Nghiên cứu về quan điểm giữa Mạc Thiên Tứ & Phraya Taksin

Nguyễn Duy Chính (dịch)

Tạp chí Xưa&Nay, số 573, tháng 3 năm 2025

Bản dịch này dựa trên bài viết “Mac Thien Tu and Phraya Taksin: A survey on their political stand, conflicts and background”, tác giả Trần Kinh Hòa (Chingho A. Chen) được trình bày trong hội nghị thường niên thứ 7 (IAHA Conference, Bangkok, August 22-26, 1977) và được đăng tải trong “Proceedings, Seventh IAHA conference”, Vol. II, pp. 1535-1575, Bangkok, 1979.

GS. Trần Kinh Hòa (1917-1995)

Trong khoảng 100 năm giao thời giữa hai triều đại Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911) chứng kiến một cuộc di dân của người Hoa ở phía nam xuống các nước Việt Nam, Cambodia (Chân Lạp), Xiêm, Mã Lai và Borneo (Indonesia). Cuộc di cư của nạn dân Trung Hoa xuống vùng “Nam Dương”⁽²⁾ (South Seas) không phải là một hiện tượng hiếm, mà đã xảy ra từ thời Tần – Hán. Nhiều cuộc di chuyển đã xảy ra mỗi khi có thay đổi triều đại hay bất ổn chính trị khiến các khu vực duyên hải Nam Trung Hoa bị tàn phá.

Tuy nhiên, vào giai đoạn này, những nhóm Hoa kiều liên tục di chuyển xuống, trợ giúp vua chúa địa phương khai khẩn các vùng đất hoang, phục vụ họ như quan lại và lập ra những lãnh địa tự trị và có khi còn sinh hoạt như một phiên trấn độc lập.

Những hoạt động khai phá đó đã mở rộng địa bàn của Hoa kiều hải ngoại và đánh dấu việc thành lập những tập thể có tổ chức ở thế kỷ thứ XVIII tại Đông Nam Á châu.

Tôi [Trần Kinh Hoà] xin nói qua về chính quyền Đông Ninh [東寧, Tung-ninh] của họ Trịnh [鄭氏] là những người kịch liệt chống lại sự cai trị của người Mãn Châu liên tiếp trong ba thế hệ (bao gồm Trịnh Thành Công [鄭成功, Cheng Ch’eng-kung] hay Quốc Tính Gia [Koxinga], Trịnh Kinh [鄭經, Cheng Ching] và Trịnh Khắc Sảng [鄭克塽, Cheng K’e-sang], tức là trên 20 năm (1661-1683) bằng cách cố thủ ở Đài Loan và Bành Hồ [Pescadores]. Chính quyền này không thể coi là một thực lực chính trị của Hoa kiều hải ngoại vì vị trí địa lý của Đài Loan quá gần lục địa, cũng như phương châm “phản Thanh phục Minh” ngụ ý hoạt động của họ chỉ là đấu tranh chính trị của người Trung Hoa ở trong nước. Tuy nhiên, trên nhiều mặt, lực lượng này vẫn được đánh giá như những tập hợp người Hoa di cư mạnh nhất ra khỏi nước trong một thời điểm nhất định.

Thực ra, cuộc đối kháng của họ Trịnh chống lại người Mãn Châu và sự suy đồi sau này không phải chỉ là một giai đoạn liên quốc gia ở vùng Viễn Đông, mà còn ngấm ngầm khuyến khích những người Trung Hoa định cư sinh hoạt tự do hơn, từ đó dẫn tới thành lập những chế độ tự quản trên khắp vùng Đông Nam Á.

Các khu vực người Hoa tại chính quốc di cư xuống Đông Nam Á (Trích từ A history of the Thai-Chinese⁽¹¹⁾, tr. 10)

Một thời gian ngắn trước khi họ Trịnh đầu hàng triều đình Mãn Thanh, có những đồn đãi trong công ty Đông Ấn Hòa Lan (Dutch East Indies Company) ở Nagasaki là Trịnh Khắc Sảng, người thủ lãnh sau cùng của họ Trịnh và thủ hạ đã tính chuyện chạy sang Cambodia để tị nạn nếu như Đài Loan rơi vào tay nhà Thanh⁽³⁾. Dĩ nhiên, kế hoạch đó không thực hiện được (thực tế Trịnh Khắc Sảng đầu hàng lực lượng viễn chinh của Thanh triều vào tháng 9 năm 1683), nhưng chúng ta cũng biết rằng – có thể liên quan trực tiếp tới kế hoạch của họ Trịnh chạy sang
Cambodia – khoảng chừng 70 chiến thuyền chở 3.000 người và gia đình do Dương Ngạn Địch [楊彥迪] (tức Yang Yen-ti, còn gọi là Dương Nhị [Yang Erh, 楊二]) và Trần Thượng Xuyên [陳上川] (tức Ch’en Shang-ch’uan, còn gọi là Thắng Tài [Sheng-ts’ai, 勝才]), giong buồm đến vịnh Tourane (Đà Nẵng) ở miền Trung Việt Nam quy thuận chúa Hiền (賢王) [tên là Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕) 1648-1687] vùng Quảng Nam⁽⁴⁾, rồi sau đó theo lệnh của chúa Hiền, họ đã chia thành hai nhóm đi vào vùng Đông Phố [東浦]⁽⁵⁾ (nay là lưu vực sông Sài Gòn) vào tháng 12 năm 1682 và tháng 5 năm 1683).

Thời đó, triều đình Quảng Nam chỉ thiết lập một số binh đồn trong vùng Prey-kor (nay là Sài Gòn), còn hầu hết miền Nam Việt Nam vẫn còn chưa được là quản hạt. Nhờ cách thức khai khẩn năng động và khéo quản lý, nhất là tài tháo vát và nghị lực của tướng Trần Thượng Xuyên, những phố thị đầu tiên của Nam Việt, chẳng hạn Đồng Nai đại phố [農耐大鋪] (hay Đại Phố châu 大鋪州) [tức Biên Hoà ngày nay], Mỹ Tho đại phố [美秋大鋪] (Mỹ Tho) và Gia Định [嘉定] được quy hoạch, và sau cùng Gia Định phủ [嘉定府], cơ cấu hành chánh đầu tiên được thiết lập tại Nam Việt Nam, cũng khởi đầu từ năm 1700. Những khu vực định cư này tổng hợp đặc điểm của cả một căn cứ quân sự lẫn một phố thị buôn bán khiến cho dân số tăng trưởng rất nhanh và thương mại nội địa lẫn nước ngoài đều nở rộ.

Cũng rất đáng chú ý khi ghi nhận rằng, lực lượng thủy quân của triều đình Đông Ninh ở Đài Loan, nay chạy trốn xuống miền nam, vốn định dùng như để làm lực lượng bảo toàn khu vực trú ẩn cho Trịnh Khắc Sảng, thì lại trở thành nhóm đầu tiên của những người mạo hiểm khai phá và định cư ở Nam Việt Nam. Đoàn quân “viễn chinh” (Légion étrangères)⁽⁶⁾ mà Thực lục tiền biên đặt tên là “người Long Môn” [龍門之衆] hay “quân Long Môn” [龍門將士], tạo thành một đơn vị độc lập, chứ không do chúa Nguyễn trực tiếp điều động. Từ khi họ đến miền Nam cho đến năm 1752, quân Long Môn vẫn tiếp tục do Trần Thượng Xuyên và con là Trần Đại Định [陳大定] (Ch’en Ta-ting) chỉ huy. Họ cũng vài lần giúp chúa Nguyễn khi chống với người Cambodia và đóng một vai trò then chốt trong việc bành trướng lãnh thổ của nước Quảng Nam xuống phương Nam. Vì những phục vụ nổi trội này, Trần Thượng Xuyên được phong làm Phiên trấn Đô đốc [藩鎮都督] (quan đứng đầu ở Gia Định và Định Tường) một thời gian ngắn trước khi ông từ trần năm 1715. Tuy họ Trần được coi như là gia đình thế lực nhất ở Nam Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XVIII, họ không có nỗ lực nào để thiết lập một chế độ chính trị nhằm cai trị khu vực này⁽⁷⁾.

