Hậu duệ Mạc Cửu với vùng đất Tân Hưng (Cà Mau)

Hà Tấn Tài

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Đầu thế kỷ XVIII, các cộng đồng người Việt từ Phú Quốc kéo dài tới Cà Mau bắt đầu được tập hợp lại dưới sự chỉ huy của một thủ lĩnh người Hoa di cư từ Lôi Châu tới. Đó là Mạc Cửu. Ông đặt trung tâm chính trị của mình ở vùng đất nằm ven Đông Hồ và đặt tên cho nó là Hà Tiên. Điều đó khiến cho vùng đất này trở thành tâm điểm chú ý của các nhà nghiên cứu khi bàn về họ Mạc. Nhưng Mạc Cửu và hậu duệ của họ còn ghi dấu ấn ở một nơi khác – vùng Cà Mau.

Từ xứ Tức Nhà Mao tới huyện Long Xuyên

Thời điểm xuất hiện các khu định cư người Việt ở vùng bán đảo Cà Mau vẫn còn là điều chúng ta chưa rõ. Khoảng đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu đã chiêu tập dân chúng người Việt ở xứ Kha Mao (Cà Mau) để hình thành nên bảy xã thôn ở xứ Hà Tiên⁽¹⁾. Sau khi bị Cao Miên đánh bật và phải sang nương nhờ chúa Nguyễn, Mạc Cửu đã chọn vùng Đầm Cùng, Rạch Sỏi của xứ Tức Nhà Mao để làm chỗ đứng chân tạm thời, trước khi một lần nữa quay lại Hà Tiên⁽²⁾.

Năm 1757, Mạc Thiên Tứ đặt Cà Mau thành đạo Long Xuyên. Khác với các lỵ sở khác như Hà Tiên, Kiên Giang, Trấn Giang, lỵ sở đạo Long Xuyên (thành phố Cà Mau hiện nay) không nằm trên một đường giao thương thông thoáng, mà lại nằm ở trung tâm của bán đảo Cà Mau. Mặc dù vậy, nó lại là trung tâm hội tụ của nhiều con đường thủy từ biển đi sâu vào bán đảo. Năm 1810, Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu cho biết có ít nhất bốn ngả đường vào đạo Long Xuyên: Phía đông từ cửa biển Mỹ Thanh, phía đông nam từ sông Gành Hàu, phía tây nam từ sông Bảy Háp và phía tây từ sông Ông Đốc⁽³⁾. Năm 1806, Lê Quang Định tả vùng này: “Ở đây có miếu Hội Đồng, phía đông là nhà cửa của người Kinh, người Hoa rất đông đúc, phía tây là nhà cửa của người Cao Miên nhưng thưa thớt”⁽⁴⁾.

Năm 1808, vua Gia Long đổi đạo Long Xuyên thành huyện⁽⁵⁾. Huyện Long Xuyên bắt đầu đặt hai tổng Long Thủy và Quảng Xuyên. Năm 1820, Trịnh Hoài Đức thống kê toàn huyện Long Xuyên có 40 xã, thôn, xóm, nậu, thuộc, nhưng chỉ thống kê tổng Long Thủy có 23 xã, thôn, nậu, thuộc; tổng Quảng Xuyên có 9 thôn, nậu⁽⁶⁾.

Ấn gỗ “Hội đồng Mạc Thiện Hữu”. Ảnh: Hà Tấn tài

Họ Mạc với vùng đất Tân Hưng

Chúng ta không rõ tình hình bộ máy cai trị đạo Long Xuyên dưới thời Mạc Thiên Tứ. Nhưng đạo này nhiều lần trở thành căn cứ địa để dòng họ Mạc lui về mỗi khi gặp khó khăn. Sau khi thất bại trong trận tái chiếm Hà Tiên năm 1772 cũng như khi bị Tây Sơn truy bức vào năm 1777, Mạc Thiên Tứ đều lui về Long Xuyên. Năm 1789, khi từ Xiêm trở về, con trai ông là Mạc Công Bính cũng đã về trú ở Long Xuyên, vì Hà Tiên đang có dịch bệnh. Mạc Công Bính sau đó có quay lại Hà Tiên một thời gian ngắn, nhưng rồi nhanh chóng trở lại Long Xuyên và ở đó cho đến khi qua đời.

