Một bài thơ xuân của Đình nguyên Phan Đình Phùng

Thảo Giang

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Bút tích của lãnh tụ Phan Đình Phùng. Ảnh: Tư liệu

戊子元日1)

流鶯庭外語花枝,花報春歸人未歸。

屏嶺百年思日繞,鴻山萬里望雲飛。

吾家有教根忠孝,客地無心怨別離。

佳節是人行樂處,我逢佳節不塍悲。

Phiên âm

Mậu Tý nguyên nhật

Lưu oanh đình ngoại ngữ hoa chi, Hoa báo xuân quy nhân vị quy.

Bình lĩnh bách niên tư nhật nhiễu, Hồng sơn vạn lý vọng vân phi.

Ngô gia hữu giáo căn trung hiếu, Khách địa vô tâm oán biệt ly.

Giai tiết thị nhân hành lạc xứ, Ngã phùng giai tiết bất thắng bi(2).

Dịch thơ:

Mồng một tết Mậu Tý

Tiếng oanh non nỉ sân ngoài,

Tin xuân về đó mà người ở đâu?

Ngàn thu một tấm cô sầu,

Non Hồng núi Ngự mây đầu xa xa.

Hiếu trung là nếp nhà ta,

Biệt ly đất khách oán mà làm chi?

Tiết vui ai cũng vui vầy,

Mà ta riêng nỗi sầu bi một mình.

(Bản dịch trong sách Phan Đình Phùng của Đào Trinh Nhất)

Từ ngàn xưa, trong tâm thức người dân Việt, ngày xuân là ngày của đoàn tụ sum vầy. Trong khí trời se lạnh đầu xuân, được ở trên quê cha đất tổ, được thắp nén hương kính cáo gia tiên, được nâng chung trà chén rượu bên những người thân quen,… là mong ước thôi thúc những người con xa xứ đoàn viên mỗi dịp xuân về. Nhưng trong biến thiên thăng trầm của lịch sử, đôi lúc mong ước bình dị lại khó đến với những bậc vì nước vì dân. Những người ấy do mưu toan cuộc độc lập dân tộc mà khi xuân về vẫn trú nơi đất khách. Tuy họ sẵn sàng “vị quốc vong thân”, tinh thần vững như tùng bách trước gió sương, nhưng gặp cảnh xuân về, trong sâu thẳm tâm hồn vẫn là một phần của làng quê nơi mình  sinh thành, vẫn ước mong có một mùa xuân đoàn viên và bài thơ Mậu Tý nguyên nhật của Phan Đình Phùng đã phản ánh cái tình khó cưỡng đối với quê hương mỗi độ tết đến xuân về.

Khoảng năm 1886, căn cứ Đông Thái bị Pháp đánh phá, lực lượng kháng chiến có phần giảm sút. Trước nhu cầu liên kết các toán nghĩa quân, cụ Phan thực hiện cuộc Bắc hành. Theo lời tự sự ở bài Đến nhà họ Tô(3) thì tháng 2 năm 1887, cụ đã tới Nghệ An, đến khoảng cuối năm 1888, mới về lại Hà Tĩnh, nên có thể biết bài Mậu Tý nguyên nhật được cụ sáng tác đương thời ở Bắc. Khi ra Bắc, cụ “giả làm một tú tài nghèo khổ ở Nghệ An, ngồi dạy học một nhà làm ruộng tại huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây”(4). Mục đích ra Bắc là liên kết các đảng chống Pháp, chí muốn “vào sinh ra tử, khuấy nước chọc trời”, song lúc bấy giờ “thác tích làm một thầy đồ nhà quê”, nên trước cảnh xuân về, lòng thơ trỗi dậy, cụ mượn cảnh tả tình.