Năm 1671, khoảng trên dưới 10 năm trước khi dư đảng họ Trịnh đến Nam Việt Nam, một người Quảng Đông từ Lôi Châu [雷州] (Lei-chow, Kwang-tung) tên là Mạc Cửu [鄚玖] (Mo Chiu) cũng chạy loạn từ miền Nam Trung Hoa mà qua Cambodia, ở đây, ông được phong chức “oknha” [屋牙] (Ốc nha, tiếng Miên, tức Thượng thư) tại triều đình. Năm 1700, Mạc Cửu cùng những người Quảng Đông đi theo ông, định cư ở Bantheay Meas trong vịnh Xiêm La, nơi ông xây dựng một thành phố theo kiểu mẫu Trung Hoa đặt tên là trấn Hà Tiên [河仙鎮] và 7 ngôi làng để cho những người di dân chủ yếu là từ Quảng Nam⁽⁸⁾ và Cambodia đến sinh sống. Họ duy trì một hệ thống tự trị trong khoảng gần 80 năm.

Sau khi Mạc Cửu qua đời năm 1735, con ông là Mạc Thiên Tứ [鄚天賜] (còn gọi là Mạc Thiên Tích), hiệu là Sĩ Lân [士麟]) tiếp nhiệm, trở thành Đô đốc Hà Tiên. Thiên Tứ là người Minh Hương [明鄉] lai hai dòng máu Hoa – Việt, mẹ ông là người Việt họ Nguyễn gốc ở Biên Hòa. Mặc dầu trên phương diện chính trị, Hà Tiên trở thành một khu vực thuộc địa của Quảng Nam từ năm 1708, nhưng nhiều chứng cớ cho thấy Hà Tiên vẫn là một vương quốc mà người Trung Hoa gọi là Hà Tiên trấn [河仙鎮], Cảng Khẩu Quốc [港口國] (Kang K’eu Kuo) hay Bản Để Quốc [本底國] (Pen Ti Kuo) hoặc Cancao, Peam, Ponthiamas theo người Âu châu.

Bốn năm sau khi Mạc Thiên Tứ tiếp nhiệm, khoảng năm 1739, Hà Tiên đã đủ mạnh để đánh bại một cuộc tấn công từ Cambodia. Chiến thắng đó khiến cho uy tín của Mạc Thiên Tứ lên cao, khiến ông có tiếng nói mạnh hơn đối với những vấn đề liên quan đến Cambodia⁽⁹⁾.

Vào thời điểm Mạc Thiên Tứ nhận nhiệm vụ trấn thủ Hà Tiên thì tại kinh đô Xiêm La –
Ayutthaya, một nhà buôn Triều Châu [Teochiu] tên là Trịnh Dung [鄭鏞] (Cheng Yung, gốc người làng Hoa Phú [華富Hua-fu], huyện Trừng Hải [澄海Ch’eng-hai], phủ Triều Châu [潮州Ch’ao-chow]) và vợ người Xiêm là Lok Tang sinh được một đứa con trai. Đứa con khi vừa sinh ra được đặt tên là “Sin”, tiếng Xiêm nghĩa là “giàu có”.

Khi đến tuổi trưởng thành, Sin giữ nhiều chức vụ khác nhau ở trong triều và sau đó được biết dưới cái tên Phraya Taksin theo tiếng Xiêm và tên Trịnh Chiêu [鄭昭 Cheng Chao] theo tiếng Hoa. Chỉ sáu tháng sau, khi kinh đô Ayutthaya bị quân Miến của vua Hshinyushin đến cướp phá vào tháng 4-1762, Phraya Taksin – chỉ huy đoàn quân hỗn hợp Hoa – Xiêm [Sino-Siamese army] – đã đánh tan đoàn quân Miến trên đất Xiêm, làm căn bản cho việc thu hồi độc lập và chủ quyền của Xiêm.

Tháng 02 năm 1768, nhờ những thành quả rực rỡ, Phraya Taksin đăng quang và trở thành Xiêm La Quốc vương. Ông giữ ngôi vị chủ tể vương quốc này đến năm 1782 thì bị truất ngôi và bị xử tử bởi tướng của ông là Chao Phraya Chakri, người khai sáng ra vương triều còn cai trị tới hôm nay⁽¹⁰⁾.

Ngoài các hải cảng của Xiêm, một vài cửa biển nằm tại phía đông của bờ trung Mã Lai, chẳng hạn như Patani, Ligor (Nakon Si Thammarat) và Songkhla (Singora) vốn đã duy trì được những giao tiếp đường biển và thương mại với khu vực Nam Trung Hoa từ thời cổ đại. Cuối đời Minh, những cảng này cũng được dùng làm nơi trú ẩn cho các nhóm hải phỉ Trung Hoa và bản xứ.

 Năm 1750, Ngô Nhương [吳讓 Wu Jang] (còn gọi là Sĩ Khản 士侃), một người gốc thôn Tây Hưng [西興] (Hsi-hsing), huyện Hải Trừng [海澄] (Hai-ch’eng), phủ Chương Châu [漳州] (Chang-chow), cùng đồng hương giương buồm xuôi nam xuống Songkhla, định cư ở Khao Deng và xây dựng một đồn điền. Tám năm sau, y lấy một người đàn bà Xiêm từ P’attalung và sinh được 6 người con trai. Ngô Nhương rất được lòng người tại khu vực này và người ta gọi y là “bác cả” [đại bá 大伯].

Năm 1769, khi vua Xiêm Taksin chinh phục được Ligor, Ngô Nhương quy thuận và triều cống, trong đó có cả 50 thùng thuốc lá. Vua Taksin phong cho y chức “luang” và cho y thu thuế đánh trên tổ yến của các hòn đảo lân cận Ko Si và Ko Ha. Songkhla dường như vốn là một trấn của Mã Lai nhưng trở thành của Xiêm sau khi Ngô Nhương được vua Taksin phong chức Trấn thủ Songkhla năm 1775.

Sau khi triều đại Bangkok nổi lên, vua Rama I lại ban cho Ngô Nhương tên họ là “Na Songkhla” và Ngô Văn Huy [吳文輝] (Wu Wen-hui), Trấn thủ thứ hai của Songkhla lại được ban cho danh hiệu cao quí nhất là “Chao Phraya”, nên từ đó Trấn thủ họ Ngô được các Hoa kiều trong vùng gọi là “Quốc chủ” [國主] (kuo chu) hay “Thành chủ” [城主] (ch’eng chu). Họ trung thành với các vua Xiêm nên được ban cho nhiều tước hiệu, được tập tước Trấn thủ đến 8 đời sau và thời đó các trấn ở chung quanh như Patani, Saiburi (tức Kedah) và Trenganu cũng dưới quyền quản hạt của Songkhla⁽¹²⁾.

