Ngày xuân nhớ vua Hàm Nghi

Phan Thị Thọ (Paris)

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Trong số 13 vị vua của triều Nguyễn, 11 người đã được yên nghỉ tại quê nhà.

Dù yêu nước hay bán nước, dù có công mở rộng bờ cõi Việt hay chỉ loanh quanh bên các cung phi mỹ nữ thì họ đều có những ngôi mộ đẹp, những lăng tẩm uy nghi trên mảnh đất mà Nguyễn Hoàng đã chọn làm kinh đô ngày ấy. Chỉ có Bảo Đại và Hàm Nghi là vẫn còn những mồ mả xứ người. Tôi đã có lần đến thăm mộ Bảo Đại tại nghĩa trang Passy, cách Trocadéro một bức tường và cách tháp Eiffel cũng chỉ vài trăm mét.

Một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch bóng loáng, tinh tươm như hình ảnh vị cựu hoàng Bảo Đại lúc nào cũng chỉn chu cà vạt, complet lúc sinh thời. Đứng trước một ngôi mộ khang trang, nằm giữa thủ đô Paris tráng lệ, người thăm cũng thấy nhẹ lòng, ít xót xa hơn khi đứng trước một ngôi mộ bỏ hoang như trường hợp của vua Hàm Nghi.

Từ Sarlat, thủ phủ của vùng Perigord Noir, tôi đã phải đi thêm gần 40km nữa mới về đến Montignac. Rồi từ Montignac, để tìm ra làng Thonac nơi vua Hàm Nghi yên nghỉ, nếu không có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) chỉ đường thì cũng chỉ có… chào thua. Dù có GPS, dù có đầy đủ thông tin thu thập trên mạng, nhưng để cho chắc, tôi quyết định đến thăm lâu đài Losse, trước đây là của Công chúa Như Mai, con gái đầu của vua Hàm Nghi, với hy vọng thu thập ít thông tin về chủ nhân xưa của nó trước khi thăm mộ ông.

Lâu đài Losse. Ảnh: Phan Thị Thọ

Cảnh cũ vẫn còn đó nhưng người xưa thì không. Cuối đời mình, Công chúa Như Mai không đủ tiền bảo dưỡng lâu đài nên phải bán lại cho một người khác. Rồi người khác lại bán tiếp cho người khác, người khác… Người chủ cuối đã trùng tu lại, trả Château et Jardin de Losse về lại thời Trung cổ, trở thành di sản văn hóa của nước Pháp, trở thành nơi tham quan của khách du lịch bốn phương.

Một tòa lâu đài đẹp, soi mình xuống dòng Vézère.

Dấu vết duy nhất còn lại của Công chúa Như Mai là khu vườn phía bên trái tòa lâu đài, nơi có ngôi nhà khá khang trang cùng một khoảng sân rộng. Để đi đến đó, quý khách sẽ thấy một cái mũi tên chỉ hướng, trên khắc dòng chữ “Jardin de la princesse” (Tạm dịch – Vườn của Công chúa), nơi bà đã ở những ngày cuối đời, sau khi  bán tòa lâu đài.

Nếu không là tôi, hay một người Việt Nam nào đó, hẳn chẳng ai biết tại sao lại là vườn của Công Chúa và nàng công chúa ấy là ai?

Đây không phải là tòa lâu đài đẹp nhất để thăm trong vùng, nhưng như đã nói trên, tôi chọn đến với hy vọng có thêm thông tin về người chủ trước đây của nó.

Và tôi đã may mắn gặp được người bạn của Công chúa Như Mai, bà hiện là nhân viên của lâu đài. Bà rất vui khi được nói về “Công chúa An Nam”, về những đóng góp to lớn của cô “Công chúa kỹ sư nông nghiệp” cho vùng Dordogne.

Rồi theo chỉ dẫn của bà, từ lâu đài Losse đến nghĩa trang phải đi thêm vài cây số đồi dốc. Theo kinh nghiệm, ở Pháp, làng nào cũng có nghĩa trang, mà nghĩa trang thì thường ở ngoài làng và thường nằm trên đồi cao, nên sau hai ba lần nhầm hướng, tôi cũng đến nơi.

Một con đường làng vắng tanh, lác đác vài ngôi nhà giấu mình sau những lùm cây, im ắng dưới nắng trưa.

