Lời người dịch
Năm 1982, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ mua từ một nhà buôn bán đồ cổ người Mỹ tấm bản đồ nền giấy, vẽ bằng bút lông và mực màu, trên bản đồ có tiêu danh và chú dẫn bằng chữ Hán. Phía sau bản đồ có đính một tấm nhãn nhỏ, trên đó có ghi dòng chữ Hán Việt Nam toàn tỉnh dư đồ. Người bán bản đồ cho Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ không cung cấp thông tin về tác giả và xuất xứ của tấm bản đồ này.
Năm 2008, tạp chí The Portolan (No 73, Winter 2008), thuộc Hội Bản đồ Washington (Washington Map Society), đăng bài viết “A Glimpse into Vietnam’s Turbulent 19th Century” (Một cái nhìn về thế kỷ 19 đầy biến động của Việt Nam) của Harold E. Meinheit. Bài viết này giới thiệu Việt Nam toàn tỉnh dư đồ và kết quả nghiên cứu của ông về bản đồ này.
Tháng 3.2009, tạp chí Xưa Nay (số 328), thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đăng bài viết “Phát hiện một bản đồ cổ Việt Nam” của NNC. Nguyễn Đình Đầu. Bài viết thiệu tóm tắt bài viết của Harold. E. Meinheit về tấm bản đồ Việt Nam toàn tỉnh dư đồ in trên The Portolan (năm 2008), đồng thời trả lời những thắc mắc về tác giả và niên đại của tấm bản đồ này. Theo đó, Nguyễn Đình Đầu cho rằng tác giả Việt Nam toàn tỉnh dư đồ là Hoàng Hữu Xứng (1831 – 1905), Đổng lý (tức Chủ biên) công trình Đại Nam quốc cương giới vựng biên, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, hoàn thành vào năm 1887.
Tháng 1.2010, tạp chí Hợp Lưu (số 108) ở hải ngoại, đăng bài viết “Việt Nam toàn tỉnh dư đồ – Xét lại kết luận của Harold E. Meinheit và Nguyễn Đình Đầu” của NNC. Phạm Hoàng Quân. Trong bài viết này, Phạm Hoàng Quân cho hay: ông chưa tiếp cận toàn văn bài viết của Harold E. Meinheit in trên The Portolan, mà chỉ dựa vào phần giới thiệu về nó và những luận điểm trong bài viết của Nguyễn Đình Đầu in trên Xưa Nay để phản biện. Phạm Hoàng Quân đưa ra nhiều luận điểm về cách vẽ bản đồ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt Nam; cách gọi tên nước ta của người Trung Hoa vào thế kỷ 19; quy trình soạn vẽ bản đồ thời Nguyễn để bác bỏ ý kiến của Nguyễn Đình Đầu cho rằng tác giả bản đồ này là Hoàng Hữu Xứng, và niên đại của tấm bản đồ không thể là năm 1887. Phạm Hoàng Quân cho rằng tác giả bản đồ này là một người Trung Hoa.

Năm 2013, tôi đến Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ để tìm tài liệu cho đề tài nghiên cứu của mình và đã tiếp cận Việt Nam toàn tỉnh dư đồ (Hình a), đồng thời cũng gặp tác giả Harold E. Meinheit ở đây để trao đổi chuyên môn và có hỏi ông ấy về tông tích của tấm bản đồ này (Hình b và c). Tuy nhiên, mãi đến gần đây, tôi mới nhận được toàn văn bài viết “A Glimpse into Vietnam’s Turbulent 19th Century” của Harold E. Meinheit in trên The Portolan năm 2008.
Sau khi đọc bài viết của Harold E. Meinheit, tôi nhận thấy những phân tích của ông về tấm bản đồ Việt Nam toàn tỉnh dư đồ là rất thú vị, sâu sắc, khách quan và hữu ích. Meinheit cũng cho rằng: có thể tác giả bản đồ này là người Trung Hoa và đưa ra lý do để biện giải cho giả thuyết đó.
Vì sự hay ho và thú vị có trong bài nghiên cứu của Harold E. Meinheit về tấm bản đồ Việt Nam toàn tỉnh dư đồ, nên tôi dịch sang tiếng Việt và cậy đăng trên tạp chí Xưa Nay, để ai quan tâm thì có thêm thông tin về tấm bản đồ “bí ẩn’ này.
Trần Đức Anh Sơn
Giới thiệu
Một bản đồ vẽ tay thú vị trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã cung cấp một cái nhìn về Việt Nam vào thế kỷ 19, thời kỳ mở rộng và đầy biến động của vương quốc này. Vào đầu thế kỷ 19, đất nước cuối cùng đã thống nhất dưới một sự cai trị duy nhất sau hàng trăm năm chia cắt và nội chiến. Khi quyền lực lớn mạnh, nhà nước Việt Nam thống nhất đã xung đột với nhà nước Xiêm La hùng mạnh vì tranh quyền kiểm soát các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Để rồi đến nửa sau của thế kỷ thì chứng kiến sự thâm nhập của chế độ thực dân Pháp.