Trong thời gian đó, năm 1775, một nhóm người Hakkas⁽¹³⁾ gốc Mai huyện [梅縣] (Meihsien) tỉnh Quảng Đông, dưới quyền chỉ huy của La Phương Bá [羅芳伯] (Lo Fangpai) đến định cư ở Pontianak phía tây Borneo. Khi đến đây, những người này thành lập một tổ chức theo dạng công ty có tên là Lan Phương công ty [蘭芳公司] (Lan-Fang Congsi) để tham gia vào việc khai khẩn mỏ vàng. Năm 1777, những người di dân Hakkas này đã chinh phục và thu phục được các thủ lãnh địa phương ở chung quanh và tổ chức thành một chính quyền độc lập ở Iag Mandor, La Phương Bá làm Đại Đường Tổng trưởng [大唐總長] (Ta-T’ang Tsong-Chang). Sau khi La Phương Bá từ trần năm 1795, chức vụ Tổng trưởng (còn gọi là Đại Đường Khách trưởng 大唐客長) do Giang Mậu Bá [江戊伯] (Chiang Mu-pai), Tống Bá Bá [宋播伯] (Sung Ch’a-pai), Lưu Đài Nhị [劉台二] (Liu T’ai-erh) và nhiều người khác nắm giữ trong suốt 107 năm, đến mãi tận năm 1884 là khi công ty này phải sáp nhập vào công ty Đông Ấn Hòa Lan (Dutch East Indies). Theo Giáo sư Lo-Hsiang-lin, ý tưởng chính trị tiêu biểu cho hình thức tổng trưởng này là một pha trộn giữa ý thức dân chủ với mô hình chuyên chế cấp tiến. Ở mặt khác, Tiến sĩ Liu Ch’iang cũng ghi nhận rằng từ “công ty” thực ra chỉ là một tên khác của Hồng môn [洪門] hay Thiên Địa hội [天地會] (T’ien Ti Huei) được thành lập rộng rãi vào thời đó ở các nơi có người Hoa di cư đến tại Đông Nam Á và chỉ ra những nét tương đồng hiện diện trong công ty Lan Phương và Hồng môn⁽¹⁴⁾.

Những sự kiện nêu trên cho thấy Mạc Thiên Tứ (1700-1780) ở Hà Tiên, Phraya Taksin (1734-1782) ở Xiêm, Ngô Nhương (1717-1784) ở Songkhla và La Phương Bá (1738-1795) ở Pontianak đều ở cùng một thời kỳ và họ đều được yểm trợ bởi những nhóm đồng hương là người Quảng Đông (Cantonese), Triều Châu (Teochius), Phúc Kiến (Hokkiens) và Khách gia (Hakkas) theo thứ tự tương ứng. Những cơ cấu chính trị này có một điểm chung là họ đều được thành lập và duy trì bởi người Hoa ở hải ngoại hay hậu duệ của họ, nhưng mỗi người lại khác biệt trong việc tồn tại (raison d’être) và tiến trình đi tới quyền lực.

Phraya Taksin chẳng hạn, khi sinh ra chỉ là một đứa trẻ “lukchin” (pha trộn hai dòng máu Hoa – Xiêm của cha mẹ, ta thường gọi một cách rẻ rúng là “đầu gà đít vịt”), nhưng có nhiều chứng cớ cho thấy ông luôn luôn đứng vào vị thế một người Xiêm, đã chiến đấu anh dũng để đem lại thống nhất và độc lập quốc gia cho dân Xiêm.

 Trong khi đó, chế độ của họ Mạc và của công ty Lan Phương lại thuộc về một mô hình khác. Họ nguyên thủy là những nhóm người Hoa di cư được võ trang để tự vệ chống lại những bộ lạc địa phương ở lân cận, rồi sau này phát triển thành những tổ chức chính trị hướng về một mục tiêu thống nhất và tự kiểm soát. Chính vì thế, việc họ tồn tại được rõ ràng là những gì mà người Hoa di cư mong muốn, không cần biết họ duy trì chính quyền như thế nào và họ giao tiếp với các chính quyền địa phương gần bên của dân bản xứ ra sao. Họ Ngô ở Songkhla có thể được sắp xếp ở giữa mô hình thứ nhất và thứ hai, vì lúc đầu họ giống như một tiểu bang của dân bản xứ Mã Lai, nhưng chẳng bao lâu lại thần phục chính quyền trung ương của Xiêm và hơn nữa, khi những Trấn thủ họ Ngô nối nghiệp lại lấy đàn bà Xiêm thì qua đến đời thứ ba, thứ tư, họ lại càng bị Xiêm hóa (như từ sau năm 1810). Tình trạng của họ cũng giống như Trần Thượng Xuyên, ông này hài lòng với chức vụ Đô đốc và Trấn thủ nên đã hết lòng thần phục chúa Nguyễn mà không bao giờ có ý muốn tách ra thành một cơ cấu chính quyền riêng.

Trong số bốn cơ chế cùng thời này, La Phương Bá là người ít tuổi nhất và thời điểm ông ta xuống miền Nam cũng trễ hơn nên không chắc ông giữ được liên lạc với bất cứ một người nào như Mạc Thiên Tứ, Phraya Taksin hay Ngô Nhương. Ngược lại, có vài tài liệu lịch sử có thể dùng để giải thích đến một mức độ nào đó quan hệ giữa Phraya Taksin và Mạc Thiên Tứ, giữa Taksin và Ngô Nhương cũng như Mạc Thiên Tứ và Trần Đại Định là người đã thừa kế vị trí “Đô đốc quân Long Môn” ở Nam Việt sau khi cha ông từ trần năm 1715. Nhờ những nghiên cứu lịch sử gần đây, chúng ta cũng biết được có một liên hệ bên ngoại giữa họ Mạc ở Hà Tiên và họ Trần ở Biên Hòa. Chính xác hơn, Trần Đại Định lấy Mạc Kim Định [鄚金定], một người em gái của Mạc Thiên Tứ và hai người có một người con là Trần Đại Lực [陳大力] (Ch’en Ta-li). Đại Lực cùng với mẹ và một phần quân Long Môn đã chạy sang Hà Tiên để được ông ngoại là Mạc Cửu bảo vệ. Về sau, nhóm người tị nạn Quảng Đông ở Nam Việt này đã trở thành nhóm nòng cốt cho đội Thắng Thủy [勝水隊], đội thủy quân tinh nhuệ nhất của Hà Tiên⁽¹⁵⁾.

Bên cạnh những đề tài ít người biết này, tôi [TKH] cũng cung cấp thêm một số chi tiết về cuộc đời của Mạc Thiên Tứ và Phraya Taksin cũng như những liên hệ mâu thuẫn giữa họ với nhau.

Các lộ tuyến di cư và buôn bán của người Hoa tại Đông Nam Á (Trích từ A history of the Thai-Chinese, tr. 11)

Trước hết, Mạc Thiên Tứ nổi tiếng là người văn võ song toàn. Trong những thành tựu của ông đáng kể nhất là ông đã duy trì và phát triển văn hoá Trung Hoa truyền thống ở Hà Tiên. Theo Liệt truyện tiền biên (K. 6) thì việc thúc đẩy Mạc Cửu (cha Mạc Thiên Tứ) chạy xuống miền Nam chính là vì lệnh chỉ bắt mọi người phải để tóc đuôi sam [薙髮嚴旨] (Strict ordinance of wearing the pigtail) do Thanh triều ban hành nơi vùng đất người Mãn Châu vừa chinh phục được. Từ khi gia đình họ Mạc rời khỏi Hoa lục, chính vì lệnh chỉ không khoan thứ cho bất cứ ai không chịu “thế phát cải phục” [để tóc đuôi sam và đổi sang y phục Mãn Châu] của Thanh triều mà khi xuống miền Nam, họ đã đặt ưu tiên cao trong việc duy trì và phổ biến những di sản văn hóa của người Trung Hoa tại nơi họ mới di cư đến.

