Minh trị Duy Tân: Hồi ức lịch sử và những gợi mở cho một Việt Nam hiện đại

Phan Thành Nhơn

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Bài học cốt lõi từ Minh Trị Duy tân do đó vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện đại. Để thực hiện được điều này, cần có sự đồng lòng, quyết tâm và hành động mạnh từ chính quyền, giới trí thức và toàn thể nhân dân. Nếu biết tận dụng thời cơ, phát huy nội lực và học hỏi tinh hoa thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên một kỳ tích mới trong thế kỷ XXI, trở thành một quốc gia phát triển, hùng cường và đáng tự hào.

Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tư liệu

1.Ký ức của Việt Nam về Minh Trị Duy tân và bài học trường tồn

Bối cảnh lịch sử dẫn đến Minh Trị Duy tân
và thành quả của cuộc cải cách ấy

Vào giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản vẫn trong tình trạng trì trệ và lạc hậu sau hơn 200 năm thực thi chính sách bế quan tỏa cảng thời Mạc phủ Tokugawa. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đã và đang phát triển mạnh về kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp. Thất bại của Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) là hồi chuông cảnh báo lớn cho Nhật Bản về nguy cơ xâm lược từ các cường quốc phương Tây.

Năm 1853, sự kiện hải quân Hoa Kỳ mang hạm đội đến vịnh Edo uy hiếp và yêu sách Nhật Bản mở cửa giao thương đã đặt nước Nhật trước một lựa chọn sống còn: Hoặc là mạnh lên, hoặc là chịu số phận bị phương Tây xâm lăng hay chi phối như nhiều quốc gia châu Á khác. Trong tình thế đó, năm 1868, Thiên hoàng đã khởi xướng cuộc cải cách vĩ đại mang tên Minh Trị Duy tân.

Tinh thần cốt lõi của cuộc cải cách nằm ở:

– Xây dựng chính quyền trung ương tập quyền: Hệ thống Mạc phủ bị xóa bỏ, quyền lực tập trung vào Thiên hoàng. Chính quyền mới tiến hành bãi bỏ chế độ phong kiến, xóa bỏ các lãnh địa (han) và thay thế bằng hệ thống hành chính hiện đại.

– Hiện đại hóa kinh tế: Chính phủ Nhật Bản tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển, nhà máy và hiện đại hóa nông nghiệp. Các chính sách khuyến khích công thương nghiệp, mở rộng quan hệ thương mại với phương Tây đã tạo động lực cho nền kinh tế cất cánh.

– Cải cách giáo dục: Chính phủ coi giáo dục là then chốt để phát triển đất nước. Hệ thống giáo dục quốc dân được thiết lập, với nội dung giảng dạy chú trọng vào khoa học, kỹ thuật và tư tưởng tiến bộ từ phương Tây. Nhiều sinh viên ưu tú được cử sang châu Âu và Mỹ học tập.

– Tiếp thu và chọn lọc tinh hoa văn hóa – kỹ thuật phương Tây: Nhật Bản tiếp thu mô hình chính trị từ Đức, kỹ thuật công nghiệp từ Anh, hệ thống giáo dục từ Mỹ, nhưng đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Sau 30 năm tiến hành cải cách (1868-1898), Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước phong kiến lạc hậu trở thành một cường quốc hiện đại:

– Về chính trị, Nhật Bản xây dựng được một chính quyền trung ương tập quyền, xóa bỏ chế độ phong kiến và thiết lập một hệ thống hành chính tiên tiến với Hiến pháp Meiji (1889), đặt nền tảng pháp lý hiện đại cho quốc gia.

– Về kinh tế, Nhật Bản trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa với các ngành sản xuất như thép, đóng tàu, dệt may phát triển mạnh. Hệ thống đường sắt, cảng biển, ngân hàng hiện đại được thiết lập, giúp tăng năng suất và hội nhập thương mại quốc tế.

– Về quân sự, Nhật Bản cải tổ quân đội theo mô hình phương Tây, hình thành lực lượng lục quân và hải quân rất mạnh, sức mạnh ấy được thế giới chứng kiến qua chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc Thanh – Nhật chiến tranh (1894-1895).

– Về giáo dục và xã hội, một hệ thống giáo dục phổ cập ra đời, rất coi trọng thành tố khoa học kỹ thuật và giải pháp du học. Xã hội Nhật Bản mang tính hiện đại và vẫn giữ được nét truyền thống. Minh Trị Duy tân đã đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc tầm cỡ, sánh ngang các nước phương Tây vào cuối thế kỷ XIX.

