Lịch sử – Một phần cốt lõi của giáo dục toàn khai

Nguyễn Nam

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Trên chặng đường dài nửa thế kỷ của đất nước từ khi tái thống nhất (1975-2025) đến nay, đã có không ít những khái niệm mới được du nhập, giới thiệu, xác lập và thực hành trong nước.
Trong số đó có thể kể đến “liberal arts education” (thường được dịch là giáo dục khai phóng) và “artificial intelligence” (AI, trí tuệ nhân tạo). Sự xuất hiện của những nhân tố mới này đã có tác động đến xã hội Việt Nam đương đại về nhiều mặt, bao gồm cả việc dạy học và nghiên cứu lịch sử. 

Nói lại về giáo dục khai phóng ở Việt Nam

Thường, ở Việt Nam, khi nói đến “liberal arts education”, người ta vẫn dịch bằng một cụm từ tiếng Việt được xem là tương ứng – giáo dục khai phóng⁽¹⁾. Đến lượt nó, cụm từ này có thể tìm thấy ở vài tài liệu giáo dục miền Nam trước 1975. 

Ba nguyên tắc căn bản trong triết lý giáo dục miền Nam là Dân tộc, Khoa họcNhân bản được xác định từ năm 1959, sau đó, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1967⁽²⁾. Tuy thế, phải đợi khoảng năm năm sau mới thấy từ khai phóng xuất hiện trong tập văn kiện “Chính sách Văn hóa Giáo dục” của Hội đồng Văn hóa Giáo dục ấn hành năm 1972⁽³⁾.  Theo đó, khi đối mặt với việc “nền văn hoá cổ truyền Việt Nam đang trên đà suy sụp” bởi chiến tranh triền miên, bởi sự du nhập bừa bãi của “những phong trào sinh hoạt ngoại lai” và bởi sự can thiệp của các thế lực chính trị nước ngoài, các nhà hoạch định chính sách đã nhận diện ba “tôn chỉ của chính sách văn hóa” bao gồm: Nhân bản, Dân tộc Khai phóng. Ở đây, tôn chỉ Khai phóng nhằm “không ngừng hướng tới sự tiến bộ, tôn trọng tinh thần khoa học, rộng rãi đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần phát triển sự cảm thông và hợp tác quốc tế, tích cực đóng góp vào sự thăng tiến nhân loại”⁽⁴⁾. Cũng chính ba tôn chỉ của chính sách văn hóa này quy định “Tôn chỉ giáo dục”⁽⁵⁾, góp phần hoàn thành các “Mục tiêu chung của giáo dục” được đề ra khi ấy⁽⁶⁾. 

Giáo dục khai phóng: Nền tảng của thành công trong tương lai. Ảnh: Đại học Tân tạo

Khi giới thiệu về giáo dục miền Nam từ năm 1936 đến 1975, ông Nguyễn Thanh Liêm có nhắc đến ba nguyên tắc căn bản của giáo dục miền Nam (cùng với thuật ngữ tiếng Anh tương ứng): Giáo dục nhân bản (humanistic
education), giáo dục dân tộc (nationalistic education) và giáo dục khai phóng⁽⁷⁾.  Khác với hai nguyên tắc trước, giáo dục khai phóng trong khảo cứu của Nguyễn Thanh Liêm không có thuật ngữ tiếng Anh đi kèm. Đặc biệt, trong bộ sách Các vấn đề giáo dục do Lê Thanh Hoàng Dân và nhóm tác giả biên soạn, có một chương tổng quan về “Nền giáo dục Hoa Kỳ” của Huỳnh Văn Ngôn. Tuy nhắc đến “trường đại học đầu tiên Harvard được thành lập ngay từ năm 1636” nhưng không hề có sự xuất hiện của khái niệm “liberal arts education” trong chương này⁽⁸⁾. Mấy điều trên cho phép nhận định về khai phóng ở Việt Nam như sau:

1. Tương tự như nhân bảndân tộc, nguyên tắc khai phóng được đặt trên cơ sở yêu cầu thực tiễn của xã hội Việt Nam thời bấy giờ;

