Trước đây, một số công trình nghiên cứu về chữ Quốc ngữ đã có sự đánh giá, xác định về tác giả của loại chữ này ở giai đoạn khởi xướng. Tại hội thảo khoa học về Khu phố cổ Hội An năm 1985, giáo sư Lê Văn Hảo đã viết: “Kết quả là chữ Quốc ngữ chính thức ra đời và là công trình tập thể của một số giáo sĩ phương Tây, trong đó tất nhiên có sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều người Việt Nam”[i]. Linh mục Đỗ Quang Chính trong sách Lịch sử chữ Quốc ngữ cũng có nhận định tương tự: “Thật ra, chúng ta chỉ có thể nói một cách tổng quát là: việc sáng tác chữ Quốc ngữ do nhiều linh mục Dòng Tên ở Việt Nam thời đó, và có lẽ các thầy giảng Việt Nam đã là những người cộng tác hữu hiệu nhất với linh mục Dòng Tên trong công cuộc này”[ii].
Một số khảo cứu gần đây cụ thể hơn khi cho rằng người khởi xướng việc thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ La Tinh là giáo sĩ người Bồ Francisco de Pina (1585 – 1625) và sau đó có sự tiếp nối đóng góp của giáo sĩ Cristoforo Borri (Ý), Alexandre De Rhode (Pháp) và một số giáo sĩ phương Tây khác. Công cuộc này có sự hỗ trợ tích cực của một số nho sĩ, giáo dân người Việt[iii].
Những ý kiến này tuy xác đáng nhưng vẫn còn thiếu sót khi bỏ qua một tác nhân quan trọng liên quan đến quá trình hình thành chữ Quốc ngữ ở giai đoạn khởi xướng là người Nhật ở Hội An
Kết quả của quá trình mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu lịch sử – văn hóa, nhất là về thông tin tư liệu, về nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành trong thời gian gần đây không chỉ cho thấy người Nhật từng có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt hoạt động mậu dịch quốc tế ở Hội An vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 mà họ còn là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy quá trình giao lưu – tiếp biến văn hoá tại thương cảng này. Người Nhật và cộng đồng người Nhật ở Hội An là một trong những tác nhân quan trọng góp phần vào sự thành công của quá trình dùng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng Việt vào đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên thực tế này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, thấu đáo.
Nhìn lại bối cảnh truyền đạo Kitô vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 tại các nước Đông Á, các giáo sĩ phương Tây đã gặp một chướng ngại lớn đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, nhất là tiếng/chữ Hán, tiếng/chữ Nôm, tiếng/chữ Nhật. Để khắc phục chướng ngại này, các giáo sĩ phương Tây, thường là những người giỏi về thần học, ngôn ngữ học đã bắt tay vào việc dùng bảng chữ cái La Tinh để ghi âm tiếng nói bản xứ với mục đích phục vụ việc gieo cấy đức tin Thiên Chúa ở những vùng đất mới này. Từ đó, vào năm 1595, cuốn Từ điển La tinh – Bồ Đào Nha – Nhật Bản với loại chữ Nhật Bản gọi là Romaji đã được xuất bản ở Nhật.

Ở Trung Hoa, vào cuối thế kỷ 16 những công trình La tinh hóa Hoa ngữ đầu tiên cũng đã được xuất bản như Từ điển Bồ Đào Nha – Trung Quốc (1588); Ngữ vựng Bồ Đào Nha – Trung Quốc (1598) với việc nhận diện rõ 5 thanh và cách ghi các thanh này[iv]. Đây là những thành tựu mang ý nghĩa khai phá, tạo tiền đề thuận lợi cho việc La tinh hóa tiếng Việt vài chục năm sau đó.
