Mộ cổ làng Trường Định và viên tướng họ Từ nhà Tây Sơn

Phan Trường Nghị

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Đầu làng Trường Định, xã Bình Hòa, chỗ giáp ranh thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn (Bình Định), ngôi mộ cổ bên vệ đường 19B tục danh là mả Vôi Sình với bao huyền thoại ly kỳ, ngày xưa từng làm thót tim người các làng phụ cận qua lại. Làng Trường Định có bốn họ lớn được xem là tiền hiền của làng, gồm Trần, Phan, Từ và Nguyễn. Sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao từng cho ngôi mộ đó là mộ của họ Trần, có dấu vết đục xóa bia, sau dựng tấm khác mang tên một bà họ Mạc, người làng cho là để tránh nạn quật mồ của nhà Nguyễn Gia Miêu.

Ảnh thờ trong từ đường họ Từ

Trường Định cũng có một ngôi mộ cổ nữa ở trong vườn nhà từ đường họ Từ. Mộ to lớn giống như ngôi mộ trên đầu làng. Trước mặt mộ, bên kia vườn là suối Bèo từ chợ cũ Trường Định chảy ra. Giới chữ nghĩa ngày xưa gọi suối này là Cẩm Tuyền. Thực ra nó là một đoạn của con sông Quéo trên Thuận Ninh chảy qua đây, ra đến thôn Kiên Thạnh thì đổ vào sông Côn. Chợ cũ Trường Định nằm phía ngoài đường 19B, Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân đã chép dưới tục danh là chợ Suối Bèo.

Mộ trong vườn nhà họ Từ cũng mang nhiều dấu vết tàn phá của thời gian, nhưng vẫn còn dáng bề thế, uy nghi. Không như mộ trên đầu làng bị lấp giờ chỉ còn một nửa, do san ủi lập khu dân cư lúc mở rộng đường mang tên tỉnh lộ 656 (nay là đường 19B). Cấu trúc mộ vườn nhà họ Từ so với mả Vôi Sình trên đầu làng, quy mô kích cỡ, kiểu dáng xem như một chín một mười. Chỗ cắm bia bằng đá, có lỗ mộng chân bia, nhưng bia lại đặt sụp vào khe đá phía sau nên bị khuất mất mấy chữ, diềm chung quanh chạm nổi hoa văn như bia mộ cổ Gò Lăng Phú Lạc, là mộ của nội tổ ba anh em nhà Tây Sơn mới được phát hiện sau năm 1975.

Bia mộ ở vườn nhà họ Từ

Hàng giữa bia mộ là mấy chữ lớn khắc chìm: 顯妣徐宗王室莫氏第一 (…). Hộc đá che khuất không thấy rõ chữ tiếp theo và hai chữ nữa trong đó thấy có nét chữ 之. Có lẽ các chữ tiếp theo đó là 娘之墓.

Tạm cho cả câu phiên âm là: “Hiển tỷ từ tông vương thất Mạc thị đệ nhất nương chi mộ”. Hiểu được đây là mộ của mẹ đã mất, họ Mạc, là vợ thứ nhất của vương công họ Từ.

Dòng chữ nhỏ phía phải khắc chìm: 壬子年十一月吉 (…). Chữ tiếp theo bị mờ, tạm cho là chữ 日. Hiểu được phiên âm của câu: “Nhâm Tý niên thập nhất nguyệt cát nhật”. Nghĩa là ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tý.

Dòng chữ nhỏ phía trái khắc chìm: 孝男徐文秀 (…), chữ tiếp theo bị mờ, nhưng thấy nét bộ đầu 亠, nếu không có chữ tiếp liền sau nữa thì có lẽ đó là chữ “lập”. Hiểu đủ câu là “hiếu nam Từ Văn Tú lập”. Nghĩa của câu là: Con trai Từ Văn Tú lập.

Người nhà họ Từ cho biết đây là tấm bia gắn trên mả Vôi Sình, lúc xảy ra nạn đào mả Hời, mộ từng bị phạm nên đã lấy mang về gắn lại cho mộ trong vườn nhà. Ông bà xưa có khẩu truyền, bia bà họ Mạc ngày xưa trên mả Vôi Sình chính là bia của mộ trong vườn nhà.

