Phạm Bá Trực sinh ngày 21 tháng 11 năm 1898, mất ngày 5 tháng 10 năm 1954, là một tu sĩ Công giáo người Việt, đồng thời là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được biết đến là một trong những linh mục đầu tiên tham gia cách mạng và giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong đó có vai trò Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội. Đặc biệt, ông là một trong số ít các linh mục tham gia hoạt động tại Quốc hội mà có được sự chấp thuận từ đấng bản quyền, Giám mục Francois Chaize(1).
1. Tiểu sử và hành trạng
Phêrô Phạm Bá Trực sinh ngày 21 tháng 11 năm 1898 tại làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo xứ Bạch Liên, Giáo hạt Bạch Liên, Giáo phận Phát Diệm, học tại chủng viện của Giáo phận Tây Đàng Ngoài(2). Năm 1916, Phạm Bá Trực được Giám mục Hà Nội là Pierre Jean Marie Gendreau tuyển chọn và gửi đi học trường Truyền giáo ở Rôma(3). Năm 1925, Phạm Bá Trực tốt nghiệp với 3 bằng tiến sĩ về Giáo luật, Thần học và Văn chương tại Rôma và trở về Việt Nam. Với thành tích này, ông được vua Khải Định ngỏ ý muốn tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, nhưng ông đã khiêm nhường từ chối(4).
Năm 1925-1927, Linh mục Phạm Bá Trực là giáo sư giảng dạy Đại Chủng viện Hoàng Nguyên, Sở Kiện Tây Đàng Ngoài, cuối năm 1927 làm chánh xứ Kẻ Sét ở Làng Tám, Hà Nội. Tại đây, Linh mục Trực đã mở một trường dạy văn hóa cho thanh thiếu niên. Cũng trong năm 1927, Linh mục Trực đem một người cháu ở quê Phát Diệm lên học và nhận nuôi dưỡng đỡ đầu, đó là Phạm Đình Tụng, sau này trở thành Hồng y Tổng Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội(5). Năm 1929, ông được giao quản thêm xứ Khoan Vĩ ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông đã ở giáo xứ này cho đến đầu năm 1945(6), ông về Hà Đông và từ đây linh mục đã trực tiếp tham gia kháng chiến.
Năm 1946, khi cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I diễn ra, Linh mục Phạm Bá Trực xin phép Bề trên bản quyền là Giám mục Chaize Thịnh được tham gia ứng cử. Giám mục Chaize đồng ý và sau đó Linh mục Phạm Bá Trực đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tại Quốc hội, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội vào tháng 3 năm 1946(7).
Tháng 5 năm 1947, Linh mục Phạm Bá Trực được bầu là Phó Ban Thường trực Quốc hội, tương đương Phó Chủ tịch Quốc hội hiện nay(8). Năm 1951, Linh mục Phạm Bá Trực được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc và Ủy viên Hội Hữu nghị Việt – Hoa.

(Từ trái sang: Hồ Chí Minh, Phạm Bá Trực, Cù Huy Cận, Trần Công Tính, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Tạo)
Trong thời gian kháng chiến, Linh mục Trực di chuyển nhiều giáo xứ như Kẻ Chuông, Thái Nguyên, Hà Đông. Ông vừa làm mục vụ và vừa chăm lo truyền nghề đan lát, làm nón cho cư dân trong vùng(9).
Linh mục Phạm Bá Trực mất vì bệnh tim ngày 5 tháng 10 năm 1954 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Lễ tang của ông được tổ chức theo nghi lễ quốc gia(10). Trong lễ truy điệu ông có 3 điếu văn của Chủ tịch Liên Việt Tôn Đức Thắng, của Chủ tịch Ủy ban Liên lạc kháng chiến Liên khu III Vũ Xuân Kỷ và điếu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết do Bộ trưởng Phan Anh đọc(11). Lễ an táng Linh mục Phạm Bá Trực được tổ chức tại nhà thờ An Huy, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 7/10/1954(12). Ngày 20/11/1954, thánh lễ cầu nguyện cho Linh mục Phạm Bá Trực đã được tổ chức trang trọng ở Nhà thờ lớn Hà Nội với sự có mặt của các lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Công giáo và chính quyền Việt Nam cùng hơn 4.000 giáo dân(13).
