
Vào đầu thế kỷ XIX, xứ sở Nam kỳ (hay miền Nam Cochinchina) luôn cuốn hút những người ngoại quốc đến khám phá, tìm hiểu về vùng đất và con người nơi đây. Năm 1819 – 1820, những người Mỹ đầu tiên đã đến Sài Gòn, được coi là cuộc giao lưu văn hóa, kinh tề đầu tiên giữa Mỹ – Việt vào buổi đầu của thế kỷ.
Những người Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn mặc dầu không có “quốc thư”, nhưng vẫn được vị Tổng trấn Lê Văn Duyệt tiếp đón và tặng quà trang trọng, đã để lại nhiều ấn tượng cho vị thuyền trưởng John White, chỉ huy tàu Franklin đến Sài Gòn. Năm 1823 về Mỹ, ông có viết hồi ký về chuyến đi này với nhan đề “Chuyện của một người đi du hành trong biển Trung Hoa“ (History of Voyag to the China sea). Có một điều đặc biệt là trong tái bản lần thứ 2, sách được mang tên “Chuyến đi đến Nam Hà” (A Voyage to Cochinchina). Sự kiện này cho thấy tính hấp dẫn mà cuốn sách mang lại, song điều quan trọng hơn là tên gọi của cuốn sách “Xứ Nam Hà“ – ý chỉ xứ Đàng Trong cũ (Cochinchina) của vương quốc Việt Nam hiện thời đã được thế giới biết đến.
Giao lưu văn hóa, kinh tế Việt – Mỹ đã được đặt ra ngay từ thời kỳ khai quốc, khi mà vị Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1801 – 1809) đang thực thi nhiệm vụ tại Đại sứ quán ở Pháp quốc. Tuy nhiên, lịch sử mối bang giao đặc thù này phải đợi đến thời Tổng thống James Monroe (1817 – 1825) mới ghi được dấu mốc đầu tiên. Thuyền trưởng John White cùng với thủy thủ đoàn của tàu Franklin đã trở thành những sứ giả thực sự của công cuộc khám phá độc đáo này. Vì vậy có thể nói, năm 1819 – 1820 được xem là sự kiện khai mở sớm nhất trong tiến trình giao lưu giữa Mỹ với Việt Nam.
Sách “Một số sự kiện lịch sử – 200 năm quan hệ Việt – Mỹ (1820 – 2020)” là tập hợp các bài viết đã đăng trên tạp chí Xưa&Nay, từ năm 1995 đến nay. Sách giới thiệu được nhiều tài liệu có giá trị về mặt lịch sử cho vấn đề nêu trên. Tuy nhiên do tập hợp bài viết của nhiều tác giả nên cùng một sự kiện, nhưng cách đánh giá và nhận định còn có ý kiến khác nhau. Kính mong có sự góp ý cho lần tái bản sau.
Sách được xuất bản nhân kỷ niệm sự kiện 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ (1995 -2020), với sự giúp đỡ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Hội Việt – Mỹ thành phố Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của Quỹ Xã hội Phan Anh và Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA.
