Cống Quận công Trần Đức Hòa nhân vật lịch sử có vai trò rất quan trọngđối với lịch sử chữ quốc ngữ, cũng như đối với lịch sử nước nhà. Điều này được minh chứng qua nhiều sắc phong, thị tỷ của chính quyền nhà Lê, nhà Nguyễn ban cấp cho ông cùng dòng họ, đang được chính con cháu và các cơ quan trung ương cũng như địa phương trân trọng lưu giữ. Từ thế kỷ XVI, khi những thừa sai François Buzomi, François De Pina và Christofle Borri, những người đã rời Quảng Nam để đến Hoài Nhơn, đã nhận nhiều sự giúp đỡ từ quan thống đốc vùng đất này, mà chúng tôi đã xác định đó là Cống Quận công Trần Đức Hòa.

Vĩnh Thịnh năm thứ 12 ( 1715), tháng 9 ngày 12 (ấn son). Ảnh: Trần Đức Nghị
Trần Đức Hòa và vị thống đốc tỉnh Pulucambis
Trần Đức Hòa là một vị quan lớn đất Bình Định, khá nhiều tư liệu từ nguồn Quốc sử quán triều Nguyễn biên chép về ông: “Đức Hòa là người huyện Bồng Sơn, Bình Định. Ông nội là Ngọc Chính, làm quan nhà Lê, được tặng phong Vinh lộc đại phu. Cha là Ngọc Phân, cũng làm quan nhà Lê, đến chức Phó tướng Quảng Nam doanh. Hòa là người hào hùng cao cả, vì là con nhà tướng, ban đầu được ấm thụ làm Hoằng tín đại phu rồi thăng Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ thự Vệ sự. Vì có quân công, Đức Hòa được phong làm Quy Nhơn Khám lý, Cống Quận công”[1]. Theo đó chúng ta còn biết, năm 1600, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng từ Thăng Long về Huế, Cống Quận công Trần Đức Hòa từ Hoài Nhơn ra yết kiến và chúa khen là người cung thuận, hậu đãi cho về.
Theo tiểu sử cho thấy Trần Đức Hòa là một viên quan rất nổi tiếng của đất Bình Định ngày nay. Ông là trưởng tử của tướng Trần Ngọc Phân. Năm 1564, Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân đã ở trật chánh tam phẩm, theo quan chế nhà Lê thời Hồng Đức thì con được tập ấm[2]. Chế phong năm 1564 cho biết Trần Đức Hòa đã có hàm Hoằng tín đại phu, trật chánh ngũ phẩm. Như vậy đây là một chức quan vừa và Trần Đức Hòa đã tập ấm từ sớm hơn, vì ban đầu sẽ thự hàm, sau mới thụ hàm, mà theo quan chế nhà Lê thời Hồng Đức thì phải 3 năm mới thụ thực chức[3]. Theo điển chế quy định về tập ấm, có thể thấy tướng Trần Ngọc Phân vào năm 1564 có tước hầu (Dương Đàm Hầu): “Tước hầu thì cha và ông đều được phong bá, mẹ và bà đều được phong tự phu nhân, vợ được phong chánh phu nhân, con trưởng được phong hoằng tín đại phu, các con được phong hiển cung đại phu, cháu trưởng được phong mậu lâm lang”[4]. Vì vậy căn cứ quy định vừa nêu và các sắc phong, chế phong của Trần Ngọc Phân, cho thấy con là Trần Đức Hòa được tập ấm ngay chức Hoằng tín đại phu[5], cha được phong bá (Huệ Trung Bá)[6] và mẹ được phong Tự phu nhân (Huệ Trung Bá Tự phu nhân)[7], vợ được phong Chánh phu nhân (Dương Đàm Chánh phu nhân)[8]. Như vậy có thể nhận thấy Trần Đức Hòa bước vào quan nghiệp bằng chức thự Hoằng tín đại phu vào năm 1561, sau 3 năm, năm 1564, ông mới được thụ thực chức này.
Khảo sát chế phong năm Quang Hưng thứ 8 (1585), cho thấy trước thời điểm này, Trần Đức Hòa đã là hàng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, hàm thự Vệ sự, Đô chỉ huy sứ, ty Đô chỉ huy sứ, vệ Cẩm y, tước Phước Điền Hầu, Trụ quốc trung trật[9]. Theo quan chế nhà Lê thời Hồng Đức, với hàm Đô chỉ huy sứ, lúc này ông có trật chánh tam phẩm[10]. Trong chế phong, vinh thăng ông lên hàng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, hàm thự Vệ sự, Đô chỉ huy sứ, ty Đô chỉ huy sứ, vệ Cẩm y, tước Cống Quận công, Trụ quốc thượng trật. Có thể thấy, hàng và hàm ông không thay đổi, tuy nhiên phẩm trật đã nâng lên mức chánh nhất phẩm[11], đó là Cống Quận công, Trụ quốc thượng trật. Căn cứ vinh thăng cho Trần Đức Hòa, theo chế phong là bởi ông từng phục vụ quân đội, dưới quyền Tả tướng Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng. Như vậy có thể thấy Cống Quận công (1584) và Phù Nghĩa Hầu (1596)[12] đều có những hành trạng giống nhau, khi cả 2 đều dưới quyền Trưởng Quốc công Trịnh Tùng. Tuy nhiên, phẩm trật của Trần Đức Hòa tại thời điểm năm 1584 là tột bậc, thậm chí tước vị ông ngang hàng với Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (Trấn thủ Thuận Hóa năm 1558)[13], hay Luân Quận công Tống Phước Trị (có thể Trấn thủ xứ Quảng Nam từ năm 1570)[14], hay Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên (1601)[15].