Tấm bản đồ ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Hình 1), được vẽ theo phong cách truyền thống của bản đồ Trung Hoa và Việt Nam, chứa đựng nhiều điều bí ẩn và những điểm không nhất quán, khiến cho người Tây phương rất khó hiểu, do sự khác biệt rõ rệt giữa môn bản đồ học truyền thống của Việt Nam với cách thức làm bản đồ của châu Âu.1 Tờ bản đồ này không có tiêu đề, không có chú dẫn, không ghi ngày tháng, cũng như không ghi tên của người vẽ hay tác giả bản đồ. [Ngoài ra], trên bản đồ còn có một số điểm kỳ lạ, không hiểu là muốn thể hiện điều gì, hay mục đích của bản đồ là gì?
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tấm bản đồ này, thì đã có nhiều manh mối được tiết lộ. Dưới đây là một nỗ lực ban đầu nhằm giải mã một số đặc điểm chính và đưa ra những câu trả lời ban đầu cho các câu hỏi xoay quanh tấm bản đồ này.2


Tính truyền thống với chút ảnh hưởng từ phương Tây
Kết hợp các yếu tố bản đồ học truyền thống của cả Trung Hoa và Việt Nam, cùng một số yếu tố phương Tây, tấm bản đồ vẽ tay này được thực hiện bằng bút lông và mực. Địa danh và một đoạn văn tự ở góc dưới bên phải bản đồ được viết bằng chữ Hán, hệ thống chữ viết học giới Trung Hoa và Việt Nam thời đó sử dụng.3 Các yếu tố truyền thống như cách thức minh họa của nó (núi non, cây cối và các công trình như cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc – Hình 2), tỷ lệ không chính xác, và sự nhấn mạnh vào núi non và sông nước. Một số lượng lớn núi được đặt tên và hầu như mọi cửa sông hoặc cửa biển đều được ghi lại, phản ánh quan niệm truyền thống của người Việt về đất nước của họ – Non Nước (núi và nước).4 Yếu tố phương Tây bao gồm việc bản đồ tái hiện khá chính xác hình dạng bờ biển Việt Nam, sông Mê Kông, và Biển Hồ ở Campuchia (Hình 3). Bản đồ rõ ràng miêu tả đất nước Việt Nam vào thế kỷ 19, sau khi thống nhất dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), và có một số nét tương đồng với các bản đồ Việt Nam vào thế kỷ 19 khác, từ các tập bản đồ của triều Nguyễn.5
Mặc dù trên bản đồ không đề tên, nhưng phía sau tờ bản đồ có dán mẫu giấy viết các chữ Hán Việt Nam toàn tỉnh dư đồ. Như vậy, đây là bản đồ hành chính thể hiện các tỉnh thành của Việt Nam vào thời Nguyễn, với tên của các tỉnh được bao trong khung màu đỏ, nhưng không có ranh giới hành chính rõ ràng.
Một triều đại mới mở rộng về phía Tây
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn và thống nhất Việt Nam, lấy niên hiệu Gia Long, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Triều đại này cai trị một Việt Nam thống nhất trải dài từ biên giới Trung Hoa ở phía bắc đến vịnh Xiêm La ở phía nam. Vua Gia Long đặt kinh đô tại Huế (trên bản đồ ghi [chữ Hán] là Phú Xuân – Hình 4) ở miền trung Việt Nam, là nơi các chúa Nguyễn đã cai trị từ thế kỷ 16, thay cho kinh đô cũ ở miền bắc là Hà Nội. Bản đồ phản ánh sự thay đổi này, làm nổi bật kinh đô mới với khung viền đỏ kép, kèm theo chú thích [chữ Hán] Việt Nam đô thành. Ở phía bắc, Hà Nội được chú dẫn [bằng chữ Hán] Hà Nội tỉnh thành tức Đông Kinh (Hình 5).6
Sau khi mở rộng quyền kiểm soát về phía nam đến mức tối đa, Việt Nam chuyển hướng sang phía tây, nhắm đến Campuchia và các tiểu quốc nhỏ nằm trong khu vực ngày nay là nước Lào. Tại đây, Việt Nam đụng độ với quyền lực đang mở rộng của nhà nước Xiêm La. Cuộc tranh giành quyền kiểm soát Campuchia đã thu hút sự quan tâm của Việt Nam và Xiêm La trong những thập niên 1830 và 1840. Trong thập niên 1830, Campuchia được sát nhập vào hệ thống hành chính của Việt Nam (với tên gọi là Trấn Tây), nhưng Việt Nam buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát vùng đất này do áp lực của Xiêm La trong thập niên 1840. Tranh chấp về nước Lào còn phức tạp hơn, do [nước này] có nhiều tiểu quốc tự trị đã triều cống cho các nước lớn như Việt Nam, Xiêm La và vương quốc Luang Prabang từ lâu.