2. Những cống hiến đối với đạo và đời
2.1. Những cống hiến về mặt đạo
Thứ nhất, chăm lo đời sống tinh thần giáo dân, đào tạo chức sắc tôn giáo.
Là một tu sĩ tôn giáo, đóng góp đầu tiên của Linh mục Phạm Bá Trực trước hết là những đóng góp to lớn về mặt đạo, đó là sự tận tụy trong công việc của một con người được Giáo hội ủy thác chăm lo “phần hồn” cho giáo dân. Trong suốt cuộc đời làm linh mục của mình, Linh mục Phạm Bá Trực luôn luôn là người tận tụy, sát sao với đời sống của giáo dân. Đồng thời, Linh mục Phạm Bá Trực cũng rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ chức sắc cho Giáo hội Công giáo. Nhiều người đã được cụ Phạm Bá Trực đào tạo, nhiều người trở thành linh mục, tiêu biểu nhất trong số đó là Phạm Đình Tụng, người sau này đạt đến chức vụ cao nhất là Hồng y. Tư liệu ghi lại: “Năm 1927, Linh mục Trực đem người cháu ở Phát Diệm lên Hà Nội học và nhận đỡ đầu. Người cháu đó là Phạm Đình Tụng, sau này là Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội (1919 – 2002)”(14).
Thứ hai, viết sách và dịch kinh sách sang tiếng Việt
Linh mục Phạm Bá Trực xuất thân từ một gia đình Công giáo, lớn lên ông được gửi vào chủng viện của Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, lại đúng vào dịp Tòa thánh ban cho các giáo phận ở Việt Nam một đặc ân là được cử một số chủng sinh xuất sắc sang du học ở Roma. “Năm 1914, nhân chuyến qua Roma, Tòa thánh thúc giục Giám mục Marcou (Thành) (Giám mục phó Tây Đàng Ngoài, Hà Nội) gửi sinh viên Việt Nam sang học Roma. Về Việt Nam, Giám mục Marcou hỏi ý kiến Giám mục Gendreau (Đông), Giám mục Hà Nội, Giám mục Hà Nội bằng lòng gửi thầy Phạm Bá Trực du học Roma”(15). Phạm Bá Trực được chọn đi cùng với Phạm Quý Huấn (địa phận Hà Nội), Ngô Đình Thục (địa phận Huế) và Nguyễn Đình San (địa phận Phát Diệm)(16) …từ năm 1916(17).
Là người Công giáo được đào tạo ở Roma trong thời gian khoảng 9 năm, Linh mục Phạm Bá Trực đã thông thạo tiếng Pháp và tiếng La tinh. Phạm Bá Trực nhận liên tiếp 3 bằng tiến sĩ về các lĩnh vực Giáo luật, Thần học và Văn chương.
Về nước năm 1926, Phạm Bá Trực được thụ phong linh mục và được cử về chăm sóc con chiên xứ Kẻ Sét ở làng Tám, Hà Nội. Tại đây, ông đã mở trường dạy văn hóa cho thanh thiếu niên. Và cũng tại xứ đạo này, ông đã làm quen với một con chiên ngoan đạo, một người đồng hương, một người đàn anh và sau này là nhà đại tư sản Công giáo Ngô Tử Hạ, người đã dẫn dắt ông đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.“Năm 1928, Linh mục Phạm Bá Trực được bổ nhiệm làm Giáo sư Đại Chủng viện Kẻ Sở. Thời gian này, linh mục dịch nhiều sách giáo lý để phổ biến tặng cho cộng đoàn. Năm 1929, ông được giao quản thêm xứ Khoan Vĩ ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông ở và cai quản xứ này cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công”(18).
Thứ ba, vận động chức sắc, tín đồ Công giáo chung sức giải quyết nạn đói, tăng cường công tác từ thiện nhân đạo.
