Giáo sư Hà Văn Tấn (1937-2019), sinh ngày 16-8-1937, tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng hồi 21 giờ 02 phút, ngày 27-11-2019 (tức ngày 02 tháng 11 năm Kỷ Hợi), tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, ở Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi, trong niềm thương tiếc khôn nguôi của người thân và gia đình Giáo sư.
Giáo sư Hà Văn Tấn xuất thân trong một dòng họ có truyền thống Nho học nổi tiếng hiếu học và đỗ đạt ở xứ Nghệ – Tĩnh. Người mà thân phụ của Giáo sư Hà Văn Tấn gọi là ông chú là Cử nhân Hà Văn Gia, đỗ khoa Mậu Ngọ (1858) đời Tự Đức; bác ruột của Giáo sư Hà Văn Tấn là Phó bảng Hà Văn Đại, đỗ khoa Kỷ Mùi (1919) đời Khải Định. Khoảng các năm 1928-1929, khi Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988) đang làm việc tại tòa soạn báo Tiếng Dân ở Huế do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, thì thân phụ và bác Hà Văn Đại của Giáo sư Hà Văn Tấn thường đến thăm tòa soạn và có quen biết với Giáo sư họ Đào. Tình cảm thân thiết giữa các vị còn kéo dài mãi về sau này.
Trong nền sử học đương đại Việt Nam, từ khoảng 100 năm trở lại đây, có thể nói sự xuất hiện của Hà Văn Tấn là một hiện tượng hiếm có: Không ít người cho rằng: “Giáo sư Hà Văn Tấn là một thần đồng của nền sử học Việt Nam”. Cần lưu ý rằng trong những ngành văn hóa, nghệ thuật, tài năng thường bộc lộ sớm nhờ ở năng khiếu và thiên bẩm, như thi ca, nhạc, họa,… chẳng hạn, thì sự “xuất hiện” của những “thần đồng” không phải là điều quá hiếm. Nhưng trong ngành nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là nghiên cứu sử học, một điều kiện tối thiểu để có thể hành nghề được là phải đọc “thiên kinh, vạn quyển”… thì việc có một “vị thần đồng – giáng sinh” là câu chuyện của cả 100 năm có lẽ!

Dưới đây là vài ba nét phác họa về “thần đồng Hà Văn Tấn”: Mới 6-7 tuổi đã biết chữ Hán và thuộc nhiều thơ chữ Hán, mỗi khi họp họ Hà ở Nghi Xuân, các cụ phải bế “thằng Tấn” “đứng lên bàn đọc thơ cho cả họ nghe”⁽¹⁾. Năm 1957, mới 20 tuổi, đã tốt nghiệp đại học rồi trở thành giảng viên bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam tại trường Đại học Sư phạm, rồi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đặc biệt, các Giáo sư như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy,… đã sớm phát hiện ra tài năng hiếm có của Giáo sư Hà Văn Tấn, ngay từ khi ông mới tốt nghiệp đại học. Chính vì lẽ đó, Giáo sư Đào Duy Anh đã giao cho Giáo sư Hà Văn Tấn công việc đầu tiên là hiệu đính và chú thích bản dịch Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Công trình này do nhà Hán học lão thành Phan Duy Tiếp dịch, phần chính văn chỉ có 38 trang, nhưng phần hiệu đính và chú thích của Giáo sư Hà Văn Tấn dài tới 115 trang, với việc tham khảo 16 bộ sách cổ Việt Nam, 30 bộ sách cổ Trung Quốc, phần lớn bằng nguyên bản chữ Hán, được công bố năm 1960. Sau này, khi đã ở vào cái tuổi “nhĩ thuận” (60 tuổi – 1997), Giáo sư Hà Văn Tấn hồi tưởng lại và tâm sự rằng: “Ngày nay, đọc lại Dư địa chí, tôi không thể nào hình dung được mình đã hoàn thành công trình đó thế nào, ở tuổi 20”⁽²⁾. Vâng, đúng vậy, ngay cả người đang viết những dòng này, với gần 50 năm nghiên cứu lịch sử cổ trung đại Việt Nam, cũng thấy “thật lạ” và cũng “không thể nào hình dung được một chàng thanh niên 20 tuổi mới vào nghề nghiên cứu lại có thể hiệu đính và chú thích một văn bản chữ Hán cổ như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, được viết vào đầu thế kỷ XV (năm 1435)!”.
