Ngày 30 tháng 4 năm nay, tôi tưởng nhớ đến một người…

Nguyễn Đình Đầu

Tạp chí Xưa và Nay

Người đó không phải là anh Trần Văn Trà, mà tôi rất đỗi kính trọng và thân quý, vừa khuất trong cái vinh quang mà muôn người có cơ hội được bày tỏ trong một tang lễ trọng thể và vô cùng ấn tượng vừa qua. Ngày 30 tháng 4 này, lần đầu tiên vắng Anh trong lễ Chiến thắng chắc chắn sẽ có những người nhớ và nhắc đến Anh, vị tướng của những người thắng trận trong sự kiện 21 năm về trước.

Còn ở đây, tôi muốn nhớ đến một người mới mất cách đây cũng không lâu (26-10-1995), trong lặng lẽ, thanh thản và ít ai biết tới. Đó là Luật sư Nguyễn Văn Huyền (1913-1995), nguyên Phó Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, người có mặt và can dự vào sự kiện chứng kiến sự đầu hàng của phía bên này, sự thắng trận của phía bên kia và là sự toàn thắng chung của cả dân tộc Việt Nam kết thúc thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Trong sách Đại thắng Mùa Xuân (Nxb QĐND, H, 1987, tr.285-286), Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại rằng vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-4, ông nhận được điện của phái đoàn quân sự của ta từ trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch về việc có “bốn sứ giả” từ phía chính quyền Dương Văn Minh cử đến gặp ta để thăm dò việc “ngừng bắn”, cán bộ của ta mời họ ăn chuối do anh em tự trồng rồi giới thiệu bản Tuyên bố ngày 26-4 của Chính phủ ta; sau đó lại có thêm 3 người nữa đến và họ buộc phải ở lại vì đạn pháo ta bắn vào khống chế sân bay nguy hiểm chưa về được.

Ba người đến sau là linh mục Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng và bác sĩ  Châu Tâm Luân. Còn bốn “sứ giả” đến trước là tổng trưởng Nguyễn Văn Diệp, nhà thầu Nguyễn Văn Hạnh, kỹ sư Tô Văn Cang và tôi, Nguyễn Đình Đầu. Bốn chúng tôi tới trại David và trưa ngày 29-4 với nhiệm vụ chính thức do Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền ủy nhiệm.

Sau này, khi trả lời câu hỏi của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng thành phố Hồ Chí Minh về việc vì sao tham gia Chính phủ Dương Văn Minh và những vấn đề liên quan đến thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, trong lá thư đề ngày 24-8-1986, luật sự Nguyễn Văn Huyền đã viết:

1. Tôi nghĩ chính quyền Dương Văn Minh thành lập không phải để đối đầu mà để hòa giải dân tộc (theo tinh thần Hiệp định Paris) nên tôi nhận tham dự trong vai trò “Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm”.

Sáng sớm ngày 29-4-1975, ông Nguyễn Đình Đầu gặp tôi và hỏi đã tiếp xúc được với “bên kia” chưa. Tôi liền xin ông đi trại David, nếu có thể, đặng tìm cách ngừng bắn. Rồi tôi đi báo cáo sự vụ với ông Dương Văn Minh (ông Nguyễn Đình Đầu chỉ là bạn sinh hoạt tôn giáo với tôi, chớ không phải cộng sự chính trị của tôi như một số tin nước ngoài đã nói).

Gần 5 giờ chiều, ông Nguyễn Đình Đầu đến trao cho tôi một bản “Dự thảo tuyên bố chấp nhận điều kiện ngưng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” do ông Nguyễn Văn Diệp và ông Nguyễn Đình Đầu đã soạn thảo từ khi ở trại David về. Tôi liền đem bản dự thảo đó đến ông Dương Văn Minh thông qua rồi đến đài ghi âm phát sóng.

Khoảng 7 giờ tối, tôi lại cùng ông Nguyễn Đình Đầu đi gặp ông Dương Văn Minh gợi ý nên có sáng kiến gì thêm về phía quân đội nhằm ngưng tiếng súng, vì về phần chính trị thì tôi đã làm hết mình.

