Nguồn tư liệu các giáo sĩ Kito về Việt Nam khảo sát tác giả và tác phẩm

Nguyễn Thừa Hỷ

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Các giáo sĩ Kitô đã vào sống ở Việt Nam trong thời kỳ tiền thuộc địa hầu hết là người châu Âu có quốc tịch Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Đức, Tiệp,… thuộc nhiều giáo phái khác nhau của đạo Kitô như Franciscain (Phan Sinh), Dominicain (Da Minh), Augustins déchaux (Augustino Chân Đất),… Hai giáo phái chính là Dòng Tên (Compagnie de Jésus, Société des Jésuites, SJ) ở thời kỳ trước do triều đình Bồ Đào Nha bảo trợ và Hội Thừa sai Paris, tức Hội Truyền giáo đối ngoại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, MEP) ở thời kỳ sau do triều đình Pháp bảo trợ. Cả hai dòng đạo đều đặt dưới quyền lãnh đạo của Giáo hoàng thuộc Giáo hội Roma, có khi hợp tác, có khi đối địch nhau. Một số ít là các giáo sĩ là người châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc) nhưng đều mang tên thánh.

Trang đầu của “Catechismus pro iis, qui volunt suscipere baptismum: in octo dies divisus, cha Alexandro de Rhoder, giáo đoàn chúa Giê su”.
Roma, 1651 (Thư viện trưởng Các ngôn ngữ phương Đông).

Nguồn tư liệu gốc, trực tiếp và sơ đẳng nhất là các bức thư do các giáo sĩ viết, gửi lên các bậc Bề trên ở Macao, Roma hoặc gửi cho các thành viên gia đình, thân thuộc ở quê nhà bên châu Âu. Các bức thư đó đã viết trong hai thế kỷ XVII và XVIII, được tập hợp và in ấn xuất bản nhiều lần trong bộ Lettres édifiantes et curieuses (Những bức thư thiện chính và kỳ thú), tiếp nối là bộ Nouvelles lettres édifiantes (Những bức thư thiện chính mới). Ngoài ra, các thư tín và các bài tường thuật của các giám mục Pháp còn được tập hợp trong bộ Relation des missions et des voyages des evesques vicaires apostoliques et de leurs ecclesiastiques des années 1672, 1673, 1674, 1675 (Bản tường thuật của các giáo đoàn và những chuyến du hành của các giám mục người Pháp trong các năm 1672, 1673, 1674, 1675). Chi tiết hơn các bức thư là các bài tường thuật (dung lượng vừa phải, vài chục trang) và các du ký (dung lượng lớn, vài trăm trang) của các giáo sĩ, với tên gọi chung là relation. Trong các bài tường thuật và du ký này, các giáo sĩ đã quan sát và ghi chép lại với mức độ chi tiết khác nhau về đất nước, thiên nhiên, con người, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, thể chế chính trị và tình hình truyền đạo ở địa phương và trong thời gian mình cư ngụ cũng như ở Đại Việt nói chung. Trong thế kỷ XIX, các bức thư và các bài tường thuật đã được sưu tập và in ấn trong bộ Annales de la propagation de la Foi (Biên niên truyền bá Đức tín) gồm nhiều tập của Hội Thừa sai Paris MEP.

Ngoài các thư tín, bài tường thuật, du ký, các giáo sĩ Kitô phương Tây còn biên soạn một số sách như từ vị, từ điển song ngữ và đa ngữ để phục vụ công cuộc giao tiếp và truyền đạo với các người bản xứ. Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số giáo sĩ đã soạn những cuốn sách bước đầu mang tính chất khoa học như có bố cục chương mục, chú thích dẫn nguồn xuất xứ.

Theo trình tự thời gian, chúng ta có thể khảo sát một số tác giả, tác phẩm của nguồn tư liệu Công giáo liên quan đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII, XVIII và XIX.