Công việc hiệu đính và chú thích Dư địa chí mà Giáo sư Đào Duy Anh giao cho Giáo sư Hà Văn Tấn là loại công việc nặng nhọc, dường như để Giáo sư họ Đào thử thách tài năng và nghị lực của người học trò trẻ tuổi của mình, trước khi giao cho các “gánh nặng hơn, đường đi xa hơn”, như người xưa thường nói: “任 重 而 道 遠: Nhậm trọng nhi đạo viễn”⁽³⁾.
Và cái “nhậm trọng” (gánh nặng) tiếp theo mà Giáo sư Đào Duy Anh giao cho Giáo sư Hà Văn Tấn là biên soạn 2 bộ: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (xuất bản năm 1960) và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập 1, xuất bản năm 1960), khi Giáo sư Hà Văn Tấn cũng chỉ khoảng 21, 22 tuổi!
Đặc biệt hơn, Giáo sư Hà Văn Tấn rất có năng khiếu về ngoại ngữ, ở tuổi ngoài 30, Giáo sư đã nắm chắc nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Hoa,… kể cả một số cổ ngữ rất khó như Hán – Nôm, hay chữ Phạn
(Sanskrit).
“Thần đồng – Hà Văn Tấn” không chỉ là “ngôi sao băng bay vút, sáng rực trên bầu trời sử học Việt Nam” trong những năm 60 của thế kỷ XX, mà khoảng 10 năm sau, khi ở tuổi “tam thập nhi lập”, Giáo sư Hà Văn Tấn đã trở thành một trong “tứ trụ” (Lâm – Lê – Tấn – Vượng) của nền sử học Việt Nam.
Có thể nói, trong khoảng 50, 60 năm qua, trong giới học thuật nước ta, không ai không biết đến Giáo sư Hà Văn Tấn, một nhà sử học, nhà khảo cổ học tài năng và danh tiếng. Riêng cá nhân tôi, với tư cách vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của Giáo sư Hà Văn Tấn, từ lâu rồi, tôi cho rằng thầy xứng đáng được xưng tụng là “một học giả uyên bác, bậc danh sư đa tài của ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam”.
Với 60 năm hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố trên 300 công trình khoa học, gồm các sách chuyên khảo, tham khảo, luận văn khoa học thuộc ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam như Sử học, Khảo cổ học, Địa danh học – lịch sử, Văn hóa học,… Điều đáng trân trọng là trong lĩnh vực nào, Giáo sư Hà Văn Tấn cũng đều có những đóng góp mới, những phát hiện mới,… hết sức khoa học.
Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một cách tổng quan những đóng góp của Giáo sư Hà Văn Tấn đối với ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam trong thời gian mấy chục năm qua.
1. Giáo sư Hà Văn Tấn – với các danh tác về lịch sử cổ trung đại Việt Nam
Như trên đã nói, khi mới bước chân vào nghề, Giáo sư Hà Văn Tấn được Giáo sư Đào Duy Anh phân công cùng với Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) viết về lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hết triều đại nhà Hồ (1400-1407).
Hai vị Giáo sư Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng cùng viết bộ Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy Việt Nam (xuất bản năm 1960) và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập 1: Từ thời Bắc thuộc (179 TCN – 905 SCN) đến hết thời Hồ (xuất bản năm 1960, tái bản năm 1963)). Đặc biệt, cuốn Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập 1) được giới sử học đánh giá rất cao về độ phong phú và tin cậy của nguồn sử liệu trong sách. Có thể nói, từ khi ra đời cho đến nay (2025), không có tác giả nào khi biên soạn lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thời Bắc thuộc đến hết thời Hồ lại không tham khảo bộ Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập 1) vừa kể trên. Đây không chỉ là bộ sách “gối đầu giường” cho những nhà viết sử, mà còn là sách “gối đầu giường” cho những ai yêu quý và quan tâm tới lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Giáo sư Hà Văn Tấn đã viết trên 20 công trình có giá trị khoa học cao. Trong số đó, tác phẩm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII (viết chung với Phó Giáo sư Phạm Thị Tâm), xuất bản năm 1968 (tính đến tháng 12-1975, đã in đến lần thứ 4) là một tác phẩm chuyên khảo hết sức mẫu mực, có tính chất “kinh điển” cho việc biên soạn loại sách này.