2. Sáng sớm ngày 30-4-1975, tôi gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng với ông Dương Văn Minh, mà ông Dương Văn Minh cho mời tôi lên dinh Thủ tướng để làm việc. Trước khi đi, một sĩ quan đã báo cáo cho tôi tình hình chiến sự quanh thành phố, quân Giải phóng đã gần kề. Trên đường, tôi nói riêng với ông Nguyễn Đình Đầu là chỉ còn giải pháp đầu hàng. Khi tới dinh Thủ tướng, tôi đã sẵn sàng nhất trí với nội dung “tuyên bố chuyển giao quyền hành” của ông Dương Văn Minh. Sau đó, ông Nguyễn Đình Đầu từ biệt tôi và nhận đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Diệp tới giúp ông Dương Văn Minh và chúng tôi trong việc tiếp xúc ban đầu với Chính quyền Cách mạng.

3. Ông Dương Văn Minh tiếp xúc với Vanuxem (đại diện của Pháp) rất ngắn gọn trước mặt ông Vũ Văn Mẫu và tôi. Tôi không nói gì. Kể như đã nhất trí rồi. Ông Dương Văn Minh dứt khoát từ chối “kế hoãn binh” của Vanuxem.

4. Tôi đã thở ra nhẹ nhõm khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn và Dinh Độc lập. Riêng phần tôi, không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng vì tinh thần trách nhiệm, sau khi được chích và uống thuốc, tôi đã từ nơi chữa bệnh trở vào Dinh Độc lập.

Đại ý, tôi xin trả lời như trên.

Ký tên: Nguyễn Văn Huyền.

Một nhân chứng lịch sử, cũng là một trong bốn sứ giả chúng tôi là ông Nguyễn Văn Diệp có kể lại trong một cuộc hội thảo tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh những chi tiết sau:

“Đến ngày 28-4-1975, cái nhóm nhỏ chúng tôi (nhóm Trí Việt, thực chất là nhóm đòi thi hành Hiệp định Paris) có họp lại đánh giá: trong những ngày vừa qua, ông Minh quan tâm quá nhiều về quân sự, về gom quân… còn vế thứ hai, chưa thấy ông ta đả động gì tới, tức là về thương thuyết. Trong nhóm mới cử anh Đầu đi gặp Nguyễn Văn Huyền đặt thẳng vấn đề tại sao chưa thấy chính phủ tiến hành việc thương thuyết như thiện chí đã nêu… Lúc 9 giờ ngày 29-4 thì anh Đầu đến tôi báo tin: các ông ấy đã đồng ý rồi. Ông Huyền cử tôi là người chính thức đại diện cho Phó Tổng thống để đi gặp phái đoàn ta trong trại David để đặt vấn đề thương thuyết… và anh Nguyễn Đình Đầu là phụ tá cho tôi trong chuyến đi này. Như vậy là ông Huyền có sự bàn bạc với ông Minh, và ông Minh đã đồng ý… Chúng tôi mới chạy đi tìm anh Cang, anh Hạnh, được biết các anh là người của mặt trận… Khoảng 11 giờ chúng tôi tới trại David, cửa mở, anh đại úy Tài ra tiếp mời chúng tôi vào và đưa luôn vô hầm. Sau khi nghe chúng tôi thay mặt ông Huyền tiếp xúc với Chính phủ Cách mạng lâm thời đã rõ Tuyên bố ngày 26-4…”.

Thực tế là đã đến lúc đó chúng tôi vẫn chưa biết tới bản Tuyên bố ngày 26 – 4 cho nên xin phép được trở về để khẩn trương báo lại với ông Huyền để ra được một bản tuyên bố chính thức trên đài. Anh Tài đề nghị chúng tôi thực hiện nhanh độ 4 giờ chiều có thì tốt, chúng tôi sợ không kịp nên đề nghị sớm nhất là 5 giờ, rồi ra về.

Về đến nhà, anh Diệp và tôi bắt tay thảo bản tuyên bố chấp nhận thương thuyết theo tinh thần của tuyên bố 26-4 của bên Chính phủ Cách mạng. Sau đó tôi mang bản thảo vào gặp ông Huyền, rồi bản thảo được ông Huyền bàn bạc với ông Minh. Và đúng như tôi đã hứa, khoảng gần 5 giờ chiều hôm đó bản tuyên bố chúng tôi soạn thảo được phát trên Đài Sài Gòn.

Ông Diệp kể tiếp:

“… Lối 7 giờ tối, tôi có gọi điện cho ông Huyền. Nói nhiều, khoảng 45 phút. Tôi nói rằng nội dung đã tiến triển một bước rồi, bây giờ các ông phải tiến thêm nữa đi… Tôi biết ông Huyền là người Công giáo ngoan đạo cũng có lòng thương người, tôi mới đề nghị với anh Huyền phải đi nhanh. Đi nhanh từ chỗ đã tuyên bố đến chỗ thực sự ngưng được tiếng súng, cố gắng tránh nổ súng đêm nay, ngày mai và những ngày tới… Ông Huyền hứa với tôi sẽ mặc áo đi ngay tới ông Minh để bàn thêm…”.

