Lịch sử Việt Nam qua “Thanh sử cảo”

Cao Tự Thanh

Tạp chí Xưa&Nay, số 349+350, tháng 2 năm 2010

Thanh sử cảo là bản thảo chưa hoàn chỉnh những ghi chép về lịch sử thời Thanh do Thanh sử quán thành lập đầu thời Dân quốc biên soạn. Nó căn cứ theo thể lệ “chính sử” thời phong kiến, cũng chia thành 4 phần kỷ, chí, biểu, truyện, tổng cộng 536 quyển.

Thanh sử quán do Triệu Nhĩ Tốn là Quán trưởng, trước sau có hơn 200 người tham gia biên soạn, bắt đầu làm việc từ 1914, đến  1927 thì hoàn thành bản thảo, trải qua 14 năm. Tuy sách này hoàn thành sau Cách mạng Tân Hợi, nhưng những người biên soạn vẫn đứng trên lập trường của triều Thanh để viết sử nhà Thanh. Vì do nhiều người viết chung, đối chiếu chưa hết, sau khi bản thảo hoàn thành lại chưa từng khảo đính chi tiết, lúc in ấn hiệu đính so sánh cũng không cẩn thận, vì thế quy cách không thống nhất, chỗ chi tiết chỗ đại lược không tương xứng, tới nỗi năm tháng, sự kiện, nhân danh, địa danh sai lầm nhan nhản. Người biên soạn cũng hiểu rõ những khiếm khuyết, nên đã chỉ ra  trong lời Phát san chuyết ngôn, sách này chỉ là bản thảo lịch sử in ra, “đại thể chỉ là mở đường đi trước, chứ hoàn toàn không coi là sách đã hoàn chỉnh”. Sách này in ra lần đầu tiên năm 1928, do Viêm Kim Khởi chủ trì, Kim Lương lo việc in ấn, in tất cả 1.100 bộ, trong đó có 400 bộ do Kim Lương chở lên vùng Đông Bắc Trung Quốc phát hành, số này được gọi là “Bản Quan ngoại in lần thứ nhất”. Về sau người trong Thanh sử  quán phát hiện ra Kim Lương tự ý sửa đổi nội dung nguyên cảo, họ không đồng ý với sự thêm bớt ấy, vì thế sửa chữa in lại số còn lại số sách còn lại ở Bắc Kinh, số này được gọi là “Bản Quan nội”. Sau khi Nhật Bản xâm lược chiếm đóng vùng Đông Bắc, sách này được in lần nữa năm 1934, bỏ đi 6 quyển Thời hiến chí và quyển Công chúa biểu – Tự, chỉ còn 529 quyển, đây là bản in vẫn được gọi là “Bản Quan ngoại in lần thứ hai”. Nhiều bản in ở Hương Cảng, Đài Loan, Nhật Bản trước và sau 1949 là theo ba bản này. Sau 1949 các nhà sử học Trung Quốc sử dụng cả ba bản này  để hiệu đính sửa chữa, do Trung Hoa thư cục xuất bản lần đầu năm 1977. Bài viết này là dựa trên cơ sở bản Trung Hoa thư cục in lần thứ hai, Bắc Kinh, 2003.

Ngoài những tư liệu rải rác trong phần Bản kỷ ghi chép về các vua nhà Thanh và trong phần Liệt truyện ghi chép về các nhân vật có liên quan như Tôn Sĩ Nghị, Lưu Vĩnh Phúc…, phần lịch sử Việt Nam trong Thanh sử cảo được ghi chép tập trung trong quyển 527, Liệt truyện 374, Thuộc quốc2, Việt Nam. Nguyên tác Thanh sử cảo ghi chép về Việt Nam có nhiều sai lạc, ấn bản nói trên cũng có thể sai sót, tuy nhiên đối chiếu với việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII – XIX thì đây vẫn là một trong tư liệu tham khảo rất bổ ích.