Trong lĩnh vực này, Linh mục Phạm Bá Trực đã rất sốt sắng không chỉ chăm lo đời sống tinh thần, chăm lo “phần hồn” cho giáo dân mà cụ còn rất quan tâm đến đời sống vật chất hằng ngày của họ. Linh mục Phạm Bá Trực, trong suốt cuộc đời mình, đã luôn thể hiện tinh thần yêu thương, tận tụy không chỉ trong công việc tôn giáo mà còn trong các hoạt động cứu đói và từ thiện khác. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn kinh tế và thiên tai, nhất là những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX mà đỉnh điểm là nạn đói năm 1945 đã làm khoảng 2 triệu người chết đói(19). Trong hoàn cảnh đó, đóng góp nổi bật của Linh mục Phạm Bá Trực là tham gia vào phong trào cứu đói trong thời kỳ khốn khó nhất của lịch sử Việt Nam. Vào thời điểm đó, với tinh thần từ bi và nhân ái, ông đã không quản khó khăn cùng với các chức sắc Công giáo tổ chức quyên góp lương thực, áo quần và thuốc men để cứu giúp những người đang chịu cảnh đói khổ. Linh mục không chỉ giúp đỡ giáo dân mà còn lan tỏa tình thương đến tất cả những người gặp nạn, không phân biệt tôn giáo hay địa vị xã hội.
Trong những năm tháng đầy gian khó này, Linh mục Phạm Bá Trực đã kêu gọi sự đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng Công giáo. Ông dẫn dắt các giáo xứ, khuyến khích giáo dân chia sẻ những gì họ có để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tinh thần bác ái của linh mục không chỉ dừng lại ở việc cứu trợ vật chất mà còn nhấn mạnh đến việc chăm lo đời sống tinh thần, giúp người dân không mất đi niềm tin và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài hoạt động cứu đói, Linh mục Phạm Bá Trực cũng tích cực trong các công tác từ thiện khác như xây dựng trường học, bệnh xá và tổ chức các chương trình giúp đỡ trẻ em mồ côi, người già yếu không nơi nương tựa. Những nỗ lực này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng, khẳng định vai trò không thể thiếu của Giáo hội trong việc chung tay xây dựng một xã hội nhân ái, đầy tình thương.
Linh mục Phạm Bá Trực không chỉ là một nhà tu hành gương mẫu mà còn là một nhà hoạt động từ thiện kiên cường, luôn đứng về phía người nghèo khổ, giúp họ vượt qua khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tinh thần nhân đạo và bác ái của một linh mục Công giáo, một đại biểu Quốc hội đã tạo nên một tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ chức sắc và giáo dân trong các hoạt động từ thiện về sau.
2.12. Những cống hiến về mặt đời
Từ khi làm linh mục coi sóc xứ Kẻ Sét (Làng Tám, Hà Nội) năm 1926, Linh mục Phạm Bá Trực quen thân với nhà đại tư sản Công giáo Ngô Tử Hạ và được cụ Tử Hạ hướng cho theo con đường Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Từ đó, dần dần Linh mục Phạm Bá Trực đã có nhiều cống hiến về mặt đời, làm rạng danh “đạo”, “đời”. Cụ Hạ và cụ Trực đều quê Ninh Bình, cùng xuất thân trong những gia đình Công giáo, đều là những người chịu khó học hỏi và đều học rất giỏi. Cụ Hạ sinh năm 1882, cụ Trực sinh năm 1898, hơn kém nhau 16 tuổi. Năm 1926, cụ Trực được thụ phong linh mục và được cử về cai quản xứ Kẻ Sét (Hà Nội), nơi con chiên ngoan đạo Ngô Tử Hạ thường xuyên lui tới. Và các nhà in của nhà tư sản Ngô Tử Hạ chính là nơi đầu tiên in các sách dịch về giáo lý, đạo đức của cụ Trực để phổ biến cho cộng đoàn. Trong phần in ấn đó có sự đóng góp tài chính của chủ nhà in. Theo cụ Hạ, hai người đã “kết nghĩa anh em”.