* Thế kỷ XVII

– Baldinotti Giuliano (1591-1631)

Tư liệu phương Tây chính thức đầu tiên nói về Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ nói riêng là Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài nguyên bản bằng tiếng Ý, viết năm 1626 của giáo sĩ Dòng Tên Guiliano Baldinotti, sinh năm 1591 tại Pistoia gần thành phố nổi tiếng Florence (Ý), gia nhập Dòng Tên năm 1609, sang châu Á truyền giáo năm 1621, đến Macao và chính thức thăm Đàng Ngoài năm 1626 cùng với trợ tá Giulio Piani, trợ tá người Nhật Bản. Ông đến Đàng Ngoài ngày 7-3-1626, được vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng ở Thăng Long đón tiếp ân cần, rời Đàng Ngoài ngày 18-8-1626 và về tới Macao ngày 16-9-1626.

Tư liệu là một bản báo cáo ngắn của cha G. Baldinotti gửi lên các bậc Bề trên về chuyến đi đến Kẻ Chợ và tình hình Đàng Ngoài (“Tonquin” trong nguyên bản), được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Florence (Ý). Tiến sĩ Mario Carli đã dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “Relation du royaume de Tonquin” và đăng tải trên Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient (BEFEO – Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp) năm 1903, từ trang 71 đến trang 78.

Bản tường trình kể lại chuyến đi vất vả sóng gió của giáo sĩ trên một chiếc tàu buôn Bồ Đào Nha từ Ma Cao đến Kẻ Chợ, thời gian gần nửa năm lưu trú tại kinh thành trong một không khí rất tế nhị với thái độ vừa hoan nghênh, vừa nghi kỵ của nhà nước Lê – Trịnh. Vấn đề hành lễ tín ngưỡng nhiều lúc gay go, những nét phác họa về diện mạo kinh thành Thăng Long và ý định muốn đưa đạo Gia Tô vào xứ này cạnh tranh với những âm mưu của đạo Hồi (?),

Baldinotti còn cho in lại tại Đàng Ngoài hai tập sách dạy giáo lý Thiên Chúa thực nghĩa bằng chữ Hán của Matteo Ricci.

– Borri Cristoforo (1583-1632)

C. Borri là giáo sĩ người Ý, sinh quán ở thành phố Milan. Gia nhập Dòng Tên năm 1601, ông đi Ấn Độ truyền đạo năm 1615. Năm 1618, ông đến xứ Đàng Trong, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ở lại đó ba năm, ông tích cực truyền bá đạo Thiên Chúa, nhất là trong các vùng Quy Nhơn và Hội An. Ông cũng quan sát, tìm hiểu thiên nhiên, con người, phong tục, học hỏi ngôn ngữ xứ sở này, có đóng góp vào việc phiên âm và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Khi trở về Roma, ông viết và cho in cuốn du khảo của ông tới xứ Đàng Trong, được xuất bản ở Roma năm 1631. Nguyên văn được viết bằng tiếng Ý, với nhan de Relazione della nuova missione delli PP. della Compania di Giesu al regno della Cocincina dal P. Cristoforo Borri (Bản tường trình của cha Cristoforo Borri về địa phận truyền giáo mới của các cha Dòng Tên ở xứ Đàng Trong), dày 231 trang sách. Ông còn dạy toán học ở Coimbre và Lisbonne (Bồ Đào Nha). Ông cũng viết một tiểu luận đề ra phương pháp cải tiến trong việc dùng la bàn trong kỹ thuật hàng hải, tới Madrid (Tây Ban Nha) để trình bày với các bậc Bề trên. Nhưng họ đã khước từ vì không tin ông và nghi ngờ ông có chống lại dòng đạo. Và ông đã bị trục xuất khỏi Dòng Tên cũng như khỏi hai dòng đạo khác mà ông theo sau đó. Khi Borri mất tại Roma ngày 24-5-1632, ông không còn theo dòng đạo nào cả.

Cuốn du khảo của Borri đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Latinh, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, được xuất bản, tái bản trong khoảng 15 lần ở các thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Ở Việt Nam, Bonifacy đã cho ấn hành bản dịch lại tiếng Pháp của mình trong tập san BAVH số 3-4 năm 1931. Hiện nay, cũng đã có một vài bản dịch tác phẩm của Borri sang tiếng Việt, với nhan đề Xứ Đàng Trong năm 1621.