Bọc quanh là một cái tường rào đã cũ, loang lổ, vài cái thánh giá lô nhô bên trong, một cái cổng khép hờ, cũng rệu rã như bức tường.

Tôi đẩy cổng, bước vào.

Nghĩa trang không lớn lắm nên không có bảo vệ hay sơ đồ. Ai đó đã đặt lên mộ ông một cái hoa sen bằng đá, chút hồn quê nơi xứ người ấy đã phát tín hiệu giúp tôi đến đúng ngay mộ ông.

Chính nơi đây, vị vua thứ 8 của triều Nguyễn đã yên nghỉ.

Một cái mộ hơn cả… hoang tàn.

Thực ra, làng Thonac chẳng có gì gắn bó với vua Hàm Nghi. Ông được cải táng về đây sau khi Algérie độc lập, là nơi vợ và các con ông đã chọn để sống khi trở lại nước Pháp.

Với sử ta, nhắc đến vua Hàm Nghi thường là nhắc đến phong trào Cần Vương, là hai vị đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, là triều Nguyễn của giai đoạn 4 tháng 3 vua, rồi vua bị bắt, rồi đi đày…

Sau đó là một khoảng trống.

*****

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, ông không có con nối dõi. Hàm Nghi lúc ấy mới 13 tuổi. Khác với Dục Đức và Kiến Phúc, ông không được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, ông không được nuôi dạy trong triều để trở thành hoàng tử kế thừa. Ông được Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất thuyết chọn đơn giản là vì ông nhỏ hơn anh mình là Đồng Khánh, như thế sẽ dễ hơn cho hai ông Tường và Thuyết trong việc nắm quyền hành.

Khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường khởi xướng phong trào Cần Vương, Hàm Nghi được đưa vào rừng. Có thể từ những tháng ngày Cần Vương, cùng với lòng dân và các sĩ phu yêu nước, vị vua 14 tuổi đã ý thức được vai trò của một ông vua và những gì ông đang đại diện. Đó cũng là hình ảnh mà hai đại thần đã khoác lên vai ông ngay từ những ngày đầu của phong trào (1885). Nhưng rồi cũng chỉ trong một thời gian ngắn, Hàm Nghi bị bắt, rồi bị đày sang Alger, năm ấy ông mới 17 tuổi. Bắt đầu từ đấy, lịch sử nước nhà rơi vào những năm tháng chao đảo, thiếu thông tin về cuộc đời của Hàm Nghi nơi xứ người nên đã viết tiếp những trang gần như không chắc chắn về ông. Bài trường ca yêu nước và tinh thần chống Pháp cứ thế kéo dài trang sử về Hàm Nghi, như sử ta vốn quen khi viết về các anh hùng liệt sĩ. Trang sử ấy mãi đến năm 2015 mới được viết lại bởi Amandine Dabat, hậu duệ thứ 5 của vua Hàm Nghi. Cô đã trình làng một luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne – Paris đề tài:Hàm Nghi (1871-1944) – Empereur exil, artiste à Alger (Hàm Nghi (1871-1944) – ông vua lưu đày, nghệ sĩ ở Alger). Với mục đích vẽ lại một hình ảnh có thể thật nhất, dựa trên những bằng chứng và tư liệu thật nhất từ gia đình: “Dessiner un portrait de Hàm Nghi le plus juste possible, à partir de preuves avérées, issues de ses archives personnelles”.

Ông đặt chân lên thủ đô Alger của đất nước Algérie xa xôi vào tháng 01 năm 1889.

Lúc đầu là cả một thời gian khó khăn để thích nghi, ốm yếu do những tháng năm ở rừng, bỡ ngỡ trước một châu Phi xa xôi, bất đồng ngôn ngữ. Ông đã sống 10 năm đầu lưu vong ở Villa des Pins – Biệt thự Ngàn Thông, cách thủ đô Alger chừng vài cây số. Nơi đây cũng từng là đại bản doanh của chính quyền kháng chiến De Gaulle.

Dần dà rồi ông cũng phải thích nghi. Có lẽ thời gian đủ để ông nhận ra rằng con đường chính trị với ông đã kết thúc, người Pháp ở Đông Dương không bao giờ đưa ông về lại ngôi vua khi ảnh hưởng của phong trào Cần Vương vẫn còn âm vang trong lòng dân chúng.

Vì thế, không thể sống hoài với quá khứ hay chờ đợi một tương lai do người khác quyết định, Hàm Nghi đã tự chọn cho mình một cách sống mới, khác đi ít nhiều thân phận một vị vua lưu đày.

