Mùa xuân và lễ hội Việt Nam

Trần Quốc Vượng

Tạp chí Xưa&Nay, số 0, tháng 3 năm 1994

Lễ Hội gồm hai phần vừa tách rời vừa không tách rời nhau: Lễ (nghi lễ cúng Thần – Thánh, Phật, Mẫu,…) và Hội (tụ hội của dân một làng hay liên làng (vùng)).

Lễ là tín ngưỡng, là tôn giáo, cũng là văn hóa. Có tín ngưỡng dân gian: Phồn thực, nghi thức nông nghiệp và tiền nông nghiệp, tính linh hay hồn linh (cỏ cây, đất đá,… đều có “hồn”, “thiêng”, dù là “chính” hay là “tà” đều phải cúng cầu để van cầu sự “phù hộ” hay và sự đừng làm hại… Nói khái quát, tôi xếp tôn giáo – tín ngưỡng dân gian vào hạng mục: Thần giáo – đa thần (Poly-theism). Từ đầu Công nguyên, có những tôn giáo ngoại sinh được “hội nhập” vào thế giới tâm linh Việt cổ: Đạo giáo, Saman giáo, Phật giáo các tông, Nho giáo,… và với thời gian trôi chảy dù nhiều (Phật, Đạo) hay ít hơn (Nho)… đều đã được dân gian hóa hay và dân tộc hóa (gọi chúng là “Việt Nam hóa”) và sự hỗn dung tôn giáo (Religious Syncretism) là một bản sắc trội vượt của riêng Việt Nam (và rộng hơn, cả Đông Nam Á).

Hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Nguồn: Sưu tầm

Lễ trong lễ hội nhìn chung là một sự mô phỏng và giản dị hóa nghi lễ cúng tế ở cung đình, nói chung là kiểu Nho (được ghi chép trong Kinh Lễ, Lễ ký…) có pha trộn chút ít ma thuật, bùa chú,… của các tôn giáo khác và cố phải giữ cái “hèm” của dân gian. Nghiên cứu một lễ hội, tìm cho ra cái bí mật “hèm” mới hiểu được bản thể của lễ hội (làng) ấy, phân biệt với lễ hội (làng) khác.

Thờ thần Hổ có “hèm” chủ lễ, đào tường khoét vách, tượng trưng, thờ thần mặt trời, lễ phải diễn ra vào giữa trưa và có việc “kéo ngựa” (Ngựa = tượng trưng mặt trời)… (Ngọ) Nghiên cứu lễ hội, cần tìm cho ra biểu tượng tượng trưng “thật mà không thực”, đừng dừng lại ở “hiện thực” thấy trước mắt (“hèm” là một bí mật, ngay cả dân làng cũng ít người biết).

Xã hội Việt Nam vốn – trong bối cảnh văn minh lúa nước – là một xã hội tiểu nông, ngày thường sinh hoạt – sản xuất phân tán theo nhà, đến anh em ruột mà còn “kiến giải nhất phận” nữa là! Họp ở đình, ngày xưa chỉ có đàn ông phần lớn là hạng “đàn anh” trong làng – xã. Hội là của toàn dân. Thời gian hội là lúc phá vỡ cái đơn điệu của sinh hoạt tiểu nông, là lúc nông nhàn và cái cốt lõi của triết lý hội hè dân gian là nhu cầu cộng cảm (Communion), cộng cảm với thần linh, cộng cảm giữa con người với nhau, rủ nhau đi lễ, cùng nhau vui chơi giải trí, cùng nhau “chè chén say sưa” nữa… Cùng nhau cúng bái, say sưa (đôi khi quá đáng) cũng là sự “thăng hoa” một cách “giải tỏa cái ẩn ức” chất chứa hàng ngày…

Thời Đông Sơn trước Công nguyên, cứ theo các hình chạm khắc trên trống đồng, thạp đồng, thì đó là lễ hội mùa thu, tháng tám “trông trăng”, tháng mười “cơm mới”, lễ hội múa nhảy hóa trang và vũ trang, đi săn, hiến tế, đua thuyền,… Lễ hội thu còn được bảo lưu (và bảo tồn) nhiều ở môi sinh ven biển: Hội chọi trâu Đồ Sơn tháng 8, hội đua thuyền chùa Keo tháng 9, lễ hội “bả trạo” dọc ven biển miền Trung,… Thời ngàn năm Bắc thuộc, nhiều sử sách còn ghi người Việt ăn Tết đầu năm vào tháng tám, hay tháng mười lịch trăng, Lĩnh ngoại đại đáp gọi là Tết Cả. Tết đầu năm của người H’mông vẫn khoảng tháng 10-11, của người Thái (Pi may) hay người Khơ-me Nam bộ (Chô Chnam Thơmây) vẫn là đầu mùa mưa, khoảng tháng tư lịch trăng…

Lễ hội Bả trạo ở miền Trung. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng

Theo giới địa học và khí hậu học, miền Bắc VN chỉ có hai mùa nóng – lạnh, cả nước có hai mùa mưa – khô. Còn xuân – thu chỉ là hai mùa chuyển tiếp, ngắn ngủi… Xuân tự nhiên miền Bắc là rét – ẩm. Nhưng xuân văn hóa thì khác, thì là mùa lễ hội, nông nhàn: “Ra giêng ngày rộng tháng dài”

Tháng Giêng ăn tết ở nhà

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

Có một bức tranh dân gian Du xuân đồ với 4 câu thơ “chú giải”:

Thái bình mở hội xuân

Nô nức quyết xa gần

Nhạc dâng ca trong điện

Trò thưởng vật ngoài sân!

Giáo sư Trần Từ nhận xét: Mạng lễ hội xuân dày đặc ở châu thổ Bắc bộ, nhạt nhòa và nhạt nhẽo dẫn từ miền Trung trở vào. Miền Bắc là chiếc nôi – quê hương người Việt, xưa dân “đồng mùa” (và cả dân “chiêm trũng”) sau Tết Nguyên đán có một mùa “nông nhàn” thực sự. Đình – chùa – đền – miếu dày đặc, ảnh hưởng Tam giáo cũng rất mạnh. Từ miền Trung trở vào, hai mùa nóng – lạnh, đông – hè không còn phân biệt rõ nữa, nhịp điệu và thời vụ sản xuất cũng khác châu thổ Bắc bộ. Vả xưa miền Trung là không gian văn hóa Champa, như miền Nam là không gian văn hóa Phù Nam – Chân Lạp. Việc hành lễ ở các tháp Chàm Ấn giáo (và Phật giáo) ở các chùa Khơ-me Tiểu thừa – Nam tây (các chùa miếu Bắc thuộc Đại thừa Bắc tông) cũng khác việc hành lễ ở các đền miếu – chùa – đình Bắc bộ. Lịch Chăm-pa là lịch xa ka (Çaka, năm Công nguyên + 78), lịch Phật tử Khơ-me là Phật lịch (năm Công nguyên + ≈ 544 năm). Lịch cổ truyền người Việt là Âm – Dương lịch kiểu Á Đông (Hoa Việt)…

Tôi thử lý giải “nhận xét cảm quan của cụ Trần Từ ‘qua loa’” như vậy, xin các quý chuyên gia lễ hội góp ý xem sao.

Hà Nội, cuối 93

Bài liên quan

Bài đăng mới