Trong đời làm báo của mình, Phan Khôi đã viết về nhiều đề tài, trong đó ông luôn luôn có những suy nghĩ độc đáo mà đôi khi bị cho là “ngược đời”, chẳng hạn ông đánh giá lại nhân vật Võ Hậu trong lịch sử Trung Quốc qua bài “Xóa một cái án trong lịch sử: Thân oan cho Võ Hậu” (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 60, 10-7-1930); phát hiện những điều bất hợp lý hoặc sai lệch trong việc tiếp thu và phát triển Khổng giáo (“Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”, Thần chung, Sài Gòn, từ số 213 (1-10-1929) đến số 249 (17, 18-11-1929); và đặc biệt là khảo sát, phân tích và chứng minh rất nhiều vấn đề trong tiếng Việt từ cách dùng từ, cách viết đúng chính tả đến phép làm văn (các bài “Tại sao chúng ta không nên bỏ chữ Quốc ngữ và phải viết cho đúng?”, Thần chung, Sài Gòn, số 341 (20-3-l930); “Phép làm văn”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, từ số 71 (25-9-1930) đến số 77 (06-11-1930); “Phép đặt đầu đề”, Trung lập, Sài Gòn, số 6216 (07-8-1930),…).
Phong cách riêng đó của Phan Khôi cũng được ông thể hiện trong đề tài chống tệ nạn hối lộ và cái chính sách chống tệ nạn này thời bấy giờ, tuy rằng số bài viết không nhiều. Từ năm l929, ông đã viết bài “Tiểu ăn cắp và đại ăn cắp” (ký tên Tân Việt, Thần chung, Sài Gòn, số 123 (16, 17-6-1929) trong đó kể một chuyện mà ông gọi là “tiểu ăn cắp”, nay gọi là “ăn cắp vặt”. “Tiểu ăn cắp” dĩ nhiên là xấu rồi và nhất định có hại, nhưng cái nguy hại to lớn hơn nhiều lại là nạn “đại ăn cắp”, nghĩa là “ăn cắp luôn cả pho pháp luật” vốn làm ra để “giữ kẻ gian và bênh vực quyền lợi cho dân chúng”. Ông viết: “Tam quyền hiến pháp không đủ giữ gian mới đặt ra ngũ quyền hiến pháp, song biết đâu không có anh đại ăn cắp sẽ vo viên cái ngũ quyền hiến pháp mà lận vào lưng?”. Ý ông nói ngũ quyền hiến pháp đây là các cơ quan ngôn luận đôi khi bị nhà cầm quyền dẹp bỏ. “Bày ra tờ báo để chủ trì dư luận mà chống lại với những thế lực phi thường. Song le, đã là cái thế lực phi thường thì có khó gì mà chẳng cầm cả tòa soạn đút vào trong túi?”. Trong bài này, ông không nói gì đến chuyện “hối lộ”, nhưng ta thấy đằng sau mấy từ “tiểu ăn cắp” và “đại ăn cắp” thấp thoáng sự liên kết giữa các thế lực có thể gọi như ngày nay là “đường dây tham nhũng” rất khó bị phá vỡ.
![](https://vnitimes.vn/wp-content/uploads/2025/01/Phan-Khoi-1.jpg)
Năm 1930, ông viết bài “Vấn đề hối lộ giữa quan trường” (ký tên T.L., Trung lập, Sài Gòn, số 6233 (29-8-1930), trong đó ông phản đối lập luận của Nguyễn Phan Long cho rằng “quan ăn hối lộ của dân hay là dân cho quan ăn hối lộ thì cũng như trong các tiệm cơm phòng ngủ bên Tây, các bạn hàng cho bồi tiền trà nước kêu bằng tiền pourboire” (ngày nay ta thường gọi tắt là tiền “boa” hay “tiền bồi dưỡng”). Theo Phan Khôi, nói như vậy thì “ông quan nào ngửa tay ra lấy đồng tiền ấy, tự coi mình như tụi bồi trong quán cơm, thì ổng tự làm đê tiện cái nhân cách của ổng”. Điều đó đã là xấu rồi, nhưng tệ hơn nữa là “có ông quan cậy thế mình, đè đầu bóp cổ dân mà ăn tiền, dân không cho tiền thì thù vặt, cái đó mới là hại. Mà cái hại hối lộ ở xứ ta là ở chỗ đó”. Nghe có vẻ giống chuyện đời nay quá!
Phan Khôi đi tìm nguyên nhân của nạn hối lộ. Ông cho rằng đó là do dân quá sợ quan, “tại quan có quyền thế lớn quá, cho nên đem tiền cho quan ăn là sự chẳng đã, không cho không đặng, chớ không phải vui lòng mà cho, để quan làm việc mình cho mau rồi đâu”. Tình trạng này không khác ngày nay, khi các doanh nghiệp hoặc người dân sẵn sàng “chung chi” cho nhân viên cơ quan công quyền nhằm giải quyết công việc có lợi cho mình. Làm sao cho dân hết sợ quan? Muốn vậy thì phải nâng cao dân trí. Ông viết: “Hễ dân khôn ra, đủ trí khôn mà biết mình là có tội hay không có tội và đủ trí khôn mà biết ông quan ấy có trị được tội của mình không, thì tự nhiên không đem của tới mà đút cho quan làm gì và cái tệ hối lộ sẽ trừ khỏi quan trường”.
Ai có thể dạy cho dân điều ấy? Phan Khôi cho rằng trước hết là chính phủ và các viên chức của mình, sau nữa là các cơ quan ngôn luận phải làm việc ấy. Ông đề nghị “các ngài thỉnh thoảng đi các hạt mà diễn thuyết cho dân nghe và cũng cậy các ông hội đồng quản hạt… đem lẽ ấy mà tuyên truyền ra cho dân, hay là ngỏ ý cho các báo Quốc ngữ cũng đem lẽ ấy mà vạch ra cho dân nữa…”. Như vậy, ông đã đặt vấn đề giáo dục pháp luật thật sâu rộng qua nhiều kênh, trong đó có báo chí.
