“Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới”.
Tô Lâm, Tổng Bí thư
Tính từ năm 1975, đất nước đã có hòa bình, thống nhất tròn 50 năm. Tính từ cột mốc năm 1986, chúng ta có 39 năm đổi mới. Sau ngót 40 năm đổi mới, áp dụng các chính sách của kinh tế thị trường, đất nước chúng ta đã thay da đổi thịt mà mọi người quan sát phải nhìn nhận là “thần kỳ”, nhân dân có cơm ăn áo mặc, có sự phồn vinh ở các đô thị lớn. “Bàn tay vô hình” của nhà kinh tế học Adam Smith phát huy tác dụng ngay lập tức đúng như người cha đẻ của nó tiên đoán: hoạt động kinh doanh vì lợi ích cá nhân, trong những điều kiện “công bằng tự nhiên” đối với các thành phần dân chúng, thì dưới tác dụng của bàn tay vô hình, đã được biến thành lợi ích chung của xã hội một cách thần kỳ mà không cần sự chỉ đạo tập trung của bàn tay hữu hình nào cả, một hiệu quả không phải có chủ đích trước. GDP quốc gia cũng là kết quả sự lao động của toàn dân.
Bức tranh của sân trường Đại học khoa học tự nhiên nơi tôi nửa thế kỷ trước từng theo học, thay đổi căn bản, thể hiện sự phồn vinh. Ngày nay nó đầy ắp hàng hàng xe máy hiện đại cao cấp, so với trước đây chỉ có xe đạp là chính và một số chiếc velo solex, mobylette, lambretta và những thứ tương tự nhập từ châu Âu. Honda lúc bấy giờ chưa có mặt. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… các nhà cao tầng vươn lên bầu trời tuy còn khiêm tốn, nhưng có lẽ đang chuẩn bị cho những nhà chọc trời sắp tới vươn cao hơn nếu kinh tế thị trường tiếp tục phát triển mạnh và công nghiệp hóa được thúc đẩy. Việt Nam đang thay da đổi thịt.

Người Việt Nam, trai cũng như gái, phát triển tốt hơn, thể chất đầy đặn hơn, ăn mặc đẹp hơn, được học hành nhiều hơn, xuất hiện trong hầu như tất cả nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp và rất có ý thức. Tài năng trẻ xuất hiện nhiều chưa từng có. Họ là những bông hoa rất đáng yêu. Bên cạnh nền giáo dục trong nước, các em học sinh, sinh viên còn có nhiều cơ hội để tiếp xúc giáo dục nước ngoài. Đó cũng là kết quả của “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là “thần kỳ nhỏ”. Nghèo khó và lạc hậu còn tồn tại phổ biến ở nhiều mức độ khác nhau. Việt Nam chưa thoát ra khỏi kinh tế “sơ chế” của nền kinh tế nông nghiệp mới phát triển, với một nền sản xuất hàng hóa tiêu dùng còn non trẻ. Phần “cá mập” trong tăng trưởng GDP dựa vào các công ty đầu tư nước ngoài FDI. Để được phồn vinh, Adam Smith nói đến yếu tố quan trọng trong các xã hội thương mại (commercial societies) là sự phân công lao động. Điều này gần như đồng nghĩa với sản xuất, thủ công hay bằng máy móc, từ thô sơ đến tinh vi. Ông đã nhìn phân công lao động như nguyên lý sản xuất công nghiệp, điều sẽ diễn ra một thời gian ngắn sau khi ông mất, với máy hơi nước của James Watt mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp lịch sử. Chính sự phân công lao động mới sản xuất ra nhiều hàng hóa và qua đó thúc đẩy thương mại trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài phát triển mạnh lên. Hàng hóa ít thì trao đổi thương mại sẽ ít và quốc gia phải nhập hàng ngoại nhiều, làm chảy máu ngoại tệ. Bước đầu tiên của cuộc công nghiệp hóa là “thay thế hàng nhập khẩu”, để sau đó chuyển sang bước thứ hai “sản xuất định hướng xuất khẩu”, hai khâu quan trọng tạo điều kiện kỹ thuật và tăng cường năng lực công nghệ cho giai đoạn công nghiệp hóa các ngành công nghiệp nặng tiếp theo. Đó là những chặng đường cổ điển mà Hàn Quốc và Đài Loan đã đi rất rõ nét. Tuy Việt Nam cũng đã trải qua hai giai đoạn đó, nhưng không sâu sắc và rốt ráo, do đó chưa tạo ra năng lực công nghiệp đáng kể để tiến lên phát triển các ngành công nghiệp nặng và hóa chất, điện tử. Dưới thời Park Chung Hee, cả ba quá trình này bị “cô đặc lại” dưới một sức ép chính sách có tính mệnh lệnh. Họ phải chạy đua để tồn tại trong một tình thế địa chính trị bất ổn, để sớm như có thể vượt lên, vượt qua nền kinh tế nông nghiệp tiến lên công nghiệp hóa. Các công nhân nhà máy được Park gọi là các “chiến binh công nghiệp” (industrial warrior). Họ chiến đấu cho một quốc gia mới sinh thành. Công nghiệp hóa là sự sống còn của nền cộng hòa non trẻ hay là chết. Trong ngày đầu cầm quyền, Park Chung Hee đã tuyên bố: “Chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa”.
