Huề Tài bá Lê Văn Huề – Người đào kênh Vĩnh Tế

Trần Hoàng Vũ

Tạp chí Xưa&Nay, số 573, tháng 3 năm 2025

Kênh Vĩnh Tế là đại công trình thủy lợi của triều Nguyễn trong việc khai phá miền Tây Nam bộ. Quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị và khai đào kênh này đã được nhiều nhà nghiên cứu thuật lại một cách chi tiết. Bên cạnh vai trò đóng góp của Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, công lao của nhiều quan chức khác có liên quan cũng đã dần được đề cập đến. Tuy nhiên, chúng ta ít biết hơn về hoạt động của những nhân vật cấp thấp, những người trực tiếp làm việc trên công trường đào kênh.

Tháng 10-2024, chúng tôi có dịp tiếp xúc với hậu duệ của Lê Văn Huề ở Thốt Nốt (Cần Thơ) là anh Lê Trọng Tiến và được chia sẻ các tư liệu mà gia đình đang lưu trữ. Khối tư liệu bao gồm các giấy tờ liên quan tới Lê Văn Huề từ năm 1814 đến năm 1836, cộng với một số giấy tờ đất và một bản sử làng kê tên các đời xã trưởng. Các giấy tờ này giúp ta dựng lại phần lớn cuộc đời của Lê Văn Huề – một quân nhân cấp thấp. Trong đó có ba văn kiện quan trọng giúp hiểu rõ vai trò của Lê Văn Huề trong đợt đào kênh Vĩnh Tế thứ ba, cũng như công tác điều động và giải tán dân phu của cuộc đào ấy.

Lê Văn Huề và việc khai phá vùng Thốt Nốt

Theo chính lời khai của Lê Văn Huề, ông sinh năm Ất Tỵ [1785]⁽¹⁾. Không rõ cha mẹ ông là ai, có lai lịch thế nào. Ký ức gia đình họ Lê ở Thốt Nốt xem Lê Văn Huề là ông tổ. Năm 1806, Lê Quang Định tả rạch Thốt Nốt “hai bên đều có dân cư và ruộng vườn”⁽²⁾. Tờ chiếu năm 1822 ghi Lê Văn Huề quê ở thôn Thới Hòa Trung, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh⁽³⁾. Thôn Thới Hòa Trung đã được ghi nhận trong danh sách các thôn ở huyện Vĩnh Định từ năm 1820⁽⁴⁾. Điều này cho thấy nhà họ Lê đã tới khai phá vùng này từ rất sớm, chí ít là khoảng cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Năm 1829, quê của Lê Văn Huề được ghi là thôn Thạnh Hòa Trung⁽⁵⁾. Năm 1836, triều đình cho làm địa bạ. Bấy giờ chỉ có thôn Thạnh Hòa Trung mà không có thôn Thới Hòa Trung⁽⁶⁾. Điều này cho thấy thôn Thới Hòa Trung đã đổi tên thành Thạnh Hòa Trung vào giữa thập niên 1820.

Địa bạ năm 1836 ghi thôn Thạnh Hòa Trung ở ba xứ: Thốt Sơn đà tả ngạn, Thốt Sơn đà hữu ngạn và Thới Thạnh châu. Trong đó có nhiều chủ đất họ Lê như Lê Văn Thông, Lê Văn Huyền, Lê Văn Vạn, Lê Thị Phượng,… điều này cho thấy dòng họ Lê đã tới và khai khẩn vùng Thốt Nốt từ lâu. Bản thân Lê Văn Huề cũng sở hữu một số sở đất và sở vườn. Trước khi lập địa bạ, Lê Văn Huề cùng Nguyễn Thị Lợi đã khai khẩn một số ruộng đất. Ngoài ra, ông còn cùng ba người khác là Văn Đức Hương, danh Quý, danh Đằng khai khẩn nhiều ruộng đất. Lúc lập địa bạ, Lê Văn Huề còn sở hữu một sở điền 21 mẫu, một sở điền 30 mẫu (chung với Lê Văn Hội), một sở vườn 4 mẫu và một sở vườn 3 mẫu (chung với Lê Văn Hội)⁽⁷⁾.

