Nguồn gốc trường Hậu bổ Hà Nội (1897 – 1912)

Emmanuel Poisson

Tạp chí Xưa&Nay, số 72B, tháng 2 năm 2000

Văn học và báo chí Việt Nam trước đây thường vẽ ra một hình ảnh châm biếm về trường Hậu bổ. Ví dụ Nguyễn Công Hoan, trong Nhớ gì ghi nấy, chế giễu cung cách học trò trường này như sau: “Nhiều ông cử, tú đi học, có đầy tớ mang tráp, điều theo hầu, giữa giờ ở lớp cũng hút thuốc xe vắt cần câu, kêu cọc cọc.Thầy giáo ta gọi học trò bằng ông”. Phạm Quỳnh cũng mỉa mai lối giáo dục của trường này: “Các ông hậu phải tự hạ vào ngồi ghế học trò tưởng học được cái bí thuật để trị dân, ai ngờ cũng bất ngoại mấy món thường của các cậu “Hàng Vôi”, và các cô “Hàng Cót”: ám tả, địa dư, bốn phép của số học, ba loài trong tạo vật chi gian đó mà thôi”. Nhưng những lời mỉa mai trên, xuất hiện sau khi trường Hậu bổ được thành lập – Nguyễn Công Hoan năm 1970 và Phạm Quỳnh năm 1917 – cũng không giúp chúng ta biết nhiều lắm về nguồn gốc của thể chế này. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng các tác giả nói trên đều nhầm lẫn giữa trường Hậu bổ (thành lập năm 1897) và trường Sĩ hoạn (thành lập năm 1912). Cần nói them rằng trường Hậu bổ là tiền thân của trường Sĩ hoạn, và việc đổi tên này liên quan đến một số cải cách trong chương trình giảng dạy.

Giám đốc Trường Hậu bổ Hà Nội, 1903, không rõ tên tuổi

Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu những chủ định của người sáng lập ra trường Hậu bổ: Hoàng Cao Khải, lúc đó là Kinh lược Bắc Kỳ (1890 – 1897). Vào khoảng cuối 1890, chương trình thực tập ở địa phương (tỉnh, huyện, phủ) hay còn gọi là “học chính tổng quy” được lập lại[i]. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra những yếu khuyết của nó. Vì vậy năm 1896, Kinh lược Hoàng Cao Khải đã thành lập ngay trong nha của mình một trường dạy tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ cho 30 hậu bổ[ii]. Cơ sở này có tên như thế nào thì khó có thể xác định được: các tài liệu lúc thì gọi đó là “trường Hà Nội” (lý lịch của Đặng Kinh và Nguyễn Thụy Hoan nói rằng 1897 hai ông được cử đi theo học ở Trường Hà Nội), lúc lại gọi là “trường học Pháp văn vấn đáp và viết”(lý lịch của Bùi Bảnh, Bùi Hữu Nghiêm, Bùi Kiến Đẩu và Nguyễn Uyển, hậu bổ Sơn Tây, nói rằng các ông này được “lưu đại nha học tập đại pháp tự thoại”).

Đề nghị của Kinh lược được chấp nhận và đến ngày 9 tháng Một năm 1897, trường mang tên chính thức là trường Hậu bổ, nằm ở đại lộ Rollandes (tức phố Hai Bà Trưng bây giờ), với thành phần học sinh là các hậu bổ (đã đỗ cử nhân, tú tài hay là ấm sinh) của các tỉnh gửi đến học. Ngoài ra còn có một số học trò chưa từng là hậu bổ nhưng cũng đã đỗ cử nhân, tú tài hay là ấm sinh. Hoàng Cao Khải đã thành lập cơ sở dạy học bằng tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ này nhằm ba mục đích: cải thiện cơ cấu vận hành của hệ thống hành chính địa phương, đào tạo ấm sinh và giúp cho các hậu bổ có thêm cơ hội học hỏi. Chương trình học chú trọng đến việc đọc và viết chữ quốc ngữ cũng như tiếng Pháp, luyện các cuộc đối thoại bằng tiếng Pháp với vốn từ vựng đơn giản có tính hành chính liên quan đến các lĩnh vực thu thuế, đê diều, tư pháp. Chính vì vậy ngay cả khi người ta cho rằng những tham vọng của trường Hậu bổ là “quá khiêm tốn”, không một ai chỉ trích tính thực tế và cụ thể của việc đào tạo ở đây. Về sau, khi nội dung học tập ngày càng phong phú hơn, thời gian học tập ngày càng phong phú hơn, thời gian học tập cũng dài hơn[iii], thì các môn học mang tính thực thế như canh nông, hình học thực hành, vệ sinh, bao giờ cũng chiếm vị trí quan trọng nhất, để chuẩn bị cho khóa thực tập sau này ở các tỉnh nha, phủ nha và huyện nha.