Mặc dù sự truyền nối của họ Mạc ở Hà Tiên đã chấm dứt sau khi Mạc Tử Khâm không có con nối dõi, hậu duệ họ Mạc vẫn còn đông tại Cà Mau. Truyền ngôn trong dòng họ nói rằng, họ là đời sau của Mạc Công Tây (tức Mạc Công Thê – con trai Mạc Thiên Tứ). Một trong những tổ tiên mà họ còn nhớ tên sau Mạc Công Tây là Mạc Hầu Thuận, dưới ông này là ba người Mạc Bá Trực, Mạc Bá Thiện, Mạc Bá Triện. Ba người đã từ Kiên Giang dời sang định cư ở huyện Cái Nước vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Những thành viên lớn tuổi trong dòng họ còn nhớ được gia phả các con của ba ông Mạc Bá trở đi⁽⁷⁾. Từ những thông tin mách bảo này, truy tìm trong kho tài liệu lưu trữ, chúng ta tìm thấy được một số thông tin quý báu giúp làm rõ lịch sử định cư và khai phá của họ Mạc ở một số địa bàn tại Cà Mau. Cụ thể là ở thôn Tân Hưng.

Thôn Tân Hưng đã xuất hiện trong danh sách của Trịnh Hoài Đức từ năm 1820. Địa bạ năm 1836 ghi thôn Tân Hưng ở năm xứ: Lạp Đà (Rạch Nón), Cái Mũi, Cái Lận, Nam Căn và Đầm Cùng. Đất đai thôn này kéo dài ra tận biển. Ruộng đất lúc đó phần lớn là công điền. Chỉ có một chủ sở hữu tư điền họ Nguyễn. Thôn trưởng khi đó là Nguyễn Văn Thanh, Dịch mục là Lê Văn Dương⁽⁸⁾.

Đinh điền bạ thôn Tân Hưng năm 1869 vẫn chưa ghi nhận bất kỳ thành viên nào của họ Mạc. Lúc đó nhân đinh (nam) của thôn mới có 74 người. Thôn trưởng là Nguyễn Văn Bá⁽⁹⁾. Tuy nhiên, đến năm 1877, đinh điền bạ thôn này đã ghi nhận một người họ Mạc là “Mạc Văn Tình 鄚文情 – niên canh Canh Tuất [1850], 27 tuổi”⁽¹⁰⁾.

Mạc Văn Tình chính là người con trai đầu của ông Mạc Bá Trực. Khu mộ ông Mạc Bá Trực ở cầu Bộ Tời, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Đinh điền bạ ghi họ Mạc có bộ Ấp. Điều này cho thấy rõ ông Mạc Văn Tình thuộc về một nhánh họ Mạc ở Hà Tiên. Ở Cà Mau vẫn còn mộ Mạc Văn Tình. Bia mộ bằng chữ Quốc ngữ, ghi tên là Mạc Tử Tình, sinh quán Hà Tiên, trú quán Cà Mau, từ trần ngày 17-7-1908.

Theo lời truyền khẩu trong dòng họ, ông Mạc Bá Trực sinh năm người con trai, đặt tên lần lượt là: Tình, Ý, Có, Của, Tiền. Ở Cà Mau vẫn còn mộ của Mạc Tử Có, Mạc Tử Của. Nhưng mộ đều được xây mới và bia mộ bằng chữ Quốc ngữ. Bia mộ Mạc Tử Có ghi ông sinh năm 1852, mất ngày 06-01-1932. Bia mộ Mạc Tử Của ghi ông sinh năm 1854, mất ngày 16 tháng tám Âm lịch không rõ năm.

Lời truyền của dòng họ được chứng thực qua ghi chép của đinh điền bạ thôn Tân Hưng năm 1881. Đinh điền bạ ghi nhận có:

Mạc Văn Tình trong đinh điền bạ 1877. Ảnh: Hà Tấn tài
Cháu nội và cháu cố ông Mạc Bá Trực, con ông Mạc Tử có hậu duệ đời thứ 9 của ngài Mạc Cửu tại Cà Mau. ảnh gia đình cung cấp

– Mạc Văn Ý 鄚文意 – niên canh Nhâm Tý, 29 tuổi [tr. 8].

– Mạc Văn Có 鄚文固 – niên canh 27 tuổi [tr. 17].

– Trịnh [sic] Văn Tình 鄭文情 – niên canh 31 tuổi [tr. 24]

– Trịnh [sic] Văn Tiền 鄭文前 – niên canh 20 tuổi [tr. 24].

– Trịnh [sic] Văn Của 鄭文𧵑 – niên canh 24 tuổi [tr. 25]⁽¹¹⁾.

Họ Mạc gốc Hà Tiên có bộ Ấp. Trong khi họ Mạc 莫 bình thường không có bộ Ấp. Chữ Mạc bộ Ấp dễ nhầm với chữ Trịnh. Vì vậy đinh điền bạ Tân Hưng lúc đầu ghi đúng là Mạc, nhưng sau đều sửa thành Trịnh. Nhưng ta có thể nhận ra đó là năm anh em con trai Mạc Bá Trực: Mạc Văn Tình (1850-1908), Mạc Văn Ý (1852-?), Mạc Văn Có (1854-1932), Mạc Văn Của (1857-?), Mạc Văn Tiền (1861-?). Bia mộ hiện nay đã nhầm ngày sinh của ông Ý cho ông Có và nhầm ngày sinh của ông Có cho ông Của.