Như đã biết tại thời điểm năm 1602, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng lập dinh Quảng Nam, đưa Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên là Trấn thủ dinh Quảng Nam[16]. Trên thực tế, dường như Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên đã là Trấn thủ dinh Quảng Nam từ năm 1601 với con dấu Trấn thủ tướng quân chi ấn, thậm chí ông còn xưng với Nhật Bản là Thụy Quốc công qua những bức quốc thư[17]. Vậy giai đoạn này Cống Quận công Trần Đức Hòa làm chức vụ gì? Dường như sau khi Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân mất từ năm 1593 về trước[18], Cống Quận công đã thay thế cha mình làm thủ lĩnh phủ Hoài Nhơn. Và cho đến năm 1602, khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào lập dinh Quảng Nam ở Thanh Chiêm và cử Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ, Cống Quận công từ Hoài Nhơn đã đến để ra mắt, một mô tả sớm nhất của Nguyễn Khoa Chiêm (1719) cho sự kiện này: “Bấy giờ có viên khám lý ở phủ Hoài Nhơn là Cống Quận công tìm đến hành dinh của chúa bày tỏ lòng khâm phục, xin được góp sức giúp rập. Đoan Vương cả mừng, khoản đãi rất hậu”[19]. Có lẽ đây chỉ là những vấn đề mang tính nghi lễ, bởi chắc hẳn trước đó với quyền lực của một tổng trấn 2 xứ Thuận – Quảng, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đã phải gặp gỡ nhiều thủ lĩnh các xứ, phủ ở giai đoạn nhà Lê cầm quyền; và việc nhận Cống Quận công Trần Đức Hòa làm con nuôi có thể xảy ra trước năm 1602, thậm chí là sớm hơn. Và việc cho rằng Trần Đức Hòa quy phục Đoan Quận công, đó chỉ là một nghi thức ngoại giao, nhằm ổn định tình hình. Hãy nhớ lúc này, ngoài dòng tôn thất ra, rất ít người có tước Quận công. Điển hình là Đào Duy Từ là một vị tướng lẫy lừng, thậm chí đến đời vua Minh Mạng còn được truy tặng là Hoằng Quốc công, nhưng khi sống vẫn chỉ ở tước Lộc Khê Hầu, là thấp so tước của Cống Quận công.

Quay trở lại về Cống Quận công, có thể phỏng đoán ông bắt đầu làm chức Khám lý ở phủ Hoài Nhơn kể từ khi cha ông mất (từ năm 1593 về trước), trước khi lập dinh Quảng Nam[20]. Giai đoạn đầu thế kỷ XVII, vì chức khám lý đứng đầu phủ Hoài Nhơn là dưới quyền quan trấn thủ dinh Quảng Nam, lúc đó là Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, trên thực tế vì là dưỡng tử (con nuôi của Đoan Quốc công), nên quyền lực ông như một lãnh chúa ở Hoài Nhơn. Một số tài liệu đương thời cho thấy, vì là con nuôi chúa Nguyễn, nên quyền lực của ông trải rộng không chỉ trên đất Hoài Nhơn (sau là Quy Nhơn, nay là Bình Định), mà thậm chí trên cả đất Quảng Ngãi tại thời điểm 1620. Đó là vì ông là con nuôi chúa Nguyễn Hoàng, theo sắc phong năm Chính Hòa thứ 10 (1689), cho thấy ông được ban quốc tính họ Nguyễn vì ông là dưỡng tử (con nuôi) của Đoan Quốc công, chứ không phải nghĩa đệ của Thụy Quận công như lâu nay nhầm tưởng: “Bảo cho cháu đích là Trần Đức Tấn, chức Chánh Đề đốc, tước Vĩnh Thọ Hầu, ở xã Bồ Đề huyện Bồng Sơn phủ Quy Ninh, nguyên có ông cao là tiền Khám lý Cống Quận công Trần Quý công từng được chúa Tiên nhận làm dưỡng tử, thường dâng nạp binh lương thuế khóa, có công che chở và nuôi nấng Vệ úy Lộc Khê Hầu rồi tiến cử lên chúa Sãi”[21]. Việc nhầm tưởng Trần Đức Hòa chỉ là nghĩa đệ Thụy Quận công, khi căn cứ vào chính sử: “Đến khi Hy Tông hoàng đế nối ngôi chúa, Đức Hòa thường dự bàn việc quân, việc nước, rất được chúa thân yêu tin cẩn, chúa thường gọi là em nuôi”[22]. Đến đây chúng ta chắc chắn về việc Trần Đức Hòa là con nuôi của chúa Nguyễn Hoàng chứ không phải là em nuôi[23] của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được ban họ Nguyễn.
Ở tài liệu đương thời, có một thông tin cần tham khảo. Đó là thông tin của hạm đội Hà Lan đến phủ Hoài Nhơn vào năm 1601, hạm đội tàu do Phó Đô đốc Van Groesbergen chỉ huy gồm 2 chiếc Haarlem và Leiden, từ Bantam (Indonesia) đã hướng đến Trung Hoa. Ngày 09.10.1601, hạm đội nhìn thấy Côn Đảo trước khi đổi hướng về đất liền, có thể là bờ biển Đàng Trong với con sông Polo Cambier tại Sinceo, tại đây họ được đón tiếp nồng nhiệt[24]. Nhưng vào ngày 12.01.1602, cư dân bản địa đã tấn công và giết hại 23 người, trong đó 12 người của tàu Haarlem và 11 người của tàu Leiden[25]. Thậm chí Phó Đô đốc Van Groesbergen lên bờ cùng một thương gia đã bị bắt giữ, họ chỉ được trả tự do sau khi trao đổi bằng 2 khẩu pháo. Trong nhật ký của chính thuyền trưởng Cornelis Claessen từ 28.7.1600-30.8.1604,[26] thuyền trưởng tàu Haarlem, có nhắc đến một người anh em họ của vua (een couzijn van den coninck)[27], có vẻ đó chính là viên quan lớn nhất phủ Hoài Nhơn lúc này. Điều này làm cho chúng ta có mối liên hệ đến Trần Đức Hòa, dưỡng tử của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào thời điểm đó. Dường như sự kiện tấn công tàu Hà Lan ảnh hưởng và lớn đến nỗi buộc một thống đốc nơi khác, rất có thể đó là Trấn thủ dinh Quảng Nam là Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên đến hạm đội để xem xét và nghe chính người Hà Lan báo cáo lại sự vụ vào ngày 04.02.1601[28]. Cũng có thể chính nhờ gặp gỡ Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên, người Hà Lan tiếp tục được phép mua bán ở Quảng Nam. Để sau đó đến ngày 14.3, Jeronymus Wonderaer và người thuộc cấp là Albert Ruyll từ Sinceo đi đến Tachim hay Tachem (Kẻ Chiêm),[29] tiếp tục hành trình thương mại của mình, bất chấp việc trước đó hạm đội Hà Lan đã bị tấn công.