Gác lại mối tương quan giữa mả Vôi Sình và mộ trong vườn nhà họ Từ, cũng chính là mối tương quan họ tộc xưa kia ở làng Trường Định. Xét xưa, thấy người Tây Sơn ít có xây mả vôi vì tiên nhân phần nhiều là từ các nơi đến khẩn hoang lập làng, kinh tế chưa kịp ổn định. Đến khi Gia Long lên ngôi, nhiều gia tộc không dám dựng bia người mất, thậm chí còn không cho chép tên vào gia phả để tránh gièm pha, đố kỵ dưới triều đại mới. Triều đại mà sự hiềm khích dai dẳng, khi Minh Mạng lên ngôi còn cất công truy cùng sát tận cháu con nhà Tây Sơn tận trong Đồng Nai, Gia Định. Ở đây thử xét năm lập bia mộ trong vườn nhà họ Từ là năm Nhâm Tý. Dãy năm Nhâm Tý đáng chú ý để khảo sát là các năm:

– Nhâm Tý (1672) thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687).

– Nhâm Tý (1732) thời chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1725 – 1738).

– Nhâm Tý (1792) năm mất của vua Quang Trung nhà Tây Sơn.

– Nhâm Tý (1852) năm Tự Đức thứ 5.

Loại trừ các năm Nhâm Tý thời các chúa. Ở Tây Sơn, làng mạc hình thành liền nhau, có thể rõ nét vào thời chúa Nguyễn Phúc Lan hoặc Nguyễn Phúc Tần. Lúc mà quân Đàng Trong bắt được 3 vạn quân Trịnh năm 1648, cho ở rải khắp từ Quảng Nam đến Phú Yên. Và lúc lấn ra ngoài sông Gianh chiếm được 7 huyện phía Nam sông Lam năm 1655, theo Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm soạn năm 1719 đó là các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, với Nam Đàn(1), nay là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Năm 1660, quân Nguyễn rút về Nam mang theo dân binh 7 huyện của Nghệ An, cho đi khẩn hoang thôn Tây Sơn ở huyện Phù Ly, trong đó có ông cố của tam kiệt Tây Sơn(2). 50 năm sau, năm 1710, những người đi lập làng hiếm mà xây được mả vôi bề thế.

Cũng loại trừ luôn năm Nhâm Tý (1852) là năm Tự Đức thứ 5, vì khoảng thời gian này không phù hợp với tình trạng đục bia, thay bia để tránh sự dòm ngó của triều đình. Bia mộ trong vườn nhà họ Từ xác định rõ được thiết lập vào năm Nhâm Tý (1792), chỉ sau 13 năm so với mộ cổ ở Gò Lăng Phú Lạc (1779).

Mộ trong vườn nhà họ Từ. Ảnh: Phan Trường Nghị

Nhân vật lập bia mộ

Bia mộ trong vườn nhà họ Từ ở Trường Định cho biết người lập là Từ Văn Tú. Một thời gian dài, những ghi chép dưới vương triều Nguyễn được khắc in để phổ biến, đều là từ quan chức viết sử đương triều. Người xưa viết sử không hẳn là tô hồng triều đại mình đang phục vụ, hoặc không thèm đề cập những nhân vật của phe đối địch. Thư tịch của Quốc sử quán triều Nguyễn đã cho biết Từ Văn Tú chính là tướng lĩnh trọng yếu của nhà Tây Sơn. Khảo sát Đại Nam thực lục thấy được hành trạng nhân vật Từ Văn Tú:

–  Tháng sáu năm Canh Tuất (1790):

“Tướng giặc là bọn Đô đốc Hồ Văn Tự, Nguyễn Công Thái và Tham tán Từ Văn Tú đi Diên Khánh đem hơn 9.000 quân giặc, thủy binh đậu ở cửa biển Phan Rang, bộ binh đánh hãm Nha Phân và Mai Nương. Lê Văn Quân ít binh không địch nổi, tướng sĩ chết và bị thương rất nhiều, bèn vỡ tan”(3).

Năm 1790, Từ Văn Tú với chức vụ Tham tán, xem như là Tham mưu trưởng quân lực thời bây giờ. Từ Văn Tú cùng các Đô đốc Tây Sơn đánh Bình Thuận do danh tướng của Gia Định Lê Văn Quân trấn giữ. Lê Văn Quân nguyên trước theo Châu Văn Tiếp gia nhập quân Nguyễn, từng theo Nguyễn Ánh sang tận Xiêm (Thái Lan). Lê Văn Quân giúp Xiêm chặn được sự quấy nhiễu của Miến Điện cũng như Mã Lai, cho nên vua Xiêm đãi ngộ rất hậu(4). Bị các tướng Tây Sơn đánh bại ở Phan Rí, Lê Văn Quân được Nguyễn Ánh cho lui về Hưng Phúc (Bà Rịa), bị Võ Tánh khinh khi, lại bị Nguyễn Ánh hài tội lột quan chức. Vốn hiềm khích với Võ Tánh từ trước, Lê Văn Quân xấu hổ, hận mà uống thuốc độc tự vận(5).

