Lời bào chữa đầy  thuyết phục cho một  “bản án oan” 

Nguyễn Minh Tường

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

“Bản án oan” trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đến chính là bộ Hoàng Việt luật lệ 皇 越 律 例 (hay Luật Gia Long)⁽¹⁾ và “lời bào chữa” là tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long  của 2 tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa. Bộ Hoàng Việt luật lệ gồm có 22 quyển, 398 điều luật, quy định về các tội phạm và hình phạt trong 6 lĩnh vực quản lý công quyền (Lại – Hộ – Lễ – Binh – Hình – Công).

Tháng Giêng năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long (1802-1819) ban dụ sai Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh và Trần Hựu “hết lòng khảo xét những pháp lệnh, điển lệ của triều đình, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức⁽²⁾ và nước Đại Thanh⁽³⁾, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ tự sửa chữa cho đúng để ban hành”⁽⁴⁾.

Tháng 7 năm Nhâm Thân (1812), bộ luật được biên soạn xong, đặt tên là Hoàng Việt luật lệ. Vua Gia Long tự xét định và viết lời tựa⁽⁵⁾.

Tháng 8 năm Ất Hợi (1815), bộ Quốc triều luật lệ (tên gọi khác của Hoàng Việt luật lệ) được ban hành trong cả nước⁽⁶⁾. Tuy nhiên, vua Gia Long cho rằng: Luật mới ban ra, “nha môn trong ngoài chưa có thể xem kỹ hết mọi điều, chuẩn cho từ năm nay (tức năm Ất Hợi (1815) – TG), đến cuối tháng 12 năm Đinh Sửu (tức năm 1817 – TG), quan xét hình có sơ suất nhầm lẫn thì không phải là có ý khép mở tội người thì về tội roi và trượng đều miễn nghị, về tội đồ trở lên thì chiếu lệ thất xuất⁽⁷⁾, thất nhập , giảm thêm một bậc; từ năm Mậu Dần (1818) trở đi thì xử trị theo luật”⁽⁸⁾.

Có một lý lẽ đơn giản mà ai cũng hiểu là một bộ luật nói chung, hay từng điều luật nói riêng, khi ban ra luôn luôn phải dựa trên tình hình chính trị, xã hội, nhất là trình độ dân trí đương thời. Vì vậy, khi bình xét, phán đoán và nhận định về bộ Hoàng Việt luật lệ (tức Luật Gia Long), nhà nghiên cứu cần tuân thủ phương pháp lịch sử, tức đặt bộ luật này trong bối cảnh thế kỷ XIX, để đưa ra những “phán quyết” mới chính xác được.

Tiếc rằng, trong vòng hơn 100 năm qua, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước không làm như vậy, họ phê phán “bắt tội” bộ Hoàng Việt luật lệ hết sức nặng và bất công.

Trước tòa án lịch sử dân tộc hơn một thế kỷ qua, số “thẩm phán” đứng ra kết tội bộ Luật Gia Long thì nhiều, ở đây, chỉ xin kể tên một vài vị có danh tiếng làm thí dụ mà thôi.

Có lẽ người đầu tiên phê phán bộ Luật Gia Long từ cuối thế kỷ XIX là học giả người Pháp: P. L. F. Philastre. Ông này đã dịch bộ Luật Gia Long thành Le Code Annamite, xuất bản ở Paris năm 1876, tái bản năm 1909⁽⁹⁾. Mục đích chính khi dịch bộ Hoàng Việt luật lệ ra tiếng Pháp – Le Code Annamite của P. L. F. Philastre là tìm hiểu nền văn hóa thuộc địa, giúp chính quyền thực dân Pháp thuận tiện trong công việc cai trị, thực hiện bước đầu “khai hóa” dân bản xứ. Nơi đã có hơn ngàn năm bị người Trung Quốc đô hộ, áp bức, đồng hóa và cũng gần ngàn năm chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Hoa, đến nay rất cần được sự khai phóng, khai hóa của “Mẫu Quốc – nước Pháp”.

P. L. F. Philastre chính là “thẩm phán đầu tiên” kết tội: “Bộ Luật Gia Long chỉ là công trình sao chép Đại Thanh luật lệ của Trung Quốc và tất cả những chế định tiến bộ mang tính dân tộc của bộ Luật Hồng Đức, đều đã bị bộ Luật Gia Long xóa bỏ”⁽¹⁰⁾.