Kinh tế Việt Nam đang có “gót chân Achilles” kềm hãm sự phát triển bứt phá để tiến lên “thần kỳ lớn”. Đó là khoa học, công nghệ và văn hóa khoa học như môi trường nuôi dưỡng chúng, những yếu tố đã chứng minh sự thay đổi cách mạng, bứt phá thần kỳ trong lịch sử nhân loại, từ Tây sang Đông, vẫn chưa được tích hợp vào nền kinh tế. Nói khác đi, Việt Nam còn thiếu cuộc cách mạng công nghiệp, hay công nghiệp hóa theo đúng nghĩa, yếu tố đã từng diễn ra đầu tiên tại Anh quốc thế kỷ XVIII-XIX và sau đó ở các quốc gia phát triển muộn giúp cho họ nhanh chóng cất cánh: Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc. Như một quy luật cho mọi thời đại và ở mọi nơi, quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công, tích hợp được khoa học và công nghệ vào nền sản xuất một cách sáng tạo, sẽ có đủ năng lực để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Một quốc gia bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình quá lâu là vì quốc gia đó không thực hiện công nghiệp hóa. Một chiếc máy bay mà thiếu động cơ phản lực thì không thể nào cất cánh được. Công nghiệp hóa chính là động cơ đó. Nó đòi hỏi con người phải đổ mồ hôi, vắt óc, nhưng nếu không có nó, dân tộc sẽ phải trả giá gấp nhiều lần hơn.
Tích hợp khoa học công nghệ (KHCN) vào nền kinh tế là công việc “engineering” khó nhất và then chốt nhất. Việc đó cần một lực lượng kỹ sư sáng tạo để ráp nối hài hòa khoa học công nghệ như lý thuyết vào thực tế sản xuất. Đây là khâu quyết định. Không thực hiện được nó, thì những khát vọng đều trở nên hão huyền. Người Hàn đã để lại những kinh nghiệm quý báu có thể học hỏi qua Viện Khoa học và Công nghệ KIST của họ và vị giám đốc thành lập và quản trị nó, TS. Choi Hyung-sup mà tôi đã có dịp trình bày[1]. Học KHCN mà không tích hợp nó vào kinh tế thì chỉ biết về lý thuyết thôi, chưa giúp ích cho việc thay đổi thực tế xã hội. Đó là điểm then chốt. Chúng ta nhớ, Viện KIST được thành lập chỉ năm năm sau khi Park Chung Hee lên nắm quyền, lúc GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ có vài trăm đô la Mỹ, giống như Việt Nam trong những năm đầu của đổi mới. Nhưng viện đó là mô hình đã sớm đưa Hàn Quốc tiến vào công nghiệp hóa. Nó có quy chế riêng, không chịu phụ thuộc vào sự ràng buộc của các thủ tục và quy định hành chánh thường gây cản trở và ách tắc. Đó là tầm nhìn của Park Chung Hee. Ông chấp nhận lương của chuyên gia hàng đầu của KIST cao hơn lương của ông. Việt Nam, sau gần 40 năm đổi mới, với GDP đầu người khoảng 4.000 đô la Mỹ, vẫn chưa có một viện tương tự của riêng mình để thúc đẩy công nghiệp hóa tiến lên.