So với nhiều cuốn du khảo khác về Việt Nam của các giáo sĩ phương Tây, cuốn du khảo của giáo sĩ Cristoforo Borri có một vị trí và giá trị độc đáo. Thứ nhất, đó là cuốn du khảo khá chi tiết và đầu tiên được viết và xuất bản bằng tiếng phương Tây, cũng như được chuyển ngữ phổ biến ra nhiều thứ tiếng. Thứ hai, tác giả của nó là một giáo sĩ Kitô người châu Âu nhiệt thành với đạo, nhưng không hề cực đoan, cuồng tín, đả kích các tôn giáo khác, nhất là không mang định kiến tiêu cực với các chủng tộc phương Đông, lúc đó thường bị coi là bán khai, lạc hậu. Tuy sống ở Việt Nam không lâu, nhưng Borri đã khá am hiểu đất nước và con người Việt, yêu mến nó và sống hòa đồng cùng nó. Ông rất thân thiện với thiên nhiên Việt, tôn trọng và yêu mến dân chúng Việt, làm quen và thâu hóa với lối sống của người Việt một cách tự nhiên thoải mái.

-A. de Rhodes (1591-1660)

Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ) thuộc một gia đình gốc Tây Ban Nha, sinh tại Avignon, lãnh địa của giáo hoàng thuộc đất Pháp, phục vụ cho triều đình Bồ Đào Nha. Gia nhập giáo đoàn Dòng Tên ở Roma năm 1612, đi thuyền đến Lisbonne để sang phương Đông truyền giáo năm 1619, với ý định muốn tới Nhật Bản. Bị giữ lại Goa (Ấn Độ) đến năm 1623, rồi tới Macao năm 1624. Được cử đến Đàng Trong năm 1625, tới Đàng Ngoài năm 1627, lưu trú qua lại cả hai miền và cũng nhiều lần bị trục xuất về Macao, lần cuối rời vĩnh viễn Việt Nam năm 1646. Trở về châu Âu, Roma và được cử đến Ba Tư truyền đạo. A. de Rhodes mất tại Isfahan (nay thuộc Iran) năm 1660.

Trước tác về truyền giáo và ghi chép về các quốc gia phương Đông của A. de Rhodes là khá phong phú, có tới vài chục cuốn sách. Ở Việt Nam, nhiều người biết đến A. de Rhodes như một người đóng góp công sức lớn cho công cuộc sáng tạo và phổ biến chữ Quốc ngữ và là tác giả của vài cuốn du ký và chuyên khảo nổi tiếng. Các cuốn sách này đều đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản nhiều lần.

Cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinhum (Từ điển Việt – Bồ – La), xuất bản ở Roma năm 1651, có kèm theo phần tóm tắt về ngữ pháp tiếng Việt (Linguae Annamiticae seu Tonkinensis Brevis Declaratio). Cùng xuất bản với cuốn từ điển, có cuốn sách Phép giảng tám ngày (Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptisnum in octo dies divisus), là cuốn giáo lý song ngữ Latinh – Quốc ngữ. Mặc dù A. de Rhodes không phải là người giỏi tiếng Việt nhất cũng như không phải là người sáng tạo đầu tiên ra chữ Quốc ngữ, nhưng ý nghĩa và giá trị của những cuốn sách trên ở chỗ đó là những công trình cho Quốc ngữ đầu tiên được biên soạn và xuất bản.

Hai cuốn du ký – chuyên khảo viết về Đại Việt và tình hình truyền giáo ở xứ đó, được nhiều người biết đến và đã được dịch sang tiếng Việt là cuốn Lịch sử vương quốc Đàng NgoàiHành trình và truyền giáo. Hai cuốn này đều có những thông tin về cả hai miền Đại Việt, nhưng cuốn thứ nhất tập trung vào Đàng Ngoài và cuốn thứ hai có phần viết tập trung vào Đàng Trong. Cả hai cuốn đều có những phiên bản bằng tiếng Latinh, tiếng Ý và tiếng Pháp.