Quay trở lại Cống Quận công Trần Đức Hòa, sau năm 1602, ông cai trị phủ Hoài Nhơn với chức Khám lý (Chánh Khám lý, Chánh hộ Khám lý). Có lẽ đây chính là giai đoạn Cống Quận công được nhận làm dưỡng tử của Đoan Quận công, hoặc trước nữa. Với tài năng của mình cùng mối quan hệ con nuôi với chúa Nguyễn, ông đã tạo được chỗ đứng quan trọng và uy tín với chúa Nguyễn Phúc Nguyên về sau, vì ông cũng là hoàng đệ. Việc ông phát hiện và sau đó tiến cử Đào Duy Từ là một trường hợp cho thấy ông có con mắt tinh đời như thế nào: “Nghe tin Khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa là người có mưu trí, được chúa tin dùng, bèn vào Hoài Nhân, thác làm người ở chăn trâu cho phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy người biết rộng nghe nhiều, nói với Đức Hòa. Đức Hòa nói chuyện với, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho. Duy Từ từng ngâm bài Ngọa Long cương để ví mình [với Khổng Minh]. Đức Hòa thấy thế nói rằng: ‘Đào Duy Từ là Ngọa Long đời nay chăng’”[30]. Và chính vì nhờ có Đào Duy Từ, cũng là con rể của Cống Quận công, mà chúa Nguyễn có được một nhà quân sự lẫy lừng. Họ Đào là người đã đề ra nhiều chính sách an dân trị quốc và chống nhau với nhà Lê – Trịnh, mà Đàng Trong càng trở nên mạnh mẽ nhờ Lũy Thầy, một công trình phòng ngự tầm thời đại của Lộc Khê Hầu.
Một vấn đề cần đề cập, năm 1625 được cho là thời gian mà Cống Quận công gặp Đào Duy Từ và đến tháng 3 Âm lịch năm 1627 mới tiến cử với chúa Nguyễn. Nếu đối chiếu với nguồn ghi chép phương Tây, chúng ta có thể nhận thấy sự sai khác này. Ở giai đoạn Cống Quận công cai trị phủ Hoài Nhơn, có một linh mục khá nổi tiếng cũng đến Hoài Nhơn, đó là thừa sai Christofle Borri (thông dụng là Christoforo Borri). Christofle Borri đã đến Đàng Trong vào những năm 1618-1622 và để lại cuốn sách nổi tiếng bằng tiếng Ý Relatione della nuova missione delli PP. Della Compagnia di Giesu al Regno della Cocincina, xuất bản vào năm 1631 và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tác phẩm của Christofle Borri đã mô tả nhiều vấn đề về xã hội của Đàng Trong (Cochinchine) ở giai đoạn sớm, trong đó có nội dung ông nhận được sự giúp đỡ của người đứng đầu phủ Hoài Nhơn (Gouverneur de la province des Pulucambis, tạm gọi là thống đốc tỉnh Pulucambis), tính theo thời gian trong chính sử thì đó là Cống Quận công Trần Đức Hòa. Thống đốc Pulucambis là người đã giúp các thừa sai François Buzomi, François De Pina và Christofle Borri lập cơ sở truyền giáo ở Nouecman[31] (Nước Mặn)[32]. Chính tại Đàng Trong mà dường như với hai nơi mà các thừa sai từng trú ngụ là Faifo và Nouecman, họ đã khai sinh ra chữ viết theo mẫu tự Latinh mà người Việt ngày nay đang dùng, gọi là chữ Quốc ngữ. Chính thống đốc tỉnh Pulucambis là người đích thân đưa các thừa sai từ Faifo về Nouecman ở Hoài Nhơn. Trong thời gian các thừa sai sống ở thành phố Nouecman của tỉnh Pulucambis, thống đốc đã giúp đỡ họ rất nhiều, từ xây dựng nhà thờ cho đến cuộc sống thường nhật. Trong quá trình sống và truyền đạo tại Nouecman, các thừa sai đã chứng kiến cái chết của quan thống đốc nơi đây, trong khoảng thời gian từ 1618-1622. Một đám tang rất lớn và được mô tả chi tiết bởi Christofle Borri. Qua các thông tin trên và căn cứ theo chính sử để đến năm 1625, Cống Quận công vẫn còn sống để tiến cử Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn Phước Nguyên, là điều cần quan tâm nghiên cứu. Cần biết thêm, thông tin Cống Quận công tiến cử Đào Duy Từ vào năm 1627 được ghi chép sớm nhất bởi Nguyễn Khoa Chiêm (1719)[33] Lê Quý Đôn (1776)[34] và cuối cùng là Quốc sử quán triều Nguyễn ở giữa đầu thế kỷ XIX.
Hãy cùng khảo sát, vị quan thống đốc tỉnh Pulucambis là ai. Xét hành trạng và chức vụ người đứng đầu phủ Hoài Nhơn lúc ấy, Christofle Borri gọi là thống đốc tỉnh Pulucambis, đó chỉ có thể là viên khám lý phủ Hoài Nhơn lúc đó. Như đã khảo sát, giai đoạn trước năm 1744, đứng đầu phủ ở xứ Quảng Nam là khám lý (còn gọi là chánh hộ khám lý, chánh khám lý), đều chỉ cho người đứng đầu các phủ Quảng Ngãi và Hoài Nhơn. Điển hình như vào năm 1625, người đứng đầu phủ Quảng Ngãi là Chánh Khám lý Quảng Nham Hầu Trần Cẩm, nhận định này dựa vào thị tỷ năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) thăng chức cho Quảng Nham Hầu Trần Cẩm, chức Chánh Đề đốc phủ thăng làm Chánh Khám lý. Quá trình thăng tiến của Quảng Nham Hầu Trần Cẩm được thể hiện qua nhiều thị tỷ. Năm 1596, ông ở hàm Ký lục, tước Quảng Nha Tử thăng Tham tướng cai phủ; năm 1608, ông ở hàm Tham tướng Cai phủ, tước Quảng Nham Hầu thăng Phó Đề lãnh; năm 1625, ông ở hàm Chánh Đề đốc, tước Quảng Nham Hầu thăng Chánh Khám lý[35]. Đây là chức hàm cao nhất tại phủ Quảng Ngãi trong giai đoạn này. Trường hợp thăng tiến của Chánh Khám lý Quảng Nham Hầu Trần Cẩm là 1 trường hợp điển hình cho thấy, ông kinh qua tất cả các chức vụ ở phủ trong giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Căn cứ các chức hàm thuộc các phủ của dinh Quảng Nam do Lê Quý Đôn (1776) biên chép (gồm Khám lý, Chánh Đề đốc, Phó Đề lãnh, Cai phủ và Ký lục)[36], cho thấy chúng ta còn thiếu 1 thị tỷ thăng từ hàm Phó Đề lãnh lên Chánh Đề đốc[37], tuy nhiên sự liên tục các thị tỷ đã là một trường hợp để nghiên cứu sâu hơn về quan chế của cấp phủ ở đất Quảng Nam xưa.
