Nghĩ về “Phủi bụi thời gian trong lịch sử”

Văn Tạo

Tạp chí Xưa&Nay, số 349+350, tháng 2 năm 2010

Mấy năm qua, nhất là từ Xuân Kỷ Sửu (2009) đến nay Sử học Việt Nam đã tiến bước nhiều trong việc “Phủi bụi thời gian trong lịch sử” (tôi quan niệm: lịch sử là khách quan mà nhận thức của con người là chủ quan, thường bị các quan điểm đẳng cấp, giai cấp, chủng tộc, dân tộc, lạc hậu, văn minh chi phối, nó như “bụi thời gian che phủ thực tế khách quan”. Nói một cách hình ảnh thì cùng một nhân vật, sự kiện lịch sử có người nhìn theo màu thời gian coi nó là đỏ là đen, là xanh, là trắng… tùy theo quan điểm của mình.

Cụ thể, xưa kia có cách nhìn chính thống của đương triều phong kiến thống trị, lại có cách nhìn ngược lại của thần dân bị trị. Có khi một thế lực tiến bộ đứng lên lật đổ một triều đại thống trị đã suy tàn thì bị gọi là nhuận, là ngụy như nhuận Hồ, ngụy Mạc, ngụy Tây Sơn. Có nhân vật đã đóng góp nhiều vào lịch sử dân tộc, nhưng vì một vài hành vi làm trái với đạo lý phong kiến lại bị đánh giá thấp như trường hợp Trần Thủ Độ.

Đến thời kỳ cận hiện đại, giao lưu dân tộc và quốc tế rộng mở “màu thời gian” có khi lại bị che phủ bởi các quan điểm dân tộc, giai cấp, Đông, Tây… khác nhau.

Các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, phát xít tới các dân tộc thuộc địa, bị nhân dân thế giới lên án thì lại được các sử gia đế quốc thực dân to tiếng tự hào về công ơn khai hóa, truyền bá văn minh cho các nước nhược tiểu.

Có nhân vật lịch sử vừa có công, vừa có tội lại được sử gia ghi công mà không ghi tội. Hoặc có người “công ít, tội nhiều”, hay “tội ít, công nhiều” lại được ghi ngược lại. Tôi chợt nghĩ: nếu được như Thúy Kiều của Nguyễn Du, ngay khi còn sống đã tự đánh giá là “nghĩ mình công ít, tội nhiều” thì hay biết mấy.

Trong lịch sử thế giới cũng đã có những nhân vật lịch sử biết tự cân công với tội ngay khi còn sống để điều chỉnh hành vi của mình. Với sử học chân chính thì tất cả những gì đã bị “bụi thời gian che phủ”, “màu thời gian biến sắc” đều cần được “phủi bụi thời gian”, “tô rõ màu sắc”.

Có như vậy thì các sự kiện lịch sử mới dần được sáng tỏ, các nhân vật lịch sử mới được đánh giá công minh (trong xây dựng và quản lý xã hội, có được “công minh lịch sử” mới có được “công bằng xã hội”) như trong mục tiêu phấn đấu của toàn dân ta mà các Đại hội Đảng đã đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cũng nhờ vậy mà trong công tác sử học mấy năm nay đã có những tiến bộ nhất định, những công trình sử học của các sử gia từ Bắc chí Nam, các bộ lịch sử của tập thể như bộ Lịch sử nhiều tập của Khoa Sử trường đại học KHXH&NV Hà Nội, bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học Việt Nam mới ra đời đã có cái mới hơn trước.

Nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử đã có được sự nhìn nhận mới, được đánh giá lại chính xác hơn: như về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa nông dân, về sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, về quan hệ dân tộc, ngoại giao, về sáng tạo khoa học, kỹ thuật…

Nhiều nhân vật lịch sử được xem xét một cách công minh như về Khúc Thừa Dụ, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Trịnh Cương, Mạc Đăng Dung, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Vũ Trọng Phụng, các tác giả trong Tự lực văn đoàn…

Lễ an vị tượng Phan Thanh Giản tại Lăng Ông, TP.HCM. Ảnh: Quế Lâm

Còn về dạy sử và học sử thì yêu cầu “phủi bụi thời gian trong lịch sử” lại nằm trong sự nghiệp giáo dục, làm sao cho mọi người yêu sử, học sử. Báo Cần Thơ số 34 (309) thứ năm ngày 23-8-2007 phản ánh một trắc nghiệm thăm dò khoảng 150 em lớp 12 là “Em có thích học môn lịch sử không?”, 81,6% trả lời là “Không”, Và hỏi “Tại sao?” thì các em trả lời là “sách lịch sử khô khan, nặng nề quá, không mấy hứng thú. Các sự kiện, diễn biến lại rậm rạp, dày đặc, rất khó nhớ”. Ở đây có vấn đề thuộc cả về nội dung lẫn phương pháp trong đó: chân lý lịch sử, tính chân thực, tính sinh động của diễn biến lịch sử chiếm vai trò quan trọng.

Muốn được như vậy, sử học phải “phủi bụi thời gian tìm ra chân lý”. Thực tế đổi mới, phải có sự đề xuất vấn đề, tham khảo, tranh luận, kết luận các vấn đề có thể tạm thời kết luận được. Rồi cứ từng bước bổ sung, chỉn lý để ngày càng tiếp cận chân lý khách quan hơn.

Năm qua, sử học Việt Nam đã tiến lên một bước trong thực hiện nhiệm vụ này. Tuy vậy cũng có nhiều bạn thân của tôi đùa vui hỏi “Các anh khơi dậy mấy nhân vật lịch sử đó làm gì? Hiểu như vậy là đủ rồi, còn gì nữa mà phải tranh luận?”. Tôi cũng vui trả lời: “Nhận thức của chúng ta là hữu hạn, mà chân lý khách quan là vô hạn… Chúng ta chỉ ngày càng tiếp cận chân lý, chỉ đi đến chân lý tương đối chứ không đạt tới chân lý tuyệt đối”.

Do đó việc nghiên cứu, tìm tòi, trao đổi vẫn cần tiến hành không chỉ ngành sử phải làm mà có thể tất cả những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà đều cần phải và có thể đóng góp, nhất là các ngành gần gũi với Sử học như Triết học, Văn học, Xã hội học, Văn hóa, Nghệ thuật…

Còn khi biên soạn, phổ biến thì cũng tránh để cho tâm lý, tình cảm lấn át tư duy khoa học, như khi viết về họ tộc mình thì quá đề cao cái mà học tộc mình có, mà miệt thị, thậm chí viết sai về đối tượng mà mình không thích hoặc có sự đối nghịch với họ mình như viết họ Trịnh thì tìm cách hạ thấp họ Nguyễn, họ Mạc, khi viết về họ Nguyễn thì hạ thấp họ Trịnh, Tây Sơn… Năm Canh Dần, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, 25 năm Đổi mới, sử học Việt Nam sẽ có sự đổi mới tiến lên nữa trong việc “phủi bụi thời gian trong lịch sử”, tôi tin là như vậy.

Bài liên quan

Bài đăng mới