Từ khi ra đời cho đến nay, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII đã chiếm trọn vẹn tình cảm của bao thế hệ độc giả, từng nâng niu tập “cảo thơm” này trên tay mình⁽⁴⁾. Tập “cảo thơm” ấy gồm có chương Mở đầu và 9 chương chính văn. Điều đặc biệt và cũng làm tăng thêm độ hấp dẫn của mỗi chương, sự thích thú cho người đọc là ở chỗ trên đầu của mỗi chương đều có một “Lời đề từ” ngắn gọn, trích dẫn từ hoặc một câu danh ngôn, hoặc một câu thơ,… nhưng cũng phần nào tóm lược được nội dung chính của chương sách. Thí dụ:
– Chương Mở đầu: Về các nguồn sử liệu
Lời đề từ:
“Đến nay dân bốn biển
Nhớ mãi năm bắt thù”
Phạm Sư Mạnh
– Chương I: Đại Việt trước cuộc kháng chiến
Lời đề từ:
“… Nới sức dân, làm kế rễ bền sâu, gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”
Trần Quốc Tuấn
– Chương II: Đế quốc Mông Cổ hình thành và phát triển
Lời đề từ:
“… Không còn một dòng suối, một con sông nào, không tràn đầy nước mắt chúng ta.
Không một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân Tác- ta giày xéo”
V. FRIK (1210-1290)
(Nhà thơ Ácmêni)
– Chương III: Cuộc kháng chiến lần thứ nhất
Lời đề từ:
“… Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”
Trần Nhân Tông
…
Ông Bùi Kim Hồng, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu sinh viên Khoa Lịch sử (khóa 14 và 17) của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho biết tác phẩm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lúc Người đang điều trị bệnh và được lưu giữ lại trên giá sách của Người hiện nay⁽⁵⁾. Đó là một vinh hạnh lớn đối với một nhà sử học trong sự nghiệp cầm bút của mình.
Công trình cuối cùng về lịch sử cổ trung đại Việt Nam của Giáo sư Hà Văn Tấn là cuốn Sự hình thành Việt Nam, viết từ năm 1990, bằng tiếng Anh trên báo Vietnam Weekly của Thông tấn xã Việt Nam (in toàn bộ bằng tiếng Việt – năm 2017), được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước ưa thích về cách trình bày logic, súc tích, ngắn gọn, hấp dẫn và dễ hiểu về lịch sử Việt Nam từ lúc khởi đầu đến khi thành lập vương triều Nguyễn…
2. Giáo sư Hà Văn Tấn – người sáng lập, bậc học giả uyên bác của nền khảo cổ học Việt Nam
Trong “tứ trụ” (Lâm – Lê – Tấn – Vượng) thì chỉ có hai Giáo sư là Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đi sâu nghiên cứu về khảo cổ học. Có thể nói, từ hoạt động thực tiễn giảng dạy bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam và được tiếp sức thêm bởi những bài giảng trong một khóa đào tạo ngắn ngày về Cơ sở khảo cổ học của Giáo sư, Tiến sĩ P. I. Boriskovski (người Nga) tại Hà Nội, hai Giáo sư Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng là những người đi tiên phong, đặt nền móng sáng lập nên nền khảo cổ học non trẻ Việt Nam vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Chính hai thầy vừa là người trực tiếp biên soạn giáo trình, vừa là người đào tạo các thế hệ học trò chuyên ngành khảo cổ học, từ khóa đầu tiên cho đến những khóa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Theo thống kê của PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, thì có tới trên 60% trong tổng số hơn 300 công trình khoa học của Giáo sư Hà Văn Tấn là thuộc về lĩnh vực khảo cổ học, hoặc liên quan tới lĩnh vực khảo cổ học.
Ba công trình do Giáo sư Hà Văn Tấn và Giáo sư Trần Quốc Vượng biên soạn là Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy Việt Nam (xuất bản năm 1960), Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam (xuất bản năm 1962) và Cơ sở khảo cổ học (xuất bản năm 1974) đã đưa tên tuổi của hai Giáo sư trở thành những người khai sáng bộ môn khảo cổ học Việt Nam, cũng như khai sinh ra nền khảo cổ học Việt Nam⁽⁶⁾.
Giáo sư Hà Văn Tấn cùng với Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nghiên cứu và định hình về Văn hóa Sơn Vi (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), có niên đại vào khoảng 30.000 năm cách ngày nay⁽⁷⁾.