Sử gia người Việt đầu tiên phê phán bộ Luật Gia Long là học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) trong Việt Nam sử lược được xuất bản lần đầu năm 1920, tại Hà Nội, là bộ thông sử đầu tiên của Việt Nam biên soạn theo phương pháp mới và viết bằng chữ Quốc ngữ (Tiếng Việt). Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Nguyên khi trước vẫn theo luật nhà Lê, nhưng nay nhà Nguyễn đã nhất thống cả Nam, Bắc, vua Thế Tổ (tức vua Gia Long – TG) bèn truyền cho đình thần lập ra pháp luật rõ ràng, để cho tiện sự cai trị. Năm Tân Mùi (1811), sai Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài (giống như chủ biên sau này – TG) coi việc soạn ra sách luật; lấy luật cũ đời Hồng Đức (洪 德) nhà Lê, mà tham chước với luật nhà Thanh (chỉ bộ Đại Thanh luật lệ – TG) làm thành một bộ, cả thảy 22 quyển, có 398 điều. Đến năm Ất Hợi (1815), thì in sách luật ấy phát ra mọi nơi. Bộ luật ấy (chỉ bộ Luật Gia Long – TG), tuy nói theo Luật Hồng Đức, nhưng kỳ thực là chép luật của nhà Thanh và chỉ thay đổi ít nhiều mà thôi”⁽¹¹⁾.

Trong sách Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, hai tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa cho biết: Từ tác phẩm Việt Nam sử lược xuất bản năm 1920, đến tác phẩm Đại cương lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2021, đã có 12 công trình vừa Sử học, vừa Luật học phê phán và đánh giá thấp bộ Luật Gia Long⁽¹²⁾.

Trong bài “Ý kiến nhận xét của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu” thay cho Lời giới thiệu in ở đầu tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, nhà sử học họ Nguyễn viết: “Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu thường nhận định Hoàng Việt luật lệ (bộ Luật Gia Long) của nhà Nguyễn chỉ là công trình sao chép Đại Thanh luật lệ của nhà Mãn Thanh – nhà nước phong kiến thống trị Trung Quốc lúc bấy giờ; đồng thời Hoàng Việt luật lệ đã xóa bỏ tất cả những định chế tiến bộ mang tính dân tộc của Quốc triều hình luật (bộ Luật Hồng Đức) nhà Hậu Lê. Nhưng trong quyển sách này, tác giả phân tích, dẫn chứng từng điều luật, điều lệ cụ thể, từ bộ luật cơ bản đến các hội điển của triều đình, các pháp quy đơn lẻ và lời phán dụ của nhà vua, đã cho thấy sự thực hoàn toàn trái ngược lại. Bộ Luật Gia Long không những kế thừa giá trị nhân quyền của bộ Luật Hồng Đức, mà còn phát triển một số nhân quyền truyền thống ở trình độ cao hơn”⁽¹³⁾.

Dưới đây, chúng tôi xin trình bày rõ thêm “lời bào chữa” của Luật sư, Tiến sĩ Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa.

I. Bộ Luật Gia Long kế thừa và phát triển những định chế tiến bộ của bộ Luật Hồng Đức

Theo chúng tôi, đây là một nội dung chính, quan trọng của tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, cho nên hai tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa đã dành tới gần 200 trang để phân tích và chứng minh luận điểm trên.

Trước hết cần lưu ý rằng là những luật sư vừa có tuổi nghề, vừa có tuổi đời cao, hai tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa đều ở tuổi gần 80 (năm 2025), cho nên khi khảo sát và phân tích về các điều luật trong hai bộ cổ luật của Việt Nam đều có sự tham chiếu với luật pháp quốc tế hiện hành.

Trong Lời nói đầu, hai tác giả viết: “Quyền con người (human rights) còn gọi là nhân quyền là những quyền mà nếu không được hưởng thì con người sẽ không thể sống như một con người⁽¹⁴⁾. Quyền con người là khái niệm phổ quát thể hiện những lợi ích, nhu cầu của con người, có liên quan đến nhiều ngành pháp luật khác nhau (hình sự, dân sự, tố tụng, hành chính, hôn nhân – gia đình, điền địa, luật quốc tế,…) và nhiều lĩnh vực hoạt động quản lý của nhà nước”⁽¹⁵⁾.

