1. Phận gái dặm dài cùng thời loạn

Đại Nam liệt truyện Tiền biên (LTTB), Quyển 1, trang 4 chép:
Phiên âm: Hy Tông Hiếu Văn Hoàng hậu Nguyễn thị (Cẩn án sơ tính Mạc thị, cải tứ tính Nguyễn thị), kỳ tiên Hải Dương Nghi Dương nhân, Khiêm Vương Mạc Kính Điển chi trưởng nữ dã. Sơ Kính Điển bại vong, tùy quý phụ Cảnh Huống khiết quyến Nam đầu ẩn cư Lam Sơn tự, nhân tịch vu Quảng Trị…
Tạm dịch: Hy Tông Hiếu Văn Hoàng hậu họ Nguyễn[1] (Xét ngày trước họ Mạc, [sau] đổi ban thành họ Nguyễn), tổ tiên người Nghi Dương – Hải Dương, là trưởng nữ của Mạc Kính Điển. Ngày trước Kính Điển thua mất, [hậu] theo chú là Mạc Cảnh Huống dẫn vào Nam ẩn cư ở chùa Lam Sơn, nhân đó biên vào sổ tịch Quảng Trị…
Theo ghi chép của LTTB thì chánh phi của chúa Nguyễn Phước Nguyên vốn người dòng dõi họ Mạc, gặp cảnh loạn phải theo chú vào Nam ẩn cư, sau nên duyên cùng nhà chúa. LTTB không cho biết bà sinh năm nào, nhưng dựa vào Đại Nam thực lục (TL) chép: “[Năm 1630] mùa đông, tháng 11, ngày Giáp Thân, nguyên phi họ Nguyễn mất… thọ 53 tuổi[2]”, do vậy tính biết bà sinh năm 1578[3]. Đại Việt sử ký toàn thư (TT) chép: “[Năm 1580], tháng 10, Mạc Kính Điển chết… Con gái 9 người,… duy con gái bé 3 tuổi chưa được phong[4]”. Như vậy TT cũng gián tiếp xác nhận người con gái 3 tuổi, người sau này sẽ là chánh phi của chúa Sãi là cô “con gái bé 3 tuổi” sinh năm 1578.
Lúc bà được 3 tuổi thì cha mất, sử không chép bà được ai nuôi dạy, chỉ chép “theo chú là Mạc Cảnh Huống dẫn vào nam ẩn cư ở chùa Lam Sơn, nhân đó biên vào sổ tịch Quảng Trị”. Sử thần nhà Nguyễn chép lấp lửng, khiến người đọc có cảm tưởng như bà và Mạc Cảnh Huống chạy vào Nam là cùng thời. LTTB lại chép “Năm Mậu Ngọ (1558), mùa đông, Thái Tổ vào Nam, trấn thủ Thuận Hóa, Cảnh Huống đem gia quyến đi theo” (LTTB, 2006, tập 1, tr. 93). Nguyễn Hoàng và Mạc Cảnh Huống cùng lấy hai chị em Nguyễn thị làm vợ, nên việc Cảnh Huống theo phò vào Nam ngay những ngày đầu cũng là việc không khó lý giải[5]. Do đó, Hiếu Chiêu Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai (với năm sinh 1578) vào Nam theo Mạc Cảnh Huống phải diễn ra rất lâu sau này.
Sau thời gian dài chống đối nhau, đến năm 1592, lực lượng Nam triều thắng thế, buộc họ Mạc rời khỏi Đông Đô. Trong các năm liền sau [1593, 1594], chúa Trịnh nhiều lần phái binh ra Hải Dương truy diệt họ Mạc (TT. 1998, tập 3, tr. 177-187), buộc tông tộc họ Mạc tản cư nhiều nơi. Trong đó, ngoài lực lượng chính lên Cao Bằng, thì một bộ phận tản cư vào Nam Hà, hội tụ cùng người “tiền trạm” Mạc Cảnh Huống, lúc bấy giờ đã là người có uy tín với chính quyền sở tại, đoàn người tránh nạn ấy có cả Quận chúa Mạc Thị Giai. Theo điền dã của L. Cadière có thuật việc Mạc Cảnh Huống là người mộ đạo Phật[6], nên việc bà Mạc Thị Giai lúc vào Nam ở chùa Lam Sơn cũng là lẽ thường.