Thục trưởng Lương Văn Can (mặc áo dài trắng đứng giữa) cùng các giáo viên trường Đông kinh Nghĩa thục. Ảnh do Lương Tiến cung cấp. Nguồn: Internet

Những nỗ lực sao chép mô hình Minh Trị Duy tân của giới tinh hoa Việt Nam trong quá khứ

Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam còn dưới ách thống trị của Pháp, nhiều sĩ phu đã mang khát vọng canh tân, ý thức rõ tầm quan trọng của cải cách đến việc phát triển quốc gia, chấn hưng dân tộc. Họ nhìn về Nhật Bản như một hình mẫu lý tưởng với thành công của cuộc Minh Trị Duy tân.

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du:

Phan là người tiên phong trong việc kêu gọi học hỏi mô hình Nhật Bản. Ông cổ xuý và tổ chức đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập khoa học, kỹ thuật, quân sự. Ông viết trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử:  “Nhật Bản nhờ Minh Trị Duy tân mà tự cường, sao ta không học theo?”. Phong trào Đông Du của Phan đã gặp thất bại khi Nhật Bản ký hiệp ước với Pháp và trục xuất du học sinh Việt Nam. Dù sao, tinh thần canh tân của Phan Bội Châu đã đặt nền móng cho tư tưởng học hỏi và đổi mới.

Phan Châu Trinh và tư tưởng “khai dân trí,
chấn dân khí”:

Khác với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh chủ trương cải cách ôn hòa, chú trọng vào giáo dục và dân trí. Ông cho rằng để đất nước phát triển, cần nâng cao dân trí, cải cách văn hóa và xã hội. Nhưng giống với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh ý thức rất rõ về giá trị của bài học Nhật Bản, mong mỏi học hỏi từ thành công của Nhật Bản. Trong các bài diễn thuyết và thư từ như Thư gửi chính phủ Pháp, ông nhấn mạnh: “Nước Nhật thoát khỏi cảnh lạc hậu nhờ biết đổi mới tư duy và phát triển giáo dục”.

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai trí thức tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Những nỗ lực của các sĩ phu thời kỳ này tuy chưa thành công nhưng đã khơi dậy khát vọng cải cách và học hỏi từ Nhật Bản.

Gần như đồng thời với hai ông là sự nổi lên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can và các đồng chí của Lương khởi xướng. Phong trào này diễn ra trong giai đoạn 1907–1908, có thể được xem là một trong những nỗ lực cải cách lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Phong trào chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tinh thần Minh Trị Duy tân của Nhật Bản.

Lấy cảm hứng từ cách Nhật Bản hiện đại hóa thông qua giáo dục và cải cách xã hội, Đông Kinh Nghĩa thục đã tập trung vào khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh. Đây cũng chính là những giá trị cốt lõi mà Nhật Bản đã áp dụng thành công trong cuộc cải cách Minh Trị. Các lớp học miễn phí được tổ chức nhằm phổ biến tri thức mới về lịch sử, khoa học và kinh tế, đồng thời khuyến khích tinh thần tự cường và ý thức dân tộc. Phong trào cho biên soạn và phát hành nhiều tài liệu như Quốc dân độc bảnLuận thuyết khai hóa để lan tỏa tư tưởng canh tân.

Trong giai đoạn từ 1930 đến giữa những năm 1980, Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên miên. Nhân lực, tài lực quốc gia bị chi phối bởi các cuộc chiến. Trong thời gian đất nước bị chia cắt, ở cả hai miền đều có những nghiên cứu về cuộc Minh Trị Duy tân của Nhật Bản, tuy nhiên tầm chú trọng và cơ hội áp dụng đối với bài học phong phú này rất hạn chế. Nếu như trong thời kỳ trước, Việt Nam đã chậm chân hơn các quốc gia đồng văn như Trung Hoa, Hàn Quốc trong việc nhận chân vốn quý từ bài học Minh Trị Duy tân, thì thời kỳ này vì chiến tranh, chúng ta lại càng mất đi cơ hội tri hành bài học ấy.

Sau Đổi mới (1986), Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế. Nhiều học giả đề xuất học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, coi đây là mô hình phù hợp cho quá trình phát triển của Việt Nam. Quan hệ ngoại giao liên tục được củng cố, thắt chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản từ sau thời điểm năm 1975 cho đến hiện tại là chất xúc tác mạnh cho tâm lý hướng về Nhật Bản của giới trí thức và kinh tế gia Việt Nam. Quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng liên tục đạt những cột mốc mới.