Và: “Từ góc nhìn luật pháp, dưới giá trị nhân quyền – vấn đề luôn thể hiện giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc nhất, thử tìm hiểu, đánh giá, so sánh hai bộ cổ luật của chế độ phong kiến Việt Nam: Bộ Luật Hồng Đức – chính sách của nhà Hậu Lê và bộ Luật Gia Long – chính sách của nhà Nguyễn, ngõ hầu có thể nhìn nhận khách quan, đúng đắn đối với Hoàng Việt luật lệ”⁽¹⁶⁾.

Trong tác phẩm này, các tác giả đã phân tích, so sánh 25 quyền của con người được ghi chép ở hai bộ cổ luật Việt Nam, đó là: Quyền dân tộc tự quyết, Quyền được sống, Quyền của phụ nữ, Quyền của trẻ em, Quyền của người cao tuổi; Quyền của người khuyết tật,… Quyền được hưởng một nền cai trị liêm chính; Quyền được bảo đảm an toàn cá nhân, không bị sách nhiễu; Quyền tự do cư trú và đi lại…; Quyền của các dân tộc thiểu số…; Quyền  bầu cử; Quyền của người tiêu dùng.

Một trang của Hoàng Việt luật lệ, quyển 3, trang 8.

Trong một bài luận văn, chúng tôi không thể điểm lại hết sự phân tích, so sánh tất cả 25 quyền của con người đã được các tác giả thực hiện. Ở đây, xin đơn cử một số quyền mà theo chúng tôi là quan trọng và có sự phát triển của bộ Luật Gia Long so với bộ Luật Hồng Đức.

1. Quyền được sống

Theo các tác giả: “Dù bộ Luật Hồng Đức là đỉnh cao của pháp quyền phong kiến Việt Nam, song cũng phải thấy thời ấy các tội phạm và hình phạt để xử trị hành vi xâm phạm quyền sống của con người vẫn còn quy định rải rác trong nội dung các chương khác nhau của bộ Luật Hồng Đức; mỗi hành vi phạm tội cũng chưa được đặt tên với tội danh rõ ràng.

Sang thế kỷ XIX, Hoàng Việt luật lệ quy định đầy đủ hơn, tập trung thống nhất vào một quyển (Quyển XIV), với 20 tội danh cụ thể như: “Mưu sát nhân” (Điều 251), “Mưu sát chế sứ cập bản quản trưởng quan” (Điều 252), “Mưu sát tổ phụ mẫu, phụ mẫu” (Điều 253),… Đó là nhờ trình độ kỹ thuật lập pháp tiến bộ, mang tính hiện đại mà bộ luật hình sự Việt Nam ở thế kỷ XXI vẫn còn đang áp dụng – tập trung tất cả tội phạm vào cùng một chương với cùng một khách thể bị xâm phạm. Các dấu hiệu của tội phạm cũng đã được Hoàng Việt luật lệ quy định tương đối rõ ràng, cụ thể theo từng điều khoản nặng nhẹ khác nhau để hạn chế tùy tiện khi áp dụng”⁽¹⁷⁾.

2. Quyền của phụ nữ

Theo quan điểm của luật quốc tế hiện đại, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ ngày 18-12-1979 (Việt Nam phê chuẩn ngày 18-12-1982), thì trên thế giới, mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ đều bị lên án, xóa bỏ, để thực hiện bình đẳng nam nữ, bảo vệ thiên chức làm mẹ đối với phụ nữ thời kỳ mang thai, không được thi hành án tử hình những phụ nữ đang mang thai, xóa bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm phụ nữ và đảm bảo bình đẳng trên mọi lĩnh vực khác của đời sống kinh tế – xã hội…

Theo các tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa, thì ở Việt Nam, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, quyền của phụ nữ là quyền con người đã có nhiều bước tiến bộ đáng kể, thể hiện qua bộ Luật Hồng Đức và bộ Luật Gia Long.

Trong những quyền của phụ nữ, chúng tôi cho rằng một số quyền dưới đây là quan trọng hơn cả:

a. Quyền an toàn thân thể của phụ nữ được
 bảo vệ.

b. Quyền của phụ nữ trong hôn nhân.