2. Căn cứ theo tài liệu hiện còn, bản chất khai phóng chính là hướng đến một nền giáo dục khai mở, tiến bộ, cảm thông và hòa nhập quốc tế;

3. Cùng với nhân bản (phát triển quân bình, toàn diện mỗi người và mọi người) và dân tộc (bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống và tinh thần dân tộc, thực hiện sự phát triển điều hòa và toàn diện của quốc gia)⁽⁹⁾, khai phóng đồng thời là giáo dục toàn diện, toàn khai với “tinh thần phê bình khách quan, khả năng đưa ra sáng kiến giải quyết các vấn đề” và hướng đến trách nhiệm “công dân đức dục và công dân giáo dục”⁽¹⁰⁾.

4. Những nguyên tắc căn bản này được vận dụng vào giáo dục tiền học đường (nhà trẻ, mẫu giáo), phổ thông và đại học.

5. Dù viết lại lịch sử giáo dục miền Nam trước đây sau năm 1975, những nhà giáo dục kỳ cựu như Nguyễn Thanh Liêm vẫn không kết nối giáo dục khai phóng với liberal arts education; và

6. Việc giới thiệu về giáo dục Hoa Kỳ ở miền Nam trước đây hầu như chưa đề cập về liberal arts education. Nói cách khác, khái niệm này chưa được giới thiệu rộng rãi ở miền Nam trước năm 1975.

 Đến nay, Đông Kinh Nghĩa thục (ĐKNT) có thể được xem là mô hình giáo dục phản ánh tinh thần giáo dục khai phóng, toàn diện, toàn khai trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại. Được thành lập năm 1907 ở Hà Nội, ĐKNT đã nhận trọng trách lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa quan trọng giữa lúc đất nước ở dưới sự kiểm soát của chế độ thực dân Pháp. Xuất phát từ yêu cầu độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, mà ĐKNT cùng tham gia vào công cuộc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, nỗ lực lấy giáo dục làm điểm xuất phát để tạo ra những chuyển biến xã hội tích cực, từng bước đưa Việt Nam thoát vòng thuộc địa⁽¹¹⁾.  Có thể nói, ở Việt Nam, trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của đất nước, hướng đến một nền giáo dục toàn khai nhằm giải tỏa những kìm hãm, trói chân tiềm năng của dân tộc, nhằm hòa nhập với một thế giới tiến bộ rộng mở với ý thức công dân – dân tộc, cùng tinh thần phê bình – chọn lọc, luôn là giải pháp hiệu quả.

Tóm lại, do những điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa cụ thể, Việt Nam đã sẵn định hình một mô hình giáo dục toàn khai: Khái niệm khai phóng được hình thành trong những điều kiện cụ thể như thế, chứ không phải là sự vay mượn và phiên dịch của liberal arts education nhập khẩu từ nước ngoài. Việc thực hành liberal arts education ở Việt Nam hiện nay thực ra là sự gặp gỡ giữa đường hướng giáo dục phát khởi từ trong nước ở đầu thế kỷ XX và tiếp tục phát triển theo nhiều cách khác nhau sau đó với một triết lý giáo dục hiện đại có gốc Hy – La từ phương Tây.

Lịch sử và giáo dục toàn khai trong thời đại AI

Đến đây, tưởng nên đọc lại định nghĩa của Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ (Association of
American Colleges and Universities, AACU) về liberal arts education. Theo AACU, đây là “một phương pháp học tập giúp cá nhân có thêm năng lực và chuẩn bị để đối mặt với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi [đồng thời cung cấp cho] sinh viên kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (ví dụ: khoa học, văn hóa và xã hội) cũng như sự nghiên cứu sâu về một lĩnh vực cụ thể mà họ quan tâm”⁽¹²⁾. Viết về các trường đại học Hoa Kỳ theo truyền thống liberal arts education, Rebecca Chopp (khi ấy là Chủ tịch Đại học Swarthmore và thành viên của AACU) đã chỉ ra ba nguyên tắc chính hình thành nên nền tảng của nền giáo dục này: “Tư duy phản biện, phẩm chất đạo đức và công dân và việc sử dụng tri thức để cải thiện thế giới”⁽¹³⁾. Hẳn nhiên, những bài học lịch sử chẳng bao giờ cũ và đó cũng là nền tảng để xây dựng, củng cố và phát triển ba nguyên tắc trên, giúp người học có một cái nhìn bao quát về quá khứ để hiểu hơn hiện tại và kiến tạo tương lai.