Đinh điền bạ còn ghi một người là Trịnh Văn Chiếm 鄭文佔 – niên canh 54 tuổi [tr. 43]; một người là Trịnh Văn Ninh 鄭文寧 – niên canh 30 tuổi [tr. 49]. Vào năm 1881, cả năm người con trai của Mạc Bá Trực đều không có đất nộp thuế. Chỉ riêng Trịnh Văn Ninh (1851-?) có một mẫu đất ở ấp Cái Rắn [tr. 61], Trịnh Văn Chiếm (1821-?) có một mẫu đất ở Trà (?)⁽¹²⁾.

Ở Cái Rắn hiện nay còn một khu mộ khác của họ Mạc. Đó là khu mộ của vợ chồng Mạc Bá Thiện và một số hậu duệ. Truyền ngôn của gia tộc cho biết ông Mạc Bá Thiện sinh được bảy người con: Mạc Thị Viên, Mạc Thị Phương, Mạc Thị Mè, Mạc Thị Ngân, Mạc Tử Ninh, Mạc Tử Kiển và Mạc Tử Chính. Khu mộ này còn có mộ vợ chồng Mạc Tử Chính (1872-1956), mộ con ông Chính là Mạc Nam Niên (1920-1999). Không loại trừ khả năng chữ Trịnh trong tên Trịnh Văn Ninh cũng là chữ Mạc chép sai.

Vào năm 1881, năm người con Mạc Bá Trực ở Tân Hưng vẫn là những người chưa sở hữu đất. Nhưng theo lời truyền trong dòng họ, Mạc Tử Có về sau được làm Hội đồng. Hội đồng Có còn mang một tên khác là Mạc Thiện Hữu 鄚善有. Năm 1901, ở Hà Tiên trùng tu Mạc công miếu. Mạc Thiện Hữu cũng có tên trong danh sách quyên góp. Bài vị của ông cũng được gửi thờ ở đây, đề rằng: “Công phái Kha Mao hạt Tân Hưng thôn Hội đồng húy Thiện Hữu, Mạc phủ”. Ông Mạc Hồng Quân – người coi sóc khu mộ Mạc Bá Trực – còn giữ được mộc gỗ đề “Hội đồng Mạc Thiện Hữu”.

Năm 1933, người Pháp chia đất cho các sở hữu chủ ở Tân Hưng. Trong đó có nhiều người họ Mạc. Ông Mạc Văn Có (Mac Van Co) được chia lô đất số 114, rộng 1ha 13a 60. Con trai ông Có là Mạc Văn Tài (Mac Van Tai) được chia lô đất số 29, rộng 80a 80; lô đất số 30, rộng 4ha 3a 20; lô đất số 33, rộng 5ha 55a⁽¹³⁾.

Truyền ngôn trong gia tộc cho biết ông Mạc Văn Tài về sau biết ở Hà Tiên đời trước có Mạc Công Tài, nên đổi cách đọc tên mình thành Tời. Trước nhà ông Mạc Hồng Quân (nơi có khu mộ Mạc Bá Trực) còn địa danh cầu Bộ Tời. Tương truyền là do ông Mạc Văn Tài xây dựng. Mạc Văn Tài sinh con trai là Mạc Thiên Não (Nảo). Đó là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Chú thích:

1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển 3, ký hiệu Vietnamien A74, tờ 49b.

2. Lê Đản, Nam Hà tiệp lục, ký hiệu A.586, tờ 66b.

3. Tống Phước Ngoạn, Dương Văn Châu, Xiêm La quốc lộ trình tập lục, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2017, tr. 119, 120, 122.

4. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr. 337.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 9.

6. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển 3, ký hiệu Vietnamien A74, tờ 72a-b.

7. Lời thuật của ông Mạc Hồng Quân và ông Mạc Tử Bô (Cà Mau).

8. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Hà Tiên, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 277-278.

9. Đinh điền bộ thôn Tân Hưng năm 1869, ký hiệu 2797, lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

10. Đinh điền bộ thôn Tân Hưng năm 1877, ký hiệu 2798, lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

11. Đinh điền bộ thôn Tân Hưng năm 1881, ký hiệu 2855, lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

12. Một chữ trong văn bản không có trong từ điển, chưa giải nghĩa được.

13. République Française, Bulletin administratif de la Cochinchine, Saigon, 1933, p. 2439, 2441, 2442.

Bài liên quan

Bài đăng mới