Tuy nhiên, trong bài “Sự trừng trị quan lại ăn hối lộ” (Đông Tây, Hà Nội, số 116 (21-10-1931), ông nhận xét rằng tình trạng nhận hối lộ “ở đất này từ trước vẫn có, nhưng quá lắm là mới từ hai ba chục năm nay…”, nghĩa là ngày càng lan rộng. Nhà cầm quyền thực dân có ra tay trừng trị, nhưng ông nghi ngờ kết quả của việc trừng trị đó. Ông viết: “Song việc trừng trị này có hẳn là sẽ có hiệu nghiệm không? Từ rày về sau, các quan lại An Nam có rùng mình vì sự trừng trị đó mà chừa cái thói hối lộ đi được không? Câu hỏi ấy chúng tôi còn lưỡng lự mà chưa dám trả lời một cách khẳng định cho dứt khoát”.
Tại sao lại chưa dám khẳng định? Ông cho rằng: “Những người ấy (tức các quan lại ăn hối lộ) họ không có chịu thiệt thà để đến vỡ cái việc hối lộ của họ ra đâu. Họ sẽ bưng bít đầu này đầu kia, nhất là đối với dân, họ sẽ ngăn dọa sự báo phục về sau, thôi thì đố ai đã ở dưới tay họ mà còn dám khống cáo hay là cung khai sự bất chánh của họ ra. Những người ấy, trong quan trường ngày nay nào phải là không có, nhưng chính phủ đâu đã trừng trị chính mình họ được?”. Điều ông nói đó ngày nay ta gọi là “bao che” và “trù dập”, chưa kể cái thủ đoạn “đại ăn cắp”, tức là bất chấp pháp luật như trên đã nói.
Đến đây, Phan Khôi nhận thấy ngoài nâng cao dân trí, cần phải có một biện pháp khác mạnh hơn để giúp trừ cái tệ hối lộ. Do đó, ông viết bài “Muốn trừ cái tệ hối lộ phải có dân quyền” (Đông Tây, Hà Nội, số 127 (28-11-1931). Ông cho rằng “sự trừng trị ấy chỉ bớt được cái tệ hối lộ đi một ít thôi, chứ không trừ hẳn đi được, vì hễ dân còn sợ quan thì cái tệ ấy còn hoài”. Tại sao dân cứ sợ quan quá như vậy? Vì dân “không có một chút gì trong tay để làm hộ phù, nghĩa là dân không có quyền”. Phải cho dân có cái hộ phù ấy, “dân phải có quyền thì mới chừa được cái thói sợ phi lý như những lúc trước”. Ông lập luận: “Dân có quyền, mà quyền ấy bởi hiến pháp ban cho, thì tự nhiên không còn sợ… như lúc trước và không đem tiền cho quan ăn, sự hối lộ đến ngày ấy sẽ trừ đi được”.
Đó là hy vọng của ông. Nhưng phần nào ông đã thất vọng khi viết bài “Hùm tha con lợn, không sao; mèo tha miếng thịt, thì nào! Với ông!” (Ký tên Thông Reo, Trung lập, Sài Gòn, số 6414 (14-4-1931), trong đó ông kể một chuyện ở nước ngoài nói về việc trừng trị một viên quan nhỏ ăn hối lộ, nhưng lại làm ngơ trước hành vi ấy của một nhân vật cao cấp.
Nhân bàn về tệ nạn hối lộ, Phan Khôi phát biểu về phẩm chất của người cầm quyền trong bài “Cái tư cách của quan cai trị phải như thế nào?” (Ký tên Thông Reo, Trung lập, Sài Gòn, số 6591 (16-11-1931), thể hiện quan niệm của ông rất khác với quan niệm của những người cùng thời. Ông nhận thấy thời bấy giờ người ta hay ca tụng những ông quan “liêm chánh”, “liêm” là thanh liêm, không ăn của hối lộ, còn “chánh” là chánh trực, ngay thẳng, không bợ hót người trên, hãm hại kẻ dưới. Ông quan cai trị tốt, phải có hai điều ấy làm đầu”. Nhưng theo ông thì như thế chưa đủ. Ông cho rằng “làm quan cai trị, cốt là hưng lợi trừ hại, làm cho dân được ở yên và sung sướng, vậy mới hết trách nhiệm cai trị. Còn như sự không hối lộ, chỉ là cái nết tốt về tiêu cực mà thôi, có gì lắm mà dân ca tụng, sĩ phu cũng tán dương như thế? Sao nhân dân trong hạt ít thấy ông quan của mình đã làm được việc gì cho cả hạt đều nhờ? Sao sĩ phu không phẩm bình đến những cái thiện chánh của mấy ông quan tỉnh, quan phủ, quan huyện kia?”.
Ông viết tiếp: “Thật ra thì các quan cai trị còn làm nhiều việc nữa kia. Cái tư cách của quan cai trị là phải siêng năng, sáng suốt, chăm làm việc lợi ích cho dân sự và trừ điều tệ hại trong dân gian… Đến như cái điều không ăn hối lộ thì lại là cái bổn phận đương nhiên, có gì mà khen ngợi?” Phải chăng ông đề cập đến hai chữ “đức” và “tài” như ta thường nói hiện nay? Và ta cảm thấy Phan Khôi đã tiến một bước khá xa so với thời đại mình!
* Những bài báo nêu trên đều trích trong Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi các năm 1929, 1930, 1931 do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, xuất bản vào các năm 2005, 2006, 2007.