Chính qua cụ Ngô Tử Hạ, Phạm Bá Trực đã có được mối quan hệ với các chí sĩ yêu nước nổi tiếng thời đó như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn,… Những cuộc tiếp xúc thường xuyên đó đã truyền nhiệt huyết yêu nước cho Phạm Bá Trực.
Tinh thần yêu nước, ái quốc đã dần lớn mạnh trong tâm hồn của vị Linh mục Phạm Bá Trực. Từ năm 1930, Linh mục Phạm Bá Trực vừa làm bổn phận của một linh mục, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc qua các hoạt động cụ thể(20):“Linh mục Phạm Bá Trực là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất, nổi tiếng là một người yêu nước chống Pháp kiên quyết nhất. Sau khi học xong tại Roma, trở về nước, linh mục càng thấy rõ hơn ai hết, những cảnh bất công đồng bào mình cũng như cả Giáo hội Việt Nam phải chịu. Ai cũng nghĩ Phạm Bá Trực sẽ được phong giám mục, vậy mà giáo chức người Pháp lại đưa về thị xã Hà Đông giữ một xứ đạo nhỏ, chỉ vì Phạm Bá Trực bướng bỉnh chống lại những lề thói phân biệt đối xử giữa các linh mục Tây và Việt Nam. ‘Thấy cố đạo Tây lộng hành, cha mắng. Thấy linh mục người Việt không được phép ăn chung với linh mục Tây, cha chống’. Linh mục Phạm Bá Trực chống cả việc linh mục Tây vào gặp giám mục thì bắt tay mà linh mục ta thì phải tụt giày, vái lễ. Linh mục Phạm Bá Trực có câu nói nổi tiếng: ‘Đứng trước Chúa, không có sự phân biệt màu da’”(21).
Không chỉ thể hiện lòng yêu nước qua việc chống lại thói hống hách của các linh mục Tây, Linh mục Phạm Bá Trực còn dùng uy tín của cá nhân và ảnh hưởng của một chức sắc tôn giáo, một linh mục để kêu gọi tín đồ, chức sắc Công giáo vì chính nghĩa mà tham gia kháng chiến, kiến quốc: “Ta hãy vì Chúa vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt”. Đây là phát biểu đầu tiên của Linh mục Phạm Bá Trực trên công luận, được xem như là lời “tâm huyết” nhân danh một linh mục Công giáo đối với cách mạng và kháng chiến. Phát ngôn của Linh mục Phạm Bá Trực được chính thức đăng trên tờ Sự thật, cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác (Đảng Cộng sản Việt Nam) lúc đó: “…Ta hãy đứng lên sát cánh với toàn thể đồng bào đang kháng chiến lấy lại cho kỳ được độc lập thống nhất, tự do thực sự cho Tổ quốc (đó là luật thiên nhiên của Chúa). Chúa Cơ Đốc sinh ra cũng chỉ có ý cứu vãn nhân loại cho khỏi sự bóc lột hà hiếp nhau, cứu nhân loại khỏi xiềng xích báo thù, để mọi người không phân biệt trắng vàng, đều nên anh em với nhau. Hội Thánh bằng nỗ lực bài xích chế độ nô lệ, bất cứ hình thức nào như đô hộ… khối liên bang… đó là trá hình nô lệ đấy, ‘nó là sói dữ mặc lốt chiên’. Chúa bảo thế đấy. Nay bọn thực dân Pháp đang giết lát, bóc lột, hãm hiếp, tàn phá cả vật chất và tinh thần nhân dân ta một cách quá đáng, đang bày muôn mưu ngàn chước rất thâm độc quỷ quyệt để chia rẽ chúng ta như giả bênh Công giáo, giả bảo hộ dân lành, bãi công,… cốt để lại quặc xích nô lệ vào cổ dân ta, lại cướp nước ta… Nên ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt cho đến khi tống cổ quân xâm lăng ra khỏi nước ta, đó là ý ngay đẹp lòng Chúa thế ta sẽ hưởng hoà bình”(22).