Như trên đã nói, việc đào tạo ấm sinh là thiên hướng thứ hai của trường. Phải nhấn mạnh rằng vào thời gian này không có cơ sở giáo dục nào dành riêng cho họ. Thực vậy, Hoàng Cao Khải đã nhận xét rằng các trường tỉnh do chế độ bảo hộ lập ra để dạy tiếng Pháp cho ngạch hành chính, đã không thực hiện tốt nhiệm vụ này. Theo Hoàng Cao Khải, các gia đình quan lại không gửi con đến loại trường này vì lý do sau: phần lớn học trò ở đây “đều xuất thân trong các tầng lớp nghèo (…). Tương lai cao sang nhất mà họ mơ tưởng đến là trở thành thông ngôn (…). Thông ngôn thì không bao giờ được tôn trọng như kẻ làm quan. Chính vì vậy mà các gia đình danh giá thích con cái họ theo học Hán học rồi qua khoa cử để sau này vào chốn quan trường”. Để lôi kéo bộ phận học trò này, quan Kinh lược đã không đề ra điều kiện phải đạt đến độ tuổi nào mới được vào học.

Về mục đích thứ ba của trường – giúp cho giới hậu bổ có thêm cơ hội học hỏi – nó xuất phát từ việc Hoàng Cao Khải ý thực được các khiếm khuyết của việc áp dụng nghị định 1892[iv]. Thường thường, các Công sứ và các quan tỉnh ít tạo điều kiện cho hậu bổ được tiếp xúc với việc công: “không phải lúc nào hậu bổ cũng được chỉ định vào các chỗ khuyết. Thường thì người ta hay bổ vào đó những người chưa từng là hậu bổ. Có những trường hợp các hậu bổ phải chờ 3 đến 4 năm mới dược bổ nhiệm ngay sau đó”. Theo thông tư ngày 9 tháng Một năm 1897, những học trò trước đó đã đi thực tập với tư cách là hậu bổ hay đã từng làm việc trong ngạch hành chính, bây giờ lại qua được kỳ thi sau 6 tháng học tập, “có thể được bổ đi làm việc, trừ phi họ muốn học lại thêm một năm nữa. Còn các cử nhân, tú tài và ấm sinh chỉ ghi tên theo diện thí sinh tự do, sau khi qua được kỳ thi này, họ có thể được cử đi về các tỉnh làm hậu bổ để thay thế các hậu bổ nay đã nhận chức trong ngạch hành chính hay giáo dục”. Việc thiết lập lại chương trình thực tập và việc thành lập trường Hậu bổ là những nét cơ bản của chính sách khôi phục danh dự cho giới quan lại sau công cuộc “bình định”. Đồng thời đó cũng thể hiện nổ lực đưa việc dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp vào việc đào tạo quan lại, nhằm cho họ có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện mới. Nếu trường Hậu bổ có mục đích đào tạo con cái những kẻ đang làm quan vào thời diểm đó, chúng ta có thể xem nó như một phương tiện để lôi kéo con cái của những vị quân đã từ chức năm 1884 vì không muốn phục vụ chính quyền Bảo hộ. Bên cạnh đó, việc đặt ra nhiều điều kiện ngặt nhèo nhằm cản lối vào quan trường của các lại viên (lại mục, thông lại, thư lại) và các ký lục, thông ngôn làm cho người Pháp cũng nằm trong chính sách “khôi phục danh dư” nói trên. Đương nhiên, việc thông thạo chữ quốc ngữ và chứ Pháp là một ưu điểm lớn của những nhân viên Việt Nam làm cho người Pháp. Nhưng phương tiện này chưa đủ để giúp cho họ toàn thành tốt công việc của một người làm quan. Đó là lý do tại sao có thể nói rằng chương trình của trường Hậu bổ (và sau này là của trường Sĩ hoạn), như chúng tôi đã nói ở trên, mang nặng tính thực tiễn, lại giúp học sinh trường này bổ sung những kiến thức kinh điển họ đã có được trong qua trình khoa cử. Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng, tính kỹ thuật của chương trình này, mặc dù thường bị nhiều người chỉ trích vì cho rằng nó “làm giảm giá trị” của giới quan lại địa phương, đã góp phần giúp họ thực hiện tốt hơn công việc của mình, thường rất cụ thể liên quan đến đê điều, xử kiện, thu thuế…


[i] Về vấn đề này, xin xem bài của chúng tôi: “Tập sự – một trong những phương tiện đào tạo quan lại” (1820 – 1925), sẽ in trong NCLS, số 6 (XI – XII/1990).

[ii] Xin mở ngoặc để giải thích rằng “hậu bổ” không chỉ đồng nghĩa với tập sự. nó có nghĩa đầu tiên là “công chức chờ bổ nhiệm”.

[iii] Thời gian học tập ở trường hậu bổ lúc đầu (năm 1897) quy định là 6 tháng, sau đó năm 1903 chuyển thành 3 năm (theo nghị định ngày 6-7-1903 của Luce, quyền Thống sứ, điều 6, trong Bulletin administrative du Tokin (BAT), 1903, tr.509).

[iv] Hậu bổ, với tư cách là người tập sự, “có thể được phái về các tỉnh để trông coi việc đê điều hoặc điều tra các vụ việc hành chính”, theo nghị định 4-1-1892 của Lanessan, Toàn quyền Đông Dương (điều 2) trong TTLTQG I – RST 57395: Augmentation des solde du personnel de l’administration indigène (1887 – 1931).

Bài liên quan

Bài đăng mới