Việt Nam cũng như Hàn Quốc hay Trung Quốc, có truyền thống nho giáo, siêng năng học, điều đó tốt, nhưng chỉ học để trả bài và làm quan, hơn là để ứng dụng và sáng tạo. Hàn Quốc đã thay đổi được truyền thống đó một cách căn bản trong một thời gian ngắn kỷ lục dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee.
“Thế giới trong trăm năm qua đã biến đổi cơ bản hơn bất cứ thế kỷ nào khác trước đó. Không phải do những học thuyết chính trị hay kinh tế mới nào, mà do những sự phát triển kỹ thuật bão táp, được tạo điều kiện bởi những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản”.
Stephen Hawking
Trong quá trình thực hiện, thể chế phải luôn luôn đi sát với yêu cầu của cuộc công nghiệp hóa trong từng thời điểm. Cái gì không hiệu quả, gây cản trở thì phải được thay bằng cái mới, như tinh thần “trial-error” của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Bộ máy hành chánh phải là bà mụ giúp khai sinh công nghiệp hóa, không phải để cản trở nó. Bộ máy đó phải gồm những người được khai sáng về tinh thần thời đại (zeitgeist) và làm cho nó xuất hiện trên đất nước. Phải có một lực lượng kỹ trị tài giỏi làm nòng cốt để thực hiện cuộc chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp như các quốc gia xung quanh đã làm. Chúng ta cần làm cho khoa học bén rễ vào văn hóa để trở thành thói quen, để người dân được khai sáng công nghiệp, có niềm tin vào khoa học, công nghệ, thay vì vào mê tín dị đoan.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với đạo đức. Adam Smith, trước tác phẩm Sự phồn vinh của các quốc gia, đã xuất bản quyển sách Lý thuyết những tình cảm đạo đức. Ông xem đạo đức như cái nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế để làm cho nó hiệu quả, bền vững và xã hội có đức hạnh. Nhật Bản Minh Trị ngay từ đầu cũng đã nêu cao đạo đức như ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua khẩu hiệu “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”. Đạo đức từ vua, chính phủ, bộ máy nhà nước, đến giáo dục và cuộc sống trong gia đình, lẫn ngoài đường phố, nói chung toàn xã hội. Họ cũng có doanh nhân xuất sắc Shibusawa Eiichi, người được tôn vinh đã truyền bá chủ nghĩa tư bản vào Nhật Bản dưới màu áo đạo đức khổng giáo. Ông nói, bàn tính (abacus) và Luận ngữ phải đi đôi với nhau. Hình ông được đưa lên giấy bạc mệnh giá ¥10,000 cao nhất trong ba đồng tiền mới vừa được lưu hành chính thức năm 2024.
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong tháng 12 năm 2024, đã có những phát biểu dồn dập khá đặc biệt và gây chú ý trong dư luận. Hai trong những phát biểu đó là “chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bứt phá, bắt kịp, tiến cùng thế giới” và sự nhấn mạnh vai trò của trí thức và nhà khoa học: “Trí thức, nhà khoa học có trách nhiệm nâng tầm trí tuệ, sức mạnh dân tộc.” Thực tế ông đã khoanh lại đúng vấn đề cốt lõi của sự phát triển. Tại sao ông lại nói những vấn đề mới đó và vào lúc này? Tôi tin rằng, ông đã nhìn thấy nguy cơ Việt Nam vướng vào bẫy thu nhập trung bình lâu nếu không sớm có lối thoát, và Việt Nam sẽ “già trước khi giàu” nếu như không tiến hành cách mạng công nghiệp một cách triệt để. Ông cũng là người dám nhìn thẳng vào sự thật không tránh né, khi tuyên bố: “Nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì”. Điều này làm người ta nhớ tới những ý tưởng của vị Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị Itō Hirobumi hơn 150 năm trước với câu nói nổi tiếng:“Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?”. Đó là lòng tự trọng, là danh dự của quốc gia. Tôi nghĩ, với những phát biểu mạnh về khoa học, công nghệ, ngài Tô Lâm đã thấy vấn đề then chốt của phát triển đất nước như Park Chung Hee đã từng thấy sáu mươi lăm năm trước với Hàn Quốc của ông. Không có công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước không thể cất cánh và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Công nghiệp hóa là định mệnh của chúng ta, cũng như của tất cả các dân tộc khác. Việt Nam cần phải tiến lên quốc gia chế tạo (manufacturing nation), làm chủ công nghệ sản xuất tiên tiến, từ các viện khoa học, công nghệ đến đại học nghiên cứu, luôn luôn đổi mới sáng tạo, chứ không phải chỉ buôn bán, cho thuê đất và nhân công rẻ. Một quốc gia có khoa học, công nghệ phát triển sẽ nhìn thấy thiên hà cơ hội mà một quốc gia nông nghiệp không thấy.
