Hoàng hậu Hồ Thị Hoa

Tôn Thất Thọ

Tạp chí Xưa&Nay, số 569, tháng 11 năm 2024

Dưới thời nhà Nguyễn, vùng đất Thủ Dầu Một ngày nay xưa là huyện Bình An, thuộc phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa, trong hệ thống Nam kỳ Lục tỉnh. Lỵ sở huyện Bình An thời đó đặt tại thôn Phú Cường. Về vị trí của huyện Bình An, sách Đại Nam nhất thống chí soạn đời Tự Đức chép:

“Huyện Bình An ở cách phủ 30 dặm lệch về phía tây nam; đông tây cách nhau 21 dặm, nam bắc cách nhau 49 dặm, phía đông đến địa giới huyện Nghĩa An 19 dặm, phía tây đến địa giới huyện Bình Giang tỉnh Gia Định 7 dặm, phía bắc đến lâm phận huyện Phước Bình 42 dặm.

Nguyên là tổng Bình An, năm Gia Long thứ 7 đặt làm huyện. Năm Minh Mệnh thứ 18 lấy dân Man ở thủ An Lợi cùng 3 tổng dân Kinh huyện này chia đặt 5 tổng. Năm Thiệu Trị thứ 6, lại chia tổng Bình Thổ đặt tổng Bình Lâm, nay lãnh 6 tổng, 58 xã thôn ấp. 2 bang người Thanh và 2 huyện tinh nhiếp” (ĐNNTC, sđd, tr. 42).

Đến thời Pháp thuộc, huyện Bình An tách khỏi tỉnh Biên Hòa để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một. Lúc này, lỵ sở huyện Bình An trở thành tỉnh lỵ tỉnh Thủ Dầu Một. Dân số vào thập niên 1930 là 6.700 người. Cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí, nhân vật lịch sử người Việt đầu tiên của vùng đất Thủ Dầu Một được Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến là ông Hồ Văn Bôi. Sách chép:

“Hồ Văn Bôi người huyện Bình An đầu đời trung hưng, theo đòi dưới ngựa, có công đi theo Vọng Các, làm Cai đội đời Gia Long, thăng Chưởng cơ rồi mất. Có con gái hầu hạ vua từ lúc chưa lên ngôi, tức là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Năm Thiệu Trị thứ 1, truy tặng Tả quân Đô thống phủ Chưởng phụ sự Thái bảo, thụy Trung Dũng, tước Phúc Quốc công” (ĐNNTC, sđd, tr. 94).

Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, Tá Thiên Nhân Hoàng hậu có tên là Hồ Thị Hoa, còn có tên là Thực. Bà sinh năm 1791 trong gia tộc họ Hồ nổi tiếng ở đất Thủ Dầu Một. Năm 1806, khi được 15 tuổi, vì là con của đại thần, bà được Thế tổ Cao Hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để làm nguyên phối cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Đảm; sau này là Hoàng đế Minh Mạng. Bà tính dịu dàng, thận trọng, hiền đức, một lòng hiếu kính nên vua Gia Long rất ngợi khen, ban cho tên Thực. Nguyên trước đó, nhà vua bảo:Phi nguyên có tên Hoa là lấy ý nghĩa của 4 chữ “Đặc dĩ phương văn” (để truyền hương thơm), sao bằng tên Thực gồm có cả quả phúc” (NPTTP, sđd, tr. 242).

Tháng 5 năm Đinh Mão (1807), tức một năm sau khi vào cung, bà sinh Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau này, nhưng rất tiếc, sau đó chỉ 13 ngày thì bà mất. Lăng bà được táng ở núi Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng Hoàng hậu gọi là Hiếu Đông Lăng (孝東陵) và linh vị thờ tại điện Sùng Ân cùng Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng. Lăng Hoàng hậu có quy thức tương tự lăng các chúa Nguyễn với 2 vòng bảo thành xây gạch bao bọc lấy mộ phần bên trong. Vòng tường ngoài trước cao 3,6m, sau cao 3,2m, chu vi 85m, mặt trước trổ 1 cửa vòm, cánh cửa bằng đồng. Vòng tường trong cao 2,5m, chu vi gần 60m, trước cửa có bình phong xây gạch. Mộ phần xây kiểu nhà đá có mái.