Sự dòm ngó Campuchia và Lào được thể hiện rõ trên tấm bản đồ. Có các đồn binh được đánh dấu ở phía tây. Trên bản đồ cũng xác định tòa trấn thành của Trấn Tây bằng chữ Hán (Trấn Tây thành), cũng như tên cũ của Campuchia là Cao Mên. Một số đơn vị hành chính (cấp phủ) do Việt Nam thiết lập tại Campuchia vào những năm 1830 cũng được ghi trên bản đồ.7 Ở phía bắc, tầm quan trọng của Luang Prabang được thể hiện khi nó được xác định là một quốc gia riêng biệt (Nam Chưởng quốc – Hình 6). Biên giới với Xiêm La và Miến Điện cũng được đánh dấu nhưng không có ranh giới rõ ràng. Khi Việt Nam sáp nhập một số tiểu quốc ở Lào vào hệ thống hành chính Việt Nam, chúng đã được đổi tên. Bản đồ ghi lại những địa danh này như: Trấn Man, Trấn Biên và Trấn Tĩnh. Ngoài ra còn có một số đơn vị hành chính (cấp châu) mà Việt Nam thành lập tại các vùng dân tộc thiểu số ở miền cao. Một vài nơi ghi tên nằm ở tả ngạn sông Mê Kông, phía trên khu vực được tô màu đỏ và ở phía đông của Luang Prabang.
Màu đỏ trên bản đồ: Vùng các dân tộc thiểu số như một chủ đề chính
Một đặc điểm nổi bật trên tấm bản đồ là việc sử dụng màu đỏ nhạt để tô vào hai khu vực lớn, được viền bằng các dải dấu chấm: một khu vực ở phía đông sông Mê Kông; khu vực còn lại ở phía tây. Các vùng màu đỏ này không được xác định rõ ràng trên bản đồ, nhưng có thể là vùng sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số không được Việt Nam (hoặc Xiêm La) quản lý trực tiếp. Các dân tộc vùng cao thường nằm ngoài quyền kiểm soát trực tiếp của các vua chúa Việt Nam, mặc dù một số đã có quan hệ triều cống với triều đình Việt Nam. Một điểm đáng chú ý trên bản đồ là việc đánh dấu hai khu vực ở rìa phía nam của vùng mà đỏ phía đông, được ghi chú [bằng chữ Hán] là Thủy Xá và Hỏa Xá – Hình 7). Đây là các vùng nằm dưới sự kiểm soát của “Vua Nước” và “Vua Lửa”, hai thủ lĩnh truyền thống của dân tộc Jarai ở Tây Nguyên, những người duy trì mối quan hệ triều cống với triều Nguyễn.8
Cả hai vùng mà đỏ dường như là những khu vực chưa được người Việt biết đến nhiều, bởi bên trong những vùng này hầu như không có thông tin địa lý. Rìa của khu vực màu đỏ có ghi tên của các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau (kể cả các khu vực của người Jarai), các đồn binh và tại một số nơi là biên giới với Xiêm La. Có hai vị trí cũng được ghi [bằng chữ Hán] là Ai Lao (Lào). Một trong số các khu vực, ở thượng nguồn một con sông chảy ra từ vùng màu đỏ ở phía đông, là “ranh giới” của cửu châu. Đây dường như là một khu vực của một nhóm dân tộc thiểu số từng thuộc về nước Lào, sau đó thì được sáp nhập vào Việt Nam.9

Tĩnh Man Trường Lũy

Một điểm khác thường có trên tấm bản đồ là một đường zigzag đậm được vẽ ở trên đất liền, nằm ở phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định (Hình 8). Rõ ràng đây là một công trình nhân tạo nào đó, nối vùng đầu nguồn của hai con sông chảy ra biển. Chắc chắn rằng đây không phải là một con đường, vì trên bản đồ không hiển thị bất kỳ con đường nào. Cũng sẽ không hợp lý nếu cho rằng đó là một con kênh đào ở vị trí này.
Bí ẩn này được giải đáp nhờ việc tham khảo từ một công trình nghiên cứu dân tộc học đồ sộ của Gerald Hickey về Tây Nguyên.10 Hickey viết rằng hoàng đế Gia Long đã ra lệnh cho tướng Lê Văn Duyệt xây dựng một bức tường phòng thủ vào năm 1819 để ngăn chặn các bộ tộc vùng cao quấy nhiễu các làng mạc của người Việt. Bức tường đó được gọi là Trường Lũy, dài 90 km, trải từ phía tây tỉnh Quảng Nam đến phía tây tỉnh Bình Định, tương ứng hoàn hảo với đường vẽ zigzag trên tấm bản đồ này. Được xây dựng như một phòng tuyến chống lại Trấn Man, hay Tĩnh Man, bờ lũy có hệ thống hào và bờ cây trải dọc ở mặt ngoài, với 115 bảo (đồn binh), mỗi bảo có 10 người lính. Việc trường lũy được thể hiện nổi bật trên bản đồ, gây nên ấn tượng rằng một trong những mục đích của người vẽ bản đồ là minh họa mối quan hệ giữa Việt Nam và sự phức tạp của các bộ tộc ở phía tây đất nước.