2. Vào phủ chúa, mối lương duyên kết dính hai đại tộc
Nhìn lại lịch sử trung đại, nơi tình yêu trai gái thường nhường chỗ cho mưu đồ chính trị, các đại tộc có xu hướng liên kết nhau bằng hôn nhân. Giai đoạn Nam – Bắc triều cũng không ngoại lệ, ngoài các cuộc hôn nhân giữa hai họ Nguyễn – Trịnh, thì Nguyễn – Mạc cũng đã hình thành dây nhợ với việc Nguyễn Hoàng và Mạc Cảnh Huống cùng lấy hai chị em Nguyễn thị. Từ sau năm 1592, thế lực hai họ Nguyễn – Mạc chuyển dần sang thế yếu, có chung đối thủ là họ Trịnh, nên dù LTTB chép do bà Mạc Thị Giai nhờ “minh mẫn thuần thục, nói và làm đều đúng mực thước” (LTTB, 2006, tr. 22) mà được rước vào làm vợ Nguyễn Phước Nguyên[7], nhưng cũng có thể còn do yêu cầu gắn kết hai đại tộc Nguyễn – Mạc cho thêm phần sâu sắc. Theo L. Cadière: “Cha đạo Chritofori Borri sống tại Huế trong những năm 1618-1621 đã ám chỉ về điều này khi ông ta nói: ‘Vào thời kỳ tôi sống tại Nam kỳ… vua Bắc kỳ rất lo sợ vua Mạc tại Cao Bằng liên kết với vua Nam kỳ đang chiếm giữ địa đầu phía Nam để vây vua Bắc kỳ vào giữa và chiếm lấy giang sơn mà vua Bắc kỳ đã thoán đạt’, nên ‘Chính sách Nguyễn là đương nhiên. Nó đã xuất phát theo tình thế phù hợp. Dầu sao thì nó càng được thuận lợi khi có sự liên kết giữa hai họ Nguyễn – Mạc” (L. Cadière, Sđd, tr. 268)
Hiếu Chiêu Hoàng hậu lúc ấy khoảng trên 16, 17 tuổi[8] được vợ Mạc Cảnh Huống giới thiệu cho công tử Nguyễn Phước Nguyên. Cuộc hôn nhân sử không chép diễn ra năm nào, nhưng theo ghi chép của LTTB (2006, tr. 22) thì bà Hy Tông Hiếu Văn sinh năm con trai và ba con gái, trong đó chúa Thượng – Phước Lan là con thứ ba, được sử ghi nhận sinh năm Tân Sửu [1601] (TL, 2007, tập 1, tr. 35), trước chúa Thượng là anh cả Kỳ, trước Kỳ là chị cả Ngọc Liên, nên Ngọc Liên có thể lớn hơn chúa Thượng từ 3 đến 5 tuổi. Như vậy có thể không muộn hơn năm 1596, 1597 là mốc Quận chúa Mạc Thị Giai vào hầu công tử Nguyễn Phước Nguyên.
Đối với đoàn tòng vong họ Mạc vào Nam, việc bà Mạc Thị Giai vào phủ chúa sẽ là chỗ dựa cho họ, bà đóng vai trò như người bảo hộ ngôi làng mà nhóm di cư Hải Dương đến định cư an nghiệp. Như sử quan chép, sau khi vào Nam, bà nương nhờ nơi cửa chùa Lam Sơn. Theo nghiên cứu điền dã của L. Cadière thì chùa này ở “thôn Cổ Trai, làng Minh Hương, tổng Minh Lương, huyện Quảng Điền”. Thôn Cổ Trai[9], Quảng Trị trở thành quê hương thứ hai của bà, có thể là nơi nổi bật tiếp nhận một bộ phận tòng vong triều Mạc chạy vào Nam. Sau khi bà nhập phủ chúa, có thể bằng ảnh hưởng uy tín, bằng tài lực mà bà đã giúp đỡ cố kết dân làng Cổ Trai. Chính vì thế bà trở thành một trong ba vị thành hoàng của làng (L. Cadière, Sđd, tr. 262).