Xét về thân thế Trần Đức Hòa, ông là Khám lý phủ Hoài Nhơn ít nhất từ năm 1602 cho đến năm 1627, đây là quãng thời gian ông xuất hiện trong các ghi chép của chính sử. Có một số đặc điểm về Cống Quận công, ông người ở làng Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phía bắc phủ Hoài Nhơn, nay thuộc thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định; ông thọ chức Khám lý và cũng là chức vụ cao nhất tại phủ Hoài Nhơn giai đoạn đầu thế kỷ XVII. Theo mô tả của thừa sai Christofle Borri (1631), người đứng đầu tỉnh Pulucambis, đó là chức gouverneur, tạm dịch là thống đốc tỉnh Pulucambis, trên thực tế đây là cách dịch thoát nghĩa, cho thấy đó là người đứng đầu một địa phương[38]. Cụ thể như đã biết, lúc này tại phủ Hoài Nhơn, mà Christofle Borri cho biết là tỉnh Pulucambis với quan thống đốc, chính là Khám lý Cống Quận công, người đứng đầu phủ. Theo mô tả tiếp theo, cho thấy quan thống đốc không chỉ có quyền hành trên đất Pulucambis mà còn có quyền ngay trên tỉnh Quamguia (phủ Quảng Nghĩa): “Chúng tôi thỏa chí giong buồm suốt 12 ngày, sáng và chiều cập bến, bởi vì tất cả các cảng đều nằm sát thị trấn hoặc thành phố lớn của tỉnh Quamguia, ở đây quan thống đốc cũng có uy thế như ở Pulucambis vậy”[39]. Tại sao quan khám lý của phủ Hoài Nhơn lại có uy quyền với cả phủ Quảng Ngãi kế bên? Như đã biết Cống Quận công là con nuôi của Đoan Quốc công, nên ông hiển nhiên là anh em với chúa Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên, vì vậy ông có quyền với cả quan lại ở phủ Quảng Ngãi không có gì là lạ. Ngoài ra vì tước hiệu ông rất cao, ở hàng quận công, là tột bậc về phẩm trật, nên khi qua các địa phương khác và các viên quan có phẩm trật nhỏ hơn thì ông sẽ là bậc bề trên là điều hiển nhiên.
Khi từ Faifo về đến tỉnh Pulucambis, các thừa sai được đón tiếp ở mức nghi thức cao nhất tại dinh thự quan thống đốc: “Cuối cùng chúng tôi cũng tới được dinh thự của quan Thống đốc, tất cả các bữa tiệc trên đường đi được khép lại bằng một cuộc đón tiếp long trọng và những biệt đãi thường chỉ dành cho hoàng gia. Một bàn tiệc linh đình kéo dài suốt 8 ngày liên tục. Quan thống đốc còn mời chúng tôi ngồi lên ngai vàng, cùng vợ con ông ăn uống với chúng tôi trước sự kinh ngạc của triều đình, những người ấy đều công nhận chưa bao giờ thấy một sự khoản đãi nào như vậy nếu không phải là hoàng tộc”[40]. Thừa sai Christofle Borri có vẻ như mô tả hơi quá, hoặc tưởng tượng ra chăng? Dường như thừa sai mô tả đúng sự thật, cho dù đây không phải là một triều đình, để có ngai vàng (nguyên văn là trône royal), triều đình (nguyên văn cour), hoàng tộc (nguyên văn personnes des rois). Nhưng với cách trao truyền quyền lực từ người cha Trần Ngọc Phân qua con là Trần Đức Hòa, tương tự như một vùng đất tấn phong với nhiều đời nối tiếp, cho dù không phải là vương quốc riêng, nhưng cách vận hành như một triều đình bởi sự tự chủ về quyền lực tại đây và vì chính Cống Quận công cũng là một thành viên của hoàng tộc, đã làm nên những điều khác bình thường. Bởi vậy thừa sai Borri đã nhìn nhận mọi thứ với góc nhìn là một triều đình thu nhỏ, các cụm từ đặc trưng cho hoàng gia tại nơi thống đốc cai trị. Hãy lưu ý thêm, ở liền kề ngay giai đoạn này, tướng Nguyễn Phúc Vinh làm Trấn thủ dinh Trấn Biên ở Phú Yên (1629) được quyền dùng ấn son[41], cho thấy đó là một vùng tự trị nhưng chịu sự giám sát của triều đình, bởi ấn son chỉ vua mới được sử dụng. Tại sao ngay trước đó với doanh Trấn Biên của phủ Hoài Nhơn dưới quyền của Khám lý Cống Quận công lại không được? Cống Quận công Trần Đức Hòa hội tụ bất cứ điều gì về quyền lực, kể cả là thành viên hoàng tộc, để có đặc quyền như Nguyễn Phúc Vinh sau đó, thậm chí tước vị của ông ở tột bậc.
Cũng cần biết Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ là con rể Cống Quận công, thông tin từ Quốc sử quán triều Nguyễn: “Đức Hòa là người sáng suốt, biết người, cất nhắc Đào Duy Từ từ lúc còn là kẻ chăn trâu, gả cho con gái và tiến cử Duy Từ lên chúa, cuối cùng Duy Từ trở thành người đứng đầu trong các công thần”[42]. Ở chi tiết Lộc Khê Hầu là con rể của Cống Quận công, tài liệu cho biết sớm nhất là Nguyễn Khoa Chiêm vào năm 1719[43], có lẽ các tài liệu về sau như Lê Quý Đôn (1776) hay Quốc sử quán triều Nguyễn đều dựa vào tài liệu này. Theo Borri (1631) cho biết, tại Nước Mặn, ông được gặp một người phụ nữ, là vợ viên sứ thần và viên ấy là người có quyền lực chỉ sau quan thống đốc: “Khi bước ra cổng đón bà, tôi nghe người ta nói đó là phu nhân của sứ thần mà vua Đàng Trong cử sang Cao Miên, vị sứ thần đó quê ở thành phố Nouecman, nơi chúng tôi đang sống, sau quan thống đốc thì sứ thần mới chính là nhân vật quan trọng và cao cấp nhất thành phố này. Hiện tại sứ thần đang ở triều đình Sinoua[44], cùng chúa bàn chuyện đi sứ”[45]. Mô tả tiếp theo cho thấy, người đàn bà có chồng là sứ thần rất có thể chính là con gái quan thống đốc: “Sau khi hỏi han và khen ngợi theo tục lệ, phu nhân đó không muốn mất thời gian cho những việc khác mà nói ngay: ‘Qua cha tôi, tôi được biết khá rõ các ông tới xứ này và tới dinh chúng tôi cũng như lý do vì sao các ông tới…’”[46]. Cho dù chưa thật sự rõ ràng nhưng kết hợp điều kiện, viên sứ thần là nhân vật quan trọng và chỉ đứng sau quan thống đốc, cho thấy rằng ông ta có lẽ là con rể của quan thống đốc. Chính điều này giúp chúng ta liên hệ đến việc Lộc Khê Hầu là một người của phủ Hoài Nhơn và chắc chắn quyền lực ông chỉ đứng sau Cống Quận công về tước vị và vì là con rể Cống Quận công nên ông có những đặc quyền riêng, chưa nói đến tài năng của Lộc Khê Hầu là xuất chúng. Vì vậy câu chuyện của thừa sai Borri hầu hết trùng khớp với Cống Quận công, ngoại trừ một số sai khác nhỏ như việc viên sứ thần là người quê Nước Mặn[47] và khác biệt nhất chính là thời gian của Cống Quận công mất.