Mặt khác, cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 cũng là thời điểm người Nhật tập trung đông ở Hội An. Theo ghi chép của Cristoforo Borri muộn nhất vào năm 1621 tại Hội An đã có 2 khu phố ngoại kiều, một của người Trung Hoa và một của người Nhật Bản[v]. Sự tập trung này, trước hết xuất phát từ nhu cầu giao thương buôn bán của thương nhân Nhật Bản tại Đông Nam Á trong thời đại hải thương, khi mà Trung Hoa đang vướng cuộc chiến tranh nội bộ nên hạn chế thuyền buôn xuất dương. Nguyên nhân thứ hai là do sự cấm đạo Kitô của Nhật Bản vào các năm 1587, 1596, 1614 dẫn đến việc nhiều giáo dân Nhật phải vượt biển đến tị nạn tại những khu phố Nhật (Nihon Machi) ở Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Sự có mặt của nhiều giáo dân Nhật Bản ở Hội An làm các cha bề trên giáo khu Nhật ở Áo Môn (Macao) quan tâm và cử các Giêsu hữu đến để chăm sóc phần hồn[vi]. Ban đầu là vậy nhưng sau đó do nhìn thấy nhiều triển vọng tốt đẹp nên các giáo sĩ Kitô giáo đã mở rộng việc truyền giáo đối với dân bản xứ.
“Trước năm 1615, tại đây (Hội An) đã có người Công giáo, đó là một số Nhật kiều chạy trốn các cuộc cấm đạo ở Nhật vì thế chúng tôi nghĩ rằng, phái đoàn Buzomi đến Đàng Trong, xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo, đồng thời xem xét hoàn cảnh thực tế, nếu truyền giáo cho người Đàng Trong được thì càng tốt. Sau khi các Giêsu hữu tiếp xúc với người Việt, nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu. Vì vậy, có lẽ ngay từ cuối năm 1615, phái đoàn Buzomi đã chuyển hướng: “Tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt là chính, còn việc mục vụ nơi tín hữu Nhật là phụ”[vii]. Qua các thông tin này, bước đầu có thể xác định được rằng không chỉ kích hoạt hoạt động mậu dịch quốc tế ở Hội An mà cộng đồng giáo dân Công giáo người Nhật ở Hội An nói riêng, cộng đồng cư dân người Nhật ở Hội An nói chung còn là tác nhân kích hoạt hoạt động truyền giáo của Dòng Tên cũng là của đạo Kitô ở Hội An vào đầu thế kỷ 17. Vai trò này của người Nhật đối với đạo Kitô tương tự vai trò của người Hoa trong việc đưa dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh vào Hội An, Đàng Trong.
Qua tư liệu chúng ta cũng biết được rằng, trong những ngày đầu đến Hội An các giáo sĩ phương Tây đã được cộng đồng người Nhật ở đây hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt như chỗ ở, phương tiện sinh hoạt, liên lạc, giao tiếp với chính quyền các cấp, tiếp xúc với cư dân địa phương… Các giáo sĩ này tạm trú trong khu phố Nhật và thông qua các trưởng phố Nhật để yết kiến chúa Nguyễn hoặc trấn thủ Quảng Nam nhằm xúc tiến công cuộc truyền giáo[viii].
Trong bối cảnh như vậy chắc chắn người Nhật cũng là chiếc cầu nối để các giáo sĩ phương Tây tiếp xúc với cư dân địa phương trong vai trò là những người phiên dịch và họ cũng là một trong những hỗ trợ đắc lực các giáo sĩ phương Tây trong việc phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.
Cho đến nay, dường như đã có sự thống nhất cao rằng giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 – 1625) là người đầu xúc tiến việc dùng mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt. Năm 1617, tháng 6, Pian đến cư sở Hội An, cư sở đầu tiên của Dòng Tên ở Đàng Trong được thành lập năm 1615. Tại đây, Pina đã nhanh chóng tiếp cận tiếng Việt và như nhiều giáo sĩ phương Tây đương thời công nhận, ông là người thạo tiếng Việt và có thể giảng đạo trực tiếp bằng tiếng Việt. Ông cũng chính là thầy tiếng Việt của Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes. Trong bản tường trình năm 1623, ông viết: “… Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và đang bắt tay làm cuốn ngữ pháp… Caciam (Kẻ Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ…”[ix]. Những tư liệu này xác định vai trò, khởi xướng của Pina trong việc phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Hỗ trợ cho Pina ngoài người Việt không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng người Nhật ở Hội An, cả người trong đạo và ngoài đạo Kitô. Như đã nói ở trên, ngoài vai trò cầu nối với chính quyền sở tại và người địa phương, người Nhật, nhất là những người hiểu biết chữ La tinh và chữ Romaji đã trực tiếp tham gia cùng Pina để sáng tạo nên chữ Quốc ngữ giai đoạn phôi thai.