3. Phù trợ nơi căn bản cơ nghiệp nhà chúa
Năm 1600, Nguyễn Hoàng trốn thoát khỏi Bắc Hà, chống đối họ Trịnh ra mặt, do cần củng cố lực lượng nhằm đủ sức ứng phó với cuộc tấn công chắc chắn xảy ra của họ Trịnh, thì việc chuẩn bị một hậu phương vững chắc là một yêu cầu cấp thiết. Bấy giờ Quảng Nam với vị thế trọng yếu và vật lực trù mật đã được chúa Nguyễn đặc biệt lưu tâm. Do vậy Nguyễn Hoàng đã cử Thế tử Phước Nguyên vào trấn thủ Quảng Nam, trong đoàn người theo Phước Nguyên ấy, đương nhiên là có vợ ông là bà Nguyễn Thị Giai. Tại Quảng Nam, bà sinh hạ Phước Lan – người sau này thành chúa Thượng. Quảng Nam sau hơn 10 năm cai trị của Nguyễn Phước Nguyên đã thành kho vật lực cho Nam Hà. Sử không tả chép công trạng của bà Nguyễn Thị Giai, nhưng ắt hẳn bà đóng một vai trò nhất định trong việc định hình phẩm cách cai trị của chồng, giúp ông đạt được những chính tích tốt đẹp.
Cùng với chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa, thì tại Quảng Nam, chính quyền họ Nguyễn đã cho xây dựng hai ngôi chùa Long Hưng và Bửu Châu (TL, 2007, tập 1, tr. 36). Trong giai đoạn chiến tranh nhiễu nhương, một chỗ dựa tinh thần, một sợi dây cố kết nhân tâm là việc rất quan trọng, nên Phật giáo đã có vai trò to lớn đối với xã hội. Nên đương thời việc nhà Chúa và nhân dân Nam Hà rất mộ Phật. riêng đối với bà Nguyễn Thị Giai, lúc vừa đặt chân vào Nam, bà ở chùa Lam Sơn, nên Phật giáo ắt có một địa vị nhất định trong tâm thức. Do vậy việc hoằng dương Phật giáo ở Quảng Nam, thì bà cũng có sự đóng góp ít nhiều cũng là điều dễ hiểu. như vậy bà cũng có thể đã giúp chồng thành bậc chúa Sãi (Phật chủ, Phật chúa) Nguyễn Phước Nguyên sau này.
Năm 1613, sau khi về Thuận Hóa lên ngôi, chúa Sãi tiếp nối chính sách cai trị của cha, cử con trưởng là Kỳ[10] làm Trấn thủ Quảng Nam, tạo tiền đề để lên ngôi chúa sau này. Sử không chép lúc bấy giờ bà Nguyễn Thị Giai ở đâu, nhưng đến năm 1630, sau khi mất, bà được an táng ở lăng Vĩnh Diện thuộc Chiêm Sơn – Quảng Nam (LTTB, 2006, tập 1, tr.22), nên rất có khả năng, lúc sinh thời bà đã không về Thuận Hóa, mà tiếp tục ở lại Quảng Nam, ít nhiều giúp Kỳ có chính tích “chăm làm ơn huệ, vỗ về thương yêu quân và dân, trong cõi được yên ổn” (LTTB, 2006, tập 1, tr. 44).
Tháng 11 năm Canh Ngọ [1630], “bà mất, thọ 53 tuổi, truy tặng Doanh Cơ, thụy Nhã Tiết… Năm Giáp Tý [1744], Thế Tông Hoàng đế năm thứ 6, truy tặng tôn thụy là: Hy Cung Từ Thân Thuận phi. Năm Bính Dần [1806], Gia Long thứ 5, lại truy tôn làm Huy Cung Từ Thân Ôn Thục Thuận Trang Hiếu Văn Hoàng hậu” (LTTB, 2006, tập 1, tr. 22).
4. Kết luận
Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, trong quá trình dựng – giữ đó, thì vai trò người phụ nữ luôn chiếm một địa vị quan trọng, tùy thời mà họ đảm đương những thiên chức khác nhau. Bà Mạc/Nguyễn Thị Giai là điển hình của tấm gương phụ nữ âm thầm vì gia đình dòng họ. Sinh ra sớm mồ côi cha, lúc thiếu thời lâm cảnh chạy nạn, ở bà vẫn có đầy đủ nết đẹp người con gái Việt Nam: là người vợ âm thầm giúp nội trị, góp nên một chúa Sãi nhân từ; là người mẹ tám con của gia đình thế tộc, giúp tạo nên một chúa Thượng khai sáng cõi Nam; cũng như là người con luôn hướng về bà con hương xóm, luôn nhớ nghĩ, giúp đỡ bản quán khi có điều kiện.