Nhiều học giả tên tuổi ở Việt Nam thường xuyên đưa ra các ý kiến phân tích kinh nghiệm cải cách của Nhật Bản và đề xuất các bài học cho Việt Nam. Giáo sư Trần Văn Thọ, TS Nguyễn Chí Dũng là một trong những học giả tiêu biểu đưa ra luận điểm học hỏi kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản. Trong rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu, các ông nhấn mạnh vào các yếu tố: Giáo dục, khoa học công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hoài bão ấy chưa hoàn toàn thành hiện thực.

Dù có nhiều nỗ lực và khát vọng, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được một cuộc cải cách toàn diện như tinh thần hay dáng vẻ của một cuộc Minh Trị Duy tân. Nguyên nhân từ đâu? Do rào cản thể chế? Do hạn chế về nguồn lực? Do thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện? Hay vì những lý do nào khác nữa?

2. Thực tiễn và thách thức trong việc áp dụng bài học Minh Trị Duy tân vào Việt Nam hiện nay

Việt Nam năm 2025 đang tạo cảm hứng và niềm tin để chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ Minh Trị Duy tân:

– Một tinh thần dân tộc mạnh: Đó là ý chí tự cường, khát vọng xây dựng đất nước độc lập và thịnh vượng.

– Một dân số trẻ và giàu tiềm năng phát triển: Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế.

– Một vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao: Việt Nam đang có cơ hội lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:(1) Cải cách thể chế: Yêu cầu về một chính quyền liêm chính, cầu thị, hiệu quả và quyết tâm thực hiện các cải cách một cách quyết liệt và triệt để.(2) Chất lượng nguồn nhân lực: Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo để tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao.(3) Công
nghiệp hóa và khoa học công nghệ: Việt Nam cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và nghiên cứu khoa học công nghệ một cách bài bản, đúng hướng, có trọng tâm, như cách thức người Nhật đã làm.

Việc học hỏi Minh Trị Duy tân chắc chắn không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà vẫn còn phải nằm trong gói giải pháp hiện tại để giúp cho Việt Nam hướng đến tương lai. Với khát vọng đổi mới và tinh thần tự cường, Việt Nam có thể vượt qua thách thức và vươn lên mạnh mẽ trên con đường phát triển hiện đại hay không?

Việc thực sự cầu thị học hỏi từ Minh Trị Duy tân để thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam trong thời đại hiện nay đòi hỏi ở chúng ta một sự đánh giá khách quan, cụ thể về các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước. Quan trọng hơn, các giải pháp thực tiễn, có tính khả thi cần được đưa ra nhằm bảo đảm rằng những bài học từ Nhật Bản trong quá trình canh tân có thể được áp dụng một cách hiệu quả và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Trên hết, cần một dũng khí cải cách.

Việt Nam hiện nay có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc tiếp thu và áp dụng bài học từ Minh Trị Duy tân. Như đã nói, chúng ta có một vị thế quốc tế ngày càng được củng cố, chúng ta có một dân số trẻ và giàu tiềm năng, nền kinh tế của chúng ta có tốc độ tăng trưởng nhanh,… Nhanh, nhưng chưa bền vững, cả về cấu trúc kinh tế lẫn môi trường, xã hội, văn hóa. Hệ thống hành chính vẫn được nhìn nhận là còn nhiều bất cập.

Nếu đặt ra một bản “to-do-list” cho tiến trình cải cách của Việt Nam hiện tại, có lẽ bảng liệt kê ấy có nhiều điểm trùng khớp với danh mục do Thiên hoàng Nhật Bản viết lên vào năm 1868. Màu sắc có thể mới hơn, mang tính thời đại hơn, nhưng bản chất nguyên thủy không khác là bao.

Trong tầm nhìn đối chiếu với cuộc Minh Trị Duy tân của nước Nhật năm 1868, những khát vọng cải cách của Việt Nam tại nửa đầu của thế kỷ XXI như sau:

1) Cải cách thể chế và quản trị quốc gia:

Minh Trị Duy tân thành công một phần nhờ chính quyền trung ương có sự tập trung quyền lực, hoạt động quyết đoán và hiệu quả. Việt Nam cần tiếp tục cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch và đặt hiệu quả lên hàng đầu (xây dựng chính quyền mạnh và hiệu quả). Cần giao quyền tự chủ cho các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để phát huy tính chủ động và sáng tạo của các thành phần kinh tế và xã hội (đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý). Chính phủ và các cơ quan hành chính cần minh bạch hóa hoạt động và thúc đẩy cơ chế giải trình trước nhân dân, tạo niềm tin trong xã hội và tăng cường hiệu quả chính sách (tăng cường trách nhiệm giải trình).