Thời gian sau cũng theo Borri (1631), trong một chuyến đi săn bằng voi diễn ra ở một ngày nắng nóng, khi trở về quan thống đốc Pulucambis đã bị cảm nắng nặng và sốt cao. Sốt cao đến ngày thứ 3, ông rơi vào mê sảng và qua đời sau 3 ngày nữa. Xác định thời gian thống đốc Pulucambis mất, hầu như ghi chép của thừa sai Borri (1631) lại không đề cập chính xác đến thời gian. Xác định năm Borri rời Đàng Trong, theo học giả Olga Dror thì đó là vào năm 1622[48]. Từ thời điểm thống đốc Pulucambis mất đến lúc thừa sai Borri được truyền đạo trở lại nhờ cuộc viếng thăm của người phụ nữ, là vợ viên sứ thần: “Ba năm trôi qua như vậy, và chúng tôi chắc chắn có khổ sở vì nghèo đói, vì chỉ có Chúa biết chúng tôi bị dồn tới mức nào,…”[49]. Dữ kiện chúng ta đã biết, năm 1622, thừa sai Borri rời khỏi Đàng Trong và kết hợp thông tin Borri đã cung cấp là 3 năm sau khi quan thống đốc mất, cho thấy đó là năm 1619. Ngoài ra xác nhận năm mất của thống đốc Pulucambis, theo NNC Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024) cũng cho biết, đó là năm 1619: “Báo cáo về tình hình hoạt động của các thừa sai Dòng Tên tại Nước Mặn và Dinh Chiêm năm 1619. Do Linh mục João Rodrigues Girão tổng hợp tại Macao, ngày 20.12.1620, gởi cho kinh lược sứ của Dòng. Bản văn gốc tiếng Bồ: ARSI, JAP-SIN 71. fol. 008v-012. Tạm dịch: Sau khi quan phủ qua đời, người con của ông gọi là Ông Đề Lĩnh, một quan lớn trong phủ kế thừa tinh thần của cha ông”[50]. Nội dung này cho thấy, sau khi quan thống đốc mất năm 1619, người con trai đã thay thế ông để quản lý, đó là chế độ tập ấm ở giai đoạn sớm.
Theo văn bản gốc của tài liệu ARSI, JAP-SIN 71. fol. 008v-012 ghi: Ondelim, Ông Đề Lĩnh. Đó là chức phó đề lĩnh, đứng hàng thứ 3 trong phủ Hoài Nhơn lúc này, sau chức khám lý và chánh đề đốc. Ngoài ra trong nguyên tác của Borri (1631) cho biết thêm về tình hình khuyết chức thống đốc trong 3 năm và người con trai thống đốc Pulucambis được thăng chức phó thống đốc: “Theo lệnh vua, chi phí cho những việc này tính vào lương bổng ba năm của quan thống đốc, bởi lẽ suốt thời gian này không có ai thay thế vị trí của ông, người ta tin rằng linh hồn ông đã được phong thần nên ông vẫn tiếp tục cai quản đất này.Tuy nhiên, con trai ông được bổ nhiệm chức phó thống đốc (Vice-Gouverneur) và là quan phó tỉnh (Lieutenant de la Prouince)”[51]. Qua mô tả có thể thấy con trai quan thống đốc được thăng lên phó thống đốc, đó là chức chánh đề đốc, là người đứng hàng thứ 2 ở phủ Hoài Nhơn lúc này. Như vậy trước khi thăng lên phó thống đốc, ông ta ở hàm Ondelim (Ông Đề Lĩnh), tức phó đề lãnh, là đúng về mặt quan chế của phủ Hoài Nhơn lúc bấy giờ. Theo gia phả họ Trần (Hoài Nhơn), con trai của Cống Quận công là Đề lãnh Trần Đức Nghi. Theo NNC Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024), trích dẫn báo cáo ngày 01.01.1626 của thừa sai Gaspar Luis cho thấy: “Vì nhà chúa muốn công việc được phát triển, nên truyền đổi chức Ondelim của ông Anrê thành chức Ondedoc, một cấp lớn hơn, ông đứng đầu các quan trong tỉnh”[52]. Dường như mô tả từ bản báo cáo của Gaspar Luis (1626) cho chính trường hợp con trai thống đốc Pulucambis, hoặc ít nhất cũng xác nhận được việc con trai thống đốc Pulucambis được thăng từ chức Ondelim lên chức phó thống đốc Pulucambis, mà chúng ta đã xác định đó là thăng từ phó đề lĩnh lên chánh đề đốc.
Đám tang thống đốc Pulucambis thật lớn, được di chuyển từ dinh thự nơi ông sống và làm việc về quê ông ở Chifu mất 3 ngày đường. Xét vị trí dinh thự (palais) quan thống đốc Pulucambis được mô tả, nơi các thừa sai đến ở ban đầu, cách thành phố Nouecman 1,5 dặm[53] (lieue) là khoảng 8km. Như vậy từ dinh thự quan thống đốc (ở gần thành phố Nước Mặn) về đến quê hương ông ở Chifu, đó là địa danh Thì Phú với cửa biển Thì Phú nổi tiếng. Dường như đó là một địa danh chỉ vùng, bởi vì quê hương thật của Cống Quận công nằm trong khu vực này chứ không phải bên cửa biển Thì Phú và cách cửa biển lên đến 15km. Tính từ Nước Mặn về đến Hy Văn có cự ly khoảng 90km, như vậy là phù hợp để mất 3 ngày di chuyển từ dinh thự gần Nước Mặn về an táng tại quê hương. Đến thời triều Nguyễn vào năm 1805, vua Gia Long đã tổ chức định lại công của các bậc công thần và cho xếp theo thứ tự các hàng công thần: “Rồi cho Tổng trấn Tôn Thất Khê, Thiếu úy Tôn Thất Hiệp, Nội tán Đào Duy Từ, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính làm công thần bậc trên; Khám lý Trần Đức Hòa làm công thần bậc nhất; Chưởng cơ Nguyễn Hữu Hào, Trấn phủ Tống Phước Trị, Chưởng dinh Tống Hữu Thanh, Thái giám Nguyễn Đình Quý, Trà Quận công Phu nhân Trần thị làm công thần bậc hai; Thiếu sư Tôn Thất Diễn, Chưởng dinh Tôn Thất Tráng, Chưởng cơ Tống Phước Đào làm công thần bậc ba”[54]. Qua đây có thể thấy triều Nguyễn đánh giá cao huân công của Cống Quận công Trần Đức Hòa cao nhường nào, khi xếp ông vào hàng công thần bậc nhất.