Tạp chí Xưa&Nay xin gởi lời cảm ơn các đơn vị và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tạp chí Xưa&Nay
Lời giới thiệu
Cách đây đúng một phần tư thế kỷ, không lâu sau ngày Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt cấm vận và lập lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt – Mỹ được đón tiếp một đoàn khách từ nước Mỹ xa xôi đến thăm Việt Nam. Đó là đoàn cựu chiến binh, không phải là thế hệ những người cầm súng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam mà là lớp cựu chiến binh “tiền bối” tham gia cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II chống chủ nghĩa phát xít. Đấy là những thành viên trong đơn vị tình báo chiến lược đã hợp tác với Việt Minh, nhảy dù xuống Chiến khu Tân Trào (7-1945), thành lập Đại đội (liên quân) Viêt – Mỹ tham gia chống phát xít Nhật ở chiến trường Đông Dương, đó là những vị khách Hoa Kỳ đến theo “lời mời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc trở lại “chiến trường xưa” và gặp lại “những người Đồng minh cũ”, sự kiện này còn nhằm kỷ niệm 50 ngày thành lập Hội thân hữu Việt – Mỹ (Association Friendship Vietnam – American). Như vậy cũng có thể nói, trong Cách mạng tháng Tám 1945 giành độc lập dân tộc thì lực lượng nước ngoài duy nhất hợp tác với tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chính là Hoa Kỳ, và tổ chức “ngoại giao nhân dân” đầu tiên của nước ta cũng là với Hoa Kỳ. Và còn có một hình ảnh tiêu biểu hơn là trong ngày Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố bỏ cấm vận (3-2-1994) rồi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11-7-1995), đứng bên cạnh Bill Clinton luôn có 2 quân nhân tiêu biểu tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, hai nhân vật cùng họ nhưng thuộc hai đảng “đối chọi” nhau là John Mc Cain (Cộng hòa) và John Kerry (Dân chủ). Thì ra, trong quá trình hòa giải và thiết lập quan hệ hữu nghị Việt-Mỹ, những cựu chiến binh, những người từng ở hai chiến tuyến chống chọi nhau lại chính là những người tận tụy nối lại nhịp cầu hòa bình và hữu nghị giữa hai quốc gia. Phải nói đó là một nét đặc thù và đặc sắc…
Hai năm sau đó (1997), tôi lại được tham gia đoàn các vị Việt Minh lão thành từng hợp tác với các quân nhân Mỹ trên chiến khu Việt Bắc qua New York “đáp lễ”. Và trong cái đêm giao lưu tại trụ trở “Hội Á Châu” rất nhiều nhân viên của CIA đến dự để muốn hiểu xem các bậc tiền bối trong cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ đã từng hợp tác với Hồ Chí Minh như thế nào.
Cách đây đã hơn 2 thập kỷ, ngày 23-8-1998, tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp mặt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con trai của cố Tổng thống Hoa Kỳ J.F.Kennedy tại nhà riêng của vị lão tướng.
Câu chuyện giữa một già (88 tuổi) và một trẻ (38 tuổi), cách nhau vừa tròn nửa thế kỷ bắt đầu bằng lời giới thiệu của chủ nhà khi chỉ lên tấm ảnh chụp Bác Hồ và anh Văn đứng cạnh nhau từ tháng 8-1945 đang treo trên tường: “Cậu (nguyên văn cách xưng hô chủ nhà bằng tiếng Việt, để người phiên dịch chuyển ngữ sang tiếng Anh đơn giản là ngôi thứ 2) có biết ai là người chụp tấm ảnh này không?” rồi tự trả lời: “Người Mỹ đấy!”. Đó là tấm ảnh được chụp bởi một thành viên trong “Nhóm Con Nai” (The Deer Team), một nhóm tình báo Mỹ cộng tác với Việt Minh chống phát xít Nhật từ Chiến khu Tân Trào về tới Hà Nội đến thăm vị Chủ tịch nước “Việt Nam Mới” (cách gọi đương thời) tại Bắc bộ phủ.