Đối với thời đại kim khí Việt Nam, Giáo sư Hà Văn Tấn say mê các phát hiện về Văn hóa Phùng Nguyên, mà thầy xem đây là sự “bắt đầu của nguồn gốc dân tộc Việt Nam”. Giáo sư Hà Văn Tấn đã viết hàng chục luận văn khoa học có giá trị về nền Văn hóa Phùng Nguyên, như: Một số vấn đề về Văn hóa Phùng Nguyên (1967), Văn hóa Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt Nam (1975), Văn hóa Phùng Nguyên: Nhận thức mới và vấn đề nghiên cứu Văn hóa Phùng Nguyên trong những năm 70 (1977), Văn hóa Phùng Nguyên “Truyền thống Sa Huỳnh – Ca LaNay” và Gốm LaPiTa” (1978), Niên đại C14 của Đồng Chỗ với giai đoạn Gò Bông trong Văn hóa Phùng Nguyên (1986), Người Phùng Nguyên và đối xứng (1969), Về những chiếc “Nha Chương” trong Văn hóa Phùng Nguyên (1993), Về những cái gọi là “Bàn dập” trong các di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên (1979), Gốm kiểu Hoa Lộc ở một số di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên (1977), Từ đồ gốm Phùng Nguyên đến Trống đồng (1974),…
Bài nào trên đây cũng đều mang đậm “dấu ấn Hà Văn Tấn”: Khảo cứu công phu, bút pháp nghiêm cẩn, với một phong cách diễn đạt đầy cảm hứng thi ca… Chúng ta thử đọc lại những dòng mở đầu của bài luận văn Người Phùng Nguyên và đối xứng dưới đây, để Giáo sư Hà Văn Tấn dẫn dắt người đọc vào “bảo tàng đối xứng” của người Phùng Nguyên: “Trên con đường thiên lý đi vào chiều sâu của lịch sử Tổ quốc, lòng ta cũng luôn luôn bồi hồi xúc động trước những cảnh sắc quen thuộc của quê hương, một mái nhà sàn, những bóng thuyền và đôi cánh chim… Ta ngắm nghía với một niềm trân trọng, biết ơn và tự hào những hình, những dáng mà tổ tiên nghìn xưa đã ghi lại. Cái đẹp nghìn xưa làm ta ngẩn ngơ không chỉ vì sức mạnh của nghệ thuật, của tâm hồn, mà còn vì sức mạnh của một tư duy đáng kinh ngạc. Dõi tìm hoạt động tư duy của con người hàng nghìn năm trước, cũng như gỡ một cuộn tơ rối, phải gỡ từng mối nhỏ (mà liệu có gỡ được không hay lại làm rối thêm). Ở đây, tôi chỉ muốn lần theo một mối tơ nhỏ: Ý niệm đối xứng ở chủ nhân Văn hóa Phùng Nguyên…”⁽⁸⁾.
Bài luận văn này được in lần đầu trong tạp chí Khảo cổ học số 3-4 năm 1969, khi ấy Giáo sư Hà Văn Tấn mới 32 tuổi. Tôi đọc Người Phùng Nguyên và đối xứng của Giáo sư Hà Văn Tấn, mà có cảm giác thích thú như đang đọc một “bài thơ bằng văn xuôi”!
Trong một bài luận văn ngắn, chúng tôi không thể kể hết được những công trình về khảo cổ học Việt Nam do Giáo sư Hà Văn Tấn trực tiếp biên soạn hoặc làm chủ nhiệm đề tài… Ở đây chỉ xin điểm một vài công trình tiêu biểu như sau:
– Giáo sư Hà Văn Tấn làm chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Bộ về Khảo cổ học Việt Nam và kết quả nghiên cứu là ba tập sách được xuất bản: Khảo cổ học Việt Nam (Tập 1: Thời đại đá Việt Nam (1998)); Khảo cổ học Việt Nam (Tập 2: Thời đại kim khí Việt Nam (1999)); Khảo cổ học Việt Nam (Tập 3: Khảo cổ học Lịch sử Việt Nam (2002)).
– Giáo sư Hà Văn Tấn cũng là chủ nhiệm các công trình: Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Lịch sử gốm cổ Việt Nam, phần đầu tiên của Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Từ điển bách khoa về khảo cổ học Việt Nam,…
– Đặc biệt, Giáo sư Hà Văn Tấn đã được Thủ tướng Chính phủ và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giao làm chủ nhiệm Chương trình Khảo cổ học Trường Sa – Tây Nguyên – Nam bộ. Chương trình đã thu được nhiều tư liệu khoa học quan trọng và quý hiếm đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử đất nước, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam”⁽⁹⁾.
3. Giáo sư Hà Văn Tấn với lịch sử tư tưởng Việt Nam
Xưa nay, trong giới học thuật phương Đông và Việt Nam, để khen ngợi một người đọc rộng, biết nhiều, bác lãm quần thư, người ta thường nói: Đó là người thông thạo Tam giáo (Nho – Phật – Đạo) Cửu lưu (Nho gia – Đạo gia – Âm Dương gia – Pháp gia – Danh gia – Mặc gia – Tung hoành gia – Tạp gia – Nông gia). Chúng tôi thiết nghĩ: Giáo sư Hà Văn Tấn là một trong số người “bác lãm quần thư” đó.