Cũng cần nhắc lại sự tham gia vào Quốc hội, Mặt trận Liên Việt… của Linh mục Phạm Bá Trực để thấy được những cống hiến về mặt “đời” của cụ. Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia ứng cử Quốc hội khóa I và trúng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nam. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 4/3/1946, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 5/1947, ông được bầu làm Phó ban Thường trực Quốc hội (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội). Về vấn đề này, các tư liệu cho thấy: “Ngày 6/1/1946, được bầu là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Giữa năm này, Linh mục là Ủy viên của Mặt trận Liên Việt(23). Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/3/1946, Linh mục Phạm Bá Trực được bầu làm Ủy viên dự khuyết của Ban Thường trực Quốc hội(24). Trưởng ban Thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố. Phiên họp thứ hai của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 28/10-9/11/1946, Linh mục được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội(25). Tháng 5/1947, Linh mục Phạm Bá Trực được bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Hồi tháng 5 năm 1947, cụ Tôn Đức Thắng, Phó Trưởng ban được Chính phủ mời sang quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Toàn ban đã bỏ phiếu bằng cách gửi thư bầu cụ Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng Ban cùng cụ Bùi Bằng Đoàn điều khiển công việc”(26). Khoảng từ 1948-1952, Linh mục Phạm Bá Trực có vai trò quan trọng trong Hội đồng Chính phủ giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết nhiều công việc của Chính phủ. “Cụ Trưởng ban Bùi Bằng Đoàn và về sau thêm hai cụ Phó ban Tôn Đức Thắng và Phạm Bá Trực đã luôn luôn ở bên cạnh Hồ Chủ tịch và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để giúp đỡ ý kiến Chính phủ trong mọi công việc. Những ngày giặc Pháp tấn công, các cụ Trưởng và Phó ban đã luôn luôn chân dậm đất, lặn suối trèo đèo nhiều khi sát ngay tiếng súng để cùng Chính phủ điều khiển cuộc kháng chiến”(27). Tháng 2 năm 1950, Ban Thường trực Quốc hội bầu ra một Ban Thường vụ nằm trong Ban Thường trực để tham gia các hoạt động thường xuyên với Chính phủ. Ban này gồm 5 người là Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Tôn Quang Phiệt, Phạm Bá Trực, Dương Đức Hiền và Trần Huy Liệu(28). Thực ra cơ cấu tổ chức của Ban Thường vụ đã có từ ngày 11 tháng 11 năm 1946(29). Tháng 3/1951, thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc(30), (31).
Sau đó, Mặt trận Liên Việt cử đoàn đại biểu cấp cao, thay mặt cho các tầng lớp nhân dân sang thăm Triều Tiên do đồng chí Hoàng Quốc Việt – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn, Linh mục Phạm Bá Trực – Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt làm Phó đoàn. Thăm Triều Tiên xong, đoàn trở lại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại trong Hồi ký Con đường theo Bác: Về đến Bắc Kinh, tôi nhận được quyết định làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thay đồng chí Hoàng Văn Hoan nghỉ ốm và một đề nghị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mời Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Phạm Bá Trực thăm Trung Quốc. Hơn một tháng lưu tại Trung Quốc, cụ Phạm Bá Trực đã đi nhiều nơi, có nhiều cuộc trao đổi và nhiều giờ thuyết giảng. Bạn ca ngợi sự hiểu biết uyên thâm của cụ cũng như đánh giá cao những kinh nghiệm của Việt Nam về công tác vận động các chức sắc tôn giáo và giáo dân.
