm cho nhân dân bốn biển được yên ổn.
Quân sĩ xông lên nghĩa khí ngang trời.
Thần uy quét gọn, gió mây rung động
Sông Lương[1] êm đềm trôi như dải lụa nghìn trùng.
Núi Lam ánh sáng lại rọi về sắc xuân khắp muôn nhà.
Đế nghiệp vận số trường cửu, con cháu thịnh vượng.
Đất nước sông bể lặng trong, tan hết khí yêu ma).
Và lời bình của Đại học sĩ Thân Nhân Trung:
Thần là Thân Nhân Trung phụng bình: “Tấm lòng đại hiếu của bậc đế vương là ở chỗ biết thừa kế, phát huy cơ nghiệp của Tổ tiên. Nay thánh giá về bái yết sơn lăng, nhớ tới ngày đức Cao hoàng đế [Lê Lợi] sáng nghiệp, nghĩa khí vang lừng, nên phát ra ở lời thơ. Đó là tấm lòng tắm gội ơn mưa móc, làm thơ ca tụng công đức Tổ tiên đã trải bao gian khổ để dựng nghiệp. Biết rằng việc giữ gìn thành quả đã có không phải dễ, nên tưởng nhớ tới huân nghiệp rạng ngời của Tổ tiên. Tất cả những điều ấy có thể thấy ở bài thơ này”.
Nội dung tư tưởng trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông (cháu Lê Thái Tổ) đã được làm sáng rõ qua lời bình rất tinh tường, thấu đáo của Thân Nhân Trung.
Dưới thời Lê Thánh Tông, chữ hiếu của đạo Nho được đề cao. Nhưng như thế nào là hiếu? Thông thường chúng ta vẫn quan niệm hiếu là con cháu phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Nhưng ở đây, Thân Nhân Trung đã chia phạm trù hiếu thành hai cấp độ: hiếu và đại hiếu. Và ông xác lập, người có tấm lòng đại hiếu là người biết tiếp tục, phát triển cơ nghiệp của Tổ tiên ngày càng lớn mạnh hơn. Tầm suy nghĩ luận bình văn chương của Đại học sĩ Thân Nhân Trung quả là sâu sắc, mới mẻ.
Thân Nhân Trung không để lại thi tập riêng nào. Thơ ông làm phần lớn là để xướng họa với vua Lê Thánh Tông, nên nó thường nằm rải rác lẫn trong thi tập thơ Lê Thánh Tông hoặc trong một số tuyển tập thơ, như Hoàng Việt thi tuyển…
Nhận định về thơ Thân Nhân Trung, Phan Huy Chú viết:
“Về văn thơ, ông ưa điển nhã, hồn hậu, không cần đẽo gọt mà thể cách và bố cục tự nhiên hay, những bài thơ thù phụng của ông phần nhiều được vua phê khen”.
Đọc thơ Thân Nhân Trung, chúng ta thấy đúng như nhận xét của Phan Huy Chú, đậm chất “điển nhã, hồn hậu, tự nhiên”.
Tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497), vua Lê Thánh Tông qua đời, sau đó, vào tháng 2 năm Mậu Ngọ (1498), niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất đời Hiến Tông, Lê Thánh Tông được an táng ở Chiêu lăng và Đông các Đại học sĩ Thân nhân Trung được giao soạn Bài minh và lời tựa trên bia Chiêu lăng của Lê Thánh Tông (Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự) ca tụng công nghiệp của Lê Thánh Tông, trong đó có viết:
“Ngài quý trọng các bậc nho nhã, tôn kính các bậc đại thần. Ngài đã khảo cứu lệ xưa mà đặt quan chức, tính kế lâu dài mà lựa đường trị nước. Thưởng phạt thì đúng đắn kiên quyết, chính lệnh thì nghiêm ngặt, quang minh…”. Và:
“Ngài ngự trị càng lâu thì càng siêng năng trong việc chính sự… Nói về học vấn uyên bác của Ngài thì sách vở như rừng Ngài đều thu thập, nói về văn chương rực rỡ của Ngài thì xán lạn đẹp đẽ như ánh sao Khuê. Tinh thần tâm thuật được thể hiện, đạo đức sự nghiệp được phát huy trong các sách Thiên Nam tiền hậu tập, cùng các sách ngự chế khác. Sáng tác của các bậc minh quân, trước thuật của các vị đại nho các đời chưa có sách nào to lớn đẹp đẽ được như vậy”.
Bia Chiêu lăng là một bài văn tổng kết cuộc đời và sự nghiệp to lớn của vua Lê Thánh Tông. Viết bài văn bia này, Đại học sĩ Thân Nhân Trung có dịp thể hiện hết lòng tri ân tri ngộ của mình đối với vị hoàng đế anh minh mà ông đã tận tâm giúp rập trong ngót 30 năm và cũng là để ông trả món nợ văn chương cuối cùng đối với vua Lê Thánh Tông. Năm 1497, vua Lê Thánh Tông mất. Năm 1498, Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết Bia Chiêu lăng và năm sau, 1499, Đại học sĩ Thân Nhân Trung cũng qua đời.
[1] Sông Lương: tức sông Chu, khúc chảy qua Lam Sơn.