Bản tiếng Pháp cuốn thứ nhất do Henri Albi dịch, xuất bản ở Lyon năm 1651, có nhan đề là Histoire du royaume de Tunquin et de grands progrès que la prédication de l’Évangile y a faits en la conversion des infidèles. Depuis l’année 1627 jusques à l’année 1646 (Lịch sử Đàng Ngoài và những bước tiến triển lớn mà Phúc âm rao giảng đã làm ở nước này để cải hóa lương dân, từ năm 1627 đến năm 1646). Bản tiếng Pháp cuốn thứ hai do nhà in Sébastien Cramoisy xuất bản ở Paris năm 1653, với nhan de Divers voyages et missions du Père Alexandre de Rhodes en la Chine et autres royaumes de L’ Orient... (Những cuộc hành trình và truyền giáo của cha Alexandre de Rhodes và các xứ khác ở phương Đông… ) viết chung về nhiều nước, trong đó có phần nói đến Đại Việt. Tuy so với các cuốn du khảo của các giáo sĩ khác soạn thảo sau này, hai cuốn du khảo của A. de Rhodes còn phần nào sơ lược và có chỗ chưa chính xác, nhưng giá trị của nó là những tác phẩm đầu tiên của người phương Tây viết về Việt Nam, như những công trình nghiên cứu khảo sát thực địa, nếu không kể đến bài tường thuật ngắn của Baldinotti.

– Cardim Antonio Francisco (1595-1659)

A. Francisco Cardim là một giáo sĩ Bồ Đào Nha, sinh tại vùng Viana do Alentejo. Khi học tại đại học Evora, Cardim gia nhập giáo đoàn Dòng Tên, lúc 16 tuổi (1611). Năm 1618, Cardim được cử làm giáo sĩ sang Ấn Độ. Ông học tiếp Khoa Thần học ở Goa. Ông đã qua nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Siam. Từ Macao, năm 1631, Cardim được cử cùng với hai giáo sĩ người Nhật đến cả hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài, được chúa Trịnh Tráng tiếp kiến. Ông từng là viện trưởng một học viện Kitô tại Macao. Cardim tới Roma năm 1645, ông nhận nhiệm vụ làm Tổng Khâm sai giáo tỉnh Nhật Bản, kiêm cả Trung Hoa. Ông mất năm 1659 tại Macao, thọ 64 tuổi.

Francisco Cardim không có du khảo chuyên biệt về Việt Nam, nhưng những thông tin bổ ích về đất nước, con người và công cuộc truyền giáo trong hai miền Đại Việt vào thế kỷ XVII đã được ghi chép trong cuốn du khảo của ông về giáo tỉnh Nhật Bản. Một bản dịch sang tiếng Pháp được cha Francois Lahier thực hiện, xuất bản năm 1645 ở Tournay (thành phố nói tiếng Pháp thuộc Bỉ, gần biên giới Bỉ – Pháp). Nhan đề cuốn sách là Relation de la province du Japon, escrite en Portugais par le Père Francois Cardim de la Compagnie de Jésus, procureur de cette province (Bản tường thuật về giáo tỉnh Nhật Bản, được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha của cha Francois Cardim thuộc giáo đoàn Dòng Tên, Khâm sai phụ trách giáo tỉnh này).

– Tissanier Joseph (1618-1688)

J. Tissanier là một giáo sĩ người Pháp, gia nhập giáo đoàn Dòng Tên năm 1634, giảng dạy ở Poitiers trong chín năm các môn nhân văn, hùng biện và triết học. Năm 1654, ông rời Bordeaux đi Bồ Đào Nha và năm sau theo lời kêu gọi của A. de Rhodes, đáp thuyền cùng với 14 giáo sĩ khác sang vùng Viễn Đông, qua Goa (Ấn Độ), tới Macao năm 1656. Tissanier đến Đàng Ngoài cùng với cha Albier năm 1658, cư trú tại Thăng Long – Kẻ Chợ. Mặc dù lúc này A. de Rhodes đã bị trục xuất, nhà nước Lê – Trịnh vẫn chưa có chính sách cấm đạo Thiên Chúa nói chung. Năm 1660, hai giáo sĩ ở Thăng Long là Tissanier và Borgès vẫn được chúa Trịnh Tạc mời dự yến tiệc, hai ông ngôi một mâm riêng, ngang hàng với các quan đại thần. Tuy nhiên, sau lệnh cấm đạo gắt gao năm 1663, ông cùng với hai giáo sĩ khác đã bị trục xuất sang Siam, được bổ làm Bề trên của giáo hội ở đây từ năm 1669 đến 1675. Ở đó, Tissanier có những tranh cãi với các đồng môn về một số vấn đề giáo lý và nghi thức hành lễ. Cuối cùng, Tissanier được gọi về Macao, làm Khâm sai các giáo tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa. Ông mất tại Macao ngày 24-12-1688.