–  Tháng Bảy năm Đinh Tỵ (1797): “Vua sai người mật bảo Tham tán giặc là Từ Văn Tú khuyên Tiểu triều Nguyễn Văn Bảo rằng: Nay quân ta tiến lấy Quảng Nam, sau tới Quy Nhơn, ngươi muốn rửa thù cho cha thì nên chiêu tập quân cũ, chờ quân ta tới dưới thành thì giết Lê Trung để đón quân vua, mang tội lập công. Làm được việc ấy thì không nên ngờ tội cha sẽ lây tới con. Ta quyết không giết kẻ đầu hàng. Nên liệu đi”(6).

Từ điều này thấy được mối quan hệ giữa gia tộc Nguyễn Nhạc với Từ Văn Tú phải có sự thân thiết. Không rõ Từ Văn Tú có nghe theo lời của Nguyễn Ánh hay chăng. Năm sau, tháng 11 năm 1798, binh Phú Xuân của Quang Toản vào bắt lấy Nguyễn Bảo giết đi, sai Đại Tổng quản Lê Văn Thanh trấn giữ Quy Nhơn(7). Thấy sau đó nhân vật Từ Văn Tú không xuất hiện trong Đại Nam thực lục nữa.

Viên tướng lĩnh họ Từ

Họ Từ làng Trường Định, huyện Tây Sơn, còn có nhân vật Từ Văn Chiêu, người có nhiều duyên nợ với nhà Tây Sơn lẫn với cả Nguyễn Ánh. Từ Văn Chiêu nguyên là tướng lĩnh của Nguyễn Nhạc, chưa rõ đầu hàng Nguyễn Ánh vào năm nào. Đại Nam thực lục chép năm Giáp Dần (1794), Chiêu đã là hàng tướng, với chức vụ là Cai cơ. Trong trận chiến Nguyễn Ánh đánh thành Quy Nhơn năm Quý Sửu (1793). Nguyễn Nhạc thế cùng cầu cứu binh Phú Xuân của Quang Toản. Binh Phú Xuân vào giải vây, rồi bức Nhạc chiếm giữ lấy thành. Tháng 9, Nguyễn Nhạc tức giận phát bệnh chết(8).  Quân Gia Định rút về Nam, có lẽ lúc bấy giờ, Từ Văn Chiêu theo hàng Nguyễn Ánh và chức Cai cơ cũng hẳn là của nhà Tây Sơn được Nguyễn Ánh thu dụng.

Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1798), Nguyễn Ánh chia đặt quân Thần Sách làm 5 đồn. Thần Sách quân là lực lượng cơ động của quân Gia Định hỗ trợ cho năm quân dinh thời bấy giờ: Tiền quân của Nguyễn Văn Thành, Hậu quân của Võ Tánh, Hữu quân của Nguyễn Huỳnh Đức, Trung quân chính Nguyễn Ánh thống lĩnh, còn Tả quân do Đông cung Cảnh thống quản. Tả đồn quân Thần Sách gồm bốn vệ là Ban trực tuyển phong hữu, vệ Diệu Võ, vệ Dương Võ và vệ Túc Võ, Từ Văn Chiêu được làm Vệ úy vệ Dương Võ(9).

   Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh đem đại binh ra hạ thành Quy Nhơn, dùng các hàng tướng điểm lấy dân binh Quy Nhơn lập ra ngũ đồn quân Ngự lâm, chia đặt đội ngũ giống như quân Thần Sách. Từ Văn Chiêu được lấy làm Thống chế Hữu đồn(10). Nguyễn Ánh đổi thành Quy Nhơn làm thành Bình Định, sai Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đóng giữ rồi rút về Gia Định. Ba đồn Trung, Tiền, Hậu của quân Ngự Lâm cho ở lại, chịu sự sai bát của Võ Tánh, Tả đồn của Thống chế Lê Chất theo Nguyễn Văn Thành về Trấn Biên (Biên Hòa). Hữu đồn của Thống chế Từ Văn Chiêu theo Nguyễn Huỳnh Đức về đóng ở Mỹ Tho(11).