Hệ thống tỉnh thành
Tấm bản đồ ghi rõ tên các tỉnh của Việt Nam trong các ô màu đỏ hình chữ nhật. Chữ [Hán] ghi trên bản đồ là tỉnh, danh xưng mà triều đình Việt Nam dùng để chỉ các đơn vị hành chính từ sau năm 1831. Trước đó, dưới triều Gia Long, các đơn vị hành chính chủ chốt được gọi là trấn và doanh bên quân sự. Phải đến năm 1831, vị hoàng đế là Minh Mạng (trị vì 1820-1841) mới thiết lập hệ thống tỉnh.11 Do đó, gần như chắc chắn tấm bản đồ này được vẽ sau năm 1831.


Quốc hiệu
Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, một sứ bộ Việt Nam đã sang Trung Hoa để xin chính thức cầu phong. Sứ bộ đề xuất quốc hiệu mới cho đất nước là Nam Việt, nhưng Trung Hoa phản đối, vì tên này gợi đến những liên hệ lịch sử mà nhà Thanh không chấp nhận. Nhà Thanh đã đảo ngược hai chữ trong đề xuất của sứ bộ và đổi quốc hiệu mới thành Việt Nam. Nhạy cảm với nguồn gốc của tên gọi, triều Nguyễn đã chính thức đổi tên nước thành Đại Nam vào năm 1838 nhưng không thông báo cho Trung Hoa.12 Người vẽ bản đồ này đã sử dụng tên Việt Nam thay vì Đại Nam. Điều này có ý nghĩa gì không? Nó cho thấy rằng cả hai danh xưng vẫn được sử dụng sau khi [triều Nguyễn] chính thức đổi [quốc hiệu] thành Đại Nam. Danh xưng Việt Nam được sử dụng rộng rãi trong văn học, giao dịch thương mại và quan hệ xã hội, mặc dù các tài liệu của triều đình và bản đồ chính thức được ấn hành sau năm 1838 đều sử dụng tên Đại Nam. Có thể tấm bản đồ này không phải là tài liệu chính thức của triều đình và được thực hiện bởi một học giả độc lập. Hoặc có thể một học giả – quan chức Trung Quốc, chứ không phải người Việt, đã vẽ bản đồ này. Một khả năng khác là bản đồ có thể đã được vẽ vào đầu thập niên 1830, khi Việt Nam vẫn là tên chính thức của đất nước. Trong trường hợp này, tác giả của đoạn văn bản (xem phần tiếp theo), người có vẻ như đã viết đoạn văn này vào khoảng cuối thập niên 1860, có thể chỉ đơn giản sử dụng chữ Việt Nam, đã được ghi trên bản đồ (là Việt Nam đô thành, trong hình vuông màu đỏ, tương ứng với vị trí của Huế, hoặc Phú Xuân).13
Văn tự trên bản đồ
Khối văn tự góc dưới bên phải (Hình 9) bắt đầu bằng việc mô tả về Việt Nam, được chia thành Nam Kỳ và Bắc Kỳ tại tỉnh Quảng Bình. Ghi chép này liệt kê các tỉnh và mô tả ngắn gọn về địa lý ở các phần khác nhau của đất nước. Phần sau của ghi chép là những mô tả về các tuyến đường thương mại ven sông và ven biển, với trọng tâm nhiều hơn vào miền Bắc Việt Nam.
Có một số manh mối trong đoạn ghi chép cho thấy nó được viết vào khoảng từ cuối thập niên 1860 đến giữa thập niên 1870. Các dấu hiệu này gồm:
– Một tuyên bố rằng Pháp đã chiếm đóng Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông. Pháp củng cố quyền kiểm soát Sài Gòn và khu vực xung quanh từ năm 1858 đến 1862. Họ đã chiếm phần còn lại của các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông vào năm 1867. Chỉ có một diễn giải về người Pháp có liên quan đến vị trí của họ ở phía nam. Trong giai đoạn từ 1867 đến 1872, Pháp tập trung quản lý Nam Kỳ, ít gây áp lực lên Trung Kỳ hoặc Bắc Kỳ. Đoạn văn không đề cập đến bất kỳ cuộc xâm nhập nào của Pháp vào Bắc Kỳ, vốn bắt đầu diễn ra khoảng cuối năm 1872 đầu năm 1873.
