Hồi ức về cha tôi

Stefan - Hồ Chí Dũng*

Tạp chí Xưa và Nay giới thiệu

Châu Âu, mùa đông năm 1945. Vẫn có cảm giác như mặt đất còn đang rung lên bởi những tiếng bom. Bóng ma chết chóc làm tê liệt mọi ý nghĩ, không cho phép người ta quên cơn ác mộng của cuộc chiến tranh vừa mới trôi qua. Xung quanh là những đống đổ nát hoang tàn, và lọt thỏm trong đó là những tâm hồn lạc lõng đang kiếm tìm một cách vô vọng những người thân yêu nhất đã vĩnh viễn lìa xa. Những làn sóng người di tản, không khác gì những dòng sông tất bật ngược xuôi hỗn loạn, đang hối hả chảy theo nhiều hướng khác nhau để đi tìm miền đất hứa. Trong một dòng chảy hướng về miền xa lạ đầy bí hiểm ấy có Stefan Kubiak – cha tôi.

Tại một nơi nào đó ở châu Á, tít tận Viễn Đông, có một vùng đất tuyệt vời, đẹp như tranh vẽ, nơi xen giữa những ngọn núi oai nghiêm hùng vĩ và những dòng sông chảy xiết là những cánh đồng lúa nhấp nhô uốn lượn qua những bãi cát óng vàng để vươn ra đón chào biển cả và đại dương. Đất nước đó là Việt Nam.

Không có gì đáng ngạc nhiên, rằng hàng ngàn năm qua, như những gì mà con người còn ghi lại trong trí nhớ, bao nhiêu cường quốc đã không ngừng nhòm ngó đất nước này với dã tâm xâm chiếm lãnh thổ, buộc đất nước ấy phải lao vào vòng binh lửa chiến tranh triền miên, phải chiến đấu để giữ vững nền độc lập. Không có một đất nước thứ hai nào trên thế giới này sản sinh ra chừng ấy người con dũng cảm, kiên cường và thiết tha yêu Tổ quốc mình trên tất cả mọi thứ như vậy.

Người Việt Nam vốn sinh ra là những người hiền lành điềm đạm, luôn thành tâm và vui vẻ chan hòa. Mặc dù lịch sử đưa đến cho họ một số phận nghiệt ngã, họ không bao giờ thay đổi, và vì thế nụ cười luôn nở trên môi, tô đẹp vẻ mặt của họ.

Thế nhưng ngày đó, một ngày trong năm 1946 ấy, đằng sau vẻ bên ngoài tươi cười và dịu dàng nọ ẩn chứa một nỗi lo âu, nỗi buồn và đau đớn thẳm sâu, bởi lẽ Tổ quốc của họ rơi vào ách nô lệ, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp một lần nữa. Song nỗi buồn đau đó không làm tê liệt và trói buộc họ, ngược lại càng hun đúc và tăng cường tình yêu và khát vọng tự do. Tình yêu Tổ quốc thấm sâu và được truyền từ đời này sang đời khác đã động viên mọi người đứng dậy hành động. Nhiều tổ chức kháng chiến được thành lập, hàng ngàn chiến sĩ tình nguyện đã gia nhập các đội du kích. Người Việt Nam tỏ ra quyết tâm và tin tưởng vào chính bản thân mình, bởi họ không đơn độc. Họ có lãnh tụ của mình, người dẫn đường vĩ đại, dẫn dắt họ đến chiến thắng và chỉ rõ con đường hướng tới tự do bao đời hằng khát vọng. Đó là Hồ Chí Minh. Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày đó, ấy vậy mà trong trái tim và trí óc tất cả mọi người Việt Nam vẫn còn vang vọng lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước toàn thể nhân dân: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lời nói đó đã làm rung động toàn dân tộc và đánh thức họ, động viên họ đứng lên.