   Năm Canh Thân (1800), Thiếu phó Trần Quang Diệu đem đại binh Phú Xuân vào vây chặt thành Bình Định. Tháng 4, Trung chi và Hữu chi của Hậu đồn Ngự lâm quân gây binh biến, mở cửa thành chạy về với nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh vội trẩy binh ra Quy Nhơn giải cứu Võ Tánh. Tháng 7, đóng ở Cù Mông dưới sự quản lĩnh của Nguyễn Huỳnh Đức, Thống chế Hữu đồn quân Ngự lâm Từ Văn Chiêu cùng Phó Thống chế Nguyễn Văn Điểm đem 500 quân bản đồn bỏ chạy về với nhà Tây Sơn(12). Từ đây, quân Gia Định gặp nhiều tổn thất khi đụng phải Từ Văn Chiêu ở khắp mặt trận.

Năm Tân Dậu (1801), sau khi thắng trận Thị Nại làm chủ mặt biển, Nguyễn Ánh cố giải vây cho Võ Tánh. Nhưng tại mặt trận Càn Dương, Từ Văn Chiêu giết Vệ úy vệ Trung Võ là Trần Văn Xung ở chợ Chánh Lộc (nay thuộc thôn Khánh Lộc, xã Cát Hưng, do ghép hai thôn Khánh Hậu và Chánh Lộc mà thành tên). Chiêu mai phục chém chết Vệ úy vệ Uy Võ Hoàng Phước Bảo và Vệ úy vệ Cung Võ Hoàng Văn Tứ ở Thạch Cốc, cùng bắt sống Phó Thống chế Trung dinh của Thần Sách quân là Phan Văn Kỳ và Vệ úy vệ Tín Uy Nguyễn Văn Trí. Đô Thống chế Trung dinh Tống Viết Phước phải bỏ bảo Càn Dương về chịu tội với Nguyễn Ánh(13).

Ở mặt trận Tân Quan (Tam Quan hiện nay), sau khi chiếm lấy Phú Xuân, quân Tống Viết Phước cùng Lê Văn Duyệt kéo vào Bình Định. Tháng 6 năm 1801, Từ Văn Chiêu phục binh ở hang Dơi bắt giết Tống Viết Phước(14).

   Trở lại với nhà Tây Sơn, Từ Văn Chiêu gây thiệt hại nhiều cho quân Nam. Bởi thế, quân Nam rất căm hận Từ Văn Chiêu. Thực lục chép rõ tướng lĩnh của quân Nam: “mọi người đều nghiến răng căm tức”(15). Tháng 6 năm 1802, khi bắt được Từ Văn Chiêu ở Nghệ An lúc tháp tùng Trần Quang Diệu theo thượng đạo ra đây, Nguyễn Ánh phải sai Lê Văn Duyệt đóng xiềng giam lại, dặn không được tự tiện giết. Sau Văn Chiêu bệnh, sai giết(16), nghĩa là không đem về Phú Xuân làm lễ Hiến phù như các tướng lĩnh khác của nhà Tây Sơn bị bắt.

   Từ đường nhà họ Từ ở làng Trường Định, huyện Tây Sơn, hiện còn bức ảnh thờ, họa một viên quan mặc phẩm phục triều đình mà chưa xác minh được ảnh vẽ Từ Văn Chiêu hay Từ Văn Tú, cũng chưa minh định rõ ngôi thứ của hai người. Hai viên tướng họ Từ mất giữa thời tao loạn, người sau biết chỉ để ngậm ngùi. Hai ngôi mộ cổ ở Trường Định đến nay cũng chưa có sự quan tâm của giới hữu trách. Người đời chỉ nhắc huyền thoại một thời của mả Vôi Sình, cũng như chuyện máy ủi đụng đến mả là máy tắt. Hiện nó nằm bên vệ đường lầm lũi với gió sương, sống giữa cạnh tranh của lớp hậu sinh.

Chú Thích:

 (1) Tr. 143, Nam triều công nghiệp diễn chí.

 (2) Liệt truyện Tiền biên, quyển 30.

 (3) Tr. 280, Thực lục, tập I.

 (4) Liệt truyện Chính biên, quyển 26.

 (5) Tr. 292, Thực lục, tập I.

 (6) Tr. 381, Thực lục, tập I.

 (7) Tr. 400, Thực lục, tập I.

 (8) Tr. 322, Thực lục, tập I.

 (9) Tr. 395, Thực lục, tập I.

(10) Tr. 422, Thực lục, tập I.

(11) Tr. 434, Thực lục, tập I.

(12) Tr. 444, Thực lục, tập I.

(13) Tr. 460, Thực lục, tập I.

(14) Liệt truyện Chính biên, quyển 13.

(15) Tr. 445, Thực lục, tập I.

(16) Tr. 532, Thực lục, tập I.

Tham Khảo:

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2001.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, 2006.

Bài liên quan

Bài đăng mới