Và câu chuyện về tấm ảnh đã khởi đầu cho một bài giảng tóm lược về lịch sử quan hệ Việt-Mỹ. Đại tướng nói: “Số đông người Việt Nam hay người Mỹ, nhất là các bạn trẻ chỉ biết đến những trang sử tàn khốc mà nước Mỹ đã can dự trong cuộc Chiến tranh Đông Dương như kẻ thù của nhân dân Việt Nam; nhưng còn có những trang sử khác về những quan hệ tốt đẹp mang lại lợi ích cho cả 2 dân tộc, đã từng là đồng minh của nhau trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít…”. Và tiếp đó là những câu chuyện về thứ lúa của xứ Cochinchine (Đàng Trong) mà Thomas Jefferson (người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập rồi trở thành tổng thống) từng say mê tìm kiếm cho bộ sưu tập hạt giống của mình khi còn là một điền chủ; rồi câu chuyện về Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã được trích dẫn để mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam… Và vị Đại tướng từng là một thày giáo dạy sử kết luận: “Các bạn trẻ Hoa Kỳ cũng như Việt Nam có sứ mệnh phải viết tiếp những trang sử tốt đẹp đã từng có trong lịch sử quan hệ giữa 2 dân tộc chúng ta”. Thời điểm diễn ra cuộc gặp mặt này (1998) mới có 3 năm kể từ khi Mỹ chấm dứt cấm vận, lập quan hệ với Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1995)…
Tháng 6-2005, tôi lại may mắn được tham gia chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu sang Mỹ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh Patrice Mc Govern, một doanh nhân Mỹ trẻ tuổi trong đêm Gala tiễn đoàn rời thành phố Boston, đã nâng cao trên đầu tấm ảnh mà tôi đã tặng ông trong buổi khai trương Công ty IDJ, là công ty đầu tư mạo hiểm thuộc loại sớm nhất và tới nay vẫn phát triển, đặt trụ sở tại Hà Nội. Tấm ảnh chụp lại hiện vật gốc từ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, vốn là tấm poster in màu, phụ bản của tờ Việt Nam Ðộc Lập xuất bản ở chiến khu Cao Bằng mà tương truyền do chính Bác Hồ vẽ, với nội dung là chuỗi 8 hình vẽ liên hoàn hướng dẫn người Việt Nam cứu phi công Mỹ gặp nạn khi máy bay bị phát xít Nhật bắn rơi trên Chiến khu Việt Bắc… Trên đó, vẽ lá cờ Hoa Kỳ và cờ Việt Minh (khi đó chưa lập chính phủ nên gọi là cờ đoàn thể) bắt chéo nhau, kèm câu thơ cổ vũ “Bộ đội Mỹ là bạn ta – cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Nhà doanh nhân ấy đã nói lớn với cử tọa: “Đây là bằng chứng 60 năm trước chúng ta hợp tác chống chủ nghĩa phát xít thì giờ đây chúng ta hãy hợp tác làm cho 2 quốc gia chúng ta thịnh vượng!”.
Mười lăm năm sau chuyến đi ấy, tôi lại có dịp đi theo đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ (5-2017). Có một chi tiết nhỏ là khi lựa chọn món quà lưu niệm, trước đó khi tiếp Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam (6-2016) quà của Thủ tướng Việt Nam là tượng Đầu Rồng Thăng Long bằng gốm thì món qùa tặng Tổng thống Donald Trump lại là một chiếc đèn dầu cũng bằng gốm men màu trên đó có hình ảnh 2 lá cờ Việt – Mỹ cuốn vào nhau. Cái đèn thắp bằng dầu hỏa có lẽ là chứng tích xưa và bền nhất của “xứ cờ hoa” trong tâm thức người Việt Nam, thể hiện trong ngôn từ có lẽ xuất hiện từ thuở những khách hàng đầu tiên người Việt Nam biết đến một loại đèn thắp bằng thứ nhiên liệu mới lạ nay ta gọi là “nhiên liệu hóa thạch” còn khi đó gọi là “dầu hỏa” do những hãng buôn Hoa Kỳ mang đến. Cũng vì thế nên dân gian quen gọi loại đèn này là “đèn Hoa Kỳ”. Cho dù đến bây giờ cái đèn ấy có được sản xuất tại đâu, dân ta vẫn quen miệng gọi là “đèn Hoa Kỳ”. Câu chuyện ấy chứa đựng cái nghĩa lý rất hợp với thời đại chúng ta là mọi mối quan hệ mang lại lợi ích cho nhau (win-win) đều bền vững. Và cái đèn mà hình ảnh được in trên bìa cuốn sách viết “về quan hệ Việt – Mỹ” chính là món quà nhắc lại cái thông điệp lịch sử ấy…
Một phần tư thế kỷ đã qua (1995-2020), mọi người Việt Nam, Hoa Kỳ và bạn bè thế giới đã chứng kiến quan hệ Việt – Mỹ không chỉ có nỗ lực hòa giải với việc hợp tác tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích hay khắc phục nhưng hậu quả chiến tranh (chất độc màu da cam hay bom mìn… ) mà còn chứng kiến sự hợp tác ngày một phát triển và toàn diện, ngày càng có quy mô lớn và hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, bảo đảm an ninh Biển Đông… trên cả phương diện nhà nước cũng như nhân dân của 2 quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất này.
Cuốn sách nhỏ này muốn góp vào cái giá trị lớn lao của mối quan hệ Việt – Mỹ nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập, hiểu theo nghĩa là sự chuyển tiếp từ lịch sử chiến tranh sang lịch sử thân thiện, hợp tác và hữu nghị vốn có trong lịch sử xa xưa…
Dương Trung Quốc