Bộ Luật Hồng Đức (Điều 308, 322, 333) quy định từ hôn của người phụ nữ mới đính hôn và quyền đề xuất ly hôn của người phụ nữ đang có chồng. Theo các tác giả: “Đó là sự tiến bộ lớn đối với thân phận người đàn bà phương Đông lúc bấy giờ. Kế thừa và phát triển tinh thần tiến bộ mới mẻ đó, Hoàng Việt luật lệ còn quy định liên quan đến quyền kết hôn, từ hôn, ly hôn của người phụ nữ”⁽¹⁸⁾.

3. Quyền của người khuyết tật

Cũng như người cao tuổi và trẻ em, người khuyết tật là đối tượng “dễ bị tổn thương”, được nâng đỡ của cộng đồng xã hội.

Bộ Luật Gia Long nói chung và pháp luật triều Nguyễn kế thừa và phát triển các quy định ưu đãi người khuyết tật của bộ Luật Hồng Đức nhà Hậu Lê.

Trong bộ Luật Gia Long có Chế độ hình sự ưu đãi dành cho người khuyết tật và Chế độ tố tụng đặc biệt dành cho người khuyết tật. Thí dụ: “Kế thừa Điều 665 bộ Luật Hồng Đức về những đặc miễn cho người khuyết tật trong quá trình tố tụng, họ không bị tra tấn và bắt ra làm chứng. Điều 369 bộ Luật Gia Long quy định như sau: ‘Những người bị tàn tật (vì tàn tật nên thương xót) nếu có phạm tội, quan ty đều không được dùng hình khảo vấn, phải căn cứ vào các bằng chứng mà định tội (…). Khảo vấn là công việc thẩm vấn không nằm trong ngũ hình⁽¹⁹⁾. Tội phạm ngoan cố không chịu nhận mới phải dùng đến khảo vấn (…). Người tàn tật phạm tội đều không được khảo vấn mà chỉ căn cứ vào các chứng cứ để định tội. Chứng cứ đã minh bạch xem như án đã thành. Phạm nhân tuy không thú nhận cũng có thể định án, bất tất phải dùng hình để lấy cung. Như vậy là để thương xót người thương tật vậy’”⁽²⁰⁾.

Bìa sách Nhân quyền của người Việt – từ bộ luật hồng đức đến bộ luật Gia Long của LS Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa.
Bìa sách Nhân quyền của người Việt – từ bộ luật hồng đức đến bộ luật Gia Long của LS Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa.

4. Quyền được hưởng một nền cai trị liêm chính

Về thứ quyền này của người dân, hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa nhận định rằng: “Ở phương Đông, theo quan điểm của tư tưởng Khổng – Mạnh, nguyên tắc “dân chi phụ mẫu” (quan lại là cha mẹ của dân), “dân vi bang bản” (dân là gốc của nước), “dân vi quý” (dân là quý nhất),… đều yêu cầu tất cả quan lại làm việc trong bộ máy nhà nước – cánh tay đắc lực của vua trong mối quan hệ với dân, đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân một cách liêm chính, không vụ lợi. “Ăn hối lộ” của dân, “ăn cắp” của nhà nước, dù dưới hình thức nào, cũng là hành vi trọng tội mà các triều đại quân chủ Việt Nam đều quan tâm trừng phạt, chế tài nghiêm khắc, khi bị phát hiện thường phải bồi thường gấp đôi giá trị tàn sản tham ô…”⁽²¹⁾.

Theo các tác giả: Kế thừa và phát triển bộ Luật Hồng Đức, nhà Nguyễn tỏ ra càng nghiêm khắc hơn trong việc phòng, chống, bài trừ tệ nạn tham nhũng, hối lộ, để đảm bảo cho thần dân có cuộc sống an bình, được hưởng sự cai trị liêm chính, trong sạch.

Trong bộ Luật Gia Long có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, ngoài các luật, điều lệ rải rác ở các chương quy định có liên quan đến việc phòng, chống tham ô, nhũng lạm, Luật Gia Long đã dành một chương riêng của Quyển XVII, gồm 9 điều luật và 6 điều lệ để quy định về tệ nhận hối lộ. (Chương IX: Nhận hối lộ – từ Điều 312 đến Điều 320)⁽²²⁾.