Theo Thanh văn hiến thông khảo (Ch’ing wen hsien t’ong k’ao) [K. 297] thì: “Những lâu đài ở Hà Tiên tương tự như của người Hoa, hầu hết nhà cửa, kể cả dinh tiểu vương, được xây bằng gạch; y phục của họ và các chế độ cũng giống hệt như của tiền triều (tức triều Minh)… dân chúng mặc quần áo cổ cao và tay áo rộng. Thông thường họ mặc y phục nhiều màu khác nhau, trừ khi có tang thì mới mặc quần áo màu trắng… Khi một nam nhân gặp bằng hữu, họ chào nhau bằng cử chỉ chắp hai tay nâng cao lên khỏi đầu [合掌拱上] (hợp chưởng củng thượng). Nói chung, họ coi văn chương là quan trọng, đánh giá cao thơ phú và thư pháp. Trong đất nước này, một văn miếu thờ Khổng Tử được xây mà cả vua quan lẫn dân chúng đều sùng kính. Có nhiều trường học không mất tiền để cho con cháu những gia đình được tuyển chọn”.

Đoạn văn trích trên đây cho thấy ở Hà Tiên vào giữa thế kỷ XVIII chính là một phó sản của văn hoá Trung Hoa ở một nơi xa xôi nằm giữa những người “ngoại chủng” chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Việc Thiên Tứ sùng kính Nho học đã nổi tiếng ở cả Việt Nam và Trung Hoa. Một ghi chú trong Lăng Dương tảo quốc triều lĩnh hải thi sao [凌揚藻國朝嶺海詩鈔] (Ling Yang ts’ao’s kuo ts’ao ling hai shih ts’ao), mục “Dư Tích Thuần” [余錫純] (Yu His-shun), nói rằng Thiên Tứ rất thích những thơ văn thi gia Dư Tích Thuần làm, mỗi khi có thuyền buôn Trung Hoa đến Hà Tiên, ông đều đem sản vật địa phương ra đổi lấy những bài thơ họ Dư mới làm.

Một tập hợp thi văn chữ Hán có tên là Hà Tiên thập vịnh [河仙十詠] bao gồm thơ của Mạc Thiên Tứ và 31 thi nhân khác, cả người Hoa lẫn người Việt, đã được ấn hành do chính tôi [TKH] giới thiệu mười năm trước⁽¹⁶⁾.

  Về cuộc đời của Phraya Taksin, một đặc điểm đáng cho chúng ta quan tâm là việc ông ta có liên hệ mật thiết với tầng lớp quý tộc của Xiêm. Khi Sin mới ra đời, vị thế xã hội của cha ông ta – Trịnh Dung – đã được nâng lên thành một khuôn mặt nổi trội, nhờ vào tài sản kếch xù mà người ta nói rằng đã tích tụ do việc độc quyền gá bạc ở Ayutthaya. Vì Trịnh Dung được triều đình ban tước hiệu Khun Phra (hay Khun Phat) nên nhờ đó ông đã quen biết nhiều người trong giới quyền quý, cậu bé Sin đã được một vị thượng thư có danh vị Chao Phraya nhận làm con nuôi⁽¹⁷⁾. Khi trưởng thành, Sin được chọn làm Tổng quản trong triều vua Ekat’at (Boromoraja V). Thông minh và nói được nhiều thứ tiếng như Hoa, Mã Lai, Việt, Pali, ông được nhà vua sủng ái và ban cho nhiều tước hiệu, đến năm 1764, lại được phong làm Trấn thủ ở Tak (Rahaeng) là nơi ông trở nên rất nổi tiếng. Từ đó về sau, ông được gọi là Phraya Tak, Phraya Taksin hay Chao Taksin.

Nói tóm lại, mặc dù khi sinh ra là một đứa con lai, Sin được nuôi dưỡng trong xã hội thượng lưu như một trẻ con quý tộc và rồi được thăng tiến lên thành một nhân vật thượng đẳng của chính giới Xiêm. Điểm muốn nói ở đây, mặc dầu Sin là người rất có tài năng, ông thực sự vẫn là một người hai dòng máu và như thế, liệu một người lai Tàu có thể trở thành quốc vương với sự ủng hộ rộng rãi của người Xiêm hay không?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cũng hợp lý nếu cho rằng sức nâng để Phraya Taksin tiến lên giành quyền lực bao gồm hai mặt. Trước hết, toàn thể đất nước Xiêm rơi vào một tình trạng khẩn trương khi vương quốc Ayutthaya đã hoàn toàn bị người Miến xâm chiếm và phá hủy; thứ hai, Phraya Taksin đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi ông đánh đuổi được người Miến ra khỏi lãnh thổ Xiêm, xây dựng được một nền móng để thu hồi độc lập và thống nhất đất nước. Tôi [TKH] vững tin rằng hai yếu tố phi thường này đã giúp cho một người lai Tàu lên ngôi vua tại Xiêm. Thật thế, có nhiều lý do để có thể coi rằng việc Taksin lên làm vua là một biểu tượng của sự hài hòa quốc gia có được từ việc dung hợp giữa xã hội của dân địa phương với cộng đồng người Tàu lai đã từng sớm bén rễ nơi đây. Cho nên, việc một vương triều gốc người lai đã làm hết sức để bảo vệ nước Xiêm thay vì đề cao cố quốc của cha mình là điều có thể có được.

Nói về liên hệ giữa Mạc Thiên Tứ và Phraya Taksin, chúng ta chưa nhắc đến tuổi tác hai bên rất cách biệt (khi Taksin mới sinh ra, Thiên Tứ đã 34 tuổi). Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc khi Taksin trở thành người lãnh đạo đất nước “mẹ nuôi” của ông năm 1768 thì Thiên Tứ nắm quyền đã hơn 30 năm một cơ cấu tự trị do những người di dân Quảng Đông từ Lôi Châu đến định cư ở Hà Tiên. Do đó, Taksin đã rất coi trọng Mạc Thiên Tứ và tự coi như một “đứa con đỡ đầu” [誼子] của ông này và cố gắng giữ một liên hệ bằng hữu với đất Hà Tiên. Ngược lại, Thiên Tứ lại nhìn Sin với cặp mắt rẻ rúng và lạnh lùng nhìn sự vươn lên rất mau chóng của Taksin⁽¹⁸⁾.

Thời điểm hai thủ lãnh quen biết nhau cũng cần được làm cho sáng tỏ. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn là trước khi chiếm được Chantabun vào giữa năm 1767, Taksin đã từng nhờ Mạc Thiên Tứ giúp đỡ về quân sự để chống với quân Miến. Theo Prita Crijalalaya thì vào năm 1767, ngay khi Taksin chạy tới Rayong cùng với tùy tòng khi Ayutthaya bị vây hãm thì ông đã gửi một tùy tướng là Luang Bhitchiyaraja đem một lá thư riêng đến Ponthiamas (tức Hà Tiên) để xin Phraya Raja Cershthi (tức Thiên Tứ) cộng tác và giúp đỡ. Luang Bhitchiyaraja có Nai Bunmi đi cùng và họ đã tới Hà Tiên ngày 14 tháng tư Âm lịch (tức 11-5-1767).