Trong số các tác phẩm của J. Tissanier, những thông tin về Đàng Ngoài khoảng giữa thế kỷ XVII được ghi chép trong cuốn Relation du voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jesus, depuis la France jusqu’au royaume de Tunquin, avec ce qui s’est passé de plus memorable dans cette mission, durant les années 1658, 1659 & 1660 (Du khảo của cha Joseph Tissanier thuộc giáo đoàn Dòng Tên, từ nước Pháp đến vương quốc Đàng Ngoài, với điều gì đáng ghi nhớ nhất đã xảy ra trong giáo đoàn này những năm 1658, 1659 và 1660), xuất bản tại nhà in Edme Martin, Paris, năm 1663. Nội dung các thông tin đó gần chiếm trọn cuốn sách: 2 chương cuối trong số 23 chương quyển I, toàn bộ 22 chương quyển II và toàn bộ 19 chương quyển III. Viết sau A. de Rhodes khoảng hơn 10 năm, nhưng tác phẩm của Tissanier về Đàng Ngoài đã tiến bộ nhiều hơn, phong phú hơn và toàn diện hơn so với A.de Rhodes và gần tương đương so với sách của cha Marini cùng thời.

Du khảo của Tissanier đã được in lại trong cuốn Misions de la Cochinchine et du Tonkin (Các giáo hội ở Đàng Trong và Đàng Ngoài) do các cha đạo Montezon và Estève biên tập, ấn hành ở nhà xuất bản Charles Douniol, Paris, năm 1858. Tuy nhiên, cho tới nay, cuốn du khảo này chưa hề được biên dịch và xuất bản ở Việt Nam.

– Marini Gionanni Filippo de (1608-1682)

Có lẽ tác giả Marini là giáo sĩ Dòng Tên cuối cùng trong thế kỷ XVII viết du khảo về Việt Nam và cuốn du khảo của ông cũng chi tiết, phong phú nhất so với các cuốn du khảo trước đó.

Filippo de Marini là giáo sĩ người Ý, sinh tại vùng Liguria có thủ phủ là thành phố nổi tiếng Genoa. Ông gia nhập giáo đoàn Dòng Tên ở Roma năm 1625 và được cử sang Đông Dương năm 1638. Marini đã đến xứ Lào và ở Đàng Ngoài trong 14 năm. Năm 1658, sau lệnh cấm đạo, Marini bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài, tới Macao. Năm 1661, ông trở về châu Âu và năm 1663, cho in cuốn du khảo về Đàng Ngoài và xứ Lào của mình. Năm 1671, Marini trở lại Đàng Ngoài, bị cầm tù sáu tháng ở Phố Hiến và tới 1673, lại bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài sang Macao. Ở đây, ông được Tòa thánh phong làm Giám mục, giữ chức Viện trưởng Học viện Macao và mất tại đó.

Cuốn du khảo của Marini được viết bằng tiếng Ý, dày 550 trang gồm 5 tập, có nhan đề là Delle missioni de padri della Compagnia di Giesu nella provincia del Giappone e particolarmente di quella di Tumkino [Những giáo đoàn các đức cha Dòng Tên trong xứ Nhật Bản và đặc biệt là ở xứ Đàng Ngoài], xuất bản ở Roma năm 1663. Một bản tiếng Ý khác được in ở Venise năm 1665. Một bản trích đoạn và được Francois Celestin Le Comte chuyển dịch sang tiếng Pháp, được in ở Paris năm 1666, với nhan đê là Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao (Lịch sử tân kỳ những vương quốc Đàng Ngoài và Lào).