Tại hội thảo khoa học chữ Quốc ngữ tổ chức tại Quảng Nam ngày 24/8/2016, Giáo sư Fukuda Yasuo (Nhật Bản) đã công bố 2 bài tham luận quan trọng: “Người Nhật hỗ trợ thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ latinh tại xứ Quảng” và “Người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh”, trong đó dẫn chứng nhiều tư liệu mới và đưa ra những kết luận mang tính thuyết phục.
“Vậy Pina làm sao để khắc phục vấn đề không biết chữ Hán. Có lẽ là do những nhà truyền đạo Kitô người Nhật đã giúp đỡ Pina. Bởi vì Miguel Maki, Paulo Saito, Romao Nishi (các giáo sĩ Nhật Bản đến Đàng Trong cùng thời với Pina) đều rành rõi tiếng Latinh. Họ đều học tiếng Latinh trong 6 năm. Theo bức thư của cấp trên các nhà truyền giáo này gửi vào năm 1621, Maki và Saito đều (được nhận xét là) có năng lực ưu tú và khả năng tốt về tiếng Latinh. Các nhà truyền đạo Kitô người Nhật có hiểu biết sâu sắc về chữ Hán và có năng lực dịch từ Hán văn sang tiếng Latinh một cách chính xác”
“Không có tư liệu ghi chép rằng thời điểm năm 1615, tức giai đoạn đầu truyền đạo của đoàn Buzomi, người phiên dịch từ ngôn ngữ nào sang ngôn ngữ nào. Tuy không rõ điều đó, những có lẽ dịch giữa 3 ngôn ngữ. Đó là tiếng Bồ – tiếng Nhật – tiếng Việt. Phần dịch giữa tiếng Bồ – tiếng Nhật thì Carvalho đảm nhiệm, bởi ông ấy đã truyền đạo ở Nhật Bản 5 năm. Còn phần dịch giữa tiếng Nhật – tiếng Việt thì những người Nhật sinh sống ở Hội An (đảm nhiệm).
“Pina biên soạn sách cách phiên âm và thanh điệu tiếng Việt bằng chữ Latinh và sách ngữ pháp tiếng Việt khoảng năm 1622 đến năm 1623. Có lẽ hai quyển đó được bắt chước bằng (từ) cuốn từ điển tiếng Nhật – Bồ và sách ngữ pháp tiểu ngữ pháp tiếng Nhật. Đặc biệt sách ngữ pháp được viết bằng chữ Latinh. Lúc bấy giờ người nào sống ở Đàng Trong mà hiểu được văn bản tiếng Latinh là chỉ có các Kitô hữu người Nhật (gồm Do-juku), trừ Kitô hữu người châu Âu…”
“Vào thời điểm năm 1622 – 1623, Pina xác lập hệ thống phiên âm tiếng Việtbằng chữ Latinh. Trước đó, tức là từ năm 1615 đến 1622 những phiên dịch người Nhật hoặc Kito hữu người Nhật thường đi cùng các Kitô hữu người châu Âu kể cả Pina và đứng sau lưng họ. Những người Nhật với tư cách môi giới giữa người Đàng Trong và người châu Âu đã góp phần thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Những người Nhật không chỉ tận dụng các kiến thực của mình về tiếng Nhật và tiếng Việt mà còn Hán văn và tiếng Latinh nữa để tham gia cuộc biên phiên dịch hoặc thu thập ngữ liệu tiếng Việt”[x].
