Hồi hương trang phục của Nam Phương Hoàng hậu

Nguyễn Đức Huy - Trần Nguyễn Tuấn - Nguyễn Tấn Anh Phong (ảnh minh họa)

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Nhân ngày Di sản Văn hoá 23/11/2023, có một tin vui cho cộng đồng yêu thích cổ phong và những người đam mê lịch sử văn hóa triều Nguyễn: Đó chính là áo Nhật bình – lễ phục trang trọng của Hoàng hậu Nam Phương đã được hồi hương về Việt Nam do bà Phan Thúy Khanh cùng con trai Trần Phan Anh mua về và hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Chiếc áo này gắn liền với thời gian bà Nam Phương và các con đang sống tại lâu đài Thorenc tại Cannes, nước Pháp. Bà Nam Phương không chỉ là một “nhân chứng lịch sử” mà còn là biểu trưng cho cuộc đời của một vị hoàng hậu luôn giữ gìn tình yêu mãnh liệt dành cho nền văn hóa dân tộc mình.

Những hình ảnh chụp Hoàng hậu Nam Phương thường xuyên diện trang phục áo dài mỗi khi gặp gỡ công chúng trong nước và quốc tế trong các buổi lễ long trọng, cho thấy một niềm tự hào về văn hóa nước nhà, dù bà xuất thân trong một gia đình Công giáo theo Tây học và đi du học khi còn rất trẻ. Trong những năm tháng sinh sống nơi xứ người, Hoàng hậu luôn hoài vọng về đất nước. Bà thường mặc áo dài để chụp ảnh kỷ niệm cùng với các con. Với bà, tà áo dài dường như là một dải lụa bao bọc lấy nỗi niềm da diết về quê hương.

Đối với mỗi người Việt Nam, áo dài không chỉ là y phục mặc bên ngoài, mà còn là hình ảnh đại diện cho “non sông gấm vóc” của đất nước vừa mang những nét truyền thống nhưng cũng rất tân thời, mà Hoàng hậu Nam Phương như là người phụ nữ tiêu biểu hội tụ những giá trị đó, đồng thời cũng là một “đại sứ áo dài” theo như tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy, trong sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại, đã nhận định.

Một vài thông tin về chiếc áo Nhật bình của Hoàng hậu Nam Phương

Chiếc áo Nhật bình của Hoàng hậu Nam Phương này được Công ty TNHH Linda Wrigglesworth, thành lập vào năm 1978, mua từ một phụ nữ lớn tuổi người châu Âu vào khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Nó từng thuộc bộ sưu tập Linda Wrigglesworth – đứng đầu là bà Linda, một người phụ nữ yêu thích trang phục may dệt xưa. Sau đó, nó trở thành bộ sưu tập tư nhân khi Công ty TNHH Linda Wrigglesworth Limited bị bán vào năm 2008.

Tranh sơn dầu vẽ Nam Phương hoàng hậu mặc áo Nhật bình. Tranh treo tại lâu đài Thorenc ở miền Nam nước Pháp chứng thực màu sắc tấm áo.

Khi so sánh những tư liệu hình ảnh đã được phổ biến trên internet về gia đình của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, những hình ảnh chụp Hoàng hậu cùng các hoàng tử công chúa vào những năm 1949-1950 ở Pháp và hình ảnh một bức tranh sơn dầu cỡ lớn cho thấy bà Nam Phương đang khoác trên mình lễ phục cao quý – chiếc áo Nhật bình, đầu đội khăn vành đóng sẵn màu vàng, mang đôi hài cùng chiếc quần chít ba bằng lụa satanh trắng. Đây chính là chiếc áo Nhật bình đã được đưa về nước như đã đề cập ở trên.

Mô tả sơ lược

Chiếc áo được làm từ vải sa nam màu vàng đậm, trang trí bằng các họa tiết đoàn phượng, bát bửu cùng với hoa lá biểu trưng cho sự cát tường, phần gấu áo thêu hoa văn thủy ba tam sơn và cột thủy. Phần cổ áo được thêu gồm chín con phượng vốn dành riêng cho bậc hoàng thái hậu. Khấu áo làm từ kim loại chạm nổi họa tiết phượng đính đá pha lê đã không còn.

So sánh với một số hiện vật áo Nhật bình đang được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và các bộ sưu tập tư nhân, cho thấy chiếc áo này được may và thêu trong giai đoạn sau khi vua Bảo Đại đã thoái vị năm 1945. Trong bối cảnh đó, nguyên vật liệu và nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng lớn đến tiêu chuẩn lễ phục Hoàng gia.

Chính vì lý do này mà cách phối màu và kỹ thuật thêu trên áo đã có sự thay đổi rõ rệt, ngoài ra chất liệu chỉ thêu cũng khác biệt so với quy chế trước đó, đặc biệt là phần viền áo kim tuyến quấn giấy đã được thay thế bằng sợi kim tuyến bện. Tuy nhiên, chiếc áo vẫn giữ được những nét đặc trưng cơ bản trong cách sắp xếp họa tiết, hoa văn của một bộ lễ phục triều Nguyễn. Về màu sắc, chỉ tơ nát sử dụng để thêu trên áo có nhiều sắc thái đậm – những màu sắc hiếm thấy trước đây, khiến cho chiếc áo tươi sáng và có phần “sặc sỡ”.

Sự xuất hiện và trở về của chiếc áo này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về quy trình may thêu lễ phục vào cuối triều Nguyễn mà còn là một ngọn lửa thắp sáng cho di sản văn hóa nước nhà. Nó truyền tải một thông điệp tích cực cùng tình yêu dành cho nền văn hóa truyền thống đến từ một vị Hoàng hậu Việt Nam khi phải sống xa quê hương nơi đất khách quê người.

Bài liên quan

Bài đăng mới