Và sau đó không lâu, thời cơ đã đến. Nước Pháp, cũng như phần còn lại của châu Âu, rơi vào cảnh suy yếu và mất phương hướng trong sự hỗn loạn sau chiến tranh, giống như một con hổ bị thương, thu mình ẩn nấp trong hang sâu thè lưỡi liếm những vết thương trên mình, đang vất vả đối phó và ngập tràn trong cuộc chiến với những vấn đề kinh tế và xã hội ở chính quốc, tỏ ra không đủ khả năng kiểm soát những gì diễn ra ở miền thuộc địa Viễn Đông của mình. Đó là thời khắc lý tưởng đối với người Việt Nam để đứng lên khởi nghĩa, giành lại quyền bất khả xâm phạm của dân tộc mình đối với độc lập tự do. Người Pháp lo sợ trước nguy cơ nhanh chóng tuột khỏi tay Hòn ngọc Viễn Đông, mà đối với họ chính là Việt Nam. Họ trong cơn hoảng loạn, đã vội vã thành lập những đội quân vũ trang gọi là tình nguyện, dưới cái tên quân Lê Dương của những người nước ngoài. Trong thực tế, đó là một tập hợp những kẻ giết người, quân đặc vụ của Đức và bọn phát xít Hitle, cộng thêm những phần tử thoái hóa cũng như những người tình cờ bị bắt giữ trong đội ngũ người nước ngoài thất nghiệp, kẻ thì lo sợ trước bản án tử hình, kẻ bị cưỡng bức tham gia vào hàng ngũ, để rồi sau đó bị đưa sang Đông Dương nhằm mục đích đàn áp cuộc kháng chiến.

Trong khi ấy ở một nơi gần biên giới Đức và Pháp, trong hàng ngũ những người tha phương cầu thực có cha tôi. Sau khi vượt qua biên giới họ đã rơi vào tay bọn hiến binh Pháp và bị tống vào trại giam, và sau đó không lâu, cha tôi bị cưỡng bức đưa vào đội quân Lê Dương ngoại quốc. Cha tôi rất ham mê đọc, thường bị các cuốn sách thu hút, đặc biệt là các cuốn sách cung cấp kiến thức về những đất nước khác, kiến thức về lịch sử, văn hóa và tập quán của họ. Cha tôi cũng đọc về Việt Nam và từ những cuốn sách đó đã được trang bị kiến thức về lịch sử và văn hóa của đất nước này. Từ đó ông biết thêm rất nhiều về dân tộc Việt Nam, và việc họ đã mất nền tự do mà họ vô cùng yêu quý ra sao. Ông hiểu họ, cảm nhận giống như họ. Lúc bấy giờ, khi đọc về đất nước ấy, ông không biết rằng sẽ có lúc mình có mặt tại đó, rằng rồi chính mình sẽ chiến đấu vì nền độc lập của đất nước đó, để sau này phát hiện ra đó chính là Tổ quốc thứ hai của mình.

Khi xuất hiện trong bộ quân phục lính Lê Dương trên con tầu Pasteur đi về hướng Việt Nam, ông đã đưa ra quyết định. Bằng mọi giá ông phải chuyển sang hàng ngũ của những người đang chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa, ủng hộ họ, hiến dâng tất cả những gì của bản thân mình, giống hệt như chiến đấu vì chính Tổ quốc mình.

Sau hai tuần đến đóng đồn ở Nam Định, nơi phân đội của ông đóng quân, ông đã đề ra kế hoạch chi tiết cho cuộc chạy trốn. Ban đêm, nhân được phân công canh gác, ông vượt qua hàng rào, vượt qua vùng đất do Pháp kiểm soát và đi sâu vào rừng, nơi ông đã phải mất mấy ngày tìm các đội du kích để bị bắt và trở thành hàng binh. Không lâu sau ông đã ở trong hàng ngũ du kích, bên cạnh những người bạn, người đồng chí mới và chiến đấu vì tự do của đất nước họ, đất nước mà mỗi ngày lại trở nên gần gũi thêm đối với ông. Ông đã tham gia bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết của mình cho cuộc chiến đấu và trong tất cả các trận đánh, ông đều đứng ở tuyến đầu, làm cho bạn bè đồng đội vô cùng khâm phục. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu và kiến thức về chiến tranh. Ông nhanh chóng được tin tưởng và kính mến.

Nhiều lần, trong những trận đánh với quân Pháp, một mình ông che chắn cho đồng đội, ông cũng đã từng cõng trên lưng nhiều đồng đội bị thương đưa ra khỏi trận địa. Ông trở thành một trong số họ, nhanh chóng học tiếng, học những tập quán mới. Ông luôn khâm phục sự hy sinh dũng cảm, tinh thần bền bỉ dẻo dai, và cả đức tính khiêm tốn của đồng đội. Không lâu sau người ta đặt tên Việt Nam cho ông là Toán, có nghĩa là nhà chiến lược, nhà toán học.