Mạc Thiên Tứ đón tiếp phái đoàn một cách thân mật và hứa sẽ gửi thủy quân của Hà Tiên vào khoảng tháng tám hay tháng chín Âm lịch (cùng năm đó) để tham gia chiến dịch đánh quân Miến. Ngoài ra, ông cũng gửi Ong Kai Seng⁽¹⁹⁾ mang nhiều quà cáp để đưa Luang Bhitchiyaraja về Rayong. Prita
Crijalalaya cũng nói rằng khi Taksin lấy được Chantabun vào tháng 6 cùng năm thì viên trấn thủ xứ này là Phraya Chandaburi và gia đình đã chạy sang Ponthiamas để xin Thiên Tứ che chở⁽²⁰⁾.

Vua Taksin (Trích từ A history of the Thai-Chinese, tr. 57, 79)

 Những qua lại này cho chúng ta thêm một số đầu mối. Trước hết, ngoài tình trạng thuộc quốc đối với chúa Nguyễn ở Quảng Nam, Mạc Thiên Tứ dường như vẫn giữ một liên hệ tương tự với triều đình Ayutthaya vì ông cũng mang một tước hiệu của Xiêm là Phraya Raja Cershthi⁽²¹⁾; thứ hai, có chứng cớ cho thấy những liên hệ thân thiện giữa ông ta và trấn thủ Chantabun. Việc ông ta cho Phraya Chandaburi được tạm trú có thể làm phương hại đến mối quan hệ với Taksin. Dù thế nào chăng nữa, khủng hoảng trong quan hệ giữa Thiên Tứ và Taksin bắt đầu khi hai ông hoàng của Ayutthaya, Chiêu Thúy [昭翠] (Chao Thuy) và Chiêu Xỉ Xoang [昭侈腔] (Chao Si Xoang) cùng với thuộc hạ chạy sang tỵ nạn ở Hà Tiên vào cuối năm 1767. Theo một lá thư gửi cho sư huynh Morvan đề ngày 22 tháng 3 năm 1771, hai ông hoàng đến Hà Tiên tháng 11-1767⁽²²⁾.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng, vương tử Chiêu Xỉ Xoang chạy sang Cambodia trên một chiếc thuyền chở lương thực cho Hòn Đất, một mỏm núi cách Hà Tiên chừng 4 giờ đường, nơi đó có một số giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Paris đã chạy trốn vì loạn lạc ở Ayutthaya và đã mở ra một nhà dòng (gọi là nhà Dòng St. Joseph) kể từ tháng 11-1765.

Vào ngày mồng 08-01-1768, nghi ngờ rằng các giáo sĩ đã giúp cho ông hoàng Chiêu Xỉ Xoang chạy thoát qua Cambodia, Mạc Thiên Tứ bắt giữ hai thầy tu người Pháp, đó là sư huynh Artaud và sư huynh Pigneau (sau này là Giám mục Adran, tức Bá Đa Lộc) và một thầy tu người Tàu là sư huynh Jacques Tchang đem đến Hà Tiên để thẩm vấn. Vì các giáo sĩ cực lực phủ nhận mọi vai trò trong việc đào thoát của ông hoàng, sư huynh Artaud bị Mạc Thiên Tứ gửi sang Lovek ngõ hầu có thể mang kẻ đào tẩu trở lại nhưng nhà tu không làm tròn công tác này. Về sau, khi các giáo sĩ được chứng minh rằng vô tội, họ được thả ra cuối tháng 3 cùng năm đó, sau khi bị cầm tù gần 3 tháng⁽²³⁾. Mặt khác, A. Leclère nói rằng vương tử Chao Lesang (Si Xoang) đã xin được triều đình Cambodia của vua Ang Tong ở Oudong che chở⁽²⁴⁾.

Vì động cơ của các vương tử Xiêm La khi đi tỵ nạn ở Hà Tiên là chạy trốn khỏi bàn tay của Phraya Taksin khi đó đang củng cố vị thế của một tân vương ở Xiêm⁽²⁵⁾, Thiên Tứ càng nghi ngại về tham vọng của Taksin nên đã đổi thái độ từ bạn sang thù. Vì thế, ông đã đón nhận Chiêu Thúy một cách nồng nhiệt, lại có ý định sẽ hộ tống vương tử này trở về Xiêm với ý định đưa lên làm vua, để từ đó khôi phục vương triều Ayutthaya⁽²⁶⁾.

Cùng lúc đó, Phraya Taksin sau khi thành công chiếm lại kinh đô Xiêm – Ayutthaya từ tay quân Miến hồi tháng 12-1767, đã lên ngôi vào tháng 2-1768 và bắt đầu tính toán việc tái thống nhất nước Xiêm. Không thể nghi ngờ gì là việc thành công của Phraya Taksin đã được thuận tiện do chiến tranh bùng nổ giữa nhà Thanh và Miến Điện năm 1767 (cùng năm với việc Ayutthaya bị thất thủ), mặc dù không có liên hệ trực tiếp nào giữa hai biến cố.

Được thông báo rằng vương tử Chiêu Thúy đến tỵ nạn ở Hà Tiên, Phraya Taksin gửi nhiều sứ giả đến Hà Tiên, mang theo nhiều lễ vật quý giá trong đó có cả hai khẩu thần công do Tây phương chế tạo và lễ độ xin Mạc Thiên Tứ dẫn độ vương tử Xiêm và hứa sẽ cắt một số lãnh thổ cho Hà Tiên nếu yêu cầu đó được chấp thuận.

Giả vờ như đồng ý với lời yêu cầu của Phraya Taksin, cùng năm đó (1768), Mạc Thiên Tứ sai con rể là Từ Dũng [徐湧] (Hsu Yung) đưa một đội thuyền chở gạo đến Bangkok, làm như cứu trợ cho người tỵ nạn chiến tranh của Xiêm⁽²⁷⁾. Mục tiêu chính của Từ Dũng là dùng mưu bắt sống Taksin. Tuy nhiên, bí mật bị lộ và gạo trên thuyền bị tịch thu, các tướng của đội quân Hà Tiên đều bị bắt và một người trong bọn họ còn bị xử tử trước khi đoàn thuyền được thả cho về lại Hà Tiên. Chính Từ Dũng chết tại Phúc Toàn Sơn [覆荃山] (Bangplasoi?) trên đường về sau chuyến công tác thảm họa này.

Cuồng nộ vì thất bại này, Mạc Thiên Tứ cấm chỉ tất cả các thuyền buôn không được qua Xiêm và sửa soạn một cuộc viễn chinh để hộ tống vương tử Chiêu Thúy về nước⁽²⁸⁾.

Mặt khác, chỉ một thời gian ngắn sau khi ông đăng quang vào tháng 02-1768, vua Taksin gửi sứ giả sang Cambodia ra lệnh cho vua Ang Tong (tức Preah Outay) phải triều cống và thần phục triều đình Thonburi nhưng vua Miên thẳng thắn khước từ, lấy cớ là “Phraya Taksin không thuộc dòng dõi hoàng tộc Xiêm la”⁽²⁹⁾.