So sánh với các du khảo trước đó như của A. de Rhodes và của Tissanier, cuốn du khảo của Marini có phần toàn diện và phong phú hơn, khi có nhiều những chi tiết về địa lý, lịch sử, các thông tin về chính trị – xã hội cũng về phong tục, tôn giáo, văn hoá. Tác giả Bonifacy nhận định: “Chắc chắn rằng cha Marini cũng đã đọc bộ biên niên sử của Ngô Sĩ Liên hoặc của các môn đệ của ông vì cha đã cho chúng ta một bản tóm lược lịch sử khá chính xác, gồm từ triều đại huyền hoặc Hùng Vương và tất cả những truyền thuyết nói về thời ấy. Tuy cuốn du ký của cha cũng có một số lầm lẫn, nhưng điều chủ yếu mà chúng ta quan tâm là việc cha miêu tả lại những điều mắt thấy tai nghe”.

Cuốn du khảo của Marini về Đàng Ngoài đã được trích dẫn nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam và đã được Nguyễn Trọng Phấn trích dịch một số chương đăng trong tạp chí Thanh Nghị những năm 1942-1943, dưới đề mục “Xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII”. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một bản dịch hoàn chỉnh nào được xuất bản.

– Tư liệu của các giáo sĩ thừa sai MEP

Cùng năm 1663, khi chúa Trịnh Tạc ban hành lệnh nghiêm cấm đạo Hoa Lang, thì ở Pháp, Hội Truyền giáo đối ngoại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, MEP, còn gọi là Hội Thừa sai Paris) cũng chính thức được Tòa thánh La Mã cho phép thành lập, dưới sự bảo trợ của nhà vua Pháp Louis XIV. Những thành viên sáng lập Hội như Francois Pallu, Lambert de Lamotte cũng là những người thành lập và phụ trách các Giáo hội Thiên Chúa ở Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng như đã đến thăm hai miền Đại Việt trong những năm nửa sau thế kỷ XVII. Hai vị giám mục người Pháp tiếp sau là Francois Deydier phụ trách giáo khu Đông Đàng Ngoài và De Bourges phụ trách giáo khu Tây Đàng Ngoài.

Bức quốc thư của nhà vua Đàng Ngoài gửi nhà vua Pháp Louis XIV (Nguồn: Launay A, Histoire de la mission de Tonkin, Paris, 1927, tr. 265

Các giáo sĩ này đều đã để lại những cuốn du ký và nhật ký. Bên cạnh nội dung chính là việc truyền đạo, các ấn phẩm này cũng đã cung cấp một số thông tin về tình tình chính trị nội bộ về chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài cũng như của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính sách đối với đạo Thiên Chúa của nhà cầm quyền qua từng giai đoạn, tình hình các cộng đồng giáo dân nói riêng và dân chúng Việt nói chung.

Một tập hợp các cuốn kỷ yếu biên niên có tên chung là Relation des missions et des voyages des evesques vicaires apostoliques et de leurs ecclesiastiques (Tường trình về các giáo đoàn và những chuyến du hành của các vị giám mục thừa sai và các giáo chức của họ) liên tiếp trong những năm 1672, 1673, 1674, 1675, do Francois Pallu làm chủ biên, đã được nhà vua Pháp cho phép đặc quyền ấn hành tại nhà in Charles Angot, Paris trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 thế kỷ XVII. Qua bộ tư liệu này, chúng ta có thể chọn lọc một số dữ kiện thông tin về tình hình chính trị – quân sự cũng như tình hình kinh tế – xã hội của hai miền Đại Việt, như những thông tin về việc chính quyền Lê – Trịnh dẹp trừ thế lực họ Mạc ở Cao Bằng và giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn.