Năm 1877, Phan Đình Phùng đỗ Tiến sĩ với vị trí “Đình nguyên”, là minh chứng khẳng định tài năng của ông trong lĩnh vực học thuật từ chương, nhưng nói như Đào Trinh Nhất thì ông là người “lấy đức thuần phác trung hậu làm gốc sự học” nên lời văn của ông “thật thà chất phác”(5). Bài Mậu Tý nguyên nhật đã nói lên cá tính hồn thơ như nhận định của họ Đào. Toàn bài thơ, tác giả dùng những hình ảnh hiện thực bình dị. Đó là chim oanh, là hoa, những hình ảnh quen thuộc gợi tả mùa xuân. “Hoa báo xuân quy nhân vị quy”. Cho thấy rõ cảnh “bên trời lận đận”, lòng bồi hồi giữa tiết trời vào xuân mà phận người còn lao tâm vì xã tắc. Gợi ra tâm thế con người trong cuộc xoay vần của trời đất và giang sơn. Xuân đã về, nhưng thi nhân hãy còn ở Bắc, do đó nhà thơ nhớ đến ngọn Ngự, núi Hồng, là những địa danh quê hương quen thuộc. Từ hai góc nhìn có phần đối lập, một chiều hướng soi vào nội tâm (Tư nhật nhiễu), một chiều hướng ra ngoại cảnh (Vọng vân phi), tạo thành trường cảm xúc, biểu đạt tâm thế con người hướng vọng tầng không như chan chứa nỗi niềm vào khoảng trời đất bao la. Sau giây phút bồi hồi bởi trời xuân và tình xuân, thi nhân như trở nên lý trí, bừng tỉnh nhớ đến đạo trung hiếu, khiến cho hồn thơ mạnh mẽ, dấn thân vào chốn khách địa bụi đường, không chút oán thán. Nhưng cụ là người “thật thà chất phác”, người xưa hay nói văn và người là một, trong không khí xuân về, cảnh tha nhân vui vầy, còn bản thân thì rong ruổi trên đường ly xứ, khiến rung cảm dạt dào, chí sĩ vẫn không thể không nao lòng trước cảnh xuân về.

“Đối sách đại đình quân đoạt giáp, Cần Vương sát tặc quân vi khôi” [Thi đối sách ở sân rồng ông đứng đầu, Ra sức giúp vua giết giặc ông cũng đứng đầu] là hai câu thơ người đời sau ca ngợi Phan Đình Phùng. Tuy là Đình nguyên, nhưng Phan Đình Phùng chú tâm “lấy đức thuần phác trung hậu làm gốc sự học”, sau lại theo Cần Vương đánh giặc, nên ông không chuyên sáng tác. “Phần thì mất ngay trong lúc binh hỏa bôn ba, phần thì mất bởi những dư đảng bị đầu hàng bắt bớ”(6), nên hiện nay số lượng văn thơ được biết của cụ không nhiều, hiện còn 18 tác phẩm(7). tâm hồn Phan Đình Phùng vẫn là một tâm hồn thi sĩ, vẫn “tức cảnh sinh tình”, mà các bài Cảm tác, Thắng trận hữu cảm tác, Kiến ngụy binh thi cảm tác, Lâm chung thời tác,… và đặc biệt là bài Mậu tý nguyên nhật đã minh chứng cho một hồn thơ lớn trong đấng anh hùng cứu nước. Thi sĩ và sự chuyển dời của tiết trời luôn là đôi bạn đồng hành, Phan Đình Phùng do thế cũng “tức cảnh tác thi”. Bài thơ ra đời vào mùa xuân năm 1888, lúc Phan Đình Phùng đương ở quê người, cũng là khi phong trào Cần Vương sắp chuyển sang bước ngoặt mới. Sau mùa xuân này, Phan Đình Phùng về lại quê hương Nghệ – Tĩnh, cùng Cao Thắng trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Cần Vương kháng Pháp. Mỗi khi xuân về, dù cứng cỏi như tùng mai, thì trong tâm thức bậc trí dũng song toàn ấy vẫn ước mong sự sum vầy, không khí đoàn viên, đó cũng là ước mong của mọi người khi tiết trời sang xuân.

Chú thích:

1. Các sách Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900), Thi ca Việt Nam thời Cần Vương (1885-1900); Phan Đình Phùng – con người và sự nghiệp đều chép là “Mậu Tý nguyên nhật”. Riêng trang Thi Viện lại đề là “Mậu Tý nguyên đán cảm tác” 戊子元旦感作.

2. Dịch nghĩa: Ngoài sân, chim oanh bay đến hót trên cành hoa; Hoa báo tin xuân về mà người chưa về. Núi Bình trăm năm còn nhớ lúc mặt trời rọi quanh; Non Hồng xa muôn dặm, ngóng trông mây bay. Gia giáo nhà ta gốc ở trung hiếu; Nên dù ở đất khách cũng không có lòng oán hận nỗi ly biệt. Tiết lành là lúc mọi người ăn chơi vui vẻ; Ta gặp tiết lành buồn khôn xiết kể (Theo Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX
(1858-1900),
1976, tr. 308-309).

3. Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu. (2007). Phan Đình Phùng – cuộc đời và sự nghiệp. Hà Nội. Nxb. Nghệ An, tr. 262.

4. Đào Trinh Nhất. (1998). Phan Đình Phùng. TP. HCM. Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr. 105.

5. Đào Trinh Nhất. 1998, tr. 15

6. Đào Trinh Nhất. 1998, tr. 9.

7. Chúng tôi thống kê theo mục lục sách: Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu. (2007). Phan Đình Phùng – cuộc đời và sự nghiệp. Nxb. Nghệ An.

Bài liên quan

Bài đăng mới