Theo tôi, trong Tam giáo (Nho – Phật – Đạo), Giáo sư Hà Văn Tấn đi sâu nghiên cứu về Phật giáo, hơn Nho và Đạo. Điều này có lý do của nó: Giáo sư Hà Văn Tấn từng giữ chức Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.
Có thể nói, bên cạnh khảo cổ học là chuyên môn chính, Giáo sư Hà Văn Tấn còn để lại dấu ấn đặc biệt nổi bật ở việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Với sở trường vừa thông thạo văn tự Hán cổ, vừa nắm vững chữ Phạn (Sanskrit), có thể nói, cho đến nay, chưa một nhà nghiên cứu sử học nào ở Việt Nam vượt được Giáo sư Hà Văn Tấn trong lĩnh vực này.
Thật vậy, chúng ta hãy tưởng tượng và trở về với năm 1963, tại Hoa Lư (Ninh Bình), người ta phát hiện một cột đá cao 65cm, có 8 mặt, mỗi mặt rộng 6,5cm. Trên các mặt đá đều có khắc chữ Hán: Đây là bài chú ở trong kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni có niên đại năm 973 (tức vào thời Đinh (968-980)).
Vấn đề được đặt ra là: Ai trong giới nghiên cứu thời bấy giờ có thể “giải mã” toàn bộ những dòng chữ Hán trên cột kinh Hoa Lư đó? Và, người được lựa chọn để gánh vác công việc giải mã ấy là Giáo sư Hà Văn Tấn, khi ấy thầy mới khoảng 27, 28 tuổi. Sau đó, như mọi người đã biết, Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố hai bài nghiên cứu công phu, khoa học về vấn đề này: “ Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”(Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 76, tháng 7-1965) và “Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư”(Tạp chí Khảo cổ học, số 5-6 năm 1970).
Sau đó, Giáo sư Hà Văn Tấn cho công bố một loạt công trình nghiên cứu có giá trị cao về Phật giáo hoặc liên quan tới Phật giáo như: Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật (1986), “Xi Vẫn” trong bài thơ về chùa Một Cột của nhà sư Huyền Quang (1991), Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam (1992), Chùa Việt Nam (1993), Chùa Vua và tín ngưỡng Đế Thích,…
Ở đây, cần nói thêm rằng: Công trình Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật là một phát hiện đặc biệt quan trọng về Phật giáo Việt Nam thế kỷ X-XIV, trong quá trình Giáo sư Hà Văn Tấn nghiên cứu các tư liệu ở giai đoạn này. Và Giáo sư đi tới nhận định quan trọng: “Khi phân tích về mặt tư tưởng, chúng ta có thể tách rời ba yếu tố Thiền, Tịnh, Mật của Phật giáo Việt Nam, nhưng khi coi Phật giáo như một thực thể tôn giáo thì ba yếu tố này lại gắn chặt với nhau thành một hệ thống nhất. Thậm chí, có khi ở cùng một nhà sư mà bài thơ này thì bộc lộ quan điểm Thiền, nghi lễ kia lại tỏ ra Mật và ông ta cũng luôn niệm tên Phật A Di Đà (tức Tịnh – TG)”⁽¹⁰⁾. Và chính từ những phát hiện này, Giáo sư Hà Văn Tấn đã khôi phục thành công đặc trưng cơ bản của Phật giáo Việt Nam từ thời Ngô đến thời Trần (giữa thế kỷ X-XIV), trong bộ sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam⁽¹¹⁾.
Trong tác phẩm Chữ trên đá, chữ trên đồng: Minh văn và lịch sử (2019), ngoài một vài luận văn về Phật giáo, Giáo sư Hà Văn Tấn còn công bố các bài liên quan tới Nho giáo và Đạo giáo như: Minh văn Sanskrit trên phù điêu Phật ở Gia Lai, Quả chuông thời Ngô với một số vấn đề lịch sử và Đạo giáo, Bài bia của Trương Hán Siêu và vấn đề phong Thành hoàng,…
4. Giáo sư Hà Văn Tấn – Bậc danh sư đa tài với tâm hồn thi sĩ
Nói chung khi mới tiếp xúc với thầy – Giáo sư Hà Văn Tấn, ai cũng có cảm giác: Đây là một nhà khoa học đang “tu luyện” trong “tháp ngà”, với tính cách hơi cao đạo và “lạnh”!