Tờ sai Lê Văn Huề đi đốc thúc dân phu phiên thứ nhất của huyện Vĩnh An

Vào lính và đào kênh Vĩnh Tế

Năm 1814, lúc 29 tuổi, Lê Văn Huề được chọn vào quân ngũ⁽⁸⁾. Lê Văn Huề được bổ vào đội 3, cơ Vĩnh Bảo tiền thuộc trấn Vĩnh Thanh. Ít lâu sau, vì “được việc, có năng lực và chuyên cần với công vụ”, ông được cử làm tiện nghi Đội trưởng của thập 4 của đội ấy⁽⁹⁾, rồi sau đổi sang thập 3. Năm 1822, đúng kỳ khảo khóa, Lê Văn Huề được thực thụ Đội trưởng ở thập 3, đội 3, cơ Vĩnh Bảo tiền, được ban tước Huề Tài bá⁽¹⁰⁾.

Vào thời đó, công tác đào kênh Vĩnh Tế đã đi vào giai đoạn chót. Cuối năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua ra lệnh: “Về việc tiếp tục đào sông Vĩnh Tế, cho thành Gia Định chuyển sức cho các trấn, dự bị trước để điều động binh lính các cơ quê ở thành này, binh lính đồn Uy Viễn, dân phu các hiệu đồn điền, dân phu 5 trấn Phan Yên, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên, đều theo thực số hiện tại, chia làm 3 phiên, 1 tháng lần lượt thay đổi để điều khi mệt, khi nghỉ. Hạn thượng tuần tháng 2 sang năm khởi công tiếp tục khơi dòng sông ấy hiện còn trên 1700 trượng, cốt cho xong. Nếu chỗ ấy công việc đã xong, mà nhân dân còn rỗi việc nông, nên một mặt tâu rõ, một mặt dốc sức binh dân khai thêm lòng trác để xong công trước”⁽¹¹⁾.

Ngày nay, con cháu họ Lê ở Thốt Nốt còn giữ được ba văn kiện cấp cho Huề Tài bá Lê Văn Huề, ra lệnh về việc tổ chức binh dân đi đào kênh Vĩnh Tế. Nhờ đó, ta biết được tình hình tổ chức điều động thời đó: “Khâm sai Vĩnh Thanh trấn Trấn quan

Kế

Sai Khâm sai thuộc trấn Đội trưởng hai đội 2, 3 của hai cơ Vĩnh Bảo trung, tiền là Dũng Tài bá Nguyễn Văn Dũng, Huề Tài bá Lê Văn Huề. Nay vâng theo thượng dụ, binh dân trong trấn ta phải đi công dịch đào sông Vĩnh Tế, lấy ngày mồng một tháng hai của mùa xuân này khởi công khơi kinh, sức cho Hộ phòng căn cứ theo số phiên, có văn thư truyền cho tri huyện của huyện Vĩnh An chiếu theo đó mà đốc thúc chiêu tập dân chúng của phiên thứ nhất. Nếu chưa đủ số thì phải lấy ở huyện, đúng kỳ hẹn tới đồn Châu Đốc để làm công dịch. Việc đào sông là việc hệ trọng khẩn cấp, nên để tâm đốc thúc, cho việc thành công. Các viên công sai này nên ngồi một chiếc thuyền tới huyện ấy, chiếu theo lệ cùng viên tri huyện thôi thúc các chức dịch và dân phu trong phiên thứ nhất chuẩn bị khí cụ đào sông và các hạng tre trúc, rạ lợp cho đầy đủ, hạn ngày hai mươi lăm tháng này tới đồn Châu Đốc nhận phần đất phải đào. Các viên chức dịch và dân phu hiện được bao nhiêu người, sức cho huyện làm bản danh sách dâng nộp. Công việc này là quan trọng, cần phải gia tâm. Nếu như trễ hạn, hoặc nhân việc mà đòi hỏi, khi phát hiện ra sẽ bị trị tội. Nay sai.

Chức dịch và dân phu phiên thứ nhất của huyện Vĩnh An là một ngàn ba trăm tám mươi ba người.

Năm Minh Mạng thứ năm (1824), tháng Giêng, ngày mười lăm.

[Ấn: Vĩnh Thanh trấn thủ]”⁽¹²⁾.