Bên ngoài lăng là 3 tầng sân bái đình lát gạch, 2 bên có lan can. Phía ngoài bái đình lại có 1 tầng sân lát gạch. Trước sân có hồ bán nguyệt. Bên kia hồ, 2 bên dựng trụ biểu, bên trái lại có 1 đài công sở làm nơi trực cho lính hộ lăng. Đài công sở này nay đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Sách Đại Nam liệt truyện chép năm Minh Mạng thứ 2 (1821), bà được tặng Chiêu Nghi, thụy Thuận Đức. Đồng thời vua ban sách văn công bố:

“Lễ là lẽ đương nhiên, ban tên thụy để tỏ rõ điển cố; ân nghĩa là ở đó, truy khen để long trọng nghĩ văn. Chọn được ngày lành, ban ra sắc chỉ: Nghĩ rằng: Tuyển thị Hồ nếp nhà trâm anh cao quý, nết người hiền diệu thanh cao. Chốn khuê phòng thường giữ đoan trang, làm không trái đạo, nơi tiềm để sớm nêu hiền hậu, để lại tiếng hay. Vừa ứng điềm hùng (tức sinh trai -TTT chú) ân sủng đương được đằm thắm; vội tỉnh mộng kiến, tuổi đời chưa được hưởng nhiều. Nghĩ người khuất đi, rất là thương xót. Đặc sai sứ thần bưng sách bạc tặng phong làm Chiêu Nghi, thụy là Thuận Đức. Mong rằng: Nhận lấy huy kính theo sắc mệnh, để thỏa linh hồn người đức tốt ngày xưa, để lâu hưởng ơn nêu khen vẻ vang mãi mãi”.

Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), bà được tấn tặng lên Tần phi. Vua lại ban sách văn:

“Nhớ lại: Nguyên tặng phong làm Chiêu Nghi là Hồ thị khi trước, dòng dõi nhà tướng phiệt họ sang, thể chất tựa quỳnh giao ngọc quỹ; giữ đạo phòng khuê, khi ở tiềm để đã nêu đức hạnh tốt hay, rủ nhiều bóng cả vì ở cây cao, để phúc đông dài dàn lũ. Hoa tai vàng đã lâu khuất vẻ; quản bút để lại còn thấy ngát hương. Nghĩ năm xưa ân cách ban ra, điển tặng phong đã lừng hương ngát; đến ngày nay cung giai mới định, tên vinh dự thâm thỏa hồn thơm. Lại ban điển thường, để khắp nơi đều nhuần thấm. Mong rằng: Kính theo mệnh lệnh quý trọng, nhận lấy tên gọi vẻ vang, một chữ sắc phong, thâm thỏa linh hồn chín suối; nghìn thu thờ cúng, còn dài hương khói lâu dài…” (ĐNLT, sđd, tr. 16).

Dù chỉ làm vợ chồng với vua Minh Mạng hơn một năm nhưng mối tình của bà và vua Minh Mạng vô cùng sâu đậm. Vì vậy, 21 năm ở trên ngai vàng “trong cung vẫn để trống ngôi chính, há chẳng phải là để tưởng nhớ người vợ hiền lương chăng?”.

Tháng 3 năm 1841, dưới triều vua Thiệu Trị, nhà vua đã sách phong mẹ mình là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân Hoàng hậu. Đồng thời vua ban biểu trong đó có đoạn: “Hiếu không lớn bằng làm cho bề thân rạng rỡ. Lễ không gì trọng bằng tặng lấy danh hiệu tôn vinh. Cho nên vương giả chịu mệnh, truy tôn người sinh ra mình. Đó là nghĩa thường xưa nay. Kính nghĩ: Thuận Đức Thần phi Hồ thị đức hiền, nết tốt, dòng dõi danh giá, sáng suốt gây điềm, giúp cho xã tắc. Theo lễ, nên truy dâng huy hiệu…

Kính nghĩ: Thuận Đức Thần phi Hồ thị…khoan rộng vốn là bản tính, kính nghĩa định tên tự trời. Lòng từ ái chan chứa chốn tiên phòng, đức tốt đẹp nối thơm nơi kinh thất (nơi cung vua)…” (ĐNLT, tr. 17).