Ông vẽ tranh.

Có thể do máu nghệ sĩ sẵn có trong tim mình, hoặc cũng có thể nghệ thuật như một khoảng trời tự do để ông thả hồn, để quên đi cuộc sống chật chội, lưu vong.

Hàm Nghi đã gây chú ý về khả năng vẽ của mình, viên sĩ quan Pháp chuyên canh giữ ông hay cả người phiên dịch do chính quyền Đông Dương gởi theo đều có cùng nhận xét là ông có thiên tài bẩm sinh trong bộ môn nghệ thuật này. Dù chưa được qua trường lớp nào nhưng tranh của Hàm Nghi là cả một sự hài hòa về cảm xúc và nghệ thuật.

Ông được chính quyền Pháp tại Alger cho theo học vẽ với họa sĩ Marius Reynaud (1860-1935), một hoạ sĩ Pháp sống tại Alger, thành viên của hội nghệ sĩ Pháp thời ấy, là một họa sĩ danh tiếng.

Kể từ 1889 cho đến 15 năm về sau, Hàm Nghi được theo học những lớp vẽ với các họa sĩ tên tuổi khác, ngoài vẽ, ông còn học cả điêu khắc, âm nhạc… Việc tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm Châu Âu đã mở ra một chân trời mới. Ông tự do sáng tạo, không bị gò bó trong những quy trình hay theo một khuôn phép nào.

Từ một vị vua lưu vong, Hàm Nghi trở thành một họa sĩ vẽ tranh, một nhà điêu khắc… thăng hoa.

Từ 1899, chính quyền Pháp tại Alger cho phép ông hàng năm được du lịch qua Pháp. Tại Paris, ông đã được tham dự các buổi triển lãm tranh của các họa sĩ danh tiếng. Ông được làm quen với các nhà văn, nhà điêu khắc, được tắm mình trong bầu không khí nghệ thuật của cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông trở thành học trò, rồi thành bạn của hoạ sĩ Gauguin. Ông rất yêu quý Gauguin và trường phái ấn tượng, tranh ông đã mang rất nhiều ảnh hưởng của trường phái này. Rồi ông làm quen với Auguste Rodin, nhà điêu khắc kiêm họa sĩ nổi tiếng này đã tặng tranh cho ông, ông đã biếu lại bức tượng phụ nữ khỏa thân hiện vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Rodin tại Paris.

Bức ”The path in springtime” (Con đường vào mùa xuân), kích thước 32,5×38,5 cm, được Lynda Trouvé định giá 1.500-2.000 euro (khoảng 40-54 triệu đồng).

Ông đã trở thành bạn tâm giao của nhà văn Judith Gautier, người bạn này đã mở ra cho ông cánh cửa bước vào thế giới văn nghệ sĩ tại Paris. Năm 1926, 50 bức tranh của ông được triển lãm tại Paris, tất cả đều ký bút danh Tử Xuân, tên cúng cơm của ông thời còn ở quê nhà, đã đưa tên tuổi ông ngang hàng các văn nghệ sĩ thời ấy.

Rồi nhà văn Pierre Loti đã rất hân hoan khi được Hàm Nghi tặng bức tượng kèm chữ ký tên ông – Tử Xuân – ở bên dưới.

Cứ thế, ông nhẹ nhàng hội nhập vào xã hội Pháp, nhẹ nhàng xếp mình ngang hàng với các nghệ sĩ đương thời, nhẹ nhàng cống hiến ba phần tư cuộc đời còn lại cho đam mê nghệ thuật, làm vinh danh tên tuổi Việt Nam khi trở thành họa sĩ có tranh triển lãm đầu tiên ở nước ngoài, xa lạ với huyền thoại một vị quốc vương suốt đời đau đáu về chốn quê nhà bỏ lại.

Rất tiếc là tranh của ông bị thất thoát nhiều trong chiến tranh. Trong số 50 bức triển lãm năm 1926 nay cũng chỉ còn 15 bức còn được gia đình lưu giữ, còn lại một phần rơi rớt do lúc còn sống Công chúa Như Mai đã dùng để tặng những ai thân quý cha mình.

Cuộc sống lưu đày cứ thế ngày càng dễ chịu khi ông đã có tự do trong khung trời nghệ thuật của mình…

Ông không còn là ông vua Hàm Nghi của phong trào Cần Vương, một ông vua lưu đày, mà là một nghệ sĩ, một họa sĩ tài hoa.