Hay như các cuốn Relation du voyage de monseigneur l’Eveque de Beryte, vicaire apostolique au royaume de la Cochinchine … (Tường trình về chuyến du hành của đức ông Beryte [tức Lambert de Lamotte], Giám mục đại diện tông tòa ở vương quốc Đàng Trong) xuất bản ở Paris năm 1668, cuốn Les relations de Mgr Lambert de la Motte (1660-1670) (Những bản tường trình của đức ông Lambert de la Motte (1660-1670) do Joseph Dào và Lucienne Leclère tập hợp tư liệu ở AMEP (Lưu trữ Hội Truyền giáo đối ngoại), xuất bản nội bộ ở TP. HCM năm 2006, cùng những cuốn nhật ký của Deydier và De Bourges đã cho chúng ta biết những thông tin nhiều mặt ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài những năm 1670 hoặc tình hình cộng đồng giáo dân ở Hội An, Thăng Long, Phố Hiến …

Hành hình cha Borie, 1838. Tranh được lưu giữ tại chủng viện của hội Truyền giáo ngoại quốc.

-Launay Adrien (1853-1927)

A. Launay sống vào nửa cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX, nhưng là chuyên gia về tư liệu Công giáo thế kỷ XVII.

Adrien-Charles-Launay gia nhập chủng viện của Hội Truyền giáo đối ngoại Paris MEP năm 1874 và được phong linh mục năm 1877. Cùng năm, ông sang Nam kỳ, làm giáo sĩ tông tòa ở Mỹ Tho. Năm 1879, ông bị ốm, điều dưỡng ở Hồng Kông và đến năm 1882 buộc trở về Pháp. Năm 1884, ông yêu cầu được tiếp tục làm giáo sĩ truyền đạo ở nước ngoài, nhưng Bề trên đã giữ ông lại ở Pháp, giao cho ông phụ trách công tác lưu trữ của chủng viện MEP, phố Bac, Paris. Launay là một nhà lưu trữ xuất sắc về các tư liệu Công giáo, đồng thời có kiến thức uyên bác về lịch sử. Ông đã biên soạn rất nhiều tác phẩm về lịch sử các giáo hội MEP ở Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng, Triều Tiên, Mãn Châu, Siam, đặc biệt là ở Việt Nam. Ông còn biên soạn một bộ thông sử Việt Nam gồm ba tập từ ngay buổi đầu thời thuộc Pháp, đó là cuốn Histoire ancienne et moderne de l’Annam, Tongking et Cochinchine, depuis l’an 2700 av.J.C. jusqu’à nos jours (Lịch sử cổ cận đại các xứ Trung kỳ, Bắc kỳ và Nam kỳ từ năm 2700 TCN đến ngày nay), do nhà xuất bản Challamel ấn hành ở Paris năm 1884.

Một vài cuốn sách của Adrien Launay có chứa đựng những thông tin về Đại Việt thời kỳ tiền thực dân, đặc biệt trong thế kỷ XVII có thể tạm kể như sau:

Mgr Retord et le Tonkin catholique (Đức ông Retord và xứ Bắc kỳ Công giáo), Lyon, 1893.

Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, 3 vol. (Thông sử Hội truyền giáo Đối ngoại), Paris, 1894.

Les missions Francaises au Tonkin (Các giáo đoàn người Pháp ở Đàng Ngoài), Paris, 1900.

Lettres de Mgr Pallu, 2 vol, (Những thư từ của đức ông Pallu), Paris, 1904.

Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, T.I, (Tư liệu lịch sử liên quan đến Hội Truyền giáo Đối ngoại), Paris, 1905.

Histoire de la mission de Cochinchine, 3 vol (Lịch sử Giáo hội Đàng Trong), Paris, 1923-1925.

Histoire de la mission du Tonkin: Documents historiques 1658-1717 (Lịch sử Giáo hội Đàng Ngoài 1658-1717: Những tư liệu lịch sử), Maisonneuve, Paris, 1927.

Đặc biệt, cuốn Histoire de la mission du Tonkin xuất bản năm 1927 bao gồm những dữ liệu thông tin gốc rất quý ghi chép từ kho Lưu trữ Hội Truyền giáo Đối ngoại (Archive des Missions Étrangères, AMEP) như bản dịch nhiều lệnh chỉ của chúa Trịnh, bản sao chụp lá quốc thư viết bằng chữ Hán của chúa Trịnh Căn gửi nhà vua Pháp Louis XIV năm 1682.

Bài liên quan

Bài đăng mới