 2) Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhân lực:

Giống như Nhật Bản trong thời Minh Trị, giáo dục cần trở thành ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cần đổi mới mạnh chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn và khuyến khích tư duy phản biện (cải cách giáo dục toàn diện). Đặc biệt tập trung vào các ngành công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp sáng tạo. Các chương trình liên kết đào tạo với các quốc gia phát triển cần được thúc đẩy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao). Nhật Bản thời Minh Trị đã gửi hàng loạt học sinh ra nước ngoài học tập và quay về đóng góp. Việt Nam cũng cần khuyến khích du học sinh và trí thức người Việt ở nước ngoài trở về nước cống hiến (khuyến khích du học và hồi hương nhân tài).

3) Công nghiệp hóa và chuyển đổi số:

Việt Nam cần chuyển hướng từ một nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ sang nền kinh tế công nghệ cao, chú trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và năng lượng sạch (xây dựng nền công nghiệp hiện đại). Chuyển đổi số là chìa khóa cho sự phát triển trong thời đại 4.0. Chính phủ cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động (thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện).

4) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa:

 Nhật Bản thời Minh Trị đã khéo léo tiếp thu các thành tựu từ phương Tây nhưng vẫn bảo tồn văn hóa truyền thống. Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng trong quá trình học hỏi và đổi mới, bản sắc văn hóa dân tộc không bị phai nhạt (học hỏi tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”). Tận dụng giá trị văn hóa truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch, từ đó quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút đầu tư quốc tế (đẩy mạnh công nghiệp văn hóa).

5) Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân sĩ và học giả:Giống như thời Minh Trị, các học giả và tầng lớp trí thức cần đóng vai trò tiên phong trong việc truyền bá tri thức, cổ vũ cải cách và tạo động lực cho xã hội (khơi dậy tinh thần học hỏi và đổi mới). Việt Nam cần xây dựng mạng lưới hợp tác với các học giả quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các nước phát triển (kết nối với các chuyên gia quốc tế).

Như Minh Trị Duy tân, cải cách của Việt Nam cần xuất phát điểm từ đỉnh chóp của hệ thống – từ trên xuống.

Cuộc cải cách Minh Trị Duy tân không phải không có những hệ luỵ đánh đổi. Là người đi sau, Việt Nam có cơ hội rất lớn và rất quý để cân nhắc các giá trị mong muốn hay không mong muốn. Nước Nhật của Minh Trị Duy tân đã từng phải đối mặt với phân hóa xã hội, gia tăng quân phiệt hóa, thiệt thòi môi trường,… Việt Nam chắc chắn sẽ phải học kỹ cả những bài học ấy.

3. Tinh thần Minh Trị Duy tân và con đường phát triển của Việt Nam Mỗi quốc gia có thực trạng riêng. Việt Nam không thể sao chép nguyên xi mô hình Minh Trị Duy tân của Nhật Bản, nhưng tinh thần học hỏi và đổi mới từ cuộc cách mạng lịch sử này là một kim chỉ nam quý giá. Minh Trị Duy tân là một biểu tượng sáng ngời trong lịch sử cải cách của nhân loại, minh chứng cho khả năng chuyển hóa một quốc gia từ tình trạng lạc hậu thành cường quốc hiện đại chỉ trong vài thập kỷ. Từ một nước Nhật đứng trước bờ vực khủng hoảng do áp lực của các cường quốc bên ngoài, chính quyền Minh Trị đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cải cách đồng bộ và tinh thần học hỏi cầu tiến, đặt nền móng cho sự vươn lên đầy kỳ diệu của Nhật Bản. Bài học cốt lõi từ Minh Trị Duy tân do đó vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện đại. Để thực hiện được điều này, cần có sự đồng lòng, quyết tâm và hành động mạnh từ chính quyền, giới trí thức và toàn thể nhân dân. Nếu biết tận dụng thời cơ, phát huy nội lực và học hỏi tinh hoa thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên một kỳ tích mới trong thế kỷ XXI, trở thành một quốc gia phát triển, hùng cường và đáng tự hào.

Bài liên quan

Bài đăng mới