Mở đầu giáo sư Sakurai nói đến vai trò của gốm sứ với tư cách là một minh chứng trong mối giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản: Gốm sứ dù bị vỡ thành từng mảnh, nhưng sự xuất hiện của chúng trong lòng đất vẫn cho phép ta tìm được nơi xuất xứ của chúng và đặc điểm của địa phương nơi tìm thấy chúng. Đó là một hiện vật có ý nghĩa quan trọng để tìm hiểu lịch sử khu vực.

Từ năm 1992, công cuộc bảo tồn và tu sửa phố cổ Hội An đã bắt đầu với sự tham gia của nhóm khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản. Thừa kế kết quả nghiên cứu của những người đi trước, các nhà khảo cổ học Việt Nhật đã tìm thấy tại đây nhiều hiện vật gốm sứ, trong đó có các đồ gốm sứ Trung Hoa có niên đại cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII, đồ gốm sứ Hizen* của Nhật Bản nửa sau thế kỷ XVII và đồ gốm Việt Nam với số lượng lớn. Các hiện vật này có cùng niên đại với phố Nhật Bản đã từng tồn tại ở Hội An. Trên cơ sở những đồ gốm sứ Trung Hoa và Hizen có niên đại đã được xác định rõ, chúng tôi đã có thể xác định được niên đại của đồ gồm Việt Nam trước kia chưa rõ niên đại.
Tình hình đó cho thấy Hội An đã phát huy được vai trò đô thị thương mại quốc tế trong thế kỷ XVI-XVII, nơi các thuyền Châu Ấn của Nhật Bản đã từng cập bến, đã từng tồn tại phố Nhật Bản, phố người Trung Hoa, thương quán Hà Lan…
Nay Hội An vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là một vinh dự cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra cho các nhà khoa học phải đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn, trong đó có việc trục vớt các thuyền đắm ở Hội An.
Tại cù lao Chàm, trên vùng biển Hội An, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy đồ sứ và thủy tinh, mà theo các nhà khảo cổ học Việt Nam, đó là thủy tinh Ixlam. Những mẫu thủy tinh này đã được chúng tôi trao cho một công ty kinh doanh thủy tinh hàng đầu của Nhật Bản nghiên cứu để xác minh xuất xứ và niên đại của mẫu vật. Tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng có thể sơ bộ xác định rằng đó là thủy tinh được sản xuất trong thế kỷ IX tại khu vực Iran, giống những hiện vật cùng loại đã từng được phát hiện tại các di chỉ Hakata, Dazaifu ở Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã từng nằm trên con đường giao lưu từ Tây Á sang Viễn Đông từ rất sớm. Cần tiếp tục phát hiện thêm những di chỉ khác có thủy tinh ở Việt Nam.
Khoảng 25 năm trước đây, tháng 12/1970 chúng tôi đã đến tham quan bãi cát nơi đã tìm thấy một số lượng lớn đồ sứ men trắng và xanh của Trung Quốc có niên đại thế kỷ XII- XIV trên bờ biển Minab, tiếp giáp với vịnh Ba Tư. Người ta cho rằng đây là dấu tích của phố cảng Hormis được nhắc đến trong các thư tịch đầu đời Minh. Mặc dù thời gian ngắn, nhưng nhờ sự giới thiệu tận tình của hai vợ chồng nhà khảo cổ học người Anh A.G.Williamson, những người đã điều tra về sự phân bố của gốm sứ Trung Hoa tại vùng này, cuộc tham quan của chúng tôi đã thu được kết quả tốt. Năm 1979, dưới sự chỉ đạo của cố giáo sư Mikami Jio, Chúng tôi tiến hành điều tra khai quật tại thành phố Ixlam nổi tiếng Hustat, ở ngoại ô thủ đô Cairô, Ai Cập. Kết quả là rất nhiều di chỉ và cùng với chúng là một số lượng lớn gốm sứ Trung Hoa đã được khai quật (từ đồ sứ của lò Việt Châu hậu kỳ đời Đường, đến đồ sứ Bắc Tống, Liêu, Nguyên, Minh, Thanh với các loại men sứ trắng, xanh và các màu), thêm vào đó Ixlam, Faiyum, Ai Cập, Iran và cả đồ gốm Việt Nam, sứ Hizen. Điều đó cho thấy diễn tiến của Con đường tơ lụa trên biển có tầm quan trọng đối với việc giao lưu văn hóa Đông Tây. Hội thảo lần này không phải chỉ bàn về tình hình giao lưu gốm sứ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng ta cần mở rộng vấn đề nghiên cứu đến tình hình giao lưu trong khu vực, để tìm hiểu rõ hơn về Con đường tơ lụa trên biển từ Nam Á, qua Ấn Độ, Nam Hải, đến Trung Quốc và Nhật Bản, và tất nhiên là qua bờ biển Việt Nam. Ngoài ra việc điều tra lại di chỉ Óc Eo, một đô thị thương mại quốc tế từ thời La Mã (thế kỷ II đến VII) ở lưu vực sông Mê Kông miền Nam Việt Nam, và nghiên cứu con đường viễn du Nam Hải của Trịnh Hòa thời Minh có lẽ cũng là một vấn đề tuy cũ mà mới.

Chúng tôi cũng đặt nhiều hy vọng vào việc phát triển hai bảo tàng qui mô nhỏ được xây dựng trong quá trình bảo tồn phố cổ Hội An là “Bảo tàng mậu dịch gốm sứ Hội An” và “Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh” thành một “Viện bảo tàng Con đường tơ lụa trên biển”.
* Gốm sứ Hizenlà một đề tài rất được chú ý tại hội thảo. Hizen là tênmột huyện ở gần thịxã Arita, tỉnh Saga, nơi bắt đầu sản xuất loại gốm sứ có chất lượng tốt đầu thế kỷ XVII,nhằm lấp chỗ trốngtrên thị trường gốm sứ do chính sách cấm vận của triều đình Mãn Thanh khiến đồ sứ Trung Hoa không thể đưa ra nước ngoài, Việc xuất khẩu gốm sứ Hizen được chính thức hóa từ năm 1650, thị trường của nó là các nước Đông Nam Á, Nam Á, Tây Phi, châu Âu và sang cả châu Mỹ. Hiện nay sứ Hizen đã khai quật ở nhiều nước Đông Nam Á như Inđônêxia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, trong đó có nhiều nhất là Indonexia và Việt Nam. Đặc điểm của sứ Hizen tìm thấy ở Việt Nam là những đĩa có chữ nhật và chim phượng.