Một số ý kiến hiện nay cho rằng, Khám lý Cống Quận công và thống đốc tỉnh Pulucambis là hai nhân vật khác nhau, đặc biệt thời gian quan thống đốc mất vào năm 1619 cho thấy sự sai khác này. Theo chính sử thì phải đến năm 1625, Cống Quận công mới gặp Đào Duy Từ và đến năm 1627 mới tiến cử họ Đào cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Điều này có lẽ những ghi chép của chính sử có nhiều khác biệt với thực tế, bởi người biên chép câu chuyện Cống Quận công và Khê Lộc Hầu sớm nhất là Nguyễn Khoa Chiêm vào năm 1719, tức sau khoảng 100 năm nên dễ dẫn đến chưa chính xác, các ghi chép khác dường như chỉ chép lại nguồn này. Như đã biết, trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, Đào Duy Từ (1572-1634) đến đất phủ Hoài Nhơn năm 1625 và được cho là người chăn trâu cho một phú hộ. Nhờ Cống Quận công phát hiện, gả con gái và tiến cử, Đào Duy Từ đã trở thành một nhà quân sự lừng lẫy và đệ nhất công thần nhà Nguyễn. Nếu chấp nhận các câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy chi tiết họ Đào đã 51 tuổi mới vào đất Hoài Nhơn, làm người chăn trâu và truyền thuyết còn cho là thư đồng[55] phục vụ thi đàn Tùng Châu thi xã[56]. Giả thiết Trần Đức Hòa khi 20 tuổi được tập ấm, thì sau 3 năm là năm 1564, ông mới được thực chức, cho thấy năm sinh ông vào năm 1541 và đến năm 1625, ông đã 84 tuổi. Đến năm 1627, Cống Quận công đã 86 tuổi, năm này ông ra Huế để tiến cử Đào Duy Từ đã 53 tuổi. Chỉ trong 7 năm, Đào Duy từ đã tham mưu xây dựng nhiều công trình tầm cỡ thời đại và có những chính sách ở tầm quốc gia, thậm chí đến năm 1631, lúc 57 tuổi, Lộc Khê Hầu còn gả con gái cho Nguyễn Hữu Tiến, một danh tướng nhà Nguyễn về sau. Có vẻ như có quá nhiều điều bất ổn từ chuỗi thông tin này, nếu chúng ta thuận theo các câu chuyện từ chính sử triều Nguyễn về Cống Quận công và Lộc Khê Hầu.

Đạo sắc đề ngày 6 tháng 6 năm Chánh Hòa thứ 10 (1689). Ảnh: Trần Đức Nghị
Việc còn lại là của hậu thế chúng ta, chấp nhận kết quả đến mức nào và cùng nhau sửa đổi nếu có thể, vì chính sử nhà Nguyễn còn có một số câu chuyện mà sự sai khác rất lớn. Phần chính của sự sai khác đó bởi vì những biên chép khá muộn, đặc biệt cho giai đoạn thời chúa Nguyễn. Nhà Nguyễn ở giai đoạn sớm, chúng ta hầu như ít có các tài liệu đương thời, nên dẫn đến các sai sót về thời gian khá nhiều và thậm chí cả nội dung. Điển hình là sự kiện nhóm người Hoa của Dương Ngạn Địch vào Nam bộ, theo chính sử là năm 1679, qua khảo sát ít nhất 3 nguồn tài liệu đương thời từ nước ngoài, cho thấy họ Dương đến Nam bộ vào năm 1682, là lệch 3 năm. Sự kiện người Anh bị tấn công ở Côn Đảo, chính sử chúng ta cho là năm 1703, nhưng qua khảo sát các tài liệu của chính những nhân chứng trong biến cố này cho thấy phải là vào năm 1705, lệch 2 năm[57]. Nói thêm những điều này để chúng ta có một cái nhìn chuẩn xác hơn về nguồn sử Việt ở giai đoạn sớm. Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà nguồn Quốc sử quán triều Nguyễn đem lại, bởi đó là những ghi chép từ giữa đầu thế kỷ XIX về sau, sử quan có điều kiện tham khảo những tài liệu gốc (vì lý do nào đó mà đến nay hoàn toàn không còn) và cũng là những ghi chép đương thời từ đó về sau. Tuy nhiên vì điều kiện lúc ấy, chưa đủ khả năng tiếp cận và đối chiếu nguồn tài liệu nước ngoài từ Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… để câu chuyện chính xác hơn.
Thay lời kết
Việc khảo sát hành trạng của một nhân vật lịch sử cách đây 400 năm là điều không dễ, thậm chí dễ dẫn đến sai lạc. Với Cống Quận công Trần Đức Hòa, cho dù công lao ông rất to, thậm chí còn được ban quốc tính, nhưng những ghi chép về ông trong chính sử rất ít. Một số câu chuyện lịch sử về ông còn sơ lược, chưa chính xác, thậm chí vai trò Cống Quận công còn bị hạ thấp khi đã có người cho rằng Khám lý Cống Quận công chỉ là: Chức khám lý là làm phó cho các chánh hộ thu thuế. Như vậy, chức khám lý không hề đồng nhất với chức trấn thủ hay tuần phủ, tri phủ[58].
Qua kết quả khảo sát cho thấy, Cống Quận công là một công thần bậc nhất, thậm chí hai công thần bậc trên (cao nhất) là Khê Lộc Hầu Đào Duy Từ và Thuận Nghĩa Hầu Nguyễn Hữu Tiến còn có tước vị thấp hơn Cống Quận công lúc đương thời, cho thấy vai trò ông lớn cỡ nào cho vùng đất phía nam lúc ấy, nơi có doanh Trấn Biên mà cha ông từng phụ trách. Có thể sau thời điểm năm 1611, khi Nguyễn Phúc Vinh lập dinh Trấn Biên ở Phú Yên thì vùng đất phủ Hoài Nhơn mới giảm nhẹ vai trò của một vùng đất biên ải đầy tao loạn.