– Một diễn giải về Lưu Vĩnh Phúc và “doanh trại cũ” của ông ta. Lưu là chỉ huy quân Cờ Đen, một lực lượng bán quân sự người Hoa từ tỉnh Quảng Tây tràn sang Việt Nam vào khoảng năm 1865 sau khi cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc chấm dứt. Ông ta ở lại Việt Nam cho đến năm 1885, khi Pháp kiểm soát Bắc Kỳ sau cuộc chiến Bắc Kỳ [giữa Pháp và Trung Hoa]
– Một diễn giải về hệ thống sông ngòi ở miền bắc Việt Nam. Vào cuối thập niên 1860 và 1870, Pháp tập trung vào viễn cảnh có một tuyến thương mại thông thương đến tận cửa khẩu Vân Nam của Trung Hoa, thông qua sông Mê Kông hoặc sông Hồng. Sau khi nhận thấy tuyến đường sông Mê Kông khó khả thi, họ chuyển sự chú ý sang tuyến sông Hồng ở Bắc Kỳ. Chuyến đi của Jean Dupuis ngược dòng sông Hồng vào đầu năm 1873 đã khởi đầu sự can thiệp tích cực của Pháp vào Bắc Kỳ, cuối cùng dẫn đến việc Pháp chiếm đóng miền Bắc Việt Nam vào năm 1885. Đoạn ghi chép không đề cập đến bất kỳ hoạt động nào của người Pháp ở Bắc Kỳ, nhưng lại miêu tả về các con sông và bến cảng, dường như phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng trong giao thương với tỉnh Vân Nam.


Sự vắng bóng của người Pháp
Không đọc đoạn văn trên, người ta khó có thể biết rằng Việt Nam đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ Pháp, vì trên bản đồ không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của người Pháp. Có thể tấm bản đồ được vẽ trong thời kỳ tương đối yên ắng, khi người Pháp đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát Sài Gòn và khu vực đồng bằng [sông Mê Kông], và triều Nguyễn tự tin rằng cuối cùng họ sẽ đẩy lui được người Pháp. Cuộc chiến tranh Pháp – Phổ vào những năm 1870 – 1871 cũng có thể khiến Việt Nam có ấn tượng rằng Pháp quá yếu để trở thành mối đe dọa lâu dài. Phản ứng thờ ơ của triều đình có thể là một cách để duy trì uy thế của triều Nguyễn. Hoặc có thể, và có lẽ là khả năng lớn nhất, bản đồ này có thể đã được vẽ vào thời điểm sớm hơn, hoặc dựa trên các bản đồ trước đó, trước khi người Pháp bắt đầu bành trướng, và đoạn ghi chép này được viết thêm vào sau.
Quân Cờ Đen trên sông Hồng
Một đề cập ngắn ngủi về Lưu Vĩnh Phúc, như đã nêu trên, là diễn giải duy nhất về một cá nhân cụ thể trong văn bản. Viên chỉ huy những chiến binh người Hoa này, quân Cờ Đen, đã thâm nhập vào Bắc Kỳ từ năm 1865, được triều đình Việt Nam ủy nhiệm hỗ trợ bảo vệ các khu vực phía tây bắc Hà Nội khỏi sự bất ổn và nổi loạn của các bộ tộc vào những năm 1860.14 Ban đầu, Lưu [Vĩnh Phúc] lập căn cứ ở sông Hồng, đối diện với đồn binh nhà Nguyễn ở Sơn Tây. Năm 1868, ông ta chuyển căn cứ lên đô thị Lào Cai ở cạnh sông Hồng, sát biên giới với tỉnh Vân Nam, nơi ông ta giao chiến với quân Cờ Vàng, một nhóm chiến binh khác từ Trung Hoa, cùng các đồng minh người Mèo, trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 1870 đến 1873.15
Khi tay lái súng kiêm nhà thám hiểm người Pháp Jean Dupuis tiến vào sông Hồng vào đầu năm 1873, ông ta đến các đồn binh của quân Cờ Vàng lẫn Cờ Đen ở vùng thượng du Sơn Tây. Từ năm 1872, quân Cờ Đen và quan quân triều Nguyễn đã tiến hành chiến dịch lớn nhằm đàn áp quân Cờ Vàng và các đồng minh người Mèo, khi Dupuis bắt đầu dính líu, lảng vảng với ý định hợp tác với quân Cờ Vàng. Căng thẳng giữa Dupuis với quân Cờ Đen (và quan quân nhà Nguyễn) đã mở đầu cho cuộc xung đột giữa Lưu [Vĩnh Phúc] với quân Pháp. Tháng 12.1873, Lưu cùng quân Cờ Đen và một đạo quân nhà Nguyễn tiến đến ngoại ô Hà Nội, nơi họ giao chiến với quân Pháp, những người đang chiếm đóng thành Hà Nội. Trong cuộc chiến này, quân của Lưu đã giết chết chỉ huy người Pháp, [Đại úy] Francis Garnier. Gần một thập kỷ sau, người Pháp mới có thể chiếm được Bắc Kỳ. Nhưng không có chi tiết nào về các sự kiện này được đề cập trong đoạn ghi chép trên tấm bản đồ.