Với những tuyên bố mới của ngài Tô Lâm, phải chăng chúng ta đang sống trong những ngày “thôi thúc và giông bão” thật sự của một cuộc đổi mới thứ hai của đất nước? Tôi chờ đợi đã lâu một “tín điều”, một nhận thức thấu suốt như thế đối với vai trò của khoa học và công nghệ từ giới lãnh đạo. Chúng ta cần phải hiểu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngữ cảnh của một cuộc cách mạng công nghiệp như được trình bày ở trên. Và chỉ có cuộc cách mạng công nghiệp được thực hiện xuyên suốt như kinh nghiệm của thế giới gần ba trăm năm qua mới đưa đất nước vào kỷ nguyên mới như tuyên bố của Tổng Bí thư, có thể giúp Việt Nam mãi mãi thoát khỏi nghèo khó lạc hậu, lấy lại niềm tin và tự hào dân tộc. Công nghiệp hóa là một con chiến mã. Hãy đặt Việt Nam lên yên. Nó sẽ phi nước đại. “Sự tăng trưởng công nghệ mới chính là nguyên cớ chính của sự tăng trưởng của kinh tế”, như nhà cải cách Đức Friedrich List thế kỷ XIX nói. Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của phát triển chiều sâu, của học thuật, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, làm chủ những công nghệ mới trong sản xuất.
Từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng 9 năm 2023, Việt Nam đang ở vào thời kỳ “thiên thời (cơ), địa (chính trị) lợi”. Một cơn gió mới đang thổi vào đất nước mà không cây cỏ nào lại không cảm nhận, nói như nhà khai sáng Fukuzawa, không chỉ thổi vào Việt Nam, mà vào cả vùng Đông Nam Á. “Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này” như Fukuzawa nói. Và ông tiếp: “Tại sao ta không bơi với họ trong cùng một đại dương văn minh, lướt thuyền cùng những con sóng và tận hưởng thành quả và nỗ lực của nền văn minh?”. Đó chính là nhận thức mở màn cho cuộc canh tân vĩ đại của người Nhật sau đó. Chúng ta hãy khẩn trương nắm lấy cơ hội có một không hai để thực hiện công nghiệp hóa. Các quốc gia đi trước xung quanh đã cung cấp những bài học vô cùng quý giá. Hãy ra sức học và hãy ứng dụng chúng.
Lịch sử dân tộc Việt Nam rất oai hùng, nhưng cũng có những nhược điểm nhất định cần phải được khắc phục. Các dân tộc hóa rồng cũng không miễn nhiễm. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải học nghiêm túc từ những bài học thất bại của chính chúng ta trong nửa thế kỷ qua và kiên quyết không để những sai lầm đó tái diễn. Người Nhật, người Hàn hãnh diện mình chỉ học một lần. Chúng ta phải biết học (learn) và biết quên đi (unlearn) những gì đã học nhưng không còn phù hợp với thời thế nữa. Mọi người cần thay đổi cuộc sống và tư duy cho phù hợp với thời đại, thì đất nước mới tiến lên được. Chúng ta không thể chờ đợi một đất nước công nghiệp hóa mà vẫn sống với tư duy cũ phi hiện đại và không có lòng tin, hay quan tâm đến công nghiệp hóa. Hiện tại, mức độ học thuật, nghiên cứu sâu, văn hóa đọc, cơ sở hạ tầng trí thức của Việt Nam hãy còn rất khiêm tốn, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển một quốc gia công nghiệp hóa. Điều này cần phải thay đổi sớm.