Tại thời điểm các thừa sai truyền hạt giống tin mừng vào Đàng Trong, qua những hồi ức của thừa sai Borri (1631) còn cho thấy sự giúp đỡ rất lớn của quan thống đốc tỉnh Pulucambis. Những dữ kiện như người con rể quan thống đốc cũng gia nhập đạo dường như là những điều kiện rất to lớn để đạo Công giáo được đi sâu vào cuộc sống người dân Đàng Trong. Tuy nhiên nghiên cứu các cuộc bố đạo diễn ra trong các thời gian sau đó, thậm chí những mô tả cảnh bức đạo ở dinh Bình Thuận, dinh Bình Khang và Diên Ninh ở giai đoạn đầu thế kỷ XVIII[59] là sau hàng trăm năm,mới cho chúng ta thấy tầm nhìn và lòng vị tha của một vị quan đứng đầu vùng đất Hoài Nhơn xưa to lớn đến nhường nào, khi ông dành những sự quan tâm đặc biệt cho các thừa sai.
Bài viết hệ thống và xâu chuỗi lại thông tin về hành trạng một nhân vật lẫy lừng, một đệ nhất công thần của nhà Nguyễn, nhưng vẫn còn nhiều bóng mờ. Sự xâu chuỗi và hệ thống này giúp chúng ta nhận diện ra, ông là ai trên miền đất võ, nơi có nhiều anh hùng, khanh tướng xuất thân. Đó là Cống Quận công, Hoằng Quốc công, Anh Quốc công,… đến Quang Trung Nguyễn Huệ, Võ Đình Tú, Bùi Thị Xuân,… đến Mai Xuân Thưởng, Đào Doãn Địch, Bùi Điền… và ngày sau là Ngô Mây, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Nam Khánh,… Tất cả đã làm nên một miền đất võ trời văn giữa muôn màu sắc thái một Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử.
Tài liệu tham khảo chính:
- Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or.
- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2023), Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel II, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981.
- Olga Dror, K. W. Taylor (2006), Views of seventeenth-century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin, Studies on Southeast Asia Series, Ithaca, NY: Cornell University Press.
- Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc.
- Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb. Hội Nhà văn.
- Nguyễn Đăng Vũ (chủ biên, 2020), Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi, các loại hình và giá trị đặc trưng, Nxb. Khoa học xã hội.
- Nguyễn Quang Vinh (2022), Việt – Nhật thông thư, Nxb. Hà Nội.
- Nguyễn Văn Thưởng và Lê Xuân Đồng (2011), Lương Văn Chánh thân thế và sự nghiệp, Nxb. Từ điển bách khoa.
- Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024), “Khám lý Trần Đức Hòa và những vấn đề cần trao đổi”, Xưa và Nay, số 563 tháng 5.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhất tập (Quyển đầu – Quyển 25), Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa.
- Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục.
- Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học dịch, Nxb. Văn hóa thông tin.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhất tập (Quyển đầu – Quyển 25), Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa.
- Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb. Khoa học xã hội.
- Võ Nguyên Phong, Cù Thị Dung (2023), “Hội An sớm ở thế kỷ XVI-XVII”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai, Đại học Đông Á, (01.7.2023).
- Tôn Thất Bình (2001), Kể chuyện 12 danh tướng triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhất tập (Quyển đầu – Quyển 25), Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, tr.89.
[2] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.636.
[3] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.652.
[4] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.630.
[5] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.32, 33.
[6] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.23.
[7] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.25.
[8] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.30.
[9] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.36.
[10] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.539.
[11] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.629.
[12] Nguyễn Văn Thưởng và Lê Xuân Đồng (2011), Lương Văn Chánh thân thế và sự nghiệp, Nxb. Từ điển bách khoa, tr.117, 118.
[13] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư,tập 3, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb. Khoa học xã hội, tr.132.
[14] Về các thủ lĩnh cai quản xứ Quảng Nam trước năm 1600, chúng tôi sẽ khảo sát riêng theo các tư liệu đương thời trong một chuyên khảo khác, nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về các thủ lĩnh từng vùng đất phía Nam và sẽ hình thành một phần đất Đàng Trong về sau.
[15] Nguyễn Quang Vinh (2022), Việt – Nhật thông thư, Nxb. Hà Nội, tr.16-20.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.35, 36.
[17] Nguyễn Quang Vinh (2022), Việt – Nhật thông thư, Nxb. Hà Nội, tr.20.
[18] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.27, 28.
[19] Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb. Hội Nhà văn, tr.83.
[20] Theo sắc phong năm Chính Hòa thứ 10 (1689), Cống Quận công làm Chánh Khám lý xứ Quảng Nam, có nghĩa lúc này chưa thành lập dinh Quảng Nam (1602) nên có lẽ ông đã là Chánh Khám lý trước năm 1602, thậm chí đến cả năm 1593 về trước, trong trường hợp nếu ông không ra Bắc cùng Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng. Các vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn khi đủ tư liệu.
[21] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (2004), Trần Đức Hòa tư liệu, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr.46, 47.
[22] Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhất tập (Quyển đầu – Quyển 25), Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, tr.89.
[23] Danh xưng em nuôi dường như hơi lạ, từ nghĩa đệ được các nhà biên dịch thành em nuôi có lẽ chưa thật chính xác. Thậm chí từ nghĩa đệ, làm chúng ta dễ hình dung đây là 1 người em kết nghĩa với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trên thực tế theo chính sắc phong năm 1715, ông là dưỡng tử (con nuôi) của chúa Nguyễn Hoàng và vì vậy ông được ban quốc tính. Các miền đất biên viễn thường phải do các tướng lĩnh có gốc tôn thất trấn giữ như Cống Quận công giai đoạn đầu thế kỷ XVII, Nguyễn Phúc Vinh của dinh Trấn Biên (1629), hay muộn hơn là Trương Phúc Phan làm Trấn thủ dinh Trấn Biên giai đoạn đầu thế kỷ XVIII ở Nam bộ.
[24] Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel II, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981, tr.322.
[25] Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel I, II, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981).
[26] Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel I, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981), tr.267-276.
[27] Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel I, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981), tr.270.
[28] Jhr. H. A. van Foreest anh A. de Booy, De vierde schipvaart der Nederlanders naar Oost-Indie onder Jacob Wikens en Jacob van Neck (1599-1604), Deel I, ‘s-Gravenhage, Martinus Nijhoff, 1981), tr.273.
[29] Võ Nguyên Phong, Cù Thị Dung (2023), “Hội An sớm ở thế kỷ XVI-XVII”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai, Đại học Đông Á, (01.7.2023), tr.92-108.
[30] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.36.
[31] Đôi lúc Borri lại ký âm: Nouocmon.
[32] Theo mô tả thì thành phố Nouecman dài khoảng 2 dặm (11km) và rộng 1,5 dặm (8km) [Christofle Borri (1631), tr.128]. Mô tả của ông có lẽ là nhầm, vì trước đó ông mô tả dinh thự quan thống đốc Pulucambis nằm cách thành phố Nouecman 1,5 dặm (8km), là quá xa để các thừa sai đi lại giảng đạo giữa dinh thự và thành phố, để các thừa sai đến thành phố dựng nhà thờ. Thành phố Nouecman tức Nước Mặn, nay nằm ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định.