Với trọng trách được giao, Linh mục Phạm Bá Trực đã giúp Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo nhiều tài liệu, công văn, lời kêu gọi, trong đó nổi bật là những văn kiện sau được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đánh giá cao: “Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt”, đăng trên báo Sự thật và báo Cứu quốc ngày 25/12/1948. Đây là bài phát biểu đầu tiên của linh mục trên công luận, nói lên tâm huyết của cụ – một linh mục Công giáo đối với cách mạng và kháng chiến; “Lời kêu gọi ngụy binh Công giáo” đăng trên báo Cứu quốc ngày 1/6/1951; “Thư kêu gọi đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến với niềm tin quyết thắng” đăng trên báo Cứu quốc ngày 15/1/1952.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Linh mục đã có bài viết trên báo Cứu quốc kêu gọi giáo dân: “Tôi nhân danh một người đại biểu Công giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố rằng: Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ, chính sách khoan hồng của Chính phủ trước sau như một. Chính phủ ta là chính phủ nhân dân, làm việc gì cũng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân chứ không bao giờ làm điều gì trái với quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân”(32). “Cha Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội bị bệnh 2 năm liền, không mấy chủ nhật Hồ Chủ tịch không đến thăm, tuy công việc của Người rất bộn bề. Người ra lệnh cho các bác sĩ, y sĩ phục vụ cha Trực phải đến báo cáo luôn luôn với Người về bệnh tình cha Trực. Đến lúc bệnh cha Trực quá trầm trọng, không còn phương cứu chữa, mất đi, Hồ Chủ tịch rất thương xót, Người đã vừa khóc vừa viết điếu tang và cử một ông bộ trưởng đến đọc thay Người”(33).
3. Nhận xét – Kết luận
1. Qua cuộc đời hoạt động của Linh mục Phạm Bá Trực, chúng ta có thể thấy rõ cụ là một tấm gương sáng, là người tiên phong của phong trào Công giáo yêu nước trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy thử thách khắc nghiệt. Những cống hiến của Linh mục Phạm Bá Trực đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo nên sức mạnh của lòng yêu nước để chiến thắng nhiều kẻ thù “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.
2. Linh mục Phạm Bá Trực có một cuộc đời và thân thế hết sức đặc biệt. Có lẽ đây là người duy nhất được “Bề trên” lúc đó “cho phép” tham gia kháng chiến và là người linh mục duy nhất từ trước đến nay giữ trọng trách cao nhất trong Quốc hội, là Phó Trưởng ban Thường trực, tương đương với Phó Chủ tịch Quốc hội ngày nay.
Linh mục Phạm Bá Trực là linh mục được Giáo hội Công giáo cho phép tham gia vào chính quyền, cụ thể là Quốc hội. Đây là một trường hợp đặc biệt. Sự đặc biệt này phải được đặt trong bối cảnh lịch sử khi đó mới thấy rõ vấn đề. Trong bối cảnh lịch sử thời kỳ 1946-1954, đối với người Công giáo, đặc biệt là hàng giáo sĩ, tham gia kháng chiến phải trải qua cuộc “cách mạng trong nội tâm của lòng mình”, trong tinh thần của Giáo hội trước Công đồng Vatican II, đặc biệt dưới thời Giáo hoàng Piô XI, Piô XII, vốn lãnh đạm với Chủ nghĩa vô thần – Cộng sản một cách “được bao trùm và khẳng định”.
3. Linh mục Phạm Bá Trực là một con người đặc biệt có nhiều mối quan hệ đặc biệt cả trong Giáo hội Công giáo và Chính phủ, Quốc hội, được nhiều người yêu mến. Điều này được thể hiện rất rõ qua quá trình học tập, trưởng thành và sự uy tín của cụ được giao nhiều trọng trách quan trọng cả từ phía Giáo hội và Chính phủ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Điều này được thể hiện rõ qua tình cảm của Hồ Chủ tịch và các vị trong Mặt trận Liên Việt, trong Quốc hội, Chính phủ và cả các chức sắc Công giáo đối với linh mục.
Chú thích:
1. TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 05 tháng 10 năm 2024.
2. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước nơi người Công giáo”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 05 tháng 10 năm 2024.
3. TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 05 tháng 10 năm 2024.
4. TS. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2024.
5. Lm. Đặng Xuân Thành (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Ngày giỗ Đức Cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (2009-22/02-2011)”. Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2024.
6. TS. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2024.
7. TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2024.
8. Ngô Quốc Đông (2010). “Tư liệu về Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1946-1954): Giới thiệu tổng quan, đính chính, mấy vấn đề cần làm rõ”. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr. 67.
9. TS. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2024.10.
10. TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2024.
11. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước nơi người Công giáo”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2024.