Sách Văn minh Tân học sách (Sách lược tân học để đạt đến văn minh) của Đông Kinh Nghĩa thục chủ trương: “Cho phép học trò tha hồ bàn bạc, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết…để cho cái mà học sinh học và thi không trái ngược với công việc thực tế mà họ phải làm, như thế thì cũng đã là tạm đúng vậy.” Hình ảnh cậu thiếu niên năng động, kê vai gánh lấy quả địa cầu có hình hai châu Á – Âu là biểu tượng của Đông Kinh Nghĩa thục – Mô hình giáo dục toàn khai của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX.
Mô hình AI “Đờn-bà” do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Đại học Fulbright Việt Nam) thiết kế,
cho phép người dùng đối thoại, tương tác với nhân vật Đờn-bà nước Nam ở đầu thế kỷ XX

Ở bài viết có tên là “Tương lai của lịch sử trong kỷ nguyên AI”, tác giả Victoria Clark đã nhấn mạnh việc AI tạo sinh có thể cách mạng hóa việc giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, giúp cho lịch sử trở nên dễ tương tác và tiếp cận hơn, giúp xử lý, tổng hợp và phân tích định lượng khối dữ liệu lớn nhờ vào thuật toán, khả năng mô hình hóa và dự đoán tiên tiến⁽¹⁴⁾. Ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies Center, VSC) thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, đã có một số thành tựu bước đầu trong việc vận dụng kỹ thuật số và các công cụ AI vào việc xử lý tư liệu lịch sử. Dưới đây là vài trường hợp cụ thể.

Ra đời sau ĐKNT khoảng mười năm lẻ (1918), Nữ giới chung (NGC) do bà Nguyễn Thị Khuê (bút danh Sương Nguyệt Anh, 1864-1921) làm chủ bút, là cột mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung, là diễn đàn công luận đầu tiên của nữ giới cận – hiện đại nước ta, mưu cầu mở mang kiến thức, nâng cao nhận thức về giới cho phụ nữ và động viên họ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội trên cơ sở Nho giáo nữ quyền. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (02/01 – 19-7-1918) với vẻn vẹn hai mươi hai (22) số báo, những gì hiện còn của NGC là nguồn tư liệu trân quý để tìm hiểu bước khởi đầu của phong trào phụ nữ nước ta vào đầu thế kỷ XX.  Một trong những cố gắng nhằm “hiện đại hóa”, đưa nguồn tư liệu quý này vào không gian đương đại mà không đánh mất tính lịch sử đặc trưng của nó chính là tạo ra những đối thoại từ hiện tại với quá khứ. Việc số hóa toàn bộ các số báo hiện có (21 số) hình thành một cơ sở dữ liệu khá phong phú, cho phép thực hiện quy trình huấn luyện “máy học” (machine learning) dựa trên hai chuyên mục chính của báo là “Xã thuyết” và “Gia chánh” (“chánh” ở đây hiểu theo Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Của là “việc trị lý”, tức là quán
xuyến chuyện gia đình). Mô hình AI mang tên “Đờn-bà” (âm đọc thời đó) sẽ đóng vai nữ lưu đầu thế kỷ XX để giải đáp những thắc mắc đương đại bằng ngôn ngữ và ý tưởng đặc trưng của những cây bút nữ tiên phong thời ấy”⁽¹⁵⁾. Bạn đọc có thể đặt những câu hỏi, như thể: “Phụ nữ có nên học cao hay không?” và sẽ được Đờn-bà nước Nam trả lời theo góc nhìn của người phụ nữ lúc bấy giờ.