Việc chú ý đến Lưu Vĩnh Phúc trong đoạn ghi chép làm dấy lên một số câu hỏi. Với cách đề cập thoáng qua về Lưu, tác giả đoạn văn có vẻ cho rằng tay tướng người Tàu này rất nổi tiếng. Cho dù ông ta là một nhân vật quan trọng ở Bắc Kỳ từ cuối thập niên 1860, nhưng việc một bản đồ Việt Nam lại quan tâm đặc biệt đến một tên tướng đánh thuê người Tàu trong đoạn ghi chém là điều hiếm có. Có thể có một số lời giải thích về việc đề cập Lưu Vĩnh Phúc trên bản đồ này như sau:
– Một chủ đề nổi bật trên bản đồ là các vấn đề người thiểu số và an ninh quân sự. Ở vùng thượng nguồn sông Hồng, nơi quan quân nhà Nguyễn hầu như vắng bóng, thì Lưu Vĩnh Phúc là một đồng minh quan trọng của triều đình Huế. Ông ta nhận được sự hỗ trợ từ một người bảo trợ đầy quyền lực – đại thần Hoàng Kế Viêm (1820 – 1909) – người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Lưu Vĩnh Phúc nhận được ủy nhiệm của triều Nguyễn. Các chiến dịch sau này của Lưu chắc chắn được người Việt chịu trách nhiệm về an ninh hay các vấn đề về người thiểu số.


Nếu đoạn ghi chép được viết trong thời kỳ người Pháp đang quan tâm đến việc mở tuyến giao thương tới Vân Nam bằng đường sông Hồng, thì vai trò của Lưu Vĩnh Phúc sẽ trở nên quan trọng hơn, đặc biệt sau khi quân Cờ Đen của ông ta đã tham chiến với quân Pháp vào cuối năm 1873.
Tác giả của đoạn ghi chép có thể là một người Hoa có mối quan tâm đặc biệt đến vai trò của Lưu Vĩnh Phúc ở Bắc Kỳ. Sau khi quay lại tỉnh Quảng Đông vào năm 1885, Lưu Vĩnh Phúc được xem như một người hung, nhờ tinh thần chống Pháp của ông ta.16


Bản đồ chưa hoàn thiện?
Một số khu vực thể hiện trên bản đồ có vẻ chưa được hoàn thiện:
– Đảo Phú Quốc, ở vịnh Xiêm La, có một vài kiến trúc được vẽ, nhưng đường viền của hòn đảo chưa hoàn chỉnh, tạo cảm giác như một ngôi làng nổi trên mặt nước (Hình 10). Trong khi các hòn đảo khác có đường viền rõ ràng.
– Có một cái cổng hoặc một phần của bờ thành đã được phác thảo ở hướng vào đất liền từ bờ biển miền Trung Việt Nam. Đây có thể là Hoành Sơn quan tại đèo Ngang, nơi thông thương giữa Việt Nam với Champa trong những thế kỷ trước.17 Gần đó là các chữ Hán chỉ Hoành Sơn, dãy núi chạy từ biên giới với nước Lào đến bờ biển, dọc theo vĩ tuyến 18 (Hình 11).
– Còn có một phác thảo về một bi đình hoặc “nhà tưởng niệm” ở xa xa về phía tây bắc. Sự thô sơ của phác thảo này tương phản với các hình vẽ chi tiết hơn trên phần còn lại của tấm bản đồ (Hình 12).
– Tên của hai trong số 31 tỉnh của Việt Nam không được bao trong ô vuông màu đỏ (là tỉnh Hưng Hóa và tỉnh Quảng Yên).
– Đoạn ghi chép cho biết có một số điểm được đánh dấu màu đỏ, nhưng thực tế lại không có. Ví dụ, cuối đoạn văn có miêu tả một “doanh trại cũ” của Lưu Vĩnh Phúc và ghi rằng rằng nó được khoanh đỏ [trên bản đồ]. Tên của doanh trại đó, có thể là Bảo Thắng, được đánh dấu ở phía tây bắc, gần biên giới Trung Quốc, nhưng lại không có khoanh đỏ.