[33] Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb. Hội Nhà văn, tr.159.
[34] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, tr.64, 65.
[35] Nguyễn Đăng Vũ (chủ biên, 2020), Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi, các loại hình và giá trị đặc trưng, Nxb. Khoa học xã hội, tr.399-405.
[36] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, tr.199.
[37] Một số tư liệu tư liệu đương thời khi ghi chép thường không đủ cho chức hàm, như chức chánh hộ khám lý, thường được chép là chánh khám lý hay khám lý; chức chánh đề đốc thường chép là đề đốc; chức phó đề lĩnh thường chép là đề lĩnh. Quan chế là một lĩnh vực khó và cần nghiên cứu sâu và thận trọng, ngoài chức hàm còn có phẩm trật đi kèm cũng như tước vị. Rất khó có trường hợp một tột bậc về phẩm tước là tước công lại là một chức quan nhỏ, ở đây cụ thể là Cống Quận công, ông phải ở chức tước cao nhất một vùng, vì thậm chí ông ngang hàng với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613). Trước năm 1629, dinh Quảng Nam cai quản xuyên suốt từ đất Quảng Nam vào đến đất Phú Yên và người đứng đầu là thế tử con chúa Nguyễn, nên Cống Quận công buộc phải rơi vào hàm nhỏ hơn, dù phẩm trật ông không hề kém cạnh.
[38] Điều này được cho thấy người Âu thường không có sự phân biệt về chức vụ của từng viên quan đầu một khu vực lớn và nó khá phức tạp so với hiểu biết của người Âu. Điển hình như giai đoạn 1887 khi Camille Paris (1889) vào Trung Kỳ qua tác phẩm Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la route mandarine, ông ta dù biết được tổng đốc Nam Ngãi là người cai trị tại Quảng Nam, nhưng lại có quyền hành trên đất Quảng Ngãi và lúc đó tại Quảng Ngãi lại đang có một viên quan bố chánh. Khi ghi chép ông ta vẫn gọi viên quan bố chánh ở Quảng Ngãi là gouverneur, thống đốc Quảng Ngãi, thực tế thống đốc phải chỉ cho viên quan tổng đốc ở Quảng Nam. Nói thêm điều này để thấy được, việc người Âu dịch thoát nghĩa các chức vụ quan lại, đặc biệt người đứng đầu một vùng đất bằng chữ gouverneur, nếu không phải là 1 tiểu quốc riêng (sẽ là roi), thì đây là điều hoàn toàn bình thường. Nhiệm vụ của người nghiên cứu là phải xác định ở giai đoạn đó, người đứng đầu vùng đó mang chức vụ gì theo điển chế quan lại qua các nghi chép người Âu.
[39] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.122, 123.
[40] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.125.
[41] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, tr.44.
[42] Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhất tập (Quyển đầu – Quyển 25), Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, tr.91.
[43] Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb. Hội Nhà văn, tr.149.
[44] Bản tiếng Ý ký âm là Sinuà, để chỉ Kẻ Hóa.
[45] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.153.
[46] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.153.
[47] Thật ra điều này cần tiếp tục nghiên cứu, bởi rất khó một người vào năm 1625 đã 51 tuổi lại từ Thanh Hóa vào Hoài Nhơn để chăn trâu và thậm chí còn làm thư đồng, là những điều vượt quá bình thường. Đến năm 1627 mới tiến cử Đào Duy Từ (53 tuổi) khi Cống Quận công ra Huế phải ở hàng gần 90 tuổi, là những chi tiết cần minh định lại. Như vậy tại sao chúng ta không cho rằng, Đào Duy Từ trưởng thành từ đất Hoài Nhơn?
[48] Olga Dror, K. W. Taylor (2006), Views of seventeenth-century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin, Studies on Southeast Asia Series, Ithaca, NY: Cornell University Press, tr.33.
[49] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.153.
[50] Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024), “Khám lý Trần Đức Hòa và những vấn đề cần trao đổi”, Xưa và Nay, số 563 tháng 5, tr.32.
[51] Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024), “Khám lý Trần Đức Hòa và những vấn đề cần trao đổi”, Xưa và Nay, số 563 tháng 5, tr.32.
[52] Nguyễn Thanh Quang và LM. Gioan Võ Đình Đệ (2024), “Khám lý Trần Đức Hòa và những vấn đề cần trao đổi”, Xưa và Nay, số 563 tháng 5, tr.37.
[53] Christofle Borri (1631), Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine, De l’Imprimerie de Pierre de Rache, à la Bible d’Or, tr.127.
[54] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, tr.638, 639.
[55] Thư đồng (書童): Có nghĩa là cậu bé giúp việc trong phòng sách.
[56] Tôn Thất Bình (2001), Kể chuyện 12 danh tướng triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, tr.13.
[57]Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2023), Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.56, 57.
[58]Tác giả của nhận định này có thể đã nhầm lẫn khi sử dụng các tài liệu muộn để chứng minh cho giả định của mình cách đây hơn 400 năm. Tại dinh Quảng Nam, chức trấn thủ tại thời điểm này chỉ duy nhất là người đứng đầu dinh Quảng Nam, thường đó là các con trai chúa Nguyễn; chức tuần phủ chỉ có từ năm 1744; chức tri phủ có vẻ phức tạp hơn, vì chưa đủ điều kiện khảo sát nên chúng tôi còn dè dặt cho chức này.
[59]Một số tài liệu vào các năm 1700-1702, cho biết thông tin về các thừa sai Destrechy, Féret và Gouge ở Đàng Trong. Thời điểm này, các thừa sai và người dân Công giáo bị bắt từ Bình Thuận đưa về giam giữ ở Nha Ru và Nha Trang, để chờ kết án. Lúc này quan trấn thủ (có thể là Nguyễn Hữu Cảnh) bận chinh chiến ở Cao Miên và họ bị giam giữ trong điều kiện rất tệ hại. Có tài liệu còn cho thấy có một gia đình quê ở Nha Trang, đã đến vùng Đồng Nai 20 năm trước (khoảng 1680) và sau khi người cha mất, họ đưa linh cữu ông về quê. Cũng ở năm 1700, thông tin cho thấy viên quan trấn thủ dinh Nha Ru đã mất ở Cao Miên và thời gian sau, một viên quan khác thay thế, ông ta rất hà khắc với người Công giáo. Dường như các ghi chép và báo cáo đương thời của các thừa sai ở giai đoạn này, luôn là nguồn tài liệu tốt nhất để chúng ta tham khảo và viết về những góc khuất trong lịch sử cho giai đoạn từ thế kỷ XVII-XVIII.