Khác với Tống sử, Minh sử, có ghi chép về Chiêm Thành và quan hệ giữa quốc gia này với Đại Việt. Thanh sử cảo mặc nhiên thừa nhận Việt Nam như một quốc gia thống nhất từ trước thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đoạn chép về Tây Sơn năm Càn Long thứ 51 (1786) cho thấy điều này “Năm thứ 51 (1786) họ Nguyễn ở An Nam gây biến. Đầu tiên là trong niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh, An Nam quốc vương Lê Duy Đám phục quốc, thật ra nhờ sức bề tôi  là họ Trịnh họ Nguyễn, vì thế nối đời  làm Tả Hữu Phụ chính. Về sau Hữu Phụ chính nhân con côi của họ Nguyễn còn nhỏ, kiêm luôn chức Tả Phụ chính để chuyên quyền, mà đẩy họ Nguyễn ra Thuận Hóa, gọi là Quảng Nam vương. Nguyễn Trịnh nhiều đời  thù hận đem quân đánh nhau. Đến đời Lê Duy Đoan (tức Lê Hiển Tông) quyền hành càng dời xuống người dưới, gần như chỉ còn là kẻ giữ phủ mà thôi. Phụ chính Trịnh Đống (tức Trịnh Sâm) lại giết hại Thái tử, chiếm giữ ấn vàng, muốn cướp ngôi vua nhưng sợ Quảng Nam cường thịnh, bèn dụ dỗ thổ tù ở đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cùng đánh, diệt Quảng Nam vương ở Phú Xuân. Nguyễn Huệ (đúng ra là Nguyễn Nhạc) tự làm Thái Đức vương, Trịnh Đống tự làm Trịnh Tĩnh vương, thế lực ngang nhau, Duy Đoan không biết làm sao”. Cũng dễ thấy rằng sự hiểu biết của chính giới và học giới Trung Quốc thời Thanh về lịch sử Việt Nam ở Đàng Trong trước thế kỷ XIX nhìn chung rất ít ỏi và nhiều sai lạc – chẳng hạn Thanh Văn hiến thông khảo từng ghi chép Hà Tiên thời Mạc Thiên Tích là “nước Cảng Khẩu” (Cảng Khẩu quốc) cũng như gọi Mạc Thiên Tích là vua. Và Thanh sử cảo  cũng không ngoài thông lệ đó. Đoạn tóm tắt về nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh sau là ví dụ tiêu biểu “Lúc đầu Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) đã đánh diệt Quảng Nam vương Nguyễn Mỗ, Nguyễn Mỗ là con rể vua Lê, vợ là Lê thị có mang, trốn vào Nông Nại, Nông Nại là đô thành cũ của Thủy Chân Lạp, tức tỉnh Gia Định, nay là Tây Cống. Lê thị sinh con là Nguyễn Phước Ánh, vốn tên là Chủng, lẫn trốn trong dân gian. Đến khi lớn lên, chạy qua Xiêm La. Vua Xiêm La vốn có thù  với Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ), bèn gả em gái cho Phước Ánh, giúp cho quân sĩ, đánh hạ Nông Nại, chiếm cứ đất ấy, thế lực mạnh dần, gọi là họ Nguyễn cũ, mà gọi cha con Nguyễn Quang Bình là họ Nguyễn mới, cũng gọi là Nguyễn Tây Sơn. Họ Nguyễn cũ lấy tiếng phục thù chiếm đô thành cũ là Phú Xuân, lúc ấy là năm Gia Khánh thứ 4 (1799)”. Cần nói thêm rằng những tên gọi Nông Nại (tức Đồng Nai), Tây Cống (tức Sài Gòn) cũng chỉ bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc từ thế kỷ XIX trở đi, vì Trịnh Hoài Đức từng viết trong phần nguyên chú bài Sứ hành tự thuật trong Cấn Trai thi tập in năm 1819, lúc ông tới Hồ Nam trên đường đi sứ năm 1803, viên Tuần phủ Hồ Nam Cao Kỷ vẫn còn rất lạ lùng về vùng đất Nam bộ được người Việt mở mang từ cuối thế kỷ XVII “Cái tên Nông Nại, từ cổ chưa từng nghe…” (Nông Nại chỉ danh, cổ vô văn kiến). Nhưng ngay trong sai sót nói trên về sử liệu, người ta cũng có thể thấy được nhiều vấn đề lịch sử và sử học, bởi vì ngay với cả những sự kiện lịch sử và địa lý Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX sờ sờ như thế mà người Trung Quốc đương thời còn không nắm vững, thì khó mà tin rằng họ có được những chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở nhiều nơi trên biển Đông trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng có thể nêu ra những sai lạc do suy diễn võ đoán rất buồn cười như về niên hiệu Gia Long của các tác giả Thanh sử cảo “Nguyễn Phước Ánh được nước, chủ yếu nhờ binh lực ở Vĩnh Long, Gia Định, bèn lấy tên hai tỉnh làm niên hiệu, gọi là Gia Long”, vì vào  năm 1802 thì Việt Nam chưa có đơn vị hành chính “tỉnh”, và càng chưa có cái gọi là tỉnh Vĩnh Long!