12. Theo Thông cáo của Ủy ban Thường trực Quốc hội – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
13. Theo Thông cáo của Ủy ban Thường trực Quốc hội – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
14. TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 05 tháng 10 năm 2024.
15. Lê Ngọc Bích. Nhân vật Công giáo Việt Nam, tập 4, xem: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=295&ict=3223. Truy cập ngày 5/10/2024.
16. Có tài liệu ghi là Ngô Đình Lan (Phát Diệm). https://daibieunhandan.vn/linh-muc-pham-ba-truc-bac-nhan-si-tan-tuy-ai-quoc-post312774.html. Truy cập ngày 7/10/2024.
17. Phạm Huy Thông, Linh mục Phạm Bá Trực – Người Công giáo tiêu biểu của phong trào yêu nước. https://daitutintuc.violet.vn/entry/linh-muc-pham-ba-truc-nguoi-cong-giao-tieu-bieu-cua-phong-trao-yeu-nuoc-10647126.html. Truy cập ngày 7/10/2024.
18.https://daibieunhandan.vn/linh-muc-pham-ba-truc-bac-nhan-si-tan-tuy-ai-quoc-post312774.html#:~:text=N%C4%83m%201928%2C%20linh%20m%E1%BB%A5c%20Ph%E1%BA%A1m,m%E1%BA%A1ng%20th%C3%A1ng%20T%C3%A1m%20th%C3%A0nh%20c%C3%B4ng. Truy cập ngày 08/10/2024.
19. GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo (2022), Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136.
20. Có 4 thông tin qua đó khẳng định tinh thần yêu nước sâu sắc của Linh mục Phạm Bá Trực trước khi tham gia Quốc hội, Chính phủ là: 1. Không nhận Bắc Đẩu Bội tinh của chính phủ Pháp (tất nhiên lưu ý giả thuyết Khải Định muốn tặng huy chương này thông qua Nguyễn Hữu Bài mà chúng tôi đã phân tích ở trên); 2. Do có thái độ với thực dân Pháp, thể hiện tinh thần dân tộc mà ông được điều đến một xứ đạo nghèo, heo hút – Khoan Vĩ; 3. Tại Khoan Vĩ, ông dạy cư dân làm nghề nón lá và đan lát; 4. Khi nạn đói năm Ất Dậu (1945), linh mục đã dốc sức trong phong trào hỗ trợ cứu tế. Ngô Quốc Đông, Tư liệu về Phạm Bá Trực…, tr. 69.
21. https://thanhnien.vn/nhung-chi-si-tham-gia-chinh-phu-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-linh-muc-pham-ba-truc-mot-nha-tan-tuy-ai-quoc-185500135.htm. Truy cập ngày 8/10/2024.
22. Văn kiện Quốc hội toàn tập (2006), tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 256.
23. Xem thêm tài liệu “Kính Chúa yêu nước và đoàn kết lương giáo”, in nội bộ của Ủy ban Liên Việt năm 1954, tài liệu Thư viện Quốc gia. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 9/2008.
24. Xem báo Cứu quốc ngày 5/3/1946.
25. Lúc đó, “để tiến hành công việc, Ban Thường trực Quốc hội đã thành lập 3 tiểu ban: Tiểu ban Pháp chính; Tiểu ban Tài chính kinh tế; Tiểu ban Kiến nghị; Tiểu ban Pháp chính, gồm 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết: Ông Tôn Quang Phiệt: Trưởng ban; Ủy viên chính trị: cụ Tôn Đức Thắng và các ông Dương Đức Hiền, Hoàng Văn Hoan, Trần Văn Cung, Phạm Bá Trực, Nguyễn Đình Thi; Ủy viên dự khuyết: Nguyễn Thị Thục Viên”. Năm 1951, khu cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm, lại bận nên cụ Tôn Đức Thắng được bầu làm quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Đến 1955, khi cụ Bùi mất, cụ Tôn thay làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Xem báo Cứu quốc ngày 15/11/1946, tr.1.