Theo các tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa, bên cạnh giải pháp phòng, chống tệ tham ô, tham nhũng nghiêm khắc bằng pháp luật, dưới thời Nguyễn, mọi người, nhất là quan lại thường xuyên được giáo dục theo học thuyết chính thống của Nho giáo. Bởi kinh điển Nho giáo quan tâm dạy nhiều về đức thanh liêm, trong sạch cho người được giao trọng trách với muôn dân… Đó là chủ trương “nặng về giáo dục, nhẹ về trừng trị” của Nho giáo⁽²³⁾.

5. Quyền tự do cư trú và đi lại

Các tác giả của bộ sách này cho biết: “Tự do cư trú và đi lại là một nhân quyền quan trọng đã được ghi nhận và bảo vệ trong luật quốc tế và pháp luật quốc gia hiện đại. Theo đó, mỗi người có một nơi cư trú nhất định theo sự lựa chọn của bản thân mình và tự do đi lại đến nơi mình muốn. Tuy nhiên, sự tự do lựa chọn này phải căn cứ theo quy định của pháp luật nhà nước sở tại. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã khẳng định quyền tự do cư trú và đi lại phải chịu ‘sự hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận (Khoản 3 – Điều 12)’.

Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền 1948 và Điều 17 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị `cũng nêu rõ: ‘Không ai phải chịu (bị) can thiệp một cách tùy tiện vào (…) chỗ ở (nhà ở)’.

Phù hợp với tinh thần của luật quốc tế hiện đại, đồng thời kế thừa bộ Luật Hồng Đức và pháp luật của triều Hậu lê nói chung, bộ Luật Gia Long và các điển lệ của triều Nguyễn vào thế kỷ XIX, đã thể hiện rõ quan điểm ấy”⁽²⁴⁾.

Các tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa phân tích và giải thích rõ về điều luật: Quyền tự do cư trú và đi lại ở những phương diện như sau: Việc quản lý cư trú của người dân; Chỗ ở hợp pháp là bất khả xâm phạm; Đi lại trong nước hoặc ra nước ngoài đều phải có giấy thông hành, giấy lộ dẫn,…

6. Quyền được hưởng
an sinh xã hội – Quyền của người bất hạnh,
yếu thế trong xã hội

Theo các tác giả thì “‘an sinh xã hội’ (Social security) ngày nay là một khái niệm rộng lớn nêu trong Điều 22 của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948. An sinh xã hội chỉ các chương trình hành động của nhà nước nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ đảm bảo các nguồn thực phẩm, chỗ ở và tăng cường sức khỏe và phúc lợi xã hội cho người dân nói chung, hỗ trợ “các đối tượng dễ bị tổn thương (disadvantaged group)” (như phụ nữ cô đơn, trẻ em, người già, người khuyết tật, người thất nghiệp,…). Mọi người dân đều có quyền được hưởng an sinh xã hội (the right to social security), đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương”⁽²⁵⁾.

Đến thời Hậu Lê thì công việc bảo đảm an sinh xã hội đã được pháp điển hóa, chính thức ghi thành hai điều luật (Điều 294 và Điều 295) của bộ Luật Hồng Đức, quan lại không hoàn thành nhiệm vụ này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Kế thừa và phát triển truyền thống ấy, bộ Luật Gia Long có những điều luật, điều lệ thể hiện sự quan tâm ưu ái của nhà nước đối với những thường dân bất hạnh.

Thí dụ: Điều lệ kèm theo Điều 63 (Việc phải tâu không tâu) nêu rõ: “Phàm quan ở các châu, huyện thấy tình trạng bệnh tật khổ sở của dân chúng không trình báo rõ lên thượng ty khiến cho dân không có chỗ nương nhờ, trông cậy, thì bị cách chức, vĩnh viễn không được sử dụng nữa. Nếu đã qua trình báo rõ ràng mà thượng ty không phê chuẩn đề đạt tiếp, thì (thượng ty) cũng bị cách chức”⁽²⁶⁾.