Mối quan hệ với các bản đồ Việt Nam thế kỷ 19 khác
Như John Whitmore đã lưu ý, việc nghiên cứu các bản đồ vẽ tay cổ của Việt Nam ở Mỹ gặp nhiều khó khăn, nơi mà người ta phải dựa vào các bản sao từ microfilm được thực hiện vào những năm 1950 bởi Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole Française d’Extrême-Orient).18 Tuy nhiên, một nghiên cứu ngắn về những microfilm của các tập bản đồ Việt Nam tại Thư viện Kroch Asia của Đại học Cornell đã cho thấy nhiều đặc điểm của bản đồ triều Nguyễn trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ gần như chắc chắn được lấy từ các tập bản đồ và địa chí quan trọng của Việt Nam được biên soạn vào thế kỷ 19. Một số đặc điểm chung này bao gồm:
– Tĩnh Man trường lũy, được thể hiện nổi bật trên các bản đồ của tỉnh Quảng Ngãi trong các tập bản đồ Việt Nam như Đại Nam nhất thống dư đồ và Nam Bắc họa đồ.19
– Lãnh địa của Vua Nước và Vua Lửa (Thủy Xá và Hỏa Xá) trên bản đồ miêu tả khu vực Tây Nguyên, và sông Mê Kông ở trong tập Bản quốc dư đồ.20
– Cửu châu, được miêu tả và liệt kê ở phía tây tỉnh Quảng Trị ở trong tập Bản quốc dư đồ.21
– Các trấn và huyện khác nhau ở Lào, cũng như các diễn giải về một số nhóm người thiểu số.22
– Bi đình hay nhà tưởng niệm ở miền Bắc Việt Nam được vẽ tương tự như trên bản đồ tỉnh Tuyên Quang ở trong tập Bản quốc dư đồ.23
– Một khu vực đầm lầy (swampy forest) ở vùng đồng bằng sông Mê Kông, sát biên giới với Campuchia, được nhấn mạnh bằng hình ảnh cây cối trên bản đồ này, là một khu vực nổi bật trên bản đồ tỉnh Định Tường ở trong tập Nam Bắc Kỳ họa đồ.24 Khu vực này có thể là Đồng Tháp Mười (Hình 13).
Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt về phong cách giữa các bản đồ ở trong các tập bản đồ thời Nguyễn nói trên và ở trên tấm bản đồ này của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, vẫn có nhiều sự tương đồng về nhiều điểm được thể hiện, cho thấy rằng người vẽ bản đồ đã sử dụng các địa chí và bản đồ vẽ tay có sẵn của Việt Nam để thực hiện bản đồ này.
Kết luận
Rất khó để xác định niên đại chính xác của bản đồ. Như đã đề cập ở trên, một số diễn giải trong đoạn ghi chép đã gợi ý về niên đại vào khoảng cuối thập niên 1860 đến giữa thập niên 1870. Tuy nhiên, các đặc điểm trên bản đồ lại cho thấy một thời điểm sớm hơn, có lẽ vào các thập niên 1830 hoặc 1840. Văn tự và các chủ đề trên bản đồ cũng khác nhau theo nhiều cách. Khối văn tự trên bản đồ đề cập các tuyến thương mại đường sông và đường biển, trong khi bản đồ dường như phản ánh mối quan tâm về quân sự của Việt Nam ở Lào và Campuchia, nơi mà Việt Nam đã đối đầu với Xiêm La vào các thập niên 1830 và 1840. Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của bản đồ là sự tập trung vào các nhóm người thiểu số ở Tây Nguyên và các khu vực ở Campuchia và Lào, nơi [Việt Nam] có sự tranh chấp với Xiêm La. Ngược lại, đoạn ghi chép trên bản đồ không đề cập đến các dân tộc thiểu số hay nhắc đến Campuchia và Lào.
Liệu bản đồ này do một học giả – quan chức của Việt Nam tạo ra, hay là do một nhà địa lý Trung Hoa quan tâm đến nước láng giềng phía nam của họ? Câu hỏi này có lẽ không quá quan trọng, vì rõ ràng bản đồ dựa chủ yếu vào các địa chí và tập bản đồ Việt Nam hiện có, nên về cơ bản đó là một bản đồ của Việt Nam.
Dù ai là người tạo ra nó, thì tác giả đã làm ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đồng thời là một bản đồ thể hiện một số chủ đề quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ 19.
Chú thích
1 Phòng Địa lý và Bản đồ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ có hình ảnh trực tuyến của bản đồ (được ghi danh là Việt Nam quan tấn) tại http://hdl.loc.gov/loc.gmd/g8020.ct001182. Thư viện đã mua bản đồ vào năm 1982 từ một nhà buôn bản đồ cổ có tiếng ở Mỹ, nhưng không có thêm thông tin về nguồn gốc của nó.
2 Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Tiến sĩ John K. Whitmore của Đại học Michigan vì đã đọc bản thảo bài viết này và có những nhận xét sâu sắc. Cảm ơn ông John Hébert, Trưởng Bộ phận Địa lý và Bản đồ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vì đã giới thiệu cho tôi bản đồ tuyệt đẹp này. Tôi cũng nhận được các gợi ý hữu ích từ Howard Lange, một đồng nghiệp cũ trong Bộ Ngoại giao và là “người am hiểu về Việt Nam”, người đã xem xét bản thảo bài viết này. Một số người khác, đặc biệt là vợ tôi, Ling Ning, đã cung cấp sự hỗ trợ quý báu trong việc giải mã một số chi tiết phức tạp của văn tự trên bản đồ. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi sai sót [nếu có].