Nhưng lầm to! Nếu sống bên thầy Tấn đủ lâu, thì ngược lại, ta thấy thầy là người dễ xúc cảm và có phần hơi… “yếu mềm”!
Tôi từng chứng kiến thầy đang phát biểu thì bật khóc nức nở, trong buổi lễ chia tay cô Phạm Thị Tâm về nghỉ hưu ở tuổi 55, tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…
Giáo sư Hà Văn Tấn, cũng giống như các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng trong “tứ trụ”, có một niềm hạnh phúc rất lớn mà không phải nhà sử học nào cũng có được. Đấy là với hơn 60 năm nghiên cứu và giảng dạy, các thầy có đến hàng nghìn học trò (có lẽ hơn cả 3.000 học trò của cụ Khổng!) ở khắp dải đất hình chữ S này!
Riêng nói về việc đào tạo phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), chỉ tính tới năm 1997, Giáo sư Hà Văn Tấn “đã cho ra lò” 20 nhà nghiên cứu khảo cổ học xuất sắc. Trong cuốn sách Giáo sư Hà Văn Tấn với sự nghiệp đào tạo các nhà khoa học, thầy Tấn bộc bạch: “Tôi vô cùng xúc động khi những học trò thân thiết năm xưa, nay đã là ông bà phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ – TG), có sáng kiến soạn một quyển sách mừng tôi 60 tuổi (1937-1997 – TG). Ở đây có 20 người làm luận án, dưới sự hướng dẫn của tôi. Chẵn 20 người. Đó là một con số tròn có ý nghĩa may mắn đối với tôi. Không may mắn sao được, 60 tuổi, 40 năm dạy học và có 20 học trò bảo vệ luận án thành công. Thật là hạnh phúc”⁽¹²⁾.
Điều rất đáng trân trọng là những học trò do Giáo sư Hà Văn Tấn hoặc hướng dẫn luận án phó tiến sĩ (tiến sĩ), hoặc luận văn đại học năm nào, ngày nay (2025), không ít người đã trở thành các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ học, mà cũng đều ở vào cái “tuổi xưa nay hiếm – trên 70”, thí dụ như PGS.TS. Tống Trung Tín, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, PGS.TS. Trình Năng Chung, PGS.TS. Nguyễn Công Việt, PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ, TS. Ngô Thế Phong, TS. Phạm Quốc Quân, TS. Hà Văn Phùng, TS. Nguyễn Đình Chiến, TS. Nguyễn Văn Sơn,…
Nhưng không mấy người biết rằng, Giáo sư Hà Văn Tấn không những là một nhà khoa học uyên bác, nghiêm cẩn, bậc danh sư đạo cao, đức trọng, mà thầy còn là một thi sĩ đích thực. Vào quý IV, năm 2020, nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ấn hành tập thơ của Giáo sư Hà Văn Tấn dưới nhan đề: Thơ Hà Văn Tấn⁽¹³⁾.
Trong tập Thơ Hà Văn Tấn được chia làm 3 phần: Những bài thơ yêu thích, Những bài thơ dịch và Những bài thơ sáng tác. Thiết tưởng để hiểu phẩm chất thi sĩ đích thực của Giáo sư Hà Văn Tấn, chúng ta cần đọc kỹ các bài thơ sáng tác của tác giả. Thực ra, cái gọi là Thơ Hà Văn Tấn chỉ được Giáo sư sáng tác vào thời thanh niên là chủ yếu từ năm 1956 đến năm 1972. Trong đó, theo tôi hay nhất là các bài “thơ tình” mà “chàng thanh niên Hà Văn Tấn”, gửi tặng “nàng thơ” của mình là nữ họa sĩ Ngô Thị Quỳnh Nga (phu nhân của thầy sau này).
Tôi tự hỏi: Có cô gái nào đang yêu mà không tràn đầy hạnh phúc khi đọc những vần thơ dịu ngọt trong bài
Bê-tô-ven và Em dưới đây:
Hồn như đu đưa, theo bài Xô-nát
Tiếng châu gieo, nhạc của Bê-tô-ven
Em bỗng đến, như đi cùng tiếng nhạc
Quỳnh Nga chăng? Có phải đúng là em?
Không gian im. Tơ lòng lên tiếng hát
Dường chỉ nghe: tiếng đập của tim em
Bỗng nhạc dậy, như sóng dâng dào dạt
Bê-tô-ven? Có phải Bê-tô-ven?