26. “Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư kí Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị Thường trực Quốc hội 6,7-1950”. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, in trong Văn kiện Quốc hội toàn tập (2006), tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 274.
27. “Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư kí Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị Thường trực Quốc hội 6,7-1950”. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, sđd, tr. 276.
28. Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1994), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 126.
29. Lịch sử Quốc hội Việt Nam, sđd, tr. 112.
30. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 9/2008.
31. Ngô Quốc Đông, tr. 63-64.
32. “Linh mục Phạm Bá Trực: ‘Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt’”, đăng trên báo Sự thật và báo Cứu quốc ngày 25.12.1948.
33. “Linh mục Vũ Xuân Kỷ: ‘Có Hồ Chủ Tịch là có tự do rồi’”. Báo Cứu quốc số 1708, ngày 15-5-1955.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Ngọc Bích, Nhân vật Công giáo Việt Nam, tập 4, xem: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=295&ict=3223. Truy cập ngày 5/10/2024.
- Lê Ngọc Bích (chủ biên, 2009), Giám mục người nước ngoài qua chặng đường 1659-1975. Nxb. Tôn giáo.
- Một giáo sư sử học – Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary, Canada, 1998.
- Linh mục Phạm Bá Trực, bậc nhân sĩ tận tụy ái quốc. https://daibieunhandan.vn/linh-muc-pham-ba-truc-bac-nhan-si-tan-tuy-ai-quoc-post312774.html. Truy cập ngày 7/10/2024.
- Ngô Quốc Đông (2010), “Tư liệu về Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1946-1954): Giới thiệu tổng quan, đính chính, mấy vấn đề cần làm rõ”. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr. 67.
- “Kính Chúa yêu nước và đoàn kết lương giáo”, in nội bộ của Ủy ban Liên Việt năm 1954, tài liệu Thư viện Quốc gia. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 9/2008.
- “Linh mục Vũ Xuân Kỷ: ‘Có Hồ Chủ Tịch là có tự do rồi’”, Báo Cứu quốc số 1708, ngày 15-5-1955.
- Thông báo của báo Nhân dân số 237 ngày 11 và 12 tháng 10 năm 1954.
- “Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư kí Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị Thường trực Quốc hội 6,7 – 1950”. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, in trong Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I. Nxb. Chính trị Quốc gia, 2006.
- GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo (2022), Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- https://thanhnien.vn/nhung-chi-si-tham-gia-chinh-phu-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-linh-muc-pham-ba-truc-mot-nha-tan-tuy-ai-quoc-185500135.htm. Truy cập ngày 8/10/2024.
- Lm. Đặng Xuân Thành (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Ngày giỗ Đức Cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (2009-22/02-2011)”. Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2024.
- TS. Phạm Huy Thông (Hà Nội) (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực – mối quan hệ giữa đạo và đời”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 05 tháng 10 năm 2024.
- Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực- tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước nơi người Công giáo”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.
- TS. Phạm Huy Thông (ngày 4 tháng 2 năm 2016). “Linh mục Phạm Bá Trực”. Ban Tôn giáo Chính phủ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2024.
- Phạm Huy Thông, Linh mục Phạm Bá Trực – Người Công giáo tiêu biểu của phong trào yêu nước. https://daitutintuc.violet.vn/entry/linh-muc-pham-ba-truc-nguoi-cong-giao-tieu-bieu-cua-phong-trao-yeu-nuoc-10647126.html. Truy cập ngày 7/10/2024.
- “Linh mục Phạm Bá Trực: ‘Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt’”, đăng trên báo Sự thật và báo Cứu quốc ngày 25.12.1948.
- http://ubdkcgvn.org.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/tu-lieu-ve-linh-muc-phero-pham-ba-truc-1946-1954-gioi-thieu-tong-quan-dinh-chinh-o81E013BF.html. Truy cập ngày 8/10/2024.
- Văn kiện Quốc hội toàn tập (2006), tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia.
- Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, được in trong Văn kiện Quốc hội toàn tập (2006), tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia.
- Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (1999), Tư liệu lịch sử về địa phận Hà Nội 1954-1994, lưu hành nội bộ.