Ngày 16 tháng 4 năm đó, vua dẫn tôn nhân văn võ đình thần dâng kim sách kim bửu truy tôn là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu và được đưa về phối thờ với Thánh tổ tại Thế Miếu ở gian thứ nhất bên trái. Đồng thời cũng cho lập nhà thờ tại nguyên quán gọi là Hồ tộc từ đường.

Trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên, tác giả Lương Văn Lựu đã xếp Hoàng hậu Hồ Thị Hoa là một trong những “anh thư, liệt nữ” của đất Biên Hòa xưa, tức Thủ Dầu Một hiện nay. Bà đứng ở vị trí thứ 2 sau bà Ngọc Vạn, người có công đầu trong khai mở vùng đất Nam bộ của nước Việt.

Nhà Nguyễn xuất phát từ Gia Miêu ngoại trang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến đời con cháu, nhất là từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng trở đi, nhà Nguyễn gắn chặt với vùng đất Nam bộ. Rất nhiều vua chúa nhà Nguyễn không chỉ lấy đất Đồng Nai, đất Nam bộ làm nơi dung thân, làm “bàn đạp” để mở mang cơ nghiệp mà nhiều vị còn lấy vợ vùng Nam bộ, trong đó có bà Hồ Thị Hoa; một người con của đất Thủ Dầu Một năm xưa.

Sách Biên Hòa sử lược toàn biên và nhiều tài liệu khác cũng cho biết vì tên bà là “Hoa” nên đến đời vua Thiệu Trị có dụ kỵ húy tên bà, vì thế, tỉnh Thanh Hoa đã được đổi tên thành tỉnh Thanh Hóa (trước đó Thanh Hóa cũng đã có thời kỳ mang tên này, nhưng việc đổi tên năm 1841 là vì kỵ húy tên hoàng hậu). Ngoài ra, theo sự lý giải của vài nhà nghiên cứu khác vì bà còn có tên khác là Hồ Thị Thực, nên người dân cũng nói tránh đi là “thật” để thay cho “thực”, và dần dần đọc trại đi thành “thiệt” như “thiệt sự”, “thiệt lòng”. Việc vua Thiệu Trị ban lệnh kỵ húy chữ “hoa” là có thực, tuy nhiên có nhiều địa danh không phải do kỵ húy tên hoàng hậu mà phải đổi, ví dụ, chợ Đông Ba ở Huế chưa bao giờ mang tên Đông Hoa. Cũng vậy, cầu Bông ở Gia Định không phải do cầu Hoa mà có.

Lăng bà Hoàng hậu Hồ Thị Hoa ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế

Giai thoại lịch sử có kể rằng: Năm bà mất (1807), vua Minh Mạng vào hồi đó vẫn đang còn trong cảnh hàn vi, chưa được tấn phong Hoàng Thái tử mà chỉ được phong Thái tử vào năm 1815, tức 8 năm sau khi bà qua đời. Trước khi liệm, vua Minh Mạng đã đặt một thỏi vàng vào trong tay bà và ngậm ngùi giải thích với người đã mất: “Khi khanh còn sống, khanh thường lo sợ khi chết không có một mảnh vàng trong tay để đi đường làm lộ phí, thì đây ta cho khanh để khanh được an lòng…”. Cách xử sự của nhà vua tuy “lãng mạn”, nhưng đó là biểu lộ thái độ của một người có nhân nghĩa. Điều này cũng nói lên tình thương yêu đậm đà và sự chung thủy của nhà vua đối với người vợ đầu tiên nhưng vắn số của mình.

Tài liệu tham khảo

Đại Nam nhất thống chí, T5, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Thuận

Hóa, 2006.

Đại Nam Liệt truyện, T3, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa,

2/1994.

Nguyễn Phúc tộc thếphả, HĐTS Nguyễn Phúc Tộc, Nxb Thuận Hóa,

1995.

Biên Hòa sử lược toàn biên, T2, Lương Văn Lựu, Sài Gòn, 1973.

Bài liên quan

Bài đăng mới