[1] Tức bà Nguyễn Thị Giai. Theo bút pháp của sử quan xưa, tên húy các vua và hoàng hậu không chép bày trực tiếp, nên Đại Nam liệt truyện Tiền biên (LTTB) cũng không chép tên. Chữ Giai/佳 được nhắc vào hạng kỵ húy ở năm Tự Đức 14 [1861] (Xem Ngô Đức Thọ. 1997. Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại. Hà Nội: Nxb. Văn hóa, tr.156-157).
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn. 2007. Đại Nam thực lục (TL). Quảng Nam: Nxb. Giáo dục, tập 1, tr. 47.
[3] Năm sinh này có người hồ nghi, bởi dựa vào đoạn chép của LTTB và TL đều bảo bà là con gái trưởng của Kính Điển. Mạc Kính Điển không rõ năm sinh, nhưng mất năm 1580, là con của Đăng Doanh, em Mạc Phúc Hải. Năm 1546, Mạc Phúc Hải mất, Kính Điển bắt đầu nắm chính quyền, nên ông sinh nhiều phần ít nhất là trước năm 1530. Theo ghi chép của sử quan nhà Nguyễn, bà Mạc Thị Giai sinh năm 1578, là lúc Kính Điển đã lớn tuổi, do vậy khả năng “trưởng nữ” là rất khó, vì Kính Điển có tất cả chín trai và chín gái.
[4] Sử thần nhà Lê. 1998. Đại Việt sử ký toàn thư (TT). Hà Nội: Nxb. KHXH, tập 3, tr.156-157.
[5] Vì theo Nguyễn Hoàng vào Nam ngay ở buổi đầu nên sử thần nhà Nguyễn đánh giá công của Mạc Cảnh Huống: “Giúp việc khai quốc, công lao ngang với Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phúc Trị” (Quốc sử quán nhà Nguyễn. 2006. Đại Nam liệt truyện Tiền biên. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập 1, tr. 94). (Về phiên âm tên của Nguyễn Ư Dĩ, Hán văn của LTTB là 已, thì chữ phiên âm Hán Việt là Dĩ. Các dịch giả LTTB có thể nhầm 已 với 己 mà phiên âm là Kỷ?)
[6] L. Cadière. 2001. “Về bà vợ của Sãi Vương”. Những người bạn cố đô Huế. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập 9, tr.258-270.
[7] Chúa Nguyễn Phước Nguyên sinh năm 1563, khi lấy bà Mạc Thị Gia đã trên 30 tuổi, cái tuổi thành thân tương đối lớn so với tuổi trung bình đương thời. Nên nhiều khả năng chúa đã có vợ trước khi lấy bà, nhưng do xuất thân từ đại tộc mà bà được làm chánh phi.
[8] Dùng năm 1578 làm mốc sinh, vào Nam sau cuộc truy bức của Nam triều khoảng năm 1593-1594.
[9] Làng đã đã được Ô Châu cận lục ghi nhận từ rất sớm (xem Dương Văn An. 2009. Ô Châu cận lục. Huế: Nxb. Giáo dục, tr. 29), có trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam, nên L. Cadière, nhận định: “Một bộ phận dân cư làng Cổ Trai, quê tổ của họ Mạc tại Hải Dương, đã di cư đến làng Cổ Trai ở tỉnh Quảng Trị,… Mạc Cảnh Huống gia nhập cộng đồng người đồng hương và bà con ruột thịt, hoặc từ khi ông vào Thuận Hóa theo Nguyễn Hoàng năm 1558 hoặc là về sau này,… Sau khi nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi đồng bằng Bắc bộ, nghĩa là sau năm 1593, thì một công nương của họ Mạc tức là bà Hiếu Văn, đã đến nương náu tại Cổ Trai… ” (L. Cadière, sđd, tr. 265-266).
[10] Tước Mỹ Khánh hầu. (Xem Nguyễn Khoa Chiêm. 1990. Việt Nam khai quốc chí truyện. TP. HCM: Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Tập 1, tr. 86).