Sau khi so sánh, phân tích, dẫn chứng từng điều luật, điều lệ cụ thể giữa hai bộ cổ luật của Việt Nam là Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) đời Hậu Lê và Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) đời Nguyễn, hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa rút ra nhận định như sau: “Ra đời sau bộ Luật Hồng Đức, khoảng hơn 3 thế kỷ, bộ Luật Gia Long của nhà Nguyễn có quy mô lớn nhất dưới thời quân chủ Việt Nam, có phạm vi điều chỉnh bao quát nhiều lĩnh vực và lần đầu tiên được áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam – Đại Nam, góp phần điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phong phú, đa dạng, phức tạp của thế kỷ XIX. Bộ Luật Gia Long mang nhiều giá trị đặc sắc, nhất là trong lĩnh vực đề cao nhân quyền, phát huy tính nhân đạo và tính dân tộc của người Việt. Hoàng Việt luật lệ kế thừa và phát triển quan điểm tiến bộ của Quốc triều hình luật, có thể nói hầu hết nội dung nhân quyền trong bộ Luật Hồng Đức đã được bộ Luật Gia Long bảo lưu và phát triển với nhiều mức độ sáng tạo khác nhau”⁽²⁷⁾.

Chúng tôi cho rằng những nhận định trên đây của hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa là xác đáng, khoa học và đúng với thực tế lịch sử.

II. Những điểm khác biệt giữa Hoàng Việt luật lệ Đại Thanh luật lệ

Trước khi so sánh những điểm khác biệt cụ thể giữa hai bộ luật nói trên, Luật sư, Tiến sĩ Phan Đăng Thanh, Luật sư Trương Thị Hòa nhận định: “Luật nhà Thanh (Đại Thanh luật lệ) – một ‘tập đại thành pháp điển Trung Quốc’, được coi là hoàn chỉnh, tiến bộ nhất ‘trên thế giới’ – phương Đông lúc bấy giờ…”⁽²⁸⁾.

Bộ Đại Thanh luật lệ 大 清 律 例 được vua Càn Long cho ban hành vào năm 1740, trở thành bộ pháp điển chủ yếu của Trung Quốc, cho đến khi nhà Thanh kết thúc (1911). Bộ này dựa vào bộ Đại Minh luật 大 明 律 để biên soạn, cho nên điều mục, giống như Đại Minh luật, gồm có: 436 điều luật, 1.765 điều lệ…⁽²⁹⁾.

Thực ra, việc các nhà làm luật của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX có tham khảo, mô phỏng những pháp lệnh, điển lệ của luật nhà Thanh (Trung Hoa), âu cũng là việc làm bình thường.

Chúng ta đều biết văn minh Trung Hoa là một trong bốn nền văn minh nổi tiếng trong thế giới cổ đại là: Văn minh Ai Cập, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa và văn minh Hy – La (Hy Lạp – La Mã). Trong thời cổ –  trung đại, ngoài Việt Nam, các nước vùng Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn minh Trung Hoa.

Chủ trương chung của triều Nguyễn khi soạn luật cơ bản chủ yếu là hiện đại hóa theo bộ luật của triều Thanh, dựa theo quan điểm của tư tưởng Khổng – Mạnh.

Ở phần trên, các tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa đã chứng minh cho thấy các nhà soạn luật triều Nguyễn (Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu) đã không chỉ tham khảo Đại Thanh luật lệ mà còn kế thừa, phát triển những định chế tiến bộ của bộ Luật Hồng Đức, để sáng tạo nên bộ Luật Gia Long mang đậm tính nhân đạo, tính dân tộc của người Việt.

– Về hình thức: Bộ Luật Gia Long đã mô phỏng và biên soạn theo cách thức của bộ luật nhà Thanh, từ các điều khoản (luật), các điều lệ (các bản án đã xử trong thực tế), đến phần chú (giải thích) và cách ấn loát. Về cách trình bày, bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức), chỉ có các điều khoản (luật), không có các điều lệ. Bởi thế bộ luật của nhà Nguyễn không gọi là Hình luật hay Hình thư, mà gọi là Hoàng Việt luật lệ, cũng như bộ luật nhà Thanh gọi là Đại Thanh luật lệ.

– Về nội dung: Sự khác biệt giữa Hoàng Việt luật lệ Đại Thanh luật lệ chủ yếu về nội dung. Theo hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa thì bộ luật nhà Thanh có tổng cộng 436 điều luật và 1765 điều lệ. Các lệ thì cứ 5 năm một lần tiểu tu, nhưng các luật đều được giữ nguyên.