Cảm ơn Người, Bê-tô-ven vĩ đại
Trong đau thương, vẫn trân trọng Con Người.
Người đã dạy cho đời sau, nhân loại
Dẫu đắng cay, biết tin có niềm vui.
Cảm ơn Em, em Quỳnh Nga nhỏ bé.
Đến cùng anh, xóa sạch mọi ưu tư
Ở bên em, lòng anh như con trẻ
Trong lành sao như một tiếng ru xưa.
Em là ong cho đời anh thêm mật
Bê-tô-ven cho kiêu hãnh làm người
Ta nâng niu những gì nhân đạo nhất
Là phù sa cho cuộc sống xanh tươi.
Ngày 20-3-1971
(Em đến khi anh còn nghe
bản Sonate thứ nhất của Bê-tô-ven)
Người ta thường nói: “Khi tình yêu say đắm xâm chiếm cõi lòng, thì chàng trai nào cũng hóa thân thành thi sĩ”. Bài thơ Bê-tô-ven và Em của “thi sĩ Hà Văn Tấn” trên đây, có thể đặt bên cạnh những bài thơ tình hay nhất của thi nhân Việt Nam trong phong trào Thơ mới, thời tiền chiến (1932-1941)… Vì một bài thơ tình hay là những rung động chân thực phát ra từ trái tim… đang yêu!
Và đây nữa: Nỗi nhớ người yêu da diết, trong một đêm mưa, cô đơn… Ở nơi sơ tán Đại Từ – Thái Nguyên, với rừng cọ, đồi chè chăng?:
Trời giông nửa đêm
Ào ào rừng cọ
Không ngủ, nhớ em
Nằm nghe: mưa gió…
Mưa đã tạnh rồi
Ta còn trăn trở
Trăng xanh khắp đồi
Càng thêm nỗi nhớ!
6-71
Ngoài hai bài thơ trên, theo tôi còn 3 bài là: Nho, Nỗi nhớ hôm nay và Bạch Đàn là những bài thơ tình khá hay, rất đáng đọc! Tôi đồng cảm với nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên khi nhận xét về “thơ tình Hà Văn Tấn” dưới đây: “Khi yêu, Hà Văn Tấn là một tình nhân say đắm, dạt dào như mọi chàng trai trên đời, ở đâu lúc nào cũng có em… Em thành nỗi nhớ thường trực trong anh đêm ngày tối sáng, nhớ điên cuồng mạnh mẽ đủ mọi cung bậc, “Nỗi nhớ mênh mông vì tình anh tha thiết / Cho riêng em, mãi mãi thuộc về em”⁽¹⁴⁾.
Trong tập Thơ Hà Văn Tấn, ở trang 129, có 4 bức ký họa: Giáo sư Đào Duy Anh, PGS.TS. Chương Thâu, Con trai Hà Văn Cẩn và Bà nội cõng Cẩn, do “họa sĩ nghiệp dư” Hà Văn Tấn thực hiện. Chỉ vài nét phóng bút phác họa nhưng rất có hồn…


5. Kết luận
1. Nói về phẩm chất các sĩ phu Nghệ – Tĩnh, sử gia Phan Huy Chú ở đầu thế kỷ XIX từng nhận xét: “Sĩ phu Nghệ An [Hà Tĩnh] phần nhiều trọng khí tiết, có tính hào hiệp, hiếu học. Văn chương thì chuộng cứng rắn, chứ không ưa hoa lệ… Vì thế, những bậc quan to, đỗ cao, đời nào cũng có. Nhiều người nổi tiếng, khắp nơi biên quận, triều đình, tên ghi trong sử sách…”⁽¹⁵⁾.
Những lời nhận xét trên đây về nhân cách, phẩm hạnh của sử gia họ Phan về sĩ phu Nghệ – Tĩnh vẫn hoàn toàn đúng khi luận bàn đối với các học giả đất Hồng Lĩnh ngày nay.
Chỉ nói riêng trong phạm vi “tứ trụ” thì ba Giáo sư: Lâm – Lê – Tấn có thể xem là những “sĩ phu” tiêu biểu của xứ Nghệ – Tĩnh và đều là các học giả, sử gia hàng đầu trong nền sử học đương đại.
2. Nhưng với Giáo sư Hà Văn Tấn, mặc dù văn chương không kém phần cứng rắn, nhưng không phải không ưa hoa lệ.
Ta thử đọc những “Lời đề từ” ở đầu mỗi chương trong tác phẩm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII chẳng điểm xuyết đôi nét hoa lệ đó sao!