Sáng sớm ngày 30-4, tôi phóng đến nhà ông Huyền. Vượt qua đám đông đang tụ tập ở cửa nhà, gặp lúc ông đang ở trong nhà tắm, tôi đứng ngoài trao đổi: từ khi gặp ông Minh đã hơn 10 tiếng rồi sao tiếng súng vẫn nổ, càng lúc càng gần. Trong lúc ông Huyền thắt caravat và khoác áo vét thì một sĩ quan phụ tá của ông đến báo cáo rằng quân Giải phóng đã tới cầu Rạch Chiếc cách Sài Gòn chừng 7km.

Vì ông Huyền cả đời không có ô tô riêng nên lúc này phải dùng chiếc xe mang biển số 01 chuyên dành cho tổng thống đã đậu sẵn ở cửa để đưa ông tới dinh Thủ tướng (số 7 đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn). Ông Huyền yêu cầu tôi đi cùng và khiêm tốn cúi chào mọi người. Ông Huyền quay sang tôi nói rằng: “kể từ giờ phút này xin anh hãy làm “phụ tá hòa đàm” cho tôi trong cương vị Tổng thống hay một chức nào đó tùy anh”. Tôi tỏ lời cảm ơn mà không nói nhận hay không nhưng trong lòng thấy đề nghị ấy thật là bi hài. Tôi nắm tay, dìu ông lên xe, người ông là một bộ xương cao nghều như cái tăm. Chúng tôi quan sát thấy hai bên đường không khí dân chúng căng thẳng như sắp có động đất hay hồng thủy, tiếng súng liên thanh và đại bác vẫn ầm ỳ nổ ran, trực thăng Mỹ vần vũ đưa người di tản… Khi xe tới rạp Olympic (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), anh Huyền nói nhỏ với tôi bằng tiếng Pháp: Phải đầu hàng thôi (il faut se rendre). Khi tới dinh Thủ tướng, anh Huyền vô họp với ông Minh và ông Vũ Văn Mẫu, tân thủ tướng. Tôi ngồi chờ ở phòng ngoài. Khoảng 8 giờ, ông Minh ra chỗ bàn tôi đang ngồi, chào nhau bằng cái nhìn thông cảm, rồi ông đọc “Lời tuyên bố đơn phương buông súng và bàn giao quyền hành cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời” vào máy ghi âm. Ít phút sau, ông Huyền bước ra gặp tôi bàn việc “trao quyền” sao cho đỡ xương máu… Tôi đề nghị đi kiếm anh Diệp. Ra ngoài trên chiếc xe 01 thấy giày dép, quần áo nhà binh, súng ống vứt ngổn ngang. Hầu như không còn nghe tiếng bom đạn, còn nghe rõ gió thổi, chim hót bên tai. Đến Đại sứ quán Anh và Mỹ thì cảnh tượng thực tan hoang…

Anh Diệp sau này kể lại:

“Khoảng 8 giờ, anh Đầu lại cho hay đã tiến thêm được một bước lớn: Dương Văn Minh đồng ý bàn giao lại quyền hành cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời. Anh Đầu còn cho biết, ông Huyền có đề nghị tôi vào dinh Thủ tướng để ủng hộ tinh thần ông Huyền… Tôi vô tới số 7 đường Thống Nhất, vào trong phòng làm việc, tôi thấy ông Minh đang thâu băng. Ghi xong băng, ông Minh giao cho Lý Quý Chung đem đến đài phát thanh để phát đi. Vừa lúc đó có người vô báo cáo: Có đại úy Vanuxem đến muốn gặp tổng thống.

Vanuxem vào, những lời nói xã giao chào hỏi qua lại, vấn đề này nọ tôi có thể quên. Nhưng mà những lời chính có ý nghĩa đập vào óc tôi, tôi không quên được…

Vanuxem nói: “Tôi từ Pháp mới đến, chờ các ông ở Dinh Độc lập. Nghe nói các ông đang ở đây nên tôi đến, hỏi xem tình hình hiện nay đã ra sao rồi”.

Dương Văn Minh trả lời: “Tình hình không hy vọng nữa. Để tránh đổ máu vô ích, tôi sắp phát thanh lời tuyên bố bàn giao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời”.

Vanuxem nói: “Không phải hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris. Đề nghị ông nhờ Trung Quốc bảo trợ cho…”.