(Trái) Sách Các vấn đề giáo dục (2 tập, 1970-1971); (Phải) Chương bàn về “Nền giáo dục Hoa kỳ” của Huỳnh Văn Ngôn in trong tập 2, tuy có ghi dấu việc thành lập Đại học Harvard (1636) nhưng không hề đề cập về Liberal Arts Education.

 Quảng cáo là phần đặc biệt của một tờ báo, tùy theo nhu cầu của bạn đọc mà thu hút sự quan chú của họ ở những mức độ khác nhau. Quảng cáo có thể tiết lộ về văn hóa một thời, phong cách sinh hoạt, thị hiếu người tiêu dùng, thị trường nội địa và nhập khẩu, thậm chí cả những tác động chính trị – quân sự lên cộng đồng tiêu thụ.  Ngôn ngữ quảng cáo cũng mang dấu ấn thời đại, với những lớp từ vựng và phong cách đặc thù. Quảng cáo trên NCG cung cấp cho chúng ta tất cả những điều này. Mô hình AI “Quảng cáo đây!” có nền tảng dữ liệu từ những mẩu rao bán, chào hàng trên NGC, được phát triển để có thể tạo sinh những quảng cáo mới cho các sản phẩm đương đại, được viết theo phong cách ngôn ngữ và từ vựng đầu thế kỷ XX.  Quảng cáo do AI tạo sinh ở đây không phải là một trò chơi ngôn từ, mà thực chất là một trải nghiệm để thấy những sản phẩm của thế kỷ XXI sẽ được giới thiệu như thế nào ở đầu thế kỷ XX bằng thực tế xã hội và ngôn ngữ đương thời.

Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (VSC) đang xây dựng một series podcast về Trịnh Công Sơn theo phương pháp “Oral History” (Lịch sử qua chuyện kể) nhằm thu thập dữ liệu từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp của nhạc sĩ kể về ông và những năm tháng lịch sử ông đã sống.

Cũng trên nền tảng dữ liệu lớn, sinh viên Fulbright đang ứng dụng hiệu quả những thành tựu của kỹ thuật số và AI vào nghiên cứu lịch sử. Đề tài “Sức mạnh của ca khúc: Tìm hiểu chủ đề chiến tranh và hoà bình trong ca từ của Trịnh Công Sơn qua nhân văn số hóa (Digital Humanities)” là một ví dụ. Đây là sự kết hợp giữa nghiên cứu truyền thống và cách tiếp cận công nghệ số nhằm mang lại những hiểu biết và minh chứng mới, thuyết phục về Trịnh Công Sơn và thời đại ông sống (1939-2001). Các phương pháp số hóa hỗ trợ mở rộng quy mô phân tích và phát hiện những mẫu hình mà phương pháp truyền thống khó đạt được. Chẳng hạn, phân tích sự tiến hóa của các biểu tượng và chủ đề qua các thời kỳ sáng tác của Trịnh Công Sơn trong bối cảnh lịch sử Việt Nam. Thành tựu trong việc xây dựng các công cụ tìm kiếm, khảo sát sẽ được công khai và chia sẻ miễn phí với cộng đồng.   

Những hành trình phục dựng và kiến tạo lịch sử

Gần đây, được phép của gia đình nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) mà VSC có dịp tiếp cận tài liệu quý về cuộc đời ông, miêu tả tường tận những chuyến đi từ Nam kỳ ra kinh đô Huế, hay ra tận Bắc kỳ, cũng như những chuyến viễn du trong vùng Đông Nam Á, hay hành trình của sứ đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật số và AI, nay đã có thể phục dựng và hiển thị hóa những hành trình này, biến những ghi chép bằng bút mực, con chữ trở thành những không gian nghe – nhìn sinh động, gợi mở suy tưởng và cảm xúc. Đây là công việc mà các bạn trẻ thế hệ Z đang tham gia tích cực, nhiệt tình và sáng tạo. Nếu như khoa học lịch sử là một quá trình không ngừng tìm tòi, phát hiện, phục dựng, (tái) kiến tạo và (tái) diễn giải, thì thế hệ Z đang làm những việc này theo cách tiếp cận mới của họ với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số. Với giáo dục toàn khai (khai phóng) dựa trên tư duy phản biện, ý thức công dân và tinh thần phục vụ, lịch sử tiếp tục phát triển tích cực trên nền tảng dân tộc và toàn cầu. Đó cũng là phương châm mà ngành Nghiên cứu Việt Nam đang theo đuổi: Học Việt Nam, hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam và hòa nhập tốt hơn với thế giới đang không ngừng biến chuyển.