Tuy nhiên, là một bộ sử được biên soạn trên cơ sở những tư liệu trong văn khố hoàng gia triều Thanh, Thanh sử cảo cũng cung cấp một số tư liệu có ích cho việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Đặc biệt sau khi Việt Nam thống nhất trở lại năm 1802, những tư liệu về Việt Nam trong Thanh sử cảo cũng đầy đủ, chính xác và thống nhất hơn. Chẳng hạn kết hợp với các sử sách Trung Quốc như Việt Nam tập lược, Trung Pháp Việt Nam giao thiệp đáng, Trung Pháp chiến tranh, những tư liệu như tờ Nghĩ trần Dương vụ sớ báo cáo về việc Pháp đánh Việt Nam của Quách Tụng Đào trong Biên sự tục sao của Chu Khắc Kinh (in năm Quang Tự Canh Thìn – 1880) và những bức tranh như Tuyên Quang hợp vi đồ, Lâm Thao đại tiệp đồ, mô tả các trận quân Thanh đánh thắng quân Pháp trong Tây Lâm cung bảo huân đức giới phúc đồ của Trần Lam Khanh, Dương Dư Đồn (in năm Quang Tự thứ 16 – 1890)…, những ghi chép về việc quân Thanh kéo qua miền Bắc Việt Nam giúp đỡ triều đình nhà Nguyễn chống Pháp cuối thế kỷ XIX trong Thanh sử cảo có thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh chính xác và có hệ thống hơn nhiều so với Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn. Dĩ nhiên chẳng phải nhà Thanh có ý tốt gì với Việt Nam mà thật ra chỉ dùng cuộc chiến tranh gây sức ép với Pháp để giải quyết các vấn đề đối ngoại của họ. Thanh sử cảo  còn chép việc viên Chủ sự Đường Cảnh Tung thuộc sứ bộ Lý Hồng Chương trong Hòa ước Thiên Tân xin qua Việt Nam chiêu dụ Lưu Vĩnh Phúc, tháng 1 năm Quang Tự thứ 9 (1883) tới Vân Nam, đầu tiên tới Quảng Đông, ra mắt Tăng Quốc Thuyên, tán tụng hòa nghị, được tư cho vào Việt Nam. Khi gặp Vĩnh Phúc, Cảnh Tung đưa ra ba kế sách, nói “Việt Nam bị Pháp bức bách, mất nước chỉ là chuyện trong sớm tối, rất nên nhân việc Bảo Thắng truyền hịch để định các tỉnh, xin mệnh với Trung Quốc, lấy đó làm danh nghĩa, việc thành ắt làm vua Việt Nam, đó là thượng sách. Hai là đe toàn quân đánh Hà Nội đuổi người Pháp đi, Trung Quốc ắt sẽ giúp quân lương, đó là trung sách. Còn nếu ngồi giữ Bảo Thắng, thất bại về hàng  Trung Quốc, đó là hạ sách”. Vĩnh Phúc nói “Tôi sức không đủ theo thượng sách vậy”, đủ thấy đối với Việt Nam, quan lại trí thức Trung Quốc đương thời cũng có không ít người rắp tâm nhân lúc láng giềng cháy nhà mà hôi của. Đoạn ghi chép về sự chấm dứt mối quan hệ bang giao Nguyễn Thanh năm 1885 sau đây lại càng khiến người ta thấm thía về số phận của các quốc gia nhỏ yếu trên bàn cờ kinh tế và chính trị của các thế lực quốc tế, một thực tế lịch sử đáng buồn nhưng dường như vẫn kéo dài đến tận hôm nay:

“Ngày 9 tháng 1 năm Quang Tự thứ 11 (1885), quân Pháp đánh Trấn Nam quan, bắn vỡ cửa quan rồi đi (…). Ngày 13 tháng 2 chiếm lại Lạng Sơn, quân Pháp tháo chạy. Phùng Tử Tài tiến quân đánh Lạp Mộc, đánh ép vào Lang Giáp, Vương Hiếu kỳ tiến quân tới Quý Môn quan, lấy lại được hết vùng biên giới năm trước. Dân Việt Nam lập ra năm đại đoàn Trung nghĩa hơn hai vạn người, đều dùng cờ xí của quân Phùng. Tây Cống cũng nghe tiếng liên lạc, từ khi thông hải đến nay, Trung Quốc đánh nhau với nước ngoài chỉ có trận này là thắng lớn, là công của Tử Tài vậy.

Quân Pháp 6.000 người xâm phạm phủ Lâm Thao rồi chia làm hai cánh, một đánh lên Kha Lĩnh, An Bình phía bắc, một đánh xuống Miến Vượng, Mãnh La phía nam. Tổng đốc Vân Nam Sầm Dục Anh sai bọn Sầm Dục Bảo, Lý Ưng Trần chặn cánh phía bắc, Vương Văn Sơn chặn cánh phía nam, đích thân đốc suất trung quân tiến đánh, đều thu toàn thắng. Quân Pháp bèn rút về họp quân ở phủ Lâm Thao, quân Vân Nam chặn đánh ở hai phía nam bắc vòng lại giáp công, chém năm viên tướng Pháp trên trận, quân Pháp tan vỡ.

Lúc bấy giờ chiến hạm quân Pháp đang chiếm đóng Bành Hồ ở Đài Loan. Sau trận Lạng Sơn, người Pháp ra sức nhờ người Anh Hách Đức là trung gian điều đình với Lý Hồng Chương, nói người Pháp trả lại Cơ Long, Bành Hồ, đôi bên cùng triệt quân, không đòi bồi thường chiến phí. Hồng Chương tâu nói “Bành Hồ đã mất, Đài Loan ắt không giữ được, nên nhân trận thắng ở Lạng Sơng giảng hòa thì người Pháp không đến nỗi lại có đòi hỏi khác”. Triều đình theo lời ấy, lập tức ra lệnh đình chiến. Trận Lâm Thao là xảy ra khi có lệnh đình chiến nhưng điện văn truyền  lệnh chưa tới. Hồng Chương bèn ký hòa ước, ra lệnh cho các tướng rút về biên giới, tướng sĩ đều nắm tay phẫn hận, không chịu trở về, Bành Ngọc Lân, Trương Chi Động nhiều lần gửi văn điện tranh cãi. Vua cho rằng không thể làm trái Hòa ước Thiên Tân, ban dụ nghiêm khắc bắt phải tuân lệnh. Người Pháp đòi đuổi Lưu Vĩnh Phúc ra khỏi Việt Nam, Trương Chi Động bèn sai Vĩnh Phúc về Ân Châu, Khâm Châu nhưng Vĩnh Phúc cương quyết không chịu, Đường Cảnh Tung dùng lời lẽ xảo trá uy hiếp, triều đình ban dụ chỉ nghiêm khắc bắt phải tuân lệnh, Vĩnh Phúc mới miễn cưỡng về Quảng Đông, được trao chức Tổng binh. Phùng Tử Tài thì được lệnh đốc suất việc biên phòng ở Liêm Châu. Hòa ước đã thành, Việt Nam bèn do nước Pháp bảo hộ”.

Bài liên quan

Bài đăng mới