Việt Nam cần có cái được gọi trong lịch sử là khai sáng công nghiệp (industrial enlightenment), từng phát triển mạnh đầu tiên ở Anh. Đó là con người có niềm tin vào khả năng đổi đời bằng sự tiếp thu tri thức hữu dụng mà vị tiên tri của nó là Francis Bacon, áp dụng nó trong đời sống, hơn là tin vào ân huệ của thần thánh. Niềm tin này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là cái vốn tinh thần và ý chí, Geist-und Willens-Kapital, như Nietzsche gọi, thúc đẩy thay đổi như động cơ. Con người có thể thay đổi vận mệnh mình bằng chính bàn tay sáng tạo của mình. Tri thức mới, kỹ thuật mới và tài kinh doanh khôn
ngoan là những yếu tố sẽ thay đổi cuộc chơi. Tinh thần dậy men đó, niềm tin đó, như nhà triết học Tô Cách Lan (Scotland) thế kỷ XVIII David Hume nói, “sẽ làm thức tỉnh đầu óc con người khỏi giấc ngủ im lìm và làm cho nó dậy men… để thực hiện sự cải thiện trong ngành nghề và khoa học. Con người đang sống trong thời đại của cải tiến từng ngày, bằng công nghệ, khoa học và toán học. Sự thay đổi thuận lợi cần được hỗ trợ bởi những định chế xã hội lành mạnh và vai trò nhà nước gìn giữ sự ổn định và tự do như một ‘khế ước xã hội’.” Có một sự phát triển đột biến về nhận thức. Xã hội tiến hóa từ tôn giáo, thương mại, sản xuất thủ công, sang sản xuất bằng máy móc cơ khí, sản xuất lớn thông qua các xí nghiệp (factory) được tổ chức mới, tiến tới một xã hội công nghiệp. Từ đó, văn hóa khoa học thấm đẫm vào giới trí thức và ngày càng mở rộng. Bản chất con người, dòng dõi của homo sapiens, vốn là sáng tạo, nhưng như Adam Smith nói, bị rất nhiều yếu tố xã hội cản trở và kềm hãm rất lâu. Chỉ khi nào xã hội dẹp các rào cản, có niềm tin đủ mạnh của con người và hội đủ những điều kiện thuận lợi, sáng tạo mới sẽ nảy mầm.
Tôi xin kết luận bằng những lời sắc bén của vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị, Mori Arinori, hơn 150 năm trước: “Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến này. Thua cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”.
Tôi biết những dòng tâm tư trên không có chất thi vị để chào đón mùa xuân, như người ta thường làm, không “bay bổng”, vì đất nước còn đối diện với những thách thức rất lớn, rất thực ở phía trước, gắn liền với những hứa hẹn to lớn. Điều mà tôi muốn nhiều hơn là đưa ra vài nét chính của con đường thật sự Việt Nam còn phải đi và cần phải đi, không thể tránh né, nếu muốn có phồn vinh và an ninh quốc gia, để bảo vệ di sản văn hóa, lịch sử. Chắc chắn cuộc tiến quân của các lực lượng sản xuất để đạt tới đích cao cả của đất nước, thay đổi lịch sử cho tốt đẹp hơn, sẽ là bản hùng ca, với nhiều chất thơ cũng như sự thật hòa quyện nhau như di sản vĩnh cửu của các thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn đất nước cho các thế hệ mai sau.
Thành phố Hồ Chí Minh,
những ngày đầu năm 2025
[1] Xem Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc KIST: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/vien-khoa-hoc-cong-nghe-han-quoc-kist/ và KIST – Choi Hyung Sup và Park Chung Hee: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/kist-choi-hyung-sup-va-park-chung-hee/