Chú thích:

1. Khúc Hồng Thiện (2021), “Đặt nền móng cho tinh thần tự khai phóng”, Nhân dân cuối tuần, 31-12-2021, https://nhandan.vn/dat-nen-mong-cho-tinh-than-tu-khai-phong-post680498.html (truy cập ngày 22/12/2024).

2. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967, https://vi.wikisource.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:Constitution_of_ROV_1967_from_Hien_phap_chu_thich.pdf  (truy cập ngày 22-12-2024).

3. Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1972),  “Chính sách văn hóa giáo dục”, tài liệu đánh máy (không ghi nơi xuất bản).

4. Như trên, 5.

5. Như trên, 24.

6. Như trên, 25-27.

7. Nguyễn Thanh Liêm (1933-2016): Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH, nguyên Hiệu trưởng Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.  Xem Nguyễn Thanh Liêm (không rõ năm in), “Giáo dục ở miền Nam tự do từ 1963 đến 1975”, Núi Ấn Sông Trà, http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=5658 (truy cập ngày 22-12-2024).

8. Lê Thanh Hoàng Dân và đồng tác giả (1970-1971), Các vấn đề giáo dục (2 tập), Chợ Lớn: Nxb. Trẻ, Quyển II, 51-84.

9. Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1972),  “Chính sách văn hóa giáo dục”, sđd., Phần II: “Tôn chỉ giáo dục”, 24.

10. Như trên, 25, 27-28.

11. Nguyễn Nam (2022), “Giáo dục khai phóng ở Việt Nam nhìn từ Đông Kinh Nghĩa thục”, Tuần Việt Nam, 09-11-2022,https://vietnamnet.vn/giao-duc-khai-phong-o-viet-nam-nhin-tu-dong-kinh-nghia-thuc-2078543.html (truy cập ngày 23-12-2024); bài được in trong sách giáo khoa Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Phan Huy Dũng (Chủ biên) và Cộng sự (2023), Ngữ văn lớp 12, (tập 2), Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 70-75.

12. AACU (không ghi năm),  “What is liberal education?”, AAC&U, https://www.aacu.org/trending-topics/what-is-liberal-education (truy cập ngày 23-12-2024).

13. Daniel H. Weiss et al, (2013), Remaking College: Innovation and the Liberal Arts, Johns Hopkins University Press, Chương I: Rebecca Chopp. “Remaking, Renewing, Reimagining: The Liberal Arts College Takes Advantage of Change”, 13-15.

14. Victoria Clark tốt nghiệp ngành Lịch sử với bằng Danh dự Tối cao của Đại học Texas – Austin năm 2014.  Xem Victoria Clark (2024), “The Future of History in the Age of AI”, Historica, https://www.historica.org/blog/the-future-of-history-in-the-age-of-ai (truy cập ngày 23-12-2024).

15. Lê Nguyễn Tường Vân (2024), “Chớp bóng: AI & Những biến thể lịch sử”, Lời giới thiệu cho triển lãm “Re:Generation – Tái tạo vì phát triển bền vững”, Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam lần thứ 6, TP. HCM, 29/11 – 05/12/2024. Tham khảo “Triển lãm “Chớp bóng: Ai & Những biến thể lịch sử”, https://www.facebook.com/profile/100094127366623/search/?q=%20ch%E1%BB%9Bp%20b%C3%B3ng%20 (truy cập 24-12-2024).

Bài liên quan

Bài đăng mới