Qua các dẫn liệu nêu trên, bước đầu có thể xác định rằng cộng đồng người Nhật Công giáo ở Hội An nói riêng, cộng đồng người Nhật ở Hội An nói chung hoặc là gián tiếp hoặc là trực tiếp đã có sự đóng góp đáng kể vào công cuộc dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt giai đoạn khởi công đầu thế kỷ 17. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để trả lại lịch sử một sự thật liên quan đến vai trò của người Nhật trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ ở giai đoạn phôi thai này.
Việc dịch từ Caciam, Cacham trong các tường trình của Pina cũng như của các giáo sĩ Dòng Tên vào đầu thế kỷ 17 thành Thanh Chiêm là không chính xác. Dịch đúng tên tiếng Việt đó là Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm và như Pina viết “với tư cách là trung tâm của triều đình”. Thật ra đây là trung tâm, nơi đóng dinh thành của Kẻ Chiêm, dinh Chiêm, dinh Quảng Nam, thủ phủ thứ hai của các chúa Nguyễn, sau Kẻ Huế. Trong khi đó Thanh Chiêm chỉ là danh xưng một làng/xã và chưa thấy xuất hiện trên bất cứ một văn bản nào có niên đại thế kỷ 17. Vì vậy, tiêu đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” được dùng rộng rãi nay cần phải được đính chính.
Gần đây, tại các hội thảo về chữ Quốc ngữ các nhà nghiên cứu thường nói đến các dòng suối, chiếc nôi chữ Quốc ngữ đầu tiên, sớm nhất, trong đó nêu ra 3 dòng suối, chiếc nôi là Hội An, Thanh Chiêm (chúng tôi xin sửa lại là Kẻ Chiêm, Quảng Nam), Nước Mặn (Quy Nhơn). Hội An và Kẻ Chiêm là hai địa bàn gần nhau, với khoảng cách chừng 7,8km, một bên là trấn dinh có vai trò về hành chính, quân sự; một bên là trung tâm kinh tế thương nghiệp ngoại thương, hai địa bàn này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ vào thế kỷ 17, ba nơi này đều thuộc dinh Quảng Nam, xứ Quảng Nam của các chúa Nguyễn. Các giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, António de Fontes, Cristophoro Borri, Alexandre de Rhodes những người khởi công và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ thường đi lại giữa các địa bàn này. Nơi xuất phát là cư sở Hội An, cư sở đầu tiên của Dòng Tên. Vì vậy, khi nói về chiếc nôi, dòng suối không thể nào làm ngơ vai trò đầu tiên, sớm nhất của Hội An trên rất nhiều phương diện để dẫn đến sự ra đời chữ Quốc ngữ.
[i] UBND thành phố Hội An (2008), Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An ngày 23-24/7/1985, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam, tr.107.
[ii] Đỗ Quang Chính SJ (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, Nxb Tôn giáo, tr.179.
[iii] Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Quảng Nam ngày 24/8/2016.
[iv] UBND thành phố Hội An (2008), tài liệu đã dẫn, tr.108-109.
[v] Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.92.
[vi] Năm 1615, theo đề xuất của Fernandes da Costa, Giám tỉnh dòng Tên Nhật Bản và tổng quản giáo phận Áo Môn đã cử đến Đàng Trong một phái đoàn 5 người gồm linh mục Francesco Buzomi (Ý) giữ trách nhiệm bề trên, linh mục Diogo Carvalho (Bồ Đào Nha), tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha) và 2 Do-juku (Nhật Bản, người giúp việc cho linh mục). Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự có mặt của Dòng Tên ở Đàng Trong
[vii] Đỗ Quang Chính SJ (2008), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615 – 1773, Nxb Tôn giáo, tr.23-24.
[viii] Alexandre De Rhodes (2020), Hành trình và truyền giáo, Nxb Hồng Đức, tr.130-133.
[ix] Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tài liệu đã dẫn, tr.337, 639.
[x] Kỷ yếu Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tài liệu đã dẫn, tr.773-792.