Ở mọi nơi mà ông đặt chân đến cùng với đơn vị của mình, dù đó là Phủ Thông hay Sơn Tây, hoặc Hòa Bình trên sông Đà, ông đều gây sự tò mò và khâm phục trong dân chúng. Mọi người đều ngạc nhiên và hỏi, người nước ngoài đang chiến đấu hết sức dũng cảm vì sự nghiệp của họ, lại còn mang cái tên Việt Nam – Toán, là ai vậy.

Sau đó những huân chương đầu tiên đã đến với ông vì thành tích chiến đấu anh dũng và can đảm. Những vết thương đầu tiên trong các trận chiến cũng đến, cả nhẹ lẫn nặng. Rồi bệnh tật nhiệt đới cũng đến, trong đó bệnh sốt rét là nguy kịch nhất. Song ông đều vượt qua hết thảy, không cái gì có thể làm ông quỵ ngã, để rồi cuối cùng được đứng trong hàng ngũ quân đội của tướng Giáp tham gia trận Điện Biên Phủ. Ở đó, ông đã tỏ ra vô cùng anh dũng và can đảm, khi khoác trên mình bộ quân phục sĩ quan Pháp lao vào một lô cốt khó đánh chiếm nhất và chính ông đã mở đường cho những chiến sĩ dũng cảm khác xông lên. Lúc bấy giờ khắp thế giới đều biết được cái tin rúng động. Điện Biên Phủ thất thủ và cùng với nó, sự thống trị của Pháp ở Việt Nam cũng chấm dứt. Cha tôi Stefan Kubiak được chào đón khắp nơi như một anh hùng, và Chủ tịch nước Việt Nam, Hồ Chí Minh, để công nhận tinh thần anh dũng hy sinh, quả cảm, kiên cường ấy, đã nhận ông làm con nuôi và cho phép mang họ của Người – Hồ Chí. Thế là từ đó ông trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam – đại úy Hồ Chí Toán.

Thời hạn quân ngũ của ông vẫn còn chưa kết thúc. Hai năm sau ông được cử đến đóng tại một tỉnh xa. Do hậu quả của những vết thương, ông buộc phải quay trở về Hà Nội, và tại đó đã bị cuốn hút vào những công việc ở tòa soạn báo Quân đội nhân dân. Với tư cách thành viên phái đoàn chính phủ, ông tham gia vào nhiều chuyến công tác nước ngoài, đã từng đến Moskva, Berlin, Bắc Kinh và cả Warszawa nữa.

Cuối cùng căn bệnh trầm trọng và những vết thương tái phát đã hành hạ ông, buộc ông phải nằm liệt trên giường bệnh. Ông cảm nhận được rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Ông bắt đầu viết hồi ký, ghi lại trên trang giấy những giây phút đã trải qua trong đời, những số phận của một người lính đã từng nhỏ biết bao giọt máu giữa núi rừng, sông suối và đồng lúa, hiến dâng cho một đất nước và dân tộc khác – Đất nước đã trở thành Tổ quốc thứ hai của mình.

Ông viết hối hả, viết hàng ngày, từ sáng sớm đến đêm khuya, cố ganh đua với thời gian và bệnh tật. Ông mong muốn viết cho đến dòng chữ cuối cùng, song sức đã tàn, lực đã kiệt, ông đã ra đi vào một ngày trời chưa kịp sáng, và ông chưa kịp hoàn thành cuốn hồi ký của mình. Ông đã nằm lại ở nghĩa trang Văn Điển- Hà Nội.

Cha ơi, con rất tự hào vì Cha. Mong sao hồi niệm về cha không bao giờ bị rơi vào quên lãng.

Hẹn ngày gặp lại!

Con trai của cha, Stefan – Hồ Chí Dũng

* Người dịch: Nguyễn Văn Thái, UV Ủy ban TW Mặt trận TQVN, Phó Chủ tịch Hội NVH tại Ba Lan “Đoàn kết – Hữu Nghị”.

Dịch giả tác phẩm Chàng Tadeusz của Đại thi hào Adam Mickiewicz, Ba Lan.

** Stefan – Hồ Chí Dũng là con trai của Stefan Kubiak. Stefan Bubiak người Ba Lan, tên tiếng Việt là Hồ Chí Toán – Con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài liên quan

Bài đăng mới