Việc từ chối của vua Ang Tong xem ra có thể hiểu được vì lúc này ông là một đồng minh của Mạc Thiên Tứ. Mặc dầu những tài liệu liên quan khác không khiến cho sự việc này rõ ràng, dường như vua Ang Tong quả thực có cho vương tử Xiêm Chiêu Xỉ Xoang trú ẩn khi ông chạy từ Hà Tiên sang Cambodia cuối năm 1767. Chính vì thế, có lý khi chúng ta cho rằng việc ông hoàng Chiêu Xỉ Xoang ở
Oudong hẳn có liên quan đến quyết định của vua Ang Tong.

Do đó, tháng 3-1769, vua Taksin sai Phraya Sut Cinda Bunma⁽³⁰⁾chỉ huy một đội quân Xiêm để hộ tống một vương tử Cambodia tên là Ang Non [匿嫩] (Nặc Nộn) là người đã lưu vong ở Xiêm từ năm 1757 về nước. Mục tiêu của đoàn quân Xiêm là đưa Ang Non lên làm vua Cambodia; tuy nhiên, quân Xiêm bị quân của Ang Tong đánh bại ở Lo-khu [爐摳] (Angkor). Hậu quả là Bunma và lực lượng phải rút về bắt theo một số lớn người Cambodia. Việc Xiêm xâm lăng Cambodia đã khiến cho Hà Tiên kinh hoàng. Ngay khi nhận được tin, Mạc Thiên Tứ ra lệnh cho các tướng ở Hà Tiên phải cảnh giác, đồng thời củng cố việc phòng thủ tại các vùng biên giới⁽³¹⁾.

Vào tháng 9 cùng năm (1769), Thiên Tứ lợi dụng việc Phraya Taksin ra khỏi Thonburi để đem quân đánh Ligor⁽³¹⁾nên đã sai cháu [nephew] là Trần Đại Lực đưa vương tử Chiêu Thúy cùng với 50.000 quân bộ và quân thủy chiếm thành phố Xiêm Chan-bon [真奔] (Chantabun) ở Đông Nam Xiêm La. Mặc dầu lực lượng Hà Tiên chiếm được thành phố sau khi đánh tan 3.000 quân Xiêm do Phraya Taksin gửi đến dưới sự chỉ huy của một tướng người Hoa tên là Trần Lai [陳來] (còn có tên Trần Liên 陳聯) nhưng lực lượng viễn chinh sau đó bị quân Xiêm bao vây trong hơn hai tháng, nhiều quân Hà Tiên chết vì bị bệnh dịch và chỉ còn độ 1.000 quân, nên chẳng bao lâu sau bắt buộc phải rút ra khỏi Chantabun. Như thế, việc Mạc Thiên Tứ thị uy cuối cùng rồi cũng thất bại⁽³³⁾. Cũng cần thêm một điểm là hoàng tử Chiêu Thúy, người được đưa đến Chantabun như một khuôn mặt chỉ huy bề ngoài cho lực lượng Hà Tiên, cũng không dấy lên được một cảm tình nào từ phía dân chúng Xiêm La⁽³⁴⁾.

Mối quan hệ thiếu thân thiện này được ghi nhận bởi những hoạt động dò thám của cả hai bên. Theo Mạc thị gia phả (Genealogical description of the Macs), khi Thiên Tứ nhận được yêu cầu của Phraya Taksin dẫn độ ông hoàng Xiêm thì Thiên Tứ đã giả vờ ưng thuận, trước hết gửi một số thám tử đến Xiêm để thu thập tin tức về thực lực của Taksin. Cũng khi đó, Taksin lại có một gián điệp chìm tên là A Ma [阿摩] trà trộn trong tư dinh của người em gái Thiên Tứ là Mạc Kim Định (mẹ của Trần Đại Lực) để thu thập tin tức về những điều động quân đội của Hà Tiên⁽³⁵⁾.

Kể tất cả mọi việc có thể có, chuyến viễn chinh đến Chantabun của Trần Đại Lực thất bại là vì một phần – nếu không phải là tất cả – do hoạt động gián điệp mà vua Taksin bí mật gửi đến Hà Tiên.

Cũng đáng chú ý là việc mạo hiểm của lực lượng Hà Tiên đã có sự yểm trợ ngầm của vua Càn Long nhà Thanh. Trong vòng năm năm – tính từ khi vương quốc Ayutthaya sụp đổ và nhà Thanh đem quân sang đánh Miến Điện thất bại năm 1767 – đã có 7 sứ bộ qua lại giữa Thanh triều và chính quyền Hà Tiên (sử ghi nhận 3 phái bộ của nhà Thanh và 4 phái bộ của Hà Tiên). Mục tiêu của những phái đoàn này (1767-1772) được ghi lại đầy đủ chi tiết trong Đại Thanh thực lục (Cao tông thực lục [高宗實錄], q. 791-915).

Sự việc khá hiển nhiên là những sứ bộ này ngoài việc thu thập tin tức tại chỗ về tình trạng hiện tại của Miến Điện và Xiêm, trong khi nhà Thanh sắp sửa động binh, Thanh triều đã khen ngợi Thiên Tứ về việc ông bảo trợ cho ông hoàng Xiêm chạy trốn đến Hà Tiên. Nhà Thanh cũng kết án Phraya Taksin là tiếm ngôi của Ayutthaya và cực lực bác bỏ việc xin triều cống và được công nhận chính thức là Xiêm La Quốc vương. Thái độ cứng rắn của Thanh triều rõ ràng đã khuyến khích Mạc Thiên Tứ tiến hành một chính sách tích cực và mạnh hơn với triều đình Ayutthaya của Xiêm La⁽³⁶⁾.

Trong tình trạng đó, căng thẳng giữa Hà Tiên và Xiêm càng lúc càng nặng nên vua Taksin đã quyết định phản công để ra tay trấn áp đối phương. Trong nỗ lực giải tỏa áp lực của Thiên Tứ, vua Taksin đẩy mạnh những hoạt động lật đổ bên trong lãnh thổ Hà Tiên bằng cách khuyến khích một số tay mạo hiểm người Triều Châu sinh sống tại những vùng bờ biển phụ cận của Xiêm, Cambodia và Quảng Nam để khuấy động những bất ổn xã hội hoặc âm mưu nổi dậy chống lại triều đình Mạc Thiên Tứ. Dự tính chiếm Hà Tiên thai nghén năm 1769 không thành công bởi một người Triều Châu, Trần Thái [陳太] (Ch’en T’ai) hẳn có dính dấp đến vua Taksin⁽³⁷⁾.

Mộ Mạc Thiên Tứ trong khu mộ của dòng họ trên núi Bình San, Hà Tiên

Cũng khi đó, sư huynh Corre lại phát biểu trong một lá thư của ông từ Bangkok đề ngày 07-7-1770 là đang có những chuẩn bị để tuyên chiến với Cancao (Hà Tiên) và quân tiên phong của Xiêm đã có lệnh khởi hành vào tháng 10 và nếu mọi việc suôn sẻ thì nhà vua (Taksin) sẽ thân chinh cầm quân đi đánh⁽³⁸⁾.

Sau cùng, vua Taksin bất ngờ đưa lực lượng đến tấn công Hà Tiên và thị trấn này rơi vào tay quân Xiêm ngày 19-11-1771, sau một cuộc vây hãm 10 ngày. Bị đánh đuổi khỏi kinh thành, Thiên Tứ chạy sang Châu Đốc nhưng bị quân Xiêm đuổi theo nên ông bắt buộc phải chạy xa hơn đến Long Hồ [nay là Vĩnh Long] là lãnh thổ thuộc Quảng Nam⁽³⁹⁾.