3 Trong phần lớn lịch sử của Việt Nam, chữ Hán (chữ Nho) được sử dụng làm hệ thống chữ viết chính thức cho các học giả – quan chức cai trị đất nước. Ngoài ra, người Việt còn phát triển một hệ thống chữ viết bản địa, không chính thức (chữ Nôm) thường kết hợp từ hai chữ Hán, một chữ chỉ ý nghĩa của từ và chữ kia chỉ các phát âm. Hệ thống chữ viết thứ ba, sử dụng bảng chữ cái Latin, được phát triển vào thế kỷ 17 bởi các nhà truyền giáo Dòng Tên nhưng chưa được sử dụng rộng rãi cho đến thời kỳ thực dân Pháp. Chữ Quốc ngữ đã thay thế việc sử dụng chữ Hán trong các thập niên đầu của thế kỷ 20, khi các kỳ thi cử của quốc gia chính thức bị bãi bỏ. Để có cái nhìn tổng quát xuất sắc về các hệ thống chữ viết của Việt Nam, xem: Peter C. Phan, Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1998), 28-35. Trong bài viết này, tôi đã chuyển các chữ Hán trên bản đồ thành tiếng Việt hiện đại, dùng chữ Latin hóa.
4 John K. Whitmore, “Cartography in Vietnam”, trong J.B. Harley và David Woodward, The History of Cartography: Cartography in the Traditional East and Southeast Asian Societies (Chicago: University of Chicago Press, 1994), tập 2, quyển 2, 479.
5 Bản đồ có một số điểm tương đồng với bản đồ bán đảo Đông Dương trong Đại Nam toàn đồ cũng như bản đồ cùng khu vực trong Đại Nam nhất thống dư đồ. Xem: Whitmore, Sđd, 503 và 505.
6 Đông Kinh nghĩa là “kinh đô phía đông” trong tiếng Việt. Người châu Âu thế kỷ 17 phiên âm tên này thành Tonkin hoặc Tongking và dùng nó làm tên gọi cho nhà nước ở Đàng Ngoài.
7 Campuchia được chia thành 32 phủ và hai huyện vào năm 1835. Xem: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (Fort Smith, Ark: Song Mai, 1978), tập 2, 222. Nguyễn Văn Siêu liệt kê tất cả 33 phủ trong Phương-Đình dư địa chí, bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh (Sài Gòn: Tự Do, 1960), quyển 4, 193.
8 Alexander Barton Woodside, Vietnam and the Chinese Model (Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1971), 237-238.
9 Nguyễn Văn Siêu, Sđd, quyển 4, 144.
10 Gerald Cannon Hickey, Sons of the Mountains: Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954 (New Haven và London: Yale University Press, 1982), 168.
11 Woodside, Ibid., 141-143.
12 Woodside, Ibid., 120.
13 Tiến sĩ Whitmore đưa ra một giải thích khác: “Theo tôi, đây là một bản đồ từ miền bắc, phát triển từ phong cách Đại Nam ở miền nam vào những năm 1830. Vì vậy, nó chứa đựng các yếu tố miền nam có trên các bản đồ trước đó và thêm các yếu tố riêng của miền bắc. Tôi đoán rằng người miền Bắc sẽ ưa chuộng tên ‘Việt Nam’ hơn là tên ‘Đại Nam’, mang tính chất miền Nam hơn”. (Thư điện tử gửi cho tác giả, 25 tháng 8, 2008).
14 Henry McAleavy, Black Flags in Vietnam: The Story of a Chinese Intervention (New York: The Macmillan Company, 1968), 105–110.
15 Thông tin thêm về tình hình chính trị – quân sự phức tạp ở miền Bắc Việt Nam có thể tìm thấy trong: Ella S. Laffey, “In the Wake of the Taipings: Some Patterns of Local Revolt in Kwangsi Province, 1850–1875” trong Modern Asian Studies, 10/1 (1976), 65–81.
15 Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Quảng Châu, Charles Seymour, báo cáo năm 1890: “Chỉ huy vĩ đại và bất khả chiến bại của quân Cờ Đen tại Bắc Kỳ đã được triệu hồi về Quảng Châu và đang phục vụ cho nhà Thanh tại tỉnh Quảng Đông, nơi ông được đánh giá như một anh hùng…”. Trích từ Canton Dispatch số 192 (26.3.1890), trong Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam, 1787-1941 (Washington, DC: National Defense University Press, 1990), 144-145.
17 Một quan ải thực sự được xây dựng vào năm 1833, vẫn còn có thể thấy tại đèo Ngang. Cửa này cũng được gọi là Hoành Sơn quan.
18 Whitmore, Ibid., 478-479.
19 Thư viện Kroch Asia, Đại học Cornell, Phim 5112 và Phim 5100.
20 Thư viện Kroch Asia, Phim 5091.
21 Bản đồ các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, Thư viện Kroch Asia, Phim 5091.
22 Bản đồ của các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong Bản quốc dư đồ (Phim 5091), chẳng hạn, thể hiện một loạt các trấn (được ghi là phủ) ở phía tây dãy Trường Sơn mà Việt Nam đã sáp nhập vào cuối những năm 1820, sau cuộc xung đột giữa Chao Anu của Vientiane và Xiêm La.
23 Thư viện Kroch Asia, Phim 5091.
24 Thư viện Kroch Asia, Phim 5100.