Khi xây dựng bộ luật triều Nguyễn, nhóm biên soạn đã lược bỏ bớt nhiều điều luật, điều lệ của nhà Thanh. Cụ thể, bộ luật nhà Thanh có 436 điều luật, thì bộ luật nhà Nguyễn chỉ có 398 điều luật, tức tính về số lượng đã bớt 38 điều luật (tỷ lệ 8,7% so với luật nhà Thanh). Sự khác biệt (…), thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các nhà làm luật thời Nguyễn trong quá trình sao chép một bộ luật của một vương triều khác ở một quốc gia khác, để bớt đi sự khập khiễng khi áp dụng vào xã hội Việt Nam thời Nguyễn.

Trong bộ luật nhà Thanh có 1.765 điều lệ, thì bộ luật nhà Nguyễn chỉ có 593 điều lệ, tức nhà làm luật triều Nguyễn đã lược bớt 1.172 điều lệ. So với bộ luật nhà Thanh, tỷ lệ lược bớt tới 66,4%, tức về số lượng giảm bớt 2/3, chỉ còn 1/3.

Trong đó, Hoàng Việt luật lệ còn bổ sung một số điều lệ mới so với Đại Thanh luật lệ. Trong số 593 điều lệ của Hoàng Việt luật lệ, có 47 điều lệ là của riêng nhà Nguyễn, không có trong nội dung của Đại Thanh luật lệ. Những điều lệ này tập trung vào những quy định về: Quyền của phụ nữ, Quyền của người phạm tội được ở lại nuôi dưỡng người thân (ông bà, cha mẹ già yếu, bệnh tật),…

Nói chung, những điều lệ riêng có ấy của nhà Nguyễn quy định vào Hoàng Việt luật lệ nhằm giải quyết yêu cầu thực tế để bảo vệ và phát huy quyền con người ở nước ta, cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội của người Việt Nam và thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam, mà Đại Thanh luật lệ của Trung Quốc không đề cập tới (Điều lệ kèm theo các Điều 19, 237, 17, 223, 224, 316, 392, 396,…).

Từ những phân tích trên đây, hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa rút ra nhận định như sau: “Qua đó, có thể khẳng định khi xây dựng bộ Luật Gia Long, các nhà làm luật triều Nguyễn có cân nhắc, đắn đo, chọn lọc, có sự tự quyết, sáng tạo ở mức độ nhất định, chứ không phải “mù quáng”, “nhắm mắt chép”, “sao chép đơn thuần”, “chép nguyên xi”,… bộ Đại Thanh luật lệ”⁽³⁰⁾.

Thông qua tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, hai Luật sư Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa không chỉ đưa ra “lời bào chữa” đầy thuyết phục cho một “bản án oan” – bộ Hoàng Việt luật lệ, mà quan trọng hơn, các tác giả đã nêu bật được ý nghĩa và giá trị của bộ luật thời Nguyễn này.

Bộ Hoàng Việt luật lệ là công cụ quan trọng để xây dựng và củng cố nhà nước trung ương tập quyền. Điều đáng ghi nhận là sự kết hợp giữa lễ và hình trong bộ luật này. Nho giáo chủ trương kết hợp giữa lễ và hình, cùng bổ trợ cho nhau nhằm hữu hiệu hóa việc duy trì an ninh lâu dài cho quốc gia và sự ổn định cho xã hội. Lễ nghiêng về việc đề phòng phạm tội, dẫn dắt dân hướng đến điều thiện. Nhờ có lễ, con người có thể tự mình nuôi dưỡng tính tình thành tập quán, thói quen đạo đức truyền thống. Đồng thời đề cao lễ chính là biện pháp ngăn ngừa phạm tội. Trong khi lễ nghiêng về giáo dưỡng, ngăn chặn hành vi phạm pháp, thì hình lại nghiêng về việc trừng phạt các tội ác. Các hình phạt được đưa ra trong bộ Luật Gia Long nhằm bảo vệ lễ giáo phong kiến, củng cố trật tự xã hội, góp phần duy trì đạo đức, lễ nghĩa trong gia đình.