Rồi để mở đầu cho luận văn Người Phùng Nguyên và đối xứng, Giáo sư Hà Văn Tấn trích 4 câu thơ trong bài Trên đường thiên lý của nhà thơ Tố Hữu:
Nghìn năm cũ đang hồi xuân thắm lại
Ta đứng vậy, ngẩn ngơ mà ngắm mãi
Quê hương ta. Nghe phấp phới trong lòng
Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông.
Và vẻ đẹp của bài khảo cứu này, theo tôi, không chỉ hoa lệ, mà còn diễm lệ nữa…
Còn những bài thơ đầy chất lãng mạn, diễm tình mà ở trên, chúng tôi đã dẫn, tất cả cho thấy trước mắt chúng ta không chỉ có một Hà Văn Tấn uyên bác, đa tài, mà còn có một Hà Văn Tấn lãng mạn, đa tình…
Và đó chính là điều đặc biệt, khác biệt của Giáo sư Hà Văn Tấn so với ba thầy còn lại trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam.
3. Với những cống hiến khoa học đặc biệt xuất sắc, Giáo sư Hà Văn Tấn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng học hàm và nhiều danh hiệu cao quý như Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo Ưu tú (1990), Nhà giáo Nhân dân (1997), Chuyên gia Cao cấp (2002), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba (1992), Huân chương Lao động hạng Nhất (1997), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2000).
Có thể nói tên tuổi, tài năng và nhân cách của Giáo sư Hà Văn Tấn đã trở thành huyền thoại, có giá trị tinh thần to lớn, một tấm gương sáng của giới sử học, khảo cổ học Việt Nam hôm nay và mai sau.
CHÚ THÍCH:
1. Thơ Hà Văn Tấn (2020), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 141.
2. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử – văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 108.
3. Trích từ một câu của Tăng tử trong sách Luận ngữ. Tăng tử viết: “士 不 可 以 不 弘 毅 任 重 而 道 遠 仁 以 為 己 任 不 亦 重 乎 死 而 後 已 不 亦 逺 乎 – Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị. Nhậm trong nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhậm, bất diệc trọng hồ?. Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?” (Dịch nghĩa: Tăng tử nói: “Kẻ sĩ không thể không có chí khí và nghị lực lớn, gánh thì nặng, mà đường thì xa. Lấy chữ “nhân” làm cái gánh của mình, há chẳng nặng sao? Đến chết mới thôi, há chẳng xa sao?” (Luận ngữ – Thái Bá).
4. Cha tôi là cụ Nguyễn Duy Như (1911-2003), sinh thời rất thích đọc Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Ở vào tuổi 70, cha tôi vẫn bỏ ra tới hơn 2 năm (1974-1976) để diễn ca lịch sử 3 lần kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (1258-1285-1288) (dựa vào bộ sách trên của Giáo sư Hà Văn Tấn – Phó Giáo sư Phạm Thị Tâm), chia ra làm 5 hồi, gồm có 2.748 câu thơ song thất lục bát (xem: Nguyễn Duy Như (2016), Chống Nguyên – Mông, Phụ lục: Ngoại giao Tây Sơn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 153).
5. Tống Trung Tín, “Giáo sư Hà Văn Tấn, Nhà khảo cổ học – bác học của Việt Nam và sự nghiệp khoa học đồ sộ”, tạp chí Khảo cổ học, số 6-2019.
6. Tống Trung Tín, “Giáo sư Hà Văn Tấn, Nhà khảo cổ học – Bác học của Việt Nam và sự nghiệp khoa học đồ sộ”, Sđd.
7. Hà Văn Tấn (Chủ biên, 1998), Khảo cổ học Việt Nam, tập 1: Thời đại đá Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 106.
8. Hà Văn Tấn (2020), “Người Phùng Nguyên và đối xứng”, trong Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 412.
9. Tống Trung Tín, “Giáo sư Hà Văn Tấn, Nhà khảo cổ học – Bác học của Việt Nam và sự nghiệp khoa học đồ sộ”, Sđd.
10. Hà Văn Tấn (2005), “Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật”, trong Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 293.
11. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên, 1992), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 128-285.
12. Viện Khảo cổ học (1997), Giáo sư Hà Văn Tấn với sự nghiệp đào tạo các nhà khoa học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 5.
13. Hà Văn Tấn (2020), Thơ Hà Văn Tấn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
14. Hà Văn Tấn (2020), Thơ Hà Văn Tấn, Sđd, tr. 10. 15. Đại Nam nhất thống chí (2012), tập 1, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb. Lao động – Trung tâm Văn hóa, Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 783.