(Xem tiếp kỳ sau)

Những cước chú trong bài là từ nguyên tác của Giáo sư Trần Kinh Hòa, nhưng một số ghi chú thêm của chúng tôi thì có ghi ở cuối trang là chú và in chữ nghiêng. Theo lệ thường, nếu ngày tháng Âm lịch, chúng tôi dùng Giêng, hai, ba,… Mười Một, Chạp, còn nếu là Dương lịch, chúng tôi dùng 1, 2, 3, …11, 12.

CHÚ THÍCH:

1. Chú: Hình trích từ Mạnh Nghị tuyển tập, Viện Việt Học, Calif., USA, 2011, tr. 4.

2. Chú: Người Trung Hoa gọi chung tất cả khu vực Đông Nam Á là Nam Dương (南洋), không như chúng ta thường gọi riêng nước Indonesia là Nam Dương.

3. Takeo Itagaki, A study on the “Oranda Fusetsusho” [tiếng Nhật], tr. 116-117, Tokyo, 1937.

4. Chú: Tên gọi xứ Đàng Trong hay Cochinchina, người Trung Hoa gọi là Quảng Nam quốc.

5. Chú: Thực ra là Giản Phố [柬浦], dịch âm tiếng Hán Cambodia, nhưng vì hai chữ “giản”và “đông” rất giống nhau nên hay dùng nhầm.

6. Chú: Đoàn quân từ các vùng bị chiếm đóng đưa đi chinh phục các thuộc địa khác, thời Pháp, người mình thường gọi là lính lê dương (quân Pháp tuyển mộ từ các thuộc địa Bắc Phi).

7. Chi tiết về dư đảng họ Trịnh đến Nam Việt Nam và những hoạt động khai khẩn của họ, xin đọc biên khảo 清初鄭成功殘部之移殖南圻 (Thanh sơ Trịnh Thành Công tàn bộ chi di thực Nam kỳ – The Migration of the Cheng Partisans to South Vietnam), phần I và II, 新亞學報 (Tân Á học báo – New Asia Journal – Hsin Ya Hsueh Pao), Bộ V, số 1, từ tr. 453-459 và bộ VIII, số 2 từ tr. 413-485.

8. Chú: Tức Đàng Trong, khu vực chúa Nguyễn cai trị mà người Trung Hoa quen gọi là nước Quảng Nam.

9. Về triều đình họ Mạc và những thành quả của họ ở Hà Tiên, tham khảo:

– E. Gaspardone trong “Un Chinois des mers du Sud, le foundateur de Ha-tien” (Một người Trung Hoa ở Nam Hải, khai sáng đất Hà-tiên), Journal Asiatique, 1952, Paris, tr. 363-385.

– Riichiro Pujiwara, A Study on the achievements of Mac Cuu” (tiếng Nhật), Shiso, Nos, 5-6, tr. 1-11, 1954, Kyoto.

– Chingho A. Chen, “Notes on the ‘Ha-tien-tran Hiep-tran Mac-thi gia-pha’ (Genealogical Description of Macs, Lieutenant Governor of Ha-tien) (in Chinese), Bulletin of College of Arts, N.T.U., No. 7, tr. 77-139, 1956, Taipei.

– Chingho A. Chen, “A genealogical study on the Macs of Ha-tien” (in Chinese), Hua-Kang Hsueh-Pao, No. 5, tr. 179-218, Taipei, 1969.

10. Về cái tên Phraya Taksin, hiện tồn tại nhiều giả thuyết trong các tài liệu Việt và Hán văn. Thực lục tiền biên gọi ông là Trịnh Quốc Anh [鄭國英] hay Trịnh Quốc Hoa Phi Nhã Tân [鄭國華丕雅新] hay giản dị là Phi Nhã Tân. Mạc thị gia phả gọi là Trịnh Nhã Tân [鄭雅新] hay Trịnh Tân. Trong khi đó, Cao tông thực lục [Kau tsong shih lu] gọi ông lúc đầu là Cam Ân Thích [甘恩刺 Kan en ch’ih], sau gọi là Phi Nhã Tân [丕雅新 P’i ya hsin] và sau cùng từ tháng 9-1772 về sau là Trịnh Chiêu [鄭昭 Cheng Chao], cái tên ông dùng trong tấu thư gửi Thanh triều.
Trong những tên này, “Quốc Anh” và “Cam Ân Thích” có vẻ như được chuyển âm từ “krung” (tiếng Xiêm nghĩa là quốc vương) và “Krung Tak” tức là vua Tak. Trong đời của Phraya Taksin, nhiều bài viết và tiểu sử của ông đã được xuất bản bởi những học giả Hoa kiều hải ngoại, trong đó hai nhân vật nổi bật nhất là Ch’en Yu-t’ai và GS Hsu Yun-ts’iao. Tuy nhiên, hầu hết những ấn phẩm của họ cũng chỉ là những bản dịch ra tiếng Hoa của những nghiên cứu lịch sử thực hiện bởi hai sử gia Thái là Luang Wijit Watkan và Nai Pride Sri Chalalai (Prita Crijalalaya). Tiếc thay, có nhiều điểm không đồng nhất, nhất là ngày tháng lịch sử và tên người trong những công trình đã xuất bản. Rõ ràng là một tiểu sử đáng tin cậy của vua Taksin dựa trên việc sử dụng có hệ thống và cân đối giữa tài liệu của Thái và tài liệu bên ngoài rất cần thiết trong thời điểm này.

11. Chú: Jeffery Sng và Pimpraphai Bisalputra, Singapore: Edn, 2015.

12. Ngô Nhương [thay vì Ngô Dương (吳陽 Wu Yang)] mới đích thực là tên của Trấn thủ đầu tiên ở Songkhla. Sự việc này được chứng minh trong nghiên cứu của ông Sokichi Kimura “On the tombstones and ancestral tablets of the Wu family of Songkhla in South Thailand” (tiếng Nhật), Shigaku, Vol. 43, No. 3, tr. 71-109, 1970. Xem thêm Wu yi-lin, Sung K’a Chih, (Description on Songkhla), Everyman’s Library, 718, Taipei, 1968.

13. Chú: Tức Khách gia, tiếng Việt gọi là người Hẹ.

14. Theo tóm tắt bằng tiếng Anh trong Lo Hsiang-lin, “A historical survey on the Lan-Fang Presidential system in Western Borneo, established by Lo Fang-pai and other overseas Chinese”, Hongkong, 1961.

15. Chingho A. Chen, “The migration of the Cheng partisans to South Vietnam”, phần II (tiếng Hoa), New Asia Journal, Vol 8, No. 2, tr. 478, 1968.

16. Chingho A. Chen, “On the literary works of Mac Thien-tu, Governor of Ha-tien, with special reference to Ha Tien thap vinh” [tiếng Nhật], Shigaku, Vol. XL, Nos. 2-3, tr. 149-221, Tokyo, 1967.

17. Theo GS Hsu Yun-tsiao, Sin trở thành “minh linh tử” [螟蛉子] (ming ling tzu, con nuôi) của Thượng thư Bộ Hộ Chao Phraya Chakri, dẫn theo Hsu Yun-tsiao “Notes on Phra Cao Taksin’s tribute to China in the reign of Emperor Chien Lung (tiếng Hoa)”, J.S.S., Vol. VIII, phần I, tr. 1.

18. Theo Mạc thị gia phả và lá thư của sư huynh Corre gửi từ Bangkok vào ngày 01-11-1769. Xem thêm Chingho A. Chen, Notes …, 1956, tr. 103-104.