Không những thế, các tác giả còn chứng minh giá trị nhân văn trong bộ Luật Gia Long: Tư tưởng nhân văn trong Luật Gia Long thể hiện rõ nhất ở chính sách khoan hồng đối với người phạm tội; bảo vệ người già và trẻ em, giúp đỡ những người tàn tật và cô quả, những người yếu thế trong xã hội.

Nghiên cứu tìm hiểu về cổ luật Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về một di sản pháp luật mà các thế hệ đi trước đã dành nhiều công sức và trí tuệ để biên soạn và ban hành.

Bộ Luật Gia Long có thể xem là hoàn chỉnh và quan trọng nhất, là tập đại thành của toàn bộ nền pháp luật thời Nguyễn.

Bộ Luật Gia Long là di sản quý giá của dân tộc không chỉ trong lĩnh vực luật pháp, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Người đóng góp quan trọng trong sự thành công của bộ luật này, không phải ai khác, chính là vị Tổng tài biên soạn sách Luật thời Gia Long: Nguyễn Văn Thành.

Nguyễn Văn Thành không chỉ là Tổng tài biên soạn bộ Luật Gia Long, mà ông còn là tổng công trình sư của hai kiến trúc nổi tiếng tọa lạc tại Thăng Long – Hà Nội vào đầu thế kỷ XIX, đó là Cột cờ Thăng Long (1805) và Khuê Văn Các (1805) ở khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay.

Chúng tôi thiết nghĩ với công lao to lớn đối với lịch sử – văn hóa Việt Nam nói chung và đối với Hà Nội nói riêng, Nguyễn Văn Thành xứng đáng được đặt tên một con phố giữa lòng Thủ đô yêu quý của chúng ta. Hà Nội, ngày 5 tháng 2 năm 2025

Chú thích:

1. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, tái bản có chỉnh sửa và bổ sung, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

2. Hồng Đức (1470-1497): Niên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Vua Lê Thánh Tông đặt hai niên hiệu: 1. Quang Thuận (1460-1469), 2. Hồng Đức (1470-1497). Ở đây muốn nói đến bộ Luật Hồng Đức.

3. Đại Thanh – Vương triều Mãn Thanh (1644-1911) của Trung Quốc. Ở đây muốn nói đến bộ Đại Thanh luật lệ 大 清 律 例, ban hành vào năm 1740 đời vua Càn Long nhà Thanh.

4. Đại Nam thực lục (2007), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tập 1, tr. 808.

5. Đại Nam thực lục (2007), Sđd, tập 1, tr. 842.

6. Đại Nam thực lục (2007), Sđd, tập 1, tr. 905.

7. Thất xuất, thất nhập: Nhầm lẫn mà xử nhẹ tội bớt hay nặng tội thêm cho người ta.

8. Đại Nam thực lục (2007), Sđd, tập 1, tr. 905, 906.

9. P. L. F. Philastre, Le Code Annamite, achevée en 1875, Paris, Ernest Leroux editeur. 2 vol, 1876, réed, 1909.

10. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 436.

11. Trần Trọng Kim (2017), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 336.

12. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 424-428.

13. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 8.

14. United Nations, Human Rights: Question and Answers, New York and Geneva, 2006, trích lại trong Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr.12

15. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 12.

16. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 217.

17. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 232.

18. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 236, 237.

19. Ngũ hình: 5 hình phạt đối với phạm nhân dưới thời quân chủ là:

            – Xuy: Đánh bằng roi

            – Trượng: Đánh bằng gậy

            – Đồ: Đồ làm lính chăn voi, ngựa (Nam); đồ làm nô tỳ (Nữ).

            – Lưu: Lưu đầy đi các châu xa.

            – Tử: Giết chết: Giảo là thắt cổ; Trảm là chém đầu.

20. Viện Sử học (2009), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 130, 936-937, trích lại trong Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr.256, 257.

21. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 273.

22. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 274.

23. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 279.

24. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 303.

25. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 328.

26. Viện Sử học (2009), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Sđd, tr. 383, trích lại trong Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr.329,330.

27. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 404.

28. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 225.

29. Từ Hải (1999), Thượng Hải từ thư xuất bản xã, tr. 1142.

30. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2024), Nhân quyền của người Việt từ bộ Luật Hồng Đức đến bộ Luật Gia Long, Sđd, tr. 226, 227.

Bài liên quan

Bài đăng mới