Ấn Bảo hộ Cao Miên quốc chi chương của Thoại Ngọc hầu

Số lượng dân phu của phiên thứ nhất được chia thành nhiều toán. Theo tờ sai ngày 28 tháng Giêng cùng năm, Huề Tài bá Lê Văn Huề được giao đốc thúc dân phu của toán Vĩnh Nhất⁽¹³⁾. Điều này cho thấy các toán dân phu được đặt tên theo chữ đầu tên trong trấn kèm với số thứ tự. Chúng ta không rõ số lượng mỗi toán là bao nhiêu người. Lê Văn Huề cùng toán Vĩnh Nhất làm việc trên công trình đào kênh tới tận tháng năm, khi công việc đã xong mới được cấp bằng cho về. Tờ bằng đề ngày mồng một tháng năm năm Minh Mạng thứ 5 (1824), có đóng ấn Bảo hộ Cao Miên quốc chi chương của Thoại Ngọc hầu⁽¹⁴⁾.

Kênh Vĩnh Tế hoàn thành cũng đánh dấu 10 năm binh nghiệp của Huề Tài bá Lê Văn Huề. Năm đó, ông đã 39 tuổi. Năm 1828 là đến kỳ khảo khóa. Lê Văn Huề được thực thụ Chánh đội trưởng của thập 3, đội 3, cơ Vĩnh Bảo tiền. Tờ chiếu được ban ngày 27 tháng tư năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Lê Văn Huề đi trú đóng nhiều nơi, lúc ở Châu Giang (Châu Đốc), lúc đi Kim Dự (Hà Tiên). Năm 1832, ông được cử làm Chánh đội trưởng đội 3 cơ Vĩnh Bảo tiền. Khi tỉnh An Giang thành lập, quân đội được cải cách phiên hiệu. Lúc đó Lê Văn Huề làm Chánh đội trưởng đội 6 của cơ An Giang tả. Năm 1833, ông nhận lệnh chở của kho lên kinh đô Huế dâng nộp. Giữa lúc đó, Nam kỳ nổ ra sự biến Lê Văn Khôi. Lê Văn Huề vội trở về, theo quân thứ Gia Định đánh dẹp, rồi lại trở về An Giang tham gia cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược. Năm 1834, vì có bệnh mắt
khiến hai mắt mờ đục, Lê Văn Huề xin nghỉ về nhà dưỡng bệnh. Đầu năm 1836, có giấy của Bộ Binh cho tạm nghỉ. Lê Văn Huề từng xin gia hạn nghỉ, vì bệnh chữa mãi không khỏi, cuối cùng phải xin thôi chức. Ông qua đời tại quê nhà Thốt Nốt. Phần mộ ông hiện do con cháu họ Lê coi sóc.

 CHÚ THÍCH:

1. Tờ khai của Lê Văn Huề xin triển hạn nghỉ để chữa mắt, ngày 10 tháng tư năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

2. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr. 332.

3. Tờ chiếu cho Lê Văn Huề thực thụ Cai đội, tước Huề Tài bá, ngày 19 tháng hai năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

4. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 114.

5. Tờ bằng cấp cho Lê Văn Huề nghỉ phép về quê dự cúng đình, ngày 6 tháng tư năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

6. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 254.

7. Phạm Văn Ấn, Huỳnh Văn Khỏe, Địa bạ thôn Thạnh Hòa Trung, ký hiệu 15265, tr. 24-25, 36, 38, 73, 79-80.

8. Tờ khai của Lê Văn Huề xin triển hạn nghỉ để chữa mắt, ngày 10 tháng tư năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

9. Tờ sai cho Lê Văn Huề làm Suất thập, ngày 13 tháng chín năm Gia Long thứ 13 (1814). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

10. Tờ chiếu cho Lê Văn Huề thực thụ Cai đội, tước Huề Tài bá, ngày 19 tháng hai năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

11. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 13, Nxb. Thuận Hóa, tr. 210-213.

12. Tờ sai Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Huề đi đốc thúc dân phu huyện Vĩnh An, ngày 15 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

13. Tờ sai Lê Văn Huề đốc thúc dân phu toán Vĩnh Nhất, ngày 28 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

14. Tờ bằng cho Lê Văn Huề trở về nhà sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế, ngày mồng một tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Lưu trữ của gia đình họ Lê ở Thốt Nốt.

Bài liên quan

Bài đăng mới