Dương Văn Minh: “Tôi không có liên lạc với Trung Quốc”. (Vanuxem còn đề nghị nên cố thêm vài ngày nữa mới kịp làm áp lực ngoại giao. Dương Văn Minh một mực từ chối và tiễn biệt – TG).

Vanuxem vừa bước ra khỏi cánh cửa thì ông Minh kêu Lý Quý Chung vào bảo phát đi lời tuyên bố đã ghi âm. Sau lúc ấy, chúng tôi ngồi lại giây lát, cũng không có ai trao đổi gì với ai. Trong cái không khí im lặng ấy, tự nhiên ông Minh thốt lên: “Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt chúng ta bán nước cho Trung Quốc nữa?”. Ông Minh nói một câu như vậy rồi im lặng luôn… Im lặng dài một lúc. Cho đến khi ông Minh nói: “Thôi, bây giờ chúng ta trở về Dinh Độc lập đi. Còn chuẩn bị bàn giao…!”.

Hồi 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng Giải phóng đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập. Việc “bàn giao” thế nào thì nhiều sách báo đã mô tả rõ. Sau đó tôi vẫn đi lại thăm nom ông Huyền. Ông được “học tập cải tạo” tại chỗ. Ông sống đơn chiếc trong ngôi nhà rách nát của ông bà để lại. Cô con gái theo dòng tu kín Carmélite (Cát Minh), con trai theo dòng Đa Minh (Dominicain). Không có sổ tiếp tế, không bảo hiểm y tế, ông sống thanh bạch, có thể nói là rất nghèo. Nhưng không bao giờ ông mở miệng than phiền mà vẫn sống thanh thản, khoan dung và khiêm tốn. Ông sống khắc khổ nhưng vẫn giữ nét lạc quan, đôi khi còn tự trào tế nhị..

Hồi năm 1979, ông Hà Huy Giáp và Ban Nghiên cứu Lịch sử Ðảng – thành phố Hồ Chí Minh mới phát hiện và mời ông Huyền kể lại những chuyện làm thầy cãi cho ông Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản trước tòa án thực dân và nhiều nhà cách mạng khác hồi những năm 1940. Chuyện được ông Huyền kể lại rất chi tiết và cảm động về cả những phong cách, cá tính, thái độ khảng khái, tình yêu quê hương của từng “thân chủ” cộng sản mà ông được “cãi thí” (tự nguyện không nhận tiền), đặc biệt là khi ông mô tả những giây phút cuối cùng của Hà Huy Tập tại Ngã Ba Giồng mà ông đã tận mắt chứng kiến.

Sau đó ít lâu, đúng ngày giỗ nhà cách mạng Hà Huy Tập, ông Huyền nhờ anh Nguyễn Văn Hạnh và tôi đưa ông hành hương đến Ngã Ba Giồng. Ở đó, ông nhận ngay ra nơi giặc Pháp đã hành hình Hà Huy Tập (nay nằm trong khuôn viên của bệnh viện Hóc Môn). Ông trân trọng đặt một bó hoa lay-ơn trắng tinh lên một mô đất giữa cảnh hoang vu cô tịch, rồi cúi đầu thầm thì nguyện cầu… Trên đường về, ông nói nhiều về phong cách hào hùng và nhiệt tình ái quốc của nhà cách mạng đã tác động mãnh liệt vào tâm khảm ông suốt đời.

Nay ông Nguyễn Văn Huyền, nguyên thủ lãnh Luật sư đoàn lâu năm, nguyên Chủ tịch Thượng viện và Phó Tổng thống quốc gia “bất đắc dĩ” (như ông thường nói với mọi người), còn với tôi thì đó là một con người công chính và nhân hậu, đã ra người thiên cổ.

Trong lúc làm nghiên cứu, tôi có đọc cuốn sách Tân An xưa, trong đó giới thiệu khá kỹ về gia tộc của ông Huyền, nổi tiếng một gia phong nền nếp, có tài và có đức.

Ngày 30-4 năm nay, tôi nhớ và nhắc lại ở đây đôi điều về những gì tôi đã chứng kiến về những thời khắc lịch sử cũng như về ông, như để nói lên rằng trong mọi con người Việt Nam trong những thử thách hiểm nghèo nhất, tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc sẽ giúp ta hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa.

Năm 1983, ông Nguyễn Đình Đầu báo cáo với Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh về lịch sử ngôi Nhà Rồng và bến NHà Rồng

Bài liên quan

Bài đăng mới