19. Tên này cũng cần giải thích, Ong là Ông (tiếng Việt), Kai là Cai, viết tắt của Cai cơ [該奇] (military-commandant). Seng là tên riêng.

20. Theo “A biography of Cao Phraya Savargalok”, bởi Prita Crijalalaya, do Y.T. Chen dịch, J.S.S., Vol. I, phần II, Singapore, 1940, tr. 90.

21. Có một số khoảng cách giữa cách giải thích của Giáo sư Y.T. Hsu và Prita Crijalalaya. Theo Giáo sư Hsu, vua Taksin gửi Phraya Raja Sethi đến cai trị Hà Tiên sau khi nhà vua chiếm được thị trấn này năm 1771 (Y.T. Hsu, đã dẫn, J.S.S., Vol VII, phần 1, tr. 17, note 18). Tôi lại coi Phraya Raja Cershthi là một tước hiệu của Xiêm ban cho Thiên Tứ, ít nhất cũng tạm thời cho đến khi tìm ra sự thật.

22. Sư huynh Jacques-Nicolas Morvan thực sự có ở lại Hòn Đất một thời gian ngắn vào tháng 6-1768. Lá thư được viết ở Virampatnam gửi cho sư huynh Hody, Giám đốc “Trường Dòng Paris” (Maitre, tài liệu trích dẫn tr. 168-169).

23. Theo:
– E. Maitre trong “Documents sur Pigneau de Behaine, Evèque d’Adran”, Revue Indochinoise, Fev., 1913, tr. 177-178.
– Mgr. Pallegoix, Description du royaume Thai ou Siam, t. II, tr. 256-259, Paris, 1854.
– Ch. B. Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, Paris, 1932, tr. 146-147.

Tham khảo cho các vương tử Xiêm:
Liệt truyện tiền biên (VI, 6b) chỉ nhắc đến tên Chiêu Thuý.
Gia Định thông chí (III, 52b) nói rằng cả Chiêu Thuý và Chiêu Si Xoang đều đến tỵ nạn ở Hà Tiên và Chân Lạp theo thứ tự.
– Moura, Annales Cambodgiennes (II, 86) lại nói rằng vương tử Prah Cau Si San Rot Doh (Chao Xi-xoang) đến Cambodia tháng 11-1767 và chết ở Cambodia 4 năm sau. Maybon chỉ ra rằng Chiêu Thuý và Chao Si-xoang là con thứ hai và thứ ba của “Vua Hủi” (Leper King) [Vua Ekat’at].
– Chỉ có Mạc thị gia phả nói là hai vương tử đến Hà Tiên trước, rồi sau đó vương tử Chao Si-xoang chạy sang Cambodia vào tháng chín Âm lịch năm Đinh Hợi [丁亥] (23-10 đến 20-11 năm 1767) và điều này cũng được các nhà truyền giáo xác định.
– Trong khi đó, Cao Tông thực lục (q. 817) thì gọi tên các vương tử Xiêm ở Hà Tiên là Chiếu Tụy [詔萃] (Chao Ts’ueh) và còn chú thích là “cháu nội” của vua Ekat’at.
Vì tên thật bằng tiếng Xiêm và tước vị có thể tra cứu được, tôi xin đề nghị gọi họ là Chiêu Thúy và Chao Si-xoang theo như phiên âm tiếng Việt.

24. A. Leclère, Histoire du Cambodge depuis le 1ère siècle de notre ère, Paris, 1914, tr. 385. Leclère đưa ra một miêu tả trái ngược với việc cho rằng vương tử này bị bắt giao cho vua Taksin năm 1773 để đổi lấy gia đình Mạc Thiên Tứ đang bị giam giữ ở Thonburi.

25. Theo lá thư của sư huynh Morvan đề ngày 22-3-1771, dẫn theo Maitre, sđd, 1913, tr. 103.

26. Chingho A. Chen, Notes …, 1956, tr. 103.

27. Nguồn từ Thái xác định việc chở gạo khối lượng lớn từ Hà Tiên đến Thonburi năm 1768. Prita Crijalalaya, dẫn theo Dynastic chronicles (The First Reign, Vol. III, tr. 21), ghi là vua Taksin ra lệnh phân phối số gạo chở từ Hà Tiên bằng thuyền lớn cho những người Xiêm và người Hoa bị khổ sở vì nạn đói gây ra bởi chiến tranh. Mỗi người được phép nhận một thúng gạo đủ ăn trong 20 ngày. Mặc dù một thúng gạo nhập cảng giá từ ba đến năm Baht, vua Taksin đã không ngần ngại mua gạo bằng tiền của triều đình để phân phối được rộng rãi (Prita Crijalalaya, sđd, tr. 108).

28. Phái đoàn của Phraya Taksin và mục tiêu của Từ Dũng được ghi lại trong Mạc thị gia phả và bởi sư huynh Corre trong lá thư đề ngày mồng 1 tháng 11 năm 1769 gửi từ Bangkok. Xem Maitre, sđd, 02-1813, tr. 189-190 ghi chú 6 và Maybon, sđd, tr. 129-130, ghi chú 3.

29. Thực lục tiền biên, q. 11, tr. 7b-8a.

30. Theo Prita Crijalalaya, tướng chỉ huy quân Xiêm là Phraya Anunchitraja, nhưng tiếng Việt chuyển âm thành Phi Nhã Sô Sĩ Bôn Ma [丕雅芻仕奔麻], cho thấy tướng Xiêm phải là Phraya Sut Cinda Bunma, mà ông này nguyên thủy là một cận thần của vua Ek’atat và vào phục vụ cho vua Taksin sau khi Ayutthaya thất thủ (Prita Crijalalaya, sđd, tr. 92).

31. Liệt truyện tiền biên, q. 6, 6b. Thực lục tiền biên, q. 11, 8b; Maybon, sđd, tr. 126-129.

32. Theo sư huynh Corre, Phraya Taksin rời Thonburi vào ngày 20-8-1769 và từ Ligor trở về kinh đô Xiêm khoảng chừng cuối năm 1769 hay đầu năm 1770. Dẫn theo Maitre, sđd, 02-1913, tr. 190, chú thích 2.

33. Cuộc viễn chinh của tướng Trần Đại Lực đã được ghi lại trong Mạc thị gia phả và trong lá thư (đề ngày 22-3-1771) của sư huynh Morvan, là người đã ở lại Hòn Đất thời gian đó. Sau chiến dịch này, triều đình Hà Tiên lại gửi thêm hai hạm đội đến Chantabun. Theo Maitre, sđd, 02-1913, tr. 191-192.

34. Maitre, sđd., Tr. 177, chú thích 3. Maybon, sđd. tr. 130. Mạc thị gia phả đã ghi sai là Chiêu Hoa [昭華] thay vì Chiêu Thuý.

35. Chingho A. Chen, Notes …, 1956, tr. 103.

36. Về chi tiết những trao đổi tin tức giữa triều đình Hà Tiên và Thanh đình, xem Chingho A. Chen trong Notes …, 1956, tr. 113-117. Giáo sư Y.T. Hsu cũng kiểm lại việc trao đổi trong Cao Tông thực lục và thấy rằng nhà Thanh bị ảnh hưởng bởi sự vu khống của Thiên Tứ nên ác cảm rất lớn đối với Taksin. Xem Hsu, sđd, 1940, tr. 3.

37. Xem bên dưới.

38. Maitre, sđd, 02-1913, tr. 190, chú thích 5.

39. Chingho A. Chen, Notes …, 1956, tr. 108, 109.

Bài liên quan

Bài đăng mới