Hình ảnh quê hương vẫn luôn ở trong ông nhưng không là một quá khứ để khắc khoải. Và ngay cả việc chọn vẽ tranh để khuây khỏa nỗi nhớ quê của một ông vua đi đày cũng chỉ là huyền sử, bởi trong tranh ông không có hình ảnh “tiếng tre êm ru” hay “con diều vật vờ’’, mà chỉ là cái đẹp được cảm nhận và thể hiện qua tâm hồn của một nghệ sĩ. Qua đó ta thấy vẽ mới là đam mê chính của ông, chuyện chính trị, chuyện áo mão quan trường chỉ là do dòng đời đưa đẩy, là một phần tư của cuộc đời trong quá khứ An Nam xa xôi.

Năm 1904, ông kết hôn với cô Marcelle Laloe, là con gái của vị chánh toà thượng thẩm Alger. Họ có cùng nhau ba người con, đều là ba con người thành danh ở xứ người, để đến bây giờ mỗi lần về miền Trung nước Pháp, làng Thonac hay làng Chabrignac, tên hai cô công chúa được nhắc đến một cách trân trọng: Công chúa Như Mai (1905-1999), Công chúa Như Lý (1908-2005), Hoàng tử Minh Đức (1910-1990).

Công chúa Như Mai không lập gia đình, bà là một kỹ sư canh nông nổi tiếng với những bài nghiên cứu rất hữu ích cho nền nông nghiệp nước Pháp và thuộc địa. Bà là chủ nhân trước đây của tòa lâu đài Losse ở Montignac mà tôi đã nói trên.

Công chúa Như Lý kết hôn với Công tước François
Barthomivat de la Besse. Bà từng theo học ngành Dược, có ba người con, tất cả những di vật bao gồm nhiều tranh vẽ của vua Hàm Nghi phần lớn được lưu giữ tại tòa lâu đài De la Nauche của Công chúa Như Lý hiện do con bà thừa kế, gìn giữ. Hoàng tử Minh Đức từng ở trong quân đội lê dương, mang quân hàm Đại tá.

Cứ thế, vua Hàm Nghi hoàn toàn hội nhập vào xã hội Pháp, hướng cuộc đời mình vào nghệ thuật và nuôi dạy con thành danh để không hổ thẹn với quê nhà. Ông không viết tiếp được trang sử vẻ vang cho triều Nguyễn như lịch sử mong muốn nhưng đã viết nên một trang sử của nghệ thuật, trong đó tên tuổi ông và An Nam được nhắc đến một cách trân trọng.

Vua Hàm Nghi mất năm 1944 tại Alger. Mộ ông được cải táng về làng Thonac sau khi Algérie giành độc lập.

Trở lại chuyện ngôi mộ của vua Hàm Nghi.

Ở Pháp, nếu sau một thời gian 50 năm, những ngôi mộ nếu không ai thăm viếng chăm nom sẽ bị xóa sổ để giao đất lại cho những mộ mới.

Trường hợp vua Hàm Nghi, cả ba người con ông đều mất. Trong ba người chỉ có Công chúa Như Lý là có con nhưng bà là nữ, con cái bà đều mang họ cha De la Besse, liệu có ai còn nhớ đến cái tên Nguyễn Phúc Ưng Lịch hay triều Nguyễn vua chúa của một thời, của xứ An Nam xa xôi?

Đó là chưa kể người Pháp không đặt nặng trong việc ma chay hay mồ mả như ta. Tôi chắc chắn rồi ngôi mộ ấy sẽ bị lùi vào quên lãng, sẽ bị xóa hết dấu vết nếu vẫn tiếp tục hoang lạnh như thế này.

Giá như Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp hay nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa vốn tự hào truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ta, lúc nào đấy thử vi vu về miền Dordoge thăm thú, thử ghé lại ngôi mộ của vua Hàm Nghi, của Nam Phương Hoàng hậu, biết đâu sẽ có chút động lòng, sẽ có một nghĩa cử nào đó để những con người làm rạng danh Việt xa xứ khỏi mủi lòng nơi chín suối. Nhặt một vài hòn sỏi vương vãi trên mộ, thắp cho ông nén nhang, tôi ra về, hẹn lòng là